Lưu
Na
Tặng Bùi Đường
Lễ
Tạ Ơn tôi có một món quà từ anh bạn mới quen nhưng khá tâm đắc. Thư anh rất ngắn nhưng lời lẽ thật thú
vị:
“Nghe đồn có người thích nhạc sến. gửi hắn
nghe cho vui
Tình Bolero - Tập 1 -
Full HD (23/01/2015 - Angela)”
Tôi
mê nhạc sến, dứt khoát là vậy rồi, nên tôi chịu khó ngồi gắn mắt
vào màn ảnh computer hơn một giờ đồng hồ – một việc không thú vị
chút nào – để xem cho hết chương trình Tình Bolero tập I.
Những
gì tôi hằng thấy và hằng nghĩ về các chương trình nhạc thời nay
hiện ra đầy đủ trong khúc video này.
Trước
hết, chúng ta, trong cũng như ngoài Việt Nam, quá mải theo thị hiếu
mà quên mất phẩm chất của bài hát.
Hầu như bài hát nào cũng nhảy múa um sùm loạn cả lên, dù là
ca ngợi “em gái vườn quê!” Thì xem
cho vui, nhưng gai mắt quá, nhạc bolero êm ả, lời lẽ thiết tha, nội
dung mộc mạc, tất cả bị màu sắc và bộ điệu phá tan hoang. Chỗ này phải khen phần trình diễn của
ca sĩ Phương Dung, một ca sĩ đàn chị trong tuổi 70 mà hát giọng vẫn
mượt mà, thích hợp với nội dung bài hát và dàn dựng sân khấu cũng
vừa phải không phản bội với ý nghĩa ca khúc.
Với
lớp ca sĩ trẻ hơn, phải khen ngợi Ngọc Ánh. Là ca sĩ hát nhạc rock và heavy metal,
nhưng khi hát bài “Hàn Mạc Tử” Ngọc Ánh đã hát với giọng ngọt ngào
láy đúng chỗ và không thêm những nốt ngân láy kiểu nhạc Jazz/Blues hay
ầm ự của nhạc “đen,” mà các ca sĩ có chút tên tuổi đều gắn vào
hầu hết mọi bài mình hát. Phần
trình diễn của Ngọc Ánh có thêm chút ngộ nghĩnh, lúc cô xoay xoay bộ
dạng lảo đảo của người say khi hát câu “trời đất như quay cuồng cho hồn phách vút lên cao.” Ngộ nghĩnh, chứ đó là lối đóng kịch
sân khấu nhỏ của thời xưa, cái thời mà bài Hàn Mạc Tử ra đời cùng
với vở cải lương do Bạch Tuyết Hùng Cường Trang Bích Liễu Kim Ngọc
cùng diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương (yes, tôi cũng mê cải lương!) Điều này gợi cho tôi một ý nghĩ: muốn
làm sống lại cái cũ thì trước hết phải đến với nó như nó là,
hiểu nó để hòa với nó – dòng nhạc bolero hay nhạc sến, rồi mới mong
tìm thấy cái phần có thể thêm bớt cho giàu có hơn lên mà không chõi
hay xóa nhòa nguyên bản.
Cụ
thể chính là phần trình diễn của Cẩm Ly hát Bạc Trắng Lửa Hồng
của Khánh Băng. Cẩm Ly hát êm đềm
đúng mức (không quá nức nở không quá sướt mướt đau thương), cách diễn
tả cũng chừng mực không quá “kịch”.
Màu sắc quần áo của Cẩm Ly là của thời nay, nhưng nó dịu
dàng không lòe loẹt, chỉ gợi cảm giác nhớ nhung nên tôi không thấy xa
lạ với bài hát. Phần trình diễn
của Cẩm Ly đáng ra toàn bích nếu không thấy phần phụ diễn của đoàn
đám cưới với các phù rể một tay dắt phù dâu một tay để sau lưng như
các nhân viên nhà hàng Tàu lúc phục vụ bàn tiệc!!! Xin tha cái tội bới lông tìm vết vạch
lá tìm sâu!
Tôi
đang chán đời, sống để chờ chết, đột nhiên có người tặng món quà
“tủ” bèn thấy cảm kích. Trong mùa Tạ Ơn tôi muốn cảm ơn những người đã
cho tôi nghe lại âm điệu xưa, biết thêm chuyện ngộ (Khánh Băng có viết
nhạc sến), cảm ơn luôn cả những hoàn cảnh chắc là không mấy gì vui
để nảy sinh ra những bài nhạc sến.
Nhạc sến muôn năm.
Lưu
Na
11202016
No comments:
Post a Comment