Ngô
Thị Kim Cúc
Ý Nhi & Ngô Thị Kim Cúc
Nguồn: Trang Facebook của NT Kim Cúc
Ý Nhi & nhà thơ Bei Dao
Nhà
thơ Ý Nhi vừa trở về từ Tokyo, Nhật Bản, sau khi tham dự cuộc Hội thảo Thơ do
Trung tâm Thơ Đương đại thuộc Tập đoàn
Đại học Josai- Nhật Bản (Josai University Educational Corporation) tổ chức.
Tham dự hội thảo là một số nhà thơ từng nhận giải thưởng văn chương Cikada của
Thụy Điển như Bei Dao (Trung Quốc), Tota Kaneko (Nhật Bản), Noriko Mizuta (Nhật
Bản), Moon Chung-He (Hàn Quốc), Yang Mu (Đài Loan), Ý Nhi (Việt Nam) và một số
nhà thơ nổi tiếng của Nhật Bản như Shuntaro Tanikawa, Mutsuo Takahashi, Gozo
Yoshimasu.
Cuộc
trò chuyện của nhà thơ Ý Nhi cho thấy những điều không chỉ thú vị mà còn hấp
dẫn mà người Nhật có thể làm với một hội thảo văn chương.
*So với những hội
thảo Thơ mà chị từng có mặt, chị thấy cách tổ chức của người Nhật có gì khác
biệt?
-Người
Nhật làm việc gì cũng nghiêm túc, cẩn thận, chi tiết. Vì là lần đầu tiên tôi
tham dự hội thảo nên bà Hiệu trưởng của trường và ông Chủ tịch Giải thưởng
Cikada dành một buổi sáng để tiếp đoàn Việt Nam. Họ muốn tìm hiểu về văn học
Việt Nam, đặc biệt về thơ Việt Nam cổ điển và hiện đại cũng như quan niệm của
riêng tôi về các vấn đề này. Cuộc trao đổi trở nên sôi nổi khi nói về các thể
thơ như thơ lục bát của Việt Nam, thơ Tanka, thơ Haiku của Nhật Bản.Tôi rất
ngạc nhiên khi biết ông Lars Vargo, Chủ tịch Giải thưởng Cikada, không những
giỏi tiếng Nhật mà còn là một người đam mê sáng tác thơ Haiku. Ông đã đọc những bài thơ Haiku của mình bằng
ba ngôn ngữ: Nhật-Anh-Thụy Điển trong buổi hội thảo.
*Hội thảo này có tổ
chức định kỳ không, và sự nối kết này tạo được “hiệu ứng” gì, qua cảm nhận của
chị?
-Theo
tôi biết thì hội thảo lần thứ nhất được tổ chức cách đây hai năm. Vào cuối cuộc
hội thảo lần thứ hai này, bà hiệu trưởng Đại học Josai cho biết sẽ tiếp tục có
những hội thảo thơ vào thời gian tới. Đó là chỉ dấu cho kết quả của hội thảo
lần này. Nếu không, chắc chắn sẽ không có lời hứa đó. Người Nhật không làm việc
một cách khơi khơi, được chăng hay chớ.
*Chị có đọc tác phẩm
của những nhà văn có mặt trong hội thảo không? Xin chị giới thiệu chút ít về
họ.
-Mặc
dù đã từng đọc và yêu mến nhiều tác giả văn học Nhật Bản, tôi phải đọc lại khá
nhiều về văn hóa và văn học Nhật Bản. Đến nước họ trong tư cách một người làm
văn học mà họ hỏi điều gì cũng ngẩn ra thì rất đáng xấu hổ. Ngoài ra tôi tìm
đọc thêm về Bei Dao, Moon Chung-he, Yang Mu trên mạng… Dù không được nhiều
nhưng cũng đủ cho những cuộc trao đổi có tính chất xã giao.
*Điều đáng nói nhất
trong cách làm việc ở hội thảo này, với chị?
-Chủ
đề bao trùm của các cuộc hội thảo Thơ lần này là: Đem ngôn từ bảo vệ sự Bất khả
Xâm phạm của Cuộc sống (Giving word to the Inviolability of Life). Đây cũng
chính là tinh thần của giải thưởng Cikada. Như bạn biết, với chủ đề này người
ta rất dễ đi vào những lối mòn của lý thuyết. Tôi nghĩ, điều quan trọng chính là
cách thức. Không có những diễn từ chào mửng dài dòng, không có những tham luận
khiến người nghe mệt mỏi.
Tất
cả chỉ là những thảo luận nhóm, ngay trên sân khấu, gồm hai người, ba người,
bốn người cho một vấn đề cụ thể... Ví như những hồi ức của Bei Dao và Shuntaro
Tanikawa; vấn đề Thơ và giới tính giữa Moon Chung-he và Mutsuo Takahashi, một
người thường viết về phụ nữ và người kia, về đồng tính; hay cuộc thảo luận khác
về việc sử dụng ngôn ngữ trong các tác phẩm của T.S Eliot; về bài thơ Nấm của
nữ sĩ Sylvia Plath…
Cuộc
tranh luận này lại dẫn đến một cuộc tranh luận khác, rất thú vị, đó là người ta
có cần phải Học để biết cách đọc thơ hay không… Câu hỏi có tính thời sự nhất
chính là câu hỏi về giải thưởng Nobel văn chương năm nay dành cho Bob Dylan.
Trong khi nhà thơ Noriko Mizuta nói về những kỷ niệm thời trẻ của bà khi được
nghe những bài hát phản chiến của Bob Dylan, tôi nói về sự mở rộng biên độ văn
chương của Viện Hàn lâm Thụy Điển, một người khác cho rằng giải thưởng đã thực
sự gây sốc thì Bei Dao lại thốt lên: “Giải Nobel chỉ khiến tôi nhức đầu”. Cả
hội trường ồ lên vui vẻ vì câu trả lời có phần khác thường của ông. Có lẽ vì
mọi người đều biết rằng Bei Dao đã hơn một lần được đề cử cho giải thưởng danh
giá này.
Những
ý kiến khác nhau, trái ngược nhau đã thu hút sự chú ý của hàng trăm thính giả,
trong suốt một ngày. Tôi đặc biệt thích không khí vừa nghiêm cẩn vừa nhiệt
thành của cuộc hội thảo.
*Chị đã giới thiệu
phần nào trong tác phẩm của mình?
-Sau mỗi cuộc thảo luận, các nhà thơ đọc
thơ bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Các bài thơ này đã có sẵn bản tiếng Anh và tiếng
Nhật phát cho khách mời. Đồng thời, họ cũng có thể theo dõi qua việc dịch trực
tiếp. Tôi chỉ có thể đọc một số bài thơ có sẵn bản tiếng Anh như Người đàn bà ngồi đan, Lời bài hát, Tự do,
Nguyện ước…
*Ấn tượng của chị về
một vài tác giả có mặt trong hội thảo?
-Người tôi mong gặp nhất là Bei Dao vì
đã đọc ông khá nhiều. Ông gần với hình dung của tôi: điềm tĩnh, lịch thiệp,
kiệm lời. Ông đã dành một ít thời gian kể về cách mạng văn hóa của Trung Quốc,
khi ông còn rất trẻ và mới bắt đầu làm thơ. Một trong những bài thơ của ông lúc
ấy đã khiến bố ông sợ hãi, khuyên ông phải đốt đi…Tôi nghĩ, những kỷ niệm đau
đớn đó đã in dấu sâu đậm trên toàn bộ thơ ông sau này.
Bei Dao được đặc biệt quý trọng. Buổi
lễ khai trương bài thơ Sự hoàn hảo
(Perfect) của ông được khắc trên đá tại cơ sở Đại học Josai ở Chiba diễn ra
trang trọng và cảm động, dưới cơn mưa nặng hạt. Sự trọng thị đối với nhà thơ,
với thơ như thế thật hiếm có trong xã hội tiêu thụ tàn nhẫn ngày nay. Đó là một
đặc điểm kỳ lạ của người Nhật. Trong một đời sống công nghiệp hóa ở đỉnh cao họ
vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc mình bằng tình yêu với thiên nhiên,
bằng sự lịch duyệt giữa con người với con người, bằng tình yêu với sân khấu cổ
điển, với thơ Haiku…
*Nhật Bản đang vào
mùa lá đỏ. Chị có thời gian đi ngắm thiên nhiên Nhật Bản không? Chị có đến được
địa danh nổi tiếng nào trong các tác phẩm văn chương Nhật Bản không?
-Thời gian eo hẹp, lịch làm việc lại dày
đặc nên tôi chỉ có một ngày cho Kyoto- thành phố mà tôi ao ước nhất khi nghĩ
đến Nhật Bản. Tôi chọn tàu cao tốc Shincansen để có thêm thời gian nhưng cũng
chỉ có thể đến được Đền Vàng của Mishima và Cố cung. Tiếc ngẩn ngơ vì không thể
đến được những ngôi chùa và các khu phố cổ của Kawabata, vì không mua được
chiếc bình gốm Tamba, vì không ngắm được mùa hoa anh đào… Mong sao rồi sẽ có
dịp thảnh thơi hơn.
*Chị có nghĩ, Việt
Nam cũng có thể tổ chức được những hội thảo văn chương kiểu này?
-Một hội thảo thơ như vậy ở Việt Nam
ư. Có thể chứ, nếu chúng ta cũng có một ý thức sâu sắc, một thái độ nghiêm cẩn,
một lề lối đàng hoàng trong mọi thứ. Tôi xin nhắc lại: Nếu.
NGÔ
THỊ KIM CÚC
No comments:
Post a Comment