Friday, May 18, 2018

ĐẶNG MAI LAN. ‘NGƯỜI LẠ, NGƯỜI QUEN’


Trịnh Y Thư 


 Nhà văn Đặng Mai Lan & Tác phẩm

Sau hai tập truyện – Phòng 111 [Tạp chí Văn xuất bản, 2000] và Tập sống [Văn Mới xuất bản, 2009] – nhà văn Đặng Mai Lan gần như ngưng hẳn sáng tác mà chỉ thi thoảng xuất hiện trên văn đàn hải ngoại với một bài viết ngăn ngắn nào đó về thời sự, về một nhân vật trong văn giới hoặc một đề tài chị cảm thấy thích thú. Những bài viết ấy hôm nay tập hợp thành một tuyển văn mà chị đặt cho cái nhan đề tuy bình dị nhưng nhiều ý nghĩa: Người lạ, người quen. Chị nói về tác phẩm này của mình như sau:

Người lạ, người quen là những dấu ấn được nhìn lại từ những đoạn đời. Nhìn lại những thân tình, kỷ niệm với người quen, những rung cảm tác động từ cuộc đời của những người lạ. Là những bài viết về bạn, về người, có cả những người đã khuất…

Với chỉ đôi ba câu văn ngắn ngủi, chị tóm lược đầy đủ ý nghĩa và chủ đích của tác phẩm. Những điều chị viết, hiển nhiên, chúng ta phải xem như là cái gì rất thật và rất đáng được lưu tâm, bởi để gây ấn tượng đánh động, ăn sâu vào tâm tư người viết, những “dấu ấn” ấy chắc hẳn phải sâu đậm. Đó là những điều mắt thấy tai nghe, và giả như có điều gì “không vừa ý” thì người đọc chúng ta phải hiểu điều ấy phản ánh cái nhìn chủ quan của chị, nó phản ánh cảm xúc và cảm quan của một người cầm bút đối với sự vật hữu quan và con người.

Thế nhưng, sự thật là không hề có điều gì Đặng Mai Lan viết trong tuyển văn này mà lại “không vừa ý” bởi chị luôn luôn phóng chiếu cái nhìn sẻ chia đầy thân ái với sự vật và con người xung quanh. Hiển hiện trong từng bài viết là những cảm xúc phổ quát giữa người-với-người, dù là người quen hay người lạ. Cảm xúc ấy hiển lộ khi chị nhớ về cái chết oan mạng và oan khốc của người cha trong bài Chuyến tàu cuối năm. Nó cũng hiển lộ như một nỗi niềm cảm thông chua xót đối với những người Việt lang thang vô định đi tìm đất sống ở những miền đất xa lạ trong bài Xuân ở trong rừng. Một người quen, cha mình, và một người lạ, cô gái nouveaux boat people tên Xuân, cả hai đều có chung một số phận hẩm hiu, đau đớn, và cả hai đều chiếm chỗ đứng như nhau trong tâm tư người viết như một lịch sử bi thảm của dân tộc, một bi kịch không lối thoát của kiếp người. Đặng Mai Lan khi viết, không phê phán. Chị chỉ đưa ra sự kiện để người đọc tự tìm cho mình một nhận định, một ý tưởng nào đó, tùy theo cách cảm thụ và suy ngẫm riêng tư, không nhất thiết phải giống người viết. Nhờ vào giọng văn điềm tĩnh, ấm áp, nhiều chất văn chương, lúc nào cũng như kể lể tâm tình, chị đã dễ dàng thuyết phục người đọc bước vào thế giới của chị để cùng chị chiêm nghiệm những mảng rời, nhưng thật ra liên kết chặt chẽ với nhau, của cuộc nhân sinh.

Đặng Mai Lan có vẻ “thoải mái” hơn khi viết về những bằng hữu văn nghệ của chị. Họa sĩ Lê Tài Điển, một cây cọ tài danh trong làng hội họa Việt Nam từ thập niên 60 ở miền Nam, được chị khắc họa bằng những câu chữ linh động, tinh tế thành một bức chân dung bằng lời thật đẹp (Chân dung của biển). Nhờ bài viết này, chúng ta có cái nhìn rõ nét, tinh tường hơn về một nhà nghệ sĩ từng đóng góp rất nhiều cho nền hội họa nước nhà. Những người bạn văn nghệ khác của chị cũng được chị chăm chút như vậy: Hoàng Thị Bích Ti trong Buổi sáng nghe kinh; Nguyễn Xuân Hoàng trong Nhớ anh, tôi đi tìm những trang sách; Phùng Nguyễn trong Người đi, không đợi mùa xuân; Du Tử Lê trong Nỗi buồn của lá; Nguyễn Thị Thanh Bình trong Ngọn gió Thanh Bình... Ai chị cũng dành cho những cảm tình đặc biệt.

Và đặc biệt nhất là Kiệt Tấn.

Nhà văn Kiệt Tấn được chị ưu ái dành cho hai bài viết: Ông điên Kiệt TấnLý trí của người điên. Kiệt Tấn là một trong những người viết xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hải ngoại suốt bao năm qua. Ông viết truyện lấy bối cảnh miệt vườn miền Nam thì ít ai viết hay hơn, và bên cạnh đó, những truyện ngắn hay truyện vừa thấm đẫm dục tính của ông cũng chẳng có mấy ai theo kịp. Khi nhắc đến Kiệt Tấn, người ta liên tưởng ngay đến thiên truyện vừa Em điên xõa tóc, một new classic trong kho tàng truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Người ta đồn ông điên, có thể ông điên thật vì có thời ông phải vào chữa trị trong bệnh viện tâm thần. Nhưng trong mắt Đặng Mai Lan thì ông là một người điên dễ thương. “Ông có điên thật không? Nhưng chắc tấm lòng nhân hậu của ông bao la mạnh mẽ lắm, nó biểu hiện ngay cả lúc ông bị khủng hoảng tinh thần.” Đặng Mai Lan viết về ông điên Kiệt Tấn như thế, và dù chưa gặp ông nhà văn này ngoài đời bao giờ mà chỉ gặp trên trang viết của ông, tôi tin điều chị nói về ông là đúng. Một người điên mà viết văn hay như ông thì nên điên lắm.

Người lạ, người quen là một tập sách viết về người, nhưng Đặng Mai Lan không miêu tả nhân vật của chị một cách máy móc theo công thức dàn dựng sẵn (một việc làm phản văn chương); chị viết một câu chuyện phi hư cấu như sáng tác truyện, thậm chí có nơi còn có cả độc thoại nội tâm. Chính nhờ bút pháp và văn phong như thế, những câu chuyện chị kể không lâm vào tình trạng chán nhàm, xơ cứng. Thật ra, những bài như Chuyến tàu cuối năm, Rau muống chẻ, Nguyễn Ngô Cung Tưởng, con bé ngày xưa có thể gọi là truyện ngắn mà không gặp trở ngại nào. Tôi đặc biệt yêu thích “truyện” Rau muống chẻ. Truyện kể một người đàn bà từng “vang bóng một thời” dưới ánh đèn sân khấu, nhưng ở tuổi xế chiều thì lâm vào tâm trạng sầu muộn đến độ mất ngủ hằng đêm, và người đàn bà tìm cách trốn chạy tình trạng này bằng cách đêm đêm chẻ rau muống, hết bó này sang bó khác, cho đến khi nào nỗi buồn kia của mình tan loãng vào cái mệt. Kĩ thuật viết cùng khí hậu đẹp buồn đã khiến đoản thiên này của Đặng Mai Lan có sức lôi cuốn đáng kể.

Đặng Mai Lan cũng viết về những nhân vật mà trong cuộc sống của họ đã trở nên gần như huyền thoại: Sœur Sourire, Carla Bruni (phu nhân cựu Tổng thống Pháp Sarkozy), và cả cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thế nhưng, ở những bài viết này, tôi có cảm tưởng Đặng Mai Lan là người đứng bên này sông nhìn về tòa lâu đài tráng lệ xa xa bên kia sông, trong lòng đầy nỗi khích động nhưng không một mảy may thấy nó thuộc về mình, cảm giác của kẻ đứng ngoài lớp kính dày của cửa tiệm bán kim cương nhìn vào hộp kính sáng chói bên trong, trong lòng biết chẳng bao giờ mình được sờ mó viên kim cương.

Chân dung của cuộc sống là thiên hình vạn trạng. Mỗi con người chúng ta chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ bao la, cái nhìn của mỗi người cũng bị hạn chế rất nhiều, và chính bởi thế, với tuyển văn mỏng này, Đặng Mai Lan hiển nhiên không có tham vọng đào xới những tư duy siêu hình, những thành tựu to tát làm nên thế giới ngày hôm nay. Những điều ấy xem ra có vẻ xa lạ đối với chị. Chị chỉ giản dị chia sẻ với người đọc đôi ba kỉ niệm, vài giai thoại, vài mẩu chuyện, những việc, những người mà do một cơ duyên nào đó chị gặp gỡ, chứng kiến và đã để lại “dấu ấn” khó phai mờ trong tâm khảm chị. Nói như thế, tôi có ý muốn bảo: Chúng ta đọc Đặng Mai Lan chẳng phải vì sự quan hệ của những thông tin, những hình ảnh bàng bạc giữa những dòng chữ, mà vì chúng ta “nhìn thấy” tâm hồn chị. Chúng ta bồi hồi trước một bức tranh không phải vì đường nét, màu sắc, bố cục từ bức tranh đập vào đôi mắt chúng ta mà vì có cái gì đó truyền cảm xúc từ đôi mắt xuống trái tim. Cái gì đó chính là tâm hồn của họa sĩ tác giả bức tranh mà chúng ta “nhìn thấy.” Tương tự như thế, giá trị một tác phẩm văn học không nhất thiết nằm ở tầng chữ nghĩa, bởi chữ nghĩa chỉ là chiếc bè đưa người sang sông. Nó chỉ là phương tiện. Cứu cánh của văn chương nằm nơi tầng cảm xúc, và cảm xúc ấy chẳng từ đâu ra cả, nó chính là tâm hồn người viết.

Trong bài tựa tập truyện Phòng 111, cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng gọi văn chương của Đặng Mai Lan là “Một dòng ý thức trôi chảy miên man tràn ngập nữ tính cực kì lãng mạn.” Từ truyện ngắn sang tạp văn, dòng ý thức tràn ngập nữ tính ấy vẫn trôi chảy miên man, nhưng cái “cực kì lãng mạn” đã bớt đi nhiều, và thay vào đó là suy nghiệm chín muồi của một ngòi bút trưởng thành, già dặn, với cái nhìn đầy thân ái và nhân ái phủ lên những người xung quanh. Người lạ, người quen.

TRịNH Y THƯ
5/2018


No comments:

Post a Comment