Lưu
Na
Portrait of a Young Man - Amedeo Modigliani Poster
Thằng
Cập đâm sầm chạy tới trước mặt Tám Sề nói khe khẽ,
-Nhớ nha, tui chờ ở cái băng ghế nơi
bãi đậu xe. Mụ Tám Sề dửng
mắt
-Để
làm gì?
-Thì nói chuyện chơi. Bà không thích ngồi chung bàn với mấy
người khác giờ giải lao sợ họ dòm ngó.
-Ta
chả có chuyện gì để nói với mi.
-Không có chuyện gì để nói, hm, …
Thằng Cập xụ mặt ngoe ngoảy hậm hực bỏ đi.
Cái đồ mất nết, mụ Tám Sề nghĩ
thầm và cười một mình.
Thằng
này cũng láo lắm chứ đâu vừa, nó rất kiêu ngạo, tuyên bố không bao
giờ đến nói chuyện trước với ai.
Mụ là người đến nói chuyện với nó trước, nhưng mụ chả giận
cái “chảnh” đó của nó, vì thâm tâm mụ biết chỉ là mình thân thiện nơi
chốn làm việc, thấy đông thì cũng tụ vào “tám” chứ chả có mục
đích gì khác. Nhưng mụ hiểu cái
háo thắng tuổi trẻ. Mấy mươi năm
trước thì mụ cũng như nó chứ chẳng khác gì đâu.
Từ
hôm bắt chuyện, không biết sao thằng Cập ngày càng lân la theo sát nói
đủ chuyện biển trời. Những đồng
nghiệp đồng hương mắt la mày lét dòm ngó làm mụ thấy ngượng với họ
và áy náy với thằng nhỏ. Nhịn
không được mụ bảo nó,
-Ta
đẻ ra được 3 thằng như mi.
-No way, tui nhớ ba tui chưa hề fool around
với đàn bà Việt Nam. Mà bà cũng
không sinh được cái giống như tui.
Đồ mất dậy, mụ Tám chửi
thầm.
Thằng
nhỏ muốn nói tới bộ vó của nó.
Nó cao 1.85m, râu tóc mi mày đen biếc cong veo, không bù cho mụ
chỉ có mét rưỡi với những sợi mi ngắn củn lơ thơ. Có lần thấy nó đứng trước cái hộp
công tắc nơi cột, cao ngang tầm mắt của nó, đưa tay bấm, mụ chợt nảy
dạ tò mò. Chờ nó đi khuất, mụ
chạy ra chỗ đó kiễng chân với tay xem mình có với tới cái hộp. Mụ hài lòng, cũng được, nhưng nó đã ở
đâu trờ tới xòe miệng cười cười, “thì
cũng đâu thấp lắm, nhưng bà không thế thiếu tui!!!”
Nó
làm việc hùng hục như trâu, bởi có sức vóc nhưng cũng bởi nó ham
hoạt động, không quản ngại việc nặng nhọc. Với nó việc nặng nhọc là tập thể dục
có ăn lương. Nhờ nó nghĩ vậy mà
xếp tha hồ sai và nhân viên khác tha hồ nhàn hạ. Mụ đã lén nhìn nó nhiều lần trong
những lúc làm việc. Phải nói là
chiêm ngưỡng, vì nó rất đẹp. Nó đi
thẳng lưng, vai ngang, sải những bước dài trên đôi chân thuôn chắc. Nó mang cái đẹp rất thể thao nhưng không
thô kệch như những tay tập thể dục tạo hình hay những tay cầu thủ
nhễ nhại. Không chỉ đẹp, nó còn
tỏ ra một người kỷ luật trong cuộc sống.
Nó xếp đặt giỏ thức ăn thật ngăn nắp gọn gàng, thức ăn lành
mạnh đơn sơ, và quần áo tay chân luôn sạch sẽ. Nơi nó toát ra cái đẹp thanh cao của
mấy ông hoàng tử Ai Cập trên phim ảnh, không chỉ nhờ tuổi trẻ, nhờ
vóc dáng trời cho, mà còn bởi tính cách tự chủ tự hào với chút
háo thắng.
Nó
thủ thỉ, nó là thiểu số Ai Cập đạo công giáo học trường dòng chứ
không phải đạo Hồi. Nó hát cho mụ
nghe một khúc nhạc Pháp vì nó học trường tiếng Pháp hồi nhỏ. Nó khoe hễ hết giờ làm ở sở là chạy
về tập thể dục rồi ra tiệm bán xe mà nó có phần hùn. Có bữa đi pạc ty thâu đêm, sáng sớm 3
giờ rưỡi cắm đầu chạy thẳng tới sở làm. Nó ba hoa đủ thứ, mụ ngồi nghe thấy
thú vị và ngạc nhiên lắm, vì rõ ràng mụ không thể là đối tượng
của nó để đánh đôi bè bạn gì cả mà tâm với tình.
Nhưng
nó cứ cà rà quanh quẩn, và đồng nghiệp ngày càng háy hó, mụ không
biết phải nói sao. Nói sao, nó đâu
có tán tỉnh gì mụ, chỉ là tán dóc.
Mụ bảo nó:
-Nè,
thấy con Bạch đó không. Hễ mi có muốn bồ
bịch thì cứ mà túm lấy con nhỏ đó, nó đẹp và xứng với mi lắm.
-Nhưng nó có chồng.
-Mi
cũng vợ con chứ có khác, làm như là mi bận tậm chuyện đó lắm. Nó ngoác miệng cười.
-Tui chịu, bà làm tui cười. Nói
chuyện với mấy đứa kia thiệt chán lắm.
Tại
chúng nó biết tỏng chú mày, mụ nghĩ thầm. Nhưng mụ phải nhận là mình bị nó lôi
cuốn. Mỗi cử chỉ lời nói của nó
đều gợi mụ nhớ đến người yêu xưa mấy mươi năm trước. Từ cái cách mà nó xông tới hỏi mụ hôm
đụng con Quyên. Con Quyên đi ngang
thấy mụ và nó đứng nói chuyện thì la to,
-Bà chị của em, thôi đừng ve vãn cái
thằng bằng tuổi con mình. Mụ
ngượng, nhưng cố làm tỉnh
-Chị
bảo nó rồi, chị đẻ ra được 3 đứa như nó.
Thằng
nhỏ dương mắt nhìn vì không hiểu tiếng Việt. Con Quyên vừa quay lưng, nó chạy đến chỗ
của mụ:
-Vừa rồi Quyên nói gì với bà, có phải
hắn nói xấu cho bà? Hm, bạn tốt
của bà coi bộ không muốn bà nói chuyện với tui phải không? Nhưng bà đừng để bụng, bọn họ ghen vì
tui không nói chuyện nhiều với họ đó thôi.
Lần
kế, con Quyên hỏi nó:
-Bộ
bả tính nhận you làm con nuôi?
-Còn lâu tui mới ưng, không cần thắc mắc chuyện của tui, nó
trả treo.
Người
yêu xưa của mụ cũng là kẻ hiếu thắng bậm trợn, cũng bảo vệ mụ
trước thị phi thiên hạ, cũng luôn quẩn quanh tìm đủ chuyện nói cho mụ
cười, cho mụ thấy ngày giờ qua mau.
Như nó giờ đang ngày ngày quẩn quanh.
-Nè, tui muốn bà cầm cái danh thiếp
của tui, có số phone với địa chỉ đó.
Mụ
lịch sự cất vào bóp, nhưng 15 phút sau nó đã trở lui:
-Bà đã dục cái thiếp của tui rồi phải
không?
-Không
có đâu, còn đây nè, mụ móc ra cho nó thấy.
-Tưởng bà dục rồi thì tui đưa cái khác.
Nó
cười ranh mãnh, mụ cũng bật cười, lòng càng nhớ cố nhân. Nó không chỉ mang hình ảnh người xưa, nó
còn nhắc nhở mối tình “đời người chỉ có một lần” của mụ. Mụ đã già, không tơ tưởng chi ba cái
chuyện tình yêu tình ma nhất là với cái thằng mình đẻ ra được. Mụ không mơ màng gì cái chuyện nó mê
mình – không đời nào có chuyện đó, nhưng mụ không thoát khỏi cái cảm
xúc bồng bột mà nó gieo trong không gian mỗi khi đến gần nói chuyện
cùng mụ. Những khi nó cà rà mụ
cũng không tránh khỏi những tràng cười hồn nhiên. Đằng sau lưng mụ, dãy bàn làm việc bên
kia, các mụ Tàu-Việt bắt đầu ì sèo “mê trai.”
Mấy
bữa nay thằng Cập có vẻ bồn chồn bực bội. Mụ xà tới chỗ nó làm hỏi thẳng có
chuyện gì. Thằng nhỏ mắt la mày
lét: “xếp hăm hễ tui nói chuyện là
sẽ đuổi.” Mụ sặc cười, “ừa vậy
ta nói mi chỉ nghe thì đâu có đuổi được phải không?” Mụ tà tà về chỗ.
Cuối
giờ, thằng Cập đã đứng trước mặt mụ.
-Bà đã làm được cái thứ bà muốn
rồi. Bà phải tới nói chuyện và
cười thiệt to cho con nhỏ xếp hay ganh tỵ kia thấy mà mắng tui. Bà đã giúp được nó sút trái banh vô
gôn của tui. Bà đã trao bọn xếp cái cớ để trù tui rồi đó …
Kèm
theo với những lời cay đắng, hai đìa mắt sáng như sao của nó đầy nỗi
giận dữ. Ánh mắt nó nói rằng nó
giận vì mụ, chính mụ chứ không phải ai khác, đã làm nó gặp phiền
nhiễu. Cái giận dữ và cay đắng
của nó làm mụ bất chợt ứa nước mắt tủi thân. Mụ quay lưng ra về, không dừng được cơn
khóc. Và mụ ngạc nhiên sao mình
lại khóc vì một chuyện lãng xẹt như vậy. Mụ lái xe mà đầu óc cứ rối ren muộn
phiền. Lỗi lầm của mụ đâu có gì
lớn lao đến nỗi nó phải lớn tiếng như vậy? Và, tại sao mụ phải khóc? Nó lo mất việc, nó nổi nóng vì bị
xếp cạo, nó cà khịa vì mụ là nguyên nhân… những cái đó thông cảm
được, sao mụ lại thấy đau lòng?
Mụ
vừa lái xe vừa chùi nước mắt, lòng nghĩ đến nét mặt của cố
nhân. Người ấy cũng có những lúc
giận dữ ào ạt như vậy, cái giận dữ làm mụ thấy mình có tội dù
mụ rất phải. Nhưng Mụ lái xe lâu
lắm mà vẫn không nhớ ra được nét mặt của cố nhân lại chỉ nhớ ánh
mắt chất chứa bực bội giận hờn và đau đớn của thằng Cập. Đời mụ không chỉ có lần đã gặp ánh
mắt ấy, mà còn từng nhiều phen mang ánh mắt ấy. Nghĩ đến hai đìa mắt của thằng Cập,
mụ ước ao một lần được sống lại quãng đời tràn ngập cảm xúc, sống
lại cái tuổi thanh xuân với những niềm yêu ghét lấp đầy tâm khảm phủ
che đầu óc… Mụ ngẫm nghĩ, có phải
mấy ông già mê gái tơ là vì vậy – vì tuổi trẻ giúp họ sống lại sự
sống đã tuột khỏi tầm tay? Có
thiệt người ta quên thân phận mình, quên cái bệ rạc của tuổi già để
lao vào cái gì đã mất, người ta bằng lòng đổi tất cả và rước mọi
hệ lụy chỉ để mong lấy lại đôi phút bồi hồi?
Nước
mắt đã khô, mụ bật cười, không chừng bọn đồng nghiệp nhiều chuyện
kia đúng, đúng là mụ mê trai. Ngày
mai vào sở mụ sẽ đeo kiếng đen để khỏi nhìn thấy nó và để nó không
thấy mắt mụ. Ranh con, ta đẻ ra
được 3 đứa như mi.
Lưu
Na
11202016
No comments:
Post a Comment