Monday, January 15, 2018

TỪ ĐIỆN GIÓ BẠC LIÊU, TỚI HAI KHU NHÀ MÁY ĐIỆN THAN SÓC TRĂNG VÀ TRÀ VINH*


Ngô Thế Vinh


Bước phát triển bền vững nào thì cũng phải tính tới cái giá môi sinh / environmental costs 
phải trả đối với sức khỏe của người dân và cả trên nguồn tài nguyên lâu dài của đất nước. 
NGÔ THẾ VINH

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long 

 Hình 1: từ trái, KS Phạm Phan Long (Hội Sinh Thái Việt), TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu
Biến Đổi Khí Hậu ĐH Cần Thơ), Ngô Thế Vinh
trên đường dẫn ra biển đến khu Điện Gió / Windfarm Bạc Liêu.
[photo by Lê Phát Quới]


Hình 2: Cửu Long Chín Cửa Hai Dòng, nay chỉ còn Bảy Cửa:
Sông Hậu ba cửa nay còn hai: (1) cửa Trần Đề, (2) cửa Định An, (cửa Ba Thắc/ Bassac đã bị lấp).
Sông Tiền sáu cửa nay còn năm: (3) cửa Cung Hầu, (4) cửa Cổ Chiên, (5) cửa Hàm Luông, (cửa Ba Lai đã bị đắp đập làm cống từ năm 2000), (6) cửa Đại, (7) cửa Tiểu.
[nguồn: CLCD BĐDS p.360]. Tỉnh Bạc Liêu với Khu Điện Gió, Sóc Trăng với 3 nhà máy Điện Than Long Phú 4.400 MW và Trà Vinh với 4 nhà máy Điện Than Duyên hải 4.260 MW trong tổng số 14 nhà máy Điện Than trên khắp 12 tỉnh ĐBSCL. [nguồn: Dragon/ CTU, với phần ghi chú của Ngô Thế Vinh]

ĐỊA LÝ TỈNH BẠC LIÊU
    
      Bạc Liêu diện tích 2.526 km2, có 56 km bờ biển dân số 876.800 gồm các sắc tộc Việt, Hoa, Khmer. Người Hoa gốc Triều Châu khá đông nên có câu ca dao: “Bạc Liêu là xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.”
      Bạc Liêu có một số tụ điểm du lịch thu hút khách phương xa: nhà Công tử Bạc Liêu, một công trình kiến trúc thời Pháp xây từ 1919 nay là khách sạn vẫn lấy tên Công tử Bạc Liêu; tên tuổi nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bài Dạ cổ hoài lang đặt nền móng cho nền cổ nhạc Nam Bộ cũng gắn liền với vùng đất này. Rồi những ruộng muối trắng toát ở 2 huyện Hòa Bình và Đông Hải, Sân Chim Bạc Liêu với thảm rừng nguyên sinh ngập mặn, tới ngôi chùa Khmer Xiêm Cán được xây từ 1887 lớn nhất miền Tây, rồi là vườn nhãn trăm tuổi nổi tiếng là ngon nơi hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông,


Hình 3: trên trái: Nhà Công tử Bạc Liêu; trên phải: Chùa Xiêm Cán Bạc Liêu;
dưới trái: Sân chim Bạc Liêu; dưới phải: Ruộng muối Bạc Liêu [nguồn: internet]

ĐẾN VỚI KHU ĐIỆN GIÓ BẠC LIÊU
     
       Khu Điện Gió / Windfarm Bạc Liêu là nơi sản xuất điện, rất thân thiện và hấp dẫn du khách. Từ trung tâm thành phố Bạc Liêu, xe chạy thẳng đường Cao Văn Lầu, đến ngã tư giao với đường Đô Thị 31 thì rẽ trái đi đến ngã tư tiếp theo rẽ phải là đường ven biển dẫn đến khu điện gió.
       Có thể coi Bạc Liêu như là một trong số những tỉnh tiên phong có dự án dùng năng lượng gió sản xuất điện tại Việt Nam. Nhà máy điện gió Bạc Liêu hoàn toàn đặt trên biển thuộc khu vực ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu. Công trình xây dựng nhà máy trải qua 2 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: khởi công ngày 9.9.2010, tính đến tháng 10.2012, đã có 10 turbine điện gió được hoàn tất.
– Giai đoạn 2: hoàn tất 52 turbine điện gió còn lại, tổng cộng 62 turbine điện gió hoàn toàn đặt trên biển.
       Mỗi turbine điện gió có công suất 1,6 MW [megawatt], nếu toàn thể 62 turbine cùng hoạt động tổng công suất nhà máy điện gió Bạc Liêu lên tới 99,2 MW.
       Các chi tiết kỹ thuật về nhà máy điện gió Bạc Liêu khá đảm bảo: turbine do hãng GE / General Electric cung cấp, mỗi cột trụ gió nặng trên 200 tấn, cao 82,5 m, cột trụ có đường kính 4 m, gồm 3 cánh quạt dài 42 m.

Hình 4: Vé vào thăm Khu Điện Gió Bạc Liêu sản xuất nguồn năng lượng sạch,
còn được khai thác như một tụ điểm du lịch. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
 
       TS Lê Anh Tuấn phát biểu: “Nhà máy điện gió Bạc Liêu như một điển hình, chứng minh tiềm năng nguồn điện gió phong phú từ các vùng duyên hải Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được khai thác đúng mức. Các sinh viên vẫn được hướng dẫn tới đây để các em có được ý niệm rõ ràng thế nào là năng lượng xanh, năng lượng sạch và thân thiện, khác với năng lượng đen hay xám từ các nhà máy điện than gây ra môi trường ô nhiễm.”
       Một số anh trong đoàn cũng nói tới khả năng mở rộng khu điện gió ra khơi / offshore xa hơn, và cả khả năng kết hợp điện gió với pin mặt trời sẽ rất tiết kiệm vì đã có sẵn mạng lưới dẫn điện nên chỉ gắn các tấm pin làm mái che cho hệ thống sàn liên kết nối các trụ điện gió đã dựng sẵn.

Hình 5: Việt Nam là vùng nhiệt đới gió mùa với 2.200 km bờ biển, xứ sở đầy nắng và gió
là nguồn năng lượng tái tạo / NLTT là năng lượng sạch nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
[photo by Dương Văn Ni]

      Ngày 17.01.2016 nhà máy Điện gió Bạc Liêu được chính thức khánh thành. Dự án được khởi công từ ngày 09.09.2010, xây dựng trên một diện tích 1.300 hecta với các turbine được đặt trên biển trải dài từ phường Nhà Mát tới ranh giới Sóc Trăng. Dự án hoàn thành sau hơn 5 năm, đạt công suất 99,2 MW. Hiện nay là nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam.
      Bạc Liêu có dự án phát triển tiếp theo, sẽ xây dựng thêm 71 trụ turbine gió (loại 2 MW/trụ) với tổng công suất 142 MW dự trù hoàn tất trong 36 tháng, đưa thêm nguồn điện từ NLTT vào mạng lưới điện quốc gia.

Hình 6: TS Lê Anh Tuấn chuyên gia nghiên cứu Biến Đổi Khí Hậu / Climate Change ĐHCT,
đang thuyết trình về tiềm năng trên biển của khu Điện Gió Bạc Liêu.
Anh Tuấn có các hoạt động hỗ trợ cho tổ chức “Save the Mekong, Our River Feeds Millions”
có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan. [photo by Ngô Thế Vinh]
 
     Trước Bạc Liêu, tỉnh duyên hải Bình Thuận cũng đã có nhà máy điện gió tại huyện Tuy Phong, quy mô nhỏ hơn gồm 20 trụ turbine điện gió với công suất 30 MW. Bình Thuận còn có dự án Điện gió trên đảo Phú Quý với 3 trụ turbine công suất 6 MW. Về khai thác điện gió, Bình Thuận là tỉnh “đi trước về sau” so với tỉnh Bạc Liêu nơi ĐBSCL. Hiện có 5 nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động ở Việt Nam với tổng công suất 160 MW, tuy chậm và sơ khai nhưng nhiều hứa hẹn, sẽ cùng với điện năng mặt trời dần thay thế cho nguồn điện than gây ô nhiễm khủng khiếp.

GÂY LẠI RỪNG NGẬP MẶN CHỐNG SẠT LỞ
       Trên một mặt biển màu nước nâu đẫm phù sa, nhô lên những đọt cây xanh non, được vây quanh bởi những rào tre chắn sóng / wavebreaker để bảo vệ cho những cây non mới trồng. Th.S Nguyễn Hữu Thiện nói, đây là một dự án thử nghiệm của GIZ-Đức [GIZ / Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức] giúp Việt Nam gây lại rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển không bị sạt lở. Cũng cần thời gian từ 2-3 năm để các cây non đủ lớn bám rễ và có thể tự chắn sóng.

Hình 7: Th.S Nguyễn Hữu Thiện nói về dự án thử nghiệm của GIZ-Đức giúp Việt Nam
gây lại rừng ngập mặn, trồng những cây non bên trong rào tre chắn sóng.
Cũng phải thời gian từ 2 tới 3 năm, những cây non đó mới bám rễ tự đứng vững để chắn sóng.
[photo by Ngô Thế Vinh]

Hình 8: từ trái, TS Lê Phát Quới, BS Nguyễn Văn Hưng, TS Lê Anh Tuấn,
KS Phạm Phan Long, TS Dương Văn Ni, Ngô Thế Vinh, ThS Nguyễn Hữu Thiện,
cùng với hai người bạn Khmer bán cua biển. Khi Thiện hỏi cua đẻ ở đâu, họ hồn nhiên chỉ cho Thiện
chỗ đẻ trên mang bụng con cua cái. [photo by tài xế Sang]

ĐỊA LÝ TỈNH SÓC TRĂNG
       Sóc Trăng là tỉnh ven biển, diện tích 3.312 km2, có đường bờ biển dài 72 km; dân số 1,3 triệu. Là tỉnh đứng thứ 6 cả về diện tích và dân số trong ĐBSCL, phía tây bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía tây nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía đông bắc giáp tỉnh Trà Vinh, phía đông và đông nam giáp Biển Đông, phía hữu ngạn Sông Hậu, đổ ra Biển Đông qua hai cửa Định An và Trần Đề, là vùng nước lợ cũng là nơi có rất nhiều tôm cá. Tên gọi Sóc Trăng có nguồn từ tiếng Khmer, Srok là “xứ”, Kh’leang là “vựa”, nơi có đông đảo người Khmer, người Hoa và người Việt chung sống. Sóc Trăng cách Cần Thơ 62 km, cách Sài Gòn 230 km. [Hình 2]
       Đất đai của Sóc Trăng màu mỡ, thích hợp cho việc trồng lúa, mía, đậu nành, bắp, hành, tỏi và các loại cây trái như bưởi, xoài, sầu riêng… Hiện đất nông nghiệp chiếm 82%, đất lâm nghiệp có rừng chiếm 3,43%, đất nuôi trồng thủy sản chiếm 16,42%, đất làm muối chiếm 0,97%. Sóc Trăng còn có nguồn tài nguyên rừng ngập mặn với các loài cây như tràm, bần, giá, vẹt, đước và dừa nước.
       Sóc Trăng còn có con sông Nguyệt / sông Maspero chảy qua thị xã Sóc Trăng cùng với hệ thống kinh rạch với thủy triều lên xuống 2 lần trong ngày với mực triều dao động trung bình từ 0,4 m đến 1 m. Sông Nguyệt cũng là nơi diễn ra các cuộc đua Ghe Ngo, một thứ lễ hội truyền thống của người Khmer diễn ra vào tháng 11 hàng năm.


Hình 9: Lễ hội đua Ghe Ngo Ok Om Bok tưng bừng diễn ra trên Sông Nguyệt / Maspero
tỉnh Sóc Trăng vào rằm tháng 10 theo lịch người Khmer, [khoảng đầu tháng 11 hàng năm],
với các hoạt động như đua ghe Ngo, lễ hội Cúng Trăng.
Hình trên: Khai mạc Lễ hội đua Ghe Ngo Ok Om Bok 2017.
Hình dưới: Các đội Ghe Ngo tham dự cuộc đua trong năm nay.
[nguồn: STV Truyền hình Sóc Trăng]

BA NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN THAN LONG PHÚ SÓC TRĂNG
      Hiện có hai dự án nhà máy nhiệt điện ở Sóc Trăng có tên là Long Phú I và II (nằm ở xã Long Đức, huyện Long Phú) đang xây dựng, chưa vận hành, công suất của Long Phú I và II là 1.200 MW cho mỗi nhà máy. Riêng Long Phú III (chưa triển khai xây dựng) là 2.000 MW. Tổng công suất 3 nhà máy điện than chỉ riêng tỉnh Sóc Trăng lên tới 4.400 MW [lớn gấp 2 lần công suất nhà máy Thủy điện Hòa Bình, lớn hơn công suất con Đập Mẹ Xiaowan / Tiểu Loan chắn ngang dòng chính Sông Mekong, Vân Nam Trung Quốc]. Nhà máy nhiệt điện Long Phú I dự trù sẽ phát điện vào cuối năm 2018.
       Những hệ lụy với ba nhà máy nhiệt điện Long Phú Sóc Trăng trong tương lai cũng là hệ lụy của cụm nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đang hoạt động làm khốn đốn cư dân sống tại tỉnh Trà Vinh.

ĐỊA LÝ TỈNH TRÀ VINH
       Là một tỉnh duyên hải thuộc ĐBSCL, diện tích 2.341 km2, có 65 km bờ biển, dân số hơn 1 triệu gồm các sắc tộc Việt, Hoa, Chăm, Khmer, bao bọc bởi hai con Sông Tiền và Sông Hậu, với 2 cửa Cung Hầu và Định An; phía đông giáp Biển Đông, phía tây giáp Vĩnh Long, phía nam giáp Sóc Trăng, phía bắc giáp Bến Tre. [Hình 2]
       Nếu đến Trà Vinh như khách du lịch, không thể không tới thăm những những địa danh nổi tiếng và các di tích cổ kính của nền văn hóa Khmer Nam Bộ: bãi biển Ba Động có từ thời Pháp, Ao Bà Om rộng 100.000 m2 được coi là một trong những thắng cảnh đẹp nhất tỉnh Trà Vinh, rồi Chùa Hang, Chùa Âng, Chùa Vàm Rây, đều mang nét đặc thù kiến trúc hệ thống Chùa Khmer, cũng là những trung tâm văn hóa và giáo dục của người Khmer, rồi tới khu du lịch sinh thái Rừng Đước vẫn còn một số động vật hoang dã, rồi Cù lao Tân Quy nằm giữa Sông Hậu như một thiên đường cây trái đặc trưng của Đồng bằng Nam Bộ.


Hình 10: Hình trên, Chùa Hang với kiến trúc cổng chùa giống như cái hang
và khuôn viên chùa rất rộng là rừng tự nhiên với những cây cổ thụ nơi sinh sống
của nhiều loại chim muông. Hình dưới,
Cù lao Quy nằm giữa Sông Hậu như một thiên đường cây trái đặc trưng của Đồng bằng Nam Bộ.
[nguồn: internet]

    Cho dù biết đó là những nơi rất đáng thăm nhưng đoàn chúng tôi cũng phải bỏ qua, để dành thời gian tới được nơi cần tới. 

ĐIỆN THAN DUYÊN HẢI TRÀ VINH VÀ Ô NHIỄM NHÃN TIỀN
       Th.S Nguyễn Hữu Thiện thuật lại những sự cố khi các tổ nhiệt điện Trà Vinh bắt đi vào giai đoạn thử vận hành vào tháng 10 năm 2016:
      “Hồi mùa khô năm 2016, lúc chạy thử nghiệm nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, khói đen bay ra đáp xuống làm đen đồng muối ở Cồn Cù gây thiệt hại cho dân. Muối Cồn Cù nổi tiếng ở  ĐBSCL do trắng xốp mà độ mặn vừa phải. Thông thường muối Cồn Cù giá gấp đôi muối khác, nhưng năm đó bị khói đen nên bán chỉ được một nửa giá.  Các ao nuôi tôm sú trong vùng cũng bị ảnh hưởng.  Nhà máy đứng án ngữ phía biển nên các xóm phía bên trong bị nước tù đọng, hôi thối, ngập nhà dân. Có lần cả xóm bị sốt.”
       Th.S Nguyễn Hữu Thiện phân tích:
      “Các nhà máy nhiệt điện luôn luôn cần một lượng nước cực lớn để làm mát máy cho nên họ luôn đặt gần biển, gần sông. Nước nóng được xả vào môi trường nước sẽ làm cho nước biển, nước sông nóng lên, ảnh hưởng thủy sinh. Ngư dân địa phương phản ánh là lượng đánh bắt thủy sản vùng biển gần khu nhà máy sút giảm đáng kể.”
      Th.S Nguyễn Hữu Thiện tiếp:
     “Vùng biển rộng lớn hơn còn bị như vậy, nói chi khi xả nước nóng vào một đoạn sông. Ví dụ sau này các nhà máy nhiệt điện Long Phú và Sông Hậu xả nước nóng liên tục ra sông như vậy thì cá mắm nào mà còn được. Nước nó không đủ nóng để làm chết cá, nhưng tôm cá sẽ bị dội lại không thể vượt qua đoạn sông nóng được để di cư sinh sản. Như vậy cũng sẽ khó có bằng chứng khoa học nào vì đâu có thấy cá chết. Có thể gọi đây là những “đập nhiệt” (thermal dam) trên sông, tác hại đối với thủy sản có khi còn hơn các đập thủy điện nhưng sẽ khó thấy hơn.”
       Một con số khủng khiếp: hoạt động của một nhà máy nhiệt điện mỗi ngày sử dụng hơn 12.000 tấn than để lại một lượng chất thải khổng lồ với tro, xỉ than thải ra hơn 4.500 tấn. Với số lượng lớn như vậy, bãi thải bị quá tải và vẫn chưa biết giải quyết ra sao, tiếp tục gây ô nhiễm mặt bằng trên một quy mô rộng lớn.
       Theo báo cáo ĐTM [Đánh Giá Tác Động Môi Trường/ EIA/ Environmental Impact Assessment] trang 153, bãi xỉ chỉ đủ chứa 10 ngày hoạt động sau đó phải giải quyết hết bằng cách chuyển đi nơi khác, phương án dựa vào công nghệ khác sẽ mua và thu dụng không thể chấp nhận là giải pháp thỏa đáng mà còn đầy bất trắc.
       Cũng theo báo cáo ĐTM trang 95-96, thì tổng số nước thải từ nhà máy là 4,8 triệu m3/ngày, nóng hơn 7 độ C trong đó có 1,8 triệu m3/ngày là dạng acid có độ pH acid xuống đến 3 không xử lý, lượng được xử lý chỉ vỏn vẹn 2.500m3/ngày. Không hề đề cập số acid thải ra hàng ngày liên tục to lớn ấy sẽ hủy hoại môi sinh duyên hải và kinh tế ngư nghiệp ra sao.
      Còn phải kể tới khí thải và bụi nguy hại rất nhiều: bụi than mà mắt thường còn thấy được, khi nhuốm đen ruộng muối hay cánh đồng nuôi tôm, chúng mang hàm lượng nhỏ/ trace amount các chất độc như thủy ngân, chì, cadmium và cả arsenic sẽ xâm nhập vào môi trường đất, nước, rồi nhiễm vào thực vật, và cả động vật như nguồn thực phẩm tác hại trên dân cư. Nhưng tác nhân nguy hại nhất vẫn là khí thải lơ lửng cực mịn 2,5 micron hay PM2.5 từ lò nhiệt điện mang theo độc tố Benzo[a]pyrene hay BaP – chất độc này cũng có trong khói thuốc lá có khả năng gây ung thư. Bụi lơ lửng này theo những cơn gió phát tán đi rất xa, dễ dàng hít vào phổi là nguyên nhân của các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và cả các bệnh về tim mạch.
        Báo cáo ĐTM của dự án đáng lý phải bác bỏ ngay từ lúc đệ nạp vì chủ đầu tư hoàn toàn né tránh không chạy mô hình bụi lơ lửng PM2.5 từ nhà máy để xét xem có đạt quy chuẩn nhiệt điện và quy chuẩn chung quanh khi phát tán ra ngoài trong điều kiện tệ hại nhất trong lịch sử.
Bộ Y tế Việt Nam thì chưa hề có thống kê, nhưng theo nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard thì số trường hợp tử vong sớm do điện than ở Việt Nam sẽ tăng gấp năm lần: từ 4.300 lên 15.700 vào năm 2030. (5)
         Bao nhiêu tác động tiêu cực trên môi trường từ nhà máy nhiệt điện than không chỉ khiến người dân lo sợ đến mất ăn mất ngủ, cả đến giới lãnh đạo địa phương cũng thấy rất quan ngại và cả bất an. Câu hỏi lợi ích kinh tế có đánh đổi được tổn thất xã hội cho dân cư không? Chưa thấy câu trả lời nhưng đã thấy rõ những đám mây đen ô nhiễm ngày càng dầy đặc, đang phủ lên toàn ĐBSCL, và toàn cõi Việt Nam nói chung. Và rõ ràng ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL, ngót 100 triệu cư dân trên cả nước cho dù rất “bất ưng” nhưng không có quyền chọn lựa nào khác, họ vẫn phải ôm lấy những “trái bom nổ chậm / time bombs” như thêm một “phát súng thi ân / coup de grâce” đến từ Phương Bắc.

CÔ GÁI BẮC KỲ TỪ BẢO LỘC
       Tới được hai khu nhà máy nhiệt điện Duyên Hải thì trời đã sẩm tối, nhưng bên trong khu nhà máy thì đèn điện sáng choang và các ổ máy vẫn ầm ì hoạt động. Xe chạy trên một con đường hẹp quanh nhà máy, chỉ có thể chụp được những tấm hình từ cửa xe đang chạy trong màn đêm.
        Trơ trọi bên kia đường là một mái nhà thấp, là một quán ăn với bảng hiệu toàn chữ Tàu Trung Quốc Thương Điếm, xen vào một chữ Việt Tạp Hóa duy nhất. Rồi ra nơi đây sẽ manh nha cho một Little China Town trong tương lai. Trong quán chỉ có mấy chiếc bàn tròn, bày sẵn chén đũa và cả mấy đĩa thức ăn. Tôi nhận ra ngay đây như một phạn điếm, quán nấu cơm tháng cho đám công nhân Tàu làm việc bên trong nhà máy. Chỉ nghe rổn rảng tiếng Tàu từ mấy bàn đã có thực khách. Chọn một chiếc bàn còn trống đủ chỗ ngồi cho 8 người, chúng tôi quyết định dừng chân ăn bữa tối tại đây và cũng để có cơ hội quan sát.

Hình 11, trái: Trung Quốc thương điếm, tấm bảng kê những thứ hàng tiệm tạp hóa ấy bán:
Trung Quốc thực phẩm, ti tửu (rượu bia), bạch tửu (rượu trắng), hương yên (khói thơm – thuốc lá),
Việt Nam đặc sản, già phi (cà phê), yến oa (tổ yến), lộc nhung (sừng hươu non)…
Dưới cùng là số điện thoại của tiệm; giữa: Nhà hàng Quê hương Tứ Xuyên;
phải: trên kệ với các loại rượu Made in China. [photo by Ngô Thế Vinh]

      Chủ quán là một cô Bắc kỳ, nước da trắng và khá xinh xắn, tuổi chưa tới 30. Cô mau mắn hỏi: “Các bác ở đâu mà ghé qua, lại cả chụp hình quán nhà cháu,” rồi cô cho biết thức ăn chỉ đủ cho khách đặt sẵn, nhưng nếu muốn thì nhà cháu cũng sẽ nấu thêm nhưng phải chờ. Thức ăn chỉ có những món Tàu, dĩ nhiên nhiều dầu mỡ.
      Thức ăn đơn giản 3 món nhưng là một bữa ăn nóng, với bia Tsing Tao nhập từ Trung Quốc. Qua câu chuyện trao đổi, tôi có thể có ngay một lý lịch trích ngang của cô chủ quán. Gia đình di cư sau 75 từ ngoài Bắc vào Bảo Lộc, cô sinh đẻ trong Nam nhưng cô vẫn nói tiếng Bắc, bố mẹ cô vẫn còn sống ở Bảo Lộc, cô được đi học và cả về báo chí: “Cháu học truyền thông, về làm ở đài Truyền hình huyện Đắc Nông”. Tôi hỏi:“Ở huyện cũng có đài truyền hình à?”, cô đáp: “À, đôi khi đài truyền thanh cũng gọi là đài truyền hình đấy ạ, sau đó cháu về làm công nhân ở Bình Dương.” Cũng tại đặc khu Bình Dương, cô đã lập gia đình với một người Tàu họ Lý, đến từ Hoa Lục có lẽ là một kỹ sư cũng đang làm việc tại đây. Cô có một đứa con trai lấy họ bố tên Lý Hảo nay cũng đã 3 tuổi. Không tiện hỏi thêm, nhưng biết chồng cô hiện làm việc bên tổ nhà máy nhiệt điện Duyên Hải bên kia đường. Cô theo chồng dọn về đây, nay mở thêm một quán ăn, chủ yếu phục vụ cho đám công nhân Tàu làm việc bên nhà máy. Cô và đứa con đều nói được tiếng Tàu, nhưng “cháu cũng dạy thêm cho cháu chút tiếng Việt”.
       Đây có lẽ là trường hợp điển hình cho những cuộc hôn nhân Tàu-Việt, đang rất được Bắc Kinh khuyến khích tại Việt Nam. Nơi mà số công nhân Tàu sang làm việc ở Việt Nam, ngày càng đông hợp pháp hay không.
       Các cô gái Việt đang thất nghiệp bị bỏ rơi, nay có cơ hội lấy chồng ngoại quốc, được ổn định về kinh tế mà không phải “xa quê” đang là chọn lựa xem ra rất thuận cảnh, thuận tình đối với các cô gái Việt.
       Từ Việt Nam, nhìn sang hai nước láng giềng Lào, Cambodia và nhìn xa sang tận các nước Phi Châu, đang không ngừng xuất hiện những “đặc khu kinh tế” nơi Trung Quốc xây các nhà máy, khu vực nghiễm nhiên trở thành một thứ “lãnh địa” hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của họ.


Hình 12: Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I & III hoạt động phát điện 7/24;
do hình chụp ban đêm không thấy được những cụm khói than đen
thoát ra khỏi ống khói nhà máy. [photo by Ngô Thế Vinh, 12.12.2017]

VIỆT NAM: BÃI PHẾ THẢI CỦA TRUNG QUỐC
      Trên khắp lãnh thổ Việt Nam, hiện có:
      – 26 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, trong số đó chỉ có 3 nhà máy có trước năm 2000 [Ninh Bình 1974, Hải Dương 1983, Uông Bí 1975], 23 nhà máy điện than còn lại đều được tăng tốc xây dựng từ sau năm 2000, đưa tổng công suất điện than lên tới 15.203 MW.
       – 18 nhà máy nhiệt điện than hiện đang xây, dự trù tổng công suất lên tới 14.915 MW, 15 dự án khác đã có chủ đầu tư với tổng công suất 20.560 MW; vẫn chưa hết còn thêm 8 dự án nữa đang tìm chủ đầu tư với công suất 8.350 MW.
       Với tham vọng đạt được 59.068 MW cho tới năm 2030, nhưng với bao nhiêu câu hỏi cần đặt ra: ngoài con tính đơn giản giá thành của điện than của nhà nước với những nhóm lợi ích chủ đầu tư, chủ yếu là Trung Quốc với những tổn thất phụ / collateral damages [Chuyên gia kinh tế môi sinh còn gọi là ngoại phí / external costs] luôn luôn bị che giấu: đó là cái giá phải trả lâu dài về tàn phá môi trường trên đất đai, nguồn nước, không khí với sức khỏe của người dân bị hy sinh trong một nền Y tế vốn đã là một cỗ xe èo uột, trong khi số người bệnh nạn nhân của môi trường ô nhiễm ngày càng gia tăng theo cấp số nhân. Y khoa Phòng ngừa / Preventive Medicine trong đó có Y khoa Môi trường có thể coi như một con số không của nền Y tế Việt Nam hiện nay. Đến bao giờ các trường Đại học Y khoa, bộ Y tế mới có tiếng nói báo động mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe của người dân?  Nhà nước luôn luôn khoe thành tích về chỉ số tăng trưởng, nhưng có bao giờ con số chi phí sức khỏe hàng bao nhiêu tỷ USD, con số bao nhiêu người chết gây ra do ô nhiễm môi trường do điện than, cái giá của thiệt hại môi sinh ấy có được bao gồm trong con toán kinh tế không hiệu quả ấy không?

Hình 13: Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2020
đến năm 2030 với đầu tư khoảng 148 tỷ USD.
Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương 18/3/2016. (4)

LESSONS UNLEARNED
        Vẫn theo quy hoạch điện đã được phê duyệt, đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than được xây dựng ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang, Long An, Bạc Liêu và TP Cần Thơ; và 2 trung tâm sản xuất điện than lớn nhất ĐBSCL mà chúng tôi đã đi qua, là cụm nhà máy Duyên Hải tỉnh Trà Vinh và Long Phú I, II, III tỉnh Sóc Trăng, với tổng công suất khoảng 18.270 MW.
       Cùng đi với chúng tôi, TS Lê Anh Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ đưa ra một nhận định bi quan: “Vùng ĐBSCL không có nguồn nguyên liệu than cho các nhà máy, và do phụ thuộc nguồn cung cấp nhiên liệu than và trang thiết bị từ nước ngoài [chủ yếu là Trung Quốc], sẽ dẫn đến nguy cơ không có đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn vùng ĐBSCL. Và quan trọng hơn, việc phát thải khí nhà kính của các nhà máy điện là rất lớn, sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến biến đổi khí hậu, và cả tàn phá môi trường sống tác hại tới mạng sống và sức khỏe của hàng triệu cư dân.”
        Lẽ ra, trong bất cứ dự án phát triển nào, luôn luôn không thể thiếu là phải đưa vào bài toán kinh tế “cái giá môi sinh / environmental costs” phải trả về lâu về dài. Điển hình là khi đưa 4 ổ nhà máy nhiệt điện than duyên hải vào tỉnh Trà Vinh, người ta chỉ nói tới lợi ích có thêm 2.400 MW điện phục vụ cho nhu cầu thêm năng lương và sản xuất. Nhưng các dự án này sẽ tàn phá môi trường sống: đất, nước, không khí, ảnh hưởng tới sản xuất nông sản, thủy sản và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng đến sức khỏe của người dân ra sao thì không được ngó ngàng tới, với cái giá về gánh nặng y tế khủng khiếp phải trả thì cũng không được tính tới.
       Đã đến lúc người dân cần ý thức được rằng họ có quyền được sống trong môi trường trong lành trên mảnh đất của cha ông dày công khai phá, uống được dòng nước mát lành từ dòng sông quê hương. Việt Nam không nên ham của rẻ, chạy theo những công nghệ lạc hậu, bẩn của Trung Quốc để rồi sẽ “chết dưới tay Trung Quốc” (Death by China)* như tựa đề một cuốn sách nổi tiếng.

VIỆT NAM ĐANG ĐI NGƯỢC TRÀO LƯU THẾ GIỚI
        Khi mà toàn thế giới đang có khuynh hướng loại bỏ dần đầu tư cho nhiệt điện than, kể cả Trung Quốc là nước vô địch gây ô nhiễm từ điện than trước đây, từng là nước phát thải CO2 lớn nhất hành tinh này. Biết đất nước họ đã đi tới tận cùng ô nhiễm, họ đã tỉnh ngộ, đóng cửa hàng loạt các nhà máy điện than và tập trung mọi nỗ lực vào nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo/ NLTT. TQ hiện nay đã vượt Mỹ về sản xuất công nghệ năng lượng tái tạo, cung cấp 2/3 số tấm pin mặt trời và một nửa số turbine gió của thế giới.”
       Nhưng song song với nỗ lực “giữ xanh / keep green Trung Quốc” họ đã tiến hành chiến lược xuất khẩu công nghệ nhiệt điện than thặng dư. Theo đánh giá của Viện Nghiên Cứu Môi Trường Thế Giới (Global Environmental Institute) TQ là nước xuất khẩu các nhà máy điện than lớn nhất thế giới, và tính đến cuối năm 2016, TQ đang tiến hành 106 dự án xây dựng nhà máy điện than trên 25 quốc gia, trong đó có Việt Nam, được xem là khách hàng thiếu khôn ngoan nhất của họ. Và tệ hại hơn nữa, VN ồ ạt mua các thiết bị kỹ thuật nhiệt điện hạng hai của Trung Quốc mà lẽ ra họ phải phế bỏ.  Không những thế, VN bán cho TQ than tốt, đồng thời mua lại than bùn xấu để dùng cho các nhà máy nhiệt điện do chính TQ thiết kế, khiến nạn ô nhiễm càng nặng nề hơn bao giờ hết.
       Đi ngược dòng trào lưu của thế giới, Việt Nam ào ạt gia tăng đầu tư ngày càng sâu vào kỹ nghệ điện than bất chấp hậu quả tàn phá môi sinh và sức khỏe của người dân ra sao. Các nhà máy nhiệt điện than hạng hai ấy, với đám kỹ sư và công nhân Trung Quốc, đang tự do hoành hành trên lãnh thổ Việt Nam, tự do xả khí thải, chất thải và nhiệt, tàn phá môi trường sống và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe lâu dài của người dân nhưng họ thì phải cam chịu, hoàn toàn không có tiếng nói.
Với hướng đi “ngược dòng” này, giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang thực hiện một kỳ tích: đẩy Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia ô nhiễm nhất thế giới.
Môi trường sống của người dân đang bị hy sinh vì cách nhìn ngắn hạn và kể cả lợi ích nhóm. Người viết đã hơn một lần xác định: môi sinh và dân chủ phải là một “bộ đôi / duo” không thể tách rời.

CÓ THỂ ĐẠT 100% NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VÀO NĂM 2050
       Đó cũng là tiêu đề bài viết mới đây của GS Nguyễn Khắc Nhẫn, một tiếng nói có uy tín quốc tế về chính sách năng lượng, nguyên Giám đốc trường Cao Đẳng Điện học TT Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ [trước 1975], Cố vấn Nha kinh tế, dự báo chiến lược EDF Paris, GS Viện Kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble, GS Trường ĐH Bách khoa Grenoble.
       GS Nhẫn có nhắc tới một nghiên cứu của đại học Stanford năm 2016, dành cho 139 nước trên thế giới, viễn cảnh 100% năng lượng tái tạo / NLTT năm 2050 là khả thi. Công trình nghiên cứu của Stanford đã đánh giá tiềm năng của NLTT, tạo công ăn việc làm, cùng với lợi ích tránh ô nhiễm đối với sức khỏe người dân. Kết luận đó cũng được áp dụng cho nước Pháp: Pháp có khả năng đạt 100% NLTT năm 2050, với 55%  từ gió, 35% từ pin mặt trời, 6% thủy điện, phần còn lại từ năng lượng biển. Với cơ cấu như vậy, tiêu thụ năng ku7o75ng sẽ ít hơn 36% so với hiện nay. Tạo thêm được 700.000 việc làm, Pháp tiết kiệm được 200 tỷ euro liên quan tới chi phí sức khỏe gây ra do ô nhiễm hàng năm, tránh được khoảng 20.000 người chết. [6]

VIỆT NAM CÓ THỂ ĐẠT 100% NLTT VÀO NĂM 2050
        Là người từng đào tạo bao nhiêu thế hệ kỹ sư điện đầy khả năng trước 1975, GS Nguyễn Khắc Nhẫn đã đưa ra một “tầm nhìn xa/ vision” với những đề xuất cụ thể:
       Có thể tiết kiệm khoảng 25-30% tiêu thụ năng lượng quốc gia. Cải thiện hiệu quả năng lượng có thể giảm 20% tiêu thụ năng lượng. Đầu tư mạnh mẽ vào NLTT theo một chương trình nhiều năm với một lộ trình rõ ràng theo thứ tự ưu tiên: sinh khối, pin mặt trời, nhiệt mặt trời, gió đất liền và ngoài khơi, nhiệt động mặt trời, địa nhiệt, năng lượng biển.

Hình 14: GS Nguyễn Khắc Nhẫn, một tiếng nói có uy tín quốc tế về chính sách năng lượng,
nguyên Giám đốc trường Cao Đẳng Điện học TT Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ [trước 1975],
Cố vấn Nha Kinh tế, Dự báo chiến lược EDF Paris, GS Viện Kinh tế,
Chính sách Năng lượng Grenoble, GS Trường ĐH Bách khoa Grenoble. [nguồn: internet]

      GS Nguyễn Khắc Nhẫn cũng đưa ra những biện pháp cụ thể:
      Thành lập Bộ Năng Lượng Tái Tạo / NLTT, giảm mạnh tốc độ tăng trưởng điện mỗi năm dưới 5%, giáo dục từ phổ thông tới đại học, tăng cường thông tin công cộng, thay đổi hành vi suy nghĩ, các vùng phải tự chủ năng lượng, hỗ trợ đổi mới và sáng kiến địa phương, triển khai các dự án thí điểm về năng lượng tích cực, khuyến khích xây dựng thành phố thông minh / smart city, phát triển nhanh mạng lưới điện thông minh / smart grid, đầu tư mạnh vào các phương pháp tích trữ năng lượng khác, dừng việc xây dựng các nhà máy điện than… và GS Nguyễn Khắc Nhẫn nhấn mạnh: “Sự thành công phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm chính trị của chính phủ.”
       Với kết luận là mục tiêu 100% NLTT cho Việt Nam năm 2050 là hoàn toàn khả thi, bước vào tuổi gần 90, GS Nguyễn Khắc Nhẫn vẫn hướng về quê hương đất nước nói lên những lời kêu gọi: “Tôi trân trọng và thiết tha đề nghị chính phủ huy động toàn dân và tiềm năng để đạt mục tiêu trên vô cùng quan trọng cho đất nước.” [6]

NGƯỜI DÂN PHẢI BIẾT NÓI KHÔNG
       Một ví dụ, như cụm nhà máy thủy điện Long Phú 4.400 MW xây xong và bắt đầu vận hành từ 2018, nếu tính trung bình tuổi thọ nhà máy là 70 năm, tới 2088, dài hơn tuổi thọ trung bình của một đời người.
Chỉ riêng ĐBSCL, 14 nhà máy điện than ấy như 14 con khủng long ngày đêm nhả khói đen, không ngừng thải ra các chất độc hại vào đất đai, nước sông nước biển và không khí: hậu quả mà ai cũng biết là gây tổn hại lâu dài trên sức khoẻ kể rút ngắn tuổi thọ của người dân.
       Lợi ích kinh tế đem lại cho người dân chưa biết tới đâu nhưng những tổn thương trên môi trường và sức khỏe của họ là điều chắc chắn. Vậy thì chính người dân phải làm gì để giữ gìn mảnh đất cha ông để lại, để Việt Nam vẫn là một nơi đáng sống?
       – Trước hết họ: người dân và cả các lãnh đạo cấp tỉnh phải biết đồng loạt lên tiếng nói “không” với những dự án điện than sắp áp đặt trên vùng đất lành của họ.
       – Ý thức được mối hiểm nguy thường trực ngày đêm do những nhà máy đã và đang vận hành, người dân có quyền đòi hỏi những kiểm tra gắt gao nhằm giảm thiểu những tác hại / control damage tới mức thấp nhất.
      – Yêu cầu một quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ tương xứng cho những nạn nhân bị ô nhiễm, số tiền đó như “thuế carbon / carbon pollution tax” được chiết xuất từ lợi nhuận của những nhà máy điện than.
      Người dân cần được tăng thêm thông tin, để họ hiểu rằng thay thế điện than gây ô nhiễm bằng nguồn NLTT đang là một xu hướng toàn cầu [với một Trung Quốc đã tỉnh ngộ], người dân cần được trấn an Việt Nam là một xứ sở đầy nắng và gió, với quyết tâm của người dân và của lãnh đạo biết đổi mới tư duy, thì Việt Nam không thiếu điện, có khả năng đạt 100% NLTT và bảo đảm cho họ quê hương không phải chỉ còn là một vùng trời và đất đầy ô nhiễm, nhưng là nơi thực sự đáng sống, và vẫn là một vùng đất lành.
NGÔ THẾ VINH
Bạc Liêu-Sóc Trăng-Trà Vinh
12.2017

* Đây là trích đoạn từ một bút ký về chuyến khảo sát Đồng Bằng Sông Cửu Long tháng 12.2017 vừa qua
** Death by China: Confronting the Dragon – A Global Call to Action. Peter Navarro, Greg Autry. Pearson FT Press, May 15, 2011

Tham Khảo:
1/ Năm 2018: Cần hành động để “bức tranh môi trường” sáng hơn. TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu. Tuổi Trẻ 02.01.2018
3/ Kiểm Soát Ô Nhiễm Nhiệt Điện Than và Lựa Chọn Công Nghệ vì Sự Phát Triển Bền Vững. GreenID 07.2017. http://www.greenidvietnam.org.vn
4/ Quy Hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 là Quy hoạch Hủy diệt Sức Khỏe và Môi trường Sinh thái, đổi lấy Kinh tế không hiệu quả. Nguyễn Đức Thắng, 14.19.2017 http://vietecology.org/Article/Article/278
5/ Môi Trường Việt Nam 2017: Ô nhiễm do công nghiệp và do chính con người. RFA 01/02.2018, http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-environment-2017-pollution-induced-by-industrial-and-human-01022018122751.html
6/ Việt Nam có thể đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050. Nguyễn Khắc Nhẫn. Viet Ecology Foundation, 22.6.2017 http://vietecology.org/Article/Article/246

No comments:

Post a Comment