Lưu
Na
Nhà văn Huỳnh Phan Anh
Năm
mới rồi đã đến, ngày mới rồi đã qua. Năm
mươi năm trước có lẽ người ta cũng đón chờ năm mới, và một trăm năm sau chắc là
cũng sẽ vậy _ tuổi trẻ mong ngóng thành người lớn thấy thời gian nhỏ từng hạt
cát trong chiếc đồng hồ, người mới qua triền đồi như tôi thấy thời gian như những
cơn mưa dai dẳng dội xuống mái tôn đổ nước ồ ồ xuống máng xối, và người đứng dưới
chân đồi thấy thời gian như lũ rừng sau cơn mưa - mưa rừng. Nhưng dù nghĩ thế nào chăng nữa thời gian vẫn
phụ phàng đời sống mà nó đã ươm mầm.
Trong cái nghĩ ấy, tôi nhớ Huỳnh Phan Anh.
Có
lúc tôi tự hỏi có phải mình mê Huỳnh Phan Anh.
Câu trả lời lập tức là không, bởi từ lúc đọc Huỳnh Phan Anh đến nay đã gần
ba năm, tôi không đọc thêm gì hơn ngoài hai bài viết về tác giả và tác phẩm Ngày Tháng và Áo Mơ Phai. Nhưng trong khoảng
trống của thời gian và bài đã đọc, mỗi khi đọc một ai đó viết về một tác giả
hay một tác phẩm tôi đều nghĩ đến Huỳnh Phan Anh, tới cái cách ông viết. Tôi đã tự hứa sẽ đọc cho xong quyển Không
Gian Khoảng Khắc Văn Chương và một số bài viết tìm được trên mạng để hiểu rõ
hơn về HPA, nhưng chạm vào những hàng chữ mới hay đọc HPA không dễ, vẫn là cách
viết lôi cuốn tôi và cũng đồng lúc làm khó tôi.
Huỳnh
Phan Anh viết rắc rối lắm chăng? Không
phải đâu. Huỳnh Phan Anh viết rất trong
sáng và giản dị. Những gì HPA viết mới
là điều “cản trở đời sống,” chính chữ của HPA.
Đại
khái, tác phẩm của HPA có ba phần: sáng tác và dịch thuật là hai phần tôi chưa
có cơ hội đọc qua, và tiểu luận văn chương triết học, là phần bắt tôi phải nghĩ
ngợi. Tôi bắt gặp mình đọc độ 5, 10 hàng
chữ thì bỏ sách xuống đi uống nước, bật TV lướt qua vài đài, vơ cuốn truyện
hình sự đọc vội vài trang, rồi trở lại trang sách dở dang. Đọc được vài trang thì thôi, vài ngày sau mới
đọc tiếp. Cũng không phải là HPA suy tưởng
rối ren đâu. Chỉ là, những vấn đề HPA đề
cập là những vấn đề tôi không hề biết.
Đó là lý luận văn chương và những ý niệm triết học của những tác gia như
Jean Paul Sartre, Samuel Beckett, Andre Gide…
Qua
nửa đời người tôi mới thực hiểu nghĩa chữ “dấn thân,” căn nguyên và tình cảnh
mà nó đã được sử dụng, cũng như khái niệm văn chương cũ và mới, những điều mà
các tác gia Việt Nam nói đến rất nhiều nhưng tôi chưa bao giờ hiểu thấu vì người
ta nói để mà nói hơn là bàn cho rõ đó là gì.
Để đánh giá những điều HPA viết trong ngữ nghĩa của triết học và văn
chương đòi hỏi một người có trình độ ngang bằng hoặc cao hơn, nghĩa là công việc
của những bậc giáo sư hay nhà nghiên cứu, nhưng tôi cho rằng HPA rất am hiểu điều
ông viết bởi ông đã viết rất đơn giản và mạch lạc để dẫn giải những điều rối
ren mà người đọc i-tờ như tôi không thấy mình thất lạc. Càng cảm kích hơn khi HPA không tự xưng triết
gia. Tôi nghĩ rằng người Việt chúng ta
chưa có triết gia, và nền văn học Việt Nam _ trong cũng như ngoài_ cho tới nay
vẫn chỉ là chạy theo cái bóng của những tư duy cả Đông lẫn Tây. Tôi thấy
dường như HPA rất rất chú trọng đến chữ nghĩa, đến vấn đề viết. Viết là
yêu mến. Viết là một cách thế chết. Viết là tự hủy cũng đồng thời tìm lại chính
mình. Viết là trả lời. Viết là hỏi.
Viết là phóng chiếu cái tôi của mình vào con chữ. Vân vân và vân vân…
Huỳnh
Phan Anh không những tư duy sâu xa vững vàng, nhận định sắc bén, mà chữ nghĩa
còn vương nhiều phần lãng mạn khi viết về những điều khô khan khó khăn. Khi HPA viết “nói là nói với tha nhân,” tôi nghĩ đến Mai Thảo “địa ngục ngươi là kẻ khác ơi,” tôi nghĩ
đến Nguyễn Đình Toàn “sống là sống với một
người…” Chữ của HPA còn gợi tôi nhớ
đến vị kiếm sĩ già trong Thạch Kiếm _ vung lưỡi kiếm thần sầu để phạt cành mẫu
đơn sao cho nhát kiếm không làm hư hao cành hoa mà nét cắt còn là một điểm
trang mỹ thuật hài hòa cho cành mẫu đơn dâng tặng. (Eiji Yoshikawa, Mushashi, Tự Tỉnh phóng
tác).
Cái
sắc sảo nghĩ suy và chữ nghĩa của HPA khiến những bài tiểu luận phê bình văn học
của ông trở nên độc đáo. Những tác phẩm
và tác gia mà HPA nhắc đến đều hiện ra dưới một góc cạnh mới mẻ riêng biệt. Phê bình văn chương theo tôi, tiên quyết phải
có nhận định cá biệt. Nhưng những nhận định
cá biệt, xây dựng trên một hiểu biết vững vàng sâu xa hay trên một cảm nhận
tinh tế, đều không thể đưa phê bình văn học vào đúng chỗ đứng của nó _ một tác
phẩm văn chương _ nếu người ta không thể viết một cách văn chương.
Khi
Huỳnh Phan Anh chỉ ra _ truyện Hồ Biểu Chánh là đạo đức nhân bản, văn thơ Tản
Đà rực rỡ nơi cách sống, thơ Hàn Mặc Tử là ý niệm về thơ của tác giả, tư tưởng
tiểu thuyết của Nhất Linh là Bướm Trắng… tôi mới nghĩ đến con chữ mà HPA đã
gieo về Nguyễn Đình Toàn: “người ta viết
và đọc trong sự mệt mỏi.” Quả, năm
năm quen biết chữ với người, chữ “mệt mỏi”
của HPA nói hết cái tinh túy nơi NĐT của chữ và người.
Nếu
tôi tự hỏi về khả năng sáng tác của Huỳnh Phan Anh thì câu trả lời nằm chính
nơi tác phẩm tiểu luận phê bình Không Gian Khoảnh Khắc Văn Chương của ông, nơi
bài viết về Ngày Tháng và Áo Mơ Phai.
Sáng tác không nhất thiết là bịa, là phóng chiếu, mà nó còn có thể là những
suy nghĩ chập chùng, những dòng chữ “viết là viết lại.” Huỳnh Phan Anh khiến tôi phải đọc lại những
hàng chữ của ông để yêu mến những gì ông viết tới.
Hãy
thử đọc lại:
“Đọc Nguyễn Đình
Toàn, cũng như đọc Mai Thảo, đọc Thanh Tâm Tuyền tức là đọc lại một lần nữa (=một
lần khác) một tác phẩm đã đọc, để một lần nữa yêu mến tác phẩm đó như một sự sống,
không như một cái gì đã chết. Đọc Nguyễn
Đình Toàn gặp lại một đời sống, một kinh nghiệm về đời sống với những câu hỏi
những gian nguy: đời sống như một cản trở đời sống.” (Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn Qua Áo Mơ
Phai).
Đọc
lại một lần nữa:
“Có thể
nhà văn chỉ là kẻ đi trên chính những bước chân của mình. Viết là viết lại, viết lại mãi không thôi một
ý tưởng chưa hoàn thành, một tác phẩm hoài
hoài dang dở…
Đàng sau mỗi chữ đàng
sau mỗi dòng tác giả đã viết nên, tác giả vẫn còn tiếp tục lên tiếng. Nếu quan niệm quyển sách trước tiên là một lời
nói, lời nói đó không kết thúc bao giờ.
Đâu là chỗ kết thúc, điểm tận cùng của một lời nói? Lời nói đó không chấm dứt khi quyển sách chấm
dứt cũng không bắt đầu khi quyển sách bắt đầu.”
(Huỳnh Phan Anh đọc Ngày Tháng của NĐT).
Và
hãy đọc những lời này:
“Nếu họ chính thật là thi sĩ, phải
tiếp tục lập lại 'tôi-không-biết'. Mỗi bài thơ đánh dấu một nổ lực trả lời,
nhưng khi vừa chấm hết, thi sĩ bắt đầu lưỡng lự, hiểu ra câu trả lời tạm thời
này hoàn toàn không đầy đủ. Vì vậy, cố gắng một lần nữa rồi một lần nữa,..” (Wislawa Szymborska, Bài diễn văn nhận giải
Nobel Văn Chương 1996, Ngu Yên dịch).
Không
phải đó chính là những gì HPA đã nói, từ 50 năm trước: văn chương, tư tưởng, viết và đọc, mọi sự đều
“nhất thiết dở dang.” (Không Gian, Khoảng Khắc Văn Chương; Nhất
Linh).
Tôi
ngờ mình đã mê Huỳnh Phan Anh từ ngày đầu mà không biết.
Lưu Na
01052016
No comments:
Post a Comment