Sunday, May 13, 2018

KHÁNH MINH, NHỮNG BÓNG, MƠ, ĐÊM HUYỀN, VÀ THOẠI


Vũ Hoàng Thư

Tác phẩm NTKhánh Minh

Ngày nguyên đán, ngày khởi đầu, nguyên xuân gọi hoa nở màu ban sơ. Có gì đúng điệu hơn ở ngày Tết, bình minh lên thắp ánh thiều quang gọi bừng thế giới hoa nở rộ. Như thể xuân lóe, như thể Tuệ Trung bắt gặp ánh quang,

Nhất điểm xuân quang, xứ xứ hoa
(Thị học – Tuệ Trung)

Và buổi sáng phiêu nhiên, cái gì đang trôi trong không gian, điệu nhạc? Không nghe âm, chỉ một ngất ngưởng chuyển mình, không nói ra, tôi đang trôi, tôi lờn vờn trong từng âm điệu.

Mở cửa
Dòng nhạc trôi ra ngoài. Ban mai dậy sóng
Nắng lụt tôi trong căn phòng nhỏ
Và tôi. Đang ngộp thở ban mai
Bạn cảm thấy sao khi vừa mở cửa
đã rơi ngay trước mặt mình tiếng chim hót
Và bạn sẽ làm gì với những nốt nhạc ấy?
(Những nốt nhạc, Những buổi sáng)

Như thế, Khánh Minh vẽ. Không bằng cọ và màu. Khánh vẽ bằng mực và viết. Cơn lụt nắng nâng cô lên, ban mai bừng đè nặng nhà thơ xuống, Khánh nhìn ngang, ồ cánh cửa. Hãy tung cánh rộng cho sóng dậy vào lòng. Chỉ mấy câu thơ mà thu tóm không gian ba chiều, trên, dưới và ngang, hội tụ vào hình tượng thi ca.
Cũng như thế Khánh Minh hòa âm. Nhạc khúc không viết bằng ký hiệu nhạc nhưng bằng mặt chữ đời thường.
Và như thế tôi nghe âm nhạc thoát thai từ bức tranh trong tiết điệu thơ. Thi ca. Tài tình là thế. Và bạn sẽ làm gì với những nốt nhạc ấy? Thi sĩ hỏi, có ai cất tiếng trả lời? Có lẽ không còn cần thiết. Những buổi sáng của Khánh Minh trong khu vườn của cô khiến tôi nhớ đến khu vườn Amherst gần hai thế kỷ trước, nghe ra tiếng đồng vọng giữa hai tâm hồn mẫn cảm,

What Mornings in our Garden – guessed –
What Bees – for us – to hum –
With only Birds to interrupt
The Ripple of our Theme –
(Emily Dickinson,  I learn – at least – what Home could be)

Sáng chớm vườn ta – biết ý
Cánh ong –  cho ta – ngân nga
Chỉ có chim được ngắt lời
Nhịp rì rào hoan ca ta
(VHT phỏng dịch)

Hay ở một bài khác khi Khánh Minh rơi, tan trong nắng và thơ.

Khoảng thời gian im lặng
Là không gian mình đánh mất
Nơi rơi xuống của lời


Thủy chung nào
Ngưng được thời gian
Không gian nào
Giữ những lời đi…
(Đường mật, Ngôn ngữ xanh)

Lời rơi xuống ở khoảng thời gian im lặng, cũng là khi ta mất chốn về, được phía này thì biển dâu giằng co phía ấy? Lựa chọn thành ngã ba trầm thống của đoạn trường. Thủy chung chết cứng dưới nhịp bước thời gian, phôi pha ước hẹn khi lời đã cất và bay đi, không gian rộng đến muôn phương nào giữ lại được. Như mây bay về vô xứ? Lời trở thành chiếc bóng? Như nhạn của Hương Hải? “Ngôn” vô di tích chi ý ?
Một liên tưởng không tránh khỏi khi đọc thơ của Khánh Minh và Dickinson. Tôi chẳng làm sự so sánh vì một sự so sánh như vậy vô nghĩa ở đây. Chữ nghĩa họ cuồn cuộn hồi sinh trở về trong nguyên ngữ tối hậu. “Đường mật” và “A word is dead” là chốn hội tụ anh thư tài tử, đề huề giao hưởng.

A word is dead
When it is said,
Some say.
I say it just
Begins to live
That day.
(A word is dead, Emily Dickinson)

Chữ chết đi
Khi vừa thốt,
Người bảo vậy.
Tôi cho rằng
Lời sống dậy
Lúc rời môi.
(VHT phỏng dịch)

Tôi bắt gặp sự tương lân đồng điệu trong thơ của Khánh và Emily ở chỗ hai cô nương suốt cuộc bình sinh sống chết với Thơ, cật lực hít thở Thơ, chữ thơ ở đây phải được viết hoa cho đúng niềm trân trọng. Một trong những cách định nghĩa thơ của Khánh như thế này,

Thơ
Là dòng sông. Cho tôi trôi đi
Là tiếng khóc. Cho tôi rơi lệ
Là dấu mốc. Nhắc tôi trở về
Là bàn tay. Cho tôi nắm lấy
Nhưng thường khi. Nó là bóng đám mây bay
(Thơ, Ngôn ngữ xanh)

Như vậy hội ngộ với Nàng Thơ quả là bất khả, như thể nhắn nhủ với nhân quần, này, tưởng là vậy mà không phải vậy. Cho đến khi ngươi chưa tan hòa trong tinh thể, đừng nghĩ sẽ nắm lấy được tay ta.

Trong mật của Nắng
Hoa hướng dương nở
Trong say câu Thơ
Tôi đắm

Nắng và Thơ
Đường mật
Tôi và hoa hướng dương
Buông mình. Rơi. Và tan
(Đường mật, Ngôn ngữ xanh)

Thi ca như một vụ mùa, dù Khánh chỉ nhặt được “đôi ba hạt lúa chín”, chìm vào thơ tựa ngụp lặn ở giòng sông mát mẻ, cho dù “không mang về một hạt nước nào của nó”, cô còn giữ mãi “dư âm cái trườn mình của dòng chảy”  (Phút mong manh giữa những từ, tập thơ Ngôn Ngữ Xanh) Từ đó, thơ luồn phong ba dồn dập, thơ ghé bầu khí hậu bàng bạc cô đơn, thơ đưa người vào mơ. Để làm gì? Để mơ với mình thành một.

Em vào giấc mơ anh
Nơi, em được là một giấc mơ…
(Tôi đang mơ, Tản văn thi)

Biết bao người tự cổ chí kim vẫn bảo thế gian trường mộng nhưng đó chỉ là mơ màng, mơ theo những ham muốn cuồng vọng cá nhân. Mơ của Khánh có một tên khác cùng vần. Mơ tương phùng phong vận thơ, và hí lộng giữa cuộc mơ khôn cùng. Nói mơ là một cách nói khác về thế giới thơ mà nhà thơ hằng sống. Thế giới diễm ảo đó còn có tên nào khác, đúng và hay hơn Thơ?

Đó là bức tranh sắc màu cuộc sống. Nên tôi quý những điều tôi đã nhận. Nên tôi tận lòng với những điều đang ở. Và tôi đem những điều không thể, phó thác vào chiêm bao. Mơ mộng. Mở con đường trú ngụ hơi thở tịch lặng nơi tôi được tỏa hết mình bằng ánh sáng của lời, dù chỉ một lần...
(Khoảnh Khắc Giấc Mơ, Tản văn thi)

Nghĩa là, chào nhân gian ân sũng dành, và xin gửi mộng một thành khẩn riêng. Khoảnh khắc mơ, chốn rừng thiêng, gọi hồn hương Lời tiếp miền lung linh. Hay Thơ ở nỗi quanh mình, từng hơi thở cả bình sinh dâng đời?
Thơ về ở, tịch lặng trú ngụ, hay thơ là tiếng vọng, gọi bóng về nhảy múa như Carl Sandburg có lần nói, “Poetry is an echo, asking a shadow to dance”?

Mỗi chiều
Thích ngồi khuất vào bóng cây nơi góc thềm
Phóng túng chút mình vào tôi mơ mộng
Không ánh nhìn ranh giới
Không phải trái so đo
Con dơi thoải mái treo ngược
Bệ phóng cho những ý nghĩ
(Mỗi ngày, Đêm)

Ừ nhỉ, con dơi treo ngược, con dơi thoải mái, người treo ngược, người dồn máu mắt hoa. Thế thì ai “ngược”, ai “xuôi”, ai “phải”, ai “trái” trên cõi đời này? Ôi những cái nhìn phiến diện, những đối đãi luận bàn, những phân chia đen trắng, thi sĩ ngồi vào một góc khuất, dàn rộng mộng mơ, thế là hóa giải, thế là xuyên suốt tầm nhìn. Vô ngại.
Từ đó hình dạng mất tăm, từ đó sương ảnh lờ mờ. Người thành bóng. Có khi mất tăm như giữa trưa, bóng nằm ngay đỉnh đầu người không thấy. Có lúc bóng dài hun hút ở đêm khi ánh đèn lầm lủi xa hút. Tứ chi người lêu khêu mọc cánh. Bóng níu lấy đêm. Bóng làm nên cớ sự. Có những cái bóng đầy ám ảnh, ngộ nhận của chàng Trương; cái bóng Trương Chi nằm đáy cốc Mỵ Nương cho tương tư về đậu. Và bóng nhạn không để dấu trong ảnh hình tâm cảnh của Hương Hải, Nhạn vô di tích chi ý… như đã nhắc đến ở trên. Bóng của Khánh mang ta về thực tại. Rất người. Kiếp người. Trầm lắng cô đơn giữa hai cái bóng: bóng đêm và bóng của chính mình. Một bài thơ rất ngắn, trích từ tập Đêm (chưa xuất bản), chỉ hai câu mà làm rúng động thần hồn. Không dùng chữ cô đơn mà gọi tuyệt mù khắc khoải, không nói đến thức đêm mà nghe hun hút đêm sâu. Thức đêm mới biết đêm dài, thi sĩ có nội công thâm hậu không nói nhiều. Nhịp liên tưởng làm tố chất của thi ca, bóng đi và bóng về gợi khêu một căn đề giữa  cá nhân và đại thể, trong cái này có cái kia.  

HAI BÓNG
Ai vẽ được bóng khuya đi
Cho tôi đọ với bóng về. Của tôi
(Tập thơ Đêm)

Khi con người mờ nhạt thành những bóng ở đời thật, ngày là một âm bản khác của đêm, cho dù tỉnh hay mộng.

Bóng dẫn về con đêm
Bóng dẫn về con mộng
Phơi ngày âm bản đen
(Dưới chiều, Ký ức của bóng)

Vì sao vậy? Có phải, Ở đây sương khói mờ nhân ảnh / Ai biết tình ai có đậm đà? (HMT), nên cõi nhân gian đó, chỉ có chiếc bóng là người bạn đồng hành, cuộc hôn phối với hoang vu. Còn loài người xa lạ kia, ta mất người đã từ lâu.

Ném buồn vào phố đông
Nhìn người ta bỗng thấy
Mình đi giữa đồng không
Ném buồn vào tôi vậy
Trăm gai cây xương rồng
(Ném buồn, Ký ức của bóng)

Khánh Minh nói rất nhiều đến bóng. Bóng ở đây phải hiểu là một ẩn ngữ. Bóng chính là vai ảo nhà thơ mặc vào để nhảy ra khỏi chính mình. Ta thành người quan sát về chính chủ thể. Ta hiện hữu trong khiếm diện. Bóng là hóa thân để tầm nhìn tổng quan hơn trong biển dâu hàm hỗn dưới ánh mờ nhạt của phong trần.

Bóng vẫn thế, đứng một mình
Làm như thể không có hình tôi xưa
Lạc vào một đêm mộng vừa
Gặp tôi, bóng ngỡ tình cờ, mộng du…
(BÓNG – HÌNH, Ký ức của bóng)

Bạn hãy bước lên bậc-tam-cấp-thời-gian, quá khứ-hôm nay-và ngày mai. Và chọn một giấc mơ. Tôi chỉ giữ lại cho mình, một thôi. Giấc mơ của một cái bóng. Đang gùi một lời hẹn. Không thời gian.
(Ai cần giấc mơ? Tản văn thi)

Thế nhưng đừng vội tưởng Khánh là con người của ảo vọng, đi đứng ở một chốn mênh mông xa rời thực tế. Trong vai ảo đó, cô vạch ra cái trò hề của đời sống máy móc, vô cảm, những con múa dưới sự điều khiển của guồng máy, những con người vong thân quay cuồng đồng bóng. Chúng ta đã thật sự thành những chiếc bóng vô nghĩa mà không hề biết.

Chúng mình như những giọt nước tung tóe vừa bị tát ra khỏi dòng nước quen. Mặt lạ làm tấm gương quen giật mình muốn vỡ.
Chúng mình chạy như những con thỏ trong tầm ngắm. Con chuột giả chết kịp trốn đi khi con mèo tinh quái ngủ quên.
Chúng mình như những mũi tên bị bắn đi bởi kẻ cuồng trí.
Chúng mình như những viên gạch lát đường, nhà, phòng vệ sinh. Như những con robot được đặt vào ngôi nhà đó đi trên con đường đó làm bây nhiêu công việc đó.
Và chúng mình rất thản nhiên thở, cử động dưới những bấm nút.
(Chạnh lòng, Tản văn thi)

Dù thất vọng, Khánh Minh vẫn tinh tế thấy một xếp đặt, luôn luôn ở đó. Sự xếp đặt mang tên hạnh phúc hay khổ đau. Hãy tin đi, có thể gọi là bất ngờ, nhưng thật ra không phải, bởi chưng mọi hiện hữu đều có lý do của nó. Không nói ra, Khánh nhắn nhủ đến một chữ duyên chăng?

TRƯỚC GIÓ

Tôi nhóm lên một ngọn lửa
Gió thổi tắt đi

Tôi nhóm lên một ngọn lửa nữa
Gió lại thổi tắt đi

Khi tôi không còn hy vọng
Thì gió
Lại làm những que tàn kia bắt lửa…
(Trước gió, Đêm)
Có đêm trăng buồn Khánh Minh nhìn sự vật bằng một con mắt khác, đục thủng ước lệ cho mông lung bưng vỡ. Tôi nhớ đến Nguyệt ca của Trịnh Công Sơn như nhạc nền đang tấu khúc.

2.
Dằng dặc đêm. Trăng hoài không rơi
Vắng trong tôi. Tôi hoài không lời
Chịu không nổi. Một cành cây đập gió

3.
Trăng buồn
Lỗ thủng trắng
Trời đêm

Tôi buồn
Một bóng vá
Thềm im
(Bóng sáng trong, Đêm) 

Thế giới này con người chú trọng đến cái nhỏ nhoi của hiện tượng bên ngoài. Cái không “thấy” vốn to lớn hơn nhưng thường bị quên lãng. Ta chỉ thấy mặt trăng như là mặt trăng trên nền trời cao. Như ta chỉ thấy nụ cười mở dọc trên môi. Cái phía sau nụ cười, hay cả tấm màn phía sau cuộc khóc đang bao trùm lấy nhân sinh. Từ khi em là nguyệt tôi chỉ thấy trăng như một vầng sáng soi hết thế giới tôi. Từ em thôi là nguyệt, tôi mới nhận rằng trăng chỉ là lỗ thủng trắng trong đêm huyền. Còn gì ngoài bóng tối? Bóng tối vẫn ở đó khi tôi vui nhưng tôi nào thấy? Trăng và tôi thành lõm nhỏ mất hút, nhỏ nhạnh trong cái toàn thể. Và nỗi buồn vây kín im sững trên thềm bây giờ tôi mới nhận ra. Khánh có một lối nhìn thật mới và lạ.

Cũng có khi tôi im lặng
Chỉ vì tôi sợ
Chạm vào giá băng của biên giới
Đó có phải là nghĩa của Xa Xôi?
(XA XÔI, Đêm)

Xa Xôi được viết hoa. Như một nhấn mạnh. Như dải Ngân Hà ngoài kia, sáng xanh từng đêm, một cõi riêng, rất riêng, gây lạnh rúng người của xa thẳm vô biên. Thi sĩ ớn mình, làn da mọc ụ. Chỉ có cảm và biết, và thấm hiểu ý nghĩa sau cùng của cách xa. Xa như quê hương nghìn trùng phía bên ấy.

Trăng ngõ nhà ta xưa
Gần hơn trăng nơi này
Mộng hơn trăng nơi này
Đêm ngó trời. Cao quá
Hỏi trăng gần, trăng xa
Đâu là chốn quê nhà…
(Trăng xưa, Đêm)

Thơ Khánh Minh dùng đủ thể điệu, từ thơ tự do đến thơ lục bát, thơ 5 chữ, thơ 7 chữ, v…v… qua đến tản văn thi.
Một bài lục bát ngắn đầy nữ tính Đông phương, dễ thương chết người tưởng có thể kéo ngã cả trăm ngàn đàn ông vạm vỡ macho, bọn họ đọc bài lục bát này rồi cũng phải quỳ dưới chân nàng.

Anh nghe không
Em đứng đây
Màu xanh nắng vẫn mỗi ngày phủ lên
Như chẳng nơi nào bình yên
bằng nơi em đợi anh, thềm ban mai
Nơi ngoài em chẳng còn ai.
(Thềm xanh)

Tản văn thi có thể là nơi dụng võ đắc ý và thoải mái của Khánh Minh. Biên giới giữa văn và thơ không còn, mạch thơ quấn quít lấy câu văn, bao nhiêu nội công cô ra chiêu vận dụng được hết mười thành. Đó là những thảo nguyên êm ả tình xanh, chỉ có thơ và mộng bay về quyến rũ. Và tra vấn hiện sinh, và khơi nguồn hiện hữu. Một vài khúc trích dưới đây để thấy ta không cần vần điệu, thơ vẫn man mác bay, mênh mông ý dẫn về, và đẹp đẽ khoảng lặng trầm tư …

Ngày ấm áp. Em sẽ đến. Bằng tiếng chuông hoa. Mở cánh cửa màu trắng Muguet. Em tặng anh một mùa cổ tích. Đến bao giờ còn có thể, những tháng 5, của ngày mai.
(Hoa mùa cổ tích, Tản văn thi)

Em có thể sống cuộc đời bằng hơi thở giấc mơ. Của tương lai?
Không có con gió nào đóng được ô cửa sổ. Để em nghe nắng mùa xuân. Hát gió phương Nam mùa hè rộng. Quyến rũ diệu kỳ nào cho em rơi theo nhịp vàng thu nuối một ánh nhìn. Gom sức ấm của mầu lá úa nhóm mùa đông đốm mắt thức gọi bước ai về. Và, anh có tìm em theo dấu chiếc khăn lụa hai mươi chưa từng nguôi nhịp vẫy?
(Ký ức của ngày mai, Tản văn thi)

Bay đi. Bay đi. Vỡ tôi hạt tím. Rơi như mơ. Bên những đóa lilies. Tiếng cọ Monet phết những vạt màu bay bổng. Thiêm thiếp tôi. Hồ mộng
(VÀ GIÓ NÓI VỚI TÔI RẰNG, Tản văn thi)

Mầu trắng của ngày. Mầu đen của đêm. Đôi khi ranh giới giữa trắng và đen nhập nhòa. Ánh Sáng và Bóng Tối. Ở lời tôi. Ở lời anh. Ở những lời không ở cùng sự thật.

Nếu. Bảo tôi vẽ bóng tối. Tôi sẽ vẽ
Những đôi cánh của chiêm bao mọc ra từ nước mắt. Vầng trăng trên gối ngủ bài thơ. Ngọn đèn cô đơn bên những trang bản thảo. Những bóng đôi trong cuộc khiêu vũ diệu kỳ của hạnh phúc trong veo hạt sương hoan lạc. Những hạt lệ đang lau khô nỗi buồn trả lại tiếng cười ban sơ. Những hạt máu đang hoài thai cội nguồn trong ngần hơi thở. Những giấc mơ êm đềm trôi vào thực tại.

Tôi sẽ vẽ cả tôi đang vượt qua đêm dài. Tôi sẽ vẽ làm sao để người xem tranh thấy được. Bóng tối chỉ là ảo ảnh.
(Bóng tối, Tản văn thi)

Hành trình thơ là một hành trình tìm về tuyệt đối đối với Khánh Minh. Không chấp nhận dễ dãi, chữ nghĩa chọn lọc vì thơ là mạch sống của chính bản thân cô. Tưởng là với đến được, ngỡ là đã đến đích, nhưng không, Khánh luôn luôn tự khó tánh với chính mình, thấy điểm hẹn với thi ca vẫn tiếp tục di chuyển ngoài tầm tay. Nên mãi hoài vẫn là phút giây vươn mình và tay với…

TÂM TRẠNG

Khi viết xong bài thơ
Đôi khi. Tôi khóc
Có phải vì lời đã nói về hạt nước mắt chưa rơi

Khi viết xong bài thơ
Tôi thường hay xóa
Dường như tôi sợ bóng tôi

Lạc giữa bài thơ
Tẽn tò. Như vừa bị phỗng tay trên. Những chữ
Mộng giữa bài thơ
Nghe mình nói mớ
Thức giấc cùng bài thơ
Tôi bóng bay. Cao cao. Rồi vỡ

 
Khi chấm hết bài thơ
Tôi hụt hẫng. Như chưa thể xong lời

oOo

Tôi đã đọc sáu tập thơ của Khánh Minh, ba tập đã xuất bản (Những Buổi Sáng, Bùa Hương, Ký Ức Của Bóng) và ba tập còn trong dạng bản thảo (Ngôn Ngữ Xanh, Đêm, Tản Văn Thi). Đó là một tập hợp thơ đồ sộ, dày rậm tâm thức trong ý và suy tư. Những gì tôi viết ở trên chỉ là phóng ảnh của phơn phớt lá bìa rừng. Đi vào thư lâm đó, tôi bắt gặp những cơn mơ tôi-cõi-thật-lội-mê-nhừ của Tsurayuki sương đẫm ướt vai giữa mộng và thức, lắm khi tôi trở thành chiếc bóng bên lề nhìn nhịp đời quay cuồng đồng bóng của ảo và thực. Tôi nghe niềm hy vọng xanh và lời thầm thì giữa đêm, thoại. Rất nhiều thoại. Độc thoại, giao thoại, đồng thoại với cái bóng của chính cô. Giữa đêm huyền tan chảy.
Tạm kết ở đây, tự hứa nhất thiết sẽ trở lại khu rừng thơ ấy, và biết đâu sẽ quên lối ra như Khánh Minh,

Một giấc mơ. Tôi sống
Một giấc mơ ăn đời
Một giấc mơ ở kiếp

Đừng mong tôi về nữa
(Kho Đêm, Ký ức của bóng)

VŨ HOÀNG THƯ
Tết Mậu Tuất, 2018

No comments:

Post a Comment