Sunday, January 28, 2018

HẾT CHUYỆN FRANTZ, TỚI VÃN(G) MONTRÉAL


Hồ Đình Nghiêm

Montréal

Đến thành phố thậm xưng là Mộng Lệ An, vào các cửa hàng, bạn thường đón nghe: “BonjourHi”. Lời chào hỏi hơi bị lạ tai kia chỉ nhằm gửi kèm một dọ hỏi không tiện thốt ra: Bạn nói tiếng Pháp hay tiếng Anh? Thăm dò? Do đâu? Cớ sự là do bởi ngày nay dân bản xứ ưa sử dụng tiếng Anh trong khi cha ông chúng trước đây chỉ léo nhéo có duy mỗi Pháp văn. Montréal được ví là thành phố pạt-lê-phờ-răng-xe đông chỉ kém Paris. Thống kê mới, cho ra kết quả: 65% nói tiếng Pháp. 15.4% nói tiếng Anh. Số phần trăm lẻ tẻ còn lại thì nói ngôn ngữ hùm bà lằng. Hoa tay múa chân cũng ô-kê khi giao tiếp nhưng chẳng cho vào bảng sắp hạng. Dưới thống kê có đánh một cái hoa thị (*): Theo đà này, tương lai việc sử dụng tiếng Pháp chắc sẽ giảm sút! (Bonjour Tristesse).

Bi quan nẩy sinh dựa vào những thăm hỏi dân tình. Người già than: Lỗi này vì bọn di dân đến càng lúc càng nhiều. Tabarnak! (Tiếng chửi thề bí hiểm của dân địa phương). Lại thêm: Chủ các hãng xưởng đa phần do bọn Ăng-lê làm sếp sòng! Cơ khổ! Lời phân trần cũng đáng tin lắm. Ngay trước trạm métro Mont-Royal có khắc vào tường gạch nung câu thơ, đại để: Năm giờ sáng giấc ngủ chúng ta bị quấy phá, đông đảo thành phần  chúng nó đang rậm rật đi cày… Một mặt chửi xéo bọn lao động chân tay khác giống nòi, đồng thời lại tự vạch áo mình ra: lười biếng, thích hưởng thụ?

Phóng viên đài Radio Canada xách camera đi vào sân trường giờ ra chơi, hỏi mấy cậu nhóc vừa bước chân lên trung học: Cớ sao các em thích nói tiếng Anh thế? Giả nhời: Đơn giản thôi mấy bác ạ. Chúng cháu nói thật nhé, phim ảnh của Hồ Ly Vọng nó phong phú và hay cỡ đó. Các games về trò chơi điện tử cũng do bọn Mỹ quốc làm ra, ê hề. Rồi âm nhạc, rock’n roll các thứ thảy chiếm lĩnh thị trường. Mình ở Québec, phải khách quan mà nhìn nhận, những thứ dính tới tiếng Pháp có thứ nào ngon lành đâu! Hai ba đứa nhóc tì ùa theo, góp lời bằng một tràng tiếng Anh như gió cuốn hoa rơi, phóng viên có vị lúng túng bộ tịch như e lệ… huyền (cái trâm em cài là cái chai em cầm. Đúng không hỡi cô Mai Lệ Huyền ngày nọ?)

Ở trên chỉ là khúc dạo đầu về chuyện ngôn ngữ suy thịnh chốn đây. Khách nhàn du có muốn ghé lợi thì nên nắm bắt trước, như kiểu ra đường thì chịu khó trông chừng nắng mưa. Hàn thử biểu ở phố ni từng ghi nhận, lạnh quẹo chấu: - 38 độ C (tháng 1,1957). Nóng chảy mỡ: 37.6, tương đương 100 độ F (tháng 8,1975). Trung bình cọng, bù qua xớt lại, vào đầu mùa Thu là khí trời mát mẻ, là tình tứ, là dễ dzung dzăng. Cảnh vui người có buồn đâu bao giờ? Mà đồ chừng không gian nọ thích hợp cho bao thi nhân tức cảnh sinh tình? E hổng có em.

Montréal có một cái khách sạn nổi tiếng mang tên Queen Elizabeth. Vào đầu tháng 6 (mát giời) năm 1969, John Lennon thức giấc trong khách sạn này để viết nên ca khúc Give Peace a Chance. Có thể vì mang thương hiệu nữ hoàng nên khách sạn này đã thu hút các nhân vật đình đám ghé trọ qua đêm: Charles de Gaule, Fidel Castro, nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, công chúa Grace của Monaco, Indira Gandhi, Nelson Mandala, Dalai Lama…

Leonard Cohen

Phố mộng này cũng từng lưu dấu chân Leonard Cohen (1934-2016) khi thi sĩ trải qua những ngày gian khổ thời còn là sinh viên. Thế hệ sau, đẻ ra cô ca sĩ vang danh thiên hạ: Céline Dion (mà sao kỳ, tui hổng thích ẻm chút nào trơn trọi, hén). Niềm tự hào, cục cưng của Québec và toàn cõi Canada (bị ít nhân tài?). Chính phủ liên bang đã từng báo động: Chúng ta đang hao hụt chất xám! Bởi giản dị chúng ta hổng đủ ngân sách để chi trả, nuôi dưỡng, bảo vệ những tài năng. Thông minh xuất chúng, phát minh ra thứ gì, dù bé nhỏ, đại gia láng giềng Mỹ đều bỏ tiền ra mua ráo trọi. Kỹ sư bác sĩ bên xứ cờ huê lương lậu họ trả gấp đôi xứ lá phong, nghe dễ nực gà! Nói nào ngay, những ban nhạc khét tiếng bên Anh mù sương (UK) cũng bay sang Hợp chủng quốc mới tìm ra thông lộ, mới tinh hoa phát tiết ra ngoài. Leonard Cohen cũng xêm xêm, lạy mẹ con đi ạ, chốn này hổng có đất dụng võ. Mình thích bài Everybody Knows của ổng:

….
everybody knows that the war is over
everybody knows the good guys lost
everybody knows the fight was fixed
the poor stay poor, the rich get rich
that’s how it goes
everybody knows
….
everybody knows that you love me baby
everybody knows that you really do
everybody knows that you’ve been faithful
ah give or take a night or two
everybody knows you’ve been discreet
but there were so many people you just had to meet
without your clothes
….

Ngậm ngùi liên tưởng tới phần đất bỏ lại sau lưng. Lạc loài sang ngụ ở thành phố được dựng nên tên tuổi vào cuối thế kỷ 17. Ngày đó không mấy đông, bây chừ chốn đây đã lên tới hơn một triệu bảy (1.700.000) cư dân. Có ba cư dân là anh Hoàng Xuân Sơn, chị Tố Nghi và kẻ hèn này vẫn gặp gỡ trên Phố Văn (hổng biết chừng nào gặp trong tim… Hortons?) Như có thưa dịp trước, chị Tố Nghi có biệt tài luận chuyện phim (bi kịch cuộc đời được thu nhỏ). Khúc chiết, ngọn ngành, xác tín và đưa ra được một cảm nhận đầy thi vị. Lời văn vui nhộn, lôi cuốn đi kèm tính bác học thông hiểu nhiều lãnh vực dễ khiến thuyết phục người nghe. Không khéo mà nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp sẽ mở rộng một góc phố để cho chị Tố Nghi “đăng ký” một trang bàn chuyện phim ảnh kịch trường. Khi ấy đứa mang tên Hồ tiên sanh sẽ vui thú đi theo làm phụ tá đạo diễn. Action. Cut. Cut… Sao Ai nói mà Du hổng mần?

Người như Tố Nghi thì mình tin là chị đã từng xem qua phim Notebook từng lấy đi bao nước mắt của bá tánh. Sản xuất năm 2004 với tài tử điển trai Ryan Gosling dân Cà na điên. Phim phỏng theo cuốn truyện mang cùng tên do Nicholas Sparks viết vào năm 1996. Hoặc mới đây, tuy không chứa nhiều kịch tính như Notebook, phim Paterson (director: Jim Jarmusch. 2016) chắc sẽ hợp thị hiếu mỹ cảm của chị Tố Nghi bởi tính cách thi vị nó chứa đựng. Có không ít lời bình luận rằng “sự tẻ nhạt khiến tôi ngủ gục”, nhưng… nhân vật chính, anh chàng tài xế lái xe buýt mỗi ngày chạy đúng một lộ trình quen thuộc đó siêng hý hoáy… làm thơ. Diễn tiến câu chuyện chỉ gom trong một tuần lễ, trình bày toàn bộ những thứ nhỏ nhặt thường hằng trong đời sống và cái thái độ mà anh ta chấp nhận nó. Quan điểm, cách tỏ bày của anh thu tóm trong một câu thoại: “Đôi khi những trang giấy trắng (và trống) là biểu hiện cho những điều có thể xẩy ra” (nhà thơ có khác). Phim thật giản đơn, chẳng dựng tình huống căng thẳng. Nhưng nói theo cách của Leonardo da Vinci: Sự đơn giản là thứ rất mực cầu kỳ!

Mình cũng đồng ý về nhận xét của chị Tố Nghi về cái “giàu có” của gam màu đen trắng. Mình thích phim Lolita 1962 hơn bản tếch-ních-cu-lơ 1997. Đen trắng có vẻ hợp cho mối tình rồ dại (loạn luân?) cuồng si trong mê lộ. Và Rashomon. Cơn mưa xối xả trên mái chùa hoang đổ. Màu nắng nhễ nhại trút xuống cánh rừng vắng, hiện trường xẩy ra vụ án… phim màu sẽ không chuyển tải hết được thứ không gian chứa nhiều nghi vấn như vậy, hư thực trộn lẫn làm nên bi kịch của một kiếp người. Như ở Frantz, khéo léo sắp đặt ngay cả cái tựa phim, một nhân vật không xuất hiện tựa bóng ma. Là đầu mối, là nguồn cơn tạo ra những chằng chéo mà kẻ sống còn phải bày trò để đương cự, với niềm tin mơ hồ. Nhìn chung, giá trị một cuốn phim có sức quyến dụ thường gửi theo một thông điệp và người đón nhận tự suy diễn lấy theo cách cảm nhận của riêng họ.

Montréal có gì lạ không em? Dạ thưa anh, chốn nào mà ta chẳng nhìn thấy ở đó chút lạ, quen? Em chưa nói tới chuyện hàng quán tại vì tác giả “Ăn Chơi Ăn Thiệt” giàu kinh nghiệm hơn ở vấn đề ẩm thực. Chị Tố Nghi à, nếu binh nhì địa phương quân như tui bị vây khốn bởi cả ngàn câu hỏi kiểu đó thì chắc phải “đánh công văn” xin cầu cứu. Chị có là người bạn đồng minh chẳng hề tháo chạy không? Dị đi hén. Chơi tới bến luôn nghen. Gồng mình kể chuyện nữa nha.

Dạ thưa quý vị, đất lạnh tình nồng chúng tôi sẵn lòng hầu chuyện cho qua đêm dài lắm mộng. Hẹn gặp lại trên Phố Văn. Tết đang gần kề, năm Tuất, hổng lẽ mình bàn tới phim Câu Chuyện Về Chú Chó Hachiko có Richard Gere diễn xuất? Một chú chó mỗi ngày ra sân ga, chờ đợi chủ mỏi mòn  trong suốt 9 năm cho tới hồi kiệt sức nằm chết ở sân ga vắng lạnh. Ôi, sự thuỷ chung vô ngần ấy khiến con người phải che mặt hổ thẹn! Biết nói chi thêm?

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

No comments:

Post a Comment