Phan
Tấn Hải
Bìa sách Lữ Quỳnh
Hình
dung thế nào về tác giả Lữ Quỳnh? Như một nhà thơ, hay như một nhà văn, hay như
một người chiêm ngắm cuộc đời? Nhìn từ bất cứ hướng nào, có lẽ cũng không đủ chữ
để nói về Lữ Quỳnh, một tài năng văn học rất mực đa dạng.
Nhà
văn Nguyễn Mộng Giác nhìn về Lữ Quỳnh: “Ôi, thời đó chúng tôi lãng mạn biết chừng
nào, ngây thơ biết chừng nào…”
Nhà
thơ Du Tử Lê nói về họ Lữ: “…đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn
nghe thoảng hương thơm của lòng nhân hậu.”
Nhà
thơ Nguyễn Lương Vỵ nhận ra nơi Lữ Quỳnh là: “Nhà thơ, như một hành giả đang lặng
lẽ Nhìn, lặng lẽ Thấy và lặng lẽ Nghe.”
Nhà
thơ Nguyễn Thị Khánh Minh nhìn thấy nơi Lữ Quỳnh như một: “…thi sĩ đi trong thời
gian của mình những bước thao thức của giấc mơ, người thơ Lữ Quỳnh.”
Tuyển
tập mới ấn hành của Lữ Quỳnh có nhan đề “Những Con Chữ Lang Thang Không Ngày
Tháng” đã cho thấy tác giả hiện ra đa dạng hơn, phức tạp hơn, rất mực tài năng
và đúng như các tác giả trên nhận xét về họ Lữ: lãng mạn và ngây thơ, trên các
trang văn thoảng hương thơm của lòng nhân hậu, nhà thơ hành giả lặng lẽ nhìn và
nghe, và đi trong những bước thao thức của giấc mơ…
Tuyển
tập gồm nhiều phần: thơ, thơ chuyển ngữ, truyện ngắn, truyện vừa, ký, tạp văn,
bài của bằng hữu.
Trong
các bài thơ của Lữ Quỳnh, bài Áng Mây Vàng nơi trang 9, nói về mẹ chắc chắn sẽ
làm xúc động tất cả độc giả:
giọt nước đựng trời
mây
tàn hương bay lấp
lánh
lắt lay bóng mẹ về
tóc con chừ điểm bạc
.
tám năm ngày mẹ đi
vẫn nụ cười trên mộ
trần gian đường gập
ghềnh
hoàng hôn đời lệ nhỏ
.
một năm rồi mười năm
chỉ dài như hơi thở
thanh tịnh quang chân
tâm
áng mây vàng tưởng niệm…
Trong
khi đó nhà văn Khuất Đẩu ghi nhận rằng một bài thơ của Lữ Quỳnh có thể gọi là
hay nhất trong các bài thơ về tình nghĩa phu thê.
Khuất
Đẩu trong bài phân tích “Những hồi ức buồn” đã viết, trích:
“...Tôi
xin chép trọn bài thơ mà tôi cho là đẹp nhất, một bài tụng ca tình nghĩa phu
thê còn đằm thắm lung linh hơn cả bài “Tình quê” của Hàn Mặc Tử.
Em vẫn đi về
Dòng sông ký ức
Vầng trăng đại vực
In bóng thuyền tôi
.
Tóc em mây trôi
Trên sông áo lụa
Thuyền tôi hạt lúa
Vàng lung linh vàng
.
Một chuyến đò ngang
Sông xưa mất ngủ
Từ em thiếu phụ
Lúa vàng thôi trôi
.
Từ em thiếu phụ
Tóc rối vành nôi
Hồn xanh bóng phủ
U uẩn lời ru
.
Sông em sóng nổi
Hạt lúa thuyền tôi
Vàng không bến đậu
Mù sa bãi bồi.”
Trong
khi đó nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi sinh tiền trong bài viết “Những Ảo Tưởng Một
Thời” đã ghi nhận về Lữ Quỳnh, một bạn văn từ những năm đầu thập niên 70, thời
đất nước còn chìm trong nội chiến:
“…
Thế hệ chúng tôi, thế hệ của Lữ Quỳnh, cũng có những ảo tưởng khác. Đọc lại
truyện cũ chúng tôi viết ở Quy Nhơn thời đó, không hiểu sao chúng tôi thích dựng
truyện trong một khung cảnh khá khác thường: truyện xảy ra trong vùng xôi đậu,
có bên này và bên kia một dòng sông, có cây cầu bắc qua hay con đò lặng lẽ lén
lút chèo giữa đám sương mù. Lữ Quỳnh có Sông
sương mù. Tôi có Cây cầu tuổi dại.
Chiến tranh lúc đó đối với chúng tôi là một điều phi lý, dù không ai thoát ra
khỏi được cuộc chiến tranh ấy. Cho nên người bên này hay bên kia đều dễ thương
như nhau, ít ra là “dễ thương như nhau” qua đôi mắt trẻ thơ của bé Phượng trong
Sông sương mù. Mà những người dễ thương như thế thì không có lý do chính đáng nào
để ghét nhau, nói chi đến chuyện thù nhau, rồi tìm cách giết nhau. Chỉ cần nắng
lên và sương mù tan hết, cuộc sống sẽ trong sáng, người ta nhìn thẳng vào mặt
nhau để thấy người đối diện thật xứng đáng để thương yêu. Ôi, thời đó chúng tôi
lãng mạn biết chừng nào, ngây thơ biết chừng nào. Những kẻ nắm trong tay quyền
lực để sai khiến lịch sử chắc “cười đến chảy nước mắt” sự ngây thơ của chúng
tôi. Chúng tôi bị gọi là “ngụy hòa”, là “nhân đạo chung chung”, là “tung hỏa mù
xóa nhòa ranh giới giữa chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng” … Những
thứ tội tầy đình ấy chúng tôi phải lắng nghe, tự xưng tội công khai mà lòng ấm ức.
Nhưng khi cơn bão đã qua, như lúc viết những dòng này, chúng tôi không thấy hổ
thẹn với lòng tin ngây thơ ấy. Chúng tôi dù sao cũng còn tin ở lòng tốt của con
người. Không tin, thì còn biết làm sao với cuộc sống mà mình không được quyền lựa
chọn? Không tin, mình còn biết chơi với ai?”
Nghĩa
là, theo Nguyễn Mộng Giác, Lũ Quỳnh và nhiều nhà văn cùng thế hệ mang đầy những
ảo tưởng, bên này bên kia đều dễ thương như nhau, lãng mạn và ngây thơ, tin vào
lòng tốt của con người…
Trong
khi đó, nhà thơ Du Tử Lê nhìn về Lữ Quỳnh:
“…Hôm
nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn nghe thỏang hương thơm của
lòng nhân hậu. Hay, tính-lành của một con người không bị ô nhiễm bởi lầm than,
nguy nàn, tổ quốc.
Hôm
nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn nghe được tiếng reo vui,
hân hoan của những con chữ búng mình trên mặt sông máu / xương gập ghềnh nghiệt,
oan vận nước.
Hôm
nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn nghe được những hồi
chuông, khánh tình yêu thao thiết. Hay, những ngọn nến cháy bằng tim bấc trăm
năm, giữa nghìn sao rung động, thứ nhất.
Hôm
nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi cũng còn nghe được tiếng gọi rộn
rã thanh niên, đi ra từ trái tim sóng sánh nhiệt-hứng-trẻ-thơ tình bằng hữu…”
Nghĩa
là, theo Du Tử Lê, trang văn Lữ Quỳnh có thoảng hương thơm của lòng nhân hậu,
âm vang những hồi chuông, khánh tình yêu thao thiết…
Trong
khi đó, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nhìn về nhà thơ Lữ Quỳnh:
“Nhà
thơ đã nhập thân vào Mây. Mây tinh khiết như giấc mơ. "lời vô ngôn / những
giấc mơ nồng nàn / lạ lẫm" để rồi, "sáng ra không nhớ gì / chỉ là cõi
hoang / chập chờn mây và mây". Thực và Mộng nhất quán trong cõi Thanh Tịnh
miên viễn. Thơ đã dậy lên màu hương chín để cất lên tiếng hát diệu kỳ giữa
thinh không diệu vợi!
"Mây Trong Những Giấc Mơ" đã có những
chiêm nghiệm thật sâu lắng về Không-Thời-Gian, vẫn thấm đẫm Tình Đời, Tình Người.
Nhà thơ, như một hành giả đang lặng lẽ Nhìn, lặng lẽ Thấy và lặng lẽ Nghe.
"Mây Trong Những Giấc Mơ" cũng chính là những tâm tình chân thành nhất
mà nhà thơ muốn trao gửi đến bạn đọc và bằng hữu xa gần.”
Nghĩa
là, theo Nguyễn Lương Vỵ, Lữ Quỳnh là Thực và Mộng nhất quán, là tiếng hát diệu
kỳ, là chiêm nghiệm thật sâu lắng, như một hành giả đang lặng lẽ Thấy và Nghe…
Trong
khi đó, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh nhìn về nhà thơ Lữ Quỳnh:
“…đến
từ miền bắc Calif. miền đất nở ra một thung lũng hoa vàng thơ mộng, nên thi sĩ
đi trong thời gian của mình những bước thao thức của giấc mơ, người thơ Lữ Quỳnh…
…Ánh
sáng nhất trong dòng thơ Lữ Quỳnh là tình bạn. Và ẩn chìm trong ánh sáng ấy là
con mắt của giấc mơ. Vì, trong những giờ phút đẹp, thực của cuộc sống Lữ Quỳnh
cũng dùng con mắt giấc mơ để hưởng thụ nó, để cảm xúc vui buồn cùng nó. Như một
nghệ thuật (hay kinh nghiệm?) để trộn lẫn giữa thực và phi thực. Cái phi thực
là áo khoác của thơ mộng lên tất cả những niềm vui lẫn đau buồn, trong thơ Lữ
Quỳnh…
Tôi
nghĩ, anh quý thương bạn bè, và anh đã được hạnh phúc chia cùng họ, rất thực,
những phút giây đẹp đẽ, đẹp đến nỗi anh cho nó là giấc mơ. Mơ trong lúc sống thực
nhé. Rồi khi một mình anh lại sống thêm một lần nữa thời khắc ấy, bằng giấc mơ.
Trời ạ, người thơ sao biết sống quá vậy! Bởi vì lúc tỉnh hay mơ anh đều mơ cả…
Cho nên, cái lúc tỉnh ra thấy quạnh hiu kia, tôi nghĩ, chắc nó chỉ xảy ra ở vào
giấc ngủ cuối cùng, cho đến khi anh nhắm con mắt của giấc mơ…”
Trong
phần Thơ Chuyển Ngữ, một số bài được dịch ra Anh văn và Pháp văn. Các dịch giả
chuyển ngữ là: Trương Văn Dân, Elena Pucillo Truong, N. Sao Mai, Phan Tấn Hải.
Trong
phần Bài của bằng hữu, là các bài của: Nguyên Minh, Huỳnh Như Phương, Đinh Cường,
Nguyễn Mộng Giác, Trần Thị Nguyệt Mai, Du Tử Lê, Lữ Kiều, Nguyễn Mạnh Trinh,
Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Thị Hải Hà, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Nguyễn Lệ
Uyên, Trần Văn Nam, Đỗ Nghê, Đỗ Hồng Ngọc, Cao Kim, Khuất Đẩu, Nguyễn Xuân Thiệp,
Huyển Chiêu, Nguyễn Quang Chơn, Phan Tấn Hải, Nguyễn Lương Vỵ, Trần Huiền Ân,
Lê Ký Thương, Trần Đình Sơn Cước, Nguyễn Chí Kham.
Lữ
Quỳnh tên thật là Phan Ngô, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên – Huế. Cha mất lúc một
tuổi, thuở nhỏ phần lớn ông sống tự lập. Từ năm 1959 đến 1962 ông là học sinh
trường Quốc Học Huế. Năm 1962-1963 dạy học tại trường Bán công Vinh Lộc.
Lữ
Quỳnh là cựu Sĩ Quan VNCH (Khóa 19 Trường Bộ Binh Thủ Đức), phục vụ tại các đơn
vị: Tổng Y Viện Duy Tân – Đà Nẵng (năm 1965-66), Tiểu đoàn 22 Quân Y -Bình Định
(năm 1967-70), Quân Y Viện Quy Nhơn (năm 1971-75). Ông có mười năm sống ở Quy
Nhơn.
Sau
1975, ông bị tù cải tạo ở trại Cồn Tiên, Ái Tử (Quảng Trị). Năm 2000 Lữ Quỳnh
sang định cư tại San Jose, California.
Lữ
Quỳnh đã sáng tác từ cuối thập niên 1950s, cộng tác với nhiều tạp chí trong và
ngoài nước, đã ấn hành nhiều tác phẩm thơ, tập truyện ngắn, truyện vừa, truyện
dài, ký…
Nhìn
thời gian trôi qua, với rất nhiều bạn thân đã ra đi bên đời, Lữ Quỳnh có lúc ngậm
ngùi viết:
…tháng tư dành tưởng
niệm. ngậm ngùi
sao người đi nhiều
hơn kẻ ở
tôi ngồi chép A Di Đà
Sám
thay làm thơ cho một
cõi đi về…
Tuyển
tập “Những Con Chữ Lang Thang Không Ngày Tháng” của Lữ Quỳnh đã có trên
Amazon.com (Search chữ: “lu quynh”). Tuyển
tập dày 548 trang.
Độc
giả có thể liên lạc với tác giả qua email: songsuongmu@yahoo.com
PTH
No comments:
Post a Comment