Sunday, December 11, 2016

HÀNH TRÌNH ĐẾN TỰ DO. NHÀ VĂN THUYỀN NHÂN MAI THẢO


"Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có còn một tương lai. Xa rời quê hương, thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần hồn."  Đã 36 năm kể từ ngày Mai Thảo trả lời cuộc phỏng vấn của Jane Katz 7.10.1980, hai năm sau ngày anh đặt chân tới Mỹ và cũng đã 18 năm kể từ ngày anh mất: Việt Nam vẫn chưa có tự do và thân xác anh thì nay đã vùi nông trên một lục địa mới rất xa với một nơi được gọi là quê nhà.  

NGÔ THẾ VINH

Hình 1: Mai Thảo và ký họa của Tạ Tỵ 
[nguồn:E.E - Emprunct Empreinte]

BÀN VIẾT LỮ THỨ MAI THẢO
Khó có thể tưởng tượng cảnh sống đạm bạc của nhà văn Mai Thảo trên đất nước Mỹ. Chỉ là một căn phòng 209 rất nhỏ trên lầu 2 của một chung cư dành cho người cao niên ngay phía sau hẻm nhà hàng Song Long. Chỉ có một bàn viết, chiếc giường đơn với nơi đầu giường là một chân đèn chụp rạn nứt và dưới gậm giường mấy chai rượu mạnh; trên vách là mấy tấm hình Mai Thảo; đặc biệt là tấm ảnh phóng lớn có lẽ chụp trước 1975, Mai Thảo cao gầy ngồi trên bậc thềm nhà cùng với nhà thơ Vũ Hoàng Chương mảnh mai trong áo dài the, phía dưới là một kệ sách. Mai Thảo có nhiều bạn nhưng đây có lẽ là tấm hình "đôi bạn" mà anh rất thích. Về tuổi tác, Vũ Hoàng Chương hơn Mai Thảo một con giáp, cũng vì vậy mà Nguyễn Xuân Hoàng hết đỗi ngạc nhiên khi thấy Mai Thảo gọi Vũ Hoàng Chương là "mày". 

Hình 2: Mai Thảo và Vũ Hoàng Chương
[nguồn: báo Văn, số đặc biệt Tưởng Mộ Mai Thảo tháng 2, 1998]

Qua lời thuật của Nguyễn Hưng Quốc, hãy nghe Mai Thảo nói về Vũ Hoàng Chương bạn mình ra sao: “Con người anh ấy lạ lắm. Đúng là một thi sĩ. Mặt mũi lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác như trẻ con. Mà nói chuyện về thơ thì hay vô cùng. Ai cũng là thằng hết. Lý Bạch là thằng. Nguyễn Du là thằng. Một người yêu thơ, thuộc thơ nhiều vô cùng tận.”

Nguyễn Đình Toàn sinh năm 1936, nhỏ hơn Mai Thảo 9 tuổi, cũng vẫn cứ mày tao với Mai Thảo. Để thấy trong sinh hoạt văn học, cùng một lứa bên trời lận đận, họ đã là những bạn văn không biết đếm tuổi.   

Căn phòng nhỏ hẹp ngày nóng đêm lạnh ấy là không gian sống và cũng là toà soạn báo Văn của Mai Thảo. Mỗi lần tới thăm anh, tôi vẫn để ý tới chiếc bàn viết lữ thứ của Mai Thảo kê sát khung cửa sổ thấp nhìn thoáng ra bên ngoài. Rồi tới kệ sách, không có nhiều sách Mai Thảo, chỉ có ít cuốn sách tiếng Pháp, mấy số báo Văn, đôi ba cuốn sách mới bạn văn gửi tặng anh. Mai Thảo giỏi tiếng Pháp, đọc nhiều sách Pháp; anh cũng tiếp cận với nền văn học Mỹ và rất thích các tác giả Mỹ như Henry Miller, Hemingway, John Steinbeck nhưng là qua những bản dịch Pháp ngữ.

Tôi chú ý tới một cuốn sách tiếng Anh khá nổi bật với bìa đỏ trên kệ sách:  Artists in Exile, American Odyssey của Jane Katz. Trong cuốn sách ấy, nữ ký giả Jane Katz, đã phỏng vấn các văn nghệ sĩ thế giới tới tỵ nạn trên đất Mỹ. Họ đến từ nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Afghanistan, Nam Phi, Á Căn Đình, Việt Nam… Nhà văn Mai Thảo được Jane Katz phỏng vấn và giới thiệu như một “thuyền nhân”, tác giả của 42 cuốn sách tiếng Việt, tất cả đều lưu trữ trong thư viện Đại học Cornell. Cuộc phỏng vấn Mai Thảo, được thực hiện ngày 10 tháng 07, 1980, hai năm sau ngày anh đặt chân tới Mỹ qua thông dịch của anh Nguyễn Thanh Trang, tới từ San Diego, bạn nhà văn Mai Thảo. Tuy là một bài phỏng vấn nhưng không có xen kẽ vào những câu hỏi, nên nội dung như một “tự sự”của Mai Thảo. Jane Katz đã ghi lại cảm tưởng sau cuộc phỏng vấn nhà văn Mai Thảo: “ Ông phát biểu với một nhân cách trầm tĩnh, và với cả sự kiềm chế sau những năm sống cách biệt - He speaks with quiet dignity, and with the restraint which years of privation have taught him.” (6)

Hình 3: Jacket design by Ted Berstein; Artists in Exile, Jane Katz;
Stein & Day Publishers, New York 1983.

Chân dung Mai Thảo, photo by Kathryn Oneita,
với dòng chữ: " Khi biển đã lặng thì mọi người bắt đầu cất tiếng ca hát.
The sea was calm, and the people began to sing."

Hình 4: Thủ bút của Jane Katz trên ấn bản đặc biệt
tặng nhà văn Mai Thảo

Tôi đã lấy xuống từ kệ sách và mượn anh Mai Thảo cuốn sách với thủ bút của Jane Katz. Tôi lược dịch bài phỏng vấn Mai Thảo và cho phổ biến trên các tạp chí Văn học, và sau này kể cả trên Văn số đặc biệt Tưởng Mộ Mai Thảo (1) với tên người dịch Tâm Bình. Sau đó, tôi đã đem cuốn sách trả lại trên kệ sách của anh.

Bài phỏng vấn của Jane Katz cũng sẽ đi cùng với bài viết này để tưởng niệm ngày Giỗ thứ 18 của Mai Thảo.  

Khi giao tờ Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng năm 1996, cũng là năm đánh dấu sức khoẻ của Mai Thảo bắt đầu suy yếu, anh đi lại khó khăn; tới mức, theo Khánh Trường kể lại, thì một buổi tối khuya về, anh không còn đủ sức leo lên một tầng thang lầu để trở về căn gác trọ thân thuộc trong bấy nhiêu năm. Sau đó Mai Thảo phải dọn xuống một căn phòng khác dưới tầng trệt. Ngay phía lầu trên là căn phòng của hoạ sĩ Khánh Trường. Sức khoẻ Khánh Trường thì cũng không khá gì nhưng đủ sức để chăm sóc anh Mai Thảo khi cần đến. Tín hiệu Mai Thảo gọi Khánh Trường không phải là điện thoại mà thường là một cây gậy gõ gõ lên trần nhà.

Hình 5:  Mai Thảo và hoạ sĩ vỉa hè New York,
là biệt danh Mai Thảo gọi Khánh Trường
[nguồn: tư liệu Khánh Trường]

Một Khánh Trường giang hồ với Hợp Lưu, một Mai Thảo chính phái với Văn, rất khác nhau cả về tuổi tác và nếp sống nhưng họ lại là một đôi bạn chân tình. Hoạ sĩ Vỉa Hè New York là biệt danh Mai Thảo gọi Khánh Trường. Cũng như một Cao Xuân Huy lính tráng ban đầu rất "kình" với Mai Thảo nhưng sau đó gần anh, trở nên rất thân quý và thương anh Mai Thảo vô cùng. Trong cuốn sách Chân Dung 15 Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam, do nhà sách Văn Khoa xuất bản ở hải ngoại [1985], Mai Thảo đã có những nét cực tả về các bạn văn của mình: một Nhật Tiến vẫn đứng ở ngoài nắng, một nhân cách Bình Nguyên Lộc, một Mặc Đỗ quy ẩn, con đường Dương Nghiễm Mậu, đường gươm Lê Tất Điều, Nhã Ca giữa cơn hồng thuỷ... (5)

TẠP CHÍ VĂN TRÊN ĐẤT MỸ
Tên tuổi Mai Thảo gắn liền với Tạp chí Sáng Tạo, cho dù Sáng Tạo có một đời sống tương đối ngắn ngủi.  
Nhưng báo Văn thì đeo đuổi Mai Thảo lâu dài hơn, từ trong nước trước 1975, ra tới hải ngoại tới 1996.
Báo Văn khởi đầu từ 1964 với thư ký toà soạn Trần Phong Giao kéo dài được 8 năm.  Năm 1972, Văn chuyển qua Nguyễn Xuân Hoàng thay Trần Phong Giao. Năm 1973, Mai Thảo về Văn cùng với Nguyễn Xuân Hoàng trông coi Văn. Năm 1974, Nguyễn Xuân Hoàng rời báo Văn, còn lại Mai Thảo làm tiếp đến 30.4.1975.

Sau hai năm đặt chân tới Mỹ, năm 1982 Mai Thảo cho tục bản tạp chí Văn và kéo dài được 14 năm. Khó có thể tưởng tượng được rằng một mình Mai Thảo trông tờ Văn, anh không lái xe, anh vẫn thuộc trường phái "viết tay" chỉ dùng cây viết chứ không hề đụng tới chiếc máy chữ hay máy điện toán. Kể cả trên mỗi chiếc phong bì gửi báo cho hàng trăm độc giả dài hạn, anh cũng vẫn cặm cụi viết tay. Có người bạn trẻ muốn giúp anh dùng computer in nhãn để không phí thời gian nhưng anh chối từ. Mai Thảo rất tình cảm, anh muốn có mối tương quan gần gũi với từng độc giả qua nét chữ của chính anh trên từng số báo. Mười bốn năm sống với và sống bằng tờ Văn, anh hào hứng mỗi khi khám phá ra một cây viết tài năng mới. Văn cũng là nơi quy tụ lại những cây viết cựu của miền Nam lưu vong ra hải ngoại. Như một Thảo Trường từng viết cho Sáng Tạo, sau 17 năm tù cộng sản rồi qua Mỹ, các sáng tác đầu tay của Thảo Trường viết ở Mỹ, đều gửi cho Mai Thảo đăng trên tạp chí Văn.

Khi nói tới tờ Văn, Mai Thảo tâm sự: "từ mấy năm nay làm lại tờ Văn ở Hoa Kỳ, đời sống lữ thứ hàng ngày thấy đỡ thất lạc, bởi lại được thả trôi trở lại với một không khí toà soạn không khí trị sự, tuy đã khác biệt nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó, trên một góc bàn viết, dưới một ánh đèn sáng, cái không khí đã bao năm tôi sống ở quê nhà, tâm trí tôi thường có nhiều hơn những hồi tưởng về báo quán cũ, là 38 Phạm Ngũ Lão Sài Gòn, ngày trước." (5)

Đến năm 1996, sau số báo số 158 &159, do sức khoẻ sa sút, Mai Thảo ban đầu trao tạp chí Văn lại cho Du Tử Lê, sau một số báo 160, tờ Văn được Mai Thảo chính thức trao lại cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục ra tờ Văn từ số 161 cho đến số 163.

Hình 6: Người khách lữ thứ Mai Thảo Tháng Giêng 1996,
bức hình chụp 2 năm trước ngày anh mất
[photo by Nguyễn Bá Khanh] 

Đầu năm 1997, Nguyễn Xuân Hoàng ra tờ báo Văn số 1, bộ mới. Kéo dài được 12 năm. Tới năm 2008, tờ Văn số cuối cùng 125-129 cho ba tháng Giêng, Hai và Ba là số đặc biệt về hoạ sĩ Thái Tuấn với bài vở đã layout xong chuẩn bị đưa nhà in, nhưng rồi vì lý do tài chánh Nguyễn Xuân Hoàng đành cho đình bản tờ Văn, cho dù báo Văn vẫn bán được, tuy không đem lại lợi nhuận nhưng không thể để một món nợ lớn đến như vậy với nhà in Kim Select Graphics & Printing trên đường Euclid, mà sau này vợ chồng Nguyễn Xuân Hoàng phải gồng mình gánh trả.

Lý do sâu xa mà không ai muốn nói ra, khi tờ Văn của Nguyễn Xuân Hoàng đình bản, cũng như nhà xuất bản Văn Nghệ của anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết phải ngưng hoạt động vì sách báo thì vẫn bán được nhưng lại không được các nhà sách sốt sắng thánh toán tiền bạc.

Hình 7: từ trái, Mai Thảo, Kiều Loan (con gái Hoàng Cầm), Nguyễn Xuân Hoàng; 
1996 cũng là năm Mai Thảo trao tờ Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng
[nguồn: tư liệu Nguyễn Xuân Hoàng]

TẤM LÒNG TỪ BI MAI THẢO
Mai Thảo được mọi người biết tới như một nhà văn, một cây viết tuỳ bút nổi tiếng và sau này là một nhà thơ. Quen biết anh, người ta càng thấy mến con người Mai Thảo hơn. Tấm lòng của Mai Thảo với tha nhân thật đẹp. Anh tốt với mọi người và rất trực tính, nói thẳng trước mặt với người trái ý anh, kể cả lớn tiếng và giận dữ nhưng sau đó thì quên đi, anh không bao giờ để tâm. Trong suốt cuộc đời viết văn, chưa bao giờ Mai Thảo dùng ngòi bút để nói xấu hay chửi bới ai, cho dù không thiếu những bài viết chỉ trích anh nặng nề, có lẽ anh không đọc và cũng không bao giờ trả lời.

Nguyễn Đăng Khánh, người em ruột Mai Thảo viết về anh mình: "nhiều lần đọc báo thấy người ta mạt sát anh thậm tệ, tôi nóng ruột tới hỏi anh: Tại sao người ta chỉ trích anh nặng nề như thế mà anh không lên tiếng? Anh nói: Sống với người, với đời, phải có lòng. Tấm lòng ở đây là la bonté. Con người không có la bonté là vứt đi. Phải sống thành thật với người, với đời. Vì thế nên tôi không bao giờ dùng ngòi bút của tôi để phê phán, chỉ trích hay nói một điều xấu về ai hoặc để trả lời lại những kẻ mạt sát tôi. Người ta muốn chỉ trích, muốn nói xấu tôi, cứ nói. Khánh thấy người ta chỉ trích tôi trên báo chí vì họ muốn độc giả thấy tên họ đứng trên cùng một trang báo với Mai Thảo. Họ thích như vậy, cứ để cho họ làm, tôi sẽ không bao giờ viết lại.” (3)

Trước đó khá lâu, năm 1989 Mai Thảo cũng có một phát biểu tương tự khi gặp Nguyễn Hưng Quốc ở Paris: “Đời tôi có một nguyên tắc: không bao giờ dùng văn chương để làm bất cứ điều gì xấu xa. Đâu phải tôi không biết người nào tốt người nào xấu với mình, nhưng tốt hay xấu mặc họ. Người nào tốt, đến gần, uống rượu chơi. Người nào xấu, lánh ra thật xa, đừng thèm đụng tới. Nhưng đừng bao giờ mang những điều đó lên trang giấy để bôi bẩn nhau. Văn chương là cái đẹp, là thế giới của cái đẹp, ở thế giới ấy có thứ tiền tệ riêng của nó: anh phải dùng thứ tiền ấy, anh phải đàng hoàng, phải lương thiện. Thứ tiền tệ ấy chính là cái đẹp.” (4)

Trong bài báo đăng trên Saigon Times "Một Vài Kỷ Niệm với Nhà Văn Mai Thảo" viết vào khoảng cuối năm 1997, khi nhà thơ Thái Tú Hạp vào thăm Mai Thảo tại bệnh viện Fountain Valley. Thái Tú Hạp đã xúc động nhớ lại một câu nói tâm tình của Mai Thảo khi anh còn khoẻ và thường tới quán Doanh Doanh ở cuối con đường Sunset, một quán ăn gia đình rất văn nghệ của vợ chồng Thái Tú Hạp-Ái Cầm có nhạc cổ điển có treo cả một bức tranh sơn dầu lớn của Nguyên Khai: "Tôi bảo với Hạp một điều, trong đời sống có thể chúng ta không yêu người này, không thích người kia, xỉ vả nhau thẳng thừng trực diện một trận rồi thôi.  Bỏ! Đừng lôi nhau lên báo, kỳ lắm. Cõi văn chương hãy để cho nó trong sáng. Hãy xử dụng ngòi bút mình một cách ngay thẳng, tử tế đối với mọi người..."

Trong cuộc phỏng vấn ngày 5 tháng 6 năm 2008, mười năm sau khi Mai Thảo mất, câu hỏi cuối cùng của Thuỵ Khuê với Trần Vũ, "Anh muốn nói điều gì nữa về Mai Thảo? Trần Vũ nhớ lại: lúc sinh tiền, Mai Thảo thường nhắc: «Em không dụng chữ cho mục đích phi văn chương. Không chửi ai cả. Văn chương không phải là chỗ cho em bựa. Em không được quyền.» Những khi cáu, ông gắt um. Không phải một lần, mà nhiều lần, lời khuyên, mệnh lệnh. Bây giờ Mai Thảo mất rồi, tôi cũng không còn trẻ nữa, nhưng những khi nghĩ đến ông, tôi lại nhớ đến lời dặn này. Hôm qua, bây giờ, tôi vẫn giữ tròn lời hứa với trưởng thượng của mình."

Cả một đời sống với chữ nghĩa, vẫn cứ mãi là một Mai Thảo nhất quán, luôn luôn là người bảo vệ sự trong sáng và thanh thoát của cõi văn chương. Không tu hành nhưng Mai Thảo sẵn có một tâm Phật.

Rồi chợt nhớ tới hai câu trong bài thơ Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại trong tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền của Mai Thảo:

Tâm em là Bụt tâm anh Phật
trên mỗi tâm ngồi một nhánh hương

NHỮNG NGÀY THÁNG NẰM VIỆN
Trao lại tờ Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng rồi, chẳng bao lâu sau đó, sức khỏe Mai Thảo mau chóng suy kiệt, có lúc anh đã không còn đủ sức ra khỏi căn buồng trong khu chung cư cho dù anh đã dọn xuống tầng trệt. Nỗi cô đơn và dấu hiệu bệnh tật thật sự đã có từ mấy năm trước khiến Mai Thảo đã làm bài thơ "Dỗ bệnh":

Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện
Ta lại cùng cơ thể chuyện trò
Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn
Nó nghĩ sao rồi nó lại cho

Bệnh ở trong người thành bệnh bạn
Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân
Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng

Khi không còn "dỗ bệnh" được nữa, là tới lúc Mai Thảo phải rời chiếc bàn viết lữ thứ, rời căn phòng phía sau nhà hàng Song Long để luân phiên vào các bệnh viện Fountain Valley Orange County, Good Samaritan Los Angeles và rồi Barlow Hospital và anh đã chẳng có dịp trở lại chốn cũ.


Hình 8: khu chung cư cao niên Bolsa phía sau nhà hàng Song Long; 
&
căn phòng 209, địa chỉ báo Văn và bàn viết lữ thứ của Mai Thảo.
[photo by Ngô Thế Vinh]

Good Samaritan là bệnh viện tôi tới thăm anh. Nơi đây tôi gặp Nguyễn Phúc Vĩnh Khiêm, người bác sĩ trẻ chuyên khoa tim mạch đang trực tiếp chăm sóc anh. Khiêm từ bé học trường Pháp rồi lớn lên học y khoa ở Mỹ nên không biết gì về văn chương Mai Thảo, nhưng qua thân phụ, Khiêm được biết mình đang được chăm sóc một người bệnh tên Nguyễn Đăng Quý, là một nhà văn Việt Nam nổi tiếng với bút danh Mai Thảo.

Cũng tại bệnh viện Good Samaritan này, Khiêm đã thông tim cho Thượng toạ Thích Mãn Giác tức thi sĩ Huyền Không, Khiêm cũng là thành viên trong toán mổ tim lần thứ hai cho nhà văn Võ Phiến. Vì cùng trong lãnh vực chuyên môn, tôi có nhiều dịp trao đổi với Khiêm về tình trạng sức khoẻ anh Mai Thảo. Về hô hấp anh cần dưỡng khí qua ống thở, về dinh dưỡng do không ăn được anh được nuôi bằng chất thực phẩm lỏng bơm qua một G-tube vào dạ dày. Thời gian này sự sống của anh phụ thuộc vào máy móc và toán chăm sóc đặc biệt. Sau một thời gian nằm qua các bệnh viện, sức khỏe Mai Thảo ổn định nhưng hồi phục thì rất chậm do tổng trạng quá yếu, hậu quả của nhiều năm uống rượu mà không ăn và hút thuốc nên bị suy dinh dưỡng trầm trọng và cả suy hô hấp.


Hình 9: tập thơ thứ nhất Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền;
hình bìa Trần Cao Lĩnh, Nxb Văn Khoa 1989; và thủ bút Mai Thảo
[tư liệu Ngô Thế Vinh]

Nguyễn Mộng Giác khi cùng với hai chị Bùi Bích Hà và Trần thị Lai Hồng khi vào thăm Mai Thảo tại bệnh viện Barlow Los Angeles, bằng trực giác của một nhà văn anh đã có ý nghĩ: "dù không có kiến thức y khoa, chúng tôi đều cảm thấy anh Mai Thảo đang đi trên con đường một chiều, không có cơ may nào quay trở lại đời sống bình thường như trước." (1) 

Sau khi ra khỏi được ống thở, không còn cần thiết phải nằm trong một bệnh viện "acute care" Mai Thảo được chuyển về một khu chăm sóc Phục Hồi Quận Cam. Anh không mắc một căn bệnh nan y nào, dù uống rượu bấy nhiêu năm anh vẫn có một lá gan bằng sắt nhưng Mai Thảo thì cứ như một thân cây khô héo dần cho tới ngày 10 tháng Giêng năm 1998 thì anh mất.

Nhớ lại khi Mai Thảo vừa mất, Đỗ Ngọc Yến có ý tưởng lập ngay một giải văn chương Mai Thảo. Tôi nói với Yến, trước khi nói tới một giải văn chương mang tên Mai Thảo, việc nên làm ngay là giữ lại chiếc bàn viết lữ thứ của anh ấy, như một nét văn hoá của Little Saigon.   
    
Sau khi anh mất, cả không gian sống của Mai Thảo, cuối cùng được người em trai là anh Nguyễn Đăng Khánh đến thu dọn, tất cả chỉ đủ xếp vào mấy chiếc thùng giấy. Và đã không còn đâu dấu vết chiếc bàn viết lữ thứ của một nhà văn "thuyền nhân" lưu vong có tên Mai Thảo.

Người Việt phiêu bạt từ khắp năm châu, khi hành hương tới thủ đô tỵ nạn không lẽ chỉ để thấy một khu Phước Lộc Thọ, chỉ có một tiệm sách Văn Khoa thì nay cũng không còn nữa. Một người bạn cùng gia đình và đàn con thế hệ thứ hai đến từ xứ tuyết Toronto, nhận định là tới Little Saigon không lẽ chỉ để dẫn chúng nó vào những tiệm phở, ngắm bảng hiệu mấy văn phòng bác sĩ hay luật sư. Anh ấy muốn nói tới một Công Viên Văn Hoá Việt Nam.

JANE KATZ PHỎNG VẤN MAI THẢO
Và sau đây là bản lược dịch của người viết từ nguyên bản tiếng Anh, “Những Nghệ sĩ Lưu vong, Hành trình tới Mỹ Quốc” trích từ cuốn sách Artists in Exile, American Odyssey của Jane Katz do Stein & Day Publishers, New York xuất bản 1983. (6)

Tôi sinh năm 1930* tại tỉnh Nam Định, Bắc Việt Nam. Cha tôi là một điền chủ thành đạt, ông được dân làng kính trọng. Ông là chủ gia đình, mẹ tôi thì ở nhà với những người giúp việc. Tôi và các anh em tôi đều rất tuân phục cha tôi.
Sau khi có người Tây phương xâm nhập, đã có tình trạng bất hòa giữa thế hệ trẻ và già. Nhưng những người ngoại quốc ấy đã không thể phá vỡ nền tảng gia đình của đất nước chúng tôi. Đó là một trật tự lâu đời không ai có thể hủy hoại.
Cha tôi quản lý các trang trại. Ông giàu có nên không để chúng tôi làm công việc đồng áng. Tôi phải tới trường đi học, nhưng sau lớp học thì tôi lại rong chơi ngoài đồng ruộng. Với những con trâu kéo cày trên những thửa ruộng nơi châu thổ sông Hồng. Đồng cỏ thì phì nhiêu và xanh tươi. Một số người trong làng thì làm công cho cha tôi, một số khác có ruộng đất riêng của họ.
Dân tộc tôi yêu đất đai, họ tin rằng có hương hồn tổ tiên trong đó. Mọi gia đình đều làm việc ngoài đồng áng, không có ai phải đói kém.
Khi tôi được 10 tuổi thì cha tôi bị mất hết ruộng vườn. Gia đình tôi phải rời về Hà Nội. Thật là khó khăn cho cha tôi phải rời bỏ đất đai của tổ tiên và làng mạc. Trong làng ông quen biết mọi người. Ông đã có một căn cước ở đó mà ông không thể tìm thấy lại nơi thành phố.

Ở Hà Nội, tôi được thấy thành quách và những ngôi chùa cổ qua các triều đại từ những thế kỷ thứ 8 và thứ 10. Một ngôi chùa có tên Ngọc Sơn, một ngôi đền khác có tên là Quan Thánh. Trung tâm thành phố là một hồ lớn, nơi mọi người gặp nhau sau một ngày dài làm việc. Vào mùa hè thì chúng tôi đi biển.
Cho dù sống ở đô thị, chúng tôi vẫn giữ các tập tục cổ truyền như kính trọng người già, tưởng niệm các ngày lễ theo truyền thống.

Tinh thần quốc gia là một phần của truyền thống Việt Nam. Trong một ngàn năm, người Việt bị người Tàu đô hộ, với ảnh hưởng trên nền giáo dục và tư tưởng nhưng người Việt chưa bao giờ bị hoàn toàn khuất phục. Rồi tới thế kỷ 19, khi người Pháp đánh chiếm nhiều tỉnh của Việt Nam, thiết lập nền hành chính đô hộ, mở trường học và các cơ sở dân sự điạ phương.

Năm 16 tuổi, tôi gia nhập phong trào kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi tổ chức những chương trình ca nhạc kịch trong các làng xóm để khích động lòng yêu nước. Chúng tôi viết những câu chuyện về lịch sử và khát vọng tự do. Tôi đã từ bỏ kháng chiến 4 năm sau đó khi biết được Cộng sản đã xử dụng phong trào kháng chiến để phá vỡ trật tự xã hội cổ truyền và cổ võ cho đấu tranh giai cấp.

Chiến tranh Việt Pháp chấm dứt năm 1954 và đất nước bị phân đôi. Gia đình chúng tôi di cư vào Sài Gòn. Đó là một hình thức phản kháng những người Cộng sản. Cha tôi không tin họ và họ cũng không tin cha tôi. Dưới thống trị của Cộng sản, dân chúng hết quan tâm về nghệ thuật. Làm sao có thể vẽ tranh khi mà thường ngày phải lo từng miếng ăn? Trí thức thì bị khống chế và thường bị cưỡng bức vào quân đội.

Từ năm 1958, khởi sự có đối đầu công khai giữa hai miền Việt Nam: miền Bắc là chế độ Cộng sản hậu thuẫn bởi Trung Cộng và Liên Xô và miền Nam không Cộng sản hậu thuẫn bởi Hoa Kỳ và các nước đồng minh.

Thường xuyên có chiến dịch tuyên truyền của cả đôi bên. Miền Bắc thì rêu rao là đang giải phóng miền Nam chống lại đế quốc Mỹ, còn chính phủ miền Nam thì đang chống lại sự thống trị của Trung Cộng và Liên Xô. Cộng sản thực hiện cuộc chiến du kích ẩn náu trong rừng sâu. Máy bay Mỹ thì rải chất độc khai quang để bắt địch quân phải lộ diện. Họ cũng đã gây nhiễm độc cho rừng núi, cây cối, xúc vật và nguồn thực phẩm.

Trí nhớ của tôi về những năm chiến tranh còn rất sống động. Tôi vẫn còn thấy được những căn nhà bị đánh bom, cây cối thì cháy lá và trơ cành, một ngôi đền cổ bị bốc cháy, những trẻ con bụng ỏng, mất mắt hay cụt chân, bà cụ già không nhà cửa thì đi lang thang như người mất hồn…

Tôi viết văn từ năm 1950. Ở xứ sở tôi, nhà văn nhà giáo rất được kính trọng. Sách của tôi được các công ty nhỏ tư nhân xuất bản ở miền nam Việt Nam, rất phổ biến, một số sách đã trở thành “best-sellers” nhưng để sống bằng nghề cầm bút rất khó. Tôi viết rất nhiều truyện và tiểu thuyết. Chúng tôi không có nhiều dịch giả, các sách của tôi không được dịch ra ngoại ngữ. Tôi cũng làm chủ bút một vài tờ báo và tập san văn chương.

Tôi có đọc các nhà văn Mỹ mà tôi rất thích như: Henry Miller, Hemingway, John Steinbeck – qua những bản dịch tiếng Pháp. Các tác giả này không ảnh hưởng tới văn phong của tôi. Nền văn học của chúng tôi rất khác. Chúng tôi có truyền thống văn học riêng từ ngàn năm. Nền văn học của chúng tôi rất quy cách, với mục đích: thăng tiến xã hội.

Có một truyện ngắn tôi đã viết và ưa thích có tựa đề là “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời”. Một người đàn ông và một người đàn bà chung sống trong một căn nhà nhỏ bên suối. Người đàn bà thì không hiểu tại sao người đàn ông đã bỏ đi. Hành trình của người đàn ông là leo lên tới đỉnh cao nhất của một ngọn núi Phương Đông. Ông muốn biết ngọn núi ấy cao bao nhiêu; ông đi tìm kiếm một chân lý tuyệt đối và hạnh phúc. Khi tới được đỉnh cao nhất của ngọn núi thì ông ta tuyệt vọng vì ý thức được rằng chân lý tuyệt đối thì không bao giờ có thể đạt được. Người đàn bà đi tìm kiếm và thấy xác người đàn ông nằm bên bờ suối. Không ai biết người đàn ông đã chết như thế nào. Người đàn bà đưa xác người đàn ông về làng và tự hỏi tại sao người đàn ông chết. Và cuối cùng người đàn bà nghiệm ra rằng trên đường đi tìm chân lý, người đàn ông đã chọn cái chết.

Như một nhà văn, tôi đề cập tới vấn đề nhân sinh; tôi không có ý đi tìm một giải pháp. Đa số các sách và truyện của tôi dựa trên kinh nghiệm bản thân hay của những người mà tôi quen biết. Sự kiện ghi nhớ trộn lẫn với hư cấu. Văn phong – style, là điều quan trọng.

Người Mỹ rút khỏi Sài Gòn năm 1975. Do các bài viết chống cộng trước đó, tôi bị liệt kê trong sổ đen những nhà văn có nguy hại cho chế độ. Hầu hết các nhà văn có tên trong danh sách ấy đều bị bắt đi tù, nhiều người bị chết trong tù vì thiếu ăn, thiếu thuốc men.

Tôi thì may mắn hơn, được dân chúng chăm sóc và che chở. Không có tình thương yêu của họ tôi đã không thể sống còn ở Việt Nam.

Cộng sản ra thông báo là bất cứ ai tán trợ những nhà văn có tên trong sổ đen sẽ bị bắt giữ. Hệ thống an ninh của họ rất chu đáo. Họ chỉ định những người hàng xóm canh chừng nhau và báo cáo lên chính quyền địa phương. Nhưng vẫn có nhiều người liều mạng để che chở cho tôi. Họ che dấu tôi trong 8 căn nhà khác nhau trong vòng hai năm trời. Tôi sống trong hầm tối vì bất cứ ánh sáng hay sinh hoạt nào bị hàng xóm phát hiện sẽ gây hiểm nguy cho gia chủ. Phải là những căn nhà không có trẻ em vì các gia đình luôn luôn dạy con em không được nói dối. Cộng sản đã lục soát một số nhà nhưng không hiệu quả, và họ đã không tìm ra tôi.

Tôi sống như một con vật trong bóng tối, ẩn mình trong suốt hai năm. Có những đêm hoàn toàn mất ngủ, những ngày giống nhau buồn chán. Một người bạn đem đến cho tôi cỗ mạt chược và tôi chơi cùng một lúc ở cả hai phe. Đôi khi quá tuyệt vọng, tôi phải tìm cách ra ngoài, một cách bí mật trong bóng đêm. Đôi khi tôi không thể tưởng tượng rằng mình đã phải sống trong những điều kiện như vậy. Có lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng, và tưởng tượng rằng sẽ có một giấc ngủ dài và không trở dậy nữa. Nhưng người Việt có thói quen chịu đựng và vượt qua. Tôi sâu sắc cảm thấy nhà văn là thuộc xã hội và quần chúng mà họ đang sống với. Với những người đã cùng nhau hợp tác cứu sống tôi, tôi thấy mình phải can đảm để xứng đáng với sự trợ giúp mà tôi đã nhận.

Tôi không phải là Phật tử cho dù gia đình tôi theo Phật giáo. Nhưng là một nhà văn và là một người suy tưởng, tôi phải nhìn lại đời sống mình và cố gắng tìm ra những ý nghĩa. Trong nhiều giờ mỗi ngày tôi đã tịnh tâm và suy niệm. Đặc biệt trong hoàn cảnh như vậy, người ta phải đi tìm sự thật và ý nghĩa của cuộc sống. Tôi đã có cơ hội đó. Tôi tin rằng mỗi chúng ta có một thượng đế trong chính mình. Một người có thể tự cứu rỗi đời sống chính mình qua những hành động và suy nghĩ. Sự tỉnh thức này luôn luôn có ở trong tôi.

Vào cuối năm 1977, có các tổ chức tư nhân giúp người vượt biên. Họ liên lạc với tôi và bảo tôi cứ chờ ở nơi đang ẩn lánh. Tôi hiểu rằng đào thoát là một dịch vụ tốn kém mà tôi thì không có một xu. Tôi không có cách nào liên lạc với gia đình mà không gây nguy hiểm cho họ. Tôi chờ đợi. Vào một đêm tối trời, một người mặc áo đen đi xe Honda, đậu dưới một gốc cây sau căn nhà, hướng dẫn tôi ngồi lên xe gắn máy và lặng lẽ chạy ra hướng bờ sông Sài Gòn, nơi có một chiếc thuyền đánh cá nhỏ đang chờ. Tôi được bảo nên chèo ghe, giả bộ như một ngư dân. Sau 2 hoặc 3 giờ đồng hồ, tôi lại được chuyển sang một thuyền máy trên biển. Bây giờ thì người đàn bà chủ tàu bảo tôi có thể hút thuốc. Tôi nhìn một lần chót thành phố Sài Gòn và bật khóc vì hiểu rằng tôi chẳng còn bao giờ thấy lại nữa. Người dân miền Nam, hết sức gắn bó với một thành phố mang tên Sài Gòn. Tôi có cảm tưởng đã quay lưng lại với di sản của chính mình.

Trên biển cả, tôi có cảm giác được phóng thả. Tôi đã là một con người tự do.
Đó là một đêm tối đen không trăng. Chúng tôi ra được biển khơi nhưng nhưng lại có một cơn bão thổi tới từ Phi Luật Tân, vật vã con tàu nhỏ, bắt buộc chúng tôi phải trở lại bờ. Tôi trở lại nơi ẩn náu. Vài ngày sau đó, tôi được tin cha tôi chết ở tuổi 82. Đối với tập tục Á Đông, một đứa con phải về chịu tang lễ của bố mẹ hoặc mang trong tội bất hiếu. Nhưng các anh tôi khuyên tôi không nên về nhà vì đang bị theo dõi và tôi có thể bị bắt. May mắn là tôi đã bí mật tới thăm được mộ cha tôi, đọc lời cầu nguyện tỏ lòng tưởng nhớ và điều ấy đã làm dịu nỗi đau.

Rồi có chiếc xe gắn máy khác tới trong đêm tối. Chuyến đào thoát thứ hai nguy hiểm hơn lần trước. Chiếc thuyền đánh cá nhỏ đưa tôi tới một chiếc chòi, tôi phải núp ở đó suốt 2 ngày trong vùng xình lầy có cây che khuất. Cuối cùng thì một chiếc ghe tới đưa tôi ra khơi và trong đêm tối, tôi được chuyển qua một chiếc tàu đánh cá lớn hơn. Bất chợt, có một tín hiệu đèn và không tiếng động. Một toan tính kỹ lưỡng và cả nhiều may mắn. Tôi bước lên một con tàu sức chứa 20 người nhưng số người lên tàu là 58. Chúng tôi phải rất tiết kiệm nước và gạo vì không có chỗ chứa. Mọi người ăn uống rất ít và không có ai chết.

Hình 10: nhà văn thuyền nhân Mai Thảo đến bến bờ tự do
Pulau Besar, Mã-lai 12.1977 [nguồn: internet]

Trên tàu gồm những người tỵ nạn chính trị, sinh viên học sinh, người già, các gia đình với trẻ thơ. Chúng tôi trải qua 6 ngày đêm. Mọi người đều đói và khát, một số ngã bệnh. Khi chúng tôi tới gần Mã Lai, biển lặng, trời trong, và mọi người bắt đầu cất tiếng hát. Họ yêu cầu tôi ngâm một bài thơ. Tôi đọc bài thơ của một người bạn nói về một người đàn ông rời nhà ra đi mà không có một ai tới nói lời giã từ.

Tới Mã Lai nhưng họ không muốn tiếp nhận chúng tôi. Các giới chức tỏ vẻ không thân thiện, do đã có quá nhiều tàu tỵ nạn tới đây. Là một quốc gia nghèo, họ không thể cưu mang tất cả. Mỗi lần chúng tôi cố cập bến, họ đẩy chúng tôi ra xa. Cuối cùng, một ngư phủ Mã Lai ra dấu cho chúng tôi; họ bảo cứ ủi tàu vào bãi, nếu tàu bị vỡ hư hại thì họ phải nhận chúng tôi. Chúng tôi đã làm như vậy và có hiệu quả. Con tàu chở chúng tôi bị vỡ. Chúng tôi giúp trẻ em, người già bệnh hoạn lên bờ. Viên chức cứu trợ Liên Hiệp Quốc tới gặp chúng tôi, tặng tiền để chúng tôi mua thực phẩm. Món hàng đầu tiên mà tôi mua là một bao thuốc lá. Họ đưa chúng tôi tới trại tỵ nạn. Trại rất đông nhưng có đủ thực phẩm và lều trú và chúng tôi thì tự do. Chúng tôi không bị giam hãm trong trại. Tôi bắt đầu yêu mến người dân Mã Lai. Trong trại có đài phát thanh và tôi được yêu cầu viết bài và đọc cho chương trình. Tôi cũng giữ chức chủ tịch trại.

Tôi tới Mỹ vì đã có hai em tôi ở đó, và tôi cũng có quen biết với số nhà văn Việt Nam tới trước. Bây giờ tôi đang viết về kinh nghiệm của chính mình. Tôi hy vọng các tiểu thuyết của tôi được dịch sang tiếng Anh. Tôi cũng đang vận động trả tự do cho các văn nghệ sĩ còn bị cầm tù ở Việt Nam. Tôi e rằng nền văn học nghệ thuật của chúng tôi sẽ bị tiêu vong.

Tôi gửi tiền về cho mẹ tôi. Tôi mong bà sẽ sang đây nhưng bà thì không muốn là gánh nặng cho các con ở Mỹ. Và bà cũng không muốn chết ở một nơi xa quê nhà.

Tôi muốn nói với với thế giới rằng hai mươi năm chiến tranh đã tàn phá đất nước tôi. Nhà cửa đường xá có thể xây dựng lại, nhưng vẻ đẹp của đất đai và tâm hồn dân chúng thì không. Khi chúng ta đang nói chuyện nơi đây, sự hủy hoại vẫn tiếp diễn dưới chế độ Cộng sản.

Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có còn một tương lai. Xa rời quê hương, thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần  hồn.
Jane Katz, Artists in Exile, American Odyssey (6)

* Ghi chú của người viết: Mai Thảo sinh ngày 8 tháng 6 năm 1927, chi tiết Mai Thảo sinh năm 1930 trong bài phỏng vấn của Jane Katz có lẽ không chính xác. 

Hình 11: Người muôn năm cũ, từ phải: Thanh Tâm Tuyền 2006, Đinh Cường 2016, Mai Thảo 1998, Ngọc Dũng 2000
[nguồn: tư liệu Đinh Cường]

TIỂU SỬ MAI THẢO VÀ TÁC PHẨM
Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý, bút hiệu khác: Nguyễn Đăng, sinh ngày 8/6/1927 tại chợ Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ học trường làng, trung học lên Nam định rồi Hà nội (học các trường Đỗ Hữu Vị, Chu Văn An). Năm 1945, theo trường sơ tán lên Hưng Yên. Khi chiến tranh bùng nổ năm 1946, gia đình từ Hà Nội tản cư về quê chợ Cồn, sau đó Mai Thảo vào Thanh óa theo kháng chiến, viết báo, tham gia các đoàn văn nghệ đi khắp nơiH từ Liên khu III, IV đến chiến khu Việt bắc. 1951, Mai Thảo bỏ kháng chiến về thành. 1954, di cư vào Nam. Viết truyện ngắn trên các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Người Việt. Chủ trương tạp chí Sáng Tạo (1956), Nghệ Thuật (1965) và từ 1974, trông báo Văn. Ngày 4/12/1977, Mai Thảo vượt biển tới Pulau Besar, Mã lai. Đầu năm 1978, sang định cư tại Hoa-kỳ. Ban đầu cộng tác với tờ Đất Mới của Thanh Nam trên Seattle và một số báo khác tại hải ngoại. Tháng 7/1982 anh cho tục bản tạp chí Văn, làm chủ biên đến 1996, vì tình trạng sức khỏe trao lại cho Nguyễn Xuân Hoàng; hai năm sau ngày 10/1/1998 Mai Thảo mất tại Santa Ana, California, thọ 71 tuổi.

TÁC PHẨM
Nhà nghiên cứu và thư viện học Phạm Trọng Lệ, trên báo Văn số Tưởng mộ Mai Thảo tháng 2/1998 đã sưu tầm một thư mục Mai Thảo, trong đó có ghi số trương mục những tác phẩm được lưu trữ tại các thư viện ở Hoa Kỳ, và được Thuỵ Khuê bổ xung phân loại sau đó. (2)

Đoản thiên:
Đêm giã từ Hà-nội (Người Việt, 1955) Tháng giêng cỏ non (1956), Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời (Sáng Tạo, 1963), Bày thỏ ngày sinh nhật (Nguyễn Đình Vượng, 1965), Căn nhà vùng nước mặn (An Tiêm, 1966), Đêm lạc đường (Khai Trí, 1967), Dòng sông rực rỡ (Văn Uyển, 1968), Người thầy học cũ (Văn Uyển, 1969), Chuyến tàu trên sông Hồng (Tuổi Ngọc, 1969), Tùy bút (1970), Mưa núi (tập hợp những truyện tuyển trong Đêm giã từ Hà-nội và Tháng giêng cỏ non, Tân Văn, 1970), Ngọn hải đăng mù (Làng Văn, Toronto, 1987), Một đêm thứ bẩy (Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 1988) Hồng Kông ở dưới chân (Xuân Thu, 1989), Chân bài thứ năm (Nam Á, Paris, 1990), Chuyến métro đi từ Belleville (Nam Á, 1990).

Truyện dài:
Mái tóc dĩ vãng (Tiểu thuyết tuần san, 1963), Cô thích nhạc Brahms? (phóng tác), Khi mùa thu tới (Thái Lai, 1964). Viên đạn đồng chữ nổi (Văn, 1966). Đêm kỳ diệu. Cùng đi một đường (1967). Sau khi bão tới (Màn Ảnh, 1968), Tới một tuổi nào (Miền Nam, 1968), Cũng đủ lãng quên đời (Hồng Đức, 1969), Lối đi dưới lá (1969), Mười đêm ngà ngọc (Hoàng Đông Phương, 1969), Thời thượng (Côi Sơn, 1970), Sống chỉ một lần (Nguyễn Đình Vượng, 1970), Hết một tuần trăng (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1970), Sau giờ giới nghiêm (Tủ sách Văn Nghệ Khai phóng, 1970), Trong như hồ thu (Tủ sách văn Nghệ Hiện Đại, 1971), Mang xuống tuyền đài (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1971), Một ngày của Nhã (1971), Để tưởng nhớ mùi hương (Nguyễn Đình Vượng, 1971), Sóng ngầm (Hoa biển, 1971), Sống như hình bóng (Tiếng Phương Đông, 1972), Hạnh phúc đến về đêm (Nguyễn đình Vượng, 1972), Một đời còn tưởng nhớ (Hải Vân, 1972), Gần mười bẩy tuổi (Nguyễn Đình Vượng, 1972), Chỉ là ảo tưởng (Sống Mới, 1972), Suối độc (Nguyễn Đình Vượng, 1973), Tình yêu mầu khói nhạt (Nguyễn Đình Vượng, 1973), Bên lề giấc mộng (Ngày Mới, 1973), Chìm dần vào quên lãng (Tiếng phương Đông, 1973), Cửa trường phía bên ngoài (Đồng Nai, 1973), Ánh lửa cuối đường hầm (Anh Lộc, 1974), Ôm đàn tới giữa đời (Gìn Vàng Giữ Ngọc, 1974), Những người tình tuổi song ngư (Xuân Thu, 1992)...
Nhận định, hồi ức: Chân dung mười lăm nhà văn, nhà thơ Việt Nam (Văn Khoa, 1985)
Thơ: Ta thấy hình ta những miếu đền (Văn Khoa, California, 1989).

ĐI THĂM MAI THẢO
Buổi sáng ngày lập đông, nam California vẫn là một ngày nắng đẹp tuy hơi se lạnh. Chúng tôi, anh Từ Mẫn nguyên giám đốc Nxb Lá Bối rồi Văn Nghệ, anh Phạm Phú Minh nguyên chủ bút Thế Kỷ 21 rồi Diễn ĐànThế Kỷ, cùng hẹn nhau đi thăm mộ anh Mai Thảo. Riêng nhà thơ Thành Tôn, người có đầy đủ nhất các tư liệu về Mai Thảo vì bận bất ngờ không đi được. 

Hình 12: Mộ chí Mai Thảo với 4 câu thơ trích từ tập
Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền; trên bia mộ là tờ Văn số đặc biệt Tưởng Mộ Mai Thảo, tư liệu của Thành Tôn 

Hình 13: anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết (phải) và anh Phạm Phú Minh thăm mộ Mai Thảo 04.12.2016 [photo by Ngô Thế Vinh]

Mộ Mai Thảo trong khu vườn Vĩnh Cửu, gần nhà Thuỷ Tạ. Cô nhân viên của Peek Family nhận biết ngay tên nhà văn Mai Thảo, và cho biết thường chỉ có khách phương xa tới thăm. Quanh mộ Mai Thảo cỏ mọc xanh non, riêng tấm bia mộ bằng đá đen trải qua 18 năm vẫn nguyên vẹn với chân dung Mai Thảo và phía dưới có trạm khắc 4 câu thơ từ tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền:

Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi

Đặt mấy nhánh hồng trên mộ chí anh Mai Thảo, cùng với số báo Văn đặc biệt Tưởng Mộ anh, thắp mấy nén nhang với khói hương trầm toả khắp. Thăm anh Mai Thảo và nhớ tới anh với câu thơ Nguyễn Du: Thác là thể phách còn là tinh anh.

NGÔ THẾ VINH
California, 12.2016


Tham Khảo:
1/ Nguyễn Xuân Hoàng, Nhớ Mai Thảo; Văn số đặc biệt Tưởng mộ Mai Thảo, tháng 2/1998
2/ Phạm Trọng Lệ, Bảng Thư Mục Tác Phẩm của Mai Thảo; Văn số đặc biệt Tưởng mộ Mai Thảo, tháng 2/1998
3/ Nguyễn Đăng Khánh, Mai Thảo Anh Tôi; Văn số đặc biệt Tưởng mộ Mai Thảo, tháng 2/1998
4/ Nguyễn Hưng Quốc, Vài ghi nhận về Mai Thảo; VOA 12.01.2011 http://www.voatiengviet.com/a/ghi-nhan-ve-mai-thao-2-01-12-2011-113379499/892744.html
5/ Mai Thảo, Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam,
Nxb Văn Khoa 1985
6/ Jane Katz, Artists in Exile, American Odyssey; Stein & Day Publishers, NY 1983











No comments:

Post a Comment