Nhà văn Đỗ Hồng Ngọc. Đinh Cường vẽ
Núi
vẫn cứ là núi…
“…30 năm trước khi chưa tu thấy núi là núi, sông là sông.
Sau nhân được thiện tri thức chỉ cho chỗ vào thì thấy núi chẳng phải núi, sông
chẳng phải sông. Rồi nay thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh lại thấy núi là núi,
sông là sông…”
Thế
mới biết “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.
Núi
vẫn cứ là núi. Sông vẫn cứ là sông. Chẳng qua do cái thấy của ta điên đảo mộng
tưởng.
Cái
thấy của 30 năm trước khi chưa tu là cái thấy của lo âu vì nỗi vô thường:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai…
(Tú
Xương)
Cái
thấy của 30 năm trước khi chưa tu là cái thấy của sợ hãi vì niềm chấp
ngã:
Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi…
(Vũ
Hoàng Chương)
Ta
sống trong vô thường vô ngã mỗi phút giây mà chẳng biết.
Mỗi
ngày trái đất bay vòng quanh mặt trời 2,5 triệu cây số; mỗi giây hàng trăm triệu
tế bào hồng cầu tự hủy để hàng trăm triệu tế bào hồng cầu mới sanh ra…
Ta
vẫn ngồi lại bên cầu cho đến lúc tóc mây bạc trắng…
Nhạc
sĩ họ Trịnh âu sầu buồn bã: Từng người tình bỏ ta đi như những dòng
sông nhỏ… Đi đâu? Về đâu? Chỉ còn mình ta đứng lại bên bờ hiu quạnh.
Cho
đến lúc thảng thốt nhận ra
con sông là thuyền,
mây xa là buồm,
từng giọt sương thu hết mênh mông…
(TCS)
Phải
rồi. Cả vũ trụ, cả tam thiên đại thiên thế giới trong một giọt sương!
Người
thiện tri thức đã chỉ cho chỗ vào? Vào đâu? Vào cái thấy “như thực”: thấy mọi
thứ và cả cái ta nữa, luôn biến dịch, luôn đổi thay, bởi nó từ duyên sinh mà
có. Ta thì từ đất nước gió lửa, từ sắc thọ tưởng hành thức mà ra. Núi thì cũng
từ đá, đá thì từ cát, gió cuốn mà chập chùng. Sông thì từ nước, nước thì
từ… Cứ thế. Nhìn cho rõ ngọn nguồn. Thấy cái thực tướng vô tướng. Rồi mừng rỡ
reo lên: À, thì ra là không. Tất cả là không.
Núi
chẳng phải núi. Sông chẳng phải sông!…
Rồi
ôm lấy cái không đó. Duy Ma Cật nhắc: đó là một thứ bệnh nặng.
Chấp
không còn tệ hơn chấp có. Thà chấp có vui hơn.
May
thay, khi thể nhập vào chốn yên vui tịch tĩnh thì rõ ràng núi vẫn cứ là núi,
sông vẫn cứ là sông. Núi là núi mà còn đẹp hơn xưa. Sông là sông mà còn đẹp hơn
xưa. Bấy giờ đã là làn thu thủy. Bấy giờ đã là nét xuân sơn…
Thì
ra nó vậy đó. Nó chân không mà diệu hữu. Nó diệu
hữu mà chân không.
Nó
như thị. Nó vô thường. Nó đổi thay nên nó tuyệt vời. Nó duyên
sinh nên nó mãi mãi.
Ôi những dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những cơn mưa… (TCS)
“Ngày
nào còn một chúng sanh…”
“Ngày
nào còn một chúng sanh…, thì tôi nguyện không thành Phật”.
Đó
là lời thệ nguyện của một vị Bồ-tát. Mà có lẽ cũng là của tất cả các vị Bồ-tát
trên con đường Phật đạo.
Ngày
nào còn một chúng sanh… nghĩa là Bồ-tát muốn thành Phật thì phải “độ” cho hết tất
cả các “loài” chúng sanh vào Niết bàn sạch trơn mới xong. Bồ-tát phải giúp cho
vô lượng vô số vô biên chúng sanh được… diệt độ mà thiệt ra chẳng
có chúng sanh nào được diệt độ cả! (Kim Cang). Bởi “Bồ-tát mà
còn có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì chẳng phải Bồ-tát”
(Kim Cang).
Vậy chúng
sanh là gì mà ngày nào còn một chúng sanh thì Bồ-tát chưa thể thành Phật?
Chúng sanh là mọi người trên hành tinh này ư? Là mọi loài sinh vật, cỏ cây,
muôn thú ư? Vậy đưa hết chúng sanh vào Niết bàn thì ta…thành Phật để chi? Bởi ước
nguyện thành Phật là để mang lại hạnh phúc, an lạc, giải thoát cho mình và cho
chúng sanh kia mà! Kim Cang nói rõ : “chúng sanh không phải là chúng sanh
nên gọi là chúng sanh” (chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng
sanh). Nghe thiệt điếc con ráy! Nhưng điếc con ráy là tại ta hiểu lầm thôi, chớ
chúng sanh ở đây chỉ có nghĩa là những gì do nhiều (chúng) yếu
tố tạo thành (sanh) thì gọi là chúng sanh. “Tùy chúng duyên
nhi sanh”. Tùy nhiều yếu tố, nhiều điều kiện “duyên” với nhau mà thành
thì gọi “chúng sanh” vậy thôi. Carbon (C), Hydrogen (H) và Oxygen (O), dưới những
điều kiện nhiệt độ nào đó, áp suất nào đó và với tác dụng của một enzym nào đó
thì kết hợp với nhau, có khi thành đường, có khi thành dấm, có khi thành rượu…
Đường, dấm, rượu là những “chúng sanh” do duyên sanh vậy. Một lời nói xúc phạm
của ai đó làm ta nổi cơn thịnh nộ, lúc đầu lời qua tiếng lại, lát sau động tay
động chân, cũng sẽ tạo ra vô lượng vô số vô biên… “chúng sanh” đó thôi! Lòng
tham, nỗi giận, sự si mê đều là những chúng sanh dắt díu nhau xuất hiện trong
ta. Tà kiến, kiêu căng, ngạo mạn… đều là những chúng sanh. Và dĩ nhiên bản thân
ta cũng là một “chúng sanh” vì được tạo nên từ tứ đại, ngũ uẩn. Bởi thế phải
“hành thâm Bát Nhã” để đạt đến trạng thái “ngũ uẩn giai không” thì mới thoát mọi
khổ đau ách nạn (Tâm kinh).
Những
giận dữ, những tham luyến, những si mê, phiền não mà được đưa vào Niết bàn (tịch
diệt) sạch trơn thì khỏe quá đi chớ.
Chúng
sanh đầy dẫy trong tâm ta. Nó không từ ngoài vào. Nó từ tâm mà ra.Cho nên Lục tổ
Huệ Năng khuyên:
“Thức tự
tâm chúng sanh
Kiến tự
tâm Phật tánh ”,
còn
Phật hoàng Trần Nhân Tông thì dạy:
“Đối
cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.
Tất
cả đều do “duyên” mà sanh. Do “phan duyên” mà dắt díu, tạo nên vô lượng vô số
vô biên chúng sanh mà gây bao phiền não.
Và,
như thế, Bồ-tát nguyện “ngày nào còn một chúng sanh… quyết không thành Phật” là
có lý quá chớ!
ĐỖ HỒNG NGỌC
No comments:
Post a Comment