Tuesday, November 15, 2016

TÌNH CA…


nguyentruongtrunghuy


Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

     Thơ và nhạc trước 1975, như là một quyền phép lạ lùng, vì nó mang cái hồn sâu kín, nó gợi nhớ, và nhắc nhớ….nhiều khi chỉ bằng vài từ, ngữ.
      Chỉ cần vài từ ngữ, sẽ thấy thênh thang cung đường về kỉ niệm…Một chút xanh xao, mơ hồ của thưở vừa biết yêu … & rơi một nỗi sầu quạnh quẽ…sầu đã rụng thành hoa…đã đơm bông kết trái thành những câu lục bát à ơi diễm tuyệt, vừa mang tâm sự hồn người, vừa tha thiết một tình với quê hương.
      Thơ Cung Trầm Tưởng là những thực thể sống động như thế, những hàng, những chữ nằm im lìm trên giấy, nhưng có sức lay động ghê gớm, và nhắc nhớ nhiều.

      Cung Trầm Tưởng gắn bó với giai đoạn đầu của thời chia đôi đất nước, qua thi tập Tình Ca, mười ba bài mà Phạm Duy đã phổ nhạc 6 bài, đó là Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Về Đây, Tương Phản (PD đổi thành Bên ni bên nớ), Khoác Kín (Phạm Duy đổi là Chiều Đông) và Chưa Bao Giờ Buồn Thế (Phạm Duy đổi thành Tiễn Em). Tất cả năm bài đều thuộc vào những bài thơ phổ nhạc tiêu biểu cho sự gặp gỡ giữa thi ca và âm nhạc ở cung cao sáng tạo.
      Những tác phẩm này phần nào đã ghi dấu một thời kỳ, thời kỳ mà những nhà thơ như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng… từ Pháp, đem theo tư tưởng Tây phương về như món quà tặng cho lớp trẻ.
Phạm Duy đã từng nhận xét về Cung Trầm Tưởng:
“…Saigon 1958. Chính quyền ở miền Nam đã đứng vững sau mấy năm thành lập. Người dân (nhất là người dân ở thành phố) sống trong an ninh và thịnh vượng hơn là trong thời chinh chiến vừa qua. Phòng trà mọc lên khá nhiều. Thế hệ ca sĩ thứ ba ra đời sau các thế hệ ca sĩ ”tiền bối ” Ái Liên, Thương Huyền, Thái Thanh v.v… Tân Nhạc ở miền Nam phát triển mạnh mẽ với xu hướng nhạc tình.
        Cung Trầm Tưởng, một thi sĩ trẻ vừa ở Paris về, đưa cho tôi mấy bài thơ để phổ nhạc trong đó có hai bài nói về mùa Thu và mùa Đông Paris. So với nhạc tình thời đó, hai bài này rất mới lạ cho nên được các nữ ca sĩ trẻ đẹp như Thanh Thúy, Thu Hương, Lệ Thanh trình bày hằng đêm tại các phòng trà. Các Đài Radio, các nhà xuất bản, các hãng làm đĩa hát đua nhau phổ biến những bài thơ phổ nhạc này của chúng tôi. Nó trở thành những tình khúc của một thời. Thời kỳ đẹp nhất của người Việt trong thế kỷ này chăng ?…”

        Thụy Khê đã từng nhận định về những bài thơ của Cung Trầm Tưởng được Phạm Duy phổ nhạc như sau….
        Kiếp Sau – Bài thơ rất ngắn, sau này Cung Trầm Tưởng có viết lại hai version khác, nhưng có lẽ vẫn không vượt được bản đầu in năm 1959 ở Sài gòn:

“Bù em một thoáng trời gần,
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
Bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em xuôi có ngàn thơ,
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
Quên thôi, bông sẽ phai hường,
mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu.
Non sông bóng mẹ sầu u,
mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu
Thôi em xanh mắt bồ câu,
vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau.”

         Kiếp Sau làm năm 1956. Hơn bốn mươi năm. Không một vết nhăn.
         Trò chuyện về thơ tức là chuyện trò với chữ -vấn đề ngữ sự- nói như Cung Trầm Tưởng.
Trước hết là chữ bù. Bù em. Phạm Duy có lẽ vì nhu cầu âm nhạc đã đổi ra đền. Đền em, nũng nịu, Tây hơn, hợp thời hơn, nhưng Bù em, mới hiếm, mới Việt. Chữ đền có nghĩa đổi trao, lấy đi rồi đền lại. Chữ bù chỉ thấy cho, chỉ “lấp đầy”. Nguyên lý lấp đầy lại rất phụ nữ, rất nhục cảm, rất Sartrien, rất Cung Trầm Tưởng. Bù lại gần với âm bu. Bu là gọi mẹ theo tiếng quê ta. Một người “Tây con” như Cung Trầm Tưởng thời ấy, làm thơ tặng những em “tóc vàng sợi nhỏ” mà lại viết Bù em thật tuyệt.
         Nhưng Phạm Duy có lý khi ông đổi lại là đền em. Ai cũng hiểu. Ở Phạm Duy là ý thức cộng đồng, ý thức dân ca, ở Cung Trầm Tưởng là ý thức biệt dã, ý thức thi ca. Bù em là ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ bùa chú khác lạ, không giống ai: Ngôn ngữ vừa được nhà thơ tác tạo. Cả bài thơ có hơi cổ điển, có hồn ca dao. Nhưng không phải ca dao thuần túy mà là ca dao đã hóa thân, cổ điển đã tục lụy.       
        “Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ”
Các cụ xưa đâu viết thế. Các cụ môn đăng hộ đối, đâu có thẩy bình dân “cũng rồi” ngồi chung chiếu với quý tộc “thiêu nương”. Rồi lại:
        “Thôi em xanh mắt bồ câu”
         Ca dao đâu viết thế. Ca dao thường trực tiếp, dễ hiểu: Em thôi, mắt xanh, hay mắt em, thôi xanh v.v… Nên khi gặp thôi em xanh mắt người đọc lạc vào mê đạo.

        “Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu”
         Toàn thể câu thơ là một bể hoang đường, lạc đất.
         Tất cả những “cũng rồi”, “mà xưa”, “nghe dường” gieo vào câu thơ ở những chỗ bất ngờ nhất, làm lỗi nhịp, làm đảo thần lục bát, phát sinh một hồi âm mới: Wagner hay Mozart? Phạm Duy hay Văn Cao? Có hết. Tất cả đồng quy ở tiếng gọi thiên thu hay tất cả đều đã hoang sơ?
         Cung Trầm Tưởng đã xướng lên một thứ cổ dao hiện đại:
         “Non sông bóng mẹ sầu u
          Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu”
          Những tiết tố âm nhạc, quá khứ, hiện tại, không gian, thời gian, ẩn hiện, giao tỏa với nhau. Những hình ảnh sáo mòn như “đơm hoa kết mộng”, “sông Thương trắc trở” được hồi sinh trong một kiếp mới, nhờ cách xếp câu, đảo tứ:

“Bù em một thoáng trời gần,
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
Bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em xuôi có ngàn thơ,
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương”
         Những cách treo chữ: cũng rồi, cũng ngần…, buông chữ: bù em, thôi em…, đảo chữ: mòn trông…, hoặc tạo cảnh: chiều lu mái sầu… đều có tính cách phá tán âm thanh lục bát, phá tan nội dung ca dao để tạo ra, về mặt thời gian, một tiếng gọi từ ngàn xưa vọng lại, về mặt âm thanh và tư tưởng, một khúc điệu mới, phong liệm nỗi buồn nguyên thủy, rồi nghiền tán nó ra, rắc vào không gian, gieo vào vũ trụ, tạo ra một môi trường buồn ẩm nhạc:

“Ngày đi, chiều tới không nghiêm,
khoan thai gió cởi phong niêm rũ buồn
Bờ nghiêng nắng giốc đường thuôn,
thiết tha tiếng cũ nghe luồn không trung.”
(Về Đây)

     Trong bài Bémol, Buồn lại rơi theo nhịp khác, như nốt nhạc bị giam cầm:

“Chiều buồn lạc thanh âm
Hoang sơ vào khuya tối
Linh hồn tôi dương cầm”

      Bài Khoác Kín cũng là một trong những giá trị độc đáo của thi ca Cung Trầm Tưởng mà Phạm Duy đã phổ nhạc và đổi tên thành Chiều Đông (Phạm Duy có tài lựa những tuyệt tác của mỗi tác giả để đưa vào cung bậc âm thanh). Khoác Kín cũng là một bài thơ ngắn, nhưng mỗi câu, mỗi chữ đều là những giọt tuyết lệ của thời gian, nhỏ trong không gian tàn tạ:

“Chiều đông tuyết lũng âm u
bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
Nhớ ngày tầu cũng đi luôn,
ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.
Phường xa nhịp sắt bon bon,
tàu như dưới tỉnh, núi còn vọng âm.
Sân ga mái giọt âm thầm:
Máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào?
Mình tôi với tuyết non cao;
với cồn phố tịnh buốt vào xương da;
với mây trên nhợt ánh tà;
với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu.
Tôi về bước bước đăm chiêu,
tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm.”

        Giọng buồn Cung Trầm Tưởng, thời 55-60, đã khác hẳn giọng sầu Huy Cận trong thời thơ mới. Cung Trầm Tưởng đem lại một cô đơn mới: Cô đơn hiện sinh. Cô đơn của con người trong sự nhận thức lại chính mình. Cô đơn của một Roquentin trực diện với “bản lai chân diện mục” của mình trước gương soi mói, soát lục. Cô đơn của gã tử tù Meurseult, xa lạ với loài người:

“Hoang liêu về chết tha ma
Tiếng chân gõ guốc người xa vắng người”
(Tương Phản)
        Và chắc hẳn Wagner dưới suối vàng cũng đã có phần nào trách nhiệm trong cách biến tấu nhịp điệu thể xác và linh hồn lục bát Cung Trầm Tưởng”.

NTTH

No comments:

Post a Comment