Khuất
Đẩu
Trường Quốc Học ở Huế
Đây là lời chào của một anh học trò đã 75
tuổi, đến với cô giáo đang ở tuổi xấp xỉ 80!
Anh
học trò là một nhà văn vừa cầm bút mà cũng vừa cầm cọ. Anh thường vẽ cá với hai
con mắt không bao giờ nhắm tượng trưng cho sự tỉnh thức, vẽ rắn cho sự tinh
khôn và con nọc đượng trong bộ bài tới cho sự truyền giống. Tranh anh vẽ cả
ngàn bức trên giấy lịch bằng mực in chỉ để treo chơi, tặng bạn bè và đôi lúc
triển
lãm.
Cô giáo, xưa là một quận chúa, đẹp gần
ngang tầm Nam Phương hoàng hậu. Nhưng cô tươi mới hơn, nồng ấm hơn và đương
nhiên đề huề hạnh phúc hơn vì chồng cô là một đồng nghiệp cùng dạy một trường.
Mới hơn 20 tuổi, cô đã là nữ giáo sư dạy
triết ở trường Quốc Học, một trong ba trường lớn đào tạo nhân tài của cả nước.
Cách đây hơn 50 năm, vậy là oai lắm, vẻ vang lắm!
Dạy triết, rất dễ trở thành một bà cụ
non. Nhưng cô thì không.
Trong con mắt đồng nghiệp và của phụ
huynh, cô uy nghiêm như một bậc mẫu nghi. Nhưng với đám học trò đang ở tuổi dậy
thì, cô chính là người trong mộng.
Bảo rằng cả trường yệu mến cô thì hơi
quá, nhưng hơn ba phần tư trường thì quả không sai. Anh là một trong số ba phần
tư ngày đó, nên nghe tiếng “em chào cô” mới ngọt dịu làm sao!
Nhớ về cô ngày ấy, các anh vẫn không quên
cái dáng đi dịu dàng, đài các. Cũng là tiếng gót giày hay tiếng guốc trên hành
lang im vắng, nhưng của cô sao có vẻ như khác lạ. Nó vừa nhẹ vừa êm, âm thanh của
nó nghe như tiếng đàn và lúc đó lòng các anh học trò tuổi 17, 18 bỗng dưng sáng
rực lên như đang trải thảm.
Rồi tà áo của cô nghiêng nghiêng trong
gió chiều hây hẩy, chiếc khăn quàng cổ buổi sớm đầy sương, rồi nét cười như hoa
nở, giọng nói như chuông ngân, và nhất
là mái tóc phương đông đà đuột, mái tóc của một Evelyne khiến nhà văn Kiệt Tấn
hết điên và viết nên thiên truyện ngắn tuyệt hay, truyện Em điên xỏa tóc.
Cô và trò gặp nhau chỉ một niên học. Năm
đầu cô đi dạy với với tất cả rụt rè khi mới bước vào đời, năm cuối trò hết bậc
trung học sắp bước vào đại học, tương lai rộng mở nhưng cũng rất mịt mờ vì lúc ấy
đang là chiến tranh. Tính ra chưa đến 100 tiết. Vậy mà sao đến hơn 50 năm sau vẫn
nhớ!
Cô nhớ những anh học trò nghịch ngợm, đặt
những câu hỏi hóc búa sao cho cô “bí”. Lớp học lúc đó biến thành một cuộc chiến
thầm lặng giữa cô và trò, mà nhiều lần kẻ thua cuộc chính là cô. Nhưng khi cô
thua tấm tức đến nỗi muốn khóc, chính là lúc cô được trò yêu mến nhất. Dĩ nhiên
cô không quên những anh học trò thông minh, bày tỏ niềm yêu kính một cách kín
đáo.
Thế đấy, được học với một cô giáo vừa trẻ
vừa đẹp chỉ hơn mình năm, ba tuổi, tuyệt làm sao. Tuyệt vì sau bao nhiêu năm,
trò đến với cô như đến với một người bạn quý, cũng có thể gọi thầm là cố nhân với
tất cả niềm hãnh diện.
“Cô giáo triết của tôi đây!”
Anh bạn tôi giới thiệu, giọng anh bay lên
như chim.
Và
cô cũng thật hãnh diện khi được dạy những học trò ngày xưa ấy nay đã là những
bác sĩ, kỹ sư, những văn nhân, thi sĩ, họa sĩ, những kịch tác gia, đạo diễn. Cô
ngồi với chúng tôi mà điện thoại không ngớt reo và lần nào cũng “em chào cô” vừa
tôn kính vừa thiết tha.
Và rồi, những lần sinh nhật, ngày Tết, gặp
cô lúc nào cũng đẹp cũng sang. Ngay cả những năm tháng khó khăn, cô cũng đài
các kiêu kỳ như một nữ hoàng.
Cô là một hạnh phúc không phai màu. Càng hạnh
phúc khi cô và trò đang bước vào tuổi tám mươi.
Cô
vẫn trẻ trung, duyên dáng, lịch lãm cho dù sự khắc nghiệt của thời gian là
không thể nào tránh khỏi. Được gặp cô thật là một hạnh phúc bất ngờ*. Cuộc hạnh
ngộ mà cô gọi là duyên ấy, ấm áp xiết bao!
Xin
cảm ơn cô!
Xin
cảm ơn bạn!
KHUẤT ĐẨU
5/12/2017
*Tôi viết những dòng
trên đây sau khi dùng cơm trưa với Thầy, Cô và bạn ở quán Maisen, một quán cơm
trong nhà nguyện để dạy nghề cho các thanh niên nghèo.
No comments:
Post a Comment