Trương Văn Dân
Khi
tập san văn học Quán Văn vừa ra mắt đâu đến số 10 thì vợ chồng nhà văn
Ban Mai - Nghĩa có dịp vào Sài Gòn và gọi điện nhờ tôi hướng dẫn lên thăm tòa
soạn và chủ bút Nguyên Minh. Tôi vui vẻ nhận lời.
Sau
chầu cà phê cả ba lấy xe máy chạy và dừng
lại trước căn nhà
nhỏ có ba tầng ở Gò vấp. Trước, tầng
cao nhất, có cửa sổ nhìn ra sân bay TSN
là phòng ngủ của vợ chồng NM và cũng
là văn phòng được dùng làm nơi tiếp đón
bạn bè. Nhưng vài tuần trước đó, giữa năm 2012, Phượng, con gái NM theo chồng,
dời nhà ra Bình Dương thì anh lấy căn phòng của con gái ở tầng một làm toà soạn.
Tòa soạn này chỉ rộng chừng hơn 10
m2 nên về sau được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gọi là cái chuồng cu. Tuy không lớn, nhưng có hôm sức chứa của nó lên đến 25
người, chưa kể bàn ghế máy móc và các kệ sách.
Kích thước linh động
này là nhờ tài thiết kế của họa sĩ (kiêm thợ mộc) Nguyễn Sông Ba, anh đã vẽ và
mua ván đóng những chiếc băng dài, vừa
làm hòm đựng vật dụng vừa làm ghế
ngồi, nên dù có đông người thì vẫn …khéo co thì ấm.
Trên
bàn làm việc, tôi nhìn thấy một bức hình soi lớn mà Nguyễn Sông Ba đã ghép Nguyên
Minh ngồi trầm tư bên cửa sổ, trên đầu có một chiếc máy bay đang cất cánh.
Nguyên Minh
Vì nằm ở tầng thấp nên lúc bước vào TS tôi nhìn thấy sân bay thật mênh mông. Một thảm cỏ xanh trải dài ra tận phía chân trời.
Bữa đó, trên không còn có một đàn chim én hơn 100
con uốn éo bay luợn.Vũ khúc nhịp nhàng theo hình
số 8...
Ngồi
ở đây có thể nhìn người và vật bay đi khắp bốn phương. Đông Tây Nam Bắc.
Khi
nghe tôi trầm trồ, chị Lan, vợ anh Nguyên Minh vừa pha trà vừa nói “ban đêm
nhìn thấy trăng sáng rực.”
Một
buổi sáng ngày mưa nhìn những đám sương mù trắng đục NM còn có cái nhìn thật
lãng mạn về cái “chuồng cu” nhỏ bé này: “..mọi
vật đều ẩn mình trong màu trắng như màu đám mây bay trên bầu trời chưa kịp
sáng. Mây bay trên trời. Sương phủ dưới đất.Tôi như đang đứng giữa, ngay ranh
giới giữa trời và đất. Lãng đãng trong cõi mênh mông đó.” (truyện ngắn “Loanh quanh lòng phố cũ”)
Buổi đầu tiên đến xông đất toàn soạn mới không có Elena, chỉ có tôi và vợ chồng
Ban Mai-Nghĩa. Ngoài NM còn có chị Lan
và cháu nội Đăng Khoa, lúc ấy chỉ mới hơn 3 tuổi...
Chị Lan là người lặng lẽ. Ít nói. Nhưng trên môi
lúc nào cũng có nụ cười, rất dễ thân thiện. Tuy chị không “làm” văn chương, nhưng chắc chắn là người có vai trò đặc biệt. Vì chị luôn đứng sau
lưng anh. Bên cạnh anh. Để anh toàn tâm toàn trí vào niềm đam mê của đời mình.
Sở dĩ
tôi nhắc đến cháu Đăng Khoa vì muốn tri ân một ân nhân “nhí” của QV : Một hôm Nguyên
Minh đùa “ông nội muốn in báo mà không có tiền”. Nó mở mắt nhìn ông rồi chạy đi
lấy con heo đất đưa cho: Nội đập ra lấy
tiền làm báo nhé.
Chỉ
nghe kể lại nhưng tôi biết là Nguyên Minh đã bật khóc vì cảm động. Con người giàu
cảm xúc như anh ít khi cưỡng lại được những giọt nước mắt.
&
Kể từ lúc tham gia Quán Văn, những lần đến TS tôi đều có cơ hội gặp gỡ vài thành viên cũ
của nhóm Ý Thức. Một số người đã bỏ viết. Những cộng tác sau này với QV phần
lớn đều là những người “mới”. Có điều cả YT và QV cùng có một chủ biên là NM
nên dễ bị hiểu (lầm) QV là YT …nối dài.
Thực ra, thời đại và hoàn cảnh đã khác xa nhiều, ngay cả những người của một
thời giờ cũng suy nghĩ khác thì làm sao..“nối”
được. Bây giờ Quán Văn chỉ thuần túy làm văn chương với ước muốn mang cái đẹp
và tính nhân văn đến với mọi người.
Tôi gặp và quen NM chỉ mấy năm gần
đây. Nhưng hình như định mệnh đã sắp xếp để chúng tôi “biết” nhau từ nhiều năm
trước để sau này cùng chung tay thực hiện Quán Văn chăng? Một hôm lên tòa soạn,
vừa thấy tôi NM liền bảo: “ Em vào đây! Vào đây! Ngồi xuống đi..anh chỉ cho xem
cái này”. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì anh đã với lấy tập san Ý Thức đóng thành
tập, gáy sờn, giấy đã úa vàng…rồi lật ra một trang đã đánh dấu. Tôi nhìn theo
tay anh, đọc, và vô cùng sửng sốt. Trời ơi! đấy là thư trả lời của Ý Thức sau lời
nhận định tích cực về nội dung và yêu cầu mua báo dài hạn của tôi, mấy tháng
trước khi lên đường du học.
Đó là số Ý Thức, tháng 3, 1971. Thời
gian đã 45 năm năm trời, tôi hoàn tòan không nhớ gì hết về việc này…và NM cũng
chỉ tìm thấy thật tình cờ, một hôm lần dở những trang báo cũ.
Trước
khi đến toàn soạn, Nghĩa và Ban Mai có hỏi về việc thành hình QV và tôi đã nói
là do một việc hết sức tình cờ: Chừng
tháng hai 2011… điêu khắc gia Phạm Văn Hạng cho biết là có một đặc san ở Đà Lạt
sắp làm một số đặc biệt và nhờ tôi gửi một bài viết về thư viện âm nhạc Trịnh
Công Sơn ở Ý. Tôi liền gửi bài viết “Thư viện của Người hát rong trên cõi tạm” [1]
cho
anh Hạng để nhờ chuyển vì không hề
biết tờ đặc san đó. Sau đó thì quên đi. Nhưng khoảng mấy tháng sau thì anh Hạng
hẹn gặp và tặng tôi tờ Khát Vọng có in bài viết. Điều làm tôi ngạc nhiên vì đây
là một đặc san tư nhân, có ghi là liên kết với một nhà xuất bản.Tôi không biết liên
kết nghĩa là gì, vội cầm lên hỏi anh Nguyên Minh. “ Mình có thể làm một đặc san
tương tự thế này không anh?”. Nguyên Minh trầm ngâm, mân mê tờ báo. Tôi bồi
thêm:“ Nếu hợp pháp thì mình làm như họ, mỗi năm 4 số, được không?” NM chưa kịp
trả lời tôi thì tôi nói tiếp “ chẳng lẽ mấy tay ờ Đà Lạt lại “đẹp trai” hơn anh
em mình? “ NM bật cười nhưng đôi mắt xanh của anh sáng rỡ. “Anh chưa biết!
Nhưng em để tờ báo lại đây đi. Anh sẽ hỏi Sâm Thương xem sao rồi tiến hành!”
Sau
khi liên hệ với nhà văn Sâm Thương và hiểu rõ các thủ tục pháp lý …NM liền gọi
các bạn văn như Nguyễn Hòa vcv, Hiếu Tân, Từ Sâm, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Ký Thương, Trần
Hồ Thúy Hằng…để bàn chuyện bài vở và tháng 10-2011 tờ Quán Văn số 001 ra đời.[2]
Buổi
ra mắt hôm đó có rất đông văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tham dự. Có cả sự
hiện hiện của các giảng viên đại học như Huỳnh Như Phương, Nhật Chiêu, Hoàng Kim Oanh. Lúc đầu
HKO rất e dè, nhưng sau vài số thì trở thành một thành viên tích cực của QV,
đóng góp nhiều ý kiến và liên kết với các trường DH. Đúng là :
Gặp nhau đâu phải tình cờ.
Từ vô lượng kiếp đã chờ
đợi nhau..
(Trần Thoại Nguyên).
Tôi
và NM đã chờ và chờ nhau suốt 40 năm…Các bạn cũ và mới đều là duyên tao ngộ.
Tôi còn kể cho Ban Mai
nghe là sau QV số 3 thì NM đuối sức. Bài vở, công việc, in ấn…“ Chắc báo ra hàng
tháng không nổi đâu em”. “Tụi em sao cũng được, nhưng anh phải giữ gìn sức
khỏe. Hai tháng/ số. Ba tháng /số tùy sức anh thôi”. “Chắc làm 3 tháng /số”
Thống
nhứt vậy nhưng ngày hôm sau NM gọi điện kêu tôi lên nhà . “Không được rồi em
ơi! Đêm qua anh trằn trọc suốt. Mỗi năm 4 số, nếu anh sống thêm 10 năm nữa thì
chỉ làm được 30 số..rồi “tiêu” sao? Không.
Phải ráng mỗi tháng một số! ”
Phải ráng mỗi tháng một số! ”
Tưởng anh sẽ đuối…không
ngờ là về sau, càng làm QV anh càng trẻ lại! Bây giờ có thể nói là sức khỏe của
anh có phần tốt hơn nhiều năm trước!
Nhờ
nhiều năm làm chủ biên tạp chí Ý Thức (
trước 1975) và tính tình hòa nhã nên NM quen biết nhiều văn nghệ sĩ và tạo được
niềm tin cho độc giả cũng như anh em trong giới cầm bút. Tuy nhiều năm vắng
bóng trên văn đàn, nhưng khi quyết định thực hiện Quán Văn, chẳng mấy chốc anh
đã đã quy tụ được nhiều cây bút tên tuổi trong và ngoài nước cộng tác.
Có
hai vấn đề khó khăn để làm một tờ báo văn chương: Bài vở lấy đâu? Thì đã được
giải quyết. Rồi tờ báo sẽ sống ra sao? NM muốn giữ tính độc lập nên cương quyết
không nhận tài trợ của bất kỳ ai. Đó là một dấu hỏi lớn, dĩ nhiên là anh em
chung tay góp sức rồi để thời gian sẽ trả lời.
Quán
Văn là tờ báo mà từ 5 năm qua, chẳng những không trả nhuận bút cho tác giả mà
tác giả còn phải mua báo vì không có báo tặng.
Với
cách làm đó, nhiều người bi quan cho rằng tờ báo sẽ ra được vài số rồi .. “ngủm”. Kẻ lạc
quan nhất cũng cho tối đa đến số 10 rồi đình bản. Nhưng thực tế đã chứng minh là nhờ nội dung mang ý tưởng nhân văn, nên tờ QV (đến nay đã có
số 40) cứ tự nhiên phát triển, và càng
ngày càng có đông người viết và bạn đọc. Dĩ nhiên bây giờ không còn không khí
xưa mà tôi từng biết một thời: mỗi lần ra báo là bạn đọc háo hức đón đợi trước
TS cả tuần. Cánh sinh viên, học sinh ngưỡng mộ các cây bút chủ lực đứng chờ
hàng giờ trước cửa toà soạn để mong gặp mặt. Người ở xa thì nôn nao chờ báo gửi
về, đọc, gửi thư, viết cảm nhận.
NM là người cởi mở. Trong Quán Văn, ngay từ số đầu
tiên anh đã mở rộng vòng tay đón nhận những cây bút mới.Trẻ. Theo anh,
văn chương không tuổi tác nên làm gì có ai già, ai trẻ, chỉ có những trang viết
biết yêu thương và kêu gọi yêu thương nhau trong cuộc đời này. “ Ngày sau sỏi
đá cũng cần có nhau” huống chi những con người biết suy tư. Chủ trương QV là yêu mãi cuộc đời này.
Nếu có thể xem những tờ báo là… những
mối tình thì Ý Thức mối tình đầu, thường
dang dở, chỉ ra có 24 số rồi phải đình bản, còn Quán Văn là mối tình thứ hai, từng trải và kinh nghiệm, tình đậm đà và sâu sắc nên
đến nay đã in đến số 40.
Một
độc giả có lẽ vì quá yêu thích Quán Văn
nên đã cường điệu cho rằng tập san này tuy in số lượng không nhiều những sẽ ghi dấu ấn vào văn học VN như TLVĐ!
Sau khi vượt qua cải ngưỡng số 10 thì QV được nhiều người biết đến. Người cộng
tác càng lúc càng đông, bài vở bắt đầu gửi về liên tục. Bắt đầu xuất hiện những
cây bút thành danh trong và ngoài nước. Phải làm nhỏ co chữ mới đủ chổ để đăng.
Nhưng, một số độc giả có tuổi cho là khó đọc nên thử nghiệm bất thành. Quán Văn
từ 180 trang, có khi tăng đến 280 trang, vẫn không tăng giá bán. Số sau “sang”
hơn số trước. Thế nhưng số người mua vẫn không tăng. Ngay cả những người sinh
hoạt trong giới văn chương chữ nghĩa, như nhà giáo dạy văn, các giáo sư đại học,
lý luận phê bình. Phần lớn xem văn chỉ là “nghề” chứ không phải “nghiệp”. Để kiếm
sống chứ không vì đam mê. Thêm vào đó, văn hóa sách chùa, biếu không để quảng
cáo tuyên truyền, khỏi mất tiền mua…ảnh hưởng vào tâm thức người đọc thời nay khá
nặng.
Không
thể trách vì sao văn hóa đọc xuống cấp. Các thầy dạy văn không có đam mê làm
sao truyền được lửa yêu văn?
Thực
ra ủng hộ Quán Văn, mỗi bạn đọc hằng tháng chỉ bỏ ra một số tiền bằng ly cà
phê, đến gặp bạn bè, giao lưu với tác giả và mua những nụ cười …thì cũng không
phải là điều không thể.
Thế
nhưng người
ta có thể dễ dàng chi vài trăm cho một buổi ăn sáng, nhiều triệu cho một cuộc nhậu,
nhưng bỏ tiền mua sách thì..nhất định không. Dù khi nhận sách tặng thì phần lớn
đều ghi nhận QV là một tờ báo văn chương có chất lượng. Một nổ lực của những
người tâm huyết với văn chương…
Tuy ít người mua, nhưng QV vẫn sống đến nay.
5 năm! 40 số báo! Một tờ báo không có khả
năng tài chính để trả tiền nhuận bút hay tặng báo cho tác giả. Thậm chí tác giả
phải mua cho mình, và nhiều khi phải mua thêm vài cuốn để tặng bạn bè…Có lẽ lý
do nó tồn tại vì chủ biên là Nguyên Minh một ông già chịu chơi, 75 tuổi vẫn theo
nghiệp số một đời gắn với sách báo/chữ nghĩa. Vì người viết lẫn bạn đọc QV là
những người yêu văn chương, không háo danh hay vụ lợi. Tất cả đều cùng chung
tay góp sức để nó tồn tại. Mà thực ra mỗi tháng mua một số báo 60.000 đồng..,
chỉ bằng 1,2 ly cà phê…thì có gì là…bất khả? Có người còn mua mỗi số QV vài tập
để tặng bạn. Tặng một quyển sách thì khác gì mời bạn cà phê? Nhưng là thứ cà
phê tinh thần làm cho tâm hồn tỉnh táo thì chẳng phải là quà tặng cao cấp hay
sao?
Tuy
QV in không nhiều, thu nhập èo uột nhưng cũng không bao giờ đăng quảng cáo hay
những bài viết giật gân hay thời thượng để
“câu khách”. Lượng độc giả tăng hay giảm, là tùy ở nhận định của họ đối
với tờ báo. Thật khó cho người chủ biên
nào có thể giữ được lòng mình một cách khách quan như NM và nhờ tính cách ôn
hòa của anh mà QV tránh được tình trạng chọn những bài viết vì quyền lợi phe
nhóm .
Ngay
từ đầu NM đã gặp các cộng tác viên và thống nhứt về tiêu chí QV: Tập san phải đáp
ứng được các tiêu chí Chân - Thiện - Mỹ. Nó là sách văn học chứ không phải báo
chí nên không có tính nhất thời. Các bài viết phải là những “món ăn tinh thần” để
cuộc sống có thêm nhân ái, cao thượng và hào hiệp.
Chỉ
có những người tha thiết lắm mới là những độc giả dài hạn và xem Quán Văn là
người bạn tinh thần không thể thiếu.
Không nhiều. Nhưng chất lượng. Và những người cầm bút
của QV được an ủi biết bao khi có những độc giả gắn bó với mình, chia sẻ buồn
vui và trân trọng những gì mà hằng đêm họ miệt mài cày trên trang giấy:
Trong
buổi ra mắt QV 25, số đặc biệt về nhà
văn Lữ Quỳnh, một độc giả thân thiết của QV, Ngô thị Mỹ Lệ, đã nhận xét về tinh
thần của tờ báo và sự liên kết các thế hệ, đã có một phát biểu rất độc đáo: “ Sau 1975 tôi thất lạc những tác giả yêu
thích từ ngày thơ ấu, giờ đọc lại, được mỗi tháng cầm mỗi số Quán Văn trên tay
thì biết mình là người may mắn: được-tắm-không-chỉ-hai-lần mà-nhiều-lần-trên-một-dòng-sông….
Nếu nhà thơ Vũ Đình Liên hỏi một câu đầy
trăn trở mà không có câu trả lời “những người muôn năm cũ..” thì tôi sẽ trả lời
cho chính tôi: Thì đây, họ đang ở đây, ngồi quây quần bên tập san vhnt Quán Văn
do nhà văn Nguyên Minh chủ biên…”
Cảm
ơn Nguyên Minh đã kết nối tình yêu thương qua các
thế hệ.
Hơn
40 năm qua, chúng tôi những người yêu văn chương bị thất lạc và mải miết kiếm tìm nhau, bất chấp những ly loạn
hay khó khăn trong cuộc mưu sinh. Cuộc tìm kiếm nhọc
nhằn để nắm lấy tay nhau, để nói rằng chúng tôi yêu đời, yêu người, yêu đất nước
đã liền một dải.. để chia sẻ buồn vui, nỗi niềm, trăn trở.
Và một người đàn ông ở tuổi 70 đã can đảm đứng
lên, dựng cho chúng tôi một mái nhà chung.
Cứ
đến cuối tuần, thì TS chuồng cu lại trở thành điểm hẹn của giới văn nghệ sĩ.
Chúng tôi đến với nhau để bàn chuyện văn chương. Không giống như những tụ họp thông thường, ở
đây không bao giờ có chuyện thời sự, tranh cãi mà chỉ nói chuyện văn chương và về
các chủ đề sắp tới của QV.
Không khí của một toà soạn báo trong
những ngày chuẩn bị bài vở hay in thử rất tấp nập. Có khi các máy in cùng hoạt
động, tiếng máy rầm rập, đến nỗi sàn “chuồng cu” mong manh có lúc cũng rung
theo. Ấy vậy mà nhiều lần tôi thấy Nguyên Minh mặc áo lót trong cái nóng hầm
hập ngồi viết, sửa, biên tập, in thử… quên ngày, quên đêm. Thoạt đầu thấy anh
mê mải như vắt kiệt sức mình cho bạn bè và văn chương, thương, nhưng khi quan
sát kỹ nét mặt, nụ cười, mới nhận ra là anh đang rất thoả nguyện.
Phải chứng kiến những khi anh háo
hức giở từng trang báo vừa in xong, còn nguyên mùi mực, mới cảm nhận hết niềm
hạnh phúc của anh.
Đó là một minh chứng của quan niệm
Cho-là-Nhận.
Nguyên Minh là một người điều hành
toàn tâm toàn ý cho tờ báo. Anh luôn luôn bận rộn nên dù thích viết nhưng không
viết được nhiều. Một sự hy
sinh quá lớn cho bè bạn!
Những lần đến TS tôi thường thấy NM
ngồi một mình cô độc trong căn phòng bề
bộn đủ thứ giấy tờ, tranh bìa sách báo. Thỉnh thoảng lắm mới thấy sự hiện diện
của một người đặc biệt. Không liên
quan trực tiếp gì đến văn chương nhưng người ấy thực quan trọng. Đó là chị Lan,
vợ anh. Chị rất kiệm lời và luôn nhỏ nhẹ, khoan thai, chị như một hình bóng
lặng thầm, nhưng rất đỗi dịu mát giữa căn nhà và cũng là toà soạn ồn ã ấy.
Vì
chị Lan lặng lẽ nên không mấy người để ý. Nhưng theo tôi, chị mới là Tổng biên tập của tất cả những tờ báo, Ý
Thức lẫn Quán Văn. Vì nếu không có chị, chưa chắc các tờ báo văn học đã có thể ra đời. Nếu Nguyên Minh có thể thực
hiện những ước mơ của mình từ thời tóc hãy còn xanh cho đến tận bây giờ là nhờ
có chị Lan bên cạnh. Và theo tôi, chỉ có
thể là chị với tình cách diệu hiền ấy chứ không thể là một ai khác.
Ngoài việc viết lách, NM còn là một chuyên
gia về máy in. Niềm đam mê in sách từ lúc trẻ đã biến anh thành một tài năng in
ấn làm các kỹ sư về máy cũng bất ngờ. Anh học hỏi và nghiên cứu các tính năng
in, pha màu, các loại giấy phù hợp…có khi chỉnh sửa các khiếm khuyết mà nhà chế
tạo máy chưa nghĩ tới vì thiếu kinh nghiệm “ăn
nằm” với thực tế. Anh thay đổi máy liên tục dù điều kiện kinh tế gia đình
không phải hàng sung túc.
Nhớ một lần.. tôi vừa đến TS thì anh nói nhỏ.“Em làm
bộ như không biết gì nhé. Lát sẽ có người giao máy in mới. Hiệu quả cao, màu
rất đẹp.” Tôi chưa hiểu lý do thì đã có người đùng đùng đem máy tới. Trước cái
nhìn dọ hỏi của chị Lan, anh giải thích đó là máy cũ, tân trang, giá rẻ. Chị
Lan không nói gì, nhưng vài ngày sau khi tôi lên thì nghe chị phân trần. “ Ông
nói sao chứ máy in vậy mà giá chỉ10 triệu? Nếu máy có cũ mà chạy vậy thì giá ít
nhất phải 18-20 triệu.” NM cười xòa, “thì nói vậy để em khói tiếc tiền…” Nói
thế thôi, chứ chị cười hiền lành, không phiền hà gì. Chứng kiến mấy lần như vậy
nên tôi biết NM còn là một…tay nói dối vợ thuộc hàng…chuyên nghiệp. Dối mà không ..hại ai. Chỉ làm lợi..cho văn chương.
Nguyên Minh & Chị Lan
Chị Lan là người đàn bà nhân hậu và
hiền hòa. Là người ích phu vượn tử. Chăm sóc chồng con hết mực. Sự chăm sóc
giản đơn mà tinh tế ấy đã thổi vào cái tổ ấm của NM một không khí gia đình thực sự. Chị là một chỗ
dựa vững chắc nhất cho cuộc đời NM. Suốt đời chị gắn bó toàn vẹn với chồng con.
Cưu mang các con dâu rể. Các cháu đều ở chung.
Nếu trong đời sống có những lúc
thăng trầm thì những người viết văn, nói chung là nghệ sĩ, tâm hồn nhạy cảm, đều
là những đứa trẻ, bơ vơ, lạc lõng và yếu đuối. Đứa trẻ nào cũng luôn muốn
được an ủi, vỗ về, kể cả khi chẳng có lý do gì nghiêm trọng…thì bờ vai của
một người mà mình yêu thương, tôn trọng kề cận trong suốt quãng đời là vô cùng
quan trọng. Bờ vai của chị Lan chính là bờ vai êm ái nhất mà NM cảm thấy
bình an để thõa chí thực hiện mơ ước của mình.
Vì người vợ tuyệt vời kia phải kiên
nhẫn và bao dung như thế nào mới có thể chấp nhận để chồng mình chơi cái trò
cầm bút vô bổ, tiền nhuận bút không có mà in báo văn chương lỗ lã từ năm này
sang năm khác. Phải nói đó là một sự hy sinh. Một sự cảm thông và chia sẻ trọn
vẹn cho sự nghiệp của chồng.
Khi viết về nhà văn Kiệt Tấn
tôi cũng đã nói “Khi thiếu một bờ vai sẵn sàng cưu mang những gánh nặng áo cơm, tôi tin
không có nhà văn Việt Nam nào có thể tiếp tục cầm bút để viết hết tác phẩm này
đến tác phẩm khác được.”
Và vì nhận định đó cho nên tôi thường gọi tất cả những bà vợ
“quanh năm buôn bán ở mom sông”của những nhà văn nhà thơ đều là đồng-tác-giả, dù họ chưa một lần cầm
bút.
Nhưng thiếu họ thì tác phẩm không thể ra đời.”
“Sau
lưng một người đàn ông thành công bao giờ cũng có một người phụ nữ đảm đang”.
Câu ấy càng đúng trong trường hợp Nguyên Minh. Và dù người
điều hành là anh nhưng vai trò của người phụ nữ Tổng Biên Tập tên Lan thật vô cùng quan trọng.
&
Sau khi trò chuyện văn chương thật “đã”, nói theo cách NM, tôi và vợ chồng
Nghĩa-Ban Mai từ giã ra về. Lúc bước xuống Nghĩa mới nói là giờ mới để ý là
toàn bộ tầng dưới dùng làm “nhà” in, chỉ một phần nhỏ kê bộ sa lông làm phòng
khách.
Bước ra cửa Ban Mai dừng lại nhìn tấm bảng
hiệu “Quán Văn Y.T.” Tôi nhìn theo
và bất giác mỉm cười. Tại sao lại viết tắt? Y.T. là muốn nhắc lại Ý Thức hay có ẩn ý Yêu T. đây? T. chính là người yêu muôn thuở của NM. Bạn đọc QV chắc
ai cũng biết là T. này xuất hiện trên hầu hết các trang viết của NM kể từ lúc
anh cầm bút trở lại.
Chúng tôi chuẩn bị dắt xe ra thì từ nhà đối diện xuất
hiện một người đàn ông. Gã trừng mắt nhìn chúng tôi rồi nói lớn. Quán Văn.. Văn
gì? Hả? Vậy khi
nào rớt chữ V thành Quán Ăn đây??? Hả, lũ kia. Chúng tôi ngơ ngác chẳng
biết vì sao?
Anh
NM cho biết là từ ngày có TS….Thấy bạn bè tụ tập..họp hành...dựng xe trên con hẻm nhỏ nên gã dở dở ương ương này hay chửi mấy thằng
nhà văn là “những thằng ăn cắp”. Lúc đầu NM cũng thấy chướng tai nhưng
anh yên lặng. Thế nhưng một hôm ngứa miệng anh ra đối chất. Nè, nói gì lạ
vậy? Ai ăn cắp? Ăn cắp gì?
- Ăn cắp chữ!
NM sững sờ. Nhưng ngẫm nghĩ một lát... bỗng anh phá ra cười.
Thằng cha điên này nói đúng quá đi chứ! Thằng nhà văn mà
không ăn cắp chữ thì biết ăn cắp gì? Khổng Tử mà còn nói “thuật nhi bất tác”...Viết chỉ là kể, xào nấu lại ý tưởng của người
khác.
Thì ra “làm mới văn chương” đâu phải là chuyện dễ dàng!
Sài Gòn 9-2016.
Quán Văn 41- 11/2016
Viết nhân ngày kỷ niệm Quán Văn tròn 5 tuổi.
TVD
[1]
https://xunauvn.org/2012/03/31/th%C6%B0-vi%E1%BB%87n-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-hat-rong-tren-coi-t%E1%BA%A1m/
[2]
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=17048
[3] http://www.art2all.net/tho/truongvandan/tvd_kiettan_doikhithemchet.html
Bài viết hay quá tác giả ạ! đọc xong mà lòng ngơ ngẩn muốn vào Quán Văn quá đi...
ReplyDelete