Thursday, November 17, 2016

THƠ ĐỖ NGHÊ


Nguyễn & bạn hữu

 
Nhà văn Đỗ Hồng Ngọc-Nhà thơ Đỗ Nghê

Tác phẩm của Đỗ Nghê

Đỗ Hồng Ngọc là khuôn mặt nổi bật trên văn đàn Việt Nam hiện nay. Ông là bác sĩ y khoa lại là người yêu văn chương chữ nghĩa, viết văn và làm thơ đều hay. Có hai nhà trong ông: nhà văn Đỗ Hồng Ngọc và nhà thơ Đỗ Nghê. Ở đây, hôm nay xin chỉ nói tới nhà thơ Đỗ Nghê.

      Đỗ Nghê là kết hợp họ cha và họ mẹ của ông. Võ Phiến với bút hiệu Thu Thủy đã một lần vào năm 1974 viết bài giới thiệu thơ Đỗ Nghê. Xin trích đăng lại ở đây:
     “Thơ Đỗ Nghê” mới ra đời, do nhà Ý thức ấn hành 200 bản, với lời bạt của Lữ Kiều. Thi phẩm vừa in dày 80 trang, gồm 31 bài thơ, trong đó có những bài đã được viết ra từ chín, mười năm trước, hồi tác giả còn là một sinh viên.
     “Thơ Đỗ Nghê” đó có vẻ là một nhan đề của toàn tập thi phẩm, điều mà chúng ta nghĩ rằng tác giả chưa nghĩ đến vào lúc này: tác giả hãy còn quá trẻ.”
     
      Viết tản mạn trong mười năm, theo Võ Phiến thơ Đỗ Nghê có mối ưu tư chung về “chiến tranh và hòa bình” bàng bạc. Và Võ Phiến chỉ ra ám ảnh về chiến tranh và hòa bình

     Hoặc trong lúc ru con bằng những lời mỉa mai:
… “Ngủ đi con ngủ đi con
Ngày mai rồi khôn lớn
Cầm súng với cầm gươm” (trang 14)

      Hoặc trong lúc ru… vợ, bằng những lời cay đắng:
“Ngủ đi cưng ngủ đi cưng
Kề tai đây anh bảo
Coi như mình chẳng có quê hương” (trang 19)

       Hoặc khi nhắc lại huyền thoại Lạc Long Quân chia con đi hai ngả để liên tưởng tới tình trạng Nam Bắc lưỡng phân hiện thời (trang 5); hoặc khi nói về cổ tích ngôn ngữ để ám chỉ cuộc xâu xé liên miên giữa các dân tộc (trang 33); hoặc nghe một bản tin thời tiết hàng ngày (trang 36); hoặc làm một bài vè cho niềm mơ ước đơn giản (trang 48) v.v…
      Có thể nói ưu tư về chiến tranh và hòa bình là chủ đề kín đáo của tác phẩm.

Tới đây có một vấn đề cần được nêu lên: Vậy có phải Đỗ Nghê là người làm thơ phản chiến không? Phản chiến, tất nhiên là có. Đỗ Nghê chống chiến tranh, mong ước hòa bình ấy là theo lương tâm của một trí thức nhân bản chứ không phải xu thời theo Trịnh Công Sơn hay Bob Dylan.

      Người đề bạt tập thơ là một đồng nghiệp của tác giả, lại cũng là một văn hữu đối với tác giả – Trên đường đời, hai người đã quen nhau từ thuở còn đi học. Vì vậy, có lẽ chúng ta không mong biết gì hơn về Đỗ Nghê hơn là Lữ Kiều.
      Nhận xét về bạn mình trong buổi đầu tiên mới gặp nhau, Lữ Kiều thấy Đỗ Nghê là “một người nghiêm túc”. Rồi “hơn 10 năm qua, tôi đã không nhầm về cái trực giác đầu tiên ấy. Một người nghiêm túc. Và điều quan trọng, anh làm thơ, và thơ anh cũng giống như người anh vậy.” (trang 75)
     
    Võ Phiến cũng đồng ý với Lữ Kiều: họ Đỗ là một người nghiêm túc, ít ra là ở cái phần cốt cách cùng tâm hồn thể hiện trong văn chương. Về điểm này, Võ Phiến có ý kiến:
    “Xót xa, đau đớn, ông cũng xót xa đau đớn vì thời cuộc như ai; nhưng ông không liều, không phá, không đọa lạc. Lúc nào ông cũng đứng đắn, chững chạc, nghiêm chỉnh, giản dị. Nỗi đau xót của một người như thể lịm hẳn vào bên trong.
     “Toàn thi tập không có thơ lục bát và song thất. Chỉ có thơ thất ngũ ngôn và thơ tự do. Điều lạ lùng là ngay trong những bài thơ tự do, những câu thơ dài ngắn không đều, nhịp thơ như khấp khểnh lảo đảo, vậy mà phong thái vẫn không mất vẻ nghiêm túc!

“Ơi những con đường ta đã đi
Gia Long, Đồng Khánh mượt xuân thì
Chân run rẩy cát bờ Thương Chánh
Gió ở đâu về thơm bước khuya” (trang 11)

       Những câu như thế nghiêm túc đã đành. Mà những câu “tự do” sau đây viết vào dịp Giáng sinh 1967 cũng vậy:

“Chúng ta có 24 năm chiến tranh
Và 24 giờ ngưng bắn
Ôi 24 giờ ngưng bắn
Cũng đủ lắm rồi…
Cũng đủ lắm rồi cho con về thăm cha
Nằm trong lòng đất lạnh” (trang 31)

* *

    Ngoài ra, Võ Phiến còn nhận ra cái tinh thần đôn hậu trong thơ Đỗ Nghê.
    Chúng ta thấy được điều này khi họ Đỗ nhớ về quê xưa:

“Em có về thăm Mũi Né xưa
Con đường sỏi đá vẫn quanh co
Hoàng hôn sóng vỗ bên trời biếc
Sóng vỗ trong hồn ta ngẩn ngơ
Em có về thăm Mũi Né yêu
Mười năm như một thoáng mây chiều
Mười năm vườn cũ chim bay mỏi
Áo trắng chân mềm em hắt hiu.” (trang 9)

       Lời thơ giản dị chơn chất ấy làm ta xúc cảm, bâng khuâng. Họ Đỗ nói đến chiến tranh, nói đến bom đạn, chết chóc, đủ mọi thứ đáng khiếp đáng hãi; nhưng không một lần nào lời thơ có vẻ khốc liệt bạo tàn. 
       Cũng vậy, với Đỗ Nghê ông tổ Lạc Long Quân không còn là một hình bong uy nghi mà là một ông cụ già dễ thương. Không biết ông tung hoành lẫm liệt giết Hồ tinh Ngũ tinh ở đâu, chứ ở đây ông cụ chỉ có băn khoăn, hối hận, đấm ngực chịu lỗi vì trót chia hai đám con khiến chúng nó gây sự đánh nhau. Ông cụ van vỉ con cháu:

“Đốt hết sách vở, xé hết cờ xí đi
Rồi đứng ôm nhau mà khóc
Nước mắt sẽ làm tươi lại cỏ cây
Nước mắt sẽ làm phì nhiêu mảnh đất” (trang 7)

      Phản chiến đấy nhưng không hùng hổ sát phạt mà nhân hậu dễ thương khiến người ta cảm mến tác giả Đỗ Nghê và thi phẩm của ông.

(Tổng hợp - từ Thư Quán Bản Thảo số 72 – tháng 10/2016)
NGUYỄN & BẠN HỮU

1 comment: