nguyễn
xuân thiệp
Snow. By Irene Horiuchi
Viết trong một ngày mùa đông của năm 2012
Những
ngày này tuyết phủ trắng nhiều nơi trên nước Mỹ. Như ở Amarillo, Texas. Trong cảnh tuyết phủ mênh mông ấy, người ta mơ tới những
ngọn nến trắng được thắp lên và tỏa ấm như trong thơ của Pasternak. Cũng như nó
được thắp lên một đêm tuyết rơi thoảng mùi hương trà trong câu chuyện của nhà
văn Nga nổi tiếng Konstantin Paustovsky. Chuyện xảy ra như sau.
Trong Thế Chiến II, ở
nước Nga nhiều người phải rời thành phố về miền quê sống tạm. Tatyana Petrovna
là một trong số những người ấy. Cô là một ca sĩ trẻ người Moscow cùng với con
gái Varvara, tản cư về một thành phố nhỏ và ngụ tại nhà một người đàn ông già
tên Potapov. Một tháng sau khi Tayana đến, ông Potavov qua đời.
Lúc đầu cô không ưa cái
thị trấn này, và cảm thấy hối tiếc rằng đã rời bỏ nhà hát ở Moscow để về đây.
Nhất là vào những sáng những chiều, lúc thời tiết xấu, lũ quạ kêu quang quác, miệng
đầy họng máu, bay thành từng đám mây đen trên những ngọn cây trụi lá. Nhưng rồi
ngày tháng trôi qua, cô dần quen với ngọn đồi bạch dương và dòng sông uốn lượn
bên đồi. Cô cũng đã bắt đầu đi trình diễn ở các trạm quân y trong vùng. Cuối
cùng thì cô đâm ra thích cái thị trấn nhỏ bé và êm đềm này, nhất là khi tuyết
phủ. Và cô bắt đầu quen sống trong ngôi nhà của một người lạ với những đồ vật
lạ. Potapov có một người con trai hiện đang phục vụ trên một chiến hạm trong
vùng Hắc Hải. Tatyana ngắm nhìn tấm ảnh của anh treo trên tường, cảm thấy đã
gặp chàng trai này ở đâu, dường như đã lâu lắm trước cuộc hôn nhân thất bại của
cô, nhưng cô không thể nào nhớ ra được.
Những bức thư tiếp tục
gởi về cho Potapov, tất cả đều cùng một người viết. Tatyana xếp những cái thư
ấy trên bàn viết của gia chủ. Một đêm, khi trời đổ tuyết, Tatyana không thể nào
ngủ được. Tò mò, cô mở một cái thư ra xem. Người con trai của Potapov là
Nikolai cho biết rằng anh vừa hồi phục sức khỏe trong bệnh viện sau khi bị
thương nhẹ. Anh ta hy vọng rằng khi rời khỏi bệnh viện anh sẽ có thể xin nghỉ
phép về thăm cha già. Người con hình dung ra cảnh vật lúc anh trở về: Tuyết rơi
trên những con đường đi tới vườn cây chỗ đình phong ngày nào sẽ được dọn sạch,
chiếc đàn dương cầm cũ xưa sẽ được lên dây lại, và trên mặt đàn vẫn còn bản
nhạc lúc anh rời nhà ra đi -đó là khúc mở đầu (overture) của tác phẩm “The
Queen of the Spades” của Tchaikovsky, và những ngọn nến cháy dở vẫn còn trong
giá nến. Anh ta còn tỏ ý thắc mắc không biết cái chuông treo trên cửa có còn
ngân vang như ngày xưa.
Tatyana cảm nhận được
rằng một ngày nào đó người con sẽ trở về. Thật là khó cho anh ta khi thấy rằng
những người ở trong ngôi nhà và mọi vật không còn như anh mong đợi. Tuy vậy, sáng hôm sau Tatyana
cũng ra dọn sạch tuyết trên lối đi tới vườn cây. Cô cũng sửa lại cái chuông
treo ở cửa và mướn người đến lên dây đàn. Cô tìm lại những mẩu nến cháy dở và
đem cắm vào giá nến. Varvara nhìn mẹ lăng xăng làm việc, lấy làm ngạc nhiên vui
thích.
Và rồi Nikholai được xuất
viện. Anh đã về đến ga xe lửa, mong gặp lại cha mình. Anh chỉ có thể ở lại nhà
24 tiếng đồng hồ. Và anh buồn biết mấy khi người trưởng ga báo cho anh biết cha
anh đã qua đời. Nikholai dạo bước lang thang, nhưng không có ý định về thăm lại
ngôi nhà của cha mình. Anh chỉ đến thăm lại vườn cây và cái đình phong ngày xưa
nơi lối đi đã được dọn sạch. Đang đứng trầm tư trong tuyết thì một thiếu phụ
trẻ bước đến -đó là Tatyana. Cô thân ái mời anh vào nhà.
Trong nhà, chuông cửa vẫn
hoạt động, những ngọn nến và cây đàn dương cầm vẫn ở đó -mọi vật trước mắt đúng
như anh tưởng tượng. Nikholai cùng ngồi dùng trà với Tatyana. Cô nói dường như
cô đã có gặp anh ở đâu đó một lần.
Đêm hôm ấy, Nikholai nằm
ở sopha không chợp mắt. Anh cố thức tận hưởng từng phút giây trong ngôi nhà
xưa.
Sáng hôm sau, Tatyana đưa
anh ra ga xe lửa. Trước khi anh bước lên tàu, cô bảo anh là hãy viết thư về.
Sau cùng, cô nói, cô và anh đã là người một nhà.
Vài hôm sau, Tatyana nhận
được thư của Nikholai. Anh nói anh nhớ ra rồi nơi họ đã gặp nhau. Đó là vào năm
1929, trên vùng Crimea. Hôm ấy, Nikholai đang đi dạo trong công viên. Gần đó,
một thiếu nữ đang ngồi trên ghế đá với cuốn sách trên tay. Cô đứng dậy và đi
ngang qua mặt anh. Anh dừng lại, nhìn theo cô, nghĩ rằng cô sẽ là người thay
đổi cuộc đời anh và mang đến cho anh niềm hạnh phúc tuyệt vời. Anh có cảm tưởng
số mệnh đã đưa cô đến với anh, nhưng hồi ấy cô không theo anh. Và số mệnh một
lần nữa lại mang cô, ôi Tatyana, về lại với anh. Và nếu quả cô cần có anh thì
anh nguyện sẽ hiến dâng cuộc đời anh cho cô.
Tatyana gấp bức thư lại
đặt xuống bàn và cô tự nghĩ: Mình chưa bao giờ sống ở Crimea. Nhưng điều đó có
quan trọng gì đâu?
Vâng, đâu có gì là quan trọng bạn nhỉ. Chỉ cần hai người yêu nhau. Xin mời các bạn uống với Tatyana một
chung trà khi tuyết đang rơi ngoài khung cửa và tiếng cái chuông gió đang reo.
(theo Konstantin Paustovsky)
NXT
No comments:
Post a Comment