Sunday, December 25, 2016

ÔNG GIÀ NÔ-EN


Hồ Đình Nghiêm

Ông già Noel. Tranh vẽ. Internet

Ông già Nô-en ngồi trước cổng trường mầm non đường 2 tháng 9 quận 10 vào lúc 11 giờ trưa ngày 23 tháng 12. Phụ huynh chưa đến đón con, trời không lạnh chẳng nóng nhưng tiếng động và bụi bặm thì luôn chen lấn trên đoạn đường hư hỏng sau mỗi bận triều cường dâng rồi rút.

Cánh cửa sắt chưa mở, phía sau treo hình con chim bồ câu trắng vẽ trên nền xanh tấm bảng hiệu đã úa màu theo nắng mưa. Trường mầm non sẽ thay đổi diện mạo tươi sáng chừng nào xuân về, ăn tết nghỉ lễ rồi hẳn hay. Những người trông coi ngôi trường bé tẻo teo kia đang lên kế hoạch thu thêm lệ phí. Than thở: Quý vị thấy đó giá xăng lên, tiền điện lên, mọi thứ tha hồ lên, chữ Mầm Non cùng con chim bồ câu thì đâu có gì phải ưu tiên giải quyết mà gia công làm đẹp.

Có chiếc xe gắn máy tấp vào sát bờ lề, người ngồi sau nhảy xuống, điệu bộ thuần thục. Anh ta đứng ngay mặt kẻ diện bộ đồ đỏ lòm chẳng giống ai. Một tay chống nạnh một tay vung vẫy xỉa xói vào mặt kẻ đeo hàm râu nhái một cách lộ liễu không khoan nhượng. Người ngồi trên xe máy móc cái bộ đàm đeo nơi thắt lưng và trong giây lát một chiếc xe bốn bánh với hình thù kỳ lạ trờ tới, thắng đứng. Cửa sau mở, ba người sáu tay lôi ông già nô-en, kéo lê rồi thảy vào thùng xe, khoá cửa, chạy vụt đi.

Cổng trường mần non xịch mở, những chú chim bồ câu tung tăng đi ra rồi dồn cục ngác ngơ tìm kiếm một ảnh hình hoang đường vừa biến mất. Mọi năm chỉ thấy ông già nô-en bằng nhựa, bằng cao su được bơm hơi bày sau cửa kính đặt trong siêu thị, thương xá; đặc biệt năm nay mới thoạt trông ra một ông bằng xương bằng thịt dáng kiên nhẫn đứng đợi chờ, thoắt cái ổng độn thổ đi đâu? Bay về lại Bắc cực rồi ư? Xứ này nóng quá chịu không được ư? Hay ổng về tắm rửa ăn uống đợi bóng tối hẳn tái xuất hiện?

Chỉ có bà Bảy bán trà đá chanh đường biết, chỉ có chú Sáu chạy xe ôm biết, chỉ có ông mù ôm đàn hát dạo thôi xuống sáu câu khi nghe ra chộn rộn tiếng người cự cãi quát tháo. Họ bình luận vụ việc nhưng tuyệt không ai hay biết cớ sự do đâu. Mỗi người góp một câu, thường kèm theo dấu hỏi, phỏng chừng, đoán non đoán già và các em đầu xanh vô tội vẫn giữ bộ mặt lạc thần, thất kinh hồn vía. Dòng chảy của cuộc sống vẫn trôi, không gián đoạn. Ông già nô-en còn đứng đó hay ổng bị hốt đi thì không vì thế mà xẩy ra chuyện lạ. Trẻ lên ba cũng biết tuyết đời nào đổ xuống chốn đây!

Đồn công an quận 10 lớn gấp mười trường Mầm Non, nhưng cánh cửa sắt bắt ngay cổng thì chẳng chênh lệch độ hoành tráng, bên tám lạng bên nửa cân. So ra các em bé tới trường tập ê a vào ra được thong dong chân bước hơn chốn đây, nơi mà người lớn thấy thân nặng khi vào bên kia cánh cửa hẹp.

Khi ông già nô-en vào phòng, việc trước tiên là người ta giải phóng ngay bộ đồ toàn sắc đỏ kia. May mà thân thể kia còn biết chêm quần đùi với áo may-ô chứ không thì nghĩ cũng bất tiện khi ngó nhau. Hai người phụ trách chỉ chiếc ghế biểu ông ngồi rồi thảy ra giữa bàn tờ giấy vở học trò cùng cây viết. Một người nói, ghi ra đủ đầy mọi thứ, thành tâm khai báo thì chóng được về.

Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc. Tôi tên là Nguyễn Trần Huỳnh, sinh ngày 25 tháng 12 năm 1954 tại Trảng Bom. Hiện đăng ký hộ khẩu ở số 7a/21/b5 phường Nhị Thiên Đường. Dân tộc: Kinh. Chứng minh nhân dân mang số 25379681. Làm nghề bán vé số dạo. Tôi viết tờ kiểm điểm này …

Gần cả giờ, đối tượng Huỳnh mặt thẩn thờ chẳng rặn ra thêm một chữ. Cửa phòng mở, một kẻ mặc thường phục bước vào, đưa cho Huỳnh xem hai tấm ảnh ghi hình một nam một nữ:
- Biết ai đấy không?
- Không ạ.
- Do đâu ông phải vào ngồi đây, có biết không?
- Không. Tôi rất muốn biết.
- Ai xúi ông cải trang làm ông già nô-en?
- Tự ý tôi chứ không do ai xúi dục cả.
- Đây là thằng Bé, còn ảnh nầy là con Chín. Cách đây non tuần chúng bắt cóc một em nhỏ rồi đòi tiền chuộc là 20 triệu đồng. Do nghiệp vụ cao chúng tôi đã giải cứu bị hại đồng thời tóm gọn cả hai kẻ thủ ác. Chắc ông có nghe tin?
- Không ạ.
- Ông giả làm ông già nô-en mà cắm dùi ngay trước trường mần non hẳn là với mưu đồ mờ ám, tính làm mẹ mìn để bắt cóc bọn nhi đồng, có phải không?
- Không ạ. Tôi tính làm bọn nhỏ vui thôi mà. Lãnh nguyên cọc vé số, thay vì đi bán, tôi sẽ tặng mỗi em một tấm vé làm quà mừng chúa giáng sinh. Chỉ nhiêu thôi, chưa phát quà xong thì gặp ngay rắc rối.
- Hoang đường! Giờ nầy có ai đi tin vào chuyện ông già nô-en đi phát quà mà bày trò, nhằm che đậy một âm mưu nguy hại phá rối cuộc sống an lành của người dân. Ông có thể mang xấp vé số ra để dụ dỗ một đứa trẻ rồi bắt nó đi.
- Cho tôi hỏi một câu, có được không ạ? Với nghiệp vụ cao của các anh an ninh chắc cũng dễ nhìn ngay ra vấn đề. Một đứa đi bắt cóc hoặc dự mưu làm việc ám tối thì nó đâu có ngu dại gì để mặc một đồ quá nổi bật như ông già nô-en. Không chừng tôi vào chợ trời kiếm mua bộ đồng phục cải trang làm công an thì tha hồ làm mẹ mìn, bắt nguyên cả trường mầm non cũng trót lọt.

Không dằn lòng, một đứa mặc sắc phục bạn dân đã giáng một cái tát vào mặt Huỳnh. Ông già nô-en bị lột đồ lột râu đưa tay lên ôm mặt trần trụi đổ máu.

Bị nhốt hai ngày, tìm không ra chứng cớ tội phạm, ngày 25 Huỳnh được phóng thích. Bộ áo quần vải đỏ viền vải trắng giá 65K đi kèm với râu ria ông bỏ công sắm sửa bị giữ tại đồn vì họ vẫn xem đó là thứ y phục mà bọn thủ ác có thể lợi dụng nguỵ trang trong ngày lễ lạc để đánh lừa móc túi thiên hạ. Huỳnh cứ may-ô quần đùi mà đường bệ tại ngoại cùng cái mặt bị thương tích vêu lên bất cần một cảm thông, một dị nghị. Một thứ trang phục thiếu vải, phản cảm, bất đắc dĩ phải phô bày. Dầu gì Huỳnh cũng là người lớn lên ở xứ sở thủ đắc những 4000 năm văn hiến.

Đám bạn bán vé số tụ bầy đón chào ông già nô-en, sản phẩm của tưởng tượng tơi tả trở về, kéo nhau ra quán nhậu nằm dưới cầu Nhị Thiên Đường gầy cuộc vui. Một người nói: Cha Huỳnh này coi vậy mà bảnh, từ trỏng trở ra đúng ngày đúng tháng, ngoài ta gọi là đến hẹn nại nên. Hôm nay là ngày gì các bạn có biết không? Cả đám nhao nhao: Thì là ngày Giáng Sinh chớ còn gì nữa mà hỏi cha nội? Vậy là mấy cha hổng biết đương sự Huỳnh sanh nhằm ngày 25 tháng 12 sao? Ủa, thiệt dậy sao? Huỳnh, dô hết cái này coi, ngày này mà kêu chúc mừng sanh nhật thì e chẳng được phải phép. Kệ đi mà, một công đôi chuyện. Vui thôi mà.

Huỳnh ngữa cổ nốc ly rượu đắng, dằn ly không xuống bàn: Từ khi có mùa nô-en, từ khi ba má đẻ ra thằng Huỳnh này đây là lần đầu trong đời thằng hèn này bị chúng đánh cho phù mỏ. Âu cũng nên gọi đó là một kinh nghiệm đau thương, ấy là các bạn có muốn chia sẻ niềm vui bất ngờ tới một ai thì nên đắn đo suy tính cho thật chín mùi kẻo mang hoạ vào thân. Đời này làm việc lành thiệt quá khó! Mẹ nó chứ, nguyên xấp vé số của thằng hèn này chui đẹp vào túi thằng trưởng đồn chẳng cần ghi cái biên lai đểu. Không chừng bộ đồ ông già nô-en mấy chả cũng lợi dụng đặng có dịp mà mượn gió bẻ măng.

Thôi mà Huỳnh, chuyện nhỏ. Đấng quyền uy bắt tụi mình ra đời ở chốn tối tăm nực nội này thì đành cung kính hổng bằng phụng mạng, chạy trời không khỏi nắng. Uống say đi mày, vinh danh thiên chúa trên trời bình an dưới thế cho người thiện tâm. Thằng thiện tâm bị uýnh sặc máu trước đêm chúa sanh ra đời. Hô hô hô…

Hồ Đình Nghiêm
boxing day 2016

No comments:

Post a Comment