Tuesday, January 30, 2018

THƠ TRƯỚC 1965. II

Đinh Cường 

Tranh Đinh Cường

vĩnh viễn

anh vẫn trở về đêm khuya thắp hàng bạch lạp tách nước trà nguội như căn phòng có nhiều vết loang anh đồ lên thành khuôn mặt em hai mắt to đen là nh. với chiếc trâm cài trên tóc.
con đường buổi chiều là tấm thảm anh đưa em về với tiếng hát của trang sương mù vữa trên dãy núi xa còn lại một tí mặt trời sáng dịu như màu áo dài xanh non em phơi rồi để quên
là nh. với dáng vai gầy bắt được
làm sao anh nói ra, lời lẽ giản dị như ca-dao và tình yêu hồn nhiên như rừng núi hồn nhiên như hơi thở em anh lắng nghe bằng tiếng tim
là nh. với đêm dài mộ huyệt
cho anh gọi em một lần rất nhỏ như phi-lao như tiếng sao vỡ nửa khuya em ngửa mặt cười nghe lệ rớt
là nh. với bản serenata buổi chiều buồn hơn bao giờ
là nh. với niềm sầu đau vĩnh viễn.


qui nhơn

xe ngừng lại giấc nghỉ trưa
cho tôi xuống vội để vừa kịp thăm
núi còn những mấy nghìn năm
mây bay buồn xuống ngang tầm mắt tôi


nửa mặt

tiếng hát dạ lan này
nghe hồn anh mỏi mệt
chiều âm thầm qua đây
biển sa mù mải miết
biển đông sầu mải miết
hải đăng làm mắt chong
anh ngồi trên cát lạnh
em giờ xa ngàn trùng
chiều ơi chiều xuống chậm
mây bay qua chập chùng
gió lưng đèo thổi mạnh
mưa trên đèo đó nhung
anh còn đi biền-biệt
những ngày qua ngày qua
con ngựa hồng đã chết
anh hát bài sahara
sa-mạc mờ bụi đỏ
cát bỏng bàn chân này
nửa mặt mình lệ chảy
nửa mặt mình máu vây
còn chi mà nói nữa
em đưa anh cầm tay


valse

Khi nàng mở mắt to nhìn lên
tóc nàng chảy xuống như điệu vũ
từng cánh hoa hồng rơi
ngoài bờ sông những ngọn đèn sáng lên, vai cầu trắng
tóc nàng mắt nàng
nuôi chàng sổng từng mùa đông
chàng gọi nàng âu-yếm
như trên đồi cao đầy cỏ may
chàng hôn nàng ở đó.
khi nàng mở mắt to nhìn lên
mây hãi hùng đổ xuống
và gió, gió trên đồi cao
chàng và nàng chạy đuổi
bằng chân không.
ngoài bờ sông những ngọn đèn sáng lên, vai cầu trắng
thành phố sương mù
nàng gầy như lau sậy
tóc nàng mắt nàng
với mầu áo lụa đen chàng lẩn trốn
chàng quên hết
đó là siêu hình riêng của chàng
hạnh phúc dịu dàng như đồng cỏ
nàng hát buổi chiều như sao băng

ĐINH CƯỜNG
(Nguồn: Trần Hoài Thư. Thư Quán Bản Thảo)


Monday, January 29, 2018

ENTHUSIASM

Hoàng Xuân Sơn

Cậu bé và quả bóng tròn.
Nguồn: Nghệ thuật phản kháng. Trịnh Thanh Thủy

Khí thế khí thế
Có thật không khí thế
Quả bóng căng quả bóng xìu
Trong vòng rào nhỏ bé vui chơi đủ kiểu
Cái bẫy tâm linh đánh lừa
Khúc tự sướng

Trên quả bóng da lăn qua phía mặc cảm tự hào

Gió đưa người phất
Chừng nào chừng nào
Rừng người biển cờ rợp trời biểu ngữ
Giữ lời hô hào
Nhào xuống đường đòi lại biển đảo
Đòi nước trong thức ăn sạch
Chừng nào khối người cùng một khí thế
Kết thiêng liêng thành những lá chắn
Sá gì những cú đấm đạp
Những trò bắt bớ chỉ là mụn ghẻ ngoài da
Là khi quả bóng thực sự
Lăn về phía mặt trời

HXS
Tháng Giêng 2018

ĐÊM. NGHE QUẠ KÊU

nguyễnxuânthiệp

Crows painting

“Vùng đất, nơi Margaret ở, trong truyện kể dân gian gọi là đất của quạ và diều. Mỗi sáng mỗi chiều, mở cửa sổ nhìn lên ngọn đồi Twelve Oaks, em đều thấy quạ họp từng đàn bay rợp, đáp xuống và kêu la. Và có đêm trăng sáng, nhìn ra vườn khuya, thấy bóng một con diều hâu (hawk) đậu trên ngọn cây khô, im lặng và cô đơn…”
   Đoạn văn trên là trong email của một người bạn gởi tới, gợi cho Nguyễn viết bài văn này khi đêm qua vừa nghe vẳng một tiếng quạ kêu trong vườn khuya.
  
Từ Ô Y Hạng rủ rê sang
Bóng ln đêm thâu tiếng rộn rang…
    Chắc chắn bóng quạ đen kêu đêm qua trong khu vườn trụi lá của tôi chẳng phải là những con quạ đến từ bài thơ đường luật của Quách Tấn tiên sinh, lại càng không phải là những chú quạ từ Ngõ Áo Đen (Ô Y Hạng) nào đó, nơi những bác thợ nhuộm ra vào sớm tối. Cũng không phải là bóng ác điểu đậu trên nấm mồ Bích Khê ở Thu Xà Quảng Ngãi, như thi sĩ đã có lời tiên tri lúc sinh thời. Chú quạ trong bài thơ không kêu một tiếng nào -dường như là vậy. Chú im lặng. Tuyệt im lặng. Như cái chết. Như mệnh số của thiên tài.

The raven

   Mệnh số. Có không? Không ai biết. Như Edgar Poe, chỉ còn nghe nevermore (trong The Raven - Con Quạ). Only this, and nothing more… Nó là vọng âm Lenore, tên người yêu yểu mệnh của thi sĩ. Từ nay mãi mãi không thấy nhau. Mãi mãi. Trong âm vang của tiếng gọi Lenore, Nguyễn cũng muốn gọi về một mảng quá khứ của thời xanh xưa. Hỡi nàng Đường Uyển trong Vườn Thẩm bên cầu cùng Lục Du - chỉ có những trái thông khô lăn bên triền dốc. Và bóng quạ chợt bay qua, tiếng kêu vọng lại dưới trời đêm. Nevermore. Thơ ai khắc trên đá tảng và trên vỏ cây còn mùi nhựa ngái. Còn không? Nevermore. Chỉ là mùi hương đã ở ngoài trí nhớ người.
   Ô hay! Tôi lại làm thơ nữa rồi. Lòng những tưởng sẽ dừng lại ở dòng viết này. Như một khúc ly ca. Nhưng hốt nhiên, tiếng quạ trong vườn khuya đêm qua khiến liên tưởng đến nàng Lenore của Edgar Poe và nàng Đường Uyển của Lục Du. Đồng thời nó cũng gợi lên những bóng quạ đen trên lưu đày thời miền Nam đổi chủ. Và bóng quạ đen trên sân nắng một buổi trưa khi còn ở Mira Mesa, San Diego. Như vậy tại sao không viết tiếp để gom tất cả lại thàng một Tứ Đại Oán thời nay. Vậy xin tiếp nối sau đây.
   Thi sĩ Phạm Công Thiện đã “đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất” và đã nhìn thấy những bóng quạ đen. A, những con quạ đen -ở đâu vậy cà, Greenwich Village, NY- hay từ ngõ áo đen Ô Y Hạng- những con quạ đen vừa đi vừa té ngã, xiêu vẹo –như bóng triết gia ngộ chân lý (?) -lại có những con đầu trọc chừng như vừa qua khổ dịch đội đá bắc cầu cho đôi lứa yêu nhau ngày nọ?
   Thi sĩ Phạm Công Thiện “đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất” và thấy được những hình ảnh vừa âm u vừa thơ mộng, lại vang vang tư tưởng của triết gia. Riêng Nguyễn và các bạn đồng hội đồng thuyền đã đi cho hết cả ba ngàn đêm hoang vu trên mặt đất quê nhà thời đổi chủ và đã thấy những bóng quạ đen như ác mộng trên phần kiếp của mình. Thuở ấy, những thân tù xanh lướt như rau tàu bay, như ngải đắng của vùng gió Mán mưa Tày, soi bóng xuống mặt nước xanh chàm của Thác Bà cùng với bóng những cây trầm thủy. Những cái bóng ấy, dừng lại một hai nơi, rồi lại đi khi có “lệnh trên” (đây là trên “khung”, bộ chỉ huy trại tù của VC) vì kẻ thù từ Trung Quốc tràn qua bám theo đuôi ngựa. Đi, đi… Qua đồi sắn, nương khoai, ruộng bậc thang và bóng nhà sàn vọng tiếng mỏ trâu trong chiều, qua những đồi cọ dưới trời Hà Tuyên nắng rực trên vai áo rách bạc màu, hướng về những đồi chè Bắc Thái. Dừng lại rồi đi tiếp vì kẻ thù vẫn bám riết. Đi, qua ngã ba Đồng Lộc về tới Thành Đá Xanh Thời Trung Cổ.
   Vâng. Ngày ấy, năm 1979, Nguyễn và các bạn làm thơ làm nhạc bị giam ở Thanh Chương, Nghệ Tĩnh  -có Hà Thượng Nhân, Vũ Đức Nghiêm, Tô Thùy Yên, Chu A Hạnh, Nguyễn Trung Dũng, Xuân Bích…- cùng khoảng một ngàn anh em khác. Thanh Chương là vùng đất khô cằn, núi đá trùng điệp, ngay bên cạnh trại cũng có một ngọn núi đá. Từng ngày, tiếng mìn phá núi vang dội, đôi khi có cả những cục đá to rơi kinh hoàng trên mái trại. Từng ngày, anh  em bạn tù dung xe cải tiến (xe cút kít) đi xúc đá, chở đá. Cả một vùng đá núi khô cằn, cỏ cây xơ xác. Và những cơn gió Lào  trong mùa nắng cháy không ngớt thổi về làm đỏ hoe con mắt, khô héo ruột gan tù.  Ở đây, chỉ khoảng một năm, đã có ba ban tù rũ áo: Lê Thơm, Hậu và một người nữa không nhớ tên (có phải là Nghĩa?). Đây là đất của diều và quạ. Đêm thường nghe vọng

Ác điểu ngày đêm gào xáo xác
Dường như cả thế giới lâm chung
                            (Tô Thùy Yên)
Đêm qua. trăng ngủ. đầu ngọn khuya
Quạ quắp. trái tim ta. lên núi
                             (Nguyễn Xuân Thiệp)

   Như thế đấy, bóng quạ kêu trong đêm nguyệt tận nào phải “nguyệt minh tinh hi… ô thước nam phi”  như trong bài phú Tiền Xích Bích của ông Tô Tử ngày xưa.  Cũng không phải tiếng quạ trên bến cây phong “nguyệt lạc ô đề…” Ôi, tiếng quạ kêu dưới những lán trại xác xơ trong thành đá xanh ngày ấy. Rồi cũng ở Thanh Chương Nghệ Tĩnh, những trưa tù đốt rừng, hừng hực nóng, khói và sâu bọ cuồn cuộn lên, khiến lũ quạ bay đảo đầy trời. Chúng kêu rân, họng đầy máu… Tiếng kêu của những phù thủy áo đen ấy, tưởng như  báo điềm gở, làm cho bầu trời lạnh băng, không gian chợt tối lại.
   Gĩa từ tiếng quạ của đất tù ngày ấy, tôi đi… qua biển rộng, qua những chiếc cầu hoàng hôn, những bến cảng sương mù, những xa lộ thời gian… Để đến trên ngọn đồi Penasquitos

buổi trưa nhìn nắng xế
trên sân. bóng quạ què
kêu. kêu. từng giọt máu…

   Như vậy đó, ôi cuộc hành trình nhân sinh và đời đã qua biết mấy nhịp cầu. Để gặp lại tiếng quạ trong vườn khuya trụi lá đêm qua.
   Phải chăng đã hoàn thành một Tứ Đại Oán để gởi người thời nay?

NXT





VỀ. BIỂN NGƯỜI

Vương Ngọc Minh

Tranh Vương Ngọc Minh

“gia đình hạnh phúc chỉ có một loại thôi, nhưng gia đình bất hạnh thì tất cả đều khác nhau..” truyện anna Karenina bắt đầu như thế

buông sách xuống
tôi lên facebook lung tung
một đỗi thì
vừa
đứng vẽ (với mấy cơn động tâm
- nhẹ!) tôi
vừa tiếp tục đảo mắt phía màn hình
facebook

dường chúa xuân
đang lảng vảng
- và
bảo tôi “mày hãy bước ra khỏi đây
đi!”

rõ ràng
tai nghe như thế
mắt chớp liền liền
tôi thấy bộ đồ chúa xuân
vận
một hiện thực
khá cổ lỗ sĩ

ông ta đứng ngay
cạnh bên
tôi ngửi được cả hơi thở nồng mùi giấy cũ
giày mốc
của chúa xuân

tay vẽ thoăn thoắt
mắt cứ nhìn chằm chằm vào chúa xuân
tôi nghĩ “quái
tại sao (!) chàng bảo mình ra khỏi đây
đi

đi đâu!” phải nhắm mắt
cùng lúc tôi nói “này
đây
cóc bận tâm đến ông
nhá!” chừng

khoảng- thoáng chốc
mở mắt 
chúa xuân biến

nhìn vào khung toan
đập vô mắt tôi câu văn của anna Karenina
ghi ở trên
từng chữ biết quẫy động
bơi

toàn thân ướt đẫm mồ hôi
sướng
tái tê
- ối
đấy lại vấn đề
hoàn toàn
mang tính cách riêng (tư)

nhá!
..
VƯƠNG NGỌC MINH.

Sunday, January 28, 2018

HẾT CHUYỆN FRANTZ, TỚI VÃN(G) MONTRÉAL


Hồ Đình Nghiêm

Montréal

Đến thành phố thậm xưng là Mộng Lệ An, vào các cửa hàng, bạn thường đón nghe: “BonjourHi”. Lời chào hỏi hơi bị lạ tai kia chỉ nhằm gửi kèm một dọ hỏi không tiện thốt ra: Bạn nói tiếng Pháp hay tiếng Anh? Thăm dò? Do đâu? Cớ sự là do bởi ngày nay dân bản xứ ưa sử dụng tiếng Anh trong khi cha ông chúng trước đây chỉ léo nhéo có duy mỗi Pháp văn. Montréal được ví là thành phố pạt-lê-phờ-răng-xe đông chỉ kém Paris. Thống kê mới, cho ra kết quả: 65% nói tiếng Pháp. 15.4% nói tiếng Anh. Số phần trăm lẻ tẻ còn lại thì nói ngôn ngữ hùm bà lằng. Hoa tay múa chân cũng ô-kê khi giao tiếp nhưng chẳng cho vào bảng sắp hạng. Dưới thống kê có đánh một cái hoa thị (*): Theo đà này, tương lai việc sử dụng tiếng Pháp chắc sẽ giảm sút! (Bonjour Tristesse).

Bi quan nẩy sinh dựa vào những thăm hỏi dân tình. Người già than: Lỗi này vì bọn di dân đến càng lúc càng nhiều. Tabarnak! (Tiếng chửi thề bí hiểm của dân địa phương). Lại thêm: Chủ các hãng xưởng đa phần do bọn Ăng-lê làm sếp sòng! Cơ khổ! Lời phân trần cũng đáng tin lắm. Ngay trước trạm métro Mont-Royal có khắc vào tường gạch nung câu thơ, đại để: Năm giờ sáng giấc ngủ chúng ta bị quấy phá, đông đảo thành phần  chúng nó đang rậm rật đi cày… Một mặt chửi xéo bọn lao động chân tay khác giống nòi, đồng thời lại tự vạch áo mình ra: lười biếng, thích hưởng thụ?

Phóng viên đài Radio Canada xách camera đi vào sân trường giờ ra chơi, hỏi mấy cậu nhóc vừa bước chân lên trung học: Cớ sao các em thích nói tiếng Anh thế? Giả nhời: Đơn giản thôi mấy bác ạ. Chúng cháu nói thật nhé, phim ảnh của Hồ Ly Vọng nó phong phú và hay cỡ đó. Các games về trò chơi điện tử cũng do bọn Mỹ quốc làm ra, ê hề. Rồi âm nhạc, rock’n roll các thứ thảy chiếm lĩnh thị trường. Mình ở Québec, phải khách quan mà nhìn nhận, những thứ dính tới tiếng Pháp có thứ nào ngon lành đâu! Hai ba đứa nhóc tì ùa theo, góp lời bằng một tràng tiếng Anh như gió cuốn hoa rơi, phóng viên có vị lúng túng bộ tịch như e lệ… huyền (cái trâm em cài là cái chai em cầm. Đúng không hỡi cô Mai Lệ Huyền ngày nọ?)

Ở trên chỉ là khúc dạo đầu về chuyện ngôn ngữ suy thịnh chốn đây. Khách nhàn du có muốn ghé lợi thì nên nắm bắt trước, như kiểu ra đường thì chịu khó trông chừng nắng mưa. Hàn thử biểu ở phố ni từng ghi nhận, lạnh quẹo chấu: - 38 độ C (tháng 1,1957). Nóng chảy mỡ: 37.6, tương đương 100 độ F (tháng 8,1975). Trung bình cọng, bù qua xớt lại, vào đầu mùa Thu là khí trời mát mẻ, là tình tứ, là dễ dzung dzăng. Cảnh vui người có buồn đâu bao giờ? Mà đồ chừng không gian nọ thích hợp cho bao thi nhân tức cảnh sinh tình? E hổng có em.

Montréal có một cái khách sạn nổi tiếng mang tên Queen Elizabeth. Vào đầu tháng 6 (mát giời) năm 1969, John Lennon thức giấc trong khách sạn này để viết nên ca khúc Give Peace a Chance. Có thể vì mang thương hiệu nữ hoàng nên khách sạn này đã thu hút các nhân vật đình đám ghé trọ qua đêm: Charles de Gaule, Fidel Castro, nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, công chúa Grace của Monaco, Indira Gandhi, Nelson Mandala, Dalai Lama…

Leonard Cohen

Phố mộng này cũng từng lưu dấu chân Leonard Cohen (1934-2016) khi thi sĩ trải qua những ngày gian khổ thời còn là sinh viên. Thế hệ sau, đẻ ra cô ca sĩ vang danh thiên hạ: Céline Dion (mà sao kỳ, tui hổng thích ẻm chút nào trơn trọi, hén). Niềm tự hào, cục cưng của Québec và toàn cõi Canada (bị ít nhân tài?). Chính phủ liên bang đã từng báo động: Chúng ta đang hao hụt chất xám! Bởi giản dị chúng ta hổng đủ ngân sách để chi trả, nuôi dưỡng, bảo vệ những tài năng. Thông minh xuất chúng, phát minh ra thứ gì, dù bé nhỏ, đại gia láng giềng Mỹ đều bỏ tiền ra mua ráo trọi. Kỹ sư bác sĩ bên xứ cờ huê lương lậu họ trả gấp đôi xứ lá phong, nghe dễ nực gà! Nói nào ngay, những ban nhạc khét tiếng bên Anh mù sương (UK) cũng bay sang Hợp chủng quốc mới tìm ra thông lộ, mới tinh hoa phát tiết ra ngoài. Leonard Cohen cũng xêm xêm, lạy mẹ con đi ạ, chốn này hổng có đất dụng võ. Mình thích bài Everybody Knows của ổng:

….
everybody knows that the war is over
everybody knows the good guys lost
everybody knows the fight was fixed
the poor stay poor, the rich get rich
that’s how it goes
everybody knows
….
everybody knows that you love me baby
everybody knows that you really do
everybody knows that you’ve been faithful
ah give or take a night or two
everybody knows you’ve been discreet
but there were so many people you just had to meet
without your clothes
….

Ngậm ngùi liên tưởng tới phần đất bỏ lại sau lưng. Lạc loài sang ngụ ở thành phố được dựng nên tên tuổi vào cuối thế kỷ 17. Ngày đó không mấy đông, bây chừ chốn đây đã lên tới hơn một triệu bảy (1.700.000) cư dân. Có ba cư dân là anh Hoàng Xuân Sơn, chị Tố Nghi và kẻ hèn này vẫn gặp gỡ trên Phố Văn (hổng biết chừng nào gặp trong tim… Hortons?) Như có thưa dịp trước, chị Tố Nghi có biệt tài luận chuyện phim (bi kịch cuộc đời được thu nhỏ). Khúc chiết, ngọn ngành, xác tín và đưa ra được một cảm nhận đầy thi vị. Lời văn vui nhộn, lôi cuốn đi kèm tính bác học thông hiểu nhiều lãnh vực dễ khiến thuyết phục người nghe. Không khéo mà nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp sẽ mở rộng một góc phố để cho chị Tố Nghi “đăng ký” một trang bàn chuyện phim ảnh kịch trường. Khi ấy đứa mang tên Hồ tiên sanh sẽ vui thú đi theo làm phụ tá đạo diễn. Action. Cut. Cut… Sao Ai nói mà Du hổng mần?

Người như Tố Nghi thì mình tin là chị đã từng xem qua phim Notebook từng lấy đi bao nước mắt của bá tánh. Sản xuất năm 2004 với tài tử điển trai Ryan Gosling dân Cà na điên. Phim phỏng theo cuốn truyện mang cùng tên do Nicholas Sparks viết vào năm 1996. Hoặc mới đây, tuy không chứa nhiều kịch tính như Notebook, phim Paterson (director: Jim Jarmusch. 2016) chắc sẽ hợp thị hiếu mỹ cảm của chị Tố Nghi bởi tính cách thi vị nó chứa đựng. Có không ít lời bình luận rằng “sự tẻ nhạt khiến tôi ngủ gục”, nhưng… nhân vật chính, anh chàng tài xế lái xe buýt mỗi ngày chạy đúng một lộ trình quen thuộc đó siêng hý hoáy… làm thơ. Diễn tiến câu chuyện chỉ gom trong một tuần lễ, trình bày toàn bộ những thứ nhỏ nhặt thường hằng trong đời sống và cái thái độ mà anh ta chấp nhận nó. Quan điểm, cách tỏ bày của anh thu tóm trong một câu thoại: “Đôi khi những trang giấy trắng (và trống) là biểu hiện cho những điều có thể xẩy ra” (nhà thơ có khác). Phim thật giản đơn, chẳng dựng tình huống căng thẳng. Nhưng nói theo cách của Leonardo da Vinci: Sự đơn giản là thứ rất mực cầu kỳ!

Mình cũng đồng ý về nhận xét của chị Tố Nghi về cái “giàu có” của gam màu đen trắng. Mình thích phim Lolita 1962 hơn bản tếch-ních-cu-lơ 1997. Đen trắng có vẻ hợp cho mối tình rồ dại (loạn luân?) cuồng si trong mê lộ. Và Rashomon. Cơn mưa xối xả trên mái chùa hoang đổ. Màu nắng nhễ nhại trút xuống cánh rừng vắng, hiện trường xẩy ra vụ án… phim màu sẽ không chuyển tải hết được thứ không gian chứa nhiều nghi vấn như vậy, hư thực trộn lẫn làm nên bi kịch của một kiếp người. Như ở Frantz, khéo léo sắp đặt ngay cả cái tựa phim, một nhân vật không xuất hiện tựa bóng ma. Là đầu mối, là nguồn cơn tạo ra những chằng chéo mà kẻ sống còn phải bày trò để đương cự, với niềm tin mơ hồ. Nhìn chung, giá trị một cuốn phim có sức quyến dụ thường gửi theo một thông điệp và người đón nhận tự suy diễn lấy theo cách cảm nhận của riêng họ.

Montréal có gì lạ không em? Dạ thưa anh, chốn nào mà ta chẳng nhìn thấy ở đó chút lạ, quen? Em chưa nói tới chuyện hàng quán tại vì tác giả “Ăn Chơi Ăn Thiệt” giàu kinh nghiệm hơn ở vấn đề ẩm thực. Chị Tố Nghi à, nếu binh nhì địa phương quân như tui bị vây khốn bởi cả ngàn câu hỏi kiểu đó thì chắc phải “đánh công văn” xin cầu cứu. Chị có là người bạn đồng minh chẳng hề tháo chạy không? Dị đi hén. Chơi tới bến luôn nghen. Gồng mình kể chuyện nữa nha.

Dạ thưa quý vị, đất lạnh tình nồng chúng tôi sẵn lòng hầu chuyện cho qua đêm dài lắm mộng. Hẹn gặp lại trên Phố Văn. Tết đang gần kề, năm Tuất, hổng lẽ mình bàn tới phim Câu Chuyện Về Chú Chó Hachiko có Richard Gere diễn xuất? Một chú chó mỗi ngày ra sân ga, chờ đợi chủ mỏi mòn  trong suốt 9 năm cho tới hồi kiệt sức nằm chết ở sân ga vắng lạnh. Ôi, sự thuỷ chung vô ngần ấy khiến con người phải che mặt hổ thẹn! Biết nói chi thêm?

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

Saturday, January 27, 2018

THƠ NGẮN ĐỖ NGHÊ

Bản Anh ngữ Phan Tấn Hải, 01.2018




Trái đất

Giữa đêm
Thức giấc
Giữa ngày…

Đỗ Nghê, Boston 1993

.
Earth

In middle of the night
Awakening
In middle of the day…

Do Nghe, Boston 1993


Sóng

Sóng
Quằn quại
Thét gào

Không  nhớ
Mình
Là nước

Đỗ Nghê


Waves

The waves
Wriggle
Roar

Forgetting
Of being
Water

Do Nghe
        

Nước

Nước từ đâu đến
Nước trôi về đâu
Từ con suối nhỏ
Từ dòng sông sâu
Từ khe núi lở
Từ dưới nhịp cầu
Từ cơn thác lũ
Từ giọt mưa rơi

Nước đến từ đâu
Nước trôi về đâu
Từ cơn gió thoảng
Từ làn mây trôi
Từ hơi biển mặn
Từ phía mặt trời

Nước vẫn muôn đời
Không đi chẳng đến
Ai người nỡ hỏi
Nước đến từ đâu
Ai người nỡ hỏi
Nước trôi về đâu…

Đỗ Nghê, Paris 1997


Water

From where the water comes
To where the water flows
From a small stream
From a deep river
From a steep ravine
From beneath the bridges
From a massive flood
From falling raindrops
.
From where the water comes
To where the water flows
From a breeze of wind
From a floating cloud
From salty sea air
From the sun’s rays

Water forever
neither comes nor goes
Who has the heart to ask
from where the water comes
Who has the heart to ask
to where the water flows

Do Nghe, Paris, 1997


Bông hồng cho mẹ

Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…

Đỗ Nghê, 2012

A rose for Mom

I put on myself a white rose
and give Mom a red one
Mom, be sure to put it on a lapel
Grandma is waiting at the other shore of the river…

Do Nghe (2012)


Giỗ một dòng sông

Sông ơi cứ chảy
Cứ chảy về trời
Cứ về biển khơi
Cứ làm suối ngọt
Cứ làm thác cao
Cứ đổ ầm ào
Cứ làm gió nổi
Cứ làm mây trôi…

Sông ơi cứ chảy
Chảy khắp châu thân
Chảy tràn ra mắt
Chảy vùi bên tai

Dòng sông không tắt

Dòng sông chảy hoài…

Đỗ Nghê


Memorial service for a river

Dear river, just keep flowing
keep flowing to the sky
keep flowing to the ocean
keep being a sweet stream
keep being a high waterfall
keep swirling and gushing
keep becoming the howling wind
keep becoming the floating clouds

Dear river, just keep flowing
flow all over the body
flow throughout the eyes
flow all through the ears

The river doesn’t give up
The river flows forever…

Do Nghe


Vè thiền tập

Thả lỏng toàn thân
Như treo móc áo
Ngồi xếp bằng tròn
Vai ngang lưng sổ
Dõi theo hơi thở
Như mượn từ xa
Khi vào khi ra
Khi sâu khi cạn

Chú tâm quãng lặng
“Pranasati”
Hơi thở xẹp xì
Thân tâm an tịnh
Không còn ý tưởng
Chẳng có thời gian
Hạt bụi lang thang
Dính vào hơi thở
Duyên sinh vô ngã
Ngũ uẩn giai không
Từ đó thong dong
Thõng tay vào chợ…

Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê)


Meditation verse

Relax your whole body
just like to hang clothes on a coat hanger
Sit in cross-legged position
with your back straight, shoulders horizontal
Focus your mind on the breaths
just like borrowing something from afar
Breathing in and out

Breathing deep and low
Focus your mind on the quiet between
“Pranasati”
When the breaths almost vanish
your mind and body become still and pure
Thoughts cease to exist
Time  disappears
Only the wandering dust
attaches to the breaths
See that all things are dependent arising and non-self
See that the five aggregates are emptiness
Thereafter you can leisurely
enter the marketplace.

DO HONG NGOC (DO NGHE)
(translated by Phan Tấn Hải, 01-2018)