Trịnh Y Thư
Tản Văn Thi.
NT Khánh Minh
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao
– Nguyễn Du
1.
Trong tuyển thơ Tản văn thi [Văn Học Press xuất bản,
2018], nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã dùng một trích ngôn của Hans Sachs, một
thi hào sinh sống vào thời Trung đại, “Tất
cả cảm hứng thi ca đều chỉ là giải mã những giấc mơ.” Từ chìa khóa ở đây là
“cảm hứng.” Nhờ đó, chúng ta biết chị không phải là nhà thơ Siêu thực, chị
không sử dụng thủ pháp “lối viết tự động” để diễn đạt những thi ảnh và cảm xúc
của giấc mơ trôi ra từ tiềm thức hoặc vô thức. Ngược lại, những giấc mơ của chị
bắt nguồn từ một ý thức tự thân, từ những xung động ngoại giới, từ cuộc sống
hiện thực, rồi bốn mùa xuân hạ thu đông chúng được giú bên trong một tâm hồn thi
ca mẫn cảm, một cảm xúc tha thiết, để qua chữ nghĩa cách điệu nhưng đẹp nền nã,
óng mượt nuột nà, chị đã gửi đến giới yêu thơ hôm nay một tác phẩm thơ đặc sắc,
rất quý và rất hiếm.
Chẳng cần tìm kiếm đâu xa,
ngay từ bài thơ đầu của tác phẩm, Khoảnh khắc
giấc mơ, Nguyễn Thị Khánh Minh đã thố lộ cùng chúng ta nguồn cảm hứng cho
những giấc mơ của chị. Nó là “tiếng chim
ríu rít,” là “bóng đêm,” là “ánh sáng,” là “bờ vai nương tựa,” là “những vì sao,” là “gió,” là “bóng mây,” là “tiếng cười bé thơ,” là
Nơi kia nhà tôi. Mỗi ban mai thấy
mặt trời lên. Nơi kia tình yêu tôi. Không ngừng
khoảnh khắc phút giây hiện hữu. Nơi vòng tay tôi vẫn
ấm lòng nhân gian bầu bạn cho dẫu từng nhịp quay
thế giới đang chìm dần trong tối. Và may thay nước mắt
còn rơi từng hạt sông chở niềm đau về biển.
(Khoảnh khắc giấc mơ)
Chẳng thể nào nghĩ khác
hơn, từ một thực tại linh động, từ cái mà chị gọi là “bức
tranh sắc mầu cuộc sống,” chị đã nâng niu
nuôi nấng cảm xúc rồi phó thác nó vào chiêm bao thơ mộng, và nhờ hơi thở bùa
phép thi ca cho nó một đời sống mới, một siêu-thực-tại. Sự vật trong thơ Nguyễn
Thị Khánh Minh như có một đời sống mới, bởi nó được chắt chiu đãi lọc bằng một cõi
lòng “tinh khôi nhân ái,” bằng “những mảnh vỡ trái tim” để ước nguyện sau
cùng của chị chỉ giản dị là những “hạt pha lê được nuôi sáng
bằng lời thơ dâng hiến.” Chỉ trong một “xứ sở chiêm bao,” hay chính xác hơn trong một “khoảnh khắc giấc mơ” chị mới thực sống. Trằn
trằn những giấc mơ nhức nhối khôn nguôi:
Có thể một xô lệch của thời gian,
được không? Anh bước qua cây cầu và đi vào không gian giấc mơ? Giấc mơ em ở đó,
không thời gian. Không ở đâu trong thế giới hiện hữu này. Cánh tay thực tại
buông lơi, Giấc Mơ em gọi tên, người bạn rong chơi cùng em suốt mùa quá khứ,
đập cùng em nhịp tim của phút giây, và là một mơ hồ vẫy gọi ở cuối chân trời.
Giấc Mơ, nơi có thể giữ lại thời gian, cho em sống, ở lại, với tấm lòng mãi mãi
Hôm Nay.
(Nơi bắt đầu mùa xuân)
Và
chị miêu tả những giấc mơ ấy:
Tôi là kẻ đi nhặt những giấc mơ
Giấc mơ người ta quên khi xuống tầu thời gian
Giấc mơ người ta đánh rơi trong đêm
Giấc mơ bị đánh cắp trong ngày
Giấc mơ bong bóng bay
Giấc mơ còng gió
Giấc mơ bọt biển
Giấc mơ hạt cát
Giấc mơ chín
Giấc mơ non
Vô cùng. Những Giấc Mơ Xanh.
(Ai cần giấc mơ?)
Con người là sinh vật duy
nhất biết cô độc và mộng mơ. Vì cô độc nên mới mộng mơ hay mộng mơ dẫn đến cô
độc? Cả hai có nhất thiết đi đôi với nhau không? Câu trả lời xem ra chẳng cần
thiết, bởi đằng nào chúng ta cũng chấp nhận đội trên đầu cái vòng kim cô ấy,
nhưng nó là cái vòng kim cô dịu dàng, bởi không cô độc và không mộng mơ thì rất
khó cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật xem được. Beethoven sống suốt đời trong
cô độc, và chàng mơ mộng đến độ tưởng tượng ra những Người Tình Bất Tử để chàng
viết không biết bao nhiêu lá thư tình diễm tuyệt mà còn truyền tụng đến ngày
nay. Nhưng chính nhờ thế chàng đã để lại cho hậu thế những khúc nhạc bất hủ, và
chúng ta mãi mãi chịu ơn sự cô độc cùng tính mơ mộng của chàng.
Mơ hay mộng mơ không hẳn
chỉ là một hành vi vớ vẩn vô nghĩa (hay vô bổ, nếu bạn muốn gọi như thế). Kì
thực, nó chính là thao tác thẩm mĩ, một trò chơi của trí tưởng tượng, một trò
chơi có giá trị tự thân, một nhu cầu sâu thẳm nhất của con người mà chúng ta càng
lúc càng bỏ quên trong cuộc sống bình nhật vốn giành hết tâm trí và năng lực chúng
ta. Không, đừng hiểu sai, tôi không nói đến chuyện mơ một ngôi nhà nguy nga,
một chiếc ô tô lộng lẫy. Tôi muốn nói đến những giấc mơ phương hoa của Nguyễn
Thị Khánh Minh. Hãy lắng nghe chị thủ thỉ:
Đêm im, bầy lá non không hát nữa
hồn nhiên, nghe trong cây tiếng thở dài khe khẽ, nghe không gian từng sợi nhỏ
rung rung, và tôi nữa, một cành khuya đợi gió về thắp sáng.
Muốn gửi về phía đêm hương hoa
chớm mùa say đắm, ngõ chiêm bao rộ sắc thời gian. Muốn gửi về phía ngày hương
khuya sâu mộng mị cho mai về nắng sống lại tươi mươi.
(Bầy lá non thở dài trong
đêm )
Hay những giấc mơ sắc mầu:
…
Xin tím là ánh
nhìn thương yêu, mỗi mỗi nỗi buồn là nụ hoa kỳ diệu... Xin tím hát tình ca đắm
đuối, để niềm vui thao thức khôn nguôi, hạt thời gian xanh hoài phiến mắt, chút
buồn kia sương sớm mong manh.
(Sắc tím)
Thời gian lúc
ấy. Là mầu xanh rộng của trời. Mầu nâu ấm áp của con đường. Mầu tím của cánh
hoa nở trong giấc ngủ. Mầu đỏ ối của chùm ổi trong bữa của bầy chim. Mầu nước mía quện rêu bờ ao. Chúng ta bên nhau ánh nhìn vỗ cánh...
(Ngày lúc ấy)
Những thi ảnh
thật đẹp trong mơ tuần tự trôi về như những thước phim đầy mầu sắc và âm thanh.
Nhà thơ đã vận dụng tất cả giác quan cùng trực quan để khám phá một thế giới
mới, trong đó cảnh sắc và cá thể hòa nhập làm một như trong truyện thần tiên.
Chỉ trong giấc mơ, tâm và cảnh mới có thể nhập lại như hiện hữu trong cùng một
cầu vực tinh ròng, thuần khiết.
Bay theo gió mùa hè hương đồng lúa chín. Và tôi. Đã như thể
một trong những cánh chuồn kim lá biếc. Tha sợi
nắng li ti về trên cỏ tuổi thơ. Lấp
lánh bảy sắc cầu vồng. Bắc nhịp.
Trải theo con đường đất nâu nhạc tim rơi
trong từng khoảnh khắc. Tôi. Như thể thời gian đang giữ lại một mùa hạnh phúc.
Ngày êm êm con nước chảy
thức dậy cánh bèo tím. Chiếc cầu bắc ngang những buổi trưa hè. Tôi. Đã từng là
giấc mộng anh kể.
Không gian lúc ấy đựng đầy hương ổi. Đàn chim hay đánh
rơi xuống chỗ tôi ngồi những mảnh vỏ và hạt. Tôi nói. Ước mơ em ngọt và thơm
như những trái ổi sẻ. Anh bảo. Anh muốn thành đàn chim về ăn quả...
(Ngày lúc ấy)
Giở gần như bất
cứ bài thơ nào, bạn cũng thấy câu chữ với những hình ảnh và cú điệu như thế. Và
nếu chú tâm thêm chút nữa, để ý năm tháng sáng tác ghi dưới mỗi bài thơ, bạn sẽ
thấy những bài thơ này trải dài suốt một thời gian 40 năm trường. Bốn mươi năm
mà không thấy sự khác biệt lớn lao nào về cảm quan nghệ thuật lẫn ý tưởng giữa
những bài làm từ rất lâu và những bài gần đây, chứng tỏ nhà thơ đã trưởng thành
rất sớm và nó cũng chứng tỏ một tâm hồn nhạy cảm.
Người nhạy
cảm có thể khổ đau nhiều hơn kẻ không nhạy cảm, nhưng nếu thấu hiểu và đủ sức
vượt qua những khổ đau ấy, hắn sẽ khám phá ra không ít cái đẹp bất ngờ đang chờ
đón hắn ở bến bờ xán lạn phía bên kia, nơi hắn có thể rũ bỏ mọi ưu phiền để tìm
cho mình một tâm tư tĩnh lặng, một cuộc sống đáng sống. Người nhạy cảm cũng là
người tin tưởng vào chủ nghĩa yêu thương, một chủ nghĩa nhân đạo đích thực.
Triết gia Ấn Độ Krishnamurti suốt đời rao giảng chủ nghĩa này. Ông kêu gọi con
người chúng ta hãy phá bỏ bức tường thành kiến, truyền thống, tôn giáo, đạo đức
giả, hủ tục… hãy trút bỏ lòng sợ hãi, dục vọng, tính đố kị, ích kỉ… để thực
hiện một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng lấy yêu thương làm trung tâm, một love-centric revolution. Đọc thơ Nguyễn
Thị Khánh Minh, tôi có cảm tưởng như nghe thấy lời của triết gia quyện lẫn bên
trong những câu thơ của thi gia:
Yêu thương nhé, nghe nắng vừa
lên, nói cùng hoa đang nở trắng trên cành, nói cùng lá cứ sống hết mình xanh,
cho hừng đông tuôn trào sức sống. Trong ban mai những ước mơ trổ nụ, yêu thương
ơi xin thức dậy cùng người…
Trong tiếng nhạc ngày về óng ả,
mắt chim non vừa bỡ ngỡ bao la, cất tiếng gọi đầu tiên thơ dại, lá xôn xao quấn
quýt những bàn tay, yêu thương ơi khoảnh khắc xum vầy đơn sơ thế xin một lần
được cất cánh bay.
(Yêu thương ơi)
2.
Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh
tràn đầy cảm xúc yêu thương, một tấm lòng yêu thương rất nữ tính. Chị chẳng
những yêu thương mái nhà ấm áp của chị nơi có bờ vai cho chị ngả vào, có đàn
con cho chị sẻ chia tình mẹ con, mà còn quý mến từng nụ hoa, từng lá cỏ, từng
kỉ niệm, từng lời hát, từng hình ảnh, từng ánh mắt, từng nụ cười… Chị cất giữ
tất cả trong chiếc hộp có thắt nơ thân ái của chị rồi thi thoảng đem ra nhẩn
nha nâng niu ngắm nghía cho cõi lòng chùng xuống với những nỗi niềm trìu mến,
thiết tha. Tôi hình dung như thế, bạn ạ. Chẳng biết bạn có cùng ý nghĩ như tôi?
Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh
bàng bạc tố chất nữ, ngay cả trong giây phút bâng khuâng, thậm chí hoang mang,
lúc đứng trước một hiện thực phân chia có phần đen tối của thế giới ban ngày,
chị cũng để hiển lộ tâm cảnh của một người nữ:
Sáng nay buồn buồn trông lên cái
nhìn tôi không thể xa hơn nỗi sợ, sợ giấc mơ của tôi của anh của cánh diều trẻ
thơ tan tác trong những phân chia ranh giới. Ranh giới đất trời ranh giới Đông
Tây ranh giới thiện ác ranh giới tin ngờ ranh giới sống chết.
Có lẽ rồi chỉ còn mây đi qua được
những biển cấm. Có lẽ rồi chính dòng nước kia cũng sẽ là rào chắn đường bơi của
cá. Có lẽ rồi những mảng xanh chỉ còn vớt vát được nơi ánh nhìn của người mơ
mộng.
(Ngó lên trời ngó ra biển)
Đây là điểm rất đáng được lưu
ý trong thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, bởi chúng ta có thể đặt tố chất nữ trong thơ
chị vào ngôn cảnh của Bút pháp nữ để quy
chiếu tầng ý nghĩa của tác phẩm lên một chiều kích mới mẻ, phức tạp hơn.
Lí thuyết Écriture féminine (Bút pháp nữ) đưa lên tiền cảnh sự quan hệ của ngôn ngữ để thấu triệt
bản ngã ở khía cạnh tâm lí. Dựa vào những khám phá của ngành Phân tâm học về
một khảo hướng làm thế nào con người hiểu thêm vai trò xã hội của mình, nó tìm
cách lí giải phương án bằng cách nào người phụ nữ có thể đặt mình vào vị trí
“khác” trong một trật tự biểu tượng phái nam để tái xác định sự hiểu biết về
một thế giới hữu quan xuyên qua những thao tác giao thoa với cảnh giới ngoại
tại.
Tôi bắt gặp thật nhiều
những câu thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh điển hình cho suy nghĩ Écriture feminine, như những câu sau đây:
Hãy chậm thôi, Hôm Nay đang cất
tiếng… dẫu rực rỡ ban mai dẫu sụt sùi bóng tối. Xin rất bình yên lúc tan đi lúc
ở lại vui chung. Tơ lòng ta buộc với bao la. An nhiên sương niềm ấy vô cùng…
(Những sợi tơ)
Mơ màng lời cầu kinh trong tiếng nổ. Mơ màng lời kêu
gọi chống-chiến-tranh-tới-giọt-máu-cuối-cùng…
Bảo-vệ-quê-hương-đến-giọt-máu-cuối-cùng… Ôi máu
không ngừng chảy…
Ai cũng có quyền được sống. Ai
cũng có quyền có một mảnh đất để sống. Và. Giết nhau khắp nơi…
(Ai đang nói gì thế)
Đêm.
Từng đêm. Ai đã để ở đó những bó hoa tàn cột chân những trái bóng xanh đỏ những con thú
nhồi bông hai mắt nút đen buồn bã. Cây chong chóng không gió nói chuyện về
những em bé chỉ còn để lại cái tên. Viết vội. Dòng nước mắt cong queo khô đáy nến. Ngọn nến buồn nhất của đêm con mắt linh hồn ngơ ngác cháy nhấp nhô miếu
đêm trôi dài tiễn biệt.
(Sống
sót)
“Vị trí khác” là cụm từ chìa khóa để hiểu định
nghĩa Bút pháp nữ. Từ đó, chúng ta có
thể nói gì về “cái khác” trong thơ Nguyễn Thị Khánh Minh? Hiển nhiên, chị không
làm “khác” bằng cách đắm chìm trong dục tính như Hồng Khắc Kim Mai dạo trước hay
Vi Thùy Linh sau này. (Tuyệt đối không tìm thấy dấu vết dục tính nào trong thơ Nguyễn
Thị Khánh Minh.) Chị cũng không làm “khác” bằng cách tự vẽ vòng tròn rồi bước
vào đứng bên trong, ngạo nghễ (hay ngổ ngáo) thách đố thế giới bên ngoài như
Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Chị nhìn thế giới với con mắt bao dung, yêu những cái đẹp
nhỏ nhoi, bình thường của nó, nhưng chị đau xót vì sự băng rã của nó, phẫn nộ
vì cái xấu xa của nó, và chị van nài, cầu khẩn chúng ta hãy cùng chị thương yêu
nó hơn. Chỉ có yêu thương mới đem lại chân lí. Hẳn chị phải nghĩ như thế. Nhưng
chị yếu đuối, chị là phái yếu, chị đơn độc, thiếu kẻ đồng hành, và bởi thế chị
chọn giải pháp đi vào giấc mơ để nói chuyện với chúng ta. Trong giấc mơ chị có
thể nói những điều mà ngay kẻ “đường đường một đấng anh hào” bình thường ngoài
đời không dám nói, và trong một trật tự biểu tượng phái nam, chị đã “làm khác”
như thế. “Làm khác” để có thể nhìn thấy một viễn cảnh to rộng hơn, một chân
trời ló dạng rõ hơn ở bên kia bến bờ hi vọng.
Bà nhà văn Flannery
O'Connor bảo, “… Viết văn không phải là
đào thoát khỏi thực tại, mà là nhảy thật sâu vào thực tại khiến hệ đời sống như
bị chấn động bởi cơn sốc.” Nguyễn Thị Khánh Minh chẳng muốn gây “sốc” chút
nào. Nhưng bà O'Connor cũng nói thêm, “.
. . Nhà văn là kẻ vẫn còn hi vọng trên
cõi đời, kẻ không còn hi vọng không viết văn.” Về điểm này thì Nguyễn Thị
Khánh Minh hoàn toàn tin theo, chị là kẻ
vẫn còn hi vọng trên cõi đời.
Tôi sẽ theo con sóng nhỏ về biển
xanh. Biển thanh bình hiền hậu. Xóa đi những giờ thiên tai. Người ơi. Nếu có tìm tôi. Phút
thức khuya trên hàng dương liễu và con trăng mới mọc. Trên bước gió mở ngàn
khơi nơi cuối cùng là phương đông ấm một mặt trời…
(Khoảnh khắc giấc mơ)
Khổ thơ này khép lại tuyển
thơ, và cũng như bài thơ đầu cùng tên, nó gói ghém những giấc mơ của chị, và mở
ra một hi vọng “nơi cuối cùng là phương đông ấm một mặt trời…”
Một hi vọng nhỏ nhoi mà bao năm rồi vẫn hoài hi vọng.
3.
Tản văn thi
là một tuyển thơ lạ. Ngay cái nhan đề đã lạ rồi, nó cho người đọc biết đây là một
kết hợp thú vị giữa tản văn và thi ca. Đừng quên Nguyễn Thị Khánh Minh là một
cây bút viết tản văn xuất sắc. Tập tản văn Bóng
bay gió ơi của chị ra mắt cách đây ít năm đã gây tiếng vang không ít. Tuy
thế, dù là văn, trọng lực chữ nghĩa của chị hình như nghiêng về thơ nhiều hơn.
Tôi nói thế không phải bởi chữ nghĩa tản văn của chị chau chuốt, óng ả như lời
thơ, mà bởi ở bất kì loại thể văn học nào,
chị vẫn là con chim họa mi đậu trên rượng hoa trong bóng đêm hót về nỗi niềm cô
độc của mình bằng tiếng hót ngọt ngào. Thi hào Anh Percy Bysshe Shelley hồi đầu
thế kỉ XIX đã định nghĩa thơ như thế, và tôi thấy thật đúng nếu đem định nghĩa
ấy gán cho Nguyễn Thị Khánh Minh. Văn hay thơ.
Thơ chị trong suốt, ong
óng như một dải lụa, và đi thẳng vào lòng người. Chị ít sử dụng hoán dụ hay ẩn
dụ trong câu chữ. Ở những nhà thơ tiền bối như Nguyễn Du, thơ là một đại lâm ẩn
dụ. Chỉ một câu thơ “Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng” chàng
Kim Trọng đem ra tán tỉnh Thúy Kiều đã thấy một hoán dụ (đài gương) và một ẩn
dụ (dấu bèo) rồi. Dĩ nhiên, cái mà Milan Kundera gọi là “ý thức của sự liên
tục” không cho phép chúng ta làm thơ như Nguyễn Du, cũng như thời nay không ai
viết nhạc như Beethoven. (Chỉ làm trò cười cho thiên hạ, Kundera bảo thế.) Thay
vì hoán dụ hay ẩn dụ, Nguyễn Thị Khánh Minh sử dụng sự vật hữu quan, khoác cho
chúng một thi ảnh hay một thi tứ nào đó, rồi bằng thứ ngôn từ diễm ảo, vi tế nhưng
không làm dáng, chị thổi bùa phép vào chúng để biểu đạt điều mình muốn nói.
Hãy chạy nhanh ra biển anh ơi. Cùng đàn chim đang tấu
khúc ban mai rực rỡ. Trên bảng mầu mong manh chúng ta sẽ kịp chấm phá ánh nhìn
tươi vui trước khi nét ban sơ này bị phá hỏng. Cùng với đàn sóng. Tan vào trong
suốt đại dương trước khi chúng phai mầu khô cạn. Vươn dài đôi tay khát khao
theo dòng chảy êm ả của con sông còn một bến hẹn biển xanh…
(Điều mơ mộng nhỏ)
Những thi ảnh “biển,” “đàn
chim,” “tấu khúc ban mai,” “bảng mầu mong manh,” v.v… trong khổ thơ trên không
hề mang một giá trị nội tại nào, chúng chỉ là những biểu tượng hữu quan, để từ
đó chị thăm dò và khai mở tâm cảnh (mà trong trường hợp bài thơ này là nỗi lo
sợ trước một thế giới loài người đang tàn tạ). Những biểu tượng tương tự xuất
hiện thật nhiều trong thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, hầu như bài thơ nào, khổ thơ
nào cũng có. Biểu tượng không xuất
hiện một cách ngẫu nhiên, tùy tiện. Chúng được nhà thơ khám phá chứ không phải
sáng tạo từ vô thể. Thế rồi, cấu trúc biểu tượng được tạo dựng bằng cách
phóng chiếu cảm xúc nội tại ra thế giới ngoại tại. Các biểu tượng nhờ thế như
có linh hồn và đấy chính là bùa phép của nhà thơ, bởi nhà thơ – chỉ nhà thơ
thôi – là kẻ có quyền năng “đi vào linh hồn của sự vật.”
Những nhà thơ theo truyền
thống Tân-Plato như Baudelaire hay Poe xem thi ca là cái gì vượt qua thế giới
hữu hình và có khả năng thấu hiểu được chính chân lí thánh hóa. Kết quả có thể
khiến kẻ chưa khai tâm rơi vào cõi sa mù, hỗn mang, nhưng qua biểu tượng, nhà
thơ khai thác được cái mà ngày nay chúng ta gọi là nguyên mẫu, và nhấn mạnh
tính ẩn dụ của ngôn ngữ. Về điểm này, thi ca Việt có lẽ đã nắm bắt được nguyên lí ấy từ buổi rạng đông,
cách đây cả nghìn năm. Đọc lại hai câu thơ ngắn sau của Thiền sư Huệ Sinh thời
Lý, “Tịch tịch Lăng già nguyệt – Không
không độ hải chu”, chúng ta thấy sự vật hữu quan được nhà thơ sử dụng một
cách tài tình để miêu tả cái trừu tượng. Những biểu tượng như “vầng trăng,”
“Lăng già,” “con thuyền,” những sự vật hữu hình, đã được khoác chiếc áo ẩn dụ
để bật mở những khái niệm trừu tượng ở tầng cao hơn như chân như, bản thể, thực
tại, đại hồn, đại ngã… Thi ca Lý-Trần, đặc trưng của Thiền tông Việt Nam, đa
phần đều dĩ tâm truyền tâm như thế cả, tức là nó có khả năng chắp đôi cánh
thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế giới hữu hình, không bị giới hạn bởi
không-thời-gian, mà, bằng biểu tượng và trực quan, phóng chiếu thực tại lên
siêu-thực-tại.
Biện biệt dài dòng như
vậy, chẳng qua chỉ để nhích đến một suy nghĩ chủ quan: Tuy câu chữ của Nguyễn
Thị Khánh Minh không chứa đựng nhiều ẩn dụ, nhưng mỗi khổ thơ trong thơ chị,
thậm chí mỗi bài thơ, qua ngôn ngữ, là một ẩn dụ lớn.
Nguyễn Thị Khánh Minh
không nệ chữ mặc dù thi thoảng chúng ta bất chợt bắt gặp những biện pháp tu từ như
bả mây dập dồn, hạt lệ dai, cái nhìn đầu
tiên của loài cuội, nắng ngọt vai.
Và nhiều nữa, trong suốt tập. Theo tôi thì chủ ý chính của nhà thơ chỉ giản dị
là tiếp lực khả năng biểu cảm của ngôn từ hầu có thể biểu hiện những cảm xúc,
cảm quan, cảm thức vốn nằm ngoài đường biên của ý thức hằng ngày. Nguyễn Thị
Khánh Minh cũng không sử dụng biện pháp juxtaposition
một cách tới hạn, có nghĩa là chị không đặt liền kề những thi ảnh tréo ngoe,
tương phản, chẳng ăn nhập gì với nhau để bật mở một hiệu ứng bất ngờ nào đó
giữa những con chữ, như nhiều nhà thơ khác ưa chuộng (Thường Quán chẳng hạn). Sự
thật, Nguyễn Thị Khánh Minh rất cẩn trọng với câu chữ. Các từ nằm bên nhau
tưởng như tình cờ nhưng đọc kĩ mới thấy dụng tâm của nhà thơ. Nghệ thuật phối
từ đạt tới mức độ chín muồi, điêu luyện. Kho từ vựng của chị cũng là rất phong
phú. Nhờ đó người đọc có cảm tưởng chị làm thơ như lấy đồ trong túi (nhưng thật
ra không phải thế đâu, lao tâm khổ tứ lắm!) Thơ của chị là khúc nhạc với những
mô-típ liên ý nghĩa, được viết với nhịp tiết Allegro con moto. Luôn luôn chuyển
động. Câu chữ dồn dập. Ý tưởng cuồn cuộn. (Tôi đang nghĩ đến một khúc nhạc của Mozart.)
Và chính bởi thế, chúng ta tuyệt đối không nên đọc thơ chị với tốc độ đọc một
bản tin “xe cán chó,” một điều chúng ta thường xuyên phạm phải trong cuộc sống
hôm nay.
4.
Nếu bị ai hỏi trong tuyển
thơ Tản văn thi của Nguyễn Thị Khánh
Minh, tôi thích bài thơ nào nhất thì có lẽ tôi sẽ lúng túng không biết trả lời
sao. Chẳng lẽ trả lời ba phải là bài nào cũng thích? Vâng, sự thật là gần như
bài nào cũng thích, nhưng thú thật cùng bạn, thích nhất với tôi có lẽ là bài Buổi sáng cùng chim nhại.
Sự hiện hữu của một con
chim biết nói và nhất là khí hậu ma mị của bài thơ làm tôi liên tưởng đến bài Con quạ (The Raven) của thi hào Edgar Allan Poe.
Con quạ là
một khúc thơ tự sự của Poe, ngôn từ cực kì cách điệu, xuất hiện lần đầu năm
1845, thuật chuyện người đàn ông thương nhớ vợ (hay người yêu) tên Lenore mới
qua đời. Một đêm nọ, trong lúc chàng đang vật vã than thở thì một con quạ đen bay
qua cửa sổ vào phòng và đậu trên đầu pho tượng nữ thần Pallas. Con quạ không
chịu bay đi và trong cơn đồng thiếp chàng nhấc ghế lại nói chuyện với con quạ.
Chàng than thở về nỗi buồn của chàng và hỏi nó đủ thứ chuyện nhưng nó chỉ trả
lời một câu cộc lốc “Nevermore” như
một điệp âm ma quái, ghê rợn tại cuối mỗi khổ thơ. Cuộc nói chuyện kéo dài và
chàng đi từ trạng thái buồn rầu, phiền não đến chỗ thác loạn thần kinh rồi ngã
sóng sượt dưới sàn nhà.
Bài thơ Con quạ
của Poe bắt đầu bằng tiếng gõ cộp cộp lên cánh cửa phòng người đàn ông đang nhớ
thương người yêu, bài Buổi sáng cùng chim nhại của Nguyễn Thị Khánh Minh cũng bắt đầu bằng tiếng gõ
cộp cộp của con chim nhại lên mặt kính của sổ:
Con chim cổ trắng. Đậu trên cành cây gai. Bên ngoài cửa sổ. Gió cào
trên mặt gương. Tôi gõ vào cửa kính. Nó đáp lời, cộp cộp, xòe đuôi lên: Sao gọi
tôi là chim, sao gọi tôi là chim. Hỡi người đang ngồi trong hộp kính? Tiếng cộp
cộp vỡ tung những mảnh sáng.
Sự tương tự
chấm dứt nơi đó. Với Con quạ, người
ta không hề thấy một tia dấu vết hi vọng nào, sự tuyệt vọng hình như càng lúc
càng tăng, trái ngược với bài thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh, nỗi niềm cô độc
như được vỗ về bằng đường bay muôn dạng của con chim nhại để nhận thấy rằng tia
sáng hi vọng vẫn còn. Một ẩn dụ hiếm hoi tìm thấy trong bài thơ, đó là “hộp kính.” Hiển nhiên, nó mang chức năng
biểu hiện sự mất tự do, nhưng đừng hiểu đấy là một nhà tù giam hãm thân xác.
Phải đọc tiếp câu chữ bài thơ, chúng ta mới nhận ra sự mất tự do là do chính
chúng ta đã không dám thốt lời yêu thương, không dám để yêu thương làm kim chỉ
nam đưa đường chỉ lối mà cứ để ngôn từ ma muội dẫn dắt vào mê lộ:
Trong cái mỏ của loài tự do những cọng rơm ngôn từ cựa
quậy. Nó làm tôi ngứa miệng. Tôi nhớ chiếc hộp kính nơi tôi hít thở mỗi ngày.
Tôi nhớ câu tôi thường nghe. Tôi nhớ câu tôi thường nói.
Xanh mở mắt trời. Gió bung hết những cánh cửa keo kiệt
của thời gian. Chạm vào đường biên mơ hồ của vô tận. Tiếng đập mê man thiên
đường tôi đôi cánh. Chế giễu một loài hai chân cực kỳ ngây thơ, cái gì cũng
đặt tên cái gì cũng giải nghĩa cái gì cũng dùng lời.
Chỉ khi nào
học được bài học của con chim nhại, nhìn ra đường bay tự do của nó, thấu hiểu
lẽ thường hằng của cuộc nhân sinh, tính vô thường của sự vật, yêu cái đẹp nhỏ
nhoi của đất trời, cảm tạ ân nghĩa được sống bình thường, ở một nơi có “chiếc ghế tình yêu,” “nơi tôi sẽ được nói, mỗi ngày, yêu anh,”
“nơi tôi sẽ được nghe, mỗi ngày, yêu em,”
“với nắng ngọt vai của mặt trời sắp lặn,”
thì lúc đó ta mới thật sự thoát ra khỏi cái “hộp kính” ghê rợn kia mà hòa nhập vào cuộc sống phương hoa muôn sắc
mầu này. Bởi chân lí không ở đâu xa mà nằm trong chính mỗi chúng ta.
Hình như suốt
tuyển thơ, nhà thơ chỉ muốn nói có thế.
TRỊNH Y THƯ
No comments:
Post a Comment