Saturday, January 27, 2018

TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA

Huyền Chiêu

 Mái nhà xưa

Sau khi học xong trung học, tôi muốn tiếp tục việc học ở Sài Gòn. Nhưng năm đó ba tôi phải về hưu, đi học xa là không thể. Tôi buồn lắm. Má tôi khuyên: " Con ở nhà lấy chồng đi. Có mấy chỗ  khá khá ngỏ ý rồi đấy. Đi học xa vất vả, má không yên tâm ". Ba tôi thông cảm với tôi hơn. Ông giúp tôi thực hiện nguyện vọng bằng hai bức thư. Bức thứ nhất gửi cho cô Năm Cầu Bông, một người bà con xa mà tôi chưa hề biết mặt vì bà bỏ xứ đi đã hơn hai mươi năm rồi. Trong thư ba tôi xin cô giúp cho tôi một chỗ ở. Bức thư thứ hai gửi cho bác TB, một người bạn cũ của ba tôi, nhờ giúp cho tôi một việc làm trong Công Ty Hóa Chất  mà bác làm Tổng Giám Đốc.
Tôi đi Sài Gòn với hai bức thư và một tâm trạng lo âu của một người lần đầu một mình ra khơi.Thật như có phép mầu khi cả hai bức thư đều có tác dụng. Cô Năm nhân hậu đã nhận tôi là cháu họ xa  và cho tôi ở với bà trong căn nhà nhỏ trong một con hẻm sát cạnh cầu Bông. Bác TB tốt bụng cũng nhận tôi vào làm việc ở văn phòng thương mãi đặt ở đường Nguyễn Công Trứ. Công việc của tôi là đánh máy những gì mà Tổng thư ký soạn thảo. Tôi biết ơn Ba tôi lắm. Những điều may mắn ấy tôi không dễ gì có được nếu tôi không có một người cha mà ai cũng quí mến.
Sau khi có việc làm, tôi ghi danh vào trường Đại Học Văn Khoa môn Anh Văn, Hán Văn. Để tiện việc học hành tôi xin chuyển vào ở trong lưu xá Phước Hải, một lưu xá dành riêng cho nữ sinh viên nằm trong khuôn viên một ngôi chùa ở đường Trần Quốc Toản.
Mỗi chiều sau giờ làm việc tôi đón xe bus đến trường học. Tối nào cũng đến 10:30. tôi mới về đến lưu xá. Trên bàn ăn bao giờ cũng chỉ còn một phần ăn cuối cùng dành cho tôi. Tôi thấy mệt hơn là đói nhưng cũng phải vội vàng ăn để còn qua phòng học nhận những tài liệu mà tôi đã nhờ các bạn mua dùm trong buổi sáng. Nếu Má tôi biết tôi khổ cực thế này chắc bà sẽ giận tôi không nghe lời bà.
Cuối tuần vào những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, tôi thường xuống hậu liêu nhà chùa trò chuyện với các ni cô và các chú điệu. Tôi rất thích cái màu nâu cũ kỹ, bạc phếch trên nền vải thô của những người trong nhà chùa. Một hôm tôi đi chợ Bến Thành mua một xấp vải nâu rồi ngồi vào máy may của lưu xá tự "thiết kế" cho mình một cái áo vạt hò. Thật vui và thanh thản khi làm được điều mình thích.
Mỗi cuối tháng, tôi cũng được cùng cô Hà Xíu Chẻ đi Ngân Hàng lĩnh tiền và sau đó xuống Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa làm công việc phát lương cho công nhân ở khu chế tạo và nhân viên ở phòng thí nghiệm. Những ngày ấy tôi có được những giây phút dễ chịu khi từ bờ sông Đồng Nai tôi nghe rõ luồng gió mát rượi, phơi phới thổi về sau khi bay qua những cánh đồng, những mặt nước mênh mông. Những lúc ấy tôi cũng rất nhớ đến những ngọn gió hiu hắt ở Ninh Hòa quê tôi. Những ngọn gió ấy thường buồn bã và tù túng vì phải chịu vây hãm bởi một vùng đất mà bốn bề đều bị bao vây bởi quá nhiều ngọn núi.
Tết Mậu thân năm ấy tôi về thăm nhà và không quên được cảm giác hãi  hùng khi phải đón giao thừa trong tiếng pháo lẩn với tiếng súng . Đó là lần đâu tiên tôi tận mắt nhìn thấy chiến tranh.  nhìn thấy những xác chết  của những người lính miền Bắc tuổi còn rât trẻ, nằm chết bên bờ mương, trong chuồng heo, trên mái nhà . Thuở ấy tôi chưa biết Cộng Sản là gì, chỉ thấy tội nghiệp cho những xác chết bên hông vẫn còn mang một vắt cơm khô. Họ cũng có cha, có mẹ và họ sẽ không có một nấm mồ trong một nghĩa trang nơi mà  mẹ họ, chị họ có thể  đến thắp một nén hương vào  đêm giao thừa. Tôi tự hỏi tại sao chiến tranh lại chọn đất nước tôi. Một đất nước vốn đã kiệt sức vì nghèo đói và lạc hậu!!! Lúc này mẹ tôi cũng đang khốn khó với một đàn con nhỏ dại mà tôi là con đầu. Một nỗi buồn nặng trĩu xâm chiếm tâm hồn tôi làm tàn phai đi những mộng ước riêng tư. Tôi viết một bức thư xin nghỉ việc gửi cho bác TB, sau đó xin dạy học ở Ninh Hòa. Tôi nghĩ làm việc ở quê nhà tôi có thể tiết kiệm giúp đỡ mẹ tôi .
Khác với cuộc sống sôi động mà thời gian được tính từng phút ở Sài Gòn ngày tháng ở Ninh Hòa trôi qua thật hiền lành và đơn điệu. Cũng có lúc tôi thấy nhớ những ngày tháng lạc lõng nhưng vô cùng tự do ở Sài Gòn. Tôi cũng nhớ giảng đường và ngôi chùa Phước Hải cùng dòng sông Đồng Nai bát ngát. Những lúc ấy tôi thường mặc vào chiếc áo vải nâu và mở Đường Thi ra tập chép như những ngày còn cặm cụi học hành trong phòng học của lưu xá. Tôi rất yêu thích thứ chữ tượng hình này bởi khi viết tôi có cảm giác như mình đang vẽ một bức tranh.
 
Về nhà, tôi thích mặc chiếc áo vải nâu 
mà tôi đã tự may

Tàn đi cơn mộng học hành, tôi cố gắng tìm vui trong công việc. Những đứa trẻ mà tôi gặp gỡ hàng ngày ngây thơ, chất phác như những củ khoai. Để giúp cho giờ học bớt buồn tẻ, nhàm chán tôi thường dạy chúng hát những bài dân ca như Cây Trúc Xinh, Lý Chim Quyên, Hát Hội Trăng Rằm, Xe Chỉ Luồn Kim...
Cuối giờ học vào những ngày mưa dầm gió bấc, trong khi chờ tiếng kẻng tôi thường kể chuyện cổ tích của Andersen cho học trò nghe. Tôi thích nhất câu chuyện Nàng tiên cá. "Nàng tiên cá bé nhỏ ngây thơ, trong sáng ấy đã thầm yêu một hoàng tử và nàng ao ước có ..... một đôi chân bình thường như của loài người". Tôi thường kết luận với học trò rằng trong cuộc đời này có biết bao là mơ ước mà tôi chưa thấy mơ ước nào tội nghiệp đến như vậy. Tôi nghĩ câu chuyện này có thể làm cho những học trò nghèo , quê mùa của tôi cảm thấy hạnh phúc vì dầu gì chúng cũng có .... một đôi chân.
Năm 1975, Chính Quyền mới cho tôi nghỉ việc vì ba tôi là “ngụy quyền”. Bây giờ tôi bắt đầu hiểu về Cộng Sản. Nhưng tôi cũng tự an ủi, nếu vào lớp mà không được quyền kể chuyện cổ tích Andersen cho học trò nghe thì buồn lắm.
HUYỀN CHIÊU

TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG LĂNG
Cố nhân tây từ Hoàng hạc lâu
Yên ba tam nguyệt hạ Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu
Lý Bạch

TIỄN MẠNH HẠO NHIÊN ĐI QUẢNG LĂNG
Tạ từ Hoàng Hạc người đi
Tháng ba hoa khói xuôi về Giang Châu
Cánh buồm lẻ bóng khuất mau
Dòng Trường Giang chảy về đâu hỡi người
Người dịch:
Huyền Chiêu

No comments:

Post a Comment