Saturday, May 26, 2018

MỘT NĂM QUA. LƯ ĐÃ VỀ LẠI PHÁ TAM GIANG

nguyễnxuânthiệp

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư

Phá Tam Giang trong tranh vẽ

Phá Tam Giang phá Tam Giang!
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
PNL

Phạm Ngọc Lư ra đi như vậy là đã được một năm. Anh mất ngày 26 tháng 5. 2017 ở Đà Nẵng. Xác thân về nằm lại ở một làng chài bên Phá Tam Giang, Thừa Thiên-Huế là nơi Lư chào đời và lớn lên. Mong Lư còn nghe tiếng sóng vỗ bên trời để nhớ lại những ngày ấu thơ.

Phạm Ngọc Lư sinh 1946 tại Huế, tốt nghiệp ban Hán văn, đại học văn khoa Huế, dạy học tại Tuy Hòa. Làm thơ hay và nổi tiếng từ trước 1975. Bài thơ nhiều người biết nhất là “Biên cương hành” viết năm 1972, đăng đầu tiên trên Văn. Giọng thơ hào sảng, bi hùng rất được nhiều bạn đọc, thanh niên và lính tráng ưa thích… Sau 1975, Lư về ngụ cư Đà Nẵng. Anh vẫn làm nhiều bài thơ hay về thân phận, bè bạn, quê hương như “Đề thơ trước mộ Thanh Xuân”, “Quá giang tự vịnh”, “Ngập ngừng trông núi”…

Trên là theo ghi nhận của Đỗ Hồng Ngọc. Nguyễn cũng như các bạn viết lách khác rất quý mến tài năng và tấm lòng của Phạm Ngọc Lư đối với văn chương và đất nước. Cũng như Duyên, Nguyễn chưa một lần gặp mặt Phạm Ngọc Lư. Chị Huyền Chiêu và anh Khuất Đẩu đã có nhận xét trong lần hội ngộ đầu tiên với Phạm Ngọc Lư tại nhà Nguyễn Lệ Uyên ở Tuy Hòa.  “Lư có bề ngoài hiền lành nho nhã nhưng tính tình rất cương trực, ghét thói xu thời.”

Cung Tích Biền cũng nhận định: Phạm Ngọc Lư khá điềm tĩnh trong hành trình sáng tác của mình, tuy sâu trong tâm khảm, từ biển rộng tâm linh, Lư vẫn cháy bỏng với những khắc khoải, tư duy. Trong bao năm Lư không chạy theo những trào lưu, trường phái, những hào nhoáng ồn ào của thị hiếu. Không làm con thiêu thân để chết non, tàn mùa, theo những cám dỗ tức thời.
Thơ Lư hình thức là mẫu mực, cổ điển. Vì ta cứ đủng đỉnh cái ‘riêng mình’. Cái bình cổ sống rất lâu. Chính ở điểm này Lư thành công. Nói được rất nhiều trong biểu hiện điều ‘Muốn Nói’. Không cầu kỳ. Không đánh bóng ồn ào mặt ngoài bởi ngôn ngữ rỗng.”

Nhiều anh chị em khác đã tìm đến thăm Lư khi Lư nằm ở bệnh viện ung bướu Đà Nẵng. Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Quang Chơn, Lãm Thúy, Viêm Tịnh, Du Tử Lê,… Nhiều lắm, người viết ở xa không biết hết được. Đặc biệt có ca sĩ Thu Vàng chẳng những đến thăm Lư mà còn hát cho Lư nghe để an ủi và xoa dịu nỗi đau trong ông. Riêng NQChơn đến thăm tới mấy lần, vẽ chân dung Phạm Ngọc Lư ngoài ra còn mang đến cho Lư hình ảnh hoa ưu đàm với lời cầu nguyện Lư sớm bình phục. Duyên nữa, tuy không đến thăm được, cũng đã làm thơ cho Lư:
sáng nay, anh Chơn @ nhắc đến tên một loài hoa lạ
ngàn năm mới nở một lần
hoa Ưu Đàm, tên đẹp quá!
loài hoa trắng li ti như hoa tuyết
bỗng nở giữa nắng hè. bám chặt trên kính xe
suốt đoạn đường...
tin tưởng vào bao dung của Phật Trời
phó mặc cho
loài hoa dị kỳ
che chở. giữ gìn anh
bạn bè cùng cầu nguyện...

như hạt bụi nhỏ nhoi
anh về với đất trời.
"nằm chơi dưới một hàng cây
Lao xao lá, lá thơ ngây chuyện trò
nằm thanh thản một nấm mồ" *
mai đây. phủ kín dưới hoa ưu đàm...

Hôm nay, một ngày cuối tháng năm của năm 2018, bầu trời đầy mây biển, tưởng nhớ Phạm Ngọc Lư, Nguyễn xin đăng lại bài thơ viết ngày Lư từ giã bạn bè ra đi:

Lư đã về lại phá tam giang

Làm sao tôi im lặng
dù gió đã ngủ trong vòm cây. cánh bướm bay vào cõi không màu
làm sao tôi quên
lư. lư đã chết
đã về lại phá tam giang
quê xưa
cánh diều. mái tóc tuổi thơ
đi học qua chiếc cầu tre
mo cơm mẹ bới

về lại phá tam giang
buổi chiều gió biển thổi
rạt rào
trên mái rạ
vầng trăng mọc sớm
những tấm lưới. như hồn. giăng qua đêm
thuyền chài. sương
đường thi
những câu thơ. lửa ấm. trong ngôi nhà vương phủ
lư có về thăm võ ngọc trác. trần vàng sao
có thấy tôi đứng dưới cây bàng. nhìn những đám mây. bay qua mái ngói

chiều nay
ngồi đọc lại thơ lư
nghe sông hàn bạt gió
hải vân quan đá dựng
biên cương
cố lý
gió lào vẫn thổi
sao cay mắt
thơ ai
như chông xuyên thấu trời
người về lều cỏ
nghe tiếng sáo u u
vầng trăng treo trên ngọn sầu đông
cơm. với rau rừng. nước mắt
cô lái đò trên bến xưa. còn đợi
lư đã về lại phá tam giang
gởi lại vợ con, bạn bè. tấm áo. và những bài thơ
lư ơi
nằm trong cỏ rối
có nghe. thu vàng hát

NXT

No comments:

Post a Comment