Cao Vị Khanh
Mùa hè, có lần lái xe về từ một thị trấn nhỏ ở phía đông
thành phố, sau bữa rượu ngất ngư với đám bạn cũ, xiêu lạc lâu ngày hỏi ra có
đứa mất vợ, có đứa mất việc, có đứa mất ... mạng, hổng biết cảm khái tới đâu
mà rượu nốc quá cỡ, tôi phóng xe mà không nhớ mình đã quá tuổi thí mạng cùn
trên xa lộ (!?)... (ôi cái thời vàng son của những anh-hùng-xa-lộ đâu còn
nữa khi người ta khép rượu vào tội hình sự khi lái xe, làm mất luôn cái thú bạt
mạng... dởm !)
.... mùa hè ở đây ngắn lắm, thời tiết cứ chơi trò cút bắt
với mình hoài, nên gặp được ngày nắng ấm và vàng lườm là cả đến phụ lão cũng
nghe như thanh xuân dù đã héo xèo mà
vẫn cứ rục rịch chòi lên chòi xuống ...
... đường về hướng tây, cuối tuần lưa thưa xe cộ, ngày đã
chạng vạng, cỏ hai bên đường rướm nắng, thứ nắng quái làm hực lên lòng ta cái
lộng lẫy của sự thế tàn phai ... mặt
trời đỏ gay rồi bầm tím, mặt lộ thẳng băng, khoảng trống trước mặt thênh thang,
hư vô hả hoác miệng, hạ hết kiến hai bên cửa, tay ghìm lái, hai con mắt mở lớn
đứng tròng, gió miên man thốc ngược, kim tốc độ chỉ trăm hai, xe xé gió vùn
vụt, gió luồn vô xe thổi bừng bừng da mặt, thổi luồn vô áo thả nút ngực bung
căng buồng phổi, tóc tai bay hối hả, tim đập giựt
ngược, hơi rượu bốc lên, chân ga trì xuống, trăm ba ...
trăm tư ... sàn xe run run ... tay lái run run ... chiếc xe như ngựa sút chuồng...
một-xe-trong-cõi-hồng-trần-như-bay...
... thoáng chốc tôi như bay...
... thoáng chốc, miệng hư vô hả toác hoác...
... thoáng chốc, một ý nghĩ xẹt qua đầu, giả sử bây giờ
buông tay... cái miệng hư vô táp táp... rồi phụp một cái. Hết. Ngon ơ !
... ngay lúc đó, tôi nghe từ cái máy CD mở lớn hết cỡ
vọng ra tiếng hát “... trờ tới ”. Cái gì ? Cái gì trờ tới ?...
Nhả chân ga, thò tay mò nút repeat... ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, thì hãi hùng, hoàng hôn trờ tới ... Cái gì?
Bấm ngược lại lần nữa ... ta
nghiêng tai nghe lại cuộc đời, thì hãi hùng, hoàng hôn trờ tới ...
Trời ơi, thì hãi-hùng-hoàng-hôn-trờ-tới
... trờ tới, hoàng hôn trờ tới...
Tuyệt vời ! Tuyệt, tuyệt vời !
Vậy đó, lần đầu tôi nghe bài hát Tưởng Niệm của Trầm Tử Thiêng vậy đó... hoàng hôn trờ tới ,
bốn chữ làm hồn vía tôi gĩa rượu, nhả chân ga, chớp đèn khẩn cấp, tấp lại bên
lề xa lộ, trả số N, đốt điếu thuốc, thả khói bay lẫn vào sương chiều đang lãng đãng dâng lên, ngồi bất động nghe đi nghe lại mấy
lần... ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới ... Năm đó, đâu chừng tôi 55 tuổi.
Sao không là ... thì
hãi hùng, hoàng hôn ào tới, hay là hoàng hôn nhào tới, hay là hoàng hôn trào
tới mà lại là ... hoàng hôn trờ tới ? Mà
cái chữ " trờ " này phải nói nó thâm trầm thâm thúy thâm sâu quá mạng ! Ào
tới nghe ra hung hăng quá đáng. Nhào
tới nghe ra cộc cằn quá độ. Trào
tới nghe ra cuống cuồng quá mức. Không. Không
ào, không nhào, không trào gì ráo trọi. Mà phải là trờ,
nhất là đã hãi hùng thì hoàng hôn chỉ có trờ tới là
đúng điệu nhất. Nghiêng tai nghe lại cuộc đời (có lúc nào không, trên cái dòng
đời đang trôi chảy phăng phăng, bỗng dưng khựng lại, nghe ngóng như có một cái
gì đó đang rón rén đi tới, không vội vàng, rất từ tốn, mà lại chắc nịch, bước
đi của thời gian, từng bước, từng bước một, rất đĩnh đạc, không xắn xả cũng không thập thò,
không dọa nạt cũng chẳng rụt rè, chỉ độc một nhịp đều đều, lì lì ...)
. Nếu đã có lần ngong ngóng như vậy thì chắc sẽ có lúc giựt mình hay hoảng hốt
hay hãi hùng khi chợt thấy hoàng hôn ( chiều tà xế bóng, hay ... nét phôi phai, hay ... trò hư hoại ... sự hủy diệt
v.v... và v.v...) không phải đang lù lù ở đó mà là đang ... trờ tới. Trờ
tới nghĩa là một giây, một sát na trước đó chưa có ở đó, trờ tới nghĩa là một
giây, một sát na sau đó đã có ở đó. Trờ tới nghĩa là thời gian, không gian,
tình yêu, hạnh phúc, đau khổ ... không ngừng động đậy, không ngừng chuyển hóa.
Trờ tới nghĩa là vui mới đó đã buồn tức thì. Trờ tới nên mới có bàng hoàng,
sững sờ, hốt hoảng, chết đứng, chết điếng... mới có hãi hùng vì không nghĩ
vậy mà lại vậy, vì tưởng là vậy mà lại không phải vậy... đang nâng niu cuộc
tình lộng lẫy, bỗng bất ngờ vụt mất trong tay ... tình chợt tới rồi tình vụt mất ! Trờ là dịch. Mọi thứ
đều là một cuộc chuyển dịch không ngừng ...Thệ
giả như tư phù bất xả trú dạ !
Nghĩ vậy rồi mới thấy cái gọi là tài hoa của người viết
nhạc... Nghĩ vậy rồi mới thấy thế nào là phút-linh-cầu-mãi-không-về mà bỗng
không... rồi-về-cái-một.
Ờ, có những chữ, những nghĩa, những hình tượng, thi ảnh
bắt gặp trong một câu thơ, câu văn của ai đó làm mình khoái tai, vui mắt, sửng
sờ, sướng rân cả mình mẩy. Rồi lại tưởng mấy ông đó (cái loài nghệ sĩ đó)
chắc là phải kỳ khu dữ lắm để tìm cho ra cái chữ đó, ngay lúc đó, đặt vào chỗ
đó... như không có chữ nào khác, không có lúc nào khác, không có chỗ nào khác
nữa. (kiểu như mấy ông thầy tàu hồi xưa vẽ rồng vẽ phần nào thì vẽ cũng được mà
tới chừng vẽ mắt thì phải tắm rửa sạch sẻ, chải tóc gọn gàng, ăn mặc tươm tất, thắp phiến hương trầm rồi mới xắn tay áo
chấm mực phóng bút điểm nhãn một cái là rồng bay vù lên... mất tiêu). Cái giờ
phút "thiêng liêng" mà Vũ Hoàng Chương gọi là "phút linh"
đó thật ra sao nghe có vẻ trầm trọng hóa vấn đề. Dĩ nhiên cũng không thể tào
lao quá mức như mấy ông tây ở bên ... tây cái hồi phong trào thơ mới-tự do-tân
hình thức gì gì đó làm thơ theo kiểu fatal viết sẵn một mớ chữ rồi bỏ vào cái
nón dơ cao lên khỏi đầu rồi ... xốc xốc lắc lắc ... rồi bóc ra chữ nào thì
viết ra giấy ngay chữ nấy ... rồi gọi đó là ... thơ !
Cho tới giờ tôi vẫn tin viết văn mà nhất là làm thơ là
một công việc dùi-mài-ngọc-bất-trác-bất-thành-khí. Làm, sửa, sửa, làm. Chăm
chút như chuyện dũa móng tay hay tỉa lông mày cho người đẹp. Có điều, đó là làm
thơ ... thường-thường. Còn thơ không-thường thì lại là chuyện khác. Đó là một
bất ngờ. Bất ngờ hoàn toàn. Mà đã gọi là bất ngờ thì không có chuẩn bị, sửa soạn,
sắp xếp (hay là đã chuẩn bị, sửa soạn, sắp xếp đâu đó trong tiềm thức hay tuốt trong vô thức không chừng ?). Ngẫu nhiên, tự dưng,
bỗng không ... thơ tới là tới. Mà hổng tới là bí, hổng bí thì cũng làm cho
có... vần cho vui vậy thôi. Một câu là thơ mà một chữ thôi cũng đủ làm nên
thơ. Đọc lại hơn ba ngàn câu lục bát của Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh
sẽ thấy rõ. Câu nào cũng là lục bát mà hổng phải câu nào cũng là
"thơ". Đầu-lòng-hai-ả-tố-nga-Thúy-Kiều-là-chị-em-là-Thúy-Vân mà thơ
cái nỗi gì. Cái kiểu
người-lên-ngựa-kẻ-chia-bào-rừng-phong-thu-đã-nhuốm-màu-quan-san hay
cánh-hồng-bay-bổng-tuyệt-vời-đã-mòn-con-mắt-phương-trời-đăm-đăm không phải chỗ
nào cũng có. Đó là những viên ngọc trai thiên nhiên nằm lẫn lộn giữa mớ ngọc
trai nhân tạo của thợ cấy Nhật Bản. Đúng cái lúc lá cây phong nhuộm đỏ rừng
phong thì người ta chia tay, ông thi sĩ nhìn người ta bịn rịn (sao mà khỏi rưng
rưng) rồi gọi màu đỏ rừng phong (lao xao lấp xấp y kiểu rưng rưng) là
màu-quan-san thì thật là hết ý. Cái liên tưởng chớp nhoáng giữa một màu lá cây
và một ý niệm chia ly làm thành một thứ
màu mà không ông họa sĩ nào pha được. Màu-quan-san. Mà từ đâu Nguyễn Du
"pha" ra cái màu không có trong bảy sắc cầu vòng ? Nơi miền ngôn ngữ
trong thùy não trái của Nguyễn Du đã có gì xảy ra khi làm thơ mà tới nổi ấy chớ
tôi chắc dù ông Nguyễn miệng ăn nói có dẻo đeo tới đâu trong khi trò chuyện
cũng không kịp "nói" ra cái màu quan san đó. Khi nói chuyện là một
người và khi làm thơ, người ta hóa thân (métamorphose) thành một người khác ?
Có lúc ông Trần Hoài Thư đóng đồn ở tuốt trên cao, buồn
quá ông làm thơ.
Anh ở trên này, mây đùn mây
Mây anh hốt, hốt hoài không hết
Chim thì ít làm sao nghe tiếng hót
Mà em thì xa, tiếng hát cũng xa...
Mây thì đùn mây, chuyện này ai cũng biết. Có điều mây-anh-hốt-hốt-
hoài-không-hết thì không ai làm họa chăng có mấy ông thi sĩ cứ hay ở tuốt trên
... mây. Người ta thường thì đi hốt lá, đi hốt rác (hay bảnh hơn là đi hốt ...
hụi chớ ai mà đi hốt ... mây). Chạy xe qua mấy cái đèo cao nhiều bữa cũng thấy mây
vắt lơ lửng ngang tầm cửa xe, vói tay ra vớt thử, thấy tay không ... thì cũng
chỉ là đùa chơi cho quên đường dài, chớ ai mà có chủ đích kỳ vậy. Vậy mà ông
lính thú xa nhà lâu ngày cứ hay hốt mây. Vậy mà chữ "hốt" ở đây đắc
địa hết sức. Phải lúc đó tính nhà lính mạnh hơn tính nhà thơ, ông viết
mây-anh-quét-quét-hoài-không-hết thì hổng những là mây mà hổng chừng thơ cũng
văng luôn mất tiêu. Ông không quét, ông hốt, ông quơ tay hốt mây nên nghe ra
phiêu bồng lãng lướt thơ thẩn thẩn thơ ghê. Mà cũng lại vừa trần tục nữa. Hình
ảnh của động tác thì phiêu bồng mà ý nghĩa của động tác thì trần tục. Hốt là
quơ, là gom rồi bưng rồi ôm ( không biết là bao nhiêu trong đó mà chắc chắn là
nhiều hơn một) rồi hắt đổ đi. Hốt không phải là nhặt, là lượm. Nhặt, lượm mỗi
lần chỉ có một. Hốt là nhiều lắm, là nóng ruột lắm, là nhớ thắc thẻo, là nhớ
quay quắt mà cứ bị mây (hay đời !) án hoài, nên dang tay ra xô cho lẹ, hốt cho
sạch hết cái mớ cản trở làng chàng để không chừng thấy được mặt người thương.
Có thấy được cái mặt nào không thì là chuyện khác. Nhưng chỉ nội cái động tác
dang tay ra hốt-mây là đã đủ ăn tiền. Ông lính ổng ở tuốt trên cao, cao mịt, vợ
con nhân tình nhân ngãi gì cũng thấp tít mù dưới mấy lớp mây-tần-lĩnh. Nhớ quá,
không làm gì được, ông ra tay hốt-mây để thấy lại một người dưới phố dù chắc
quyết là không thấy được. Biết là không được mà vẫn cứ làm. Tình ở đó và thơ ở
đó. Cái động tác vì ngộ nghỉnh nên dễ thương hết sức. Ngộ nghĩnh vì ngu ngơ, vì
ngớ ngẩn, vì ngây thơ (thi sĩ có phải là cái loại người ngây thơ nhất trần đời
hay không !?) Hổng ngây thơ sao lại dang tay hốt mây, hổng ngây thơ sao lại làm
như thật cái chuyện không làm được... ngây thơ, rồ dại, hay khờ khạo... gì đi
nữa thì tôi chắc cái người được gọi là "em" trong thơ đố mà không cảm
động, không rưng rưng, không thút thít khi nhận được bài thơ ... Vậy là thơ có
"thơ" rồi chớ gì ?
Làm thơ là bắt, là chụp, là hốt, là quơ quào sao cho kịp
lúc cái ý, cái chữ "thần", cái "thơ" vừa nháng qua đầu.
Chụp hổng kịp là thôi rồi, khỏi thơ với thẩn gì nữa! Người ta hay kể chuyện
thôi-xao của Giả Đảo như để cầu chứng cho tính kỷ xảo tuyệt cùng của cái gọi là
làm thơ. Có điều nghe ra sao có vẻ gượng ép thế nào. Tôi vẫn khoái cái lối liên
hoa thất bộ của Tào Thực hơn nhiều. Thơ là hồn nhiên. Thơ là phiêu hốt. Thơ là
đụng đâu làm đó. Thơ là vẩy-bút-làm-mưa-gió. Thơ là
ba-nghìn-thế-giới-vo-tròn-nhỏ-lên-giọt-mực-chỉ-còn-trang-thơ (*) Suông sẻ. Mạch
lạc. Một hơi.
Ngồi cắn bút mà tìm thơ chẳng thà đi mài mực mướn cho
người ta viết đơn hầu tòa hổng chừng còn huê dạng hơn nhiều.
Có lần bày rượu ra hàng ba, nói chuyện làm thơ với Hoàng
Xuân Sơn, để truy tìm nguyên ủy chữ nghĩa trong thơ, cả hai bàn qua tán lại tới
chắt cạn ba chai vang đỏ mà bí nhiệm vẫn hoàn là bí nhiệm. Ngôn ngữ thơ ở đâu
ra mà không có trong mớ ngữ vựng hằng
ngày. Cũng người cũng tình đó. Cũng thân cũng tâm đó. Mà sao lời trong đời
không giống lời trong thơ. Sao lời trong thơ thì trơn tru châu ngọc. Mà lời
trong đời thì lục cục lòn hòn. Thì cũng tự phát, cũng bốc đồng, cũng một mạch ...
mà chữ nghĩa thì khác hẵn. Không lẻ có một Nàng Thơ thiệt. Nàng ăn ở liêu trai
với chàng, rồi thỉnh thoảng thì hà hơi móm lời cho chàng, choàng vai cầm tay
chàng viết nên những câu lục bát... đồng thiếp.
( thơ cũ như là áo xưa chút hương theo gió chút mùa gởi
trăng chút phân vân duột tơ tằm chút mình lẫn chút trăm năm bùi ngùi chút thân
da thịt sần sùi chút tà dương sợi săm soi tuổi đời ) (**)
Thơ đẹp như ... thơ.
Sao vậy, sao làm được vậy ? Chữ nghĩa ở đâu mà mượt mà mà
khuây khỏa mà êm ái mà ngọt lìm lịm...
Đọc thơ mà như nghe lại hơi ai hà lên ngấn cổ, mát rượi
những trưa hè xưa...
nét ơi !
chiều
tấy không cùng
đêm như hoa tưởng
như lồng lộng
trăng
miệng cười
thèm ? nhớ môi chăng
?
cắn đôi hạt ngọc vỡ
mằn mặn
tim (**)
Thôi nói hoài cũng không tới đâu, tìm hiểu hoài cũng chỉ
tội cho mấy chai vang đỏ vang trắng, đã chiêu đãi tới ráo cạn mà thơ thì vẫn
mãi mãi là một... niềm bí ẩn.
Nhưng dẫu bí ẩn tới đâu, anh làm được thơ anh khoái, tôi
đọc được thơ tôi khoái ... mấy
cái chữ mấy cái câu hay kỳ cục ... trờ, hốt,
bằn bặt, vo tròn... hay cho-dù-lịch-sử-đau-bầm-dập… hay
hãy-tin-rằng:-thịt-xương-liền-vào-trong-muôn-kiếp-lậm-tiền-duyên-nhau... cứ trở
tới trở lui trong đầu, những khi...
Cũng đủ rồi há!
Hãy nghiêng tai nghe lại cuộc đời...
đâu đó, vẫn âm âm những lời,
những chữ...
nghe êm ru như tiếng ai dỗ ngọt giữa
mớ âm thanh cuồng nộ của một thế giới đã ...
hóa điên.
(*) Toại Khanh
(**) Hoàng Xuân Sơn
CAO VỊ KHANH
No comments:
Post a Comment