Nguyễn
Mạnh Trinh.
Mẹ trong tranh Bé Ký
Có những bài thơ, đọc lại là cả một sự hồi
tưởng , đối với riêng tôi. Hơn thế nữa, nó còn là một phần đời sống.
Một
trong những bài thơ vừa kể, tôi viết năm
1972. Lúc đó, tôi ở Pleiku và quá giang chuyến trực thăng ghé về thăm nhà ở lại một đêm rồi sáng trở lại đơn vị trong cùng một chuyến bay. Khi về nhà, lúc ấy buổi xẫm tối,
tôi vội vàng lấy xe để đi chơi thì bất ngờ có một hình ảnh làm tôi khựng lại.
Hình ảnh của mẹ tôi ngồi trước bàn thờ Phật với tiếng kinh trầm và mùi hương
ngát. Tôi biết mẹ tôi đang cầu nguyện cho đứa con ở xa. Lúc ấy, chiến tranh
đang khốc liệt với nhiều chết chóc. Ở xóm tôi, đã có nhiều chiếc xe GMC chở về quan tài phủ cờ của những người lính tử trận
là những đứa bạn thuở ấu thời của tôi.
Và tự nhiên tôi dắt xe vào nhà,
Góc hiên đôi mắt cuộn
tròn
dong tay nắng cũng
hoàng hôn bóng trời
mẹ ngồi chải tóc sợi
rời
đậu vai áo một nụ cười
thêu hoa
mây rơi rụng xuống
mái nhà
màu lá biếc cũng nhạt nhòa cành vui
cổng gió cửa đóng
ngùi ngùi
nghe sóng cuộn giữa
ghềnh trôi óc thầm
mẹ ngồi bóng xế trăm
năm
tay lần chuỗi tiếng
kinh trầm trầm bay
khói sương ở đỉnh núi
tây
nên xa xăm lắm tháng
ngày mênh mông
đi về xuôi ngược bến
sông
chiều như đang rụng
xuống lòng phố quên
Mẹ ngồi như tạc nỗi
niềm
Tóc phơ phất gọi tịnh
yên trong hồn
Kinh đen con nước xuống
ròng
Trơ gốc cọc để trống không mặt lầy
Đi về tôi vẫn loay
hoay
Chợt nghe lạnh ngọn
heo may cuối trời
Mẹ ngồi một thuở ấu
thời.
Tôi nhớ lại lúc ấy trới mờ mờ tối. Tuy vội
vàng vì có hẹn với cô bạn gái nhưng có điều gì giữ tôi lại. Không phải là tiếng
kimh hay mùi nhang khói, cũng không phải
là đôi mắt Phật Bà hiền từ trên bàn thờ . Mà , bởi vì cái vóc dáng của mẹ ngồi, trong không gian,
thời gian vô cùng tĩnh lặng cầu nguyện
cho mình. Thế mà, bỏ đi thì không đành lòng. Tối hôm ấy, tôi trằn trọc trong chỗ
nằm của mình, với cảm giác bâng khuâng khó tả.
Tôi
nghĩ mình không phải là một đứa con ngoan ngoãn. Tôi có tuổi nhỏ ngỗ nghịch và ở trong xóm là đứa đầu têu cho những chuyện
nghịch phá. Lớn lên, lại không cố gắng học đại học như anh tôi hoặc đứa em tôi
mà lại đi lính. Trong khi mẹ tôi thì chủ trương dù nghèo thế nào chăng nữa các
con bà cũng phải học cho đến khi không còn cố gắng được nữa dù bà là một người
ít học. Năm mâu thân cha tôi mất, rồi nhà bị cháy, nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng xây
dựng lại với một nỗ lực vô biên
Cuộc đời mẹ tôi , trải qua nhiều khó khăn
nhiều lo toan khổ cực và với đàn con như một con gà mẹ luôn xòe cánh ra che chở và chống đỡ lại những nghiệt
ngã của cuộc đời.
Mẹ
hay kể lại những năm đói hay những cuộc
chạy loạn trong cuộc đời mình. Bà vẫn nhớ những người đã cưu mang giúp đỡ đến nỗi mấy đứa con khi nghe một câu đầu đã
tiếp theo ngay câu thứ hai, và bà cười
nhưng vẫn tiếp tục cái câu chuyện đã quá
quen thuộc ấy. Bà nhắc đến khi chạy loạn, ghé vào chùa của sư cô Khoa có cây khế
đã thành thức ăn thanh đạm trong nhiều
ngày cho cả gia đình hay những khi bố
tôi phải vào rừng kiếm gỗ đẽo guốc để bán những lúc khó khăn. Thời gian lúc đó
, với bà vẫn gần gũi quen thuộc như lúc
hiện giờ, sáng sớm ra chợ mở cửa hàng buôn bán như một công việc đã kéo dài năm
này qua tháng khác.
Tôi
đi xa rồi lại về gần, khi làm việc ở phi trường Biên Hòa gần
Sài Gòn nhưng bản tính lông bông nên ít khi ở nhà. Nhưng, bên cạnh tôi
hình như lúc nào cũng có cái bóng của mẹ tôi, nương tựa thì không đúng hẳn
nhưng vẫn là một điều gì giúp đỡ ân cần.
Tôi tin chắc , khi có điều gì khó khăn, sẽ có sự chia sẻ của người thân
yêu nhất của mình.
Năm 1975, những phi đoàn F5 dời về phi
trường Tân Sơn Nhất lúc đầu tháng tư. Và tháng
chót trong đời quân ngũ của tôi là thời gian ở đây. Tình hình lúc này nặng
nề với bao nhiêu biến chuyển của đất nước. Trong đơn vị, câu chuyện hàng
ngày là tình hình và thời thế. Lúc gần
như thời gian cuối, vẫn bao quanh câu hỏi đi hay ở. Còn ở gia đình, cũng câu hỏi
tương tự. Mẹ tôi vẫn một câu nói. Đứa
nào đi được thì cứ đi , đừng có lo cho người khác, nhất là những đứa có thể có
những phương tiện. Bà nói, mẹ đã có nhiều
thời gian sống với bọn họ rồi. Khổ sở lắm. Khi sửa soạn những túi xách để ra đi
, bà cứ chép miệng . Qua Mỹ rồi , làm gì có trầu mà ăn! Những miếng trầu,
là cái thú vui của bà cũng như xem và nghe các tuồng cải
lương. Những miếng trầu , suốt mấy chục năm,
đã thành một thói quen thân yêu
không thể nào bỏ. Thế mà, vì nghĩ đến mấy đứa con, bà quên đi cái tập quán ấy , chấp nhận ra đi
Rốt
cuộc, gần như cả gia đình tôi di tản được năm 1975. Riêng tôi, còn nặng nợ nên
kẹt lại, dù đã đi xuống phi trường BìnhThủy nhưng không thoát được phải trở về
nhà. Cái giây phút phải leo vào nhà sao thê thảm. Cửa dưới bị niêm phong, nên
phải leo lên lầu để vào nhà. Khi nhìn thấy vât dụng của những người thân trong
nhà tôi thấy nghẹn ngào. Vật thì còn đây nhưng người thì đã đi xa. Tôi nhìn giường
ngủ của mẹ, nhìn đôi dép nhung dưới sàn, nhìn ô trầu, nhìn cái áo vắt trên
thành giường , tự nhiên tôi muốn òa khóc . Những lá trầu đã héo vàng, những miếng
cau đã quăn queo, những vệt vôi têm đã khô bong ra, như biểu tỏ của nỗi niềm
chia ly vĩnh viễn. Lúc đó tôi nghĩ chẳng bao giờ gặp lại được những người thân.
Cái cảm giác tuyệt vọng làm tôi như muốn ngạt thở. Nhưng rồi vẫn phải nén cảm
xúc và vẫn phải sống và thoát đi cái địa ngục đang dần hiện đến của số phần những
người thua trận.
Đi
tù rồi trở về Sài Gòn, chờ đợi những chuyến vượt biên, thỉnh thoảng tôi lại đi
qua để nhìn vào căn nhà thời xưa của mình cũng như sạp bán vải trong chợ Bình
Tiên của mẹ ngày xưa. Cảnh vật cũng thê lương ảm đạm như người lúc đó. Buôn bán khó khăn, phiên chợ mất đi cái náo
nhiệt thời xưa và người mua kẻ bán tràn
ùa ra lề đường với kiểu buôn bán tạm bợ chỉ biết ngày nay mà không thể mường tượng
được sinh kế của ngày mai. Từ những người đàn bà buôn gánh bán bưng trên hè phố
tôi lại nhớ đến mẹ tôi . Không biết bây giờ bà ra sao và đời sống thế nào? Sau
này, khi nghe kể lại, khi tạm cư ở đảo Wake, mẹ tôi thường xuyên ra cầu tàu
nhìn mông về phía biển và đợi một chuyến tàu ghé bến có đứa con của mình. Bà chờ
đợi và chờ đợi
Tôi
vượt biển tới đảo Kuku rồi Galang năm 1980. Trong vài tháng chờ định cư, tôi đã
sống những ngày tự do thật vui vẻ. Mấy đứa em gửi thư qua nói anh hãy xem thời
gian hiện tại như là đi nghỉ hè, qua đây sẽ làm việc học hành đến không kịp thở.
Đến Mỹ , sau một thời gian ngắn tôi lao
vào cuộc sống mới. Vừa học vừa làm, với
cái tâm tư cố gắng bây giờ cho ngày mai. Mẹ tôi hàng ngày thúc đẩy.
Ráng học cho có một cái nghề. Ở đây mà lông bông không nghề nghiệp không
bằng cấp thì khổ lắm. Không phải với riêng tôi mà cả với mấy đứa cháu nội ,
cháu ngoại bà cũng khuyên nhủ như thế . Gia đình mình không có gia tài cha ông
để lại, thì phải gắng học để có của cải cho riêng mình. Có lúc có mấy người bạn rủ tôi mở tiệm furniture,
lúc ấy làm ăn rất dễ dàng mà vốn liếng chẳng bao nhiêu. Nhưng mẹ tôi cản, nói học phải là công việc chính để chừng nào
xong sẽ tính sau.
Mỗi
buổi sáng sớm mẹ tôi dậy sớm sửa soạn bữa ăn sáng cho tôi và mấy đứa cháu bới
cơm mang đến trường. Trên bàn ăn là một dãy năm cạp lồng cơm để thứ tự và món ăn thay đổi ngon lành. Kết quả là bây
giờ, mấy chú cháu , cậu cháu đều tốt nghiệp
hậu đại hoc và đều có công ăn việc làm tốt. Và , như thế mẹ tôi hài lòng
lắm.
Thời
gian qua đi tôi lập gia đình và mẹ tôi già thêm và sức khỏe cũng dần giảm sút.
Một điều không may là suốt trong hơn chục năm sau cùng mẹ tôi bị bệnh đau nhức
hành hạ. Mà nguyên nhân thật vô duyên .
Mẹ tôi bị bệnh mà người mình gọi
là bệnh dời leo. Nếu chữa trị đàng hoàng thì có lẽ không bị hậu quả như thế . Đằng
này ông bác sĩ gia đình mà cũng là một
nhà văn có viết lách, lại khám bệnh
cẩu thả và cho là bị phản ứng thuốc. Ông
ta còn có những chuyện mà tôi gọi là vô trách nhiệm, khi mẹ tôi phải vào bệnh
viện ban đêm, gọi ông ta thì ông bịt mũi
cho khác giọng và trả lời không có nhà. Với một người có quen biết mà cư xử như
thế thì thật là hết ý kiến
Những lúc buồn suy nghĩ về mẹ tôi hay
nghe nhạc bởi vì âm nhạc đã tạo cho tôi
thật nhiều xúc động khi nghe những bản nhạc như Ơn Nghĩa Sinh Thành của nhạc sĩ
Dương Thiệu Tước, Lòng Mẹ của
nhạc sĩ Y Vân , Bông Hồng Cài Áo của
nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ
Bản Lòng Mẹ tôi đã nghe đi nghe lại ở một băng ghi âm còn sót lại sau những ngày ở
Sài Gòn tháng 5 năm 75. Lúc ấy, gia đình tôi đã di tản nhưng chưa biết tin tức
thế nào và tôi đã nghe bản nhạc có những câu như Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.Tình mẹ tha thiết như giòng
suối hiền ngọt ngào. Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm
trăng tà soi bóng mẹ yêu.. đã làm lòng tôi như mềm đi trong nỗi bồi hồi
khôn xiết.Tôi nghe mãi đến nỗi băng ghi âm bị mòn đi thành những tiếng rè rè.
Và tôi vẫn nghe, tưởng âm thanh rè rè đó
là tiếng động của chuyến tàu đã đưa những
người thân đi xa mất biệt
Bản nhạc
Ơn Nghĩa Sinh Thành làm tôi nhớ đến
những ngày của biến cố Tết Mậu Thân. Lúc ấy cha tôi vừa mất ở nhà ông anh cả của tôi và
đêm tôi ngồi cạnh bên quan tài của
ông mà nghe bản nhạc ấy một mình với tâm tư rối bời và buồn thảm. Lạ một điều ,
nghe bản nhạc của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tôi lại nghe như có một chút gì như
muốn chia sẻ nỗi ngậm ngùi của riêng tôi. Từ câu học thuộc lòng thời nhỏ: Công cha như núi Thái Sơn . Nghĩa mẹ như nước
trong nguồn chảy ra, để thành một dòng nhạc nhắc nhở đạo làm con. Mà tôi
thì tự nhận xét mình là đứa con làm phiền lòng cha mẹ nhiều nhất
Ca
khúc Bông Hồng Cài Áo của nhạc sĩ Phạm
Thế Mỹ lấy ý và gợi cảm hứng từ một bài đoản văn cùng tên.
Bông
Hồng Cài Áo là một đoản văn của Hòa thương Nhất Hạnh viết năm 1962 ở một trại
hè Camp Ockanikon tiểu bang New Jersey Hoa Kỳ và phổ biến trong nội bộ đoàn
sinh viên Phật tử Sài Gòn bằng cách chép tay thành 300 bản làm quà tặng cho bạn
bè. Mỗi bản chép tay đều gắn thêm một chiếc hoa màu hồng cho người còn mẹ hoặc
màu trắng cho người mẹ đã qua đời. Rằm tháng bảy năm 1962 tức lễ Vu Lan các sinh
viên Phật tử tụ họp tại chùa Xá Lợi và cử hành Lễ Bông Hồng Cài Áo đầu tiên. Năm 1964 , nhà xuất bản Lá Bối của
thầy Từ Mẫn in quyển Bông Hồng Cài Áo đầu
tiên khổ nhỏ và dài có thể bỏ vào bì thư
để gửi tặng bạn bè trong ngày lễ Vu Lan.
Bài
viết gửi cả tấm lòng của một người đã xuất gia tặng Mẹ. Giọng văn thật thiết
tha, ý nghĩa thật sâu sắc , biểu hiện của một phong thái rất Việt Nam, cô đọng
trong từ ngữ nhưng lại mở ra nhiều ý tưởng độc đáo.
Mở
đầu với một bài thơ mà ông nhớ từ thuở nhỏ vì nỗi đau mất mẹ:
năm xưa tôi còn bé
mẹ tôi đã qua đời
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi
quanh tôi ai cũng
khóc
im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi
hoàng hôn phủ trên mộ
chuông chùa nhẹ rơi
rơi
tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời
Ai đã từng làm cha mẹ mà không phải se lòng với những câu văn thiết
tha, với những suy tư rất thực tế mà lại đầy triết lý. Nhất là đoạn cuối có lời
nhẹ nhàng hướng dẫn, có ý sâu sắc ngỏ tình, đã mở ra những khung trời yêu
thương .
Đoạn văn ấy đã làm rường cột cho bản nhạc
của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ khi ông làm bản Bông Hồng Cài Áo:
Nếu
có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay ,khi đi học hoặc khi đi
làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền . Anh sẽ ngồi
xuống bên Mẹ. Sẽ bắt Mẹ dừng kim chỉ mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ
thật lâu thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên
anh. Cầm tay mẹ anh sẽ hỏi một câu làm mẹ chú ý. Anh hỏi “mẹ ơi, mẹ có biết
không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh vừa cười vừa hỏi “Biết gì?” Vẫn
nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp “Mẹ có biết là
con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn
mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng sẽ hỏi một câu ấy. Bởi vì
anh. Bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống
trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, anh sẽ không hối hận đau lòng,
tiếc rằng anh không có mẹ .Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm
nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm vào trong vô tâm quên
lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.
Nghe bản nhạc của Phạm Thế Mỹ , hình như tất cả những
điều tuyệt diệu của bài đoản văn đã được lột tả trong âm nhạc. Những thông điệp tình thương
được gửi đi không những nguyên vẹn mà làm vỗ cánh bay đi xa hơn, làm xao động
cao rộng hơn. Hòa thượng Nhất Hạnh đã nhận xét về bản nhạc như sau: ”Phạm Thế Mỹ
làm bài Bông Hồng Cài Áo rất dễ dàng như thở vào thở ra, tự nhiên như bước chân
đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ
là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông Hồng Cài Áo, trước kia cũng vậy và
bây giờ cũng vậy..
Với riêng tôi, ca khúc Bông Hồng Cài Ào nhắc
nhở ngày mẹ tôi từ trần. Bà mất vào ngày 3 tháng 5 năm 2003 trước Mother's Day một tuần và đến lễ Vu Lan
là ngày cúng 49 ngày của mẹ tôi. Năm
nay, ngày giỗ đúng vào ngày lễ mẹ bởi vì ngày
âm lịch và dương lịch chênh lệch nhau.
Hôm ấy, có một cô bé trong đoàn phật tử trong
buổi lễ hỏi tôi. “Chú cài bông hồng mầu gì?” Và tôi trả lời. Mầu trắng. Và cô
bé nói con sẽ hát bài Bông Hồng Cài Áo để tặng chú. Khi trả lới cô bé, tôi nhớ
lại như một cách phản xạ. Nhớ lại vành khăn trắng, mùi nhang khói, đôi mắt nhắm
lại của mẹ ngày nào, tất cả làm tôi như hụt hẫng. Đọc những câu kinh, nhìn lên
bàn thờ Phật, để trấn tĩnh lại. Đôi mắt Đức Phật, như có chút gì xẻ chia, như có chút gì an ủi.
Mẹ tôi đã đi xa. Bây giờ, hết rồi, không còn nụ cười móm mém mắt cũng cười theo
khi nhìn con cháu. Bây giờ hết rồi không còn những chuyện kể ngày xưa lúc ở phố Lạng Sơn hay ở làng Phù Lưu. Bây giờ, mẹ
đang nằm trong lòng đất xứ người. Và biết đâu , ở cõi âm phần đó mẹ trở về lại
quê hương, để ghé thăm ngôi nhà cũ, ngõ làng xưa. Biết đâu?Và bản nhạc Bông Hồng Cài Áo có khi là một hối tiếc
muộn màng của một đứa con nhiều lần làm mẹ buồn như tôi.
Buồi trưa
trong nghĩa trang, hình như đầy những chậu hoa. Tôi chợt nghĩ trong đầu những
câu thơ
Những suy tư rời rạc của những ngày tháng trôi qua lặng lẽ. Có những
người đã ra đi. Vào một thế giới nào, xa vời. Có những bài thơ như một điệp
khúc tưởng nhớ
Bài đầu. Thơ cho ngày giỗ mẹ đầu tiên
1
Có những ngày như sáp nóng chảy
Giữa
cơn mơ hừng hực trong đầu
Tháng năm và nụ hoa trắng
Nở vàng trong ký ức.
Khi cơn
gió lay ngọn cỏ mơ hồ
Như gót chân một năm đi qua lặng lẽ.
Tôi tự
nhủ thầm
Một mình
Trong váng vất dòng sông thao thiết
Một ngày đếm những nụ hoa
Đếm những
hạnh phúc hiếm hoi
Đếm những dây vạn niên thanh
Giơ lên những nụ gai thời tuổi trẻ
Chợt nghĩ câu thơ Lưu Trọng Lư
Ngày xưa
Như câu hát ru em ru tôi
Đứt ruột.
Tôi sẽ in những hình bóng
Không bằng dương bản
Trong bộ nhớ tôi
Có câu kinh vời xa
Buổi chiều vàng mầu khói úa
Con chim sáo quen đã về
Màu đen hoang vu
Mổ những hạt cơm cúng khô rời
Cho một phần ăn hữu hạn
2
Tháng năm và nghĩa trang
Tôi giả vờ nghiêm nghị
Đóng vai người thuyết giảng
Cho hạt bụi rơi
Trong nỗi nhớ mơ hồ.
Có câu kinh nào cho tôi
Có câu kinh nào cho chúng ta
Khi
Chuyến xe đi đã chờ góc phố
Nơi đến
Một địa chỉ mơ hồ
Bảng chỉ đường không ánh đèn
Ngọn nến thoáng qua
Con mắt cú mèo trong huyền tích
Có những mộ bia
Viết bằng thời gian vô tận
Nét chữ loang trên bóng chiều
Một nụ cười thân yêu
Vời vợi
3
Một năm
Tôi như kẻ lang thang
Đi tìm giấc mơ
Của nội cỏ hoang vu
Mà vó ngựa phi như hạt bụi
Rơi trong mù mịt vô thường
Một năm
Tôi giấu trong hồn
Một nụ hồng
Màu đỏ đã héo khô
Mà chưa đủ trắng
NMT
No comments:
Post a Comment