nguyễn
thị khánh minh
Khuất Đẩu. Đinh Cường
vẽ theo trí nhớ
Tác phẩm ‘Không Thấy Núi’
của Khuất Đẩu
(Không mong mà tình cờ tôi có được ‘Không Thấy
Núi’ trong tay. Và, tôi đã trễ nãi một lời dặn ghi ở trang đầu
tiên, -khánh minh đọc xong thì gửi cuốn này đến Mỹ Nhật- Làm sao có thể đọc xong ngay được với một cuốn như Không Thấy Núi, thưa anh Lữ
Kiều? Tôi vừa muốn giữ sách lại ít lâu để đọc cho xong, vừa thấy có lỗi với Mỹ
Nhật. Đọc rải rác trên web thì không có hứng, đã lỡ mang dạng cổ lỗ rồi, chỉ
thích thư viết bằng tay, đọc thì phải là cuốn sách thơm mùi giấy, lúc ngủ thì
có thể để bên cạnh đầu, để bất cứ, thì có ngay mở ra theo dấu cài sẵn. Cuối cùng đành muối mặt
ngọt lời viết một cái meo cho anh Lữ Kiều xin khất hẹn, hoặc
là nhờ anh xin nhà văn Khuất Đẩu một bản word của
Không Thấy Núi để in ra đọc, khi cần trích dẫn thì không phải đánh máy lại. Và được mấy lời -em cứ giữ cho đến khi đọc xong- Ôi, cảm
ơn anh Lữ Kiều quá. Và rất xin lỗi Mỹ Nhật ở đây. Nhờ đọc ké mà tôi có
bài viết này.)
Không Thấy Núi, một
tác phẩm của Nhà Văn Khuất Đẩu xuất bản (chui) năm 2014 tại Việt Nam, nội dung
được chia làm hai phần theo chữ của tác giả: Truyện Ngắn (25 truyện) và Trang
Viết Ngắn (26 bài viết ngắn).
Đọc Không Thấy Núi, tôi ngộp thở vì một thứ
cảm-xúc-lần-đầu,
nó chưa từng có kinh nghiệm nào như thế, không phải là giọng quen thuộc đã từng
nghe để cảm thấy gần gũi, nó hấp dẫn mình bởi cái lạ lẫm,
như thể mình đang đứng trước một cánh rừng bí ẩn
mà thoắt mở một ánh sáng dẫn dụ, tôi dọ dẫm bước vào… Như người bị chóa mắt
trước cái sáng rực. Cõi văn chương ấy! Ăm ắp liên tưởng đầy sáng tạo biểu hiện qua ngôn ngữ tân kỳ, lóng lánh những
hình ảnh không ước lệ,
tôi đặc biệt bị chinh phục bởi những so sánh với hình tượng và từ
rất mới, tạo cho ta một cái nhìn rất khác về
cảm nhận thẩm mỹ.
Liên Tưởng và Sáng Tạo. Không biết cái vô biên của liên
tưởng khiến văn chương ấy lộng lẫy, hay những con chữ có cánh mở bung bầu
trời huy hoàng của liên tưởng? Với Khuất Đẩu, cả hai cùng là nguyên nhân và hậu
quả. Làm nên một thứ văn chương lồng lộng. Ở tất cả mọi nghĩa,
triết học, tâm linh và hiện thực đời sống.
Chính vì sức liên tưởng mà dòng văn cứ xô mãi không ngừng
hình này ảnh nọ, nổi bật hơn
cả trong những câu văn tỉ dụ. Nó như nét chấm phá
quyết định cái thần của bức tranh thủy mặc. Nó là sức mạnh làm
văn ông có lực lay động cảm xúc, mà
tôi muốn trích dẫn trước nhất ở đây,
... Những cột
khói quằn quại tuôn ra từ các ngôi nhà bị pháo kích khiến cho một phần của bầu
trời nam tối ám như có cả triệu con mực đang xả nước đen để trốn chạy...
... bỏ lại cái xác
nặng nề như con bướm bay ra khỏi cái kén… anh trong suốt như khí trời, ánh sáng
và bóng tối đều xuyên suốt qua anh. Xuyên qua hết nên cái nhìn của ba người cán
bộ và của mẹ anh cứ thông thốc như gió thổi qua ống bi… Mẹ anh lắc đầu làm cái khăn len rơi xuống để lộ một cái sọ
nhỏ, như một quả dừa xiêm nham nhám những sợi
tóc vừa mọc… Lưng bà chưa còng nhưng
đôi tay đã hơi run khi cố kéo gàu nước lên khỏi giếng. Trời nắng gắt. Ánh nắng
giữa ngọ chiếu qua người bà để lại trên thềm giếng một cái bóng đen như hắc ín...
Con đói mẹ ơi! Tiếng kêu mỏng và bén hơn dao cứa đứt bà từng khúc ruột
khiến nó lòng thòng trên đường... (Trong Suốt Như
Khí Trời)
Thật sự tôi nổi ốc với hình ảnh này.
… Một tia sáng lạnh buốt bay phớt qua đầu anh. Sao mà nhanh và ngọt như con dao trên tay của cô gái xứ dừa Tam Quan khi chặt cho anh một trái dừa... Chim hót trên những cây cau mà lá óng ánh bạc như những lưỡi kiếm… (Sắc Đỏ, tr.26, 27)… cái gian phòng đựng đầy sách với mùi hương và sắc màu của những tâm hồn kỳ vỹ… Ông sẽ ngồi giữa những bức tường dày cộm thơm tho đó như một anh lính già đang tử thủ trong một cái lô cốt văn hóa. (Để Tang Cho Sách, tr.46)
… Chiến trường nuốt lấy họ như rắn nuốt nhái. Hết lớp này đi lớp khác lại tới như mùa gặt này xong lại đến mùa gặt khác… (Lòng Không Chút Nắng, tr.74)
… trăng 17 vừa mọc lên trên biển. Mặt trăng khuyết một chút như trái táo có ai vừa cầm dao gọt bớt đi một phần vỏ… mặt biển sáng lên như tấm gương mới lau… Biển êm đến nỗi những con sóng ngả mình trên bờ cát chỉ nghe như một tiếng thở dài… (Tiểu Công Chúa, tr.90)
… Giờ chỉ còn có bầu trời, vẫn cao và xanh ôm lấy ngọn đồi bé nhỏ giống như tinh cầu của hoàng tử bé. (Trên Đồi Cao, tr.113)
… Chùa nằm giữa một xóm còn nghèo thảm hại hơn. Những mái tranh xiêu vẹo… Một mớ xệch xạc nằm chênh vênh cạnh một con đập đắp bằng đá. Cứ như một đám rác lều bều để lại bên bờ sau những cơn lụt… (Nam Mô Chiếc Áo Cà Sa, tr.119)
… bà đi một mình. Trời về chiều, càng lúc cái bóng bà lại càng dài ra trông như một cây sào… Cái khuôn mặt không bao giờ che chắn suốt ngần ấy năm bị thời gian và mưa nắng quất những ngọn roi ngang dọc để lại những vết nhăn sâu hoắm như khắc chạm trên đá. Lại thêm cái màu da cổ đồng, trông cứ như một chiếc mặt nạ bằng đất nung, nung quá lửa đã biến thành sành… Bà cứ đi… cứ đi như con sông dài bất tận… (Bà Chúa Hời, tr.125,126. Cả truyện này, âm thanh, màu sắc, hình ảnh, được cảm xúc phối tài tình vào dòng văn đẹp lóng lánh từng con chữ)
… trại ông Bồ trong một đêm bỗng bốc cháy dữ dội…
Ngọn lửa cháy giữa đồng trống trông to cao và đỏ rực như một ngọn tháp mới
nung. (Trại Ông Bồ, tr.157)
… Những cây xoài xanh đen như những cây dù khổng
lồ, suốt ngày phủ kín mặt đất, không để rơi một giọt nắng nào. Nằm giữa hai ngọn
núi lớn, hòn Bà ở phía đông quanh năm mây phủ, hòn Ông ở phía tây sừng sững đụng
trời, ai ở mấy cái xã này, sáng mở mắt ra là đã nhìn thấy núi. Cái hẻm núi sâu
dài kẹp giữa hai đường quốc lộ và xe lửa như một con mãng xà đen và một con rồng
lửa cùng thi nhau chạy tới vịnh Cam Ranh.
(Không Thấy Núi, tr.220)
… họ nằm gối đầu lên nhau ngủ… họ như nước sông chảy dưới ánh trăng… cái tiếng mèo kêu… (nhờ tiếng mèo này mà gã không giết họ, người viết ghi)… Nó đánh thức cái gì trong gã? Cái đẹp của đời sống hay chút lương thiện tối thiểu của một con vật có tên gọi là con người? (Con Mèo, tr.235). Câu văn này là một gợi mở, một ẩn mật khác của Không Thấy Núi mà tôi sẽ nói ở phần kết luận.
Nhiều, rất nhiều như vậy trong Không Thấy Núi, rất sáng tạo, và rất riêng của ông.
Không Thấy Núi cũng giới thiệu với chúng ta một Kẻ Sĩ Khuất Đẩu. Trong một bài viết về Khuất Đẩu, tác giả T.Vấn nhận xét: Tôi cảm nhận được điều đó khi cầm trên tay tập sách nhỏ nhưng nặng trĩu những ưu tư thời thế của một người biết mình bất lực nhưng không chịu bỏ cuộc, chưa chịu bỏ cuộc. Quyển sách nhỏ trước mặt tôi là một bằng chứng. Nó tồn tại như sự tồn tại đầy kiêu hãnh của nhà văn (T.Vấn&Bạn Hữu). Tôi cũng đồng ý. Ồng dùng văn chương để phê phán hiện thực xã hội bằng cái Tình, Trí, Dũng của kẻ sĩ (Lâm Ngữ Đường). Văn Khuất Đẩu toát ra chất Tình -Cái tình của các tâm hồn nồng nàn, đại lượng và nghệ sĩ- (Lâm Ngữ Đường). -Đại Lượng- đó không phải là đặc tính của kẻ sĩ có Trí và Dũng hay sao. Thế nên Khuất Đẩu đã viết bằng Tình như thế để mà có những Trong Suốt Như Khí Trời, Nguyệt Thực, đã viết bằng Trí Dũng để có Sắc Đỏ, Những Con Đom Đóm, Những Đêm Trắng, Tiếng Cười Đoàn Viên, Lòng Không Chút Nằng…, (một ít ví dụ tôi đọc được và thích nhất trong tập Không Thấy Núi). Có Trí để nhìn xuyên suốt, lột tả được những bi kịch tang thương của lịch sử, xã hội, phơi nó lên chữ để đánh động lương tri. Dũng, để viết ra những điều mà Trí cảm thấy. Và Tình, để hóa giải mọi điều.
… họ nằm gối đầu lên nhau ngủ… họ như nước sông chảy dưới ánh trăng… cái tiếng mèo kêu… (nhờ tiếng mèo này mà gã không giết họ, người viết ghi)… Nó đánh thức cái gì trong gã? Cái đẹp của đời sống hay chút lương thiện tối thiểu của một con vật có tên gọi là con người? (Con Mèo, tr.235). Câu văn này là một gợi mở, một ẩn mật khác của Không Thấy Núi mà tôi sẽ nói ở phần kết luận.
Nhiều, rất nhiều như vậy trong Không Thấy Núi, rất sáng tạo, và rất riêng của ông.
Không Thấy Núi cũng giới thiệu với chúng ta một Kẻ Sĩ Khuất Đẩu. Trong một bài viết về Khuất Đẩu, tác giả T.Vấn nhận xét: Tôi cảm nhận được điều đó khi cầm trên tay tập sách nhỏ nhưng nặng trĩu những ưu tư thời thế của một người biết mình bất lực nhưng không chịu bỏ cuộc, chưa chịu bỏ cuộc. Quyển sách nhỏ trước mặt tôi là một bằng chứng. Nó tồn tại như sự tồn tại đầy kiêu hãnh của nhà văn (T.Vấn&Bạn Hữu). Tôi cũng đồng ý. Ồng dùng văn chương để phê phán hiện thực xã hội bằng cái Tình, Trí, Dũng của kẻ sĩ (Lâm Ngữ Đường). Văn Khuất Đẩu toát ra chất Tình -Cái tình của các tâm hồn nồng nàn, đại lượng và nghệ sĩ- (Lâm Ngữ Đường). -Đại Lượng- đó không phải là đặc tính của kẻ sĩ có Trí và Dũng hay sao. Thế nên Khuất Đẩu đã viết bằng Tình như thế để mà có những Trong Suốt Như Khí Trời, Nguyệt Thực, đã viết bằng Trí Dũng để có Sắc Đỏ, Những Con Đom Đóm, Những Đêm Trắng, Tiếng Cười Đoàn Viên, Lòng Không Chút Nằng…, (một ít ví dụ tôi đọc được và thích nhất trong tập Không Thấy Núi). Có Trí để nhìn xuyên suốt, lột tả được những bi kịch tang thương của lịch sử, xã hội, phơi nó lên chữ để đánh động lương tri. Dũng, để viết ra những điều mà Trí cảm thấy. Và Tình, để hóa giải mọi điều.
Nguồn
sáng tạo ấy bắt nguồn từ đâu? Để có một bút pháp chinh phục được người đọc như
thế?
MẬT CHÚ CỦA
NGUỒN SÁNG TẠO KHUẤT ĐẨU
Có cảm
giác như những con chữ bay trên đôi cánh của giấc mơ nên không gian mới nhiều
chiều và thời gian mới không đâu là bắt đầu và miên man như thế. Như phản xạ, ngôn
ngữ Khuất Đẩu mải miết phình theo cái bầu bao
la ấy, để trở nên vô cùng giàu có ý nghĩa. Mơ huyễn ảo đến thế nào thì chữ cũng
mang đầy sức biến hóa đến thế ấy.
Ở một
câu nói của nhân vật trong truyện Tiểu Công Chúa, ông họa sĩ ơi, ông có thể vẽ
những giấc mơ được không? ... nhưng có lẽ để vẽ được nó, thì ít ra ông cũng phải
biết nằm mơ... (tr.93) Ra
vậy, -để
bắt được sáng tạo, phải biết mơ-
Mơ, là mật chú mà tôi hình dung nhà văn khi bắt đầu
với chữ đã phải gọi nó lên để cánh cửa sáng tạo bật mở. Để rồi đem về từ kho
báu ấy những hạt chữ quí. Vì vậy mà văn óng ánh phép mầu, khi rực rỡ hy vọng ban
mai, lúc gay gắt quyết liệt nắng ngọ đỉnh trời, và thường khi là trữ tình thơ mộng
của hoàng hôn nơi vạt núi xa. Tứ chữ đầy ẩn dụ,
dường
như để tạo nhiều hiệu ứng cảm xúc hơn khi người đọc hốt nhiên cảm thấy, có thể,
và tại sao không, ý nghĩa riêng của mình? Và có phải vì vậy mà nổi bật tính
sáng tạo của Khuất Đẩu?
BÚT
PHÁP KHUẤT ĐẨU
Như trong trò chơi ghép hình, Khuất Đẩu cấu trúc cốt
truyện trên không gian nhiều mảnh của thực - mộng - ảo. Người
đọc tự lắp ghép lại rồi hình dung ra điều tác giả ẩn dụ và gợi mở. Quá khứ hiện
tại tương lai cũng không còn cái thứ tự trôi chảy của nó. Tôi thích những truyện
với không khí Thực-Phi Thực siêu hình thơ mộng này. Cõi-sống-của-linh-hồn. Không
tách bạch thế giới bên kia và cuộc sống hiện hữu. Linh hồn Trong Suốt, là cái nhẹ tênh vừa thoát ra khỏi thi thể, hay một bóng
có đời sống riêng song song với hơi thở của thân tứ đại còn
kết dính? Điển hình qua hai truyện Trong Suốt Như Khí
Trời, Nguyệt Thực. Khi
đọc nó, tôi không còn là một chủ thể đọc tự do, như bị kéo tuột vào thành một nhân vật bầu bạn trong cõi khói sương văn chương ấy.
Một cảm xúc đọc vô thức. Không biết có phải dụng ý của
tác giả, khi xóa cái tôi-viết và cái tôi-đọc không. Cả hai đều như mê hoặc bởi
con đường không ranh giới của ảo mộng. Và có phải vì thế mà nhà văn Đỗ Xuân Tê
đã nhận định Khuất Đẩu có bút pháp siêu
thực?*, Vâng,
bút pháp siêu thực, đẩy hiện thực vào thế giới huyền ảo,
để từ âm
bản ấy phản chiếu lại một cách rõ ràng hơn, những nghiệt ngã cảnh
đời, những khúc mắc nội tâm, khiến người đọc bị thu
hút bởi một cảm nhận mới mẻ, vừa nên thơ vừa cảm động về thực tại, về chính
mình.
Thêm nữa, bút pháp tả thực
của Khuất Đẩu,
ông đã dùng một thứ ngôn ngữ của
nhát
dao sắc lẻm, để chém thẳng, nói thực, về thời đại mình, như một tấm gương soi rọi vào mọi ngõ ngách tối tăm của xã hội và tâm hồn con người, can
đảm vạch cho ta thấy hết cái tàn nhẫn, bất lương, đập vào những phận đời bé mọn,
cốt dấy lên ở người đọc cảm xúc đứng về phía Chân Thiện Mỹ. Ngôn ngữ chắt ra từ
kinh nghiệm dày dạn cuộc sống, từ thao thức đối diện nội tâm, đã khiến ông có một
phong thái nhu hòa, có khi hóm hỉnh, khi chạm đến vấn đề nào dù đào xới rất
sâu, bóc trần hiện thực phũ phàng, đối nghịch, vẫn lấp lánh cái tâm nhân ái,
cái nhìn nhân bản, và ẩn sáng nét trữ tình, như trong truyện Những Con Đom Đóm, và
những truyện có tính lịch sử, thời sự như Sắc Đỏ, Tiếng Cười Đoàn Viên, Những
Đêm Trắng, Lòng Không Chút Nắng. Ở những
truyện theo cấu trúc này, tác giả là một tôi-viết điềm tĩnh khách quan, tôi là một
tôi-đọc
độc lập, không tham dự kiểu buông mình vào như hai truyện đã nhắc
ở trên, mà đọc, với một cảm xúc có ý
thức. Cả hai đều biết rõ mình đang ở đâu trong ma trận những câu hỏi về thân phận, về cuộc đời, về xã
hội, thời sự. Ở bút pháp tả thực này, như nhà văn T.Vấn nhận xét, văn
Khuất Đẩu … nổi bật sức chiến đấu bền bỉ của một người biết mình phải
đi trên con đường nào, biết đâu là điểm đến**. Người đọc có thể tìm thấy
câu trả lời trong Tiếng Cười Đoàn Viên, để biết cái Tâm của người cầm bút, nơi ông đi đến -chân
trời của Tình và Lương Tri-.
Đó là hai bút pháp được dùng chan hòa trong Không Thấy Núi. Và hai cách thế đọc phát sinh nơi tôi khi đọc văn ông, cho
nên tôi muốn suy ra, nhà văn cũng cấu trúc truyện với nghệ
thuật có dụng ý như thế.
Để bổ
sung cho những cảm nhận trên -cảm xúc chủ quan mà những truyện ấy gợi ra cho
tôi-, tôi trích dẫn 5 truyện tôi kết nhất trong tác phẩm
này, Trong
Suốt Như Khí Trời, Nguyệt Thực, Sắc Đỏ, Những Đêm Trắng, Những Con Đom Đóm.
CÕI
SIÊU HÌNH CỦA TRONG SUỐT NHƯ KHÍ TRỜI,
Một cõi
thực-phi thực bồng bềnh trên
dòng ngôn ngữ. Những kích chiều không
gian ở đây cũng
mất luôn khái niệm thời gian. Từ một không gian thực, một cánh rừng, một ngõ nhà, một ngôi vườn, một ngọn đèo heo hút... rồi xô
đẩy trên mẩu không gian ấy
là ảo ảo thực thực, xoắn xít nhau để lần lần giải mã từng
phút giây của hiện thực.
Tôi lúc
này, thấy như mình cũng biến cũng thành một tinh thể nhẹ bẫng.
Vừa hít thở rất thực cái không khí của nó vừa
mơ hồ thấy như con bướm đang kẹt cánh trên cửa toa tầu lửa trong đêm bão để báo cho tôi biết đằng trước là một chiếc cầu gãy***, tôi thoát được rơi
xuống vực thẳm u buồn của ngôi nhà đang đổ xuống và dòng nước đang cuốn một
linh hồn ra đi. ... Lại một tiếng sét, ngôi nhà đổ sụm và linh hồn bé nhỏ của
anh bị nước cuốn đi. Lần này là mãi mãi. (tr.19),
nhưng, vì thế mà tôi đã không
rốt ráo được có thực là mãi mãi không, linh hồn người ấy không trở lại cõi chơi vơi ảo thực
này nữa, và người mẹ, cũng theo cái mãi
mãi của người con chăng? Đọc xong, cứ lính dính cái phân vân phiền muộn ấy. Mơ. Mà sao hiển lộ quá áo não tan nát cõi thực này. Sống chết được ông nối
dài thành một sợi chỉ siêu hình, rất mong manh, có lúc như nhập lại với nhau, dường
như để lý giải một điều thuộc niềm tin, một sức sống khác của -linh hồn trong suốt-
Bắt đầu truyện là không gian một trận địa và những tàn
binh.
... Ánh nắng tháng tư trong vắt là thế bỗng trở nên đục ngầu
sủi bọt... Chiếc T54 lầm lì qua cầu, nòng pháo của nó chĩa thẳng vào những công
sự vừa mới xây vội bằng bao cát... Trung đội trưởng cố hết sức gào to trong tiếng
đạn nổ: “Thôi anh em tan hàng, cố mà về với vợ con!” Người binh nhì chưa kịp hiểu
ra cái lệnh lạ lùng ấy thì một tiếng nổ vang lên và vị chỉ huy đã ngã gục xuốn
bên cạnh... Anh cúi xuống định nâng anh ta dậy, nhưng một ngọn lưỡi lê cắm phập
vào lưng... Anh chỉ kịp kêu lên hai tiếng Mẹ ơi! Trước khi thấy mình mỏng manh
bay lên như khói thuốc! (tr. 11)
Tôi thêm ở đây một đoạn văn đẹp của một truyện khác, cũng
tả hình ảnh u uất của trận địa tàn, Bọn họ lặng lẽ đi qua cầu.
Không ba lô, không súng... họ lầm lũi bước đi cô đơn, tuyệt vọng, cho dù phía
trước họ, trong một con phố nhỏ nào đó, là quê nhà... Mặt trời vừa qua khỏi núi Đeo, chiếu thẳng vào mặt họ những
tia sáng bén như gươm. Bóng họ đổ dài ra phía sau, vắt lên thành cầu, rơi xuống
lòng suối, vẫn không ngừng chuyển động như những bóng đen trong đèn kéo quân... (Lòng Không chút Nắng, tr.72)
Tàn binh đang từ từ xóa, nhòa đi, để nhấp nhô âm binh, hồn tử sĩ gió
ù ù thổi (Chinh
Phụ Ngâm)… Cái ánh nắng đang trong
vắt bỗng trở nên đục ngầu sủi bọt sao
tương ứng đến thế cái đìu hiu của trận địa tàn. Giọng văn trầm, nén, đủ xát muối vào vết thương tâm. Như đoạn trên kia, có phải cảm xúc tôi
đã thúc thủ trước cái linh hồn vừa rời thi thể còn nóng thành sợi khói mỏng đang bay về phía linh ngữ Mẹ ơi? Sợi khói ấy đang bay qua những tia thời gian để có thể lọt vào nỗi chờ của mẹ, được tiếp hơi sống của mẹ để có thể làm điều đã hứa. Lời hứa mạnh mẽ đến nỗi nó lôi tuột anh từ chiến địa xa về đây? Tác giả đã xác quyết
và nhắn nhủ rằng, một lời hứa, một thiết tha, sẽ theo con người ở bất cứ dạng sống
nào, Sống với xác thân tứ đại hay Sống
với hồn mộng nhẹ tênh...
Hãy thử lắp ráp những mảnh thời gian, không gian, của mẹ
và con-hồn-mộng...
... Bà áp tấm
hình lên ngực và sau làn áo đẫm mồ hôi, hai cái vú khô chợt thức dậy sau hai
mươi năm, như có đôi môi bé bỏng chạm vào...
Bức hình chụp một anh lính mặt non choẹt...
Bà thấy anh như đang cười với mình và bà nghe được sau đôi môi khô đang bậm
lại như có tiếng gọi mẹ. Có người bảo anh ta đã chết mất xác... Chết thế nào được! Nó chưa cưới vợ. Với lại nó hứa khi về phép sẽ lại lợp cho tôi mái
nhà... (tr.12)
... xác anh ta vì
thế trở thành xác vô thừa nhận... nắm xương vô định của anh vùi lấp đâu đó ở
ngoại ô nhưng hồn mộng của anh vẫn lang thang khắp nơi trong thành phố.
... Anh biết mình
đã thua trận. Không buồn không vui. Anh chỉ lo là mùa mưa tới mà chưa lợp được
mái nhà cho mẹ. (tr.12, tr.13) ... Hôm nay là một ngày đặc biệt nên cô gái bên cạnh nhà đem
đến cho bà một xâu bánh tro... Mùi nước tro hăng hăng... anh còn bảo mùi mồ hôi
trên áo mẹ cũng có mùi y như vậy và anh nhớ mẹ xiết bao...(tr.13)
Chiếc răng cưa nhô ra của nỗi nhớ ấy nó xít xao với cái
răng cưa khuyết vào của hạt lệ mẹ khiến thời gian của họ liền lạc với nhau như
chưa từng có thân
mẹ kia và hồn mộng này ... người mẹ kẹp chiếc bánh
vừa mới bóc giữa hai ngón tay, định đưa lên miệng nhưng vội bỏ xuống đĩa để lật
ống quần ra lau nước mắt... (tr.13)
... Có hàng triệu
linh hồn bị thổi dạt vào các lũng sâu, các hốc núi, nằm chồng chất lên nhau như
lá rụng mùa thu. Tất cả bọn họ mỏng quá, nhẹ quá. Nhẹ và mỏng bằng không nên đã
quên mất đường về. Với anh, dường như nỗi ân hận không lợp được mái nhà cho mẹ
sắp đến mùa mưa đã làm cho linh hồn anh mỗi lúc một nặng thêm. Anh đã biết
nương theo gió... để về với mẹ... bỏ lại cái xác nặng nề như con bướm bay ra khỏi
cái kén. Còn hơn con bướm vì anh trong suốt như khí trời, ánh sáng và bóng tối
đều xuyên suốt qua anh...( tr.14,15)
Giờ thì hồn-mộng anh chìm lẫn vào
nhịp sống mẹ. Thời gian thực ảo của mẹ và con xoắn lấy nhau,
... Có tiếng sấm rền... Anh bị gió ép sát vào trong góc nhà,
đu đưa giống như mạng nhện. Mẹ anh thu lu ngồi trên một chiếc ghế gỗ mà nước
mưa cứ nhảy chồm chồm muốn lôi bà ngã xuống...
Nhìn mẹ ngồi co ro, anh thấy thương quá nhưng chẳng biết làm sao. Anh cảm
thấy một linh hồn chưa chết thật vô vị... (tr. 19)
Nhưng ít ra anh đang muốn làm điều đã hứa với mẹ. Phải, linh hồn ấy đang muốn,
đang cảm thấy, nghĩa là linh hồn đang sống, hơi thở của linh hồn ấy
đang phập phồng trong cõi thực này. Tôi vừa nổi ốc lại vừa thấy
có chút ấm áp, khi nghĩ rằng chung quanh đây có những
linh hồn chưa chết -có ba tôi trong đó- cảm được thương nhớ của tôi, nghe tôi gọi bằng linh hồn trong suốt của
ông. ... Một luồng gió mạnh bỗng
xô bật cửa, một ánh chớp lóe lên sáng rực cả nhà. Người mẹ bất ngờ trông rõ
hình dáng đứa con trai… (tr.19) Có phải lúc ấy, miên viễn mẹ và con, một nơi đoàn tụ hạnh phúc trong suốt như khí trời?
Khi ráp vào từng mảnh từng mảnh rời rạc, tôi bỗng buồn bã nuối tiếc, như đang nhìn thấy
xác kết trong ngôi mộ đang tan ra thành tro bụi, cùng lúc tôi thông
suốt, những hệ lụy bi thương, tàn nhẫn của lịch sử, thời cuộc, đè lên số phận con người bỗng mỏng như sương, chẳng còn gì
quan trọng nữa, ngoài cái ánh sáng tinh khiết xuyên qua
tinh thể lung linh chàng lính trẻ, và trong cõi nhiễu nhương ma người này tôi
cơ hồ thấy có một nương tựa, đó là những linh hồn trong suốt. Họ trong suốt vì
họ đã sống hiền lương, nên cõi sống của họ là Cõi đẹp. Đó là ẩn mật của Trong
Suốt Như Khí Trời.
CÕI DIỄM
LỆ NGUYỆT THỰC
Cùng
văn khí, văn mạch, như Trong Suốt Như Khí Trời, là Nguyệt
Thực.
Khởi đầu cũng là không gian trận địa um mùi tử khí. Ánh trăng thê lương
cầm đầu một đoàn tử sĩ và thương binh. Tôi run rẩy như đang ở trong trong bức
tranh oan hồn trận địa này.
Như những chiếc lá bàng cùng chết tập thể
trong mùa đông, cả đại đội cùng nằm phơi
xác trên đỉnh đèo. Chiều xuống. Rồi trăng
lên. Những linh hồn trẻ theo ánh trăng đang dắt díu nhau tìm về quê cũ… người
ta tìm thấy anh mềm oặt như một sợi bún… (tr.20)
Anh thương binh mềm
oặt như sợi bún bị vứt ra đường
từ một quân y viện
thất thủ, và người mẹ đi tìm con, mang sợi bún ấy về, đặt sợi bún
ấy nằm bên cửa sổ để có thể nhìn trăng. Ở truyện này, đan xen
không gian và thời gian của hai linh hồn hai người còn nóng hổi hơi thở. Họ xuất linh hồn. Mộng
du. Và tôi thấy họ cũng trong suốt như chàng tử sĩ kia. Vì ước mơ của họ trong
trẻo quá, và cảm động quá. Nàng theo ánh trăng đi tìm cái đã mất, thành phố và
chính nàng. Anh cũng theo ánh trăng để tìm một thành phố đã mất. Họ cùng mang ý
muốn mãnh liệt theo ánh trăng mà đi, nên họ hút đến nhau do sức hấp dẫn của
Trăng. Một ý tưởng quả là trữ tình, thơ mộng, được diễn tả qua bút pháp siêu thực.
… Nàng mười bảy tuổi. Vạt áo trắng nữ sinh
ngày nào được xé ra căng trên mặt xô để
lọc nước. Cha nói vui, uống nước này nghe có
mùi học trò. Mẹ nói, tôi lại nghe ra mùi nước mắt. Cha bảo, từ nay không ai được
khóc. Hãy cắn răng mà sống… Nhưng nàng chỉ muốn nghe chuyện của phố phường.
Nàng rời bỏ suối, tìm lại con đường trở về phố. Nàng đi suốt đêm theo ánh
trăng, thấy mình đang nghiêng nghiêng dưới những mái lầu. Rồi qua công viên,
qua trường học cũ, nhìn thấy ánh điện trong ngôi nhà mình... (tr.21)
… Hãy đi theo ta, ánh trăng bảo.
Nhưng làm sao đi được, hai chân tôi đã không
còn nhúc nhích
Ta cũng đâu có chân, nhưng chỗ nào mà ta
không tới được. Không đi được bằng chân thì đi bằng hồn. Từ đó, anh rời bỏ cái
xác thân bất động của mình để đi theo ánh trăng bát ngát. Trăng đưa anh đi qua
những dòng sông, những cồn bãi. Qua những xóm thôn yên ngủ. Qua những phố thị
thức suốt đêm dài. Và anh đã gặp nàng. (tr.21)
Em đi tìm ai, anh hỏi.
Tôi đi tìm tôi.
Tìm em?
Vâng, tìm chính tôi.
Em đánh mất mình khi nào?
Tôi không đánh mất. Tôi bị cướp mất. Còn anh?
Tôi sống lại.
Anh đã chết một lần rồi sao?
Gần như thế.
Làm sao anh sống lại?
Tôi theo ánh trăng.
Tôi cũng vậy. Trăng giúp tôi tìm lại chính
mình.
Từng đêm, nhất là những đêm trăng tròn, họ
sóng đôi đi bên nhau. Người nọ trở thành chiếc bóng của người kia. Họ đi qua những
cánh đồng lúa trổ ngát thơm. Qua những con đường làng nằm ngủ hớ hênh. Qua
những phố không đèn mỏi mệt… (tr.22)
Ngôn ngữ
thật lộng lẫy. Ánh sáng tâm linh lấp lánh suốt những trang văn, chập chờn cõi
siêu hình. Cái thỏi nam châm hoan lạc của hai linh hồn dưới ánh trăng khiến tôi
cảm thấy nỗi tuyệt cùng cô đơn họ đang chia nhau dưới đêm bao la. Tôi yêu nét
thơ mộng bi thương này, và từ đây tôi càng rõ áo nghĩa của ánh trăng từ ái kia.
Nơi người ta được yêu thương, nơi người ta được tự do. Hình ảnh tỉ dụ dưới trăng, họ như hai chồi non mới mọc bật
rõ nét cái tinh khiết của linh hồn lương thiện, khi đọc tới đây, tôi nhắm mắt lại,
như muốn ứa lệ.
… Bỗng họ quay mặt vào nhau, người nọ nhìn
sâu vào mắt người kia. Họ thấy mình trong đó, cô đơn và lạnh lẽo như một hòn cuội
trong lòng giếng. Họ không hôn nhau, nhưng một lúc sau, anh nói: Tôi muốn nhìn
thấy em. Em cũng muốn nhìn thấy anh.
Họ cởi áo quần cho nhau. Cả hai đều rất đẹp.
Dưới trăng, họ như hai chồi non mới mọc.
Họ chiêm ngưỡng lẫn nhau, thần phục lẫn nhau.
Sau cùng họ san sẻ cho nhau. Thân thể họ nóng bỏng như những khẩu đại pháo đang
nhả đạn. Đó là một đêm trăng rất viên mãn giúp họ kéo dài những cuộc rượt đuổi
trên thân thể của nhau tới tận sáng. (tr.23) …
nàng đã lại nương theo ánh trăng đi tìm anh. Nàng không lang thang giữa đất trời
mà đến ngay thành phố... Trăng ở phố xanh xao ốm yếu, nhưng vẫn đủ soi sáng bước
chân nàng. Đi qua những mái nhà, những sân thượng trên cao ốc, qua những mái
chùa cong vút và cả những tháp chuông dốc ngược, qua hết ban công này đến ban
công nọ nhưng vẫn chưa gặp được anh. (tr.25)
... Một vệt đen xuất hiện trên mặt trăng như
một cái bớt nhỏ. Rồi bớt lớn dần, lớn dần như một con gấu đen cuộn mình ôm trọn
cả trái bóng… Khi bóng đen phủ kín mặt trăng, người ta trông thấy một luồng ánh
sáng như sao băng rơi từ từng lầu thứ mười tám xuống đất. Đó là lúc nàng bước hụt
chân.
Sau cánh cửa kia, anh nghe nhói trong tim và
không bao giờ mở mắt ra nữa. (tr.25)
Hai điểm
thời gian gặp gỡ, lóe lên một ẩn mật, rằng họ sẽ tiếp tục sống, sau cái chết.
Và họ về một cõi, tôi biết, nó tồn tại, đó là Cõi Đẹp. Đó có phải phát sinh ở
niềm tin mạnh mẽ vào những điều tốt đẹp? Không còn thấy điều gì ngoài cái Tình
phơi phới đập trên chữ. Không Anh không Tôi, không những ràng buộc con người. Có
phải là cả người đọc lẫn người viết đều tan vào không gian của truyện? Tôi rất
thích phong cách viết này của ông.
CÕI
HOÀI NIỆM SẮC ĐỎ
Sắc Đỏ.
Sắc, không phải Mầu. Thật cảm ơn tác giả khi không dùng chữ ấy, để tôi cảm thấy
được cái đau đớn đang kéo da non vết sẹo đỏ.
Anh
thương bình giữa chập chùng sắc đỏ, đã tìm riêng cho mình, và có phải được khơi
lên từ sức sống của đỏ tươm nơi sắc trắng nữ sinh nên anh đã phất cờ bằng hoa
máu của chính mình? Tôi cũng có sắc đỏ của
tôi… Một vệt tròn tóe máu tươi. Anh đã có lá cờ của mình… (tr.30). Chút cảm
thương và bi phẫn. Chỉ muốn chận đường đoàn thương binh đó lại kéo họ vào an
toàn. Trong đoạn tả anh thương binh khi bị bắt giam, chỉ có trong lòng cái bâng
khuâng nhẹ nhàng: bây giờ biết tìm đâu ra
một tà áo trắng, và đến bao giờ mới nghe được một tiếng guốc khua… (tr.31),
thoát ra hết hận thù, không lên án phê phán gì ai, vì đâu nên nỗi. Chỉ còn
thong dong cái tình con người. Đó là gì nếu không phải là cái tình Đại Lượng và
Nghệ Sĩ?
… Như để âm thầm hát cùng anh, những cây bàng
trong một ngày cuối đông bỗng
dưng tinh tươm, sạch làu và đỏ. Một sắc đỏ dị
thường, nửa như da cam nửa như gấc chín, tươi hơn màu máu, mặc dù tươi để rồi
lìa cành. Những cây bàng vì thế trở nên đẹp như những dũng sĩ khoác áo choàng đỏ
đứng canh riêng một góc trời. Anh sững sờ nhìn ngắm, quên mất cái đói và lạnh… Anh
đã hơn một lần bịn rịn chia tay ai đó dưới gốc bàng. Lúc ấy trông lên không thấy
trời, chỉ thấy lá bàng xanh mướt kết thành từng tầng lên tận ngọn, lọc cái nắng
cháy bỏng của ngày hè trở nên trong và dịu như mật. Nhưng cái sắc đỏ như hôm
nay, lần đầu anh mới nhận ra. Cái sắc đỏ tươi thắm ấm áp ấy sao bỗng dưng bừng
lên cùng một lúc như những cây bàng bùng cháy lên một lượt… lá bàng đỏ như uống
hết cái nắng của mùa đông…” (tr31, 32)
Vâng
cháy hết phút giây đau đớn để anh cùng sắc đỏ của hoài niệm đẹp đẽ đưa anh về
phương ráng chiều, một sắc đỏ êm đềm. Không phải sắc của hận thù. Để lòng tôi dịu
đau.
CÕI BI
HÙNG NHỮNG ĐÊM TRẮNG
Và cũng
với sắc đỏ, được tác giả nhóm lên từ trang sử thành ngọn pháo hoa rực rỡ bầu trời hôm nay. Sáng thêm một đêm trắng nữa, để bừng một ngôi mộ
trắng giữa cánh đồng thơm, sắc trắng bất khuất sừng sững trong lịch sử. Cô
Giang, tôi đã từng nghĩ phải viết một điều gì để trả ơn trong muôn một, trái
tim anh thư ấy, nay đọc Những Đêm Trắng, tôi thấy mình như ngọn cỏ đang lay động
trong gió giữa cánh đồng Thổ Tang. Có ngôi mộ trắng của
Người
thì cỏ nơi ấy thơm, gió nơi ấy trong và trăng nơi ấy sáng. Cấu trúc truyện đan xen giữa thực và hư cấu làm bật thêm nét
diễm lệ bi hùng của một trong
những truyện tình đẹp nhất trong lịch sử, theo tôi. Tôi trích dẫn không vì muốn giới thiệu cốt truyện mà vì những đoạn văn hay,
hình ảnh đẹp.
Đêm trắng thứ nhất ở Đền Thượng,
… Đó là một đêm đầu xuân, ánh trăng mỏng quá
không soi rõ được mặt người. Những bậc tam cấp cứ nối nhau lên cao, lên cao mãi
như vút tận trời. Một đàn chim Lạc từ đâu bỗng bay qua, tiếng đập cánh làm đong
đưa những chòm sao xanh biếc.
... Chàng
nói, “hôm nay, anh cưới em”! Nàng nói, “em cũng cưới anh, hôm nay”! (tr.52)
Đêm trắng thứ nhì, Đêm trước ngày N,
... Gió thổi,
lạnh. Họ đi sát bên nhau. Tay nàng trong tay chàng. Họ đi qua một cánh đồng vừa
gặt. Hãy còn thơm mùi lúa chín. “Đến nhà rồi”, chàng nói. “Nhà đâu”? Nàng hỏi. “Đây”.
Chàng kéo nàng ngồi xuống bên một đụn rơm... Đó là một đêm hợp cẩn
ngọt ngào đến từng chân tóc... Một đêm mà may mắn được hoài thai, thì
đứa bé ấy, trời ơi, đẹp đến nhường nào… Là thế hệ tươi non của một nước Việt trẻ
trung.
Khi sao mai vừa mọc, hai người lại lặng lẽ ra
đi, mỗi người về một hướng. Nhưng họ biết, từ đây họ không còn đi một mình (tr.55)
Nối tiếp Những đêm trắng... Đêm thấy ta là thác đổ,
Thác đổ để dội lên tiếng đập toang đầu vào tường ngục của Xứ Nhu, để nối thành một dải trắng tuẫn tiết
bay lộng trời xanh của Nguyễn Thị Tâm, và ai điếu cho ... bốn mươi cái chết do hội đồng đề hình tuyên xử, cả những
cái chết trên đường rút lui đẫm máu, chết trong các nhà tù tối tăm… cả trăm Người
đều chết để thành Nhân. Chữ Nhân đẹp như lưỡi kiếm tuốt ra dưới
ánh trăng... (tr.56).
Và một niềm vui lấp lánh trong đó là hạt mầm non vừa nhú
trong cô Giang ...”Nó đẹp như một chiếc cầu
vồng bắc qua hai bờ thác trắng... (tr.57).
Một tỉ dụ rất lạ và đẹp.
Đêm Trắng thứ... Đêm ở Hòa Lò,
Nguyễn Thái Học bị biệt giam, Và, Mẹ, ... Khi
chàng bị lôi đi bà vẫn còn đứng thẫn thờ.
Ừ, giá như mẹ không sinh con ra! Hay giá như
mẹ còn trẻ và lúc này con đang còn nằm trong bụng mẹ!...
(tr.59). Thác đã vỡ, trời ơi!
Đêm trắng cuối cùng của Chàng,
Chiều 16 tháng 6, 1930, Nguyễn cùng 12 tử tội
được đưa ra ga Hàng Cỏ để lên Yên Bái. Tiếng xích sắt khua loảng xoảng trên sân
ga. Khi người cuối cùng bước lên tàu, 13 cái cùm sắt nặng nề liền ngậm chặt những
ống chân tong teo... Con tàu giống như một con sâu khổng lồ,
mở to hai con mắt sáng quắc, hú những tiếng chói tai trước khi lao vào đêm tối. (tr.60,61)
Đêm Trắng cuối cùng của Nàng,
Đêm trắng thổi bùng 14 ngọn pháo thăng thiên, mà giờ đang
bung nghìn tia lấp lánh trên những dòng chữ này của Khuất Đẩu, của những người
còn đặt niềm tin vào cái đẹp của dũng cảm, hy sinh.
... Cô, lúc này biến mình
thành một bà già người Mán, và cũng biến tim mình thành đá, yên lặng một cách dũng cảm đứng nhìn các đồng chí và chồng mình, từng người một bước
lên máy chém. Những tiếng hô Việt Nam muôn năm mạnh mẽ vang lên... Trong màn khói xanh xanh cay mờ, Nguyễn nhìn thấy cụ bà
người Mán mặc áo váy sặc sỡ kia chính là Mẹ của đứa con anh sắp được sinh ra (tr.62) ... Tối hôm ấy nàng ngồi một mình lặng lẽ giữa đồng. Đây là
đêm dài nhất của đời nàng. Đêm thật hoang vu, chỉ có những ngôi
sao lặng lẽ mọc lên trên nền trời cao rộng… Cái đầu với mái tóc húi cua và cái
thây không đầu của chồng hiện rõ như có thể đưa tay ra sờ được. Đây là lúc
không còn phải giữ gìn, không còn là đá, không còn là giá băng, giờ chỉ là nước
và nàng òa khóc (tr.63) … Rồi đêm cũng tàn
và ngày đến. Đã nghe thấy tiếng người gọi nhau ra đồng, tiếng móng guốc của
trâu bò gõ trên đường đất... Đúng lúc ấy mặt trời mọc lên, ánh
sáng đầu tiên đã kịp rắc một lớp phấn hồng lên người nàng (tr.64)
Những
đêm trắng những thiên thu…
CÕI
HOAN HỶ LẤP LÁNH NHỮNG CON ĐOM ĐÓM
Một truyện,
mà sức công phá của nó khiến tôi phải gấp cuốn sách lại,
như để những miểng bom từ
con chữ kia khỏi văng trúng. Tác giả, qua cõi
sống của hồn mộng, cho ta thấy được những
vô hình, nhưng đồng thời cũng phơi tất cả dưới
cái nhìn trắng. Trắng tàn
nhẫn. Tôi ngưng đọc trong tiếng dội của tim như tiếng gõ trống
hai màng tang.
Những Con Đom Đóm. Cái ánh sáng diệu kỳ, ngày xưa tôi chỉ biết nó sáng đầy chiếc váy trắng tuổi
nhỏ, và ú tim tôi bằng những nhắm mở ngây thơ xanh biếc. Bây giờ tôi biết thêm,
ánh sáng ấy mở cửa thiên đường cho một người mẹ. Bút pháp lạnh, bình tĩnh bóc lần đến
tận lõi xã
hội trong đó có thân phận của lớp phụ nữ khốn cùng. Đây là một trong những truyện cực tả hiện thực, có những cảnh tượng mà chỉ muốn
nhắm mắt lại để ngấm đau. Và cũng rất nhân bản. Rồi cuối cùng mở cái gút tàn nhẫn bằng ánh sáng thơ mộng của con đom đóm con vẫy gọi mẹ. Một cái
chấm hết dằng dặc…
Hãy từ từ mà đi. Đi từ chỗ sâu bọ lúc nhúc, qua lời kể, tưởng là
bình thản, vâng, cái bình thản khi tận cùng đau đớn, của người phụ nữ lương thiện
này,
... Tôi chỉ biết ngày ngủ cho đẫy giấc để tối đến đổi trao
những thứ tôi có, lấy những thứ tôi không có. Mà thời ấy, những thứ tôi không
có nhiều đến nỗi không thể kể hết được… ... Chỗ tôi hành nghề là
một cái ngã ba bậy bạ. Giao lộ của một con đường bắc nam với cao nguyên lúc
nhúc người đi kẻ đến… Bọn tôi ba đứa từ Sài Gòn dạt ra, toàn là hàng hết đát. Đứa
nào cũng trên dưới ba mươi. Vừa thiếu ngủ, vừa đói khát, vừa làm cái việc chó đẻ
đó trên những miếng nilon trải ra trên bờ ruộng hay trong những cái ống bi bỏ rải
rác trên đường, nên đứa nào cũng xanh xao, ốm yếu... (tr.66)
... Tôi là
cái hố rác trong cái ngã ba hôi hám ấy. Nhưng đồng tiền tôi kiếm được, tôi tin
là đồng tiền sạch. Tôi không cướp bóc của ai. Không tham nhũng, không thụt két.
Những đồng tiền dù hôi thối thế nào nhưng rơi vào tay tôi vẫn sáng lấp lánh. Nó
cho con tôi có sữa để uống, có áo mới để mặc, có một đôi giày bé xíu để mang... Vậy mà nó chết đi chỉ sau một cơn sốt chó đẻ… (tr67)
Để gặp một linh hồn bé, ... Dường như nó xinh đẹp quá, tinh khiết quá nên trời đã đem
nó đi…
… Hôm đó, tôi đã nhảy dựng lên và thằng khách
điên tiết đạp tôi một đạp ngã xuống ruộng... một con đom đóm đẹp và buồn không chịu được cứ nhấp nháy
quanh quẩn bên tôi. Xong việc, tôi biến thành một đứa trẻ cố đuổi bắt cho bằng
được.
Chưa có món quà nào làm thằng bé thích bằng.
Nó nằm dài trên đất mở đôi mắt đẹp não nùng của nó ra nhìn cái ánh sáng chớp tắt
kỳ diệu. Cái miệng xinh xinh của nó hỏi tôi đủ thứ. Nào ban ngày nó ở đâu, sao
nó cứ chớp tắt hoài cả đêm … tại sao trên trời lại có nhiều sao và mẹ có đếm được
hết không… tự dưng tôi nói, những cái chớp tắt ấy là linh hồn của những đứa bé
trong đêm tối đi tìm mẹ. Bạn có tin được không, nó liền thả con
đom đóm ra khỏi chai. Đi đi, nó nói, đi tìm mẹ của mày. Khi con đom đóm bay ra
khỏi nhà, nó nhìn theo rồi nói như một người lớn đã biết trước cái phút giây cuối
cùng của đời mình - Khi con trở thành con đom đóm
thì mẹ không được đi đâu à nghen. Con rất sợ lạc mẹ- (tr.68)
... Tôi đã
ôm nó, luôn miệng nói, mẹ sẽ không đi đâu hết, mẹ sẽ mãi mãi ở nhà với con… Tôi
không bỏ đêm nào, ngay cả đêm nó lên cơn sốt rồi giận dỗi bỏ tôi mà đi! Và sau
khi chôn cất nó xong tôi vẫn phải chui vào những ống bi hay nằm ngửa giữa đồng
không mông quạnh để kiếm tiền trả nợ (tr.69) ... Bốn chục
nghe, hắn nói... Tôi cũng định ừ thì bất ngờ một con đom đóm nhấp nháy muốn
bay vào. Tôi lạnh cứng người, mồm miệng không mở ra được. Tôi vừa sợ, vừa buồn.Tôi
chưa biết mình sẽ làm gì thì hắn nói, thôi cũng được, cởi ra. Bạn biết sao
không, ngay lập tức tôi vùng dậy chui ra khỏi ống bi... (tr.70)
... Tôi rất
buồn. Một mình lang thang trên những bờ ruộng. Sương đêm bắt đầu xuống làm cho
hai ống quần ướt nhẹp. Sau lưng tôi là con đường sáng tối nham nhở bởi những ánh đèn. Trời đầy sao. Đó là những con đom đóm của
trời. Nếu mỗi linh hồn người chết là một ngôi sao thì tôi tin con tôi là ngôi
sao xinh đẹp nhất... Đúng lúc ấy con đom đóm trở lại.
Không phải một con mà nhiều con. Rất nhiều. Ánh sáng của chúng làm sáng cả
một quầng lúa xanh to như một nong tằm... tôi tin trong số những
con đom đóm đó có cả linh hồn của con tôi… Mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tôi cũng hướng
tới phía trước mặt, bước đi. Bỏ lại đằng sau cái ngã ba bậy bạ, bỏ
lại những cái ống bi, những bờ ruộng, tôi đi ra biển. Tôi đi.
Đi mãi. Khi ngôi sao mai tuơi tắn, xinh đẹp hiện ra thì cũng là lúc tôi nghe
mùi biển mặn. Tôi nhảy ào xuống biển… Tôi dầm mình
trong nước mặn, không phải để chết mà để sống!
Và, sống đến tận hôm nay là nhờ cái ánh sáng
xanh biếc mỏng manh trên lưng những con đom đóm. Đó
cũng là ánh sáng của con trai tôi. (tr.71)
Và, mẹ con quấn quít trong bầu sáng xanh hy vọng -Hoan
Hỷ Địa của những linh hồn
lương thiện- đã từng sống
trong đau khổ
và chia lìa.
Phải vậy không, ở những truyện như thế của Khuất Đẩu, một
ẩn mật hiển lộ từ hình ảnh hư ảo đầy sáng tạo của ông, rằng -có một sự nối tiếp sau cái sống- và, Sống lương thiện nên
linh hồn trong suốt, vì
thế cõi của họ là Cõi Đẹp. Từ ẩn mật này đã gợi mở cho tôi thêm niềm tin rằng trong vô cùng sâu thẳm Con Người chúng ta, có một phần hồn trong suốt, là nhịp xúc cảm của trái tim, phải lắng nghe nó để Sống Đẹp. Để nơi chúng ta đang sống này cũng được gọi là Cõi Đẹp. Đó là âm vang của văn chương và thi ca,
góp phần
phục hồi nhận thức thế giới.****
Santa
Ana, Ngày 15.1.2016
NTKM
*Đỗ Xuân Tê: Tôi đọc Những Tháng Năm Cuồng Nộ
của Khuất Đẩu (http://t-van.net/?p=3594)
** T.Vấn : Nhà văn Khuất Đẩu và tập sách “ Buồn như ly rượu
cạn” (T.Vấn&bạn hữu)
*** Bướm Trắng, Nhất Linh
**** Allen Ginsberg,
Thứ duy nhất có thể cứu thế giới là phục hồi nhận thức của thế giới. Đó là công việc của
thi ca. (trichdanynghia.com)
No comments:
Post a Comment