Hồ
Đình Nghiêm
Hoa xuyên tuyết. Internet
Hoa oải hương mùa đông. Internet
Dù
có tuyết hay không, ở chốn đây bao giờ hàn thử biểu cũng rơi xuống âm độ. Trừ
10 trừ 20 cũng chả lạ gì, như cơm bữa. Lạnh, chẳng ai chối cãi, nhưng không vì
mùa màng kiểu đó khiến đảo lộn mọi sinh hoạt, người ta vẫn thức khuya dậy sớm
dù quang cảnh ngoài trời đang đóng băng, đang cóng thân cùng tiếng gió rít.
Tôi
đã làm cho ông bình cà phê. Ông ăn bánh mì trứng với bacon hay điểm tâm tô mì
ăn liền? Người chồng đứng rửa mặt ngó vợ qua tấm gương: Bà ăn gì thì tôi ăn nấy.
Bà đã gói giúp tôi món quà ấy chưa? Rồi, xong từ tối hôm qua kia.
Người
đàn ông khoá lại vòi nước. Tĩnh lặng. Chỉ có tiếng nồi niêu lách cách đặt trên
lò, tiếng chân bước qua về của người vợ loay hoay chu toàn bữa ăn sáng. Ông lau
mặt, ông chải tóc rồi chậm rãi tới ô cửa vác mặt dòm ra. Tiếng bà vợ cất lên
sau lưng: Coi bộ lạnh dữ à nghe, mặc áo cho nhiều vào.
Chỉ
bà nói ông nghe, ông nói bà nghe. Quen rồi, muốn thay đổi không khí thì giả bộ
làm trái ý nhau rồi lời qua tiếng lại cãi lẫy. Nhưng điều đó chỉ xẩy tới một
hai lần, không có “sự bất quá tam” bởi bà đã cảnh báo: Tui yếu tim lắm nghe
ông, muốn giết người không gươm đao à? Ông luôn nhường nhịn bà, luôn cởi giáp
quy hàng, đến độ mấy đứa con cũng từng nhận xét: Hạnh phúc thay khi ba biết sợ
má! Và thằng út đã đích thân mang lại nhà, tự tay nó đóng đinh tấm poster vào
cánh cửa phòng ngủ: “Sau lưng một người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của
phụ nữ”.
Con
cháu họ đều ở xa, chúng phải lo liệu việc sở việc nhà nên theo chương trình đã
lên lịch, đôi ba hôm nữa mới về thăm. Bà đã hối ông chở ra chợ, trong đầu bà tự
động hiện ra ba món ăn để gia công nấu nướng. Ông phê bình: Quá nhiêu khê cầu kỳ,
mất công sức, lỡ không hợp khẩu chúng thì xôi hỏng bỏng không. Bà nhìn ông: Tui
đẻ ra chúng mà bộ tui không biết miệng lưỡi chúng sao? Vậy thì bà có đọc ra những
ý nghĩ thầm kín của ba đứa con không? Có đấy, chúng bảo rằng ông chẳng chịu lượng
sức, già yếu mà cứ ưa ôm đồm đi lo chuyện bao đồng. Ông nghe, như mọi khi, ngồi
rụt cổ lại chẳng đưa ý kiến.
Khi
ngồi vào bàn ăn, bà rót cà phê ra cho ông: Chỗ đó cũng tình nghĩa, nghỉ hưu đã
hơn hai năm mà họ còn nhớ tới ông để gọi lại chung vui. Ông múc muỗng đường,
khuấy ly cà phê. Mình có quyền từ chối, nhưng bữa nay đúng lúc lão Fred thôi
làm, buộc mình phải mang quà tới dự buổi chia tay. Thì hôm tôi giã từ cũng xôm
trò vậy, họ mời cả những cựu nhân viên già lọm khọm. Ừ, nói chung thì có tình
có nghĩa thật. Bà nhìn lên chiếc đồng hồ treo gần bàn ăn, đó là món quà công ty
tặng cho một nhân viên lao động ròng rã suốt mười lăm năm không gián đoạn. Nhân
viên nhác chơi xin ăn hưu non và cái đồng hồ chỉ cần thay battery thì vẫn
chuyên cần gõ nhịp thời gian, chưa gặp mệnh hệ để đường đột bỏ cuộc. Tại sao
khi người ta giũ áo thôi đi cày bừa lại tặng người ta cái vật nhắc nhở giờ giấc
ra đồng áng?
Tôi
đi nghe bà. Trước khi mở cửa ông nhắc: Tôi đã để sẵn bộ phim Hàn quốc bà đòi
xem trên bàn. Tiệc tùng đôi lúc không kéo dài bằng những chồng chéo éo le trong
phim ảnh đâu. Ông khoá cửa nhà, ông để gói quà trong xe, mở máy. Cầm đồ cạo tuyết
bám rồi dùng chổi quét quanh khối kim loại đang ho hen thở khói đen. Tờ tạp chí
chuyên đề về auto cho hay, trung bình mỗi chiếc xe sẽ rệu rã sau khi gồng mình
chịu qua 5 mùa đông. Ông đã than thầm: Sắt thép còn vậy huống chi xương thịt
con người. Nói nào xa xôi, đêm hôm trái gió trở trời, ông muốn thương vợ nhưng
bà la lên, đau lưng lắm, gân cốt tui đang mỏi gối chồn chân, sức người có hạn;
và trời trở gió trái ông đã làm thằn lằn chắc lưỡi trong canh thâu, đêm dài lắm
mộng!
Ông
lái xe đi, thử đạp thắng để dò đường xem có trơn trợt không. Cũng chẳng việc gì
phải gấp rút, kim chỉ vận tốc ở con số 40, Ông lấy làm lạ khi đọc phải một bản
tin, rằng các ông bà già thường gây ra tai nạn xe cộ hơn hạng tuổi năng động
háo thắng của bọn thanh niên. Có thể do ở phản ứng đã mất đi sự nhanh nhạy, hoặc
mắt yếu, hoặc dễ buồn ngủ bất chợt, hoặc một đầu óc lơ đãng thiếu tập trung. Những
lầm lỗi ấy không có ở người ông, ông điều khiển xe chạy chậm vì ông đang tự vẽ
ra một hình ảnh, một dung nhan, một thứ khiến ông nóng lòng chạm mặt. Radio
băng tần FM lóng rày siêng phát nhạc mừng Giáng Sinh, hầu như đài nào cũng thế,
từ nguyên bản truyền thống cho tới biến đổi thành thể điệu rock. Quá đỗi chộn rộn.
Ông bẻ tay lái ở ngả tư đèn xanh, kia rồi tảng đá xám hùng vĩ của bệnh viện
trung ương thành phố đứng chắn lối. Tuần trước ông đi đổ xăng và tình cờ gặp
Fred. Lão ta loan tin sắp về hưu rồi thông báo: Anne, làm kế toán ở văn phòng
đó, bị ngã đến độ gãy xương, hiện nằm trong nhà thương, hay tin chưa?
Ông
đậu xe không mấy xa cổng bệnh viện. Trường học, công sở, hãng xưởng hay chợ búa
thường vắng thưa người tuỳ theo giờ giấc nhưng nhà thương, bốn mùa đều nhộn nhạo
kẻ vào người ra không dứt. Muốn mở mắt chào đời phải chui vào, băng bó, khâu vá
hoặc thở hắt ra hơi cuối cũng từ chốn này mà quyết định việc sinh tử, chẳng thể
làm khác đi. Một kẻ bị gãy xương, không khó cho ông tìm tới nơi Anne nằm. Mùa
Giáng Sinh năm xưa, sau buổi tiệc chung vui ở chỗ làm, Anne uống hơi quá chén
và chẳng hiểu do đâu, bà chỉ định riêng ông mang sứ mạng chở người đi quàng
xiên về tận nhà. Ông để cho Anne quàng tay nơi cổ, ông xốc nách tấm thân hơi đẫy
đà và mọi thứ không gây trở ngại một mảy may. Bà ở cùng người con gái, có tấm
giấy màu dán nơi cánh cửa: Con dự tiệc đằng chỗ Julie, muộn lắm thì cỡ 1AM. Vẽ
một trái tim màu đỏ thế dấu chấm. Và khi đọc xong lời nhắn kia, tim ông nghe rộn
tiếng đập nhanh, khó cắt nghĩa một nỗi niềm. Ngay cả chữ già cũng chớ đào bới,
khoanh vùng đặt mốc. Không ai thấy mình già đi khi lâm vào cảnh này, ông dịu
dàng đặt Anne nằm xuống giường bằng sức lực của một gã trung niên. Chịu khó pha
cho tôi một tách trà chanh. Anne nói, dường không phải một người đang say rượu.
Anne say thứ khác, nũng nịu chất giọng của một kẻ rất mực tỉnh táo.
Cửa
thang máy mở ở lầu năm, hành lang sáng dọc dãy đèn vàng. Theo tay chỉ của cô y
tá, ông cầm gói quà bước vào địa phận mãi tôn trọng sự yên lặng. Người nằm trên
giường sửa lại thế, kê gối cao để xua đuổi khuôn mặt buồn ngủ, thắp sáng một nụ
cười. Tôi sẽ chết vì cảm động. Bệnh nhân nói khi nhận quà, chiếc áo đặc thù được
cột giây có hơi sai lạc vị trí, giống như những sợi tóc rối chưa hề biết qua
răng lược; tựu trung nó bày ra thứ hình ảnh gần như đêm Giáng Sinh năm nào. Bàn
tay Anne đang dồn lực để níu đầu ông xuống trao gửi một nụ hôn. Sao biết tôi ở
đây? Tôi gặp Fred và tôi nghĩ nên lại thăm Anne. Mùa lễ, nằm trong chốn ảm đạm
này, người ta cần tin tới một thứ mà chúa không đủ quyền năng để trao tặng. Đứa
con gái của tôi cần học ở bạn nhiều thứ. Thấy đỡ phần nào không? Y tá không hỏi
kiểu của bạn, họ chỉ nói từ một đến mười, bạn đang ở số mầy? Ừ, Anne đang ở
thang điểm nào? Cách đây khoảng năm mười phút thì số sáu, hiện tại đang leo lên
số tám. Bạn đáng yêu quá. Được nghỉ tới bao lâu? Tới tháng tư sang năm, hy vọng
thế. Trở mình vẫn nghe đau. Đưa tay đây. Ông nghe lời và bàn tay ông được thăm
dò lên vùng thịt đã bị dao kéo phẫu thuật. Ở bên hông, trần trụi suốt, không nội
y. Mềm mại, ấm cúng. Ông thoáng nghĩ tới vợ, hai ba lớp vải đậy đệm, đang quấn
thêm chiếc chăn mỏng để thả hồn vào những thước phim tình cảm lãng mạn của Hàn
quốc. Vợ ông đưa cảm nhận: Trong phim ảnh, những đứa tráo trở xấu xa đều phải bị
tiêu diệt vào đoạn cuối; còn ngoài đời thành phần ấy luôn sống dai, thọ hơn cả
người hiền lương.
Người
y tá mang thuốc vào. Ông nói tôi về nhé, sẽ trở lại thăm hoặc khi nào xuất viện
tôi sẽ dìu đỡ và làm tài xế cho. Cô y tá cười, chúc ông mùa lễ an lành. Ông lập
lại, phát hiện khuôn mặt thoáng buồn của Anne. Noel năm ấy, khi chưa bị tai nạn,
ông ta đã nán ở với mình lâu hơn ước ao. Xương đã gãy thì còn ra cơm cháo gì nữa
hở trời! Nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa cũng mất sướng!
Ông
về tới nhà bà vẫn xem chưa hết mấy tập phim. Vì lỡ đóng tuồng đi ăn với cựu đồng
nghiệp, ông đã tạt vào tiệm người Việt ăn bát phở dằn bụng sau khi từ bệnh viện
trở ra. Biết ông về, bà chẳng hỏi han bởi phim đang gặp hồi gay cấn. Thằng con
rể âm mưu bất chính, dối gạt cả nhà cho tới khi bị vợ đương sự phát hiện. Dĩ
nhiên vợ ông, đàn bà với nhau, đã thoá mạ chẳng tiếc lời thằng tài tử đẹp trai
đóng vai kẻ bội phản. Ông nói: Có trường hợp nào người ta ca ngợi và đồng lòng
tiếp tay với kẻ dối gạt không? Ông uống mấy chai bia mà trở chứng đi nói ba cái
chuyện khó nghe vậy? Bà nghĩ sao về vụ ông già Nô-en hằng năm từ chốn xa cỡi xe
về trao quà cho bọn con nít trên toàn thế giới? Đánh lừa người lớn thì khoan
xét tội trạng, nhưng dối gạt bọn trẻ con thì cần lên án, cần ngăn chận ngay.
Bà
vợ nhìn ông, thăm dò vẻ mặt chồng: Ăn liên hoan cùng bọn tây ở chỗ làm cũ, có
phải không? Sao tui đánh hơi toàn cả mùi phở vậy? Ông cười to tiếng như ông già
Nô-en: Đằng sau một người đàn ông thật thà luôn có bóng dáng phụ nữ đa nghi. Có
cần tui nhắc lại bệnh tình không: Tui chúa yếu tim, là bông hoa trong mùa đông không biết sẽ tàn héo đi lúc nào… Ồ, thấy
chưa, phải vậy chứ, thằng rể ấy bị cảnh sát đến bắt rồi kìa. Hừ, chạy trời sao
khỏi nắng!
HỒ ĐÌNH NGHIÊM
cuối năm 2016