Nói chuyện với nhà báo và
nhạc sĩ Đinh Sinh Long về
Bob Dylan với ca khúc “Blowin’ in
The Wind”
và Giải Nobel văn chương 2016
Bob Dylan
NguyễnMạnhTrinh: Mỗi năm cứ vào dịp đầu tháng 10 là dư
luận trong giới văn học thế giới lại xôn xao bàn tán với câu hỏi là:
Ai sẽ đoạt giải văn chương Nobel năm nay?
Hội Đồng Tuyển Chọn của Hàn Lâm Viện Thụy Điển với thành phần gồm 18 giám khảo
sẽ quyết định về giải thưởng cao
quý này. Năm nay, trước ngày tuyên bố kết quả của giải văn chương, đã
có những dự đoán và những người đánh cá cược, dưa vào những
thăm dò riêng của họ. Như Ladbrokes’, đã tiên đoán người đoạt
giải sẽ là Haruki Murakami, tiểu thuyết gia Nhật Bản, với tỉ lệ 1 ăn
4, thứ nhì là thi sĩ Syrian Adonis với tỉ lệ 1 ăn 6, thứ ba là tiểu
thuyết gia Hoa Kỳ Philip Roth 1 ăn 7, thứ tư
là Ngugi Wa Thong, tác giả người Kenyan 1 ăn 10, thứ năm là Joyce Carol
Oates, tác giả ngươì Hoa Kỳ với tỉ lệ 1 ăn 16. Đó là top-five trong danh sách dự
đoán. Bob Dylan, nhạc sĩ Pop của Hoa
Kỳ, chỉ có thứ hạng khá khiêm nhường với tỉ lệ 1 ăn 50.
Và kết
quả khá ngạc nhiên cho tất cả mọi người: Một nhạc sĩ đoạt giải Nobel
văn chương. Ngày 13 tháng 10, Thư ký
Thường Trực của Hội Đồng Tuyển Chọn- Sara Danius – tuyên bố Bob Dylan
chính thức đoạt giải Nobel Văn Chương năm 2016. Trong bản văn tuyên bố
giải thưởng, Bob Dylan đươc xưng tụng là một nhạc sĩ “đã sáng tạo
được cách diễn đạt thi ca tân kỳ trong truyền thống ca khúc vĩ đại
của Hoa Kỳ”, và “ông là một nhà thơ vĩ đại trong truyền thống văn
chương Anh ngữ”
NhãLan: Bob Dylan là nghệ danh của Robert Allen
Zimmerman, người Hoa Kỳ gốc Do Thái.
Ông là một nghệ sĩ đa tài, vừa là nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên,
và còn là họa sĩ, nhà văn, nhà biên soạn kịch nữa. Trong hơn 5 thập niên, ông là một chân
dung nghệ sĩ có ảnh hưởng tới nền âm nhạc và văn học thế giới. Ảnh hưởng lớn nhất của ông là những ca
khúc ông viết trong thập niên 60 với chủ đích khởi xướng và dẫn
đường cho những phong trào tranh đấu cho nhân quyền, cho công bằng xã
hội và chống đối chiến tranh. Nổi bật là hai ca khúc “Blowin’ in the
Wind” - Cuốn Đi Theo Gió - và “The Times They Are A-Changin’” -
Thời Đạí Đang Đổi Thay – là hai bài thánh ca của các phong trào đòi
hỏi nhân quyền và chống chiến tranh trong thập niên 60 và 70 ở Hoa Kỳ.
Những ca khúc của Bob Dylan luôn
luôn được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng các bài ca được nhiều
người ưa chuông. Đặc biệt là ca
khúc “Like a Rolling Stone” - Như Một Hòn Đá Lăn - đã từng được Tạp
Chí Rolling Stone xếp vào hạng Nhất, trong danh sách “500 ca khúc hay
nhất của mọi thời”. Bob Dylan, với 55 năm sinh hoạt nghệ thuật không
ngưng nghỉ, với hàng trăm ca khúc ông sáng tác, với hàng trăm đĩa
nhạc phát hành và lưu diễn trên khắp thế giới, danh tiếng và tầm
ảnh hưởng của Bob Dylan thật là rộng lớn. Ông đã từng đoạt
được giải Pulitzer Hoa Kỳ năm 2008. Ông đã được Tổng Thống Mỹ Barack Obama
trao Huân chương Tự do năm 2012. Và bây giờ, được trao tặng Giải Nobel
Văn Chương 2016.
NhãLan:
Thưa quý vị, Chương trình Tản
Mạn Văn Học hôm nay, chúng tôi có mời một vị khách quý là nhà báo Đinh Sinh
Long, mà trước đây, chúng tôi đã có dịp nói chuyện, trong chương trình này, về
đề tài báo chí của Không Quân. Thưa quý vị, nhà báo Đinh Sinh Long cũng còn là
một nhạc sĩ, một nghệ sĩ tài tử, ông là “fan” của Bob Dylan, và ông đã từng viết
lời Việt cho bài ca rất nổi tiếng “Blowin’ in The Wind” -Gió Cuốn Đi Rồi- của Bob Dylan. Hôm nay, chúng tôi mời ông tham dự buổi tản mạn
này, để cùng với chúng tôi, Nhã Lan và nhà
thơ Nguyễn Mạnh Trinh, nói về
Bob Dylan, người nhạc sĩ vừa được trao tặng giải thưởng Nobel Văn Chương năm
2016.
1 - NguyễnMạnhTrinh: Thưa
anh, khi anh hay tin nhạc sĩ Bob Dylan đoạt giải Nobel văn chương năm nay, anh
có thấy bất ngờ không?
ĐinhSinhLong:
Vâng, đương nhiên là bất ngờ rồi. Giải thưỏng về văn chương mà lại trao cho một ông nhạc sĩ thì đúng
là điều gây ngạc nhiên. Và vì ngạc nhiên, nên tôi mới tìm đọc một số bài viết
về Bob Dylan. Tôi mới biết là có nhiều phê phán và tranh luận trong
giới văn học về giải Nobel văn chương năm nay. Tôi cũng có đọc cả những bài tiếng
Việt như bài viết về Bob Dylan của anh Nguyễn Mạnh Trinh đây, rồi cũng
đọc bài của Hoài Nam trên trang mạng TVấn & bạn hữu, và đọc cả bài
của Trần Doãn Nho trên NgườiVietonline, đặc biệt là bài thơ rất hay,
do Trần Ngọc Cư dịch từ lời ca “Blowing in the Wind” thành bài thơ
“Thoảng Bay Theo Gió”, đăng trên trang mạng Khoahocnet. Thât ra, trước đây
tôi chỉ biết Bob Dylan là tác giả của "Blowing In The Wind", là bài
ca mà tôi rất thích, thích từ thời còn trẻ, và rồi sau này, tôi đã có dịp dịch
bài này sang lời
Việt để hát. Lời bài ca tiếng Anh của Bob Dylan rất hay, rất cảm động. Đó là một bài thơ, khi hát lên, như ta
đang hát những lời của một bài thơ vậy.
2 - NhãLan: Nói
đến
Bob Dylan là chúng ta nghĩ ngay đến “Blowin’ in The Wind” rồi. Đây là một ca khúc rất nổi tiếng và từng được
coi là thánh ca của phong trào đấu tranh cho nhân quyền và chống chiến tranh của
thanh niên Hoa Kỳ trong thập niên 60, 70.
Sau đây, Nhã Lan xin giới thiệu bài ca này cùng quý vị. Bài này do chính tác giả Bob Dylan trình diễn
lần đầu, vào năm 1963. Xin mời quý vị
cùng nghe
Video clip 1: https://www.youtube.com/watch?v=315Ubn3VFvI
3
- NguyễnMạnhTrinh: Đây là
một ca khúc rất hay và rất nổi tiếng của Bob Dylan. Theo anh, yếu tố nào làm cho ca khúc
này hay và nổi tiếng?
ĐinhSinhLong: - Theo
tôi nghĩ, một cách đơn giản, một ca khúc được coi là “hay”, nếu nó
rung động được lòng người. Theo Bob Dylan, có lần ông phát
biểu là, đối với một ca khúc phổ thông, có lời và nhạc, thì lời ca
là yếu tố quan trọng nhất. Áp
dụng vào ca khúc “Blowing In the Wind” này, như chúng ta vừa mới nghe,
ta thấy rằng: Lời ca có vần điệu như một bài thơ, gồm ba đoạn là
những câu hỏi về thân phận con người, về ý nghĩa cuộc đờì, về nhân
quyền và về chiến tranh. Điệp khúc
là: The answer, my friend, is blowing in the wind – Câu trả lời, bạn ơi,
đã bay theo gió rồi”. Bài ca này
gửi cho ta một thông điệp, thôi thúc ta phải suy nghĩ, phải có thái
độ, cho những vấn nạn đã nêu lên trong các câu hỏi. Còn về giai điệu, đây là một điểm đăc
biệt của Bop Dylan, ông dùng một giai điệu giản dị, pha trộn âm giai
trưởng và thứ theo một vòng luân lưu rất dễ nghe. Bởi vậy, Blowin’ in the Wind là một ca
khúc hay, dễ phổ biến
và rất nổi tiếng. Nổi tiếng vì
nó gắn liền với phong trào đấu tranh cho nhân quyền và phản chiến ở
Hoa Kỳ thời đó.
4 - NhãLan:
Như chúng ta đã biết, bài ca
này từng được coi là thánh ca của phong trào tranh đấu cho nhân quyền
và chống chiến tranh ở Hoa Kỳ.
Chính Bob Dylan và danh ca Joan Baez, người tình của ông, cặp nghệ sĩ tài danh này đã song ca bài
Blowin’ in the Wind trong cuộc diễn hành lịch sử “March on Washington” năm
1963, mà Mục sư Martin Luther King Jr. từng đọc bài diễn văn “I have a
Dream” nổi tiếng khắp thế giới. Và sau này, nó còn là bài ca
chính thức của phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ. Vậy Nhã Lan xin hỏi, tại sao bài này
lại được phổ biến trong giới quân nhân Mỹ tham chiến ở VN dạo đó?
ĐSLong:
Vâng, thì có thể hiểu, có thể cắt nghĩa, đó là một đặc điểm
của chế độ tự do. Hoa Kỳ, và tôi
nghĩ, một phần nào đó, của chế độ “tương đối tự do” ở Miền Nam VN
trước đây nữa. Có tự do trong nghệ
thuật, có tự do sáng tác. Do đó, bài ca này vẫn được phổ biến rộng
rãi. Thực ra đây không phải là bài
ca “phản chiến”, nội dung của nó là nói về nhân quyền và khơi dậy
lòng yêu thương hòa bình. Phong trào phản chiến thời đó chọn nó làm
bài ca chính của phong trào nên nó mới bị gán cho cái ý
phản chiến mà thôi. Tôi xin nói thêm một ý này: Dưới chế dộ CS Miền Bắc, các ca khúc
thời chiến tranh thì phải hô hào chiến tranh, xông lên, bắn giết. Còn ca khúc ở Miền nam thì nói đến
tình yêu và tâm tư con người trong cuộc chiến. Nếu có những lời ca than vãn về nỗi
đau thương hay suy tư về cuộc chiến, thì không hẳn bị coi là phản
chiến. Vì vậy Miền Nam mới có
Trịnh Công Sơn, được tự do sáng tác, được tự do phổ biến. Trường hợp bài ca này của Bob Dylan
cũng vậy. Các đài phát thanh của
quân đội Hoa Kỳ và các club nhac trong căn cứ, vẫn cho hát “Blowin’ in
the Wind”, và nhiều bài như “Five
hundred miles “ “Country Road”, làm lòng người lính trĩu nặng nỗi buồn
nhớ nhà. Dù vậy, vẫn không
sao. Đó là đặc điểm của nền văn
nghệ tư do. Trường hợp cá nhân tôi,
là một quân nhân tình nguyện vào quân ngũ, từng phục vụ nhiều năm ở
đơn vị tác chiến, khi nghe được bài này, tôi nhớ là từ một đĩa hát
do bộ ba Peter, Paul và Mary trình bày, tôi rất xúc động, nhưng nó
chẳng hề làm sờn lòng chiến đấu của mình.
Một điều nghe có
vẻ nghịch lý là: lòng mình, trái
tim mình, thì xúc động với lý tưởng hòa bình, chán ghét chiến
tranh, trong khi đầu mình, trí mình, thì bảo phải chiến đấu, phải
cầm súng, phải tự vệ. Chúng ta chiến đấu là để bảo
vệ một xã hội có tự do, có nhân quyền cho Miền
Nam.
Bài hát này nói về nhân quyền, nó thức tỉnh con người về giá
trị của nhân quyền, của hòa bình.
Cho nên nó làm mình xúc động, nó lôi cuốn được thế hệ trẻ có
lý tưởng
5 - NhãLan:
Anh vừa nói đến đĩa hát của
bộ ba Peter, Paul và Mary. Đúng vậy,
họ đàn hát bài này rất truyền cảm, hòa âm rất hay, nghe rất xúc
động. Nhã Lan đề nghị chúng mình
nên tạm ngưng nói chuyện một lát, để mời quý vị thưởng thức, một
lần nữa, bài ca “Blowin’ in the Wind” của Bob Dylan, do bộ ba Peter, Paul
và Mary trình diễn sau đây
Video clip 2:
https://www.youtube.com/watch?v=Ld6fAO4idaI
6 - NMTrinh: Bob
Dylan còn là thi sĩ, là họa sĩ, là nhà văn. Những lời ca của ông cũng là những bài
thơ, nó chuyên trở những ý tưởng, nó là những thông điệp nói lên tâm
tư của con người cùng thế hệ ông, cho nên ông từng được tuyên dương là
“Tiếng nói của thế hệ mình” “The voice of his generation”. Anh nghĩ thế nào? Anh thích nhất ca
khúc nào của Bob Dylan?
ĐSLong:
Vâng, thực ra thì Bob Dylan không nhận cái danh hiệu là “tiếng
nói của thế hệ”. Trong một cuộc
phỏng vấn, ông nói ông chỉ đơn giản là một “nhạc sĩ” mà thôi. Ông cũng không bao giờ giải thích ý
nghĩa của những bài ca ông viết.
Ông để mỗi người tự cảm nhận lấy theo ý riêng của họ. Còn bài ca nào của Bob Dylan mà tôi
thích nhất? thì thực ra, tôi chỉ thích hát một bài của ông ấy, là
bài “Blowin’ in the wind “. Một bài
đó thôi. Những bài khác thì hoặc tôi không được biết đến, hoặc biết
mà không thích hát. Đơn giản là vì
những bài đó phần lớn thuộc loại nhạc Rock, ồn ào, không hợp với
tai của người Việt ở thế hệ tôi.
Tuy nhiên, chỉ nói về lời ca, thì phải công nhận rằng những
lời ca Bob Dylan viết, đều là những bài thơ hay, hay cả ý lẫn
chữ. Chẳng hạn, như bài “Like a
Rolling Stone” - “Như một hòn đá lăn”, là bài được xếp hạng Nhất trong
“500 bài ca hay của mọi thời”. Tuy
rằng nó nổi tiếng với người Mỹ, nhưng không hợp với người Việt, nói
chung.
7 - NMTrinh:
Có người nói Trịnh Công Sơn
chịu phần nào ảnh hưởng lời ca của Bob Dylan, chằng hạn Bob Dylan có
“Blowing in the wind” thì Trịnh Công Sơn có “Để gió cuốn đi”, Bob Dylan
có “Like a rolling stone” thì Trịnh Công Sơn có “Như một hòn bi xanh”.
Anh nghĩ thế nào về sự so sánh này?
ĐSLong:
Tôi nghĩ so sánh như vậy là không đúng. Trịnh Công Sơn viết “Để Gió Cuốn Đi”
với câu hỏi mở đầu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để
làm gì em biết không? Và ông trả lời: “Để gió cuốn đi” với ngụ ý
là: để gió mang đi gieo rắc tấm
lòng đó, tình thương đó vào đời, cho mọi người. Còn Bob Dylan thì chuyên viết những ca
khúc được gọi là “phản kháng”, ông nêu lên những câu hỏi, những điều
phi lý của cuộc đời, bất công của xã hội, như trong bài “Blowing in
the wind”, tôi tạm dịch để dễ hát theo nốt nhạc, là “Gió Cuốn Đi
Rồi”, với ngụ ý là: những câu trả
lời cho các vấn nạn đó đã không tìm ra được, vì nó đã bị gió cuốn
đi vào chốn mù khơi rồi. Vậy thì
“Gió cuốn đi rồi” khác hẳn với “Để gió cuốn đi” của TCS. Cũng vậy, với bài “Như một hòn bi xanh”
TCS so sánh “Như một hòn bi xanh, trái đất này quay tròn. Căn nhà ta
nằm nhỏ, trong một lòng quê hương” để rồi kêu gọi: “Này em trong mỗi con tim, nhớ mang quê
hương của mình”. Tôi chợt nghĩ ,
không biết có phải TCS viết bài này trong một “Trại sáng tác do nhà
nước tổ chức” để kêu gọi những người Việt Hải Ngoại không? Ý “yêu
quê hương” này nghe rất kêu, kiểu thơ phú cường điệu nặng
mùi tuyên truyền: “Quê hương là chùm
khế ngọt …Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người!”
của một ông thi sĩ nào đó. Còn Bob
Dylan viết “Like a Rolling Stone - Như một hòn đá lăn”, là ví von số
phận đổi thay của một phụ nữ, từ chỗ đỉnh cao, có tất cả, tiền
tài, danh vọng, rồi một ngày cô bị rơi xuống đáy tận cùng, mất tất
cả. Đoạn điệp khúc như thế này: How
does it feel? - Cảm giác thế nào nhỉ. To be on your own- Khi phải sống
một mình. With no direction home- Khi
không biết đâu là nhà. Like a complete unknown- Như một kẻ hoàn toàn vô
danh. Like a rolling stone- Như một hòn đá lăn. Tôi dẫn chứng dài dòng như vậy để thấy
rằng “như một hòn bi xanh” vui tươi của Trịnh Công Sơn hoàn toàn khác
ý nghĩa với “Như một hòn đá lăn” bi thảm của Bob Dylan. Tuy nhiên, nếu
có điều so sánh nào đó giữa
hai nhạc sĩ này, thì có thể nêu lên ở điểm này, chỉ ở điểm này
thôi: Đó là lời ca của họ đều là
những bài thơ, mang ngôn ngữ và âm điệu của thơ. Vậy thôi.
8 – NMTrinh:
Anh nói đến chất thơ trong ca
khúc. Ngoài Trịnh Công Sơn như anh
kể, còn
có nhạc sĩ nào khác không?
ĐSLong:
Nhạc sĩ có lời ca thơ, tự mình viết cả nhạc lẫn lời, mà lời là thơ, theo tôi, thì
có
Nguyễn Đình Toàn. Nguyễn Đình
Toàn ở Miền Nam, không phải là Nguyễn Đình Toàn ca sĩ ở ngoài Bắc,
thường hát nhạc TCS thấy trên Youtube, mà nhiều người lẫn lộn vì
trùng tên. Nguyễn Đình Toàn của Miền Nam là văn sĩ, tác giả của “Áo
Mơ Phai” đã được trao tặng giải
thưởng Văn Chương toàn quốc của VNCH trước 75. Ông cũng là thi sĩ và
nhạc sĩ, đa tài giống như Bob Dylan. Toàn bộ những ca khúc ông viết,
trên 100 bài, đều là thơ. Ông viết lời thơ về tình yêu, về thân phận,
về đất nước. Nhiều bài nổi tiếng đã được phổ biến rộng rãi
trên Youtube với tiếng hát của Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Tuấn Ngọc
và nhiều giọng ca khác nữa. Bob
Dylan quan niệm lời ca quan trọng hơn giai điệu. Điều này tôi thấy là đúng. Rất đúng trong trường hợp nhạc sĩ
Nguyễn Đình Toàn. Chính phần lời ca, lời thơ của ông đã chinh phục
người nghe hơn là phần giai điệu của ca khúc. Như “Nước Mắt Cho Sài
Gòn”, “Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn”, “Căn Nhà Xưa”, “Một
Cánh Hoa Rơi”, “Đường Đưa Bước Em Đi” “Mưa Khuya” “Tình Khúc Thứ Nhất” “Còn Tiếng Hát Gửi Người” v.v.. Hát
những bài của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn là ta “hát thơ”, “ca thơ”,
nói theo chữ của Hoàng Ngọc Tuấn, cũng là một nhạc sĩ kiêm thi sĩ,
hiện
là chủ biên của trang
Tiền Vệ, bên Úc Châu. Cũng vậy, giải Nobel văn chương năm nay trao
cho Bob Dylan chính là vì cái giá trị văn chương của những lời ca thơ trong các ca khúc
của ông, đúng như những lời tuyên dương trong bản tuyên bố giải
thường: Bob Dylan là một nhạc sĩ “có những sáng tác diễn tả tân kỳ
trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Hoa Kỳ”, và “ông là một nhà thơ vĩ đại của nền
văn học Anh ngữ”
9 - NhãLan:
Nhã Lan được biết là anh có viết lời ca tiếng Việt cho bài “Blowin’ in
the Wind”. Trước khi mời quý vị thưởng thức bài ca này với lời tiếng
Việt của anh, xin anh nói đôi điều về việc anh viết lời Việt cho bài
ca này như thế nào?
ĐSLong:
Vâng, việc này cũng có một vài sự tích. Tôi xin phép sẽ dài dòng một chút để gợi lại một vài kỷ niệm riêng.
Bài Blowin’ in the Wind này tôi nghe lần đầu, từ hồi còn chiến tranh,
khoảng đầu năm 1968,
khi đó tôi đang theo học lớp Báo Chí ở Hoa Kỳ. Phong trào phản chiến ở HK lúc đó đang
bùng lên rất mạnh. Bài Blowin’ in
The Wind rất phổ biến. Tại sao tôi thích bài này, thì tôi đã trình
bày lúc trước rồi. Rồi sau 75, sau
khi tôi bị tù Cộng sản ở ngoài Bắc được thả về Sài Gòn, tôi gặp lại
một nhạc sĩ trẻ, Nguyễn Tiến Chỉnh, cũng là một phi công đi tù CS
về, anh bạn này chơi guitar bass trong ban nhạc ở Tour d’ Argent cùng
nhạc sĩ Phạm Trong Cầu và nhạc sĩ Nhật Bằng. Nguyễn Tiến Chỉnh cho tôi bản in của ca
khúc này, và chúng tôi tập guitar với nhau. Lúc đó, trong chỗ
riêng tư, chúng tôi rất thích hát lại những ca
khúc của Mỹ như Imagine, Greenfields,
Five Hundred Miles, House of the Rising Sun, The End of the World, If You Go
Away v.v. và nhất là bài Blowin’ in the Wind. Không ngờ, và cũng là điều oái
oăm: Bài hát một thời là “thánh
ca” của phong trào phản chiến, thì nay, đối với chúng tôi, là những
“nạn nhân cộng sản”, bây giờ sống trong một xã hội đang băng hoại, sống dưới một chế độ độc tài và chà đạp
nhân quyền, thì bài ca này lại càng thấm thía và đánh động tâm can
chúng tôi vô cùng. Và lúc đó, tôi rất muốn dịch nó sang lời Việt. Nhưng dịch bài này không dễ. Phải tìm đúng chữ, vừa đúng ý lời ca
gốc, lại vừa dễ hát cho hợp với nốt nhạc, và còn phải hợp với
lối nói tự nhiên của người Việt mình nữa. Vì khó, nên tôi bỏ
dở. Mãi đến khi sang đến
đất Mỹ này, tình cờ một hôm cao
hứng, tôi đã dịch xong lời Việt cho bài này, đó là vào năm 1994. Tuy chưa được hoàn hảo, nhưng tôi cũng
hài lòng. Và hôm nay, vì nhận lời
mời của cô Nhã Lan và anh Nguyễn Mạnh Trinh đây, nên chúng tôi cố gắng
thực hiện video clip cho bài ca tiếng Việt này. Dù là với tiếng hát mộc
mạc và già nua cùa
đôi vợ chồng đã ở tuổi ngoài 70, nhưng đây là “tấm lòng văn nghệ”
của chúng tôi đóng góp cùng các bằng hữu.
10 – NhãLan:
Và bây giờ, xin mời quý vị, chúng
ta cùng nghe “Gió Cuốn Đi Rồi” do Ngọc Diệp và Đinh Sinh Long viết lời
Việt và đàn hát sau đây
Video clip 3:
https://www.youtube.com/watch?v=8DM4ysniOKM
11 – NhãLan: Cám ơn
anh chị Đinh Sinh Long và Ngọc Diệp đã đóng góp cho chương trình một
video ca nhạc nghệ thuật rất có ý nghĩa.
Lời
Việt anh đăt rất khéo, rất sát với ý của lời ca gốc, mà vần điệu
cũng giống như một thơ vậy. Thưa anh, anh dịch Blowin’ in the Wind là
“Gió Cuốn Đi Rồi”. Nhã Lan thấy
trên Facebook có người dịch là “Để Gió Cuốn Đi”, anh nghĩ thế
nào?
ĐSLong: Cô Nhã Lan nêu lên câu hỏi này rất
hay. Vì câu “The answer, my friend, is
blowing in the wind” của Bob Dylan lâu nay vẫn còn gây tranh luận đối với
chính người Mỹ. Như ta đã biết, Bob
Dylan không bao giờ chịu cắt nghĩa những lời ca ông viết. Ông để mọi người tự do hiểu lời ca đó
theo quan điểm riêng của họ. Cho nên
mới mạnh ai nấy hiểu, và tha hồ giải thích, tranh cãi. Có người giải thích rằng: Câu trả lời không hề TAN BIẾN MẤT trong
gió đâu. Nó ở trong gió, nó ở
quanh ta, nếu ta biết lắng nghe ta sẽ nghe thấy đươc. Trần Ngọc Cư đã
dịch sang thơ thế này: “Lời đáp bạn ơi thoảng bay theo gió” nghe cũng
hay lắm. Tôi dịch là “Ai ơi, câu
trả lời, theo gió gió cuốn đi rồi.
Ai ơi, gió cuốn trôi trong mù khơi” là cũng dịch thoat ý của
lời gốc: “The answer, my friend, is blowin’ in the wind. The answer is blowin’ in the wind”. Còn ai đó dịch là “ĐỂ gió cuốn đi”,
như tên của một ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn, thì tôi nghĩ,
chữ ĐỂ đã làm sai lạc hoàn toàn ý của câu này và của cả bài ca
này rồi. Mà thưc ra, theo tôi, cái
ý chính, thông điệp chính, của bài này, là nằm ở những câu hỏi.
Những câu hỏi đó mới là quan trọng: “Và còn bao đêm tăm tối, tiếng
súng vang, vang khung trời, để một mai thôi chinh chiến, thôi đạn rơi?
Và cần bao đôi tai nữa, hỡi những ai đang cần, để nghe tiếng khóc than
trong nhân gian? v.v.. .. Các câu hỏi
đó thúc giục người ta phải suy tư, phải thức tỉnh, phải có thái độ
về các vấn đề nhân quyền và chiến tranh, chứ không nhất thiết là
phải có được câu trả lời chỉ đơn giản bằng ngôn từ. Vâng, tôi nghĩ như vậy.
12 – NMTrinh: Bây
giờ, xin trở lại với Giải Nobel.
Xin hỏi anh câu chót, có liên quan đến cuộc tranh cãi về giải thưởng Nobel văn chương năm
nay. Như chúng ta đã biết, giải
Nobel văn chương năm nay đã chọn Bob Dylan, là một nhạc sĩ, chứ không
chọn các nhà văn. Điều này dẫn
đến nhiều phê bình và tranh cãi trong giới văn học, bên chỉ trích, bên
bênh vực. Theo anh, anh nghĩ thế nào
về chuyện này?
ĐSLong: Vâng, chuyện tranh cãi đó thì rất dài,
bên bênh, bên chống, hai bên đều có những lý lẽ “có lý” theo lập
trường của họ. Lên internet tìm đọc,
hoặc qua bài viết
trên tạp chí văn học của chính anh Nguyễn Mạnh Trinh đây, thì sẽ có đầy
đủ chi
tiết về vấn đề này. Nhiều lắm, nên tôi xin miễn
nhắc lại. Còn anh hỏi
tôi nghĩ thế nào, thì tôi xin bày tỏ ý riêng của tôi như thế
này: Với một sự nghiệp văn hóa suốt
một đời và rất
to lớn của Bob Dylan, thì ông là một tài năng lớn, không thua kém bất
cứ nhà thơ nhà văn nổi tiếng nào khác, cho nên, nếu ông được trao
tặng giải Nobel thì cũng là điều rất xứng đáng. Có lẽ điều rắc rối làm người ta tranh
cãi, là do cái tên giải “Nobel Văn Chương”.
Nếu tên đó mà đổi thành “Nobel Văn Học Nghệ Thuật” như có
người đã đề nghị, thì nó sẽ bao gồm mọi hình thức nghệ thuật của
Văn học, chứ không phải chỉ có văn chương mà thôi. Và một điều nữa có thấy được qua sự
kiện này là: Giải Nobel được chấm
là căn cứ trên toàn bộ sự nghiệp của cả một đời người, chứ không
phài chỉ căn cứ vào một vài tác phẩm đặc biệt. Và, việc Bop Dyland đựơc trao tặng giải
Nobel văn chương năm nay, đã cho chúng ta thấy rằng: thi ca và âm nhạc cũng quan trọng không
kém gì văn chương.
NhãLan: Xin
cám ơn anh Đinh Sinh Long. Thưa quý
vị, câu trả lời của nhà báo và nhạc sĩ Đinh Sinh Long vừa rồi,
chính là lời kết cho chương trình Tản Mạn Văn Học về đề tài “Bob
Dylan với ca khúc “Blowing in the Wind” và giải Nobel văn chương 2016”. Nhã Lan và nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh xin
thân ái kính chào tạm biệt, và xin hẹn gặp lại vào kỳ tới.
No comments:
Post a Comment