Saturday, December 24, 2016

TẢN MẠN BTCP. NHỮNG ĐỐNG LỬA ĐÊM NOEL


nguyễn xuân thiệp

 Christmas bonfires in New Orleans. Internet
                               
                                Lá bàng vừa đốt đỏ
                                Ấm một góc sân nhà
                                Đêm đông trời se gió
                                Tội anh về. Đường xa
                                            ( thơ nguyễn thị khánh minh)

Đống lửa trong đêm mùa đông. Ôi quý biết bao nhiêu. Nhất là đối với người đi xa về. Cám ơn nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã cho ta một hình ảnh đẹp, ấm cúng và những tình cảm nhân hậu sâu sắc.
Tiếp nối Khánh Minh, Nguyễn tôi trong mùa đông này cũng muốn nói tới những đống lửa được đốt lên để sưởi ấm nhân gian nhất là trong đêm Giáng Sinh trên các phần đất của địa cầu.

     Viết đến đây, điều đầu tiên Nguyễn liên tưởng tới là đêm Chúa ra đời cách đây trên hai ngàn năm. Đêm ấy chắc trời lạnh lắm. Và Chúa còn bé nhỏ e cũng bị lạnh. Nhưng may trong hang Bê Lem nhờ khuất gió cũng đỡ đi. Lại thêm có hơi ấm của đàn cừu. Còn những đống lửa? Văn bản của Thánh Kinh không nói tới nhưng theo Nguyễn nghĩ đám trẻ mục đồng chắc thế nào cũng đốt lên vài đống lửa, nhờ đó Chúa cũng được sưởi ấm.  Nghĩ tới những đống lửa trong hang Bê Lem ngày ấy, lòng Nguyễn thấy bồi hồi xúc động. Chính những ánh lửa ấy soi sáng cho trần gian sau này.

      Đêm lạnh, hồi ức về những Noel khốn khó ngày xưa lại trở về. Nguyên Nhi hồi còn với anh em, trong một bài tạp bút đã viết thay Nguyễn: Nguyễn Xuân Thiệp nhắc lại đêm Noel đầu tiên trong rừng cao su Long Giao, nơi ông chịu cảnh lao tù. Ờ, đúng rồi. Thuở ấy, năm 1975 nửa khuya xe molotova của bộ đội tới xúc anh em từ trường Lê Văn Duyệt nơi tập trung, đưa về trại Long Giao. Tới nơi vào lúc sáng tinh mơ. Trại Long Giao là nơi hoang phế, gần rừng cao su, lau lách bốn bề. Chỉ có một cái giếng nước bỏ hoang, cầu tiêu chung được vây bằng mấy tấm tôn rách. Chúng tôi phải ngủ trên nền đất, ngày ngày đi cưa gốc cao su chở về làm củi đốt, và cuốc đất trồng khoai sắn. Ăn chỉ có mắm muối và cơm gạo mốc chở đâu từ rừng về. Đói quá, một vài anh em đi bẫy chuột nướng hoặc dùng thau nước để dưới ánh đèn ban đêm cho lũ phù du (con vờ) sa cánh vào rồi đem chiên ăn. Chỉ một hai tháng ở Long Giao một số anh bị phù thủng, ghẻ ngứa hoặc gầy nhom. Nhà thơ quá cố Hà Thượng Nhân cũng có mặt ở trại tù Long Giao và đã viết lên những câu thơ ai oán: Trời có điều chi buồn / Mà trời mưa mãi thế / Cây cỏ có chi buồn / Mà cỏ cây đẫm lệ / Mà cỏ cây lệ tuôn?
       Thế đấy. Buồn và đau đớn, tuyệt vọng. Thấy mình đã mất đi một bầu trời. Thời gian trôi qua, nỗi buồn khổ chồng chất. Anh em cắn răng chịu đựng, trong lòng luôn mơ về một mái nhà và bếp lửa ấm. Thế rồi Noel đến. Sẵn củi cao su, đêm Giáng Sinh, bầu trời lạnh giá, gió hun hút thổi, anh em đem chất thành đống đốt lên để sưởi. ...  Trong ánh lửa bập bùng, có người xướng lên âm điệu bài Hang Bêlem và tất cả cùng hát mà nước mắt tuôn rơi…

      Từ những đống lửa trong đêm Noel ở trại tù Long Giao, ta đi và gặp những đống lửa lá khô của những tâm hồn cô quạnh đốt lên ngay giữa lòng Sài Gòn. Đây ta hãy nghe người bạn trẻ Vũ Văn Chính thuật lại trong bài tạp bút “Nhớ những mùa Giáng Sinh Xưa Sài Gòn” đăng trong Website Huỳnh Thị Ngà: “Tôi cũng có những đêm Noel trời thật lạnh, không có một em gái để trò chuyện, để yêu đương, đành tụ tập mấy thằng bạn đi ra bãi cỏ trước Dinh Độc Lập, nhìn quanh đây đó cũng từng tốp nhỏ, cả trai lẫn gái ngồi quây quần bên nhau vừa chuyện trò vừa ngồi mơ mộng, gom lá vàng rơi rụng quanh đây rồi đốt lên những đốm lửa, những đốm lửa nhỏ lập lòe trong cái gió lạnh buốt của đêm Giáng Sinh 1979 thổi qua, chưa bao giờ dân Sài Gòn từng thấy cái lạnh buốt như năm này, ngồi đốt lá trong đêm nhưng ngọn lửa vẫn không đủ sưởi ấm tâm hồn, rồi cùng nhau ngồi ôm cây đàn Guitar mà rên rỉ tiếng hát thì thầm trong đêm:
       Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có nhau….Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn, đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi” (Bài Thánh Ca Buồn – Nguyễn Vũ )

    Từ những đống lửa đốt bằng lá khô trên công viên góc phố Sài Gòn thời Cộng Sản, ta đi… Ta đi và gặp đống lửa lớn ngay giữa thành phố Budapest với những người vô gia cư ngồi quanh hát thánh ca. Rồi tới Irak. Ở đây, người ta đốt đống lửa ở sân Nhà thờ đêm Noël. Sau Thánh lễ, linh mục ra chạm tay vào một người, người này lại chạm vào người khác, cứ thế mọi người đều nhận được cái chạm tay ban phước lành. Tại nhà, trẻ em đọc chuyện Chúa Giáng Sinh, các thành viên gia đình cầm nến sáng, khi trẻ đọc xong, mọi người châm lửa đốt một bó gai rồi nhảy múa, ca hát, gai cháy thành tro là dấu năm mới may mắn. Khi lửa tàn, mọi người nhảy qua đống tro 3 lần, miệng khấn may mắn, bình an…Và đây ở San Jose, nơi tập trung nhiều người vô gia cư. Cũng như mọi năm, năm nay anh Ramos cũng mong được trở về nhà bên bếp lửa gia đình nhưng nhà đâu mà về. Trong số những người vô gia cư tại San Jose cùng chia sẻ cuộc sống lạnh lẽo với anh Ramos có một phụ nữ gốc Việt, đó là bà Monica Nguyễn. Giữa thời tiết giá lạnh kia, người ta trông thấy bà đang co ro châm lửa đốt một cái bếp ga để sưởi ấm cho đôi bàn tay run rẩy, và rồi cũng để đun một chút nước nóng uống cho ấm lòng người sống lang thang giữa lòng đô thị đêm Đông không nhà.
      Bây giờ, để tìm chút hơi ấm cho đêm Giáng Sinh lạnh giá, xin mời anh em đến với những đống lửa củi rừng bonfires dọc theo bờ sông Mississippi vùng New Orleans. Đây, chúng ta trở lại với anh chàng Nguyên Nhi ngày nào khi anh thay Nguyễn kể lại trong một bài tạp bút: Nguyễn Xuân Thiệp bỗng dắt chúng ta trở lại Noel trên Thành phố của Vầng Trăng Khuyết. Hàng triệu bóng đèn nhấp nháy trên những cành sồi và hàng cọ trăm tuổi đứng sắp hàng như những người lính qua thế kỷ.  Những đống lửa củi rừng bonfires được đốt lên sáng rực đôi bờ Mississippi dẫn đường cho ông già Noel đi phát quà cho trẻ em. Chuông giáo đường hòa với lời ca Giáng Sinh trên phố cổ. Bữa ăn khuya truyền thống sau Thánh Lễ Nửa đêm có lẽ chỉ còn trong những gia đình New Orleans. Nhớ không em, nhiều lần, chúng ta sắp hàng dài chỉ đợi được một chỗ ngồi trong quán cà phê Du Monde, nhấm nháp chiếc bánh beignet, nhìn dòng người xuôi ngược trên khu French Quarter? Nhớ không em, nhạc jazz dưới tầng hầm rượu? Và còn ly rượu chiều trên đường Bourbon trong quán Uncle Sam’s của Anh Việt và Nhật Nguyễn? Nhớ không?...”
NXT
(Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment