Monday, January 22, 2018

CÂU CHUYỆN VỀ FRANTZ


Tố Nghi   

 
Poster phim Frantz

Frantz là hỗn hợp Pháp-Đức do Ozon đạo diễn. Đây là vở kịch của kịch tác gia pháp Maurice Rostard viết năm 1930, sau được chuyển ngữ và trình diễn tại Anh 1931. Một năm sau, 1932, được dựng thành phim Broken Lullaby ở Mỹ. Tại các đại hội liên hoan phim ảnh âu châu 2016-2017, Frantz bợ về ba giải, trong đó có giải hình ảnh nghệ thuật cinematographique xuất sắc. Phim lấy bối cảnh sau thế giới chiến tranh thứ nhứt, 1914-1918, giữa đế quốc Phổ và đồng minh. Phổ thất trận, phải ký hàng loạt những hiệp định nhục nhã, dẫn đến việc giải thể đế quốc và thành hình nước Đức, để rồi 25 năm sau đó, trong nỗ lực hồi phục danh dự, Hitler đã đưa Đức và toàn thế giới đi vào cuộc đại chiến thứ nhì khốc liệt nhiều lần hơn.
Hồ tiên sanh đã tóm gọn đầy đủ về Frantz như sau : "Phim hay, sâu sắc, nói về sự tác hại lây lan của chiến tranh. Chứa trong đó lòng tin yêu, hối hận, sự toan tính bội phản, vị tha, tin tới tình yêu sẽ xoá được hận thù. Muốn tìm thấy an lành buộc lòng bạn phải dối gạt. Dối gạt bản thân và lừa dối những người thương yêu. Cô gái trẻ đẹp đi thú tội, người ngồi trong buồng tối nói vọng ra, giọng già yếu: Cha hiểu lòng con, chỉ duy một cách ấy thôi và cha tin rằng Chúa sẽ vực con đứng lên, giúp con bước đi trên những xấu xa của lọc lừa không thể lựa chọn"  
Chuyện phim xoay quanh mặc cảm phạm tội, mặc cảm này rầm rộ khua gõ làm tên tội đồ bấn xúc xích, xà quây với tội lỗi rối nùi không cách chi tháo gỡ cho ra, ngay khi nó đã thành tâm sám hối và được tha thứ. Trong đoạn đường xin ân sủng cứu chuộc ấy, lắm khi nó còn bị hoàn cảnh níu kéo dẫn tới dối trá, không để lọc lừa nhưng để hòa giải những tranh chấp thương tổn nội tâm, và sau cùng quân bình đời sống các nạn nhơn trong cuôc. Xi-cô phi-lô gọi lời nói dối này là white lie - không rõ ngoài màu trắng, lies còn những màu sắc khác hay không?
Trắng vốn là màu tinh tuyền, màu của tâm hồn trong sạch, ngay cả khi nó đang chuẩn bị nói dối. Màu trắng không bao giờ tượng trưng cho thể xác dzáo chọi. Nên dzồi... y hình tất cả các cô dâu đều bận áo màu trắng trong ngày vu qui, cho dù chúng đã kết hôn ít nhứt một (… vài) bận. Màu trắng của trinh tiết là chuyện xưa rồi, tới nỗi lúc tái hợp với Kim Trọng, sau khi gió dập mưa vùi tá lả, văn hào Nguyễn Du nhứt định cho Thúy Kiều la làng phân trần với tình quân "chữ trinh còn một chút này" - nghĩa là… trinh bể mẻ tùm lum vài trăm bận trong 20 chục năm đoạn trường ấy, nhưng chàng ơi, mấy mảnh vụn rớt ra từ cái tách thiếp vẫn cât giữ, chờ chàng mang keo tới gắn cho lành, hổng phải để rót cà phê uống chung heng, nhưng… mang tình cầm sắt đổi sang cầm kỳ… ta đem tách cất vào tủ làm đồ cổ ngoạn chưng chơi ! (huhu…)
Trong Frantz có một người duy nhứt white lie. Là đờn bà nên máu Anna đã có sẵn gene white lie tiềm ẩn. Anna thoạt tiên chỉ hành nghề tài tử, sau thành chuyên nghiệp, tới nỗi cuối phim, trong ý hướng củng cố đức tin, ta còn thấy nàng cố gắng kiếm đứa tội đồ đang vác thập giá khổ nạn, để tiếp tục white lie rốt ráo với nó mần màn đồng công cứu chuộc. Anna có xao xuyến vì Adrien hay không ? Tui tin là không. Trong mê lộ, qua Adrien, Anna (và cha mẹ Frantz) gập lại hôn phu Frantz. Xi-cô phi lộ gọi vụ này là transfert nghĩa là thấy ảnh ngỡ người, rồi hướng lòng vào tấm ảnh thiệt sự không là người ấy. Đây chỉ là giấc mơ, người nằm mơ rồi sẽ thức giấc và tỉnh lại. Rối rắm trở thành dĩ vãng phải nên quên để còn tiếp tục hướng tới tương lai.
Chủ đề chiến tranh và những hệ lụy của chiến tranh thấy hà rằm trong văn học nghệ thuật. Nếu chỉ dòm vào câu chuyện thì có lẽ phim sẽ vậy vậy, không có chi đậc biệt. Frantz thành công về nghệ thuật, được giới phê bình điện ảnh đánh giá cao, nhưng thất bại về kinh doanh. Chi phí cuốn phim là 11.1 triệu, nhưng thu vào vỏn vẹn 6.3 triệu - trong đó tại Mỹ, tính tới june 2017, phim chỉ khiêm tốn mang về hơn 880 ngàn đô, một con số chẳng thấm vào đâu, ngay cả so với những phim rẻ tiền của Hồ ly vọng - Vậy rồi Frantz hay ở chỗ nào ? Thưa ở cái thi tánh bàng bạc suốt từ đầu tới cuối cuốn phim, tuy trong phim ta hổng nghe có thơ, trừ 4 câu thơ nổi tiếng của Verlaine do Anna đọc biểu diễn giúp vui Adrien trong lần đi ngoạn cảnh. Với một phim giựt giải cinematographique thì hẳn là thi tánh phải nằm trong màu sắc hình ảnh góc quay. Tuy phim được thu hình và hoàn tất năm 2016, nhưng đạo diễn đã có ý dùng nền trắng đen - và trong vài đoạn, để tạo cảm tánh, màu đã được phun vào theo sắc độ khác biệt, cốt để chỉ ra nỗi vui và cả nỗi hoang mang sầu thảm của tâm hồn –
Hổng biết sao mà xưa rày tui vẫn thích ngó những tấm ảnh trắng đen nghệ thuật, nhứt là ảnh chơn dung. Ảnh màu dĩ nhiên đập vào mắt thoat khi mới nhìn vào, màu sắc vạch rõ ranh giới chi tiết của tấm ảnh, đâu ra đó không thể lẫn lộn đặng. Và như thế... vô tình ảnh màu giới hạn tầm nhìn, óc tưởng tượng và từ đó thu hẹp cảm quan khách thưởng ngoạn - chưa kể là màu sắc trong ảnh thường khi gây tác dụng ngược do giữ lại quá nhiều những chi tiết phụ, lắm khi tới rườm rà hỗn độn - ảnh multicolor (mà mỗi màu lại còn có sắc độ đậm lạt) thường làm người xem chia trí tới  rối loạn ấm ớ hoang mang. Ảnh màu là loại hình thiếu chiều sâu, cảm nhận về nó là loại cảm nhận "tự do trong khuôn khổ", ta không thể nghĩ khác nghĩ ra ngoài cái khuôn ảnh đã vẽ ra. Trong khi ấy thì ảnh trắng đen chỉ có hai màu - đúng ra là ba, với màu xám nằm giữa - do không có "khuôn" nên không thể nhốt cảm nhận của người xem ảnh. Khách thưởng ngoạn ngó vào và tha hồ cho trí tưởng tượng phiêu bồng. Chuyện tha hồ này, cách nào đó, đã tạo thi tánh cho tấm ảnh… chăng ?
Kỹ thuật điện ảnh là dùng xảo thuật để ghép những tấm hình vào với nhau theo trật tự "thăng tiến", nhanh lẹ tới nỗi mắt con người nhận hổng ra, cứ yên trí hình nở đang chuyển động. Hình trắng đen là cảm nhận rời, và phim trắng đen là cảm nhận liền lạc liên tục. Thành ra rồi, nếu hình trắng đen là chữ của câu thơ, thì phim trắng đen hẳn phải là bài thơ toàn vẹn. Dà, tui chỉ biết cắt nghĩa tới đó thôi heng bị chữ nghĩa tui vốn thiếu thốn. Vậy rồi... tất cả những phim trắng đen đều đầy thi tánh chăng ? Làm gì có vậy bao giờ. Phim thời cổ lỗ sĩ do kỹ thuật còn thô sơ, hình ảnh, đào kép, cốt truyện, đối thoại ấm ớ. Chưa kể nhạc phim không có, còn bằng như có cũng hổng đâu vào đâu. Mở phim lên 5-3 phút đã muốn ngủ gục, còn bằng không muốn kêu lính bắt. Những thước phim ni mang tánh lịch sử và thiếu tánh nghệ thuật. Những phim trắng đen sau này, thời 50-60, thậm chí 70, thi tánh vẫn thiếu thốn thì cắt nghĩa làm sao ? Thưa tui hổng biết, có lẽ vì đạo diễn chưa nhìn ra rốt ráo để mang thi tánh vào ống kinh góc quay chăng ? Hay tại chuyện phim bối cảnh phim không đủ thơ đủ mộng để thi tánh trồi lên trình diện ?
Phim Gloomy Sunday so với Frantz thiệt sự không bằng. Khung cảnh chánh trị kinh tế tâm lý xã hội tương đương do cả hai đều xảy ra thời chiên tranh, xê xích nhau 25 năm có lẽ. Góc quay của Gloomy Sunday rất đẹp, nhưng tình tiết của Gloomy Sunday đậm xác thịt tầm thưòng, thành theo tui, thi tánh tuy có đó nhưng không được mùa sung mãn như Frantz. Có những phim tình tiết nghe đẫm chất thơ nhưng thi tánh chẳng những thiếu mà còn vắng ngắt, như phim Somewhere In Time kìa - trừ bài thơ viết bằng nốt nhạc của John Barry đã giới thiệu - Vậy rồi thiệt sự thi tánh một cuốn phim là chi ? Thưa là cảm nhận của người xem phim qua lăng kính góc nhìn và cách trình bày hình ảnh sự việc tình tiết cuốn phim của ngài đạo diễn.
Tán lung tung để kết luận rằng : Hồn thơ lai láng không chưa đủ mà còn phải có tài thì mới ra thơ. Thơ là cảm nhận, nên trình độ thưởng thức thơ thay đổi theo tần số cảm nhận thơ của người đọc thơ. Sau khi trình làng, thơ trở thành tài sản của người yêu thơ và cần thơ, xa hơn nữa, là tài sản nghệ thuật chung của thế giới. Thi sĩ làm thơ bằng ngôn ngữ, hoạ sĩ bằng nét cọ, nhạc sĩ bằng giai điệu, và đạo diễn điện ảnh bằng phim. Frantz là một bài thơ dài 2 tiếng  có tám đoạn biến tấu ngắn, trong đó màu được phun vào theo sắc độ khác biệt, thay đổi với nội tâm nhơn vật. Hai khúc có màu đậm và rõ là lúc Anna và Adrien dung dăng ngoạn cảnh tắm sông, và nhứt là cảnh cuối phim, khi Anna vào Louvre, ngồi trước tranh Manet, rồi nói chuyện vẩn vơ với một khách xem tranh khác. Đoạn phim này rực rỡ, màu son tươi còn tươi thêm với nụ cười của nàng. Người coi phim chùa trong nét (tui heng) hoan hỉ với một kết thúc có hâu, yên tâm tắt còm piu tưa xong trùm mền ngủ thẳng cẳng. Sáng sau, đứa kia hỏi vậy chớ phim hay ở chỗ nào, đứa nọ trả lời ở chỗ thi tánh chứa chan. Ủa có thơ trong trỏng à ? Dà.. đầy ra đó, nhưng nàng thơ chỉ đưa tay nắm giúp dzui những người yêu nàng thôi, còn đứa đực ra như con cù lần thì nàng làm lơ hổng thèm đếm xỉa, ui ya !
Sau đây là bonu tặng riệng người đã giới thiệu một cuốn phim hay. Hồ tiên sanh. Gần cuối phim Frantz có một giai điệu đẹp như thơ của Tchaikosky, trích từ chương 2 andante catabile, viết cho đờn giây. Chương này nổi tiếng tới nỗi được các danh cầm đờn giây dùng làm Encore trong những buổi hoà nhạc, để cám ơn giới thưởng ngoạn đã ưu ái tiếng đờn. Tấu khúc mướt rượt thi tánh, chỉ ra cái hồn thơ lai láng của dân tộc Nga mà Tchaikosky là người đại diện cuối thời lãng mạn. Trong youtube có version của Borodin Quartet (y hình chơi trong phim thì phải), nhưng tui chọn  Restrelli Quartet do hình ảnh âm thanh optimal. Restrelli với 4 cây cello, so với Borodin không nổi tiếng bằng vì sanh sau đẻ muộn. Version này so với Borodin có tempo lẹ hơn chút đỉnh thành bớt lê thê, dễ nghe. .
T NGHI

No comments:

Post a Comment