Tố Nghi
Năm 81, vào trại của tui hai bịnh nhơn có triệu chứng
AIDS, cả hai đều đực rựa, homosexual và trên 40. Một trự bị suy hô hấp vì Pneumocystis carinii Pneumonia, trự kia
bướu nấm não và cằm nổi mụt ruồi tổ chảng sần sùi, ung thư Kaposi (sarcoma). Thời
ấy giả thuyết AIDS là bịnh nhiễm virus coi như đã chắc lắm dzồi. Nhưng virus gì
thì hổng biết, lan lây thế nào cũng hổng biết luôn (đường sinh dục, đường máu,
đường hô hấp…). Y học còn lớ ngớ chưa lần ra, thành thử AIDS khi ấy đồng nghĩa
với «ghê-gớm” và với... đi tàu suốt !
Bịnh nhơn AIDS bị cách ly trăm phần dầu, một mình đối
bóng trong căn phòng nhỏ. Nội bất xuất đã đành, nhưng ngoại cũng tránh nhập luôn.
Nếu bất đấc dĩ phải nhập thì người ta mần màn gown mũ mask găng và slipper, tất
cả đều disposable, ra tới cửa phòng là cởi hết quăng lại. Thế vẫn chưa đủ, còn
phải kỳ cọ rửa tay với xà bông sát trùng và xịt alcohol. Bước vào phòng, ta có
liền cái cảm giác thần chết đang núp đâu đó, rồi bất ngờ ló ra ôm gọn lấy ta.
Không khí trong phòng ngột ngạt vì ”mật độ” quá cao của virus thở ra từ
"hơi" người bịnh (mà chời ơi chời... cái mask hở thôi là hở, có cũng
như không !)
Tình trạng dầu sôi lửa bỏng vậy nên người ta mần màn
lương y như mẹ ghẻ, làm đủ bổn phận cho xong rồi gọn lẹ dọt. Khỏi có vụ nán lại
vòng vo ân cần tán dóc chuyện xã hội, chuyện văn thơ, chuyện nắng mưa trăng gió
- cho dù tán là nghề ruột của nàng - Đại khái bịnh đến dzồi bịnh đi (... ra
nghĩa địa), may lắm ta còn nhớ được cái tên chớ mặt mũi bịnh ta quên tuốt luốt
! Hồi hai bịnh nhơn AIDS lìa đời, cả trại bịnh thở phào như thoát gánh nặng ! Kỳ
thị hở ? Hẳn là vậy dzồi. Người chớ có phải mẹ Teresa đâu !
Rồi 84-86, rồi 87-89, do hiểu biết chánh xác, chuyện kỳ
thị giảm nhanh trong môi trường y tế, nhưng các thông tin dồn dập của truyền
thông báo chí đã gieo rắc những bất an ở xã hội bên ngoài. Người ta sanh lòng ái ngại khi phải tiếp xúc
với người có bịnh, thậm chí người ta còn đâm nghi kỵ luôn cả những người đang
ngon lành đứng thẳng - nghĩa là mạnh khoẻ như voi - nếu chẳng may lòi ra chuyện
đi nghiêng của nó - đứng thẳng đấy nhưng đi… vòng kiềng –
Vào lúc còn tranh tối tranh sáng, tâm lý tinh thần người
bịnh AIDS ra sao ? Vụ này tui thiệt hổng tường, bị vì hổng có dịp (đúng hơn hổng
kiếm dịp) để hỏi thăm tìm hiểu. Ở thời điểm cuối thập niên 80 ấy, y hình AIDS
chưa kip xuất hiện trong cộng đồng "thẳng", nên rồi bịnh nhơn AIDS
đương nhiên bị dán nhãn (và thường là dán đúng) homosexual.
*
Xã hội đời thường sao hổng biết, chớ trong bịnh viện người
ta thấy rõ cái tình lân ái của đám vòng kiềng này. Chúng tận tâm tận lực với
nhau dể sợ lắm kia. Một trự vào nhà thương liệt giường liệt chiếu, cả cái cộng
đồng có nó là thành viên bỗng gắn bó ồn ào. Chúng thay phiên nhau thăm viếng, thậm
chí nếu cần còn túc trực thường xuyên mần màn hầu hạ chăm sóc (đút cơm cháo, tắm
gội, đổ bô...). Vào phòng bịnh, nhơn viên y tế lên đồ còn hơn phi hành gia đổ bộ
mặt trăng, vậy chớ bắt buộc cái đám ni mới nai nịt theo mình, chừng mình vừa
ngoảng mặt, chúng cởi ráo ! Chúng rần rần như party, ồn ào vui vẻ hết biết, làm
đám y tế đứng vòng ngoài phải ngẩn ngơ !
Rồi gia đình ruột thịt của người bịnh đâu à ? Thường thường
ít thấy lắm. Có thể hoặc vì gia đình ái ngại chuyện bịnh tật thì ít, nhưng chuyện
vòng kiềng nhiều hơn - xã hội lúc ấy đã và đang rất homophobia ! Cũng có thể
dân vòng kiềng lẳng lặng rời gia đình hổng nói lời từ biệt nên rồi bịnh tật
cũng chẳng ai hay. Một số trường hợp, thân nhơn người bịnh vì biết con cháu anh
em mình có người bạn đường tận tâm tận lực nên yên trí, hoặc ngại đụng
"nó" rồi hổng biết xử sự ra sao, nên rồi cũng ít tới lui!
Hồi chuyện homo trong xã hội còn là phobia thứ thiệt, thì
tui cũng bị lên ruột theo ! Diễn ý văn vẻ thì dzầy : Hễ cứ đụng đám vòng kiềng
là y phép tui dòm liền hai cái cẳng của chúng, coi chúng đi giày size mấy, kiểu
gì, màu sắc ra sao, vớ len dày hay vớ vải mỏng... đại khái là tui quan sát tỉ mỉ
coi chúng giống mình chỗ nào, khác mình chỗ nào... Tới một lúc nào đó, chuyện
dòm cẳng đám vòng kiểng từ từ lùi vào dĩ-dzãng. Gió tuy đổi chiều, nhưng tình của
tui với đám vòng kiềng cũng chỉ tới đó chớ hổng tiến xa thêm, tui vẫn chưa kiếm
ra thì giờ để tìm hiểu tâm tư tình cảm của "chúng giới" !
*
Năm 92-93 chi đó, John Doe (tên giả) nhập viện vì xuất
huyết não. Khi ấy ông mới 46 tuổi, giáo sư đại học, độc thân. Bịnh sử trắng
tinh không tì vết, rượu không, xì ke không, cà phê thuốc lá cũng không. Ông
đang đứng dạy học trong giảng đường thì té gục xuống bất tỉnh. Nguyên do : chảy
máu não vì một cơn cao áp huyết ác tánh.
JD được đưa vào phòng mổ, khoan sọ đăt drain cho máu chảy
thẳng xuống ổ bụng, bone flap giữ đó chờ não bớt ứ máu, bớt sưng sẽ đặt
trở lại. Một nửa thân trái JD bị dính: liệt cơ, méo mặt sụp mí mắt, nói năng chậm
chạp khó nghe, không kiểm soát được bàng quang và hậu môn.v.v. Đại khái tương
lai hổng mấy chi sáng sủa... lắm.
JD là con độc nhứt, tía má ông đã thôi nhau từ 20 năm và
cả hai đều không lập gia đình thêm. Họ thường xuyên vào thăm JD nhưng luôn
tránh đụng mặt nhau. Bạn bè thì... hổng thấy ai hết, ngay cả đám đồng sự. Có
chi đó bí ần lạ lùng không thể hiểu nổi. Nhưng... JD hồi phục rất mau. 1 tháng
sau đó, tuy vẫn còn ngồi xe lăn nhưng ông đã có thể chống gậy vịn tường đi được
5-7 thước, mặt bớt méo, mí hết sụp, nói rõ và nói nhanh hơn trước.
Tiến triển tốt vậy nên JD được đưa xuống phòng mổ đặt lại
bone flap. Chẳng may 5 ngày sau đó, não chảy máu trở lợi. Lại khoan mổ, lại cất
giữ bone flap, rồi lại đưa bone flap vào như trước... Rồi lại chẳng may thêm bận
nữa (quá tam ba bận hén). Neuro surgical team mổ mãi cũng nản lòng. Test tới
test lui hổng tìm ra gì ráo đặng giải thích những
cơn áp huyết lên đột ngột (và xuống đột ngột) làm mạch máo não cầm cự hổng nổi
và bể ra (thì dzậy mới gọi là... ác tánh). Thiếu bone flap nên JD phải đội cái
nồi cơm điện tổ chảng trên đầu, tương lai chưa chừng còn phải đội vĩnh viễn.
Khoảng bone flap trống vắng đó sẽ là một cái van an toàn để giảm bớt áp não khi
cần thiết.
Hy vọng rồi thất vọng, rồi hy vọng nữa và thất vọng nữa...
Sau vài lần như vậy thì JD trầm cảm vì tuyệt vọng. Thì thương cảm chớ sao
không. Tốt tánh, hiền lành, đẹp trai, học giỏi... vậy mà rồi thinh không mọi việc
sụp cái ào, hổng trống kèn báo trước ! Đây là lúc khởi đầu mối cảm thông có hơi
ngoại khổ giữa người bịnh và người trị bịnh. Mối cảm thông đến thiệt bất ngờ,
éo le và gây cấn.
Số là dzầy... y tá ra lệnh cho BS viết thuốc trĩ vì JD bị
trĩ nặng lắm, lòi cả ra ngoài. Trời thần ơi... hổm nay cứ lo cái đầu với nồi
cơm điện, thành hổng ngó ngàng chi tới cái... hậu môn. Trĩ thì bôi thuốc trĩ là
đúng quá xá dzồi ! Thuốc bôi cả 2 tuần hổng
nghe nói năng chi tưởng trĩ đã rút êm rút lẹ, dè đâu hổng có dzậy. Một bữa đi
round, bịnh nhơn nắm tay BS thỏ thẻ, rằng tui ngồi hết nổi vì đau quá xá đau,
tui muốn đi cắt trĩ cho tuyệt nọc. Hỏi, dzậy chớ bị trĩ từ hồi nào ? Thưa, bị
đâu cũng hơn năm mấy dzồi. Trời đất, thế mấy BS trước nói sao ? Ờ, họ cho thuốc
bôi, bôi hoài hổng hết !
Chừng khám thì ôi thôi trĩ đâu hổng thấy, chỉ thấy một
cái "mồng gà" ngoại khổ, kích thước cỡ trái cam sành hổng ít, sần sùi
tím tái. Trái cam ấy nằm ngay "cửa ra vào" và cửa này mở tang hoác hổng
dzụt dzè e lệ chi dzáo, ngó thất kinh luôn ! Cửa hậu thường chỉ dùng để… đổ
rác. Cửa hậu của JD long đinh sút ốc trật bản lề tùm lum, cũng bởi JD tiếp
khách bằng lối này ! Thiệt ra nếu biết chọn mặt gởi vàng, chỉ tiếp những khách
khứa đàng hoàng mẫu mực chắc cũng hổng tới nỗi. Còn đây thì… dòm thoáng cái là
đoán được liền, rằng dân cư bước qua nó hẳn phải là đám ăn xổi ở thì theo kiểu
vui bữa nào hay bữa nấy chớ cũng hổng hề tính chuyện dài lâu !
BS âu yếm nắm tay bịnh nhơn ân cần hỏi tới thì tự sự nguồn
cơn ló dạng... JD biết mình vòng kiềng, và cố gắng giữ bí mật. Nghề nghiệp, gia
đình, xã hội, tôn giáo… tất cả từng ấy thứ trộn lại quả là áp suất có căng phồng
! Mà ẩn mình (… chờ chết) trong closet vậy nên cô đơn quá xá, thế là xảy ra
chuyện “double life”, bàn ngày ta là thày giáo đạo mạo tư cách - được cả đồng
nghiệp lẫn học trò kính nể yêu mến - bàn tối ta thành con thiêu thân lao vào
ánh lửa bập bùng, tỉnh bơ mần màn “huy hoàng một phút” !
Đi đêm miết vậy rồi dở lở sự việc trong gia đình. Ông tiá
chấp nhận thực tế phũ phàng, support ông con, nhưng bà má nhứt định một mực lắc,
ì xèo bắt thằng cu phải trở về "đường ngay nẻo chánh". Rồi căng thẳng
và xào xáo, hai ông bà gây lộn như cơm bữa và họ đồng quyết định… chia tay. JD
u buồn do chuyện li dị của tiá má, rồi ông chìm đắm trong cơn trầm uất từ mặc cảm
tội lỗi và từ nỗi cô đơn. Ba cái đám chuyên gia tâm lý tâm thần, hổng đứa nào
có khả năng giúp ông đặng ! Ông quyết định quyên sinh nhưng lại… sợ chết. Ông
tính đi tu rồi thấy ngó bộ hổng xong, có lúc ông định bước khỏi closet để sống
thật với chính mình, mà rồi lại sợ hãi bị cô lập coi rẻ. Tóm lại… JD lòng vòng
trong mê lộ không cách chi tìm ra lối thoát, sao cho vẹn vẻ mọi đàng.
Khoảng thời gian sau này JD nghỉ dạy (agoraphobia,
anxiety), sống khép kín, tách rời xung quanh, từ chối chuyện thăm viếng của bè
bạn. Rồi stroke xảy đến, rồi biến chứng tới lui. Có lúc JD sanh paranoid, hồ
nghi mình bị AIDS, cho dù test negative - ông vin lý do : sách vở y học có nói
đến những case bịnh, đủ triệu chứng clinic nhưng test cứ negative hoài - Mỗi bữa
tui nghe một chút, mỗi chút ấy là những mảnh puzzle dần dà ráp
lại để ra một bức tranh có gam màu ảm đảm tối thui buồn bã.
Dân vòng kiềng, tất cả có cùng trải nghiệm như JD hay
không ? Ai mà biết cho đặng ! Nỗi cô đơn
to đùng thì hẳn phải có đó. Mà rồi vì cô đơn nên người ta có khuynh hướng họp
đoàn, nương tựa vào nhau, hết lòng với nhau trong cơn hoạn nạn ! Nhưng đây là
trường hợp của đám vòng kiềng đã chui ra khỏi closet, chớ đứng trong (như JD),
hay ấm ớ chơn trong chơn ngoài thì đoàn tìm đâu ra mà họp cho đặng !
Trường hợp của JD rồi sao hở ? Thì sau cùng… ông vẫn chọn
ở lại closet, bone flap được gắn vào, tiến triển khả quan hơn nhưng… hoàn toàn
liệt nửa người. Phần đời còn lại của JD dính cứng với chiếc xe lăn. Ông không về
sống với tía má mà vào một private nursing home, tiếp tục lặng lẽ và khép kín.
Mỗi năm tui gọi phôn cho ông vào dịp Giáng sanh, ông gọi
phôn cho tui vào dịp… valentine. Tụi tui nói chuyện bá vơ, trời mưa trời nắng,
hoa cỏ súc vật, rượu trà, và nhạc cổ điển... Có lúc tui tính hỏi ông đã “tìm
ra” ai chưa, nhưng rồi hổng dám, sợ rằng sẽ khơi lại một vết thương, thể chất lẫn
tinh thần, có thễ không bao giờ lành hẳn !
TỐ NGHI
No comments:
Post a Comment