Wednesday, November 16, 2016

THÁNG BA GÃY SÚNG. MỘT CAO XUÂN HUY KHÁC


Ngô Thế Vinh
 

LTS. Nhà văn Cao Xuân Huy mất ngày 12 tháng 11 năm 2010; vậy mà cũng đã 6 năm rồi. Sau đây là bài viết kết hợp của Ngô Thế Vinh, Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Y Thư để tưởng niệm tác giả Tháng Ba Gãy Súng, nhân ngày giỗ thứ 6 của Anh.  

 
Hình 1: Cao Xuân Huy, đời thường
[nguồn: tư liệu Trịnh Y Thư]
   

TIỂU SỬ CAO XUÂN HUY

09-1947 năm sinh, quê nội Bắc Ninh, quê ngoại Hà Nam, Bắc Việt
10-1954 di cư vào Nam với mẹ
02-1968 đi lính Thuỷ Quân Lục Chiến, VNCH.
03-1975 bị bắt làm tù binh
09-1979 ra tù.
12-1982 vượt biên.
10-1983 đến Mỹ.
1984 định cư tại Nam California.
2005 chủ biên tạp chí Văn Học tới 04-2008
11-2010 mất tại Lake Forest, Nam California
  

Tác phẩm:
Tháng Ba Gãy Súng, 1985
Vài Mẩu Chuyện, 2010
  

TỰ SỰ CAO XUÂN HUY VỚI THÁNG BA GÃY SÚNG
  
      Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ. Tôi viết những điều mà những thằng lính chúng tôi đã trực tiếp tham dự nhưng không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những chuyện chiến trường thì hình như chẳng có ai dự.
       Trong lứa tuổi của tôi, lứa tuổi dưới mười khi theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam, ngoại trừ những người có thân nhân ruột thịt bị giết bởi Việt Cộng, còn hầu hết, có bao nhiêu người thực sự căm thù Việt Cộng đâu, vì rõ rệt một điều là từ lứa tuổi tôi trở xuống, có đứa nào biết Việt Cộng là cái gì đâu. Cũng y như lứa tuổi dưới mười khi theo cha mẹ qua Mỹ từ năm 1975 ở đây bây giờ. Cũng thù ghét Việt Cộng vậy, nhưng chỉ là cái thù gia truyền, cha mẹ thù ghét thì mình cũng thù ghét theo thế thôi, chứ chẳng có gì là sâu đậm cả. Cho đến khi lớn lên, đầu óc đã tạm đủ để suy xét thì khổ một nỗi, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa lại có giá trị phản tuyên truyền nhiều hơn là tuyên truyền. Cho nên khi vào quân đội, tôi tình nguyện vào đơn vị tác chiến thứ thiệt vì căm thù kẻ địch thì ít mà vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, vì bị kích thích bởi những cảm giác mạnh của chiến trường thì nhiều. 
       Tuy nhiên, vì ở một đơn vị thường xuyên tác chiến, cùng gian nguy, cùng sống chết với nhau nên tôi đã gắn bó với bạn bè, đồng đội trong đơn vị như với anh em ruột thịt. Tôi yêu đơn vị tôi, tôi yêu màu mũ, màu áo tôi, tôi yêu thuộc cấp tôi và tôi kính trọng thượng cấp tôi. Tôi bình thản chấp nhận mọi thói hư tật xấu của thượng cấp và thuộc cấp, và chính tôi cũng có quá nhiều thói hư tật xấu.
       Nhưng, khi hai ông xếp lớn của tôi là đại tá lữ đoàn trưởng và trung tá lữ đoàn phó bỏ lữ đoàn gồm bốn tiểu đoàn tác chiến và các đơn vị phụ thuộc tổng cộng vào khoảng trên dưới bốn ngàn người trong cơn quẫn bách để chạy lấy thân thì lòng căm hận của tôi đột nhiên bùng dậy. Tôi giết Việt Cộng không gớm tay nhưng không bởi lòng căm thù vì giữa chúng tôi và Việt Cộng đã có lằn ranh rõ rệt, hai bên chiến tuyến hẳn hòi, hễ cứ thấy mặt nhau là giết, dùng mọi mưu mọi cách để giết nhau. Còn đằng này, vừa mất niềm tin vừa tủi nhục vì những người mình vừa kính trọng vừa phải tuân lệnh một cách tuyệt đối.
        Làm thuyền trưởng thì phải sống chết theo tàu, làm đơn vị trưởng thì phải sống chết theo đơn vị. Tôi muốn nói đến tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy. Người có quyền hành mà không có trách nhiệm nào có khác gì kẻ phản bội. Chúng ta thua không phải vì kẻ địch mạnh mà vì trong hàng ngũ chúng ta có quá nhiều kẻ phản bội và hèn nhát. Chính vì lòng thù hận sự hèn nhát và vô trách nhiệm của cấp chỉ huy nên hình ảnh và diễn tiến những ngày cuối cùng trước khi cả lữ đoàn tan rã và bị bắt bởi khoảng hơn một đại đội du kích Việt Cộng vào nửa cuối tháng Ba năm 1975 đã như một cuốn phim nằm in trong trí nhớ của tôi, chỉ cần một cái ấn nút là được chiếu lại một cách rõ nét với đầy đủ những suy nghĩ và phản ứng của tôi, với từng diễn tiến nhỏ mà tôi đã phải trải qua.
        Tôi ôm cái kỷ niệm đau đớn và tủi nhục này cả chục năm nay, qua những năm tù đày, qua những ngày tháng lang thang ở trại tỵ nạn, qua đến Mỹ, tôi đọc được lời tuyên bố của một ông tướng cũ nào đó trên báo đại khái "Để mất nước là tội chung của mọi người, làm lớn thì tội lớn, làm bé thì tội bé". Tôi nghĩ ngay đến một điều là những thằng đâm sau lưng chiến sĩ có tội, và những thằng chiến sĩ đưa lưng cho xếp của mình đâm cũng có tội luôn. Điều này đã là cái ấn nút để tôi kể lại câu chuyện này.

       Điều tôi muốn nói trong quyển sách này là không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình, và phân có thối cũng là phân của mình, vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai dám quay nhìn lại cái lỗi đã làm cho mình ngã lên ngay trên đống phân của mình, mà chỉ có toàn những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác, can đảm lắm cũng chỉ dám nhận một cái lỗi chung chung "lớn lỗi lớn, bé lỗi bé" đúng theo cái kiểu "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách". Thằng thất phu còn có lỗi thì còn ai mà không có lỗi, tôi cũng đành có lỗi vậy.
Tôi không nhớ câu này của ai: "Cái đám quân thần của triều đình cũ chẳng có gì phải ngại cả, vì khi có quân có quyền trong tay họ còn chẳng làm được trò trống gì, thì bây giờ, chỉ còn trơ lại có mỗi cái thân giá áo túi cơm, hỏi rằng họ sẽ làm được gì hơn ngoài cái giá và cái túi".
Đâu phải đất nước ta là một bàn cờ để hễ đánh thua ván này, xóa đi xếp quân làm lại bàn khác mà tướng vẫn là tướng, quân vẫn là quân. Đâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đi đều có thể dựng đầu dậy để làm lại một trận mới.

       Trí đã không mà dũng cũng không, chỉ có mỗi cái tài dở dở ương ương là sử dụng một cách bừa bãi cái dũng của người khác đến nỗi phải bỏ cả đất nước mà chạy, đánh lừa để bỏ hàng triệu thằng dám chiến đấu tới cùng vào trong những trại tù đỏ, vậy mà vẫn còn dám chường mặt ra đòi tiếp tục làm cha mẹ dân thì quả là quá lắm lắm. Cái dĩ vãng thối tha và hèn nhát thì dù cho người đương thời có thể bỏ qua, nhưng lịch sử đâu có tha thứ. Vẫn cái chính danh là chống Cộng nhưng cái ngôn của các ông trước kia làm xếp lớn đã không thuận rồi, bây giờ phải để cho lớp người mới. Với tư thế mới, họ mới là những người thuận ngôn. Danh chính ngôn thuận mới có thể thắng được Việt Cộng, khôi phục lại được đất nước. Những con chốt thấp cổ bé miệng, những thằng bị đè đầu sai khiến ngày xưa và những người mới lớn bây giờ mới có quyền nói và mới là người có tư cách làm.

        Quyển sách này không hề là một tiểu thuyết mà là một hồi ký. Bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào. Tháng Ba thì mọi người đã rõ, còn Gãy Súng, tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc củi mục, chính tôi đã dẫn đại đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm. Súng của chúng tôi có phải là đã bị bẻ gãy không khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đấu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi? Tôi đặt chữ Gãy Súng cho quyển sách này là như vậy.

Hình 2: Tháng Ba Gãy Súng,
Văn Khoa xuất bản lần đầu tiên 1986,
Văn Học tái bản 2004, với mẫu bìa Khánh Trường.
Đây là một bút ký chiến tranh được tái bản nhiều lần nhất ở hải ngoại.
 
        Và tôi gọi Tháng Ba Gãy Súng là hồi ký vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết, tất cả những địa danh, những tên người, tên đơn vị, tất cả những diễn tiến đều là thật, thật một trăm phần trăm. Tôi không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào, chắc chắn là tôi đã quên khá nhiều chi tiết, và với cấp bậc và chức vụ thấp kém của tôi, chắc chắn là có rất nhiều dữ kiện mà tôi đã không được biết. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy, tai nghe, những điều tôi đã nhận lệnh và đã thi hành.

        Nếu Tháng Ba Gãy Súng là tiểu thuyết thì tôi lại phải thêm một câu màu mè đại khái "những nhân vật và những sự việc đều do sự tưởng tượng của tác giả, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên ngoài ý muốn...", trong khi tôi chỉ có một điều ngoài ý muốn là tôi đã không đủ khả năng để viết tất cả những điều tôi phải viết. Cao Xuân Huy

NGUYỄN XUÂN HOÀNG ĐỌC CAO XUÂN HUY

       Tháng Ba Gãy Súng. Hình như tên gọi của truyện kể là điều trước tiên lôi cuốn tôi. Tựa đề của một cuốn sách vốn đơn giản. Tháng Ba Gãy Súng là sự đơn giản quyến rũ. Tháng Ba là tháng thọ nạn của miền Trung, khi cơn lốc đỏ từ miền Bắc lao xuống. Phải một thời gian sau nữa nó mới đổ ập tới Sài Gòn yêu dấu cái Tháng Tư Đen hãi hùng và thống khổ. Cao Xuân Huy đặt câu hỏi: Ai đã bẻ gãy súng của quân đội ta, những người lính dũng cảm, có thừa mưu trí và kinh nghiệm chiến trường? Ai đã làm cho người lính chúng ta bó tay, khi súng còn đó mà đạn đã hết ở trong nòng?

       Tác giả cho thấy bên dưới những người và việc là sự mất niềm tin của người lính trận trước một số cấp chỉ huy, những đàn anh "khả kính" đã dứt bỏ hàng ngũ trong cơn quẫn bách để chạy lấy thân, còn thì sống chết mặc bay!
       Tháng Ba Gãy Súng vẽ lại cơn hồng thủy của một cuộc chiến không thương tiếc, phủ chụp lên số phận của cả một dân tộc. Trên bờ cát lạnh lẽo của biến cố, người ta nghe thấy tiếng động của những vòng xích sắt nghiến lạo xạo trên sọ người.
        Đó là cuốn sách chứa rất ít nụ cười nhưng rất nhiều máu và nước mắt; niềm vui thì khô cằn mà đau thương và bất hạnh thì màu mỡ phì nhiêu; tàn bạo và căm hờn là bình thường nhưng dịu dàng và thuận thảo là điều xa lạ.

        Chữ nghĩa trong Tháng Ba Gãy Súng giản dị, tự nhiên và trong sáng. Nhưng người đọc biết rõ một cách mười mươi rằng để có được những dòng chữ tưởng chừng như dễ dàng đó, Cao Xuân Huy đã phải trả một giá khá đắt: sự thách đố của anh với tử thần trong những đường tơ kẽ tóc để đổi lấy phẩm giá làm người. Có thể nói Tháng Ba Gãy Súng đã được viết bằng một trái tim nóng bỏng trước khi được gọt dũa và trau chuốt bằng một bút pháp nghề nghiệp. Nhưng điều này không hề làm hạn chế sức sống của tác phẩm.
        Những ai ham đọc sách đều biết rằng các nhà văn lừng danh trên thế giới như Flaubert, Hemingway, Dickens, Tolstoi... đều đã viết bằng một thứ ngôn từ tự nhiên và giản dị.

        Trong một lần gặp gỡ tác giả, tôi hỏi anh tại sao lại xếp Tháng Ba Gãy Súng vào thể loại Hồi Ký mà không là Truyện Kể hay Truyện Ký, Cao Xuân Huy trả lời: "Bởi vì tôi đã không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy tai nghe. Chỉ tiếc một điều là tôi đã không đủ khả năng để viết được tất cả những gì tôi cần phải viết".
        Thật vậy, văn chương vốn cần hư cấu, nhưng hiện thực tự nó cũng thừa sự lớn lao và sâu sắc mà một trí tưởng tượng khiêm tốn đôi khi còn nghèo nàn và nông cạn hơn. Nói cách khác, hư cấu trong một tác phẩm tuy cần thiết, nhưng hiện thực bao giờ cũng là nền tảng để từ đó hư cấu có thể thành hình và đứng vững.

         Chính cái hiện thực này đã khiến cho ngòi bút của Cao Xuân Huy có được cái vẻ sắc sảo đặc biệt, đồng thời cũng làm cho Tháng Ba Gãy Súng giữ được cái vẻ tươi mát nóng bỏng mà mọi thứ hư cấu rắc rối không sao đạt được.
          Và nghệ thuật của Cao Xuân Huy nằm ở chỗ làm cho tác phẩm của anh có được sức thuyết phục mạnh mẽ hơn cái nó vốn có trong thực tế.
         Thích nhất là những mẩu đối thoại trong Tháng Ba Gãy Súng. Nó nguyên chất, nhưng không dư thừa và tầm thường. Nó chưa bị chảy qua cái máy lọc "văn chương triết lí" nào. Nó sống và chát. Và rất gần với chúng ta.

         Trả lời câu hỏi động cơ nào khiến anh viết Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy nói: "Không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình và phân có thối cũng là phân của mình. Vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai dám quay lại nhìn cái lỗi đã làm cho mình ngã ngay trên đống phân của mình, ngoài những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác".
         Tất nhiên câu nói của anh còn có chỗ phải bàn thảo lại, suy nghĩ thêm, nhưng ở đây trong khung cảnh đặc biệt của Tháng Ba Gãy Súng, câu nói đó có cách lí giải riêng của nó.

         Trước khi cầm bút viết lại những ngày tháng của lịch sử một trận chiến mà mình là một chứng nhân, Cao Xuân Huy đã là một sĩ quan chiến đấu thuộc một binh chủng lừng danh chiến trường mà mọi người chúng ta đều nghe tiếng: Thủy Quân Lục Chiến.
         Chiến trường, sống và viết, Cao Xuân Huy có đủ những yếu tố đó để viết những trang văn xuôi nóng bỏng của mình.
         Cao Xuân Huy nói: "Đất nước ta đâu phải là một bàn cờ mà hễ đánh thua ván này thì xóa đi xếp quân làm lại bàn khác, mà tướng vẫn là tướng, quân vẫn là quân, đâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đều có thể dựng đầu dậy để làm lại một trận đấu mới!"
Những suy nghĩ đó của anh không hề có ý định dừng lại ở chỗ chỉ là những điều viết ra để ngẫm nghĩ.
         Khi trang cuối của Tháng Ba Gãy Súng được gấp lại, người đọc hình như vẫn cảm thấy còn một điều gì đó chưa xong chưa hết. Cái dấu chấm hết của mệnh đề sau cùng vẫn còn là một lời hứa hẹn sẽ mở ra một trang sách khác.
         Dù sao những hình ảnh tàn nhẫn và khủng khiếp, những nỗi lo âu và hãi hùng vẫn còn đọng lại trong ta.
         Vẫn còn đọng lại trong ta những địa danh, địa hình, địa điểm quen thuộc của một vùng đất quê hương khô cằn, cả thời tiết của đất trời mà da thịt ta vốn từng chịu đựng, và nhất là vẫn còn đọng lại trong ta hình ảnh những con người - trong đó có chúng ta - với số phận hẩm hiu cô quạnh bị bủa vây trong cơn cuồng nộ của những biến cố bạo tàn...
         Tất cả những người và việc ấy chừng như mới xảy ra ngày hôm qua, vẫn còn luẩn quẩn đâu đây...
          Với Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy đã viết được "những trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người", điều mà Ernest Hemingway gọi là "trên đời này thật không có gì khó khăn hơn".

Nguyễn-Xuân Hoàng
Santa Ana, tháng Tư 1986
Nguồn: Talawas http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=536&rb=0102
 
         Cũng được cho biết Tháng Ba Gãy Súng đã được tái bản đến 14 lần, và sách đã có mặt trong các thư viện lớn trên thế giới. Có lẽ chưa một cuốn sách nào ở hải ngoại được tái bản nhiều lần và được tìm đọc nhiều đến như vậy. Cuốn sách cũng được đưa nguyên vẹn vào bộ trường thiên tiểu thuyết “Mùa biển động” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác như một chương kết.
 

MỘT CAO XUÂN HUY KHÁC

        Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá,”

*
        Melanoma là loại ung thư phát triển từ những tế bào sản xuất sắc tố melanin / melanocytes, yếu tố định hình màu da của mỗi chủng tộc. Thông thường melanoma là loại ung thư da / melanoma skin cancer, nhưng mắt cũng có thể là nơi phát triển loại ung thư này, tuy khá hiếm. Ung thư sắc tố melanoma trong mắt thì không dễ phát hiện như ở ngoài da. Khi phát hiện thường là đã trễ. Đó là trường hợp Cao Xuân Huy, rất tình cờ, khi Huy nheo một bên mắt thì mắt kia không thấy gì. Huy báo tin cho tôi biết.

        Khi đột ngột mất thị giác một mắt, phải nghĩ tới những nguyên nhân khẩn cấp khác [ như bong võng mạc / retinal detachment, tai biến mạch máu não / stroke, thiên đầu thống / migraine, cao áp nhãn / glaucoma…] thay vì nghĩ ngay tới ung thư mắt. Một bác sĩ nhãn khoa Việt Nam đã khám ngay cho Huy, chẩn đoán lâm sàng đầu tiên cho đây có thể là do một loại nấm khá hiếm mọc trên võng mô / retina. Nhưng cũng rất sớm, những ngày sau đó, UCLA đã có một chẩn đoán chính xác cho Huy: ung thư sắc tố mắt / ocular melanoma. Từ đây, trong suốt bài này chỉ đơn giản gọi là “melanoma-mắt.”

         Không rõ nguyên nhân, nhưng số người mắc bệnh melanoma-mắt thì cao hơn ở nhóm người da trắng, mắt xanh [ không phải Huy], hoặc cũng có thể vì “hiệu ứng gây ung thư / oncogenic effects” do phơi ngoài nắng lâu dài; riêng đặc tính này thì Huy được xem như “overqualified”, do những năm dài lính tráng hành quân khắp bốn vùng chiến thuật và sau đó là thêm những năm lao động khổ sai tù đầy ở một xứ sở nhiệt đới như Việt Nam. Nói thêm, theo thuật ngữ y khoa, thì đây có thể là do “sai lầm của gene biến thể / mutated gene” đã ra lệnh hoảng cho các tế bào sản xuất melanin tiếp tục phát triển thay vì bình thường theo chu kỳ lão hóa và rồi chết đi. Y khoa bước đầu cũng đã tìm ra những “dấu ấn phân tử / molecular markers” trong nhiễm sắc thể / chromosome để phát hiện rất sớm các di căn.

         Melanoma-mắt là loại ung thư hiếm, rất thầm lặng và khi phát hiện thường là trễ với hơn 50% đã có di căn, nên tuổi thọ / life expextancy của những bệnh nhân này rất là ngắn, còn khoảng từ 2 tới 7 tháng; chỉ có khoảng 15% bệnh nhân là sống lâu hơn 12 tháng. Lý do chính là melanoma mắt với di căn tới gan, hầu như kháng lại mọi điều trị.

         Melanoma-mắt có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì ban đầu, khi có triệu chứng cũng không đặc thù như lóa mắt / flashing lights, mờ mắt / blurred vision hay với triệu chứng nhức mắt do tăng nhãn áp / glaucoma hoặc mất thị giác / vision loss [trường hợp của Huy], và diễn tiến lâm sàng thì rất bất định về thời gian trước khi có di căn tới các bộ phận khác ngoài xa mắt như gan, phổi, não và xương.

        Các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán bao gồm: thử máu chức năng gan, siêu âm mắt để phát hiện bướu trong mắt, chụp mạch máu mắt với chất cản quang, và có thể cần tới sinh thiết / biopsy vùng bướu trong mắt để xác định loại ung thư. Tiếp theo là theo dõi định kỳ, cũng với xét nghiệm máu, hình phổi, CT scan thay MRI để phát hiện sớm vùng bị di căn. UCLA đã cung ứng cho Cao Xuân Huy gần như đầy đủ những “tiêu chuẩn” như vậy.

         Nhưng yếu tố thời gian vẫn là tiên quyết. Thử chức năng gan đôi khi vẫn bình thường nhưng có thể ung thư đã lan tới gan, với những di căn rất nhỏ / micrometastases.
         Melanoma-da và melanoma-mắt, tuy cùng tên gọi nhưng lại là hai loài “dã thú” khác nhau. “Hóa trị / chemotherapy” có thể hiệu quả với melanoma-da nhưng lại gần như “bất trị” đối với trường hợp thứ hai. Kinh nghiệm điều trị di căn / metastases gan từ melanoma-mắt không nhiều. Hiệu quả điều trị được định nghĩa như bướu di căn thu nhỏ lại 50% hay hơn. Nếu đáp ứng chỉ được 15% không khác với hiệu ứng placebo/ giả dược thì việc tiếp tục điều trị thêm nữa chỉ làm thống khổ thêm người bệnh trong những tháng ngày ngắn ngủi còn lại.
  

Hình 3: người lính Cao Xuân Huy 2007 và Mẹ già
[nguồn: TQLC, Úc Châu]

        Cao Xuân Huy không là con bệnh của phẫu thuật / surgical candidate. Khởi đầu, Huy được xạ trị / radiation therapy trên vùng mắt bệnh hay từ chuyên môn còn gọi là brachytherapy, như một loại kim phóng xạ / radioactive seeds.
        Sau bước điều trị ấy, Huy vẫn được UCLA thường xuyên theo dõi. Do chỉ còn nhìn được với một mắt nên tầm thị giác của Huy bị giảm đáng kể, mất khả năng lượng giá chiều sâu / depth perception, nhưng Huy thì vẫn thản nhiên sinh hoạt bình thường, hàng ngày lái xe khá xa từ nhà ở Lake Forest đi làm trên Little Saigon, khi lái xe về nhà ban đêm Huy đã thấy khó khăn hơn.
         Hóa trị liệu được dùng trong điều trị melanoma da và mắt. Thuốc cho qua đường tĩnh mạch, theo đường dẫn của máu tới vùng ung thư nhằm nhanh chóng giết chết các “tế bào ác”. Cũng không tránh được thuốc ấy giết hại cả những tế bào lành. Và dĩ nhiên có vô số những biến chứng phụ / side effects do thuốc, khiến không ít số bệnh nhận phải bỏ cuộc, bao gồm: trầm cảm, mỏi mệt, nôn mửa xuống cân, thiếu máu, giảm bạch cầu nghiêm trọng / neutropenia làm mất khả năng đề kháng dễ bị nhiễm trùng nặng gây tử vong…Tiến bộ của y khoa đã có những thuốc mới làm giảm thiểu các phản ứng phụ này. Chỉ khoảng 20% bệnh nhân malanoma-da có đáp ứng điều trị. Chưa có hóa trị liệu nào chứng tỏ có hiệu quả đối với di căn melanoma-mắt xuống gan, như trường hợp Cao Xuân Huy.
          Bướu di căn của loại melanoma này không phải chỉ có một, do có nhiều bướu nhỏ trong gan, nên phẫu thuật cắt bỏ / resection không có chỉ định trong trường hợp này.

Hình 4
Người lính Cao Xuân Huy 2007 và vợ, Úc Châu;

                                      Vợ chồng Cao Xuân Huy và 2 con gái Chúc Dung, Xuân Dung
[nguồn: tư liệu gia đình Cao Xuân Huy]

          Nói chung, một số loại ung thư có thể chữa lành, nhưng melanoma-mắt với di căn gan thì không có hay đúng hơn là chưa có trong danh sách ấy, nó thuộc loại rất “ác tính” vẫn còn là một thách đố với tiến bộ của y khoa trong thế kỷ 21.
          Cũng như khi cầm bút, Huy viết về cái xấu cái tốt của mình một cách thản nhiên, thì nay nói về bệnh ung thư mắt của mình cũng với một sự thản nhiên như vậy, trong khi người nghe thì không tránh được nỗi xúc động hay cả hốt hoảng. Một người bạn thân sau khi gặp Huy đã phát biểu: “Huy bệnh ngặt nghèo như vậy mà chính mình lại như được nó an ủi.”

         Theo dõi Huy, mới thấy Huy là người bệnh khá mẫu mực, dứt bỏ rượu dễ dàng, rất kỷ luật trong từng giai đoạn điều trị, Huy cũng đã nhận được những chăm sóc y khoa tiên tiến nhất mà anh rất xứng đáng được hưởng. Đổi lại, Huy đã cống hiến cho y khoa một “case study” tốt nhất trong cuộc chiến đấu khuất phục loại ung thư mắt dữ dằn này.
         Huy đã can đảm chịu đựng, vượt lên trên những thống khổ do hậu quả của các bước điều trị mà ngay từ bước đầu đã không có một hứa hẹn thắng lợi nào. Anh cũng được báo trước rằng khi chấp nhận điều trị, phẩm chất những tháng ngày còn lại của anh có thể sẽ bị ảnh hưởng không những thế quỹ thời gian của Huy còn có thể bị rút ngắn hơn. Huy đã can đảm chấp nhận tất cả.

         Huy và tôi, qua cell vẫn liên lạc với nhau hàng tuần, thường là ngày thứ Năm sau ngày tái khám ở UCLA về. Thường là tôi phone cho Huy, nhưng lần này Huy gọi tôi báo tin cho biết CT scan mới phát hiện có bướu nhỏ trong gan. Nhiều phần có thể là do di căn từ ung thư mắt nhưng cũng có thể là một bướu gan tiên khởi / primary tumor không có liên hệ gì tới melanoma-mắt, khi mà tỉ lệ ung thư gan do viêm gan siêu vi B của người Việt Nam hay các sắc dân Á châu nói chung khá cao. Dù trường hợp nào thì điều trị cũng là rất khó khăn.
         Tuần lễ sau đó, con gái Huy đưa bố vào UCLA làm biopsy / sinh thiết gan, và chưa bao giờ nghe Huy mở miệng than đau. Kết quả sinh thiết gan xác định bướu gan là do di căn từ ung thư mắt. Không thể giải quyết bằng phẫu thuật, mà xạ trị / radiation therapy hay hóa trị / chemotherapy đều không có hiệu quả với loại di căn này. Cuộc chiến đấu sắp tới của Huy có phần gay go hơn. Huy rất biết có một dự hậu / prognosis không sáng sủa như vậy nhưng vẫn chấp nhận “một vòng / cycle hoá trị liệu” đầu tiên, mỗi tuần vào ngày thứ Tư trong 6 tuần lễ. Huy vượt qua vòng đầu một cách dễ dàng dĩ nhiên cũng phải trải qua tất cả những biến chứng phụ do thuốc. Thời gian này, Huy vẫn tự lái xe đi làm và cả cuối tuần thì gặp gỡ các bằng hữu. Tái lượng giá sau vòng 1 hoá trị, vùng di căn ổn định, không lớn ra hay phát tán thêm. Như một chút ánh sáng cuối đường hầm, nhưng không thể nói điều trị đã có hiệu quả. Trong cuộc chiến rất không cân xứng ấy, thắng lợi đầu tiên không phải là diệt mà là “cầm chân địch”. Và Huy chấp nhận thêm một “vòng hóa trị thứ hai”, cũng mỗi tuần trong 6 tuần lễ nữa.

         Không biết bên địch tổn thất bao nhiêu, nhưng rõ ràng Huy bắt đầu phải trả giá. Tuần lễ đầu tiên, sau lần hóa trị của vòng 2, Huy cho biết, ngoài các phản ứng phụ đã trải qua như ở vòng đầu, thì lần này khắp mình mẩy thêm cái “đau như xé thịt” _ chữ của Cao Xuân Huy. Huy chưa bao giờ biết than đau, có nghĩa là ngưỡng chịu đau / pain threshold của Huy rất cao, cái đau 10/10 vẫn không khiến Huy có ý định bỏ cuộc. Tuần lễ thứ hai, với sự dè dặt của toán điều trị, nhưng Huy vẫn yêu cầu tiếp tục bước thứ hai. Vẫn cái “đau xé thịt” ấy nhưng cường độ thì lớn hơn và kéo dài hơn mấy ngày sau khiến Huy phải cần thuốc giảm đau. Đây là một khúc rẽ quan trọng, do sức người có hạn, Huy không thể đi những bước tiếp theo, theo lượng định của toán điều trị chứ không phải do Huy. Sự can trường với sức mạnh tinh thần vốn có của Huy đã không tỉ lệ với thể trạng của Huy bây giờ. Huy cần một “thời gian dưỡng thương” trước khi có thể hoạch định một bước điều trị khác.

         Rồi bước tái lượng giá tiếp theo, Huy được báo cho biết bướu di căn cũ thì đã lớn hơn và có thêm nhưng di căn mới trong gan. Riêng Huy cũng cảm thấy vùng gan bây giờ không chỉ cứng hơn mà còn lớn hơn và ăn uống thì khó khăn. Từ đây Huy xuống sắc, xuống cân và yếu đi rất nhanh, duy tinh thần thì vẫn vững vàng. Như từ bao giờ, Huy vẫn với thái độ rất thản nhiên, và như không có gì để hối tiếc.
        Có lần gặp Huy đã quá yếu, không còn đứng vững trên hai chân, sắp ngã quỵ mà Huy vẫn không muốn vịn trên cánh tay người bạn đứng bên mình.
        Như vậy UCLA cũng đã bó tay, và gửi trả Huy về với bác sĩ gia đình. Thay vì đưa vào hospice / nơi chăm sóc người cận tử, thì Huy vẫn sống với sự chăm sóc đầy ắp thương yêu của gia đình với vợ và hai con.

        Chủ Nhật 07/11/2010, lễ hứa hôn con gái thứ hai của Huy [ cháu Xuân Dung ] được tổ chức sớm hơn trong gia đình cho Huy vui và Huy đã thực sự vui với ngày vui ấy của con gái. Sau này tôi khám phá ra một điều, một Cao Xuân Huy tuy cứng cỏi nhưng cũng biết sợ, rất sợ đứa con gái thứ hai. Huy có thể không nghe đôi lời khuyên của tôi, nhưng những gì nhắn qua qua Xuân Dung, như mệnh lệnh của trái tim, tôi biết chắc Huy sẽ làm.

                                     Hình 5: Cao Xuân Huy và bạn hữu, từ phải, Hoàng Khởi Phong,
Hoàng Chính Nghĩa, Cao Xuân Huy, Ngô Thế Vinh
[nguồn: photo by Phạm Bích Hoan 2006]


       Những ngày sau đó, các cơn đau khiến người Huy co lại nhưng Huy vẫn không muốn dùng nhiều thuốc giảm đau. Cuối cùng thì phải cần tới morphine với liều lượng càng ngày càng tăng mỗi hai tiếng và cũng chỉ phần nào giảm các cơn đau đổ ập tới. Huy thì vẫn khắc kỷ chịu đựng, không rên siết hay một lời than đau và vẫn không thiếu nụ cười hiền với người thân và các bằng hữu rất quý Huy tới thăm.
       Năm ngày sau, 4 giờ 53 chiều thứ Sáu 12 tháng 11, Huy đã yên tĩnh và mãn nguyện ra đi vẫn bên sự chăm sóc thương yêu của vợ con và có thêm hai người bạn vô cùng thân thiết: một từ thuở thơ ấu, Bs Nguyễn Đức mới tới từ Florida, một từ thời quân ngũ TQLC, anh Trần Như Hùng đã đến kịp từ Úc Châu.
       Bước trên con dốc chênh vênh của tử sinh, trong cuộc chiến không cân sức ấy, Cao Xuân Huy như một người bệnh mẫu mực, đã can trường hoàn tất cuộc chiến đấu cuối cùng của đời mình, với tất cả sức mạnh tinh thần và đã ra đi với nguyên vẹn phẩm giá / with dignity.
  
BÀI THƠ THÁNG BA TRỊNH Y THƯ
 eMail Trịnh Y Thư 12 tháng 11, 2016, cũng là ngày giỗ thứ 6 của Cao Xuân Huy. Bài thơ TYT làm ngay tối hôm CXH trút hơi thở cuối cùng. Bức ảnh trong bài thơ do TYT chụp lúc tro CXH thả xuống biển Laguna Beach 100 ngày sau.

Tháng Ba, hãy trôi đi


Tháng ba đỉnh trời toác máu
lũ kên kên chao chiêng mùi tử khí trào dâng
tháng ba xác trẻ và người già

Nằm bên nhau thanh thản nghe gió vi vu
bờ lau Cửa Việt sóng bủa lớn
nuốt chửng –

Thành phố lạ, biển đen không đâu là nhà
tên tuổi lãng quên như râu tóc
bản nháp cuộc đời viết mãi chưa xong

Đêm trổ mưa, đi về như cơn mộng
rượu đỏ máu bầm cũng thế thôi
ngan ngát hoàng lan chờ bên khung cửa

Chua xót viên đạn cũ còn sưng vết thương
tháng ba trở về bờ cát đỏ
tháng ba trôi đi như ngàn sương

Lạ thổ ngơi lạ cả tình
bên kia núi còn nghe đồng vọng
u uất đêm trăng –

Chờ ngày hóa thân
cõi lạ vừa nằm xuống đã thấy biển xưa
cát trắng mái nhà nâu hàng dừa

Hãy trôi đi tháng ba.
Trịnh Y Thư
12.11.2010

NGÔ THẾ VINH
California, 16.11.2010
Nhớ Ngày Giỗ thứ 6 Cao Xuân Huy 12.11.2016


No comments:

Post a Comment