Friday, November 11, 2016

BUỒN QUÁ HÔM NAY XEM TIỂU THUYẾT (1)


Huyền Chiêu

Hoa ty gôn. Photo by Duyen

Trời mưa không dứt đã hơn một tuần. Buồn quá nhưng không xem tiểu thuyết.
Chọn một phim để xem lại.
Psycho.

Psycho là phim kinh dị của Hitchcock mô tả tâm lý kỳ quặc của chàng trai mảnh khảnh Norman Bates. Chàng trai yếu đuối thiếu vắng hình ảnh của bố và trút hết tình thương vào người mẹ  có tính cách không mấy dịu dàng. Khi mẹ có nhân tình, Norman Bates đã giết mẹ. Nhưng khi mẹ chết rồi,  lòng ân hận dày vò khiến chàng  đào mộ,  đem xác mẹ về để ở tầng hầm và  phân thân sống hai  nhân cách. Norman Bates bình thường vẫn là chàng trai khao khát yêu đương nhưng  đồng thời trong con người chàng còn có lòng thù ghét của một người mẹ khó tính với  bất cứ người con gái trẻ trung nào dám chiếm đoạt con trai bà.
Norman say mê một  cô gái xinh đẹp đến trú ngụ tại nhà trọ của chàng nhưng bị ám ảnh bởi nhân cách của người mẹ đã chết, Norman đã cầm dao giết chết cô gái khi cô đang tắm dưới vòi sen.
Phim được thực hiện năm 1960 và gây tiếng vang lớn.

Xem xong phim, tôi bổng nhớ đến một Psycho khác ở Việt Nam xuất hiện còn sớm hơn Psycho của Holywood.
Chuyện xảy ra năm 1937 ở đất Hà Thành.
Tôi muốn nói đến sự ra đời của nghi án bốn bài thơ của tác giả TTKH.
Những suy nghĩ của tôi có thể sai nhưng cũng kể lại cho mọi người nghe chơi cho qua một đêm buồn mưa dầm gió bấc.
Cho đến bây giờ vẫn chưa có ai xác định tác giả TTKH là ai.
Nhiều câu chuyện được kể, nhiều nhà thơ thời ấy tự nhận TTKH là người yêu của mình.
Với tôi thì tôi tin lời kể của ông Nguyễn Vỹ trong “Văn Thi Sĩ Tiền Chiến” mà ông đã xuất bản ở Sài Gòn năm 1970.
Theo ông Nguyễn Vỹ,  trong một lần uống rượu với nhau, nhà thơ  Thâm Tâm đã thú nhận chính mình là tác giả bài thơ “Hai Sắc Hoa Ty Gôn”
Thâm Tâm bảo rằng vì bạn bè nhạo báng ông về chuyện người yêu bỏ đi lấy chồng nên ông làm bài thơ ký tên TTKH chứng minh rằng cô Kh tuy đi lấy chồng nhưng vẫn nhớ thương người yêu cũ . Ông đã nhờ một người em gái họ mang bài thơ đến tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy.
Tôi cho điều này là đúng vì một người đàn bà trẻ chưa từng có kinh nghiệm cầm bút không thể viết  một bài thơ như “Hai Sắc Hoa Ty Gôn”.
Thâm tâm vừa giận đời, giận cho số phận, vừa đau khổ vì yêu vừa khao khát được hóa thân thành con người phụ bạc và  hoang tưởng rằng nàng đang sống khốn khổ trong cuộc hôn nhân không tình yêu.
Trước năm 1940, một người đàn bà trẻ chưa đến 20 tuổi, xuất thân từ một gia đình lễ giáo,” cha mẹ rất nghiêm” (4), dầu có  buồn khổ vì không lấy được người mình yêu không bao giờ dám viết tách bạch ra rằng:

“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi” (1)

Nếu không có ý định bỏ chồng, bỏ cả gia đình, bỏ cả xóm làng, lời thố lộ ấy sẽ trở thành lưỡii gươm  giết chết cả  cuộc đời người vợ, làm tan hoang thanh danh, khi người đời phát hiện người vợ nào đã viết hai câu thơ chết người ấy, huống gì theo lời Nguyễn Vỹ người yêu tên KH của Thâm Tâm rất… hạnh phúc trong hôn nhân.
Trong bài thơ “Đan Áo Cho Chồng” sự hoang tưởng của Thâm Tâm  còn bị đẩy lên tột bực:

“Hay chăng chị, giữa chiều đông
Đáng thương những kẻ có chồng như em
Vẫn còn giá lạnh trong tim
Đan đi đan lại áo len cho chồng
Như con chim nhốt trong lồng
Ngày ngày thương tiếc ánh hồng nơi nao” (2)
Theo Nguyễn Vỹ sau khi những bài thơ ký tên TTKH xuất hiện trên báo, kể lễ tâm sự của một người đàn bà sống với chồng nhưng trái tim vẫn đau khổ nhung nhớ:

“Người xa xăm quá tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường” (1)

Cô người yêu của Thâm Tâm đã rất giận ông. Cô có gửi  một bức thư kết tội , phản đối chuyện ông mạo danh cô để viết những câu thơ không đúng với hoàn cảnh, tâm trạng  của cô”
Nhưng cái điên của nhà thơ chưa chấm dứt. Ông đã  chuyển dịch bức thư thành  “Bài Thơ Cuối Cùng”
Bài thơ này ý tứ rất mâu thuẩn với  ba bài thơ trước gồm “Hai Sắc Hoa Ty Gôn” ,”Bài Thơ Thứ Nhất, “Bài Thơ Đan Áo”.
“Bài Thơ Cuối Cùng” mới chính là bài thơ thật của TTKH:

“Trách ai mang cánh ty gôn ấy
Mà viết tình em được ích gì”

Rồi nàng cay đắng:

“Bài thơ đan áo nay rao bán
Cho khắp gười đời thóc mách xem
Là giết  đời nhau đấy biết không
Dưới giàn hoa máu, tiếng mưa rung
Giận anh em viết dòng dư lệ
Là chút dư hương điệu cuối cùng”

Khen cho ông Thâm Tâm vì ở giây phút cuối, ông đã biết lỗi, đã thoát khỏi Psycho và lời thơ là một bản án ông tuyên cho chính mình:

“Tôi oán hờn anh những phút giây
Tôi run sợ viết bởi rồi đây
Nếu không yên được thì tôi chết
Đêm hỡi làm sao tối thế này”

Tội của Thâm Tâm to tày trời và ông tự cứa vào tim mình bằng những vết dao  ứa máu:

“Từ nay anh hãy bán thơ anh
Còn để yên tôi với một mình”

Từ đó những bài thơ ký tên  TTKH chứa đựng những yêu đương điên cuồng hoang tưởng  xuất phát từ một nội tâm rối loạn ,đã được tác giả chôn vùi vào huyệt mộ của im lặng  .
Bỗng nhớ tiểu thuyết “Người Cuồng Mã Lai” của Stefan Zweig, Vị bác sĩ vì yêu mà làm chuyện điên rồ, rồi vì yêu    đã chết để cứu lấy thanh danh của người đàn bà mình yêu.
Mưa đã nhỏ hạt:

“Cô vọng ngôn chi cô  thính chi
Đậu bằng qua giá vũ như ti” (3)

Chúc mọi người ngon giấc,

HUYỀN CHIÊU

(1)Hai sắc hoa ty gôn- TTKH
(2) Bài Thơ Đan Áo- TTKH
(3) Thơ Vương Ngư Dương
(4) Cô KH chỉ gặp Thâm Tâm hai lần và lần nào cũng nói “Cha mẹ em rất nghiêm” (Theo Nguyễn Vỹ)


No comments:

Post a Comment