Wednesday, November 30, 2016

KHÔNG LẼ. KADO


Duyên

Đàn bò. Photo by Duyên

Đường lên cao nguyên. mây mù giăng lối
khung cảnh yên bình, nhắc nhở chuyện...xưa
những cây bàng, chơ vơ. phố biển
hàng dừa, nghiêng mình rõi bước chân ai
triền núi xa, bước chân người. chưa tới
vực thẳm buồn, heo hút. gió, mây trôi...

qua lưng đèo. chợt nhớ "người tướng giỏi"*
Kinh Kha lẫy lừng, thề hẹn với non sông.
thấm làm sao. ơi tan nát cõi lòng
ngày kia. tráng sĩ  quay về...
tro bụi. với Trường Sơn.
gió bội bạc. cuốn bay... thề năm cũ
người vẫn về. ôm lại núi non. xưa...

bao nhiêu năm mới về  thăm Đà Lạt
kỷ niệm, ôm hoài. tiếc nhớ, khôn nguôi...
cafe Tùng. cơn mưa phùn nho nhỏ
chợ Hoà Bình, hồ Than Thở. rất...xa
ngày mộng mơ. đời chưa thấy...lạ
tình yêu gần, tương lai mù mịt quá
khuôn mặt buồn. sao biết được, là ai...

người đen đủi, lưng đeo gùi
lang thang, tìm quả lạ
qua nơi này. có thấy gì chưa
chợt một đàn bò. bước ra...
đường phố, lạ.
ngơ ngác. nhìn
không lẽ. Kado**

*  Tướng NQT yên nghỉ trên quê hương, bên triền đèo Hải Vân.
**Kado, một địa danh vùng cao nguyên, mang hình ảnh con bò hiền lành, trong thơ Đinh Cường.

DUYÊN.

Chân dung Tướng Ngô Quang Trưởng. Phác thảo Đinh Cường

Tuesday, November 29, 2016

TẢN MẠN BTCP. GIÓ SANTA ANA


Nguyễn Xuân Thiệp

Santa Ana winds Nguon Internet

Một ngày đầu Tháng 10 năm 2013,  người bạn thơ Khánh Minh ở Nam Cali nói với tôi qua điện thoại: Anh ơi, gió Santa Ana đã về, gió thổi lộng, ra đường em thấy cành cây gãy ngổn ngang. Sáng nay, một ngày cuối tháng 11. 2016, cũng bạn thơ ấy báo tin: gió Santa Ana đang thổi tung trời đất ở đây, em không dám ra đường nữa, quấn áo lạnh như cục bông ngồi ở thềm đây, uống cà phê và nhìn trời đất.
Gió Santa Ana… A, mình đã biết tới nó từ hồi mới sang Mỹ, lang thang ở vùng Nam Cali. Nay gặp dịp trở lại với thứ gió này lòng cũng cảm thấy ít nhiều xúc động bồi hồi.

    Vâng, gió Santa Ana là một hiện tượng tự nhiên thường xuất hiện vào mùa Thu và đầu Đông ở miền tây nước Mỹ. Theo từ điển mở Wikipedia thì gió Santa Ana là những đợt gió cực mạnh và khô, phát xuất từ nội địa nước Mỹ và ảnh hưởng tới vùng bờ biển phía Tây và vùng Bắc bán đảo Baja của California. Gió Santa Ana thường thổi vào mùa Thu và mùa Đông, nhưng có thể phát khởi bất cứ lúc nào trong năm. Nó biến chuyển từ nóng tới lạnh, tùy khí hậu của nơi nó phát xuất và đi qua tại vực Great Basin núi non khô cằn thuộc tiểu bang Nevada hoặc vùng sa mạc Mojave cận kề Arizona. Gió Santa Ana mang hơi nóng và khô tới vào mùa thu, thường gây ra những đám cháy rừng hung bạo ở vùng Nam California gọi là wildfires cho nên nó có tên là devil winds (gió quỷ).
    Tiến sĩ Steve Lyons, chuyên viên về khí hậu nhiệt đới đã viết như sau về gió Santa Ana: Nếu bạn là dân gốc vùng Nam California như tôi, hay nếu bạn đã sống ở vùng này, hay đến thăm nơi đây vào mùa gió khô thổi mạnh ra biển thì hẳn bạn đã nghe cụm từ Gió Santa Ana. Cái tên này có từ rất lâu do những người canh tác trồng trọt ở đây, họ từng biết những trận gió cực mạnh thổi từ đại vực Santa Ana Canyon thuộc vùng đông Santa Ana. Gió Santa Ana thường thổi vào lúc hừng đông và chấm dứt vào lúc chiều. Thường gió mạnh nhất vào lúc ban đêm và sáng sớm. Mỗi năm có khoảng 20 trận gió Santa Ana, tuy nhiên có năm chỉ có 10 trận, lại có năm lên tới 30 trận.

    Theo kinh nghiệm của những người sống tại Nam Cali thì gió Santa Ana thường khô và nóng vào độ thu và lạnh buốt vào mùa đông. Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã viết về gió Santa Ana mùa thu như sau:
    Rồi mùa thu. Trời ạ, gió và lá vàng, nó góp thêm vào ký ức hai mùa nắng mưa ngày xưa của tôi tiếng lăn giòn của lá khô, màu lá ruộm vàng nắng thu, dạt tôi về giấc mơ có tiếng gió heo may Hà Nội và đĩa cốm xanh rức trên tấm lá sen, chênh vênh những con đường phố cổ đang chờ tôi về để trọn một lời hẹn… Lại một buổi tản bộ trên đường hồn như bị hớp bởi những lá bùa maple vàng đỏ bay trong gió, thì bỗng nghe mơ màng hơi lá khô con đường Duy Tân, những tưởng chiếc lá vàng viết tên người yêu một thời áo lụa hoàng hoa đã mịt mù cõi bụi, thốt nhiên trên tay trong chiều thu Calif. xao xác những mảnh thời gian vẫn từ lâu gọi nó là giấc mơ… tôi nhặt một chiếc lá maple, lại viết, rồi thả xuống, bay đi lá ơi, gặp đi chiếc lá ngày xưa, nối lại cho tôi con gió xanh tình yêu hư ảo. Chưa gì mà tôi đã cảm thấy mình được chấm phá thêm nét lãng mạn mới mẻ mùa thu nơi này, nếu một ngày kia kỷ niệm càng đầy, tôi biết mỗi khi con gió Santa Ana thổi về thì hải hà ký ức tôi sẽ phải lay động. Lần đầu tôi biết gió Santa Ana, nghe gọi là quái phong cuối mùa thu, người láng giềng bảo, gió Santa Ana độc lắm nghen cô, phải quàng khăn cho kín cổ…”

   Và đây cũng gió Santa dưới ngòi bút của Nguyễn Thị Khánh Minh, nhưng là gió thổi vào mùa đông mang hơi buốt giá:
   “Đêm Thứ Tư, đêm đầu tiên gió Santa Ana chạm mặt ở đây trên đường đi của nó, gió Đông Bắc thường đến miền Nam Calif. mỗi cuối thu, thổi từ đất liền ra biển, trận gió mùa này nghe nói là trận gió lớn nhất kể từ 10 năm qua và đã được cảnh báo là tình trạng khẩn cấp, trên TV dặn dò dân chúng, để ý những thứ mà gió có thể thổi bay, đừng dùng nến kẻo gây ra hỏa hoạn, vì có thể sẽ bị cúp điện, cẩn thận tránh những dây điện bị đứt rơi xuống đường… Tôi ra hiên nhà xếp những tượng Phật nhỏ và những chậu bonsai vào một chỗ an toàn. Trời lạnh lắm, trong cái bóng đêm đang hờm sẵn giông bão, tôi thấy yên lòng khi dừng lại nơi vệt sáng của ánh đèn đọng trên bàn chân tượng Phật ngồi, những ngón chân thanh thản, những ngón tay tạo nên hai vòng ấn quyết trầm lắng, bát phong chỉ là một hơi nhẹ thoảng qua, lý gì đến ngọn quái phong Santa Ana, tôi mỉm cười một mình.”  Nguyễn Thị Khánh Minh viết thật hay, phải không các bạn. Cô còn đưa cả gió Santa Ana vào trong thơ nữa đấy.

    Riêng Nguyễn tôi cũng đã một đôi lần nhắc tới ngọn gió này. Xin trích dẫn một đoạn đã viết từ năm 1996 khi mới tới vùng Nam Cali.
    Một buổi trưa trên đồi Penasquitos, tôi đang ngồi trầm tư, thì bỗng ngọn gió khốc liệt từ những vùng đất xa xôi thổi về. Đâu đó, đã có lần tôi nghe nói đến ngọn quái phong Santa Ana.   
    A, trận gió kinh mang từng thổi qua mấy trăm năm lịch sử của vùng đất chưa dứt âm vang, chạy trên những con đường dài rồng rắn, thổi rúc như còi sừng trên những kiến trúc Mễ Tây Cơ ngơ ngác trong màu nắng vàng hồ, thổi và làm kêu rung những tên đất tên người đầy âm a âm ô.
    Này hỡi gió. Chào trận gió Quỷ Thi  làm cỏ cây tàn úa, khô cạn suối nguồn, cát chạy đá bay, lòng dạ xốn xang, vỡ lở những vết thương của trời và đất. Tôi bỗng, trong phút hỗn mang, nghĩ đến quê nhà với ngọn đông phong thổi lạc vợ xa chồng, nước mắt tuôn rơi. Tháng này, gió mùa Đông Bắc cũng đã thổi tới trên quê hương tôi. Âm vang. Âm vang qua dòng sông vắng và những cánh đồng. Đã nở hết những bông hoa mùa cuối trên đất nghèo. Tôi bỗng nhớ đến, như còn rợn trên da thịt, ngọn gió Lào thổi qua biên giới vào vùng Nghệ Tĩnh những ngày nào. Thổi xơ xác đồi chuối hoang, thổi khô rốc thân tù, đỏ hoe bụi đất, quặn thắt ruột gan. Này bạn, nhớ không, những đêm nằm nghe gió giật mái tôn, o o trong sọ rỗng. Tưởng như tiếng ác điểu gào, báo giờ nguyệt tận. Và tôi chẳng thể nào quên. Vâng, tôi chẳng thể nào quên bản hợp âm màu đỏ của mùa thay lá những khu rừng cao su, khi gió thổi bùng đống lửa nhân gian, đám lưu dân ngồi đợi tia nắng đầu tiên. Cũng như tôi không quên mùa gió Tháng Ba trên Eo Gió thổi qua rừng dã quỳ và đồi hoa vông đỏ ở Pleiku. Đó là những ngày báo hiệu tàn cuộc chiến. Trận gió cuốn cờ đang thổi qua bờ cõi…”
    Và để kết thúc bài viết về ngọn gió mang hình tượng một người đàn bà đẹp nhưng hung ác này, một vẻ đẹp dị thường dưới cái nhìn của người nghệ sĩ, mời bạn cùng tôi đọc lại những lời tôi đã viết khi đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh:

khuya nay
tôi gặp
một mùa gió santa ana. thổi qua thơ nguyễn thị khánh minh
những trận gió của gai nhọn
cuốn theo những chiếc lá khô. màu đỏ
gió santa ana và mưa sài gòn
ôi. hai nẻo đường chia biệt…

NXT


TỨ TẤU KHÚC BÊN THỀM NẮNG CŨ


Nguyễn Lương Vỵ



I.

buông tay
phía bên kia hoàng hôn
hồn bụi khô
màu mận chín
mắt đá ong ngơ ngác vách chiều
treo ngược hành lang lục diệp
bóng người là tiếng phong linh vỡ
long lanh trên lá non
vĩ cầm pha sắc chàm
trí nhớ nghiêng vệt xám
chỉ còn những lóng xương mây
và tiếng hú xé dài niềm cô tịch

cuối thu thường có những giấc chiêm bao
sặc sừ mộng du lang thang mịt mùng ký ức
ám ảnh mãi tiếng phong linh vỡ
âm vang cuốn theo từng giọt nắng rơi
treo ngược hành lang lục diệp
phía bên kia hoàng hôn
cuộc hẹn hò không nơi chốn không thời gian
như chiếc đinh rỉ sét đóng vào vô tận
những câu thơ vô nghĩa viết hoài
Những nguồn cơn mịt mùng gọi mãi
chẳng hiểu vì sao
ta rất nhớ ta...

II.

những nguyên âm nằm hát khẽ trên thềm nắng cũ
những vòng tròn ngũ sắc tan theo
ngôi chùa cổ ngồi kiết già tựa lưng vách núi
xao xác cánh bướm đen
hương gió cẩm thạch rát ngực
la thầm trong mịt mờ
khung rêu tái xanh niềm tưởng tiếc
hồn bạch đàn xa thẳm
chẳng biết vì đâu câu thơ lỗi hẹn
vì đâu âm huyết gào ngàn
vành khăn tang ai đốt gửi hư không
bìm bịp kêu thương năm tháng cũ

buông tay
phía bên kia hoàng hôn
vỏ ốc cồn xanh thổi lại tơ trời
giăng giăng hồn cổ tháp
trăng mười ba hát trên núi cao
tiếng ho của con bò già
tàu lá chuối rách bươm nỗi nhớ
khu vườn rất gầy trong sương lạnh
hắt bóng trên thềm hoang
tiếng thạch sùng rơi
rơi
mãi...

III.

mộ sầu im cát trắng
nam ô mờ sương
chiếc xe đạp khẳng khiu trên đường về
ngược gió
chiều bềnh bồng bông nắng nhương sao
chớp mắt nhớ câu thơ biên tái
rướn ngực thở xa vời
mái phố hoang vu thầm gọi
mù khơi
lời chia tay còn ấm những tàn tro
cánh dơi chập choạng
khép lòng tay bồi hồi

buông tay
phía bên kia hoàng hôn
hồn lá mục hát rong trên thềm nắng
khung rêu trên mái phố thầm reo
bậc thềm ướt mắt đàn
không gian trơ chiếc khung tĩnh vật
khuấy leng keng trong đáy ly cà phê một ký ức buồn
ta đấy ư?!
chẳng kịp hỏi ngọn gió đã bay đi
âm xám mù ngày trở lại
chập chùng chập chùng
nam ô nam ô...

IV.

người đào huyệt năm xưa đã về nằm trong mộ cát
chiều thánh ca vang trên vai
những nguyên âm in dấu chân rỏ máu
sắc chàm xưa ngất nhịp sương mờ
ráng pha màu trứng vỡ
ta về ngồi lại với sơ xưa
viết xuống những câu thơ vô nghĩa
những giọt máu lang thang tìm lại bóng hình
viễn xứ vùi thây trên thềm nắng nhạt
lung linh bóng người về
lung linh thời gian
thầm nhắc tên ai...

những nguyên âm nức nở trên đường về
cầm tay nhau thương dấu nắng
bóng ngã theo biệt ly
mới hiểu vì sao sắc chàm rừng ưu hận
câu thơ níu lửa những sinh linh
chôn hết sắc màu
chôn hết âm vang chiều lá mục
tiếng kêu sương ủ kín vết thương tâm
biển hồn nhiên gào thét trong lặng im
huyết đàn chìm trong mộ
chợt hiểu vì sao
ta rất nhớ ta...

08.2014
NLV


Monday, November 28, 2016

MUÔN NĂM


Lưu Na


Tặng Bùi Đường

Lễ Tạ Ơn tôi có một món quà từ anh bạn mới quen nhưng khá tâm đắc.  Thư anh rất ngắn nhưng lời lẽ thật thú vị:

Nghe đồn có người thích nhạc sến. gửi hắn nghe cho vui
Tình Bolero - Tập 1 - Full HD (23/01/2015 - Angela)”

Tôi mê nhạc sến, dứt khoát là vậy rồi, nên tôi chịu khó ngồi gắn mắt vào màn ảnh computer hơn một giờ đồng hồ – một việc không thú vị chút nào – để xem cho hết chương trình Tình Bolero tập I.
Những gì tôi hằng thấy và hằng nghĩ về các chương trình nhạc thời nay hiện ra đầy đủ trong khúc video này.
Trước hết, chúng ta, trong cũng như ngoài Việt Nam, quá mải theo thị hiếu mà quên mất phẩm chất của bài hát.  Hầu như bài hát nào cũng nhảy múa um sùm loạn cả lên, dù là ca ngợi “em gái vườn quê!”  Thì xem cho vui, nhưng gai mắt quá, nhạc bolero êm ả, lời lẽ thiết tha, nội dung mộc mạc, tất cả bị màu sắc và bộ điệu phá tan hoang.  Chỗ này phải khen phần trình diễn của ca sĩ Phương Dung, một ca sĩ đàn chị trong tuổi 70 mà hát giọng vẫn mượt mà, thích hợp với nội dung bài hát và dàn dựng sân khấu cũng vừa phải không phản bội với ý nghĩa ca khúc. 

Với lớp ca sĩ trẻ hơn, phải khen ngợi Ngọc Ánh.  Là ca sĩ hát nhạc rock và heavy metal, nhưng khi hát bài “Hàn Mạc Tử” Ngọc Ánh đã hát với giọng ngọt ngào láy đúng chỗ và không thêm những nốt ngân láy kiểu nhạc Jazz/Blues hay ầm ự của nhạc “đen,” mà các ca sĩ có chút tên tuổi đều gắn vào hầu hết mọi bài mình hát.  Phần trình diễn của Ngọc Ánh có thêm chút ngộ nghĩnh, lúc cô xoay xoay bộ dạng lảo đảo của người say khi hát câu “trời đất như quay cuồng cho hồn phách vút lên cao.”  Ngộ nghĩnh, chứ đó là lối đóng kịch sân khấu nhỏ của thời xưa, cái thời mà bài Hàn Mạc Tử ra đời cùng với vở cải lương do Bạch Tuyết Hùng Cường Trang Bích Liễu Kim Ngọc cùng diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương (yes, tôi cũng mê cải lương!)  Điều này gợi cho tôi một ý nghĩ: muốn làm sống lại cái cũ thì trước hết phải đến với nó như nó là, hiểu nó để hòa với nó – dòng nhạc bolero hay nhạc sến, rồi mới mong tìm thấy cái phần có thể thêm bớt cho giàu có hơn lên mà không chõi hay xóa nhòa nguyên bản.
Cụ thể chính là phần trình diễn của Cẩm Ly hát Bạc Trắng Lửa Hồng của Khánh Băng.  Cẩm Ly hát êm đềm đúng mức (không quá nức nở không quá sướt mướt đau thương), cách diễn tả cũng chừng mực không quá “kịch”.  Màu sắc quần áo của Cẩm Ly là của thời nay, nhưng nó dịu dàng không lòe loẹt, chỉ gợi cảm giác nhớ nhung nên tôi không thấy xa lạ với bài hát.  Phần trình diễn của Cẩm Ly đáng ra toàn bích nếu không thấy phần phụ diễn của đoàn đám cưới với các phù rể một tay dắt phù dâu một tay để sau lưng như các nhân viên nhà hàng Tàu lúc phục vụ bàn tiệc!!!  Xin tha cái tội bới lông tìm vết vạch lá tìm sâu!
Tôi đang chán đời, sống để chờ chết, đột nhiên có người tặng món quà “tủ” bèn thấy cảm kích. Trong mùa Tạ Ơn tôi muốn cảm ơn những người đã cho tôi nghe lại âm điệu xưa, biết thêm chuyện ngộ (Khánh Băng có viết nhạc sến), cảm ơn luôn cả những hoàn cảnh chắc là không mấy gì vui để nảy sinh ra những bài nhạc sến.  Nhạc sến muôn năm.

Lưu Na
11202016