Tô
Đăng Khoa
Tản Văn Thi là tác phẩm thứ mười
một của Nguyễn Thị Khánh Minh phát hành năm 2018. Sau những thi tập và hai tản
văn Bóng Bay Gió Ơi và Lang Thang Nghìn Dặm thì đây là tập Tản Văn
Thi. Trước đây, chúng ta thường được biết đến Nguyễn Thị Khánh Minh như là một
Khánh Minh-Thi Sĩ. Nhưng ngay bài tản văn đầu tiên ra mắt độc giả, tức là bài Theo Cảm Xúc Mà Đi… in trong tập Bóng
Bay Gió Ơi, bài mà sau khi đọc xong, nhà văn Phan Tấn Hải không khỏi kinh ngạc
và gọi đó là “một tản văn dị thường” như trong lời bạt cuối sách.
Tôi
thú thật cũng có cùng một cảm nhận như của anh Phan Tấn Hải đối với các tản văn
của Nguyễn Thị Khánh Minh. Theo chỗ tôi hiểu một cách cụ thể, sự “dị thường” đó
có lẽ chính là tác dụng của các tản văn Nguyễn Thị Khánh Minh lên tâm thức của
người đọc.
Tác
dụng “dị thường” trong Tản Văn Thi của Nguyễn Thị Khánh Minh, theo tôi, có lẽ
trước hết nhờ vào thái độ vô cùng cẩn trọng trong cách chọn chữ rất chuẩn xác để
lột tả những nét riêng và chung của những cảm xúc phổ quát, thuần khiết, trong
các mối liên hệ linh thiêng huyền nhiệm giữa người-với-người và người-với-thiên-nhiên.
Nhờ thái độ cân nhắc, cẩn trọng, không vội vã này, mà các tản văn thi được Nguyễn
Thị Khánh Minh viết ra đều đẹp, thi vị, thâm trầm, nhẹ nhàng, và là sự hòa nhiệm
hôn phối tuyệt hảo giữa Văn và Thi.
Nhưng
ở tầng sâu hơn, sự phối hợp tài tình của những con chữ trong tản văn thi Nguyễn
Thị Khánh Minh đã thành tựu một sự kiện “dị thường”: Nó trở thành con thuyền
huyền thoại cổ tích, đưa độc giả đến xứ sở của những giấc mơ (rất riêng tư) và
tác động thẳng đến tầng sâu vô thức của người đọc. Tại đó, ngôn ngữ ánh sáng gợi
lại những giấc mơ xưa trong lòng ta, những thứ mà tưởng chừng đã vĩnh viễn bị
chôn vùi trong những bôi xóa của một thời bá đạo gian ác lộng hành.
Khoảnh
Khắc Giấc Mơ, thực và mộng đan lẫn vào nhau. Nét đẹp huyền thoại, con thuyền cổ
tích khi vượt qua ranh giới của mộng và thực đã gột rửa tất cả các định danh,
dán nhãn, tên gọi của thói đời quy ước. Khi qua biên giới của giấc mơ, người ta
không còn có cả một khuôn mặt, hay một tên gọi. Trong “xứ sở của giấc mơ”, chưa
từng có ai nhìn rõ mặt mũi của chính mình bao giờ.
Nếu
tâm thức có một sự chuẩn bị trước, độc giả có thể sẽ được ngôn ngữ ánh sáng của
Nguyễn Thị Khánh Minh dẫn đến gặp nhà thơ Mặt Trời.
Tất
cả bình đẳng trong ánh sáng chói lòa của nhà thơ Mặt Trời. Mọi thứ được phơi
bày, bộc lộ, chói sáng, không giấu giếm:
Lồng lộng nắng phương
Đông, chắt chiu hết tinh khôi nhân ái rắc xuống cánh đồng thơ diễm ảo.
Ánh
sáng tinh khôi nhân ái đó có khả năng “dị thường của nó”: cô lập, vô hiệu hóa
cái Ác, làm cho tái sinh mầm hy vọng. Khoảnh Khắc Giấc Mơ đó (dù ngắn) cũng vừa
đủ để vô hiệu hóa sự tàn phá khôn kham của những đêm hoang vu trên mặt đất.
Nói
cách khác, những tản văn thi dị thường này có khả năng nuôi dưỡng niềm tin yêu,
nó giúp ta trải nghiệm trở lại tất cả các “cảm xúc phổ quát” của những mối liên
kết huyền nhiệm giữa một người-với-người và người-với-thiên-nhiên. Sự tình này
xảy chỉ trong một khoảnh khắc rất huyền nhiệm, Khoảnh Khắc Giấc Mơ, bài mở đầu
của tập Tản Văn Thi. Xin hãy cẩn trọng, đọc cho thật chậm rãi, ta có gì đâu phải
vội.
Tiếng chim ríu rít
mách tôi sự trong trẻo ban mai trao lòng tin cậy. Bóng đêm mở nỗi sợ cho tôi
tìm ra ánh sáng bờ vai nương tựa. Những vì sao tặng tôi cách nhìn ngây thơ trong
sáng. Gió cho tôi đôi cánh và đường bay mơ ước con người. Bóng mây tan nhắc tôi
mỗi phút giây ở lại bên mình yêu dấu. Tiếng cười bé thơ cho tôi nghe reo vui lời
tâm kinh bát nhã.
Nơi kia nhà tôi. Mỗi
ban mai thấy mặt trời lên. Nơi kia tình yêu tôi. Không ngừng khoảnh khắc phút
giây hiện hữu. Nơi vòng tay tôi vẫn ấm lòng nhân gian bầu bạn cho dẫu từng nhịp
quay thế giới đang chìm dần trong tối. Và may thay nước mắt còn rơi từng hạt
sông chở niềm đau về biển.
Đó là bức tranh sắc mầu
cuộc sống. Nên tôi quý những điều tôi đã nhận. Nên tôi tận lòng với những điều
đang ở. Và tôi đem những điều không thể, phó thác vào chiêm bao. Mơ mộng. Mở
con đường trú ngụ hơi thở tịch lặng nơi tôi được tỏa hết mình bằng ánh sáng của
lời, dù chỉ một lần…
Trong sáng láng ấy
tôi đã gặp nhà thơ Mặt Trời. Lồng lộng nắng phương đông, chắt chiu hết tinh
khôi nhân ái rắc xuống cánh đồng thơ diễm ảo. Tôi thức giấc từ lời hát của một
bông cỏ dại người ban tặng và mảnh vỡ trái tim tôi thành những hạt pha lê được
nuôi sáng bằng lời thơ dâng hiến.
Tôi biết. Tôi sẽ được
cất tiếng. Trong mùa thơ quyến dụ ấy với ngôn ngữ tình nhân. Ngôn ngữ tôi nghe
một lần trong xứ sở chiêm bao. Khoảnh khắc giấc mơ tôi thực sống…
Trong
mùa thơ quyến dụ ấy với ngôn ngữ tình nhân, chúng ta có nghe ra được chăng? Ta
có nhìn thấy “Ánh sáng của Ngôn ngữ một lần trong xứ sở chiêm bao”? “Xứ sở
chiêm bao” đó ở đâu? làm sao vô được?
Nếu
muốn vào “xứ sở chiêm bao”, chúng ta hãy thong thả đọc lại bản chỉ đường của
thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh:
1. Biết chấp nhận “bức tranh sắc màu của cuộc
sống”: hãy học cách trao lòng tin cậy, hãy giữ cái nhìn ngây thơ trong sáng.
2. Biết quý những điều đã nhận, tận lòng với
những điều đang ở và đem những điều không thể phó thác vào chiêm bao.
3. Biết mơ mộng, biết trú ngụ hơi thở tịch
lặng tâm hồn.
Đó
chính là chiếc vé thông hành cho con thuyền cổ tích đi đến xứ sở của những giấc
mơ, thiếu nó, chúng ta không thể nào mở ra con đường để mơ lại giấc mơ xưa cổ
tích.
Mơ mộng. Mở con đường
trú ngụ hơi thở tịch lặng nơi tôi được tỏa hết mình bằng ánh sáng của lời, dù
chỉ một lần…
Vâng
chính ánh sáng của lời (dù chỉ một lần) cũng đủ để chỉ con đường cho chúng ta
đi vào “xứ sở chiêm bao”. Thành quả của các “tản văn thi dị thường” như trên chính
là sự xác lập, và sự gìn giữ và dẫn tới một khoảng không gian bất khả xâm phạm
ngay trong tự thân của mỗi chúng ta, một “xứ sở chiêm bao”.
Đó
là đồn lũy cuối cùng của Chí Thiện trước vòng phong tỏa của muôn trùng cái Ác.
Sự “dị thường” của việc nhận ra “xứ sở chiêm bao” này là: cái Ác không còn khả
năng làm ta nao lòng nữa. Sau khi đọc xong tản văn thi của Nguyễn Thị Khánh
Minh, niềm tin nơi cái Chí Thiện của chúng ta được xác lập.
Vì
thế, tuy hình thức của bút pháp là tản văn thi, hiểu theo ý nghĩa phân kỳ, lang
bạt, nhưng nội dung của các “tản văn thi dị thường” này của Nguyễn Thị Khánh
Minh lại mang ý nghĩa của hội tụ. Đó là “sự hội tụ” của một “xứ sở chiêm bao”
không phân biệt sắc tộc, biên giới, giới tính, hay tôn giáo, và thậm chí không
cả một khuôn mặt!
“Sự
hội tụ” này được thành tựu nhờ một sự chuẩn bị trước: biết chấp nhận bức tranh
sắc màu của cuộc sống, biết trao niềm tin cậy, biết gìn giữ và chọn lựa cách
nhìn ngây thơ trong sáng, biết quý những điều đã nhận, biết tận lòng với điều
đang ở, và đem điều không thể phó thác vào chiêm bao, biết mơ mộng và quan trọng
hơn hết: biết trú ngụ hơi thở tịch lặng tâm hồn.
Một
tản văn thi nhưng lại có tác dụng hội tụ rất thần diệu như thế thì thật đáng để
được gọi là “một tản văn thi dị thường”. Một cách nào đó, với ngôn ngữ tuyệt mỹ
và chuẩn xác của mình, Nguyễn Thị Khánh Minh đã làm Tản Văn Thi tỏa sáng con đường
đi vào “xứ sở chiêm bao” cho cả chính mình và độc giả: con đường huyền thoại cổ
tích của “xứ sở chiêm bao” với tất cả “quyến dụ của ngôn ngữ tình nhân”.
Ánh
sáng ngôn ngữ soi đường của các tản văn thi Nguyễn Thị Khánh Minh cũng còn được
thấy trong bài Bầy Lá Non Thở Dài Trong
Đêm, một tản văn thi mà tôi rất thích:
Đêm im, bầy lá non
không hát nữa hồn nhiên, nghe trong cây tiếng thở dài khe khẽ, nghe không gian
từng sợi nhỏ rung rung, và tôi nữa, một cành khuya đợi gió về thắp sáng.
Tôi
có cảm tưởng là người ra vào “xứ sở giấc mơ” một cách không khó khăn, Nguyễn Thị
Khánh Minh đêm nào cũng dong buồm về an trú trong “xứ sở giấc mơ” của chính
mình. Nơi đó, tác giả hóa thân thành một “cành khuya đợi gió về thắp sáng”, nơi
đó thấm đậm tình nhân ái, ánh sáng chói lòa, Nguyễn Thị Khánh Minh thương lắm,
nửa bên kia của thói đời như mộng mà cứ tưởng là thật:
Muốn gửi về phía đêm
hương hoa chớm mùa say đắm, ngõ chiêm bao rộ sắc thời gian. Muốn gửi về phía
ngày hương khuya sâu mộng mị cho mai về nắng sống lại tươi mươi.
Ôi, làm sao nói cho
thấu cái con người cơ khí, đã quá quen thuộc với cái trò “cò kè bớt một thêm
hai” đó hiểu thấu được thế nào là “ngõ chiêm bao rộ sắc thời gian”.
Phía
bên thói đời đó chỉ có im lặng, họ không biết mơ, họ rất sợ chuyện phải mất đi
khuôn mặt:
Im lặng ơi, có phải
không muốn nghe lời xôn xao của gió?
Cái
Ác tràn lan, tràn cả vào miếu đền, tràn cả vào nghệ thuật:
Người nghệ sĩ đã
không đàn thêm nữa, giọt âm thanh đọng lại bên thềm, thành bầy sương khóc thầm
trong tối, xin đêm là đôi cánh chở tiếng nhạc về trong mỗi giấc mơ…
Trong
bóng đêm nữ sĩ Khánh Minh từ “xứ sở giấc mơ” hằng đêm nguyện cầu kiên trung chờ
đợi một ngày ánh sáng Chí Thiện sẽ xóa tan cái Ác ảm đạm này.
Bài
Bầy Lá Non Thở Dài Trong Đêm này được tác giả viết vào tháng 3 năm 1978. Đêm
nay nữa là tròn 40 năm nguyện cầu:
Tôi vẫn chờ, thời
gian giú mầu xanh trong tóc sẽ ngày mai chín nắng sum vầy sẽ tóc bay gọi bàn
tay về nói nhỏ.
Tôi vẫn chờ dù lời hẹn
có dài hơn năm tháng tôi vẫn chờ dẫu đêm nay đêm nhủ lòng trăng tận…
Trong tiếng thở dài
hút khuya trong tiếng reo mầm nắng non đang nhú.
Tôi vẫn chờ, chắc sẽ
không lâu…
Là
một độc giả hậu bối, tôi thật sự xúc động trước những lời mộc mạc đơn sơ, nhưng
thấm đậm tình nhân ái và chân thật của tản văn thi này. Bốn mươi năm, một nỗi
chờ đợi thật kiên nhẫn và bao la!
Đọc
những tản văn thi trên tôi chợt có một ý nghĩ: ước gì các tản văn Nguyễn Thị
Khánh Minh được đưa vào các bài tập đọc vỡ lòng của các em học sinh. Cũng như
tôi đã từng học thuộc lòng bài tập đọc Tôi Đi Học của Thanh Tịnh. Tôi ước ao
các em học sinh của các thế hệ mai sau sẽ biết đường vào “xứ sở chiêm bao” được
Nguyễn Thị Khánh Minh tái hiện trong những “tản văn thi dị thường” mộc mạc
nhưng thấm đậm tình nhân ái này.
Tôi
cam đoan chắc chắn rằng những tản văn, tản văn thi, của Nguyễn Thị Khánh Minh nếu
được dịch sang các thứ tiếng khác, thì tác dụng “dị thường” này vẫn không hề
thuyên giảm hay mai một. Vì nó là cảm xúc chung mà con người ai ai cũng có. Ai
sống trên đời này mà không có một quê hương? Không có một người cha, người mẹ,
bạn bè, người thân để thấu hiểu tác dụng của tình nhân ái?
Giữa
thời đại cái Ác đang lộng hành, lòng nhân ái căn bản chỉ còn tìm thấy trong các
câu chuyện cổ tích, thì có lẽ nơi “xứ sở chiêm bao”, căn nhà của Chí Thiện đang
ngự trị, phải chăng là “cái-quý-giá-nhất” trên thế gian này? Nó quý giá đến nỗi
Bùi Giáng phải lặn lội trong sanh tử luân hồi từ ngàn xưa trở lại chỉ để trao tận
tay cho chúng ta, phó thác cho chúng ta cùng nhau gìn giữ nó? Như là gìn giữ một
“bảo bối” giữa sức tàn phá khôn kham của hư vô:
Đời xiêu đổ từ ngàn
xưa anh trở lại
Giữa hư vô, em giữ
nhé chừng này.
(Bùi
Giáng)
“Chừng
này” đó chính là “xứ sở chiêm bao”, vùng đất cấm bất khả xâm phạm đối với cái
Ác. Vì nó, thật là xứng đáng cho chúng ta chờ đợi nuôi dưỡng thương yêu cả một
đời. Tôi tự nghĩ, đối với Khánh Minh, người đã hiểu thấu được thế nào là “ngõ chiêm bao rộ sắc thời gian”, thì thời
gian 40 năm cũng chỉ là một giấc mơ khác.
Để
có thể chờ đợi và gửi niềm tin yêu vào Chí Thiện trong suốt 40 năm giữa sự lộng
hành của cái Ác, đòi hỏi một thái độ kiên nhẫn, không vội vàng, để sống trọn vẹn
trong “phút mong manh giữa những từ” để chọn ra “đôi ba hạt lúa chín” như là những
từ ngữ “hột chắc” thật chuẩn xác và có độ phổ quát cao để tỏa sáng một lần với
lời của tình nhân:
…Sau vụ mùa
Tôi chỉ đem về nhà được
đôi ba hạt lúa chín
Chút màu vàng của nó
lấp lánh trên tay
Làm tôi đã vô cùng
sung sướng…
Bài thơ hoàn tất, dù
là một điểm hẹn quyến rũ,
Nhưng phút mong manh
giữa những từ
Lại là lúc đóa hoa
đang nở. Đang tỏa hương.
Tôi có gì đâu phải vội.
(Phút
Mong Manh Giữa Những Từ – Ký Ức Của Bóng)
Chính
vì không vội vàng, không bị quyến rũ bởi sự hoàn tất một tác phẩm, mà lời của
Nguyễn Thị Khánh Minh lúc nào cũng như một “đoá hoa đang nở. Đang tỏa hương”.
Hương vị Thi Ca và các cảm xúc được chuyên chở bằng ngôn ngữ Nguyễn Thị Khánh
Minh trở thành các “cảm xúc đang là” trong lòng người đọc ngay trong phút này
đây.
Nói
tóm lại, tính cẩn trọng, không vội vã để thẩm sát cho đến khi nào chạm đến cái
nhìn thấu suốt các cảm xúc vi tế của tự thân và thái độ bình thản, kiên nhẫn,
khiêm cung đối với cách chọn ngôn ngữ diễn đạt trọn vẹn nội dung các cảm xúc đó
chính là yếu tố thành công của tác dụng “dị thường” trong ngôn ngữ ánh sáng
Nguyễn Thị Khánh Minh. Điều này được độc giả tự cảm nhận trực tiếp trên các tác
phẩm của Nguyễn Thị Khánh Minh.
Để
kết thúc bài viết này, xin trân trọng kính mời quý độc giả cùng chậm rãi đọc tản
văn thi Chiêm Bao Ánh Sáng. Bài này được viết sau bài Bầy Lá Non Thở Dài Trong
Đêm 40 năm. Cảm ơn thi sĩ về Ánh sáng Ngôn ngữ một lần trong “xứ sở chiêm bao”,
qua đó con đường cổ tích đi đến xứ chiêm bao ấy được khơi mở ra cho những ai có
tâm và có sự chuẩn bị trước để bước vào.
Bàn tay mộng vươn dài
tôi không tới. Đường quanh co gặp nhau rồi lạ hoắc tuổi tên hỏi một câu nhập
nhòa đi đến. Tôi lạ tôi quen thôi một lần tay bắt dẫu một thoáng phù du tan vào
chiêm bao ánh sáng.
Hạt sương ngày nọ bờ
cỏ bên nhau nhìn trăng đi mấy cõi thiết tha. Hạt nắng ngày mai mang hương thơm
mặt trời chói lóa, ngày nghiêng vai rớt lá dặm dài. Lá thì thầm bốn mùa trao
nhau biến hóa tử sinh. Như mơ. Một lần tôi ở lại.
Lời chào buổi sáng
bung thêm ngày mới. Lời chúc bình an nhấn nút xanh chiều. Một món ăn vừa chín
trên bếp ấm. Chữ cuối cùng một bài thơ vừa hoàn tất. Lời chúc ngủ ngon lộng lẫy
giấc mơ dong buồm đi tới. Là lúc tôi biết mình đang ở trong giấc mộng rất đẹp của
Hôm Nay.
Này người. Tôi đang
du dương giấc mộng. Rồi một lúc nào đó thuận chiều sóng vỗ sóng tan, cơn mộng sẽ
ngọt ngào vào biển rộng…
Bây
giờ tôi mới hiểu vì sao câu trích của Hans Sachs, được Nguyễn Thị Khánh Minh chọn
để mở đầu tập tản văn thi này: Tất cả cảm hứng thi ca đều chỉ là giải mã những
giấc mơ (All poetic inspiration is but dream interpretation – Hans Sachs).
Xin
trân trọng giới thiệu với quý độc giả, Tản
Văn Thi Nguyễn Thị Khánh Minh, như là Ánh sáng Ngôn ngữ một lần trong Xứ Sở
Chiêm Bao.
TÔ
ĐĂNG KHOA
03.2018
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete