Hoàng Hưng
Ý Nhi. Đinh Cường vẽ
Tác phẩm của Ý Nhi
“VƯỜN” CỦA Ý NHI
Cuối một ngày tất bật, cuối con đường tấp nập, ta gặp một
khu vườn. Khu vườn lặng lẽ như không thể có trong sự ồn ã của thành phố phương
Nam này. Lặng lẽ của con sóng “còn chuyến đi bền bỉ tới bờ”, của đoá hoa quì
“tựa ngọn đèn ai thắp trong vườn / mong bước chân về”, của động tác “thắp ngọn
đèn qua đêm chiến tranh / như thắp một nén hương”, của chiếc nhẫn hẹn ước “tuột
khỏi vòng tay [ngón tay thì đúng hơn?]/ lẩn mình cùng sỏi đá”… Đây là khu vườn
của ký ức. Người đàn bà ở bên kia đỉnh dốc mong tìm nơi “vòm dẻ nhuốm vàng kia
/ lời nguyện cho nỗi yên hàn” mà ký ức không thể yên hàn, ước nguyện “ra đi /
như người đàn bà đi khỏi mối tình của mình” mà kỷ niệm không sao cất bước. Vì
đã có một mối tình đi qua không bùng nổ không dông bão mà in dấu rất sâu trong
“ánh chớp số phận”, có lẽ cho đến hết cuộc đời vẫn còn làm chị “lặng lẽ nói
cười lặng lẽ nát tan”. May chăng thoát khỏi nỗi buồn u ẩn kia là những “đôi
khi” bắt gặp lẽ vô cầu của chiếc gàu cứ thả mình trong sự va đập, của đứa trẻ
bán xực tắc mải mê trong tiếng gõ…, là lúc “được bao phủ bởi thứ ánh sáng mơ
hồ” của cái quán phi-thời-gian nào đó. Và khi ấy ta gặp lại mộng ước của tuổi
15 “được ra đi / ra đi mãi / về phía dãy núi màu lam sẫm”.
Những bài hay (bài số 3 trong “Năm lời cho bài hát”, “Đôi
khi”, “Vườn 2″, “Ra đi”), những câu hay trong tập thơ 29 bài mới ra của Ý Nhi
(NXB Văn học) làm ta cảm động một cách dịu dàng, thầm kín, giọng tâm tình nhẹ
mà đằm của “người đàn bà ngồi đan” làm nên nhạc điệu bên trong của những câu
thơ tự do không vần. Chị đâu cần “tập làm thơ lục bát” để bị bẫy vào những
khuôn sáo không xứng với chị! Và những khi chạy theo tứ thơ, ham triết lý hơn
là để cảm xúc (cảm xúc không nhất thiết là nước mắt) dẫn dắt thì “người đàn bà
ngồi đan” có nguy cơ biến thành… nữ sĩ thanh lịch giữa một xa-lông thơ.
THƠ Ý NHI*
Ba mươi năm, 8 tập thơ đã in, chọn lại trên 130 bài, cuối
cùng Ý Nhi trình diện công chúng một chân dung của mình dường như đã định hình
vững vàng đến mức chỉ có một biến cố ghê gớm lắm mới có thể làm biến đổi trong
tương lai.
Chân dung ấy, hơn chục năm đầu còn lẫn lộn trong một kiểu
trang điểm và y phục chung của lớp thiếu nữ đem trái tim được nuôi bằng văn
Pa-u và thơ Becgôn đi vào cái thực tế lạ lùng – gian lao mà đầy lãng mạn – của
đất Bắc thời chiến, đã đột ngột tách ra khác hẳn trong bối cảnh phức tạp của
đời sống hậu chiến. Cô thiếu nữ mơ mộng trở thành “người đàn bà ngồi đan”. Đọc
lại bài thơ mang tên ấy sau gần hai mươi năm, tôi vẫn ngạc nhiên vì sự trầm
tĩnh lạ thường của người đàn bà như cô lập trong thế giới riêng của mình giữa
những biến động và hiểm họa của thời cuộc khi ấy. “Người đàn bà ngồi đan bên của
sổ/vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã/nhẫn nại như thể đó là viêc phải làm suốt đời/vội
vã như thể đó là lần sau chót”. Lặng lẽ ngồi, bí ẩn như bản thân đời sống, bình
thản như cuộn len dưới chân – quả địa cầu của chúng ta đang chậm rãi lăn trong
vũ trụ, chứa đựng trong nó một thực tại mang tính nước đôi muôn thuở: cái gì
cũng có thể là điều ngược lại với chính nó.
Thi pháp thơ Ý Nhi phơi bày trong bài thơ chủ chốt ấy của
đời thơ chị. Kìm nén hoặc để nguội hết những cảm giác tức thời, những cảm xúc
bột khởi, thờ ơ với đời sống bản năng, thơ Ý Nhi là một kiểu trữ tình gián
cách, những ký ức đã tinh lọc; không ít bài thơ của chị vững chãi trên một cấu
tứ khúc chiết, để bật ra ở cuối kết một chiêm nghiệm dễ được đồng cảm. Đây là
một lối thơ hiếm trong trào lưu quen thuộc lâu nay của thơ Việt Nam ồn ào, kể
lể, dàn trải tâm tình. Cũng hiếm như lựa chọn thể thơ tự do không vần, lắm lúc
văn xuôi một cách triệt để của chị. Vì đó là thứ trữ tình của cái ngày thường,
rũ bỏ ảo tưởng lãng mạn, “vừa đun nấu trên ngọn lửa bếp dầu chút thức ăn ít ỏi
vừa nghĩ đến vẻ đẹp thực chất của bữa ăn”. Chị có xu hướng cảm nhận cuộc đời
trong tính hai mặt nghịch lý của nó: Mùa thu có thể là “vòm trời xanh dịu” hay
“cơn bão lớn”, tiểu sử của một con người có đầy đủ “lừa dối, phản trắc” và “tin
cậy, yêu thương”, tới “ngõ cụt” và “cũng đã tới biển”. Chị nhạy cảm với “cái
vạch nhỏ xíu/của thủy chung và phản trắc, của tan vỡ và hy vọng, của hằn thù và
tha thứ”.
Không phải lúc nào Ý Nhi cũng làm chủ được chỗ đứng mong
manh trên “cái vạch nhỏ xíu” giữa cảm và nghĩ, giữa câu thơ giản dị và lời nói
thiếu âm vang. Ngược lại, tôi tiếc cho một năng lực linh cảm và làm xao động
lòng người – mà người ta thường coi là thế mạnh của phụ nữ – chưa được chị khai
thác đầy đủ. Những giây phút “linh cảm điều lớn lao sẽ xảy ra trong thời khắc
ấy” của mùa thu, những bất chợt “ước ao một tiếng gõ bất thường sau cánh cửa”,
những đau đớn cuối cùng phải buột ra của người đàn bà khi “đi khỏi mối tình của
mình” vụt nhớ lại giây phút định mệnh “trong ánh chớp của phận số/em đã kịp
nhìn thấy anh” để rồi phải “lặng lẽ nói cười/lặng lẽ nát tan”, những “đôi khi”
tâm trạng buông thả đến vô cầu “như chiếc gàu thả sâu trong lòng giếng/cứ va
đập/ va đập mãi vào bờ đất/ cho đến hồi/chỉ còn lại một vốc nước nhỏ… như đứa
trẻ bán hủ tiếu rong/tay cứ gõ hoài hai thanh gỗ mỏng/rồi lắng nghe cái âm
thanh khô giòn quen thuộc ấy/ta đã quên chuyến đi/đã thôi chờ đợi/ tiếng gọi
của khách hàng”.
HH
(Nguồn: Văn
Việt)
No comments:
Post a Comment