Nguyễn Quang Chơn
Noel Đà Lạt
Mùa Giáng Sinh này chúng tôi lên Đà lạt, tránh cái mưa dầm dề miền Trung, nhân tiện dự
đám cưới một người bạn, người em thân thiết...
6:15 sáng, máy bay boarding đúng giờ và theo dự kiến khoảng 7:15 là đến nơi. Tôi tính
sẽ lên Dran chơi rồi 2 giờ chiều về nhận phòng là vừa. Nhưng máy bay lăn ra
đường băng mà không cất cánh được, đành phải quay vô phòng chờ và chờ thay máy
bay khác từ Hà nội bay vô. Lang thang sân bay là cái chắc!...
Lang thang trong sân bay thì có gì vui. Một giờ cà phê chờ
đợi tôi đã thấy oải người. May thay, thấy có quày sách Phương Nam. Vậy là dạo
chơi mấy bìa sách. Kìa, có mấy cuốn của BS Đỗ Hồng Ngọc. Thấy cuốn " Phật
ở đâu xa", nhớ anh Ngọc đã tặng mình nhiều sách, nhưng chắc thấy mình chưa
có ngộ Phật pháp nên chưa tặng cuốn này.
Mình đã đọc lai rai trên blog anh và đặc biệt bài lạc khoản của anh Cao Huy
Thuần thật hay. Vậy là, " một hôm gặp lại" ĐHN tại sân bay ĐN. Mua
một cuốn và đọc...chờ giờ bay chưa có!..
Mình vốn đã đọc Duy Ma Cật sở thuyết kinh. Vốn mê cái ông bồ
tác cư sĩ businessman này ghê lắm. Mình khoái cái vụ nhập thế của ông ở vị
trí...đại gia mà lý luận uyên bác, mà tấm lòng vô lượng, các đại đệ tử của Phật
Thích Ca phải nép một bên!...
Nay đọc những luận bàn của ĐHN về DMC, thấy thật hạnh phúc,
thật vui, như đang trao đổi với anh, như một cái duyên.... Lúc Chơn mõi mệt
chán ngán không biết làm gì. ĐHN ở SG không biết đang làm chi. Lại gặp nhau tại
sân bay ĐN trên trang sách. Lại như đang cùng nhau cà phê cười đùa...
Đi chơi Noel mà đọc Duy Ma Cật là tuyệt cú mèo! Vị cư sĩ này
nếu sống vào thời "After Christmas" chắn ông cũng sẽ đi dự noel như
chúng ta, biết chừng đâu ông cũng vào đảng, vào trung ương... Hay, ông đã hoá
thân vào chúng ta, đang sống dưới một xã hội suy tàn đạo đức, tôn giáo, văn
hoá..., ông (chúng ta) đang trăn trở, tìm cách hành pháp???
13 giờ mới tới ĐL. Nắng. Quỳ vàng đã hết mùa, chỉ còn sót
lại vài nhánh tả tơi, lẻ loi. Nhớ tháng 11 năm ngoái. Vừa bước xuống máy bay.
Hành khách đã ồ lên và đưa máy ảnh chụp dã quỳ đang vàng ánh trên những đồi núi
quanh sân bay, trên khắp nơi Đà Lạt....
Đà lạt vẫn thế. Ban ngày nắng nhưng đêm vẫn lạnh. Vẫn phải
khoác chiếc áo ấm. Du khách vẫn kéo về nìn nịt. Và. Đà lạt vẫn hồn nhiên đón
khách, vẫn thu tiền với một sự quy hoạch bát nháo của chính quyền và...rác,
bẩn...
Những thùng rác cũ kỹ
nhớp nhúa khắp nơi
Tôi có cảm giác Đà lạt sau 41 "cải tạo" đã không
còn hình dáng ĐL xưa. Những gì mới làm thêm đã dần xoá hết những nét thanh
lịch, sang trọng của kiến trúc, qui hoạch thuộc Pháp và những chiếc áo kệch
cỡm, những lôm nhôm xây dựng đã biến ĐL thành một hình hài ghẻ lở, nhớm nhúa.
Những cột cổng bọc vàng đã biến khách sạn lịch lãm bậc nhất Đông Dương Palace
thành một gã nhà giàu mặc áo kim tuyến. Một khối kiến trúc hình con sò với đa
sắc màu không hiểu sao mọc lên bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng như một cô gái dân
dã vùng cao khoác một lớp phấn son rẻ tiền lên mặt. Và rác, và bẩn. Những thùng
rác cũ rách nhớp nhúa toạ lạc ngay khu ăn uống ngoài trời. Ngay trong công
viên, ngay bên bờ hồ, nơi du khách đi dạo, ngồi chơi với rác khắp nơi, những
vỉa hè chắp vá....
May thay. ĐL còn nhà thờ con gà. Còn đồi cù mộng mơ. Còn nhà
ga u hoài, còn những cánh rừng thông vi vu, còn mấy con dốc đặc trưng, còn cà
phê Tùng để chúng tôi đến, thấy một cái gì của hồn xưa lãng đãng, của bạn bè
đâu đây...
Thuê một xe máy để tự do dạo quanh ĐL. Lại càng thấy một sự
lãng phí lớn lao của chính quyền khi hàng trăm biệt thự đẹp đẽ biến thành công
sở, thành phế tích, chẳng có sự chăm chút, duy trì... Chúng tôi đến Bảo tàng
Bảo lộc. Một khuôn viên rộng rãi của phú hào Nguyễn Hữu Hào, nơi có một biệt
thự 3 tầng mà sau này ông tặng cho con gái là bà hoàng hậu Nam Phương Nguyễn
hữu thị Lan. Một không gian mênh mông chỉ chưng bày mấy phiến đá, mấy căn nhà
sàn đổ nát, hai cái xích đu..., sơ sài, hoang vắng..., buồn!
Nhà thờ con gà trang hoàng giản đơn chào đón Chúa ra đời.
Ngày mai Chúa giáng sinh. Mong một chút hồng ân ban đến cho dân tộc Việt.
Mong một sự bình an, hạnh phúc, ấm êm...
Cầu xin Chúa trên trời!...
Nguyễn Quang Chơn
Mùa Noel 2016
No comments:
Post a Comment