nguyễn
xuân thiệp
Bông hồng vàng
Mình đọc Bông Hồng Vàng bản dịch của Vũ Thư
Hiên cũng đã 15 năm nay. Còn Lẵng Quả Thông thì mới đọc gần đây trong E-book của
Lê Thanh Minh. Cả Bình Minh Mưa nữa.
Từ rất lâu rồi, thuở còn học trung học ở Quốc
Học Huế, không biết ở đâu đó mình đọc thấy cụm từ Bình Minh Mưa và nó bám lấy
tâm trí mình từ đó. Mình cũng đã viết một bài tản mạn về bình minh mưa, khi Cộng
Sản vào chiếm Sài Gòn và những trận mưa mù mịt trút xuống thành phố những buổi
sáng đầu tháng năm 1975. Và những mái nhà gục đầu trong mưa, những chiếc lá gào
lên khúc đoạn rã rời và người nhạc sĩ bỏ đi về phia biển xa…
Lẵng Quả Thông là hình ảnh quá đẹp và mới mẻ với Nguyễn. Nhưng những trái thông khô
thì lại quen thuộc. Và mình đã có một bài thơ.
anh trở
lại đồi cao
nhặt
trái thông trong nắng
tưởng
bài thơ buổi nào
bỗng đầu
cành chin rụng
trái thông.
trái thông khô
bằn bặt
ngọn lửa nhỏ
của một
ngày hồng trăng…
Đó là trái thông khô. Mình mê từ những ngày ở Đàlạt. Trái thông
khô, đẹp quả là đẹp. Còn lẵng quả thông trên tay cô bé, ôi như trong truyện thần
tiên. Cô gặp nhà soạn nhạc Eđua Grigơ và từ đó nảy sinh câu chuyện thần kỳ.
Hôm nay Nguyễn muốn mời các bạn đọc những
trang truyện của Konstantin Paustovsky để sống không khí pha lẫn thực tại và cổ
tích trong tinh thần nhân bản của thơ.
NXT
Bạn ơi,
Bụi hồng
trước nhà Nguyễn, sáng nay, bỗng nở ra một bông hoa màu vàng tuyệt đẹp. Nó gợi
Nguyễn nhớ nhiều thứ: những đóa hồng vàng trên ngôi mộ nhà thơ ngày nào (Còn
đây đóa hồng vàng / Đưa người sang cõi khác). Bông hồng vàng chàng Tim đặt trước
của nhà thiếu phụ người yêu xưa rồi bỏ đi trong một lần về thăm khu nhà ở
Irvine, CA.
Và, do một liên tưởng kiểu “vượn chuyền cành”, giờ đây Nguyễn tôi xin kể
bạn nghe một chuyện Bông Hồng Vàng khác, đầy ý nghĩa nhân sinh. Hơn nữa, cũng gần
đây thôi, cô Kathleen ở Miền Đông nhận được một bó hồng vàng của người xa gởi đến,
với yêu cầu là hãy đọc lại chuyện Bông Hồng Vàng của Konstantin Paustovski. Khốn
nỗi, cô không tìm ra bản dịch cuốn sách ấy.
Cho
nên sau đây, Nguyễn xin trích thuật câu chuyện Bông Hồng Vàng từ bản dịch của
Vũ Thư Hiên, do nhà Văn Nghệ ở Cali ấn hành năm 2000, kèm theo ít lời tản mạn để
làm nổi bật ý nghĩa câu chuyện.
Jean Chamet là một anh quét rác, chuyên quét ở các tiệm kim hoàn trong
thành Paris. Anh ta người gầy gò, đội một cái mũ cũ, để lộ chòm tóc bay trong
gió. Nhà của Chamet là một tấm lều xiêu xó, ở cuối một bức thành bỏ hoang.
Cuộc sống cơ cực của Chamet lặng lẽ trôi qua.
Rồi anh ta đăng lính, tham chiến tận xứ Mexico. Được ít lâu, anh bị chứng sốt
rét, quân đội cho anh ta về. Vị chỉ huy Trung Đoàn gởi theo Chamet cô con gái
nhỏ là Suzanne (ông góa vợ, đi đâu cũng mang con theo) để giao cho bà chị ở
Rouen. Trên chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương, Chamet săn sóc cô bé rất tận tình
và chan chứa tình yêu thương. Thế nhưng Suzanne lúc nào cũng buồn bã, ít nói. Để
giúp cho cô bé vui, Chamet kể chuyện về đời mình, những chuyện rất vu vơ, nhưng
Suzanne nghe rất thích.
Một
trong những chuyện Chamet còn nhớ được, dù rất mơ hồ: Đó là chuyện về một bông
hồng bằng vàng. Một bà lão góa chồng ở xóm dân chài là chủ nhân của bông hồng
vàng này. Bà rất nghèo, nhưng vẫn giữ nó, gắn lên cây thánh giá treo trong góc
nhà. Qua trí nhớ của Chamet, bông hồng vàng đó tỏa sáng như một đốm lửa nhỏ. Mẹ
của Chamet hồi còn sống, nói: Bông hồng vàng đó sẽ đem hạnh phúc đến cho ai giữ
nó. Nó là quà tặng của thiên thần nên không được bỏ đi. Và bà lão ở xóm chài giữ
mãi bông hồng vàng cho tới một hôm anh con trai lưu lạc của bà trở về, mang niềm
vui và sự giàu sang đến cho túp lều bà lão.
Nghe
chuyện, Suzanne rất cảm động. Bé nói: Ước ao một ngày kia sẽ có người tặng bé một
bông hồng vàng như thế. Chamet chỉ trả lời là có thể lắm. Tàu cặp bến, Chamet
đem Suzanne tới giao cho bà cô ở Rouen rồi từ giã. Sau này anh hối tiếc là đã
không ôm hôn cô bé lúc chia tay.
Chamet trở lại với nghề phu quét rác ban đêm. Anh vẫn nhớ Suzanne không
nguôi. Bây giờ Suzanne sống ra sao, có vui không. Nhiều năm tháng trôi qua. Một
hôm đi làm về, ngang qua một cây cầu ở ngoại ô Paris, anh gặp một thiếu phụ trẻ
đẹp, nhưng dáng vẻ buồn bã. Thiếu phụ cứ nhìn xuống dòng nước, mắt đỏ hoe.
Chamet tiến tới gần, ngỏ lời chào. Thiếu phụ nhìn lên, thì ra chính là Suzanne.
Cô ôm lấy Chamet mừng rỡ và nói rằng cô vẫn nhớ Chamet, anh đã từng rất tốt với
cô. Chamet cũng ôm hôn Suzanne. Anh đưa cô về túp lều của mình, ở lại đó mấy
ngày. Suzanne kể chuyện cô có người yêu trẻ, đẹp trai, sang trọng, làm nghề diễn
viên ở Paris. Anh ta đã bỏ Suzanne trở về cuộc sống phồn hoa nơi chốn kinh kỳ.
Chamet nghe chuyện, cảm thấy buồn và giận. Anh bảo Suzanne viết thư, anh sẽ
mang tới cho anh chàng diễn viên quý phái nọ, và cho hắn một bài học. Những gì
xảy ra sau đó có vẻ tốt đẹp nhưng đượm màu bi kịch. Một hôm, anh chàng diễn
viên đi xe ngựa đến đón Suzanne. Cô mừng rỡ, vội vàng lên xe cùng anh ta, quên
cả ôm chào từ biệt Chamet.
Chamet buồn lắm, đêm ngày suy tưởng và nhớ thương. Rồi anh nghĩ tới chuyện
bông hồng vàng. Từ đó, mỗi ngày đi quét rác ở các tiệm kim thoàn trong thành phố
Paris, anh gom hết bụi rác về nhà, nghĩ rằng trong đó thế nào cũng có những vụn
vàng rơi rớt. Ngày thàng tiếp tục trôi qua trên túp lều của Chamet, cho tới một
hôm anh gom đủ bụi vàng để có thể thuê thợ đánh thành một bông hồng. Cuối cùng
thì anh đã có được một bông hồng bằng vàng thật, chói sáng dưới gối nằm. Nhưng
Suzanne đi biền biệt không về. Tới một ngày Chamet lâm bệnh, từ giã cõi đời.
Bông hồng vàng vẫn nằm trong áo gối của anh ta, bọc trong một vuông vải tím.
Người thợ kim hoàn đã đánh bông hồng vàng ấy biết chỗ, nên một hôm lẻn vào lấy,
đem đi bán. Tình cờ bông hồng đến tay một nhà văn lớn tuổi, kèm theo câu chuyện
của anh chàng Chamet.
Sau
đây là ghi chép của ông nhà văn "Mỗi phút, một lời tình cờ được nói ra và
mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc bông đùa, mỗi rung động
thầm lặng của con tim, thậm chí một bông tiêu huyền xốp đang bay lượn, hay lửa
sao trong một vũng nước đêm -tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi
vàng.
Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm,
hàng triệu những hạt cát đó, thu góp chúng lại cho mình, một cách thầm lặng, biến
chúng thành một hợp kim và rồi từ hợp kim ấy ta đánh thành "bông hồng
vàng" của ta -truyện, tiểu thuyết hay là thơ."
Bạn ơi, bạn nghĩ sao? Bạn cũng là nhà văn, tôi
chúc bạn kiếm được thật nhiều, thật nhiều những hạt bụi vàng kim. Nhưng bạn lại
nói: Bông hồng vàng của em không làm bằng vàng thật, cũng không cần lấp lánh
kim cương mà nó ở trong khắp mọi nơi, trên nụ cười, nước mắt hoặc hiển hiện
bàng bạc trong mây hay là một tia nắng nhạt sau những ngày mưa gió. Một góc phố,
một nhánh cây, nơi có những ánh mắt hay bước chân con người đi qua.
Và
thế đấy, nụ cười hay nước mắt hay một đám mây cũng là những hạt vàng lấp lánh
trên trang văn, bạn ơi.
NXT
No comments:
Post a Comment