Saturday, November 26, 2016

THÀNH PHỐ HỒNG


Ban Mai

Ban Mai bên rừng hoa hướng dương

Ngày 29/7/2016
Máy bay từ Amsterdam đến Toulouse lúc 9h15, bầu trời rực nắng. Tôi ra ngoài phòng chờ để ngóng tìm anh, người đàn ông mà trong tùy bút“Cát bụi lộng lẫy” có nhắc đến “...đó là một chuyên gia về vật lý vi bụi, sang Pháp học từ nhỏ, tốt nghiệp tiến sĩ khoa học tại đại học Toulouse ... uống rượu khá, hút thuốc nhiều, trầm lặng như một người chăn cừu. Chắc có lý do thôi: anh làm việc tại trạm nghiên cứu bụi vũ trụ đặt trên núi Pyrénées miền Nam nước Pháp, sống lẻ loi giữa đồng núi từ mười tám năm nay. Điều lạ đối với tôi là con người cô độc đã trở thành bản chất của anh ta: Anh vẫn sống độc thân, cùng với người bạn gần gũi nhất là một con chó. Tự nhiên tôi bị cuốn hút bởi con người cô đơn của Đỉnh; vâng, con người vẫn luôn luôn ý thức về nỗi cô đơn của nó trước vũ trụ bao la. Anh ta làm tôi nhớ tới người chăn cừu trên núi Luberon của Alphonse Daudet ở thế kỷ trước. Chỉ khác nhau một chút: người kia nhìn những ngôi sao, và người này chăm chú theo dõi những đám bụi vũ trụ.” (1) người đàn ông cô đơn trầm lặng ngày đó, giờ đây đã có một mái ấm gia đình.

Trong một tin nhắn gửi cho anh, tôi lo lắng vì tình hình ở Pháp lúc này căng thẳng, sau vụ khủng bố bằng xe ở Nice vào dịp quốc khánh 14/7/2016, nước Pháp ban bố tình trạng chiến tranh. Trong email anh viết: “ Không có gì phải sợ, Tây không ăn thịt em đâu!”. Và tôi sang Pháp du lịch trong khi chỉ biết đúng một từ merci.

Trước cổng phi trường, anh đã đứng đợi.
Nhà anh trên ngọn đồi phía Đông Toulouse, từ cửa số có thể nhìn toàn cảnh thành phố. Ngôi biệt thự yên tĩnh nằm trên khu phố Tây, nhà nào cũng có sân vườn. Chị Thủy cười tươi đón tôi bên hiên nhà, nụ cười giòn của chị phóng khoáng như tâm hồn chị. Trên bực tam cấp treo những bức tranh ngộ nghĩnh chị Thủy vẽ những con thú thân quen. Cây hoa Quỳnh đang e ấp cơ man nào là những nụ, tôi tính được chín búp, có lẽ hơn tuần nữa sẽ đến ngày bung nở. Nhìn cây Quỳnh nhà anh, tôi nhớ cây Quỳnh nhà tôi ngày cũ cũng trồng bên góc sân nhà. Mỗi lần hoa Quỳnh nở là một sự kiện của cả nhà. Đêm đó, mọi người thức khuya chong đèn ngồi uống trà, ngắm từng cánh hoa mảnh mai trong suốt run rẩy vươn từng cánh, không gian hoàn toàn tĩnh lặng, không ai dám gây tiếng động, sợ cánh hoa  giật mình, với tôi ngắm hoa Quỳnh nở trong đêm khuya giống như một nghi lễ vậy.

Buổi chiều, anh chị đưa tôi thăm thành phố.
Toulouse nắng vàng óng trên các dòng sông, thành phố cổ kính với những giáo đường, trường học xây từ thế kỷ XIII, màu thời gian hằn trên từng viên gạch. Ước mơ bước chân trên đất Pháp từ những năm nhỏ dại khi đọc " Buồn ơi chào mi " của Francoise Sagan đã trở thành sự thật. Tựa đề cuốn tiểu thuyết trích từ trong câu thơ của Paul Eluard:
" Buồn ơi, chào mi
Buồn được khắc trong đôi mắt người tôi yêu" đã quyến rủ tôi từ nhỏ.

Sau khi Trịnh Công Sơn mất vài tháng, anh Phạm Văn Đỉnh là một trong những thành viên sáng lập Hội Văn hóa Trịnh Công Sơn ở Pháp, sưu tầm tất cả những tư liệu sáng tác của nhạc sĩ lưu trữ trên trang nhà, anh là Chủ tịch Hội văn hóa Trịnh Công Sơn  từ  năm 2001 đến nay. Năm 2004 khi làm luận văn thạc sĩ về đề tài Trịnh Công Sơn tôi đã liên lạc với anh để xin tư liệu tham khảo, anh hào phóng cung cấp tất cả tư liệu cho tôi, anh em thân nhau từ đó.
Không gì may mắn bằng dạo bước trên hè phố dưới sự hướng dẫn của anh, người đã đến Pháp từ thời niên thiếu am tường văn hóa Châu Âu. Tôi học hỏi được rất nhiều.

Toulouse là một thành phố ở Tây Nam nước Pháp, bên bờ sông Garonne, là vùng đô thị lớn thứ 2 ở miền Nam,  một trong những thành phố tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Âu. Gần như tất cả các tòa nhà hiện đại hay cổ kính, lâu đài hay nhà thờ trong thành phố đều xây bằng gạch màu hồng, vì vậy Toulouse còn được mệnh danh là thành phố hồng.
Tòa thị chính thành phố nằm ở quảng trường Capitole, có nét kiến trúc đặc trưng bởi 8 cột được xây dựng bằng gạch hồng, dạo gần đây an ninh thắt chặt nên khách tham quan khi vào tòa thị chính phải được khám xét kỹ.

Anh chị dẫn tôi ra bờ sông Garonne, bên trái là cây cầu  Pont Neuf có tên là Cầu Mới, được hoàn thành từ năm 1632,  giờ đây nó là cây cầu cổ nhất và đẹp nhất thành phố Toulouse, trãi qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử vẫn bình thản nằm vắt qua dòng sông xanh thẫm,  chị chỉ cho tôi tòa nhà cổ trước mắt là Nhà thương thí, trị bệnh miễn phí cho người nghèo, ngày xưa chị từng đi thực tập khi còn là sinh viên. Nhà thương thí có tên Hôtel-Dieu Saint-Jacques, được xây dựng từ đầu thế kỷ 13, đầu tiên để đón những người đi hành hương đi qua đây trên con đường xa thẩm từ các nơi của các nước Âu châu đến thánh đường Saint-Jacques-de-Compostelle tận bên Tây Ban Nha. Bây giờ là nơi quản lý các nhà thương công cộng ở Toulouse (CHU ), mà hằng năm được sắp vào hạng hàng đầu của Pháp, và cũng là nơi thường trú của 2 bảo tàng: Bảo tàng lịch sử Y khoa và Bảo tàng dụng cụ Y khoa.
Buổi chiều, dân Toulouse  nằm dài trên bãi cỏ bên bờ sông phơi nắng, một số ngồi bên góc cây rợp bóng chăm chú đọc sách.
Lính vũ trang bồng súng đứng trên những góc phố,  nơi nào tấp nập du khách là nơi đó có police đứng canh, tôi nhìn thấy xe cảnh sát  đậu cạnh những giáo đường, họ đang bảo vệ các cha xứ, sau vụ một đức cha nhà thờ bị bọn khủng bố giết chết.
Trường Mỹ Thuật (Ecole des Beaux-Arts) của Toulouse  nằm bên bờ sông, anh nói  nơi  đây đào tạo nhiều họa sĩ, kiến trúc sư Việt Nam thời Pháp thuộc, họa sĩ Lê Bá Đảng cũng là sinh viên trường này vào những năm 50. Trong một góc phố, tôi thấy anh đứng lặng  hồi lâu, rồi chỉ cho tôi căn phòng anh từng sống thời sinh viên, đã lâu lắm rồi anh mới trở lại nơi này, nó vẫn như ngày xưa.
Những con phố nhỏ, hẹp, được lát đá thô còn hằn vết chân anh thời trẻ.
Cà phê vỉa hè là nét văn hóa đặc trưng của Pháp. Buổi tối, 10h đêm trời vẫn còn sáng, không khí mát lạnh mọi người đỗ ra đường vui chơi,  uống bia, nhâm nhi ly cà phê, ngắm thiên hạ dạo bước trên đường phố. Châu Âu sống về đêm.
Đêm thật yên tĩnh. Trên ngọn đồi Toulouse, tôi nằm nghe gió hú, giấc khuya trời đỗ mưa. Tôi thao thức không ngủ được. Trở dậy viết vài đoản văn rồi xóa, rồi viết, rồi thiếp đi trong tiếng mưa rơi.

Ngày 01/8/2016
Những lâu đài cổ
Những cánh đồng hoa hướng dương trải dài đến cuối chân trời. Tôi băng qua ánh mặt trời, dưới lời ru Chinh phụ ngâm của chị Thủy. Chị là bác sĩ nhưng thuộc làu Truyện Kiều làm tôi sửng sốt;  Miền quê nước Pháp thanh bình với những giàn nho trĩu quả hai bên vệ đường, những ngôi nhà nhỏ bằng gạch hoặc trát tường băng xi măng thô đơn giản đến bất ngờ. Làm tôi nhớ  tòa nhà Trung tâm khoa học quốc tế  mới xây dựng ở Quy Nhơn do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, tòa nhà với những cây cột thẳng vươn cao trát xi măng thô, nhìn đơn giản nhưng toát lên vẻ quý phái. Nhiều người  Việt không quen với phong cách này, nên cứ tưởng công trình vẫn còn dang dở, chưa được ốp gạch. Có lẽ đó là nghệ thuật gần với thiên nhiên của Tây chăng? Tôi nghiệm ra rằng cái đẹp của nghệ thuật nằm ở chổ đơn giản.
Hai bên đường quê, là những  cánh đồng  xanh ngát, dài hun hút, những  đồng cỏ vừa gặt xong được cuộn tròn từng khoanh cất trong kho dự trữ cho đàn bò khi mùa Đông đến. Những ngôi nhà thờ bằng đá xây theo kiểu gôtich với mái nhọn vút cao. Phía xa đã thấy rỏ tòa lâu đài cổ của xứ Carcassonne xây dựng từ thế kỷ thứ 12, làm tôi liên tưởng đến những thước phim thời trung cổ với các hiệp sĩ phóng ngựa trên đồng cỏ và những cuộc thánh chiến. Ba chàng ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas đã từng ở đây chăng? Hy vọng hôm nay sẽ tìm thấy chàng ngự lâm quân D'Artagnan  mà ngày nhỏ tôi từng mê đắm.

Hôm sau, trên đường đến thành phố Albi, tôi ghé qua khu làng cổ Cordes-sur-Ciel trên núi cao đẹp như trong truyện tranh ngày xưa tôi thường đọc về Chú Gà Trống Goloa, hay trong truyện Xitrum. Ngôi làng hai năm trước được bầu chọn là ngôi làng cổ đẹp nhất nước Pháp. Dịch sang tiếng Việt là làng dây lưng trời. Với những ngôi nhà bằng đá giàn hoa leo rơi từ mái, những đóa mãng đình hồng, hoa hường bừng nở trên những khung cửa sổ xinh như những bức tranh. Đường quanh co, hẹp với lối đi lát đá. Các cô gái ngồi trên thềm nhà kéo đàn violin hát bên đường. Những căn phố cổ bán đồ lưu niệm, chế tác tinh xảo những món đồ xưa, những nơi làm thủ công có bản quyền chủ nhân treo bảng no flast cấm chụp hình. Vẫn giữ được những lớp tường thành khung cửa cổ đậm mùi lưu cửu của thời gian.

Thành phố Albi bên dòng sông Le Tarn, sừng sững thánh đường cổ Cathedrale Sainte_Cecile là một trong những thánh đường đẹp nhất của Pháp, với những họa tiết tinh tế, đẹp đến lạnh người. Bên cạnh sự nghiêm trang của ngôi giáo đường là bảo tàng Toulouse _ Lautrec một họa sĩ phá cách cuối thế kỷ 19, khai phá trường phái vẽ tự do với những chủ đề nổi loạn thường là những gái điếm, các vũ nữ, vẽ poster cho các chương trình tạp kỹ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Bảo tàng nghiêm ngặt cấm chụp hình, mỗi phòng tranh đều có nhân viên theo dỏi. Bảo tàng được đặt trong khuôn viên thánh đường cổ, vẫn còn giữ được những viên gạch lát phòng hoa văn tao nhã từ thế kỷ 13.
Toulouse_ Lautrec được xem là họa sĩ vĩ đại của khuynh hướng Hậu ấn tượng. Quán cà phê, quán ăn vỉa hè là nét đặc trưng ở Tây, tôi thích trải nghiệm trên những góc phố. Một buổi chiều bên góc thánh đường vừa ăn vừa nghe người hát rong quay đàn bằng tay, thật lạ mỗi bản nhạc là một pho sách đục lỗ, tiếng nhạc phát ra từ nơi ấy, một nét kỳ thú cho những người khao khát văn hóa như tôi. Thực khách thưởng thức vỗ tay tán thưởng sau mỗi bản nhạc. Người hát rong già làm tôi nhớ ông già Vitali trong " Vô gia đình" của Hector Malot thời nhỏ tôi say mê. Cũng là cuộc mưu sinh nhưng ở nơi này người hát rong nhận được sự trân trọng một cách nhân văn, không như nơi quê nhà làm tôi nhớ những người hát dạo, với cái nhìn ái ngại. Đôi khi còn bị xua đuổi một cách khiếm nhã của những người mới có vài đồng leng keng trong túi áo. Âu cũng là một kiếp nhân sinh.

BAN MAI
(Trích “Châu Âu lướt qua ngoài khung cửa”)
25/10/2016

(1)  “Cát bụi lộng lẫy” trích trong tác phẩm “Miền Gái đẹp” của HPNT, tr 167, XNB Thuận Hóa, năm 2000.

Người hát dạo





No comments:

Post a Comment