Saturday, December 31, 2016

LAN MAN CUỐI NĂM 2016


Nguyễn Quang Chơn

Festival glow in New Orleans.
By Michael Hoard

Tôi có tật ngủ sớm. Ăn cơm chiều xong, bật TV xem thời sự vài phút, nghe giọng nói rào rào là mắt ríp lại, và ngủ...

Ngủ sớm thì phải dậy khuya, khoảng một, hai giờ sáng. Dậy một chút giữa khuya cũng hay. Khi thì đọc những email bạn bè nước ngoài gởi về. Khi thì với tay lên đầu giường đọc một cuốn sách lỡ dỡ... Khuya yên tĩnh, không bị phân tâm, đọc cái gì cũng thấy suy tư sâu lắng, dễ nhập, dễ cảm...

Không đọc thì nằm yên với bóng đêm. Bóng đêm như một tấm gương cho ta rọi soi lại mình, xem lại những sự việc đã làm trong ngày, trong tháng, trong tuần. Nghĩ về bè bạn, về con người, về xã hội. Đêm mênh mông cũng làm cho tâm ta nhiều thương yêu hơn, lòng ta tha thứ hơn, hành thức ta độ lượng hơn... Có những mưa gió nửa đêm cũng để cho ta lắng nghe những cuồng nộ đất trời, nằm yên thấy cái nhỏ bé tấm thân ta trong cõi ta bà, để tự nhủ mình hãy tìm đến những suy tư giản dị hơn, đằm thắm hơn...

Giờ này cũng thế. Tôi thức giấc giữa khuya. Bóng đêm u tịch. Ngoài kia có tiếng mưa rơi nhẹ và căn phòng lạnh căm... Tôi chợt nhớ hôm nay ngày cuối năm, 31/12/16. Hôm nay là thứ bảy. Cũng là ngày cuối tuần. Một thước phim tháng ngày năm cũ chợt retour trong tôi....

Vậy là mình đã thêm một năm được hưởng hồng ân thượng đế. Bởi đời người chừng chỉ 60. Mình đã vượt qua cái ngưỡng ấy rồi. Còn được thấy mặt trời. Còn được nghe bóng đêm là đã được hưởng phần thưởng của trời đất cho mình...

Một năm. Thấy cũng nhanh thật. Mới đó. Mới bước vào công ty PKH tháng ba 2013 với như hai bàn tay trắng và những thách đố tồn tại của thị trường. Nay cuối năm thứ tư. Công ty không những đã sống, mà lại sống khoẻ, sống tốt, sống mạnh trong niềm tự hào của anh em, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình... Đêm nay, công ty sẽ tổng kết cuối năm, đón giao thừa hoành tráng cùng lực lượng cán bộ công nhân lên đến hàng trăm con người, mừng cho những thắng lợi trong kinh doanh, một năm bình an và thịnh vượng, một đại gia đình hạnh phúc, thành công...

Năm nay lạnh nhiều. Miền trung nhiều thiên tai, nhân họa . Kinh tế cũng có nhiều chuyển biến bất lường. Vượt qua những khó khăn, thách thức. Chộp bắt những cơ hội tốt. Hợp tác. Đột phá và linh hoạt là những yếu tố để thành công... Đất nước với một chính phủ mới cũng đang bươn chải, gắng gỏi trong một bối cảnh khó khăn về tài chính, lũng đoạn về tệ nạn, hoang mang trong định hướng...

Một vài người thân thương cũng đã từ biệt cõi trần. Vài người khác đang chống chỏi với  bênh tật trầm kha. Đặc biệt đầu năm, hoạ sĩ Đinh Cường, một nghệ sĩ tài hoa, một trái tim nhân hậu, một tấm lòng bao la..., đã mất, để lại trong bạn bè bao nuối tiếc, xót đau... Thi sĩ Hoài Khanh ra đi. Nhà thơ Phạm Ngọc Lư bên bờ dốc tử sinh... Những dấu chứng văn nghệ sĩ miền nam trước 1975 dần dần rơi rụng. Mong rằng các tác phẩm của các anh để lại cho đời sẽ không mai một với thời gian!...

Miền Trung tiễn năm cũ ra đi rả rích buồn. Và lạnh. Trong căn phòng kín. Nghĩ đến những sinh linh đang co ro đâu đó. Trên vùng thượng nguồn xói lở. Dưới mái chòi bên sông rách nát. Bên góc chợ tồi tàn. Tự nhiên thấy buồn. Ngày vẫn cứ trôi. Đời vẫn cứ qua. Từng mảnh đời. Từng thực thể. Rực rỡ sắc màu đó. Lung linh hào quang kia và tủi nhục góc vườn nọ. Lạnh lẽo bờ hiên này..., cũng thế. Làm sao kết nối được nhau, san sẻ cho nhau? Ngày mai. Năm mới. Trời có hết mưa. Xuân có hết lạnh. Nắng có lên để em thơ hát bài ca hồn nhiên. Các cô giáo khỏi phải đi karaoke, uống rượu tiếp khách. Những ngư dân Nghệ An Hà Tĩnh khỏi phải trông chờ những đồng tiền bố thí. Lũ sẽ không xả xuống đầu cư dân miền trung vốn không giàu đã lại khổ hơn!...

Ngày mai. Một năm mới bắt đầu. Tôi được trời cho thêm một tuổi. Em vẫn bên tôi thở giấc ngủ say. Các con vừa gởi e-cards mừng năm mới. Bạn bè gởi thư season greetings. Xin chúc mừng cho bạn, cho tôi. Và, chắp tay, nguyện cầu cho tất cả. Xin bồ tát thị hiện, rải giọt cam lồ, rót ánh đạo vàng, cứu độ chúng sinh!....

Nguyễn Quang Chơn
2:00 sáng 31/12/16

HAI ĐOẠN THƠ MÙA ĐÔNG 2015


Đoạn của Nguyễn Xuân Thiệp


Tuyết ở khu rừng sau nhà Đinh Cường

giáng sinh
mưa và tuyết
trắng. miền trung tây
tôi. như chiêc lá
rụng
bên vệ đường
khi mùa đông tới
một mình. trong bệnh viện
nằm nghe gió
từ cõi mạn đà la nào
thổi qua trang kinh cổ
nghĩ tới chúa. sinh trong hang bê lem 
giữa rơm. cỏ khô. và lũ trẻ chăn cừu
lạnh.đá xưa
nghĩ tới dung                                                                                                      i
ra đi theo chuyến gió
mùa đông
mưa rơi. mưa vẫn rơi
trên mái nhà
nghĩ tới đống lửa lá bàng. thơ em. sưởi ấm người về                                                 
rồi nghĩ tới bạn bè                                                                                                         
từ cali. thành phố gió chicago.ohio.seattle. texas.atlanta.canada. đức. việt nam
gởi lời thăm hỏi
và chúc mùa đông an lành
mừng vui khi thấy đinh cường viết đoạn thơ sau ngày gíang sinh

thơ này tôi viết vội. trong cơn bệnh mùa đông. đầu óc còn như chiếc lá khô. bay.đảo
viết và gởi tới bạn bè                                                                 
như một lời tạ ơn. thăm hỏi…
NXT

Đoạn  của Đinh Cường

Modigliani. Jeanne

Thiệp ơi, nhớ bạn. về chưa
nằm nhà thương. nhìn mưa tuyết
trắng. nhớ Dung vợ hiền
dáng gầy Jeanne. dáng gầy buồn
xám tro ánh mắt. xám luồn cổ cao

Tôi nằm. nhẹ thở. âm hao
Modigliani như nhìn tôi nói
thầm thì. Thiệp ơi
chúng ta hãy dậy
Bếp lửa xưa. mẹ hiền ...

Virginia, December 28, 2015
Đinh Cường


Thursday, December 29, 2016

HOA MÙA ĐÔNG


Hồ Đình Nghiêm

Hoa xuyên tuyết. Internet

Hoa oải hương mùa đông. Internet

Dù có tuyết hay không, ở chốn đây bao giờ hàn thử biểu cũng rơi xuống âm độ. Trừ 10 trừ 20 cũng chả lạ gì, như cơm bữa. Lạnh, chẳng ai chối cãi, nhưng không vì mùa màng kiểu đó khiến đảo lộn mọi sinh hoạt, người ta vẫn thức khuya dậy sớm dù quang cảnh ngoài trời đang đóng băng, đang cóng thân cùng tiếng gió rít.

Tôi đã làm cho ông bình cà phê. Ông ăn bánh mì trứng với bacon hay điểm tâm tô mì ăn liền? Người chồng đứng rửa mặt ngó vợ qua tấm gương: Bà ăn gì thì tôi ăn nấy. Bà đã gói giúp tôi món quà ấy chưa? Rồi, xong từ tối hôm qua kia.

Người đàn ông khoá lại vòi nước. Tĩnh lặng. Chỉ có tiếng nồi niêu lách cách đặt trên lò, tiếng chân bước qua về của người vợ loay hoay chu toàn bữa ăn sáng. Ông lau mặt, ông chải tóc rồi chậm rãi tới ô cửa vác mặt dòm ra. Tiếng bà vợ cất lên sau lưng: Coi bộ lạnh dữ à nghe, mặc áo cho nhiều vào.

Chỉ bà nói ông nghe, ông nói bà nghe. Quen rồi, muốn thay đổi không khí thì giả bộ làm trái ý nhau rồi lời qua tiếng lại cãi lẫy. Nhưng điều đó chỉ xẩy tới một hai lần, không có “sự bất quá tam” bởi bà đã cảnh báo: Tui yếu tim lắm nghe ông, muốn giết người không gươm đao à? Ông luôn nhường nhịn bà, luôn cởi giáp quy hàng, đến độ mấy đứa con cũng từng nhận xét: Hạnh phúc thay khi ba biết sợ má! Và thằng út đã đích thân mang lại nhà, tự tay nó đóng đinh tấm poster vào cánh cửa phòng ngủ: “Sau lưng một người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của phụ nữ”.

Con cháu họ đều ở xa, chúng phải lo liệu việc sở việc nhà nên theo chương trình đã lên lịch, đôi ba hôm nữa mới về thăm. Bà đã hối ông chở ra chợ, trong đầu bà tự động hiện ra ba món ăn để gia công nấu nướng. Ông phê bình: Quá nhiêu khê cầu kỳ, mất công sức, lỡ không hợp khẩu chúng thì xôi hỏng bỏng không. Bà nhìn ông: Tui đẻ ra chúng mà bộ tui không biết miệng lưỡi chúng sao? Vậy thì bà có đọc ra những ý nghĩ thầm kín của ba đứa con không? Có đấy, chúng bảo rằng ông chẳng chịu lượng sức, già yếu mà cứ ưa ôm đồm đi lo chuyện bao đồng. Ông nghe, như mọi khi, ngồi rụt cổ lại chẳng đưa ý kiến.

Khi ngồi vào bàn ăn, bà rót cà phê ra cho ông: Chỗ đó cũng tình nghĩa, nghỉ hưu đã hơn hai năm mà họ còn nhớ tới ông để gọi lại chung vui. Ông múc muỗng đường, khuấy ly cà phê. Mình có quyền từ chối, nhưng bữa nay đúng lúc lão Fred thôi làm, buộc mình phải mang quà tới dự buổi chia tay. Thì hôm tôi giã từ cũng xôm trò vậy, họ mời cả những cựu nhân viên già lọm khọm. Ừ, nói chung thì có tình có nghĩa thật. Bà nhìn lên chiếc đồng hồ treo gần bàn ăn, đó là món quà công ty tặng cho một nhân viên lao động ròng rã suốt mười lăm năm không gián đoạn. Nhân viên nhác chơi xin ăn hưu non và cái đồng hồ chỉ cần thay battery thì vẫn chuyên cần gõ nhịp thời gian, chưa gặp mệnh hệ để đường đột bỏ cuộc. Tại sao khi người ta giũ áo thôi đi cày bừa lại tặng người ta cái vật nhắc nhở giờ giấc ra đồng áng?

Tôi đi nghe bà. Trước khi mở cửa ông nhắc: Tôi đã để sẵn bộ phim Hàn quốc bà đòi xem trên bàn. Tiệc tùng đôi lúc không kéo dài bằng những chồng chéo éo le trong phim ảnh đâu. Ông khoá cửa nhà, ông để gói quà trong xe, mở máy. Cầm đồ cạo tuyết bám rồi dùng chổi quét quanh khối kim loại đang ho hen thở khói đen. Tờ tạp chí chuyên đề về auto cho hay, trung bình mỗi chiếc xe sẽ rệu rã sau khi gồng mình chịu qua 5 mùa đông. Ông đã than thầm: Sắt thép còn vậy huống chi xương thịt con người. Nói nào xa xôi, đêm hôm trái gió trở trời, ông muốn thương vợ nhưng bà la lên, đau lưng lắm, gân cốt tui đang mỏi gối chồn chân, sức người có hạn; và trời trở gió trái ông đã làm thằn lằn chắc lưỡi trong canh thâu, đêm dài lắm mộng!

Ông lái xe đi, thử đạp thắng để dò đường xem có trơn trợt không. Cũng chẳng việc gì phải gấp rút, kim chỉ vận tốc ở con số 40, Ông lấy làm lạ khi đọc phải một bản tin, rằng các ông bà già thường gây ra tai nạn xe cộ hơn hạng tuổi năng động háo thắng của bọn thanh niên. Có thể do ở phản ứng đã mất đi sự nhanh nhạy, hoặc mắt yếu, hoặc dễ buồn ngủ bất chợt, hoặc một đầu óc lơ đãng thiếu tập trung. Những lầm lỗi ấy không có ở người ông, ông điều khiển xe chạy chậm vì ông đang tự vẽ ra một hình ảnh, một dung nhan, một thứ khiến ông nóng lòng chạm mặt. Radio băng tần FM lóng rày siêng phát nhạc mừng Giáng Sinh, hầu như đài nào cũng thế, từ nguyên bản truyền thống cho tới biến đổi thành thể điệu rock. Quá đỗi chộn rộn. Ông bẻ tay lái ở ngả tư đèn xanh, kia rồi tảng đá xám hùng vĩ của bệnh viện trung ương thành phố đứng chắn lối. Tuần trước ông đi đổ xăng và tình cờ gặp Fred. Lão ta loan tin sắp về hưu rồi thông báo: Anne, làm kế toán ở văn phòng đó, bị ngã đến độ gãy xương, hiện nằm trong nhà thương, hay tin chưa?

Ông đậu xe không mấy xa cổng bệnh viện. Trường học, công sở, hãng xưởng hay chợ búa thường vắng thưa người tuỳ theo giờ giấc nhưng nhà thương, bốn mùa đều nhộn nhạo kẻ vào người ra không dứt. Muốn mở mắt chào đời phải chui vào, băng bó, khâu vá hoặc thở hắt ra hơi cuối cũng từ chốn này mà quyết định việc sinh tử, chẳng thể làm khác đi. Một kẻ bị gãy xương, không khó cho ông tìm tới nơi Anne nằm. Mùa Giáng Sinh năm xưa, sau buổi tiệc chung vui ở chỗ làm, Anne uống hơi quá chén và chẳng hiểu do đâu, bà chỉ định riêng ông mang sứ mạng chở người đi quàng xiên về tận nhà. Ông để cho Anne quàng tay nơi cổ, ông xốc nách tấm thân hơi đẫy đà và mọi thứ không gây trở ngại một mảy may. Bà ở cùng người con gái, có tấm giấy màu dán nơi cánh cửa: Con dự tiệc đằng chỗ Julie, muộn lắm thì cỡ 1AM. Vẽ một trái tim màu đỏ thế dấu chấm. Và khi đọc xong lời nhắn kia, tim ông nghe rộn tiếng đập nhanh, khó cắt nghĩa một nỗi niềm. Ngay cả chữ già cũng chớ đào bới, khoanh vùng đặt mốc. Không ai thấy mình già đi khi lâm vào cảnh này, ông dịu dàng đặt Anne nằm xuống giường bằng sức lực của một gã trung niên. Chịu khó pha cho tôi một tách trà chanh. Anne nói, dường không phải một người đang say rượu. Anne say thứ khác, nũng nịu chất giọng của một kẻ rất mực tỉnh táo.

Cửa thang máy mở ở lầu năm, hành lang sáng dọc dãy đèn vàng. Theo tay chỉ của cô y tá, ông cầm gói quà bước vào địa phận mãi tôn trọng sự yên lặng. Người nằm trên giường sửa lại thế, kê gối cao để xua đuổi khuôn mặt buồn ngủ, thắp sáng một nụ cười. Tôi sẽ chết vì cảm động. Bệnh nhân nói khi nhận quà, chiếc áo đặc thù được cột giây có hơi sai lạc vị trí, giống như những sợi tóc rối chưa hề biết qua răng lược; tựu trung nó bày ra thứ hình ảnh gần như đêm Giáng Sinh năm nào. Bàn tay Anne đang dồn lực để níu đầu ông xuống trao gửi một nụ hôn. Sao biết tôi ở đây? Tôi gặp Fred và tôi nghĩ nên lại thăm Anne. Mùa lễ, nằm trong chốn ảm đạm này, người ta cần tin tới một thứ mà chúa không đủ quyền năng để trao tặng. Đứa con gái của tôi cần học ở bạn nhiều thứ. Thấy đỡ phần nào không? Y tá không hỏi kiểu của bạn, họ chỉ nói từ một đến mười, bạn đang ở số mầy? Ừ, Anne đang ở thang điểm nào? Cách đây khoảng năm mười phút thì số sáu, hiện tại đang leo lên số tám. Bạn đáng yêu quá. Được nghỉ tới bao lâu? Tới tháng tư sang năm, hy vọng thế. Trở mình vẫn nghe đau. Đưa tay đây. Ông nghe lời và bàn tay ông được thăm dò lên vùng thịt đã bị dao kéo phẫu thuật. Ở bên hông, trần trụi suốt, không nội y. Mềm mại, ấm cúng. Ông thoáng nghĩ tới vợ, hai ba lớp vải đậy đệm, đang quấn thêm chiếc chăn mỏng để thả hồn vào những thước phim tình cảm lãng mạn của Hàn quốc. Vợ ông đưa cảm nhận: Trong phim ảnh, những đứa tráo trở xấu xa đều phải bị tiêu diệt vào đoạn cuối; còn ngoài đời thành phần ấy luôn sống dai, thọ hơn cả người hiền lương.

Người y tá mang thuốc vào. Ông nói tôi về nhé, sẽ trở lại thăm hoặc khi nào xuất viện tôi sẽ dìu đỡ và làm tài xế cho. Cô y tá cười, chúc ông mùa lễ an lành. Ông lập lại, phát hiện khuôn mặt thoáng buồn của Anne. Noel năm ấy, khi chưa bị tai nạn, ông ta đã nán ở với mình lâu hơn ước ao. Xương đã gãy thì còn ra cơm cháo gì nữa hở trời! Nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa cũng mất sướng!

Ông về tới nhà bà vẫn xem chưa hết mấy tập phim. Vì lỡ đóng tuồng đi ăn với cựu đồng nghiệp, ông đã tạt vào tiệm người Việt ăn bát phở dằn bụng sau khi từ bệnh viện trở ra. Biết ông về, bà chẳng hỏi han bởi phim đang gặp hồi gay cấn. Thằng con rể âm mưu bất chính, dối gạt cả nhà cho tới khi bị vợ đương sự phát hiện. Dĩ nhiên vợ ông, đàn bà với nhau, đã thoá mạ chẳng tiếc lời thằng tài tử đẹp trai đóng vai kẻ bội phản. Ông nói: Có trường hợp nào người ta ca ngợi và đồng lòng tiếp tay với kẻ dối gạt không? Ông uống mấy chai bia mà trở chứng đi nói ba cái chuyện khó nghe vậy? Bà nghĩ sao về vụ ông già Nô-en hằng năm từ chốn xa cỡi xe về trao quà cho bọn con nít trên toàn thế giới? Đánh lừa người lớn thì khoan xét tội trạng, nhưng dối gạt bọn trẻ con thì cần lên án, cần ngăn chận ngay.

Bà vợ nhìn ông, thăm dò vẻ mặt chồng: Ăn liên hoan cùng bọn tây ở chỗ làm cũ, có phải không? Sao tui đánh hơi toàn cả mùi phở vậy? Ông cười to tiếng như ông già Nô-en: Đằng sau một người đàn ông thật thà luôn có bóng dáng phụ nữ đa nghi. Có cần tui nhắc lại bệnh tình không: Tui chúa yếu tim, là bông hoa trong mùa  đông không biết sẽ tàn héo đi lúc nào… Ồ, thấy chưa, phải vậy chứ, thằng rể ấy bị cảnh sát đến bắt rồi kìa. Hừ, chạy trời sao khỏi nắng!

H ĐÌNH NGHIÊM
cuối năm 2016

CUỐI NĂM ĐI THĂM THẦY TUỆ SỸ


Đỗ Hồng Ngọc 

ĐHNgọc. TTMinh. Thầy Tuệ Sỹ

Thầy Tuệ Sỹ

Đã lâu không gặp thầy. Thân Trọng Minh báo thầy Tuệ Sỹ vừa từ Bảo Lộc về ở Hương Tích mấy hôm nên cả nhóm kéo đi thăm: Thân Trong Minh, Đỗ Hồng Ngọc, Thanh Hằng, Huyền Chiêu. Trong nhóm, chỉ có HC chưa gặp thầy dù trước đó, TTM đã gởi tặng thầy tập tản văn của Huyền Chiêu và Khuất Đẩu. Thầy có một thời sống ở Nha Trang mà!

Riêng mình thì đã gặp thầy nhiều lần, có lúc ở bệnh viện, có lúc ở chùa Già Lam,  có lúc ở quán Trà của Viên Trân, cùng GS Trần Văn Khê, nhà báo Trần Trọng Thức… Tuần trước thầy vừa nhờ TTM gởi tặng mình bộ A-Tỳ-Đạt-Ma Câu-Xá 3 tập dày cộm, in rất đẹp.

TTMinh quen thân với các thầy Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát từ lúc các thầy còn là chú tiểu ở chùa Bảo Quốc, Huế. Thầy Lê Mạnh Thát thì còn học chung với Châu Văn Thuận ở Quốc Học nữa.

Buổi gặp cuối năm thật ấm cúng, thân tình. Thầy pha trà cho mọi người uống và đàm đạo thật vui.

Thầy kể chuyện vui, lần thầy Lê Mạnh Thát phát hiện cuốn Hứa Sử truyện vãn, một cuốn truyện chữ nôm Thế kỷ 18 ra sao khi cùng vào thăm một ngôi chùa nhỏ ở Vạn Giả. Người giữ chùa thấy thầy Thát mân mê cuốn sách cổ đã nói “Ông mà đọc được tôi cho ông luôn” vì tưởng thầy Thát chỉ là một cư sỹ tháp tùng thầy Tuệ Sỹ!

TTM gởi tặng thầy bức vẽ “thầy Tuệ Sỹ” của Duyên, thầy rất vui với tấm lòng người ở phương xa. Mình thì gởi tặng cuốn “Cõi Phật đâu xa” viết về kinh Duy-Ma-Cật, bởi thầy là người đã viết nhiều về Duy-Ma-Cật mà mình cũng được tham khảo. Mình nhắc thầy về vở nhạc kịch Duy-Ma-Cật, điều thầy ao ước bấy nay và thực tế thầy cũng đã dàn sơ 3 cảnh… Cao Huy Thuần, Hoàng Quốc Bảo, Thân Trọng Minh, Đỗ Hồng Ngọc đều mong cùng góp sức hoàn thành vở nhạc kịch độc đáo này.

Rời thầy vói tay lấy ngay cuốn Huyền Thoại Duy-Ma-Cật trao tặng mình, và ghi : “Quý tặng Duy-ma Cư sỹ Đỗ Hồng Ngọc”. Ối trời! Hôm sau còn bảo đã đọc chương 1,2 Cõi Phật đâu xa và bài của Cao Huy Thuần gởi ĐHN trong sách rồi!

Thầy “khoe” cái cốc của thầy ở Blao. Đẹp quá và thanh tịnh quá chứ. Mình vẫn “méo mó nghề nghiệp” hỏi thăm một chút về sức khỏe và lối sống hiện nay của thầy ra sao thì biết mắt đã bắt đầu kém, hình như đã bị cườm khô rồi, còn nói chung thì ổn, mặc dù gầy nhom, chỉ cao 1,59m và nặng 39,5kg. Mỗi ngày ăn nhẹ buổi sáng và ăn cơm vào buổi trưa, buổi tối nhịn (y như thời Phật). Mình đùa nghiên cứu gần đây cho thấy ăn đói đói thì sống rất lâu đó! Ngủ mỗi đêm chỉ từ 21h đến 2 giờ sáng, thức dậy làm việc ngay. Thỉnh thoảng nhịn đói tuần lễ, mươi ngày, chỉ uống nước chanh đường. 3,4 ngày đầu thấy hơi mệt, nhưng sau đó thấy sảng khoái và rất sáng suốt…

Công việc của thầy bây giờ là nghiên cứu và dịch kinh sách từ tiếng Pali. Những tác phẩm rất có giá trị của Phật giáo giúp cho các tăng ni trẻ có tài liệu học tập, tham khảo.
Rồi thầy ký tặng sách cho mọi người, mấy cuốn Tuyển văn của thầy do thầy Hạnh Viên thị giả sưu tầm, rồi cùng chụp hình kỷ niệm và hẹn dịp nào lên thăm cái cốc của Thầy ở Blao…

Hẹn thư sau nhé,

Đ HNG NGỌC.

*hình do Thanh Hằng
Nguồn: Trang nhà bs Đỗ Hồng Ngọc