Sunday, February 4, 2018

THƯ TẾT GỞI ANH NGUYỄN. TỨC NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN THIỆP

Lương Thư Trung (Hai Trầu)


Nhà văn Nguyễn Xuân Thiệp.


Bìa báo TRẺ xuân Mậu Tuất 2018

 Kính xáng Bốn Tổng ngày 31 tháng 01 năm 2018

Kính chào anh Nguyễn,

Ở quê tôi dưới này trời hơi lành lạnh, nắng hơi hanh-hanh vàng, rồi tui mới lò mò mở tờ báo Xuân của tuần báo TRẺ xuân Mậu Tuất, tình cờ đọc được bài “Những Đoản Văn Ngày Tết” của anh, gồm ba phần ngắn: “Sơn ca và những ngày xuân năm ấy, Ánh lửa nồi bánh năm xưa và Những bữa ăn ngày Tết trong gia đình Nguyễn”. Đặc biệt, trong phần ba, trong phần nhắc qua các món ăn trong gia đình anh, nhứt là món “nồi măng hầm với chân giò heo”  của chị Nguyễn nấu rất ngon và anh có nhắc đến nhà thơ Phạm Cây Trâm và tôi: “Các anh Lương Thư Trung và Phạm Cây Trâm chắc cũng đồng ý với Nguyễn về điểm này – nghĩa là cũng rất “tâm đắc” về các món truyền thống vợ nấu. Rồi đây, thế nào cũng xin tới hỏi các anh về những món ăn trong những ngày Tết ở quê và trong gia đình các anh. Để rồi sang năm có thêm một bài nữa cho báo Xuân.”(TRẺ Xuân Mậu Tuất 2018, trang 62-64).

Thưa anh Nguyễn,

Vâng, nay tôi thì Tết này cũng bước vào thời kỳ nay mình đã già quá mạng rồi anh Nguyễn à! Tức là mình cũng đã trải qua biết bao lần ăn Tết. Hết Tết Tây rồi tới Tết Ta, hết Tết này lại đến Tết khác rồi như một định luật của Trời Đất hễ hết Tết là mái đầu xanh lần lần ngã màu lợt lợt hồi nào mình đâu có hay biết chút gì vậy mà rồi nay tóc mình lại bạc, bạc hổng còn một cọng tóc đen nào ráo trọi nhe anh Nguyễn! Cùng với dòng đời trôi không biết đến bến bờ nào, nhiều lúc cứ mỗi lần Tết đến, tôi lại bồi hồi nhớ về những cái Tết trong gia đình. Mà gia đình nào ở miền quê tôi họ cũng sắm sửa những món ăn như anh vừa kể, tức là cũng có giò heo hầm măng tre gai, tre mỡ, tre mạnh tông; rồi cũng có món thịt heo kho rệu với hột vịt, với cá lóc; rồi cũng không thể nào thiếu món dưa cải, dưa kiệu cùng các món mứt bí đao, mứt gừng, mứt mảng cầu xiêm, mứt chanh, bánh phồng, bánh tét...

Vâng, thưa anh, nhiều lắm. Riêng món ăn trong gia đình tôi thì, nhớ hồi tụi tôi còn nhỏ lúc “ăn chưa no, lo chưa tới”, tôi nhớ má tôi năm nào cũng có nồi thịt kho rệu với nước dừa tươi. Hồi đời trước người ta nuôi heo bằng tấm cám nên thịt heo ngon lắm. Nồi thịt kho má tôi kho lần nào như lần nào hễ mình chạm đũa vào miếng thịt miếng mỡ heo trong vắt và dường như muốn rệu ra, thơm phức hà! Chứ hổng như bây giờ người ta nuôi heo bằng thực phẩm chế biến sẵn cho heo ăn mau lớn nên thịt heo kho rệu như hồi đời xưa hổng còn rệu và mỡ heo cũng hổng trong như hồi đời trước nữa!

Hồi đời trước ở làng quê miệt dưới này, dân quê ở đây có cái lệ là tới ngày 28 Tết người ta hay làm thịt heo chia lúa. Có lẽ vì dân quê vốn ưa nghèo, nên ngày tư ngày tết tiền bạc cũng eo hẹp, nên người ta mới nghĩ ra cách là nuôi heo chờ tới Tết heo lớn rồi làm thịt và
chia cho bà con trong xóm với giá được trả bằng lúa. Thay vì bán thịt heo bằng tiền thì người ta bán thịt heo bằng lúa tới mùa, tức là bán chịu và khi nào tới mùa lúa cắt gặt xong thì trả lúa cho người chủ làm thịt heo. Thường thường giá bán thịt heo ở đây là 1 kí-lô-gram là một giạ lúa, mình mua mấy kí thì tính ra mấy giạ lúa. Người mua thịt không phải đem lúa tới nhà chủ thịt heo để trả mà người bán thịt heo sẽ đến các nhà mua thịt để lấy lúa. Nhớ hồi ấy, tùy theo mỗi gia đình nhà đông con cháu hoặc ít người mà người ta mua thịt trả bằng lúa nhiều hay ít. Có người mua tới năm ba giạ lúa là thường. Có người mua thịt heo ăn Tết tới mười giạ lúa nữa. Nhưng có cái mà tôi cho là rất tử tế ở thôn quê là dù thiếu lúa thịt nhiều như vậy nhưng người ta tới ngày mùa thường nhắc chủ heo lại lấy lúa và họ đong lúa trả rất đàng hoàng, loại lúa hột được dê sạch lúa lép và phơi khô chứ không còn ướt hoặc lúa dơ lúa ngọn đâu nhe anh Nguyễn! Vậy mà rồi năm nào cũng như năm nào, hễ cứ gần gần tới ngày Tết là tụi nhỏ chúng tôi cũng mong mau mau tới mùa chia lúa thịt về ăn Tết. Mà cũng có cái vui nhe anh Nguyễn là khi người ta làm heo chia lúa thịt thì bà con phải hiểu là dù mình có tiền cũng không nên mua thịt bằng tiền, vì người ta muốn lấy lúa tới mùa thôi anh Nguyễn ơi!

Điều đó, cho thấy đối với dân quê lúa là chánh, lúa là món ăn chắc mặc bền nơi làng quê, tiền có thể mua được nhiều thứ nhưng hổng có lúa trong nhà là chết đói chứ hổng phải chuyện giỡn chơi! Do vậy mà hồi đời trước, nếu có dịp anh đi xuống miền quê vùng sông nước Hậu Giang của tụi tôi vào dịp mùa màng cắt gặt ngoài đồng vừa kết thúc thì anh sẽ thấy nhà nào cũng có một bồ lúa đầy nhóc anh à! Tùy theo ruộng đất mỗi nhà mà người ta ví bồ tròn, bồ vuông; nếu một lớp mê bồ chứa lúa không đủ người ta cơi lên thêm một lớp mê bồ nữa cho tới khi nào đựng hết lúa hột xe trâu, xe bò kéo từ ngoài đồng về thì thôi; trường hợp chủ ruộng nào đất quá nhiều cỡ năm ba trăm mẫu thì người ta cất lẫm để chứa lúa hột, vì lúa lên tới mức lúa ngàn giạ rồi nên hổng có bồ nào đủ để đựng lúa anh Nguyễn ơi!

Đó là tôi nhắc sơ sơ cái tục chia thịt heo bằng lúa vào dịp Tết mà rải rác trước đây tôi dường như cũng có kể nhưng hổng biết kể hồi nào. Đồng thời cũng nhắc sơ sơ qua cái lo cho lúa đầy bồ là cái lo cái no cái đói nữa dù lúa ít hoặc lúa nhiều gì thì mỗi nhà phải có cái bồ lúa là chánh. Đó là chuyện hồi đó, hồi sáu bảy chục năm về trước anh Nguyễn ơi, chứ ngày nay, chỗ tôi biết là nhà quê bây giờ anh có dịp xuống dưới này chơi anh sẽ biết đời sống nhà quê bây giờ nó thay đổi dữ lắm, mà nhứt là vụ ví bồ lúa như ngày xưa nay chỉ còn trong mấy truyện cổ tích hồi đời năm Thìn bão lụt thôi anh Nguyễn à! Đời bây giờ dường như mười nhà hết mười là hổng nhà nào có bồ lúa. Họ làm ruộng tới ngày cắt gặt, họ kêu máy cắt, loại máy vừa cắt lúa vừa suốt lúa hột luôn, xong đâu đấy dù lúa còn ướt nhẹp là họ vô bao và chở lúa hột thẳng ra bờ kinh rồi ghe hàng xáo đậu chờ sẵn ngoài đó và họ sẽ bỏ lúa lên cân tính ký lấy tiền. Gọn-ơ hà! Rồi anh sẽ hỏi tôi người làm ruộng lấy lúa đâu làm giống cho mùa sau và ấy lúa đâu để ăn trong lúc chờ mùa lúa tới?

Dễ lắm anh Nguyễn. Họ chừa đủ số lúa giống họ cần, rồi vô bao đem về nhà phơi khô vậy là tới mùa có lúa giống; còn lúa ăn hằng ngày, họ chạy ra chợ mua gạo chợ về ăn, hổng cần phải ví bồ để dành lúa ăn như hồi đời trước. Tôi thấy cảnh mua gạo ăn từng bữa này chẳng khác gì hồi đời trước các gánh hát bầu tèo mỗi lần đi lưu diễn rồi ghé lại đình làng hay chợ quê nào đó để hát là cứ “gạo chợ, nước sông” làm chuẩn cho những chuyến giang hồ… Thành ra ngày nay, tôi thấy sống ở nhà quê hơi phiêu-diêu quá anh Nguyễn ơi! Hổng có một cái gì gọi là chắc chắn ráo trọi! Nhiều lúc tôi nói với sắp nhỏ, rủi hôm nào hết gạo mà trong nhà hổng có tiền nữa thì tụi con lấy gạo đâu mà sống? Tụi nhỏ chỉ cười cười, còn tôi thì nhiều đêm mất ngủ vì ba cái vụ làm ruộng đời bây giờ khác với đời xưa quá mạng! Hổng có một cái gì gọi là nền, là chắc, là vững ráo trọi anh Nguyễn ơi! Mà khổ một nỗi là nếu mình có nhắc tới cái bồ lúa trong nhà ngày xưa thì tụi nhỏ bây giờ chúng nó lại nói bồ lúa thuộc về dĩ vảng rồi tía ơi! Cái đau là người già nói ra cái gì cũng bị sắp nhỏ chê mình lỗi thời ráo trọi anh Nguyễn à!

Giờ tôi xin trở lại câu hỏi về nồi thịt hầm măng của gia đình anh do chị Nguyễn nấu để ăn trong ba ngày Tết. Dĩ nhiên rồi anh, món ăn nào do mẹ mình nấu, do các chị mình nấu hoặc do vợ mình nấu thì ngon nhứt trên đời rồi! Vì, theo ý tôi, sở dĩ nó ngon là vì cách nấu đặc biệt của gia đình mỗi nhà nó hợp với khẩu vị của mình, vì gia vị nêm nếm đã đành mà cái ngon chính trong các món ăn ấy là cái tình yêu thương của mẹ dành cho con cái, của chị dành cho các em và của vợ dành cho chồng! Thành ra, món ăn nào trong nhà do người thân mình chế biến thì món nào cũng ngon là vậy. Dù nồi mắm kho mà chỉ kho với vài con cá rô hủng-hỉnh với vài ba tép sả bầm nhuyễn thì nồi mắm kho cũng ngon; dù chảo kho quẹt với vài ba con tép bạc mới bắt được dưới kinh với vài ba trái ơt sừng trâu thì chảo kho quẹt ấy cũng ngon như thường … Theo tôi, cái vị gọi là ngon đó là cái ngon vì cái nghĩa, vì cái tình mà đời nào, thời nào tôi thấy cái hương liệu thơm ngon ấy vẫn mãi mãi bàng bạc trường tồn trong mỗi bữa cơm trong gia đình không phân biệt đâu là lều tranh vách đất hay đâu là nhà rộng cửa cao ráo trọi anh Nguyễn ơi! Cái ngon trong ý nghĩa đó nó bất tận và không ai có thể ngăn cản hoặc giam hãm nó vào một chỗ nhất định nào cho được!

Thưa anh Nguyễn,
Nhơn nhắc về nồi giò heo hầm măng ngày Tết trong gia đình anh, tôi mới nhớ hồi còn trai trẻ tôi cũng hay ăn Tết xa nhà. Lúc bấy giờ nói xa nhà vì mình bị phải xa nhà trong ba ngày Tết là do kỷ luật trong guồng máy hành chánh thời ấy, hổng ở đâu cho phép mình về nhà ăn Tết ráo trọi anh Nguyễn à! Hể cứ tới Tết là y như rằng sẽ có lịnh cấm trại 100% hà rầm, nên mình đâu dám bỏ nhiệm sở đi về nhà ăn Tết! Hồi đó, tôi phải ở tuốt ngoài Nha Trang, nên ngày Tết có thể nói là ngày buồn nhứt trong năm đối với đời làm công chức. Chẳng những hổng được về nhà ăn Tết mà tối tối còn phải vác chiếu vô sở trải dưới nền xi măng nằm ngủ mà nghe bên ngoài người ta đốt pháo đón giao thừa và mừng năm mới. Nhiều khi nhớ lại mà buồn muốn thúi ruột!

Ban đêm nằm trong sở là vậy, còn ban ngày cũng đâu có gì lấy làm vui đâu anh! Hồi đó tôi có anh bạn làm việc chung, ảnh là rể của bác Mộng Cầm, năm đó tôi nhớ có bác Mộng Cầm từ Phan Thiết ra Nha Trang ăn Tết với gia đình chị Mộng Điệp và anh bạn tôi là chồng chị Mộng Điệp. Vui với gia đình anh chị ấy ba ngày Tết thì cũng chỉ vui gượng vậy thôi, nhưng tôi lại nhớ có món thịt heo kho măng nhà anh chị bạn là món đặc biệt mà dường như các gia đình bà con ở Nha Trang hổng nhà nào hổng có mòn này. Trong quê tôi, ba ngày Tết thì thịt ba rọi kho với nước dừa, hột vịt và cá lóc; còn ngoài Nha Trang thì món thịt ba rọi kho với măng khô là chánh. Tôi hổng nhớ rõ là người ta có kho chung với cá ngừ, cá thu hoặc cá nục không, vì lâu quá nhưng món măng khô là phải có. Món này người ta ăn với cơm, với bánh tét, bánh chưng, bánh tráng …

Còn măng phải là măng khô nhe anh Nguyễn! Loại măng trên rừng miệt Pleiku, nơi mà hồi trước nghe nói anh cũng có lúc dừng chân phiêu-lãng, loại măng le này nhiều lắm. Nhớ có lần đi dọc theo quốc lộ 19 (hay quốc lộ 21 gì đó, mà nay lâu quá nên tôi hổng nhớ chắc cho lắm) từ ngã ba Qui Nhơn lên Pleiku, qua khỏi đèo An Khê, hướng về quận Lệ Trung, dọc theo đường quốc lộ tôi để ý thấy đồng bào Thượng họ từ trong rừng vác trên lưng những chiếc gùi với đầy măng le, loại măng tre rừng, mà họ vừa đốn được trong rừng và mời bán những gùi măng còn tươi như vậy, nhiều lắm… Rồi xe chạy trên đường ngược xuôi thỉnh thoảng có xe ghé lại mua những gùi măng tươi ấy. Nhớ có lần tôi cũng mua măng như vậy mang về Nha Trang cho mấy người quen. Ở đây người ta mới lột vỏ măng và luộc lên cho măng bớt chất đắng và chẻ mỏng ra rồi đem phơi khô dùng trong việc ché biến thức ăn sau này, trong đó có món thịt heo kho với măng khô như tôi vừa nhắc bên trên vừa rồi. Những buổi mua măng như vậy vui lắm anh Nguyễn. Dường như người Thượng họ sợ người Kinh ăn gian nên họ mỗi lần bán măng và thu tiền thì họ chỉ nhận tiền lẻ chứ không nhận tiền chẵn. Chẳng hạn, mớ măng họ bán cho mình giá 500 đồng, mình phải trả 5 tờ  giấy một trăm họ mới chịu nhận, chứ họ không chịu nhận tờ giấy 500 đồng. Có lẽ vì họ sợ mình gạt họ, và tờ giấy bạc ấy hổng đủ số 500 đồng như mình đồng ý mua mớ măng của họ.

Nhớ lại những ngày lang bạt hết miền duyên hải rồi lên cao nguyên qua các địa danh như Pleiku, Kontum, Ban-Mê-Thuột, Phú Bổn, Quảng Đức, Lâm Đồng, Đà Lạt, Phan Thiết, Phan Rang, Phú Yên, Qui Nhơn, Cam Ranh với những cái Tết xa nhà rất buồn mà nghe như cái hồn trẻ ở tuổi chưa tới 30 ấy ngày nào mà chừng như có chút gì xao xuyến trong lòng với biết bao dạt-dào thương cảm những ngày phải ăn Tết xa nhà!


Thưa anh Nguyễn,
Mở đầu là thư, tôi có nhắc nhờ đọc báo “Trẻ Xuân Mậu Tuất 2018” mới biết anh nhắc tới nhà thơ Phạm Cây Trâm và tôi, và vì vậy tôi mơi có lá thư này, âu cũng là cái duyên gặp lại dù trên trang giấy nhỏ. Về tờ báo Xuân Mậu Tuất 2018 của TRẺ, ngoài bài viết của anh, tôi có hơi hiếu kỳ nên coi qua phần Mục Lục và tò mò đọc được một số bài khác. Báo in đẹp kể cả các trang trong với hình ảnh in màu và quá nhiều bài vở của rất nhiều tác giả. Có bài viết bình dân, hóm hỉnh nhưng cũng có bài quá cao sang, kinh điển. Nhìn một cách tổng quát đó là tờ báo Xuân rất nên đọc vì mục đích vừa vui xuân, vừa vui Tết năm này mà còn làm cho người đọc nhớ lại đâu đây trên các trang báo với những ngày Tết năm xưa của riêng mình nữa… Tôi thấy có tới 49 bài viết với 231 trang báo chứ đâu có ít ỏi gì! Quả thật, tôi chưa đọc hết nên chưa biết báo hay hoặc dở thế nào nhưng với 49 bài viết qua nhiều tác giả khác nhau, mà đa số là những cây bút thành danh từ nhiều thập niên trước, kể cả các nhà văn tên tuổi trước 1975 như Trần thị Ngh, Nguyễn Đình Toàn …, với cái nhìn riêng của mỗi người về Tết cùng cách viết riêng của mỗi tác giả, tôi nghĩ chừng ấy cũng đủ đề mình nên tìm đọc. Tôi nghĩ vậy, nhưng riêng anh Nguyễn, theo anh thì anh thấy sao?

Trước khi dứt lời, tôi xin chân thành cầu chúc anh nhiều sức khỏe, sống lâu và viết nhiều thêm nữa như anh có hứa: “Rồi đây, thế nào cũng xin tới hỏi các anh về những món ăn trong những ngày Tết ở quê và trong gia đình các anh. Để rồi sang năm có thêm một bài nữa cho báo Xuân.” Mong lắm thay!

Nay kính thư,
Hai Trầu

No comments:

Post a Comment