Sunday, November 19, 2017

CON ĐƯỜNG DÀI QUA NHỮNG BÀI THƠ NGẮN CỦA ĐỖ NGHÊ


nguynthịkhánhminh

Bìa tác phm Thơ Ngn Đ Nghê

Trong những điện thư gửi cho bạn hữu anh em, Nhà Thơ Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc) thường cho đọc những bài thơ ngắn mà anh thường gọi là “thơ trời ơi.” Trời ơi là chuyện không đâu. Trời ơi là tiếng kêu ngạc nhiên. Trời ơi để diễn tả sau đó một vui mừng, một âu yếm. Trời ơi là tiếng than trong cơn bi sầu. Trời ơi đôi khi lại là bótay.com. Mà vì sao lại thốt lên như thế? Vì cảnh đời tang thương ngẫu lục. Vì sáng trưa chiều tối vút qua thoắt cái tất cả đều biến dịch trong từng khoảnh khắc. Trời ơi, Mới Hôm Qua Thôi…

Đến và đi là chuyện thường, biết những thay đổi kia là đương nhiên, thế nên, như hành giả đi ngao du trong đất trời thưởng thức phút giây đang đến rồi đi không vướng bận, sảng khoái đón nhận tất cả như chuyện trời ơi mà nhắn nhe chia sẻ với bạn đồng hành.
Đó là một thái độ sống nhẹ thường với cuộc phù du. Cho nên những bài thơ ngắn này là những trân trọng bật sáng ngay phút giây lúc đang là. Như Thiền sư Chadgud nói, “Thể xác, lời nói, ý nghĩ của chúng ta biến dịch nhanh như thời gian mũi kim xuyên qua cánh hoa hồng.”* Trong tích tắc ấy, Nhà Thơ đã cảm nhận cái trùng phùng của nghìn năm và phút giây, xẹt qua cảm xúc tức thì, lóe lên trong từng nhích kim xuyên qua thời gian lá mỏng.
Tôi cảm nhận như thế vì tính nhanh và chậm cùng cư ngụ trong mỗi bài thơ của Đỗ Nghê (ĐN). Cảm xúc như một đường tơ nối nghìn dặm không gian, thời gian vào lúc con chữ tượng nên lời thơ.

Giữa đêm
Thức giấc
Giữa ngày...

Boston, 1993
(Trái Đất, tr. 7)

Tôi thấy cả một nỗi trăn trở trên ba dấu chấm kia... Lăn về phía đêm hay ngày… lăn qua trở lại bỗng thấy phương em mặt trời đang chiếu sáng, trời ơi quê nhà! Thử hỏi nỗi nhớ xuyên qua đêm và ngày để thấy đây và kia gần quá trong một thức giấc?

Tiếng quạ vừa nhấn chiều thu, phản xạ là giật mình bật ra ánh chớp nỗi xa nhà, kêu, nhớ quá, kêu nhanh như vừa thả dây cung. Cái rơi xuống của mũi tên nhớ là một nỗi im lặng dài. Mà âm ba cảm xúc ngân ngân… Tôi không nhớ một nhà phê bình văn học đã nói, đó là “tính Trì Cữu và Trực Tốc ở một bài thơ,” tôi rất thích ý lời này, và thấy thật đúng trong không khí thơ ngắn Đỗ Nghê.

Chiều thu
Nghe tiếng quạ

Giật mình
Nỗi xa nhà

Nhớ sao
Mà nhớ

Quá!

Boston 1993
(Thu, tr. 74)

Khởi đi từ cánh hoa vàng phố thị, người chỉ thấy nhà cao, đi khơi khơi qua những con đường rồi lọt vào cơn gió bấc nhà quê, vỡ trái tim xanh nỗi nhớ nhà, thử hỏi thời gian giữa cánh hoa vàng và cơn gió bấc?

Đi giữa Sài Gòn
Phố nhà cao ngất
Hoa nở rực vàng
Mà không thấy Tết

Một sáng về quê
Chợt nghe gió bấc
Ơ hay xuân về
Vỡ òa ngực biếc!
(Gió Bấc, tr. 67)

Trong một tức thì nhìn thôi, mà mùa đang ở đang qua, mà xong bao đời lá, nhờ biết lẽ thay đổi mà người sống rất trọn vẹn từng chớp mi, vậy không phải sao, người sống được miên viễn trong khoảnh khắc?

Còn cây
           trơ lại với cành
Với linh hồn lá
           ngập ngừng trút qua...

Boston, 1993
(Đông Boston, tr. 72)

Cũng vậy ở bài thơ sau, tính nhanh chậm xô thời gian chập chùng trên cảm xúc chợt đến, ai ngàn năm xa kia bỗng trở thành một làn thơm tho. Trong cột gỗ vô tri bỗng nghe hồn Đường Thi ngân nga trên nét khắc nghìn xưa. Chắc là phút giây thinh lặng lắm nên đôi bên có sức thần thông giao cảm nhau?

Dưới những tàng cây
Con đường quanh co
Khúc khuỷu

Ai đã qua đây
Ngàn năm cũ
Mà hơi thở còn thơm tho vậy

Ta sờ tay vào cột gỗ
Nghe thì thầm
Đẽo gọt
Nét Đường thi.

1995
(Văn Miếu, tr. 77)

Thời gian ở đây quả là một con đường bất tận của không điểm bắt đầu không nơi kết thúc, mang mang tự hỏi quê nhà ấy là đâu, là nơi chôn nhau cắt rốn hay là nơi mà sinh tử chạm nhau để kết thúc và bắt đầu. Cũng như một vòng biến hóa của hạt nước kia,

Lâu không về thăm quê
Những người xưa biền biệt
Lũ trẻ lớn lên
Ngơ ngác
“ Ủa, chú là ai?
Làm sao chú biết...?”
(Về Thăm Quê, tr. 52)

Nước từ đâu đến
Nước trôi về đâu
Từ con suối nhỏ
Từ dòng sông sâu
Từ khe núi lở
Từ dưới nhịp cầu
Từ cơn thác lũ
Từ giọt mưa rơi

Nước đến từ đâu
Nước trôi về đâu
Từ cơn gió thoảng
Từ làn mây trôi
Từ hơi biển mặn
Từ phía mặt trời

Nước vẫn muôn đời
Không đi chẳng đến
Ai người nỡ hỏi
Nước đến từ đâu
Ai người nỡ hỏi
Nước trôi về đâu...

Paris, 1997
(Nước, tr. 9)


Ta bay vù vù trong không gian
Mà cứ tưởng nằm im
Trên gối

Mỗi ngày ta rơi rụng
Mỗi ngày ta phục sinh
Mà cứ tưởng không hề thay đổi...

(Vô Thường, tr. 49)

Có rơi rụng mới có đâm chồi, có ngày qua đi mới có ngày nay, như hạt nước kia, dòng sông kia luôn chảy và biến hóa phát sinh ra cái khác, có phải người thơ đã nhận biết và chấp nhận nhẹ nhàng những đổi thay, sinh hoại diệt, nên có được an nhiên tự tại, không còn đinh ninh vào ý nghĩ lẫn sự vật?

Sông ơi cứ chảy
Cứ chảy về trời
Cứ về biển khơi
Cứ làm suối ngọt
Cứ làm thác cao
Cứ đổ ầm ào
Cứ làm gió nổi
Cứ làm mây trôi...

Sông ơi cứ chảy
Chảy khắp châu thân
Chảy tràn ra mắt
Chảy vùi bên tai

Dòng sông không tắt
Dòng sông chảy hoài...
(Giỗ một dòng sông, tr. 28)

Có chút man mác nguyện cầu trong tình ý bài thơ này ở những “cứ, hoài…”                        

Ở Hội An Sớm, thấy rõ sự thay đổi nối tiếp nhau theo thời gian trong một vài bước, bước vừa chạm xuống bước cất lên, trăng đã tàn, Hội An, Ta và Gà cùng giật mình vì tiếng chổi sớm, ba câu đầu đều động, nhưng tiếng “gà gáy vàng trong sương” lại u tĩnh vậy…

Hội An còn ngái ngủ
Mái chùa ôm vầng trăng
Giật mình nghe tiếng chổi
Gà gáy vàng trong sương
(Hội An Sớm, tr. 38)

Đâu có gì thường còn, sự vật cùng ý nghĩ ta cứ quay như kính vạn hoa, vậy nên
nhắn bạn đồng hành hãy yêu thương nhau ngay lúc này, tại đây, cái sắc màu vừa hiện,

Giả sử sóng thần ập vào Nha Trang
Ập vào Mũi Né
Anh chỉ kịp quẳng em lên một chiếc thuyền thúng
Vút qua những ngọn dừa
Những đồi cát trắng

Em nhớ mang theo đôi quả trứng
Vài nắm cơm
Vài hạt giống
Đừng quên mấy trái ớt xanh...

Biết đâu mai này
Ta làm An Tiêm
Trở về làng cũ
Nơi này ta sẽ gọi là Nha Trang
Nơi kia gọi là Mũi Né...

Cho nên
Sao chẳng sớm mà thương nhau hơn?...

2011
(Giả Sử, tr. 21)

Trong tập những bài thơ ngắn này, tôi xúc động nhất là bài về Mẹ và những bài về đứa con gái yểu mệnh La Ngà, đọc lên là thấy tim mình phản xạ để đập đồng hành với cảm xúc của người thơ,

Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông...
2012
(Bông Hồng Cho Mẹ, tr.12)

Đâu còn khái niệm sinh tử mất còn, rờ rỡ từng bước hiện thực trong phút giây giao cảm nhất của con và Mẹ, lạ thay phút chia ly lại hoan hỷ đến thế…

Mỗi năm
Mỗi người
Thêm một tuổi
Chỉ mình con
Mãi mãi
Tuổi đôi mươi...

1990
(La Ngà 3, tr. 26)
                   

Ba dạy con
Mỗi ngày
Một chút

Không bài học nào
Như ba đã học
Từ con

Nỗi mất!

1990
(La Ngà 5, tr. 27)

Thử đặt mình vào khoảng thời gian con mãi mãi đôi mươi và cha mỗi ngày một thêm tuổi, thì mới thấm thía cảm động nỗi mất con để lại cho cha, và từ đây cha lại học thêm được cách vượt qua phiền não.
Từ đó mà tôi hiểu nghĩa lý bài thơ: Đừng nói điều hạnh phúc / Chẳng ai tin đâu / Hãy nhắc điều bất hạnh / Ai nấy đều vui... (Niềm Tin, tr .54)). Nhắc có nghĩa là chia sẻ, là thương và hiểu, nhắc để cùng nhau tìm cách vượt qua nỗi đau, và vui vì hiểu ra lẽ vô thường.
Việc cùng-tìm cách vượt qua mọi phiền não nghiệp chướng là nguyện của người đang tu tập?

Tham chẳng còn
Sân cũng hết
Si đã tuyệt

Niết Bàn
Tịch diệt
Để làm chi?
(Ngộ, tr. 51)

Khi đoạn diệt được Tham Sân Si thì người hẳn sẽ đạt được thân tâm thanh tịnh. Nhưng người tu kia lại tự hỏi Để làm chi, hưởng một mình sao? Khi tôi hỏi, Nhà Thơ bảo, “Niết Bàn này chỉ là ‘hóa thành’ như trong kinh Pháp Hoa nói, còn phải tiến thêm: Phát tâm Bồ Đề để tiếp tục hành Bồ Tát đạo với lòng Từ Bi và Trí Huệ, không chỉ Tự Lợi mà còn Lợi Tha”. (A.Tôi thấy thích thú khi đã viết từ bài Niềm Tin trên, tôi vô tình chạm khẽ vào Tự Lợi Lợi Tha này).
Trong một bài giảng của Thầy Thích Quảng Lục chùa Hội Phước cũng nói, “Có nhiều hành giả đắm chìm trong cảnh giới an lạc tịch tĩnh mà quên mất chí nguyện chia sẻ cho người khác nên đạo hạnh của họ cũng dừng lại ở mức tương đối, vì chỉ có tâm mở rộng đến tha nhân thì trí tuệ mới trải rộng khắp…”** Ra Để làm chi là một nhắc nhở về một chặng đường tiếp nối của đạo hạnh.

Con đường rất dài… và phải chăng phải tu tập hằng ngày để mình được vững vàng và theo khả năng đó mà chia sẻ nhắc nhở người khác? Như người thơ đã và đang theo đuổi hằng ngày qua những bài thơ bài viết của mình?
Thiền. Tôi rất thích một thiền đường có lần tôi đến đứng nhìn vào qua ô cửa sổ. Ở đó, thời gian không gian và ý tưởng gặp nhau ở nhịp nhàng hơi thở. Cái không khí lắng trong ấy như tỏa ra bao phủ và thấm vào người tôi. Tôi thích một góc nhỏ trong nhà nơi tôi tập thiền để chữa bịnh, người bạn bảo, cứ tập trung vào hơi thở, nhưng, bao nhiêu thứ trong đầu cứ lăng xăng, tôi thầm nguyện, bước đầu rồi sẽ vượt qua, vượt thêm để đạt được chánh niệm tự thân, vượt nữa… “Hãy nhắm mắt lại, và nghĩ đến niệm lành cho chính bạn, nếu bạn không thể cảm thấy một khát vọng chân thực cho hạnh phúc riêng của bạn- sẽ không có cách nào bạn có thể chân thực ước muốn cho kẻ khác có hạnh phúc.” (Đại SưThanissaro Bhikkhu)***

Thả lỏng toàn thân
Như treo móc áo
Ngồi xếp bằng tròn
Vai ngang lưng sổ
Dõi theo hơi thở
Như mượn từ xa
Khi vào khi ra
Khi sâu khi cạn
Chú tâm quãng lặng
Pranasati
Hơi thở xẹp xì
Thân tâm an tịnh
Không còn ý tưởng
Chẳng có thời gian
Hạt bụi lang thang
Dính vào hơi thở
Duyên sinh vô ngã
Ngũ uẩn giai không
Từ đó thong dong
Thõng tay vào chợ...
(Vè Thiền Tập, tr. 96)

Lại nghe nói, tu ở chợ mới thật là công đức viên mãn, vì tới đây hành giả đã thực sự “tâm bồ đề kiên cố” thõng tay vào chợ để Lợi Tha...

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Santa Ana
11.2017

* Theo Phật Giáo Thực Hành Pháp Đại Hoàn Thiện
**chuahoiphuoc.net

Những bài thơ trích từ tập Bản Thảo 2017 THƠ NGẮN ĐỖ NGHÊ (ĐỖ HỒNG NGỌC) với sự trình bày của Họa Sĩ LÊ KÝ THƯƠNG.

No comments:

Post a Comment