Thursday, January 11, 2018

MỘNG HÁI SEN


nguyễnxuânthiệp

Hái sen. Hình Internet

Mộng Hái Sen. Viết xuống những từ này lòng chợt bồi hồi nhớ đến “Mộng Đắc Thái Liên” của Nguyễn Du.  Cùng cô hàng xóm nhỏ đi hái sen ở Hồ Tây, Nguyễn biết bài thơ Hái Sen của Nguyễn Du cũng đã khá lâu cho nên khi được đọc bài của Nguyễn Huệ Chi do Bùi Huy (Tô Thẩm Huy) gởi đến thì lại càng tràn đầy xúc cảm. “… trong một bài thơ làm thời kỳ đã ra làm quan với nhà Nguyễn, Nguyễn Du bỗng mơ về cái thời trẻ trung ở Thăng Long. Ông nhớ đến một người đẹp, cô bạn hàng xóm, đã cùng ông đi hái sen ở Hồ Tây. Một Nguyễn Du khác lạ bỗng đâu hiện về làm mờ hẳn Nguyễn Du già nua trước mắt. Sự xuất hiện bất thần của cô bạn gái được nhà thơ gợi tả thông qua cái bóng của cô lung linh dưới mặt nước khiến cho cảnh vật chợt bừng sáng, thời gian đảo ngược từ dĩ vãng trở thành hiện tại.”

Khẩn khúc thù điệp quần,
Thái liên trạc tiểu đĩnh.
Hồ thủy hà xung dung,
Thủy trung hữu nhân ảnh.

Thắt chặt quần cánh bướm,
Hái sen thuyền nhỏ bơi.
Nước hồ sen trong vắt,
Trong nước có bóng người… *

Ôi, mộng hái sen… Còn gì tuyệt vời bằng.
  
      Nhưng trước hết, Nguyễn xin được nói một chút về hoa sen trong đạo học và văn học Đông phương. Bông sen xuất hiện khắp các nước Á châu và được xem là hoa của những người theo Ấn giáo và Phật giáo (flowers of Hindus and Buddhists). Từ những thời xa xưa, hoa sen được xem là tượng trưng cho những gì là thuần khiết thuộc về tinh thần. Ấn giáo tôn thờ hoa sen trong hình ảnh các nữ thần Vishnu và Lakshmi thường xuất hiện trên một đóa sen hồng. Trong Phật giáo, hình ảnh Đức Phật ngồi trên tòa sen đã trở thành quen thuộc. Còn khi Phật cầm cành hoa chỉ vào mặt trăng cho ông Ca Diếp xem, Nguyễn nghĩ cành hoa đó chỉ có thể là bông sen.
      Hoa sen đẹp, nhất là trong vùng nước xanh với bóng cô gái hái sen. Trong bài thơ “Mộng Đắc Thái Liên”, Nguyễn Du cũng cho ta thấy vẻ đẹp ấy khi hẹn với cô gái nhà bên buổi sáng đi hái sen, và nào là người chưa đến mà đã nghe tiếng cười, và hoa sen thì đẹp và cuống sen có những sợi tơ vương vấn.
      Ấu thời của Nguyễn cũng gắn liền với bông sen. Tắm ở ao sen đầu làng. Những bông sen mẹ mua về cắm trên bàn thờ, hương thơm thoang thoảng khắp căn nhà lợp tranh. Có một lần Nguyễn được cùng với chị Thoa bơi chiếc thuyền thúng hái sen trên hồ Thủy Đình lúc trăng chiều vừa mới lên. Gió nhẹ thổi lá sen rào rạt. Hai chị em vừa bơi thuyền vừa cười giỡn vô tư. Rồi chị Thoa đi lấy chồng làm Nguyễn nhiều buổi nghẹn ngào nhớ chị. Và trí óc mông lung của Nguyễn còn bóng bài thơ Hái Sen (Cueillir Les Lotus) bằng tiếng Pháp của ai đó, hình như cũng kể chuyện ngày xưa được cùng chị hái sen trong đầm nước xanh. Kỷ niệm với chị, nhất là chị họ, bao giờ mà chẳng đẹp và long lanh ngấn lệ. Ôi tình xưa như nhãn và sen / Dẫu tình phai khi chưa kịp hẹn... Thơ của Nguyễn đấy.
      Huế là nơi trồng rất nhiều sen. Sen dưới hào nước chung quanh tường thành. Lê Văn Ngăn (ôi, bạn đã ra ga lên chuyến tàu cuối) kể nhiều đêm thanh vắng, đi qua cầu vào cổ thành, chợt nghe một tiếng soạt dưới đầm, nhìn xuống thấy một bông sen nở trắng. Tôi nghĩ chắc ông thi sĩ tưởng tượng thêm vì Ngăn nổi tiếng là nhà thơ duy cảm. Và hồ Tịnh Tâm, nơi sen nở có người chờ đợi trước. Hạt sen hồ Tịnh Tâm là thứ quý như vàng, Thỏ nấu chè cho Cu ăn một mùa hè bãi trường về thăm nhà ở Vương Phủ, em còn nhớ hay em đã quên, hay là cũng do Nguyễn tôi tưởng tượng mà thôi... Và em có biết, Sen xa hồ sen khô hồ cạn / Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng... Còn anh xa em thì sao, ở hai bên bờ Tây và bờ Đông, có nhánh hoa lavander nào tàn úa không, hay chẳng có gì cả, dửng dưng như không, vì đời đã quen với những lúc xa nhau?* *
       Sang Mỹ, nhiều lúc thấy nhớ bông sen và lá sen. Nhớ lạ lùng. Bông như môi và lá như tay. Xin cùng Nguyễn đọc lại câu thơ rất hay của Nguyên Sa: Vẫn biết lòng mình là hương cốm / Chẳng biết tay ai làm lá sen… Ôi, trong đầm gì đẹp bằng sen. Nhưng tìm đâu thấy? Vừa mới đây thôi, trong lúc trò chuyện với những chú ve nhỏ, kẻ viết những dòng vẩn vơ này có nói tới hoa sen. Đó chỉ là một liên tưởng, và hắn có nói là mắt chưa từng được thấy cây bông sen ở xứ này. Lời ấy đã không còn đúng nữa rồi: Trong một chuyến đi đọc thơ ở Florida, mắt hắn đã được thấy cả một hồ sen nở ngát. Hồ sen của Trần Đệ.
      Thật là tuyệt vời. Anh bạn văn Trần Đệ - quê ở Mỹ Tho nơi hắn đã có một thời để sống và để mơ... - anh Đệ đã chống thuyền đưa hắn ra giữa hồ hái những bông sen trắng, sen hồng. Và trong một thoáng ngắn ngủi, hắn nghĩ đến cô bé Kiến An trong phim Ba Mùa - em đã có xem phim này, chắc em còn nhớ- cô bé nửa đêm bơi thuyền trên hồ sen bát ngát đến thăm nhà thơ bất hạnh. Cái ánh lửa từ những ngọn đèn rơi trên nước, những vùng lá và bông sen xô giạt dưới nhịp chèo, mái tóc dài bay trong gió tối... những ảnh bóng đó còn đọng trong tâm trí hắn cho tới phút giây này.

       Giờ đây, hái sen đối với hắn không còn là một giấc mộng nữa. Dẫu chẳng được như Lý Bạch “đọc nát vạn cuốn sách” nhưng hắn cũng là gã lãng du, mê sách mê tranh, từng đi hết vạn dặm đường. Cô gái Hàng Châu thấy Lý Bạch chèo thuyền tới thì núp bóng vào vùng lá và bông sen, nhưng cô gái Phượng thành trên trang văn của hắn thì “từ dưới vùng nước xanh ao sen mùa hạ bước lên, hai tay ôm đầy bông sen đỏ, tóc và quần áo đẫm nước dán vào da thịt”... Thế thì Lý Bạch, và cả Vương Xương Linh, Bạch Cư Dị... chắc gì có diễm phúc hơn gã thơ lãng du kiết xác, bụi bặm này. Có lẽ hắn chỉ thua Nguyễn Du, không được cùng người đẹp Tây Hồ chèo thuyền con đi hái sen thôi. Nhưng biết đâu, ở kiếp sau... Chúng ta cùng hẹn nhé?
NXT

* Nguyễn Huệ Chi
** Ca từ Trịnh Công Sơn

2 comments:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  2. Tranh gốm hoa sen được coi là biểu tượng của sự thanh tịnh và tinh khiết trong tâm linh. Mặc dù sinh sống trong nước lầy, hoa sen vẫn nở rực rỡ và không bị ô nhiễm. Nó tượng trưng cho khả năng vượt qua khó khăn và trở nên tinh khiết và thanh cao trong tâm hồn.

    ReplyDelete