Nguyễn
Thị Tịnh Thy
Xưa,
Vĩ Sinh yêu một người con gái. Hai người hẹn gặp nhau ở dưới chân cầu. Cô gái
không đến. Vĩ Sinh vẫn cứ đứng dưới chân cầu đợi người yêu. Chiều tối, thủy triều
dâng lên ngập chết Vĩ Sinh.
Câu
chuyện trên là một trong những tiểu thuyết đầu tiên của văn học Trung Quốc. Tiểu
thuyết - thể loại có dung lượng đồ sộ nhất - ban đầu chỉ nhỏ bé như lòng bàn
tay. Vì vậy, nó được đặt tên là tiểu thuyết (tiểu là nhỏ, thuyết là lời
nói, lời dạy; tiểu thuyết nghĩa là lời
nói, lời dạy nhỏ không đáng coi trọng). Tên gọi đó cho thấy đây vốn là thể loại
nhỏ nhất, ngắn nhất, kém giá trị nhất của văn học Trung Quốc. Vậy mà, qua trường
kỳ lịch sử, tiểu thuyết dần lớn lên, vượt qua các thể loại khác, trở thành người
khổng lồ của văn học.
Cầm
trên tay tập Thơ ngắn Đỗ Nghê, tôi chợt
nghĩ đến tên gọi của tiểu thuyết. Bởi vì tác giả Đỗ Hồng Ngọc đặt tên cho đứa
con tinh thần của mình là Thơ ngắn.
Thế nào là ngắn? Thế nào là dài? Ngắn nhất là tiểu thuyết, dài nhất cũng là tiểu
thuyết. Ngôn hữu tận, ý vô cùng. Làm sao so ngắn dài khi Lý Bạch đã từng khẳng
định: “Thi thành thảo thụ giai thiên cổ” (Bài thơ làm xong, cỏ cây đều đã trở
thành thiên cổ). “Thiên cổ” là nghìn xưa, là quá khứ. Đối với người phương
Đông, quá khứ bao giờ cũng gắn với giá trị. Con dấu thời gian mỗi khi đã chạm
khắc vào một sự vật hiện tượng gì thì bản thể đó mặc nhiên có giá trị. Bài thơ
làm xong, tất cả thoắt trở thành thiên cổ. Câu thơ hay thường được khen là “thiên
cổ lệ cú” (câu thơ đẹp ngàn năm). Giá trị của thơ ca, của văn học không thể đo
bằng sự ngắn dài của câu chữ, mà chỉ có thể đo bằng sự ngắn dài của ý nghĩa
nhân sinh, của thành tựu nghệ thuật và sức sống của nó trong lòng người đọc. Tuy
nhiên, khi thơ càng ngắn, độ hàm súc càng cao, ý nghĩa càng bung tỏa thì lại
càng thú vị. Có lẽ đây là quan niệm về thơ mà tác giả Đỗ Hồng Ngọc tâm đắc, nên
đã lấy thể thơ ngắn làm đại diện cho cả những bài thơ dài trong toàn tập.
Đề
tài của Thơ ngắn Đỗ Nghê khá rộng: vũ
trụ, quê hương, tình yêu, nỗi nhớ, thiền tập... Hầu như tác giả đã “chắt mót” tất
cả các cảm xúc với thiên nhiên, tôn giáo và con người để dồn vào tập thơ này. Nếu
gọi tập thơ là Tạp thi thì đúng hơn. Tạp thi nghĩa là thơ lặt vặt. Lặt vặt ở
đây không có nghĩa là vặt vãnh, mà là gần gũi, giản dị, quen thuộc, thô mộc...
Đó có thể là một thoáng suy tư, một chút bâng khuâng, một niềm nhung nhớ, nỗi
luyến tiếc hoặc một trò tinh nghịch... Tất cả đều nhẹ nhàng, hồn nhiên và rất đỗi
thẳm sâu. Có những bài thơ, câu thơ ngắn như một hơi thở, một cái trở mình
nhưng ý nghĩa lại cứ dài ra theo dòng suy ngẫm của người đọc:
“Giữa đêm
Thức giấc
Giữa ngày...” (Trái đất)
Đêm
của nơi này là ngày của nơi kia. Một cái tỉnh giấc nơi đất khách, nhớ đến quê
nhà, chợt nhận ra sự mênh mông của Trái đất và sự luân chuyển khôn cùng của thời
gian. Bài thơ còn mang ý nghĩa triết lý về tính tương đối: đêm ngày, khái niệm,
nhận thức, chân lý... tất cả chỉ là tương đối. Sự tương đối đó chính là cái hữu
hạn của con người trước cái vô hạn của thế giới đầy bí ẩn, bao la.
Bài
thơ Sóng lại nhắc nhở người đọc về
quan niệm duyên khởi của Phật giáo: “Sóng/ Quằn quại/ Thét gào/ Không nhớ/ Mình/
Là nước”. Bài Nước lại mang triết lý
về sự trôi chảy của thời gian, sự miên viễn của vũ trụ, sự huyền nhiệm của tính
thiền:
“Nước từ đâu đến
Nước trôi về đâu
...
Nước vẫn muôn đời
Không đi chẳng đến
Ai người nỡ hỏi
Nước đến từ đâu
Ai người nỡ hỏi
Nước trôi về đâu...”
Không
đi chẳng đến, vô thủy vô chung, mềm mại như sông và quằn quại thét gào như
sóng, nước vẫn an nhiên trôi chảy từ ngàn năm trước đến ngàn năm sau. Khi ta cảm
nhận được sự mênh mông ấy của nước, gió, trăng, sao thì tâm hồn và thể xác ta
đã hòa cùng vũ trụ: “Vũ trụ chừng nhỏ lại/ Còn chút xíu trong ta!” (Vũ trụ). Ta không còn “là Một, là
Riêng, là Thứ nhất” như ông hoàng Xuân Diệu nữa, ta đang “bay vù vù trong không
gian” trong từng sát-na. “Mỗi ngày ta rơi rụng/ Mỗi ngày ta phục sinh/ Mà cứ tưởng
không hề thay đổi...”. Đó chính là Vô thường,
là sự đổi thay qua từng chớp mắt. Vô thường mà không mất mát, vô thường để thấy
ta trong vạn vật và vạn vật trong ta. Sự hòa điệu giữa con người - tiểu vũ trụ
và vạn vật - đại vũ trụ trong thơ Đỗ Hồng Ngọc theo quan niệm vô thường và
duyên khởi mang lại cho người đọc cảm nghiệm mới về thời gian, về sự sống trong
guồng quay của tạo hóa. Nó thôi thúc con người ý thức về mối quan hệ của cá
nhân và vũ trụ, để kết nối, để sống hết mình trong sự sống chứ không phải để thở
than nhân sinh như mộng.
Vô
thường trong thơ Đỗ Hồng Ngọc nhiều khi là sự hiện hữu chứ không phải hư vô, ở
cái còn chứ không phải là cái mất. Trong những bài thơ về Mẹ, về La Ngà, ta học
được cách quên nỗi đau, chấp nhận lẽ tử sinh từ những hình ảnh, chi tiết bình dị
nhất. Ánh mắt người mẹ luôn dõi theo con, nụ cười mẹ như thấu hiểu mọi hỷ nộ ái
ố, lúng túng, lần khân, láu lỉnh... của con. Nụ cười của mẹ trên bàn thờ trở thành tấm gương soi của con. Đó là
nụ cười sống động, nụ cười bất tử mang tâm trạng và tình cảm yêu thương trìu mến
của người ngắm nhìn qua mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm. Đối diện với nụ cười của mẹ,
hẳn rằng người con luôn phải tự sửa mình. Cũng trong mạch cảm nhận đó, đọc những
bài thơ viết cho La Ngà, ta hiểu được cách vượt qua nỗi mất mát của nhà thơ khi
“có một dòng sông đã qua đời”:
“Không bài học nào
Như ba đã học
Từ con
Nỗi mất!”
Con
“mãi mãi tuổi đôi mươi” dẫu tất cả cứ già đi theo năm tháng. Mà bài học về nỗi
mất thì cứ tươi nguyên, khoảng trống của nỗi mất dường như thêm sâu rộng. Có thể
thanh thản được không khi xem nghiệt ngã là bài học? Có nỗi đau nào lớn hơn
không, khi bài học không muốn nhớ, không muốn thuộc nhưng vẫn cứ ghim vào tâm
trí? Con “mãi mãi tuổi đôi mươi”, cha vẫn day dứt nỗi đau khổ của kiếp người!
Hóa ra, vô thường còn là chấp nhận, là “đành lòng vậy, dầu lòng vậy”, là gào
thét trong lặng câm, là bão tố trong bình yên, là chôn chặt trong đào xới, là cồn
cào trong thanh thản... Những vô thường như thế này cần phải được đọc từ phía
sau câu chữ, bởi câu chữ chỉ là cái bình phong, nó che đậy cảm xúc, nó không
cho người khác nhìn thấy nước mắt tuôn rơi. Trang Tử từng nói: “Ngôn giả sở tại
ý, đắc ý nhi vong ngôn” (Lời là để diễn đạt ý, được ý hãy quên lời). Những bài
thơ này, tôi đọc “ý”, không đọc “lời”; đọc để hiểu, cảm thông và chia sẻ...
Có
một nỗi nhớ quê hương đong đầy trong tập Thơ
ngắn. “Đi giữa Sài Gòn/ Phố nhà cao ngất/ Hoa nở rực vàng/ Mà không thấy Tết.
Một sáng về quê/ Chợt nghe gió bấc/ Ơ hay xuân về/ Vỡ òa ngực biếc!” (Gió bấc). Xuân không đến từ hoa vàng rực
rỡ, xuân chỉ đến khi người yêu quê được đi giữa trời quê.
Ở
bài thơ Thu, Đỗ Hồng Ngọc không dùng
hình ảnh, mà khuấy động lòng ta bởi một âm thanh:
“Chiều thu
Nghe tiếng quạ
Giật mình
Nỗi xa nhà
Nhớ sao
Mà nhớ
Quá!”
Mùa
thu gắn với nỗi buồn. Bởi vậy nên người Hán đã ghép chữ thu với chữ tâm để biểu ý
thành chữ sầu (mùa thu đọng lại trong
tim thành một nỗi sầu). Chiều thu là thời khắc của ngày tàn, của những nỗi buồn
không tên, nỗi sầu thiên cổ bàng bạc như sương khói. Nó khiến lòng người chơi
vơi, mang mang; khiến cho “Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói. Tựa cửa nhìn xa,
nghĩ ngợi gì” (Xuân Diệu). Giữa chiều thu ấy, thơ thẩn nơi đất khách, bỗng nghe
tiếng quạ, giật mình nỗi xa nhà... chợt thấy nhớ sao mà nhớ quá. Bài thơ độc
đáo ở cấu tứ. Đó là cấu tứ sắc sắc không không. Không có hình ảnh nào cụ thể:
chiều thu, tiếng quạ, nỗi xa nhà, nỗi nhớ đều không hiện hữu. Tất cả đều trừu
tượng, lơ lửng trong không trung, vương vấn trong hồn người. Chủ thể trữ tình
cũng chỉ xuất hiện trong động thái “nghe” và “giật mình”: nghe tiếng quạ và giật
mình nỗi xa nhà. Nghĩa là người đọc chỉ nhận ra thi nhân qua âm thanh trên
không trung và nỗi lòng kẻ tha hương. Niềm cô tịch bao trùm toàn bài thơ. Thi
pháp chân không được sử dụng rất đắc địa. Và cuối cùng, tiếng quạ kêu bất ngờ kết
thúc bài thơ, nhập vào làm một với đỉnh điểm của nỗi nhớ nhà: “Quá!”. Âm thanh
đó vút cao, thảng thốt, xuýt xoa, khắc khoải, tê tái, quặn thắt... Từ tượng
thanh trùng âm với phó từ chỉ mức độ cao trong tiếng Việt thể hiện sự hòa điệu
tuyệt vời của cảnh và tình, của tiếng quạ và tiếng lòng. Nó khiến cái vô hình
trở thành hữu hình, cái khó nắm bắt trở nên dễ nắm bắt. Tiếng quạ kêu lan tỏa
trong thinh không, mang nỗi nhớ thả vào vũ trụ, để rồi len vào hồn người tâm thức
“tư cố hương”. Cảnh nhạt mà tình nồng, bài thơ vừa có cái diệu của thi pháp
chân không, của bút pháp lấy động tả tĩnh, huyền ngoại chi âm, và cả bút pháp
tá thanh truyền ảnh rất hiếm ở trong thơ. Bởi, từ âm thanh xao động ở câu hai đến
se thắt ở câu cuối, ta có thể hình dung được vẻ ngơ ngác ngước nhìn, kiếm tìm,
trầm tư mặc tưởng của người thơ.
Thơ
tình chiếm tỷ lệ khá lớn trong toàn tập Thơ
ngắn Đỗ Nghê và đa số là những bài thơ không ngắn, thậm chí là khá dài. Mảng
đề tài này thể hiện rõ tâm hồn thuộc “cái nòi đa tình” và tính cách dí dỏm của
nhà thơ.
“Em tin có Chúa
Ngự ở trên cao
Còn anh tin Chúa
Ngự ở trong nhau” (Đi Lễ)
Với
niềm tin ấy, “mỗi ngày anh chánh niệm về
em chánh niệm sáng chánh niệm chiều chánh niệm đêm... em ngồi đó vô biên vô số
với phép màu không có thời gian cho anh trở về tuổi hai mươi em mười tám...” (Chánh
niệm).
Tình
yêu như tôn giáo, tình yêu là tôn giáo của riêng anh. Và nhịp tim, hơi thở luôn
thao thiết vì em:
“Ai bảo áo em vàng hoàng
hậu
Cho tôi phải thở nhịp
quân vương”
(Đồng hương)
Và
nếu thiếu em, quân vương ấy chẳng màng đến ngai vàng nữa:
“Ta về lối cũ
Nghe lòng lạnh băng
Thiếu em hoàng hậu
Ngai vàng như
không...”
(Giữa hoàng hôn xưa)
Anh
viết tên em lên cát, cho sóng cuốn đi, cho gió cuốn đi. Để “tên em mênh mông đại
dương...”, mang tình anh đi muôn phương, cho thỏa dạ kẻ si tình (Viết tên lên cát). Nỗi nhớ em trở thành
căn bệnh - bệnh nhớ, khi cấp tính thì cồn cào, quặn thắt; trở thành kinh niên
thì âm ỉ, triền miên (Nỗi nhớ). Mà thật
lạ, hình như anh chẳng muốn chữa lành căn bệnh tương tư này. Bởi nghe trong tiếng
thở than có niềm hạnh phúc, nghe trong nỗi buồn vẫn có thú đau thương.
Rồi
“tình xa” sẽ biến thành “tình sầu”, “tình nhớ”, để ngày gặp lại, luyến tiếc gọi
nhau bằng hai chữ Cố nhân:
“Mới đó mà em đã cố
nhân
Lòng đau như cắt hiểu
gì không
Hoa vàng đã rụng đầy
sân vắng
Tình cũng ngùi phai
theo tháng năm...”
Tình
“ngùi phai theo tháng năm” nhưng lòng không ngùi phai. “Lòng đau như cắt hiểu
gì không” - Câu thơ như một nhát cắt cứa vào tim nhau. Trách móc? Giận hờn? Tiếc
nhớ?... Không! Chỉ thấy vẫn yêu. Và đau! Yêu ngay cả khi dùng từ ngữ có tính chất
ngăn chặn, chấm dứt, thuộc về quá khứ: “cố nhân”. Vậy đó, sự trớ trêu của tình
cảm thật khó mà cắt nghĩa, “cố nhân” nhiều lúc không phải là người cũ, người
xưa, mà là người thân thiết, tha thiết một thời... và mãi mãi. Để rồi ta lại
đêm ngày chánh niệm về em, và không ngừng cật vấn mình: “Ta làm sao mà lòng ta chưa nguôi!” (Khi gặp lại).
Giả sử là bài thơ tình rất
hay ở nhiều phương diện. Nhà thơ nói với người yêu về một tình huống hủy diệt của
thiên tai. “Giả sử sóng thần ập vào Nha Trang/ Ập vào Mũi Né/ Anh chỉ kịp quẳng
em lên một chiếc thuyền thúng/ Vút qua những ngọn dừa/ Những đồi cát trắng/ Em
nhớ mang theo đôi quả trứng/ Vài nắm cơm/ Vài hạt giống/ Đừng quên mấy trái ớt
xanh.../ Biết đâu mai này/ Ta làm An Tiêm/ Trở về làng cũ/ Nơi này ta sẽ gọi là
Nha Trang/ Nơi kia gọi là Mũi Né.../ Cho nên/ Sao chẳng sớm mà thương nhau
hơn?...”. Bài thơ mở đầu bằng sự bất an và kết thúc bằng sự bình an. Tất cả hãi
hùng hoang lạnh đó sẽ qua đi nếu ta biết thương nhau, và hãy thương nhau khi
còn có thể, vì mấy ai lường trước được chuyện bãi bể nương dâu. Sử dụng những
motif thường thấy trong văn chương: yêu trong hoạn nạn, sống sót qua hoạn nạn, cơn
đại hồng thủy, tái lập Trái đất và sự sống...; tuy nhiên, trong hoảng hốt hoang
hoải đi tìm sự sống, Đỗ Hồng Ngọc vẫn không quên chiếc thuyền thúng, mấy trái ớt
xanh, đôi quả trứng, vài hạt giống của An Tiêm, để trở về làng cũ... Cổ tích Việt
Nam, văn hóa Việt Nam thấm trong từng hình ảnh thơ khiến ta rưng rưng không phải
vì nỗi sợ thiên tai, mà vì vẫn tìm thấy những gì quen thuộc trong sự mất mát.
Dĩ nhiên, tất cả chỉ là giả sử, thể hiện những dự cảm bất an về môi trường và
quan niệm vô thường của cuộc sống, nhưng mục đích là kết luận: “Sao chẳng sớm
mà thương nhau hơn?” Hỏi cũng chính là trả lời, câu thơ khiến người với người
xích lại gần nhau hơn như câu hát của Trịnh Công Sơn: “Hãy yêu nhau đi/ Khi rừng
thay lá/ Hãy yêu nhau đi dòng nước có trôi xa... Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới
bãi/ Dù mai nơi này người có xa người...”
Tình
yêu trong thơ Đỗ Hồng Ngọc vừa nồng nàn mãnh liệt “như đổ dầu vào lửa”, sắc bén
như “ánh mắt dao cau”, dại khờ luyến tiếc khi phải “nhận bừa là đồng hương”,
day dứt “khi nhìn nhau xa lạ” “nói năng vô nghĩa” mà nghe “thác reo trong hồn”,
ranh mãnh mong người ta nhớ đến anh trong “ngày sinh nhật” khi mọi ngày của anh
đều là sinh nhật. Và cuối cùng, vẫn chờ đợi một bến đỗ bình yên, chở che, đón
nhận, ấp iu và chung thủy đến muôn đời:
“Lá chín vàng
Lá rụng
Về cội
Em chín vàng
Chắc rụng
Về anh” (Lá)
“Chắc”
là một hư từ (vị từ tình thái) mang tính dân dã của khẩu ngữ được đặt vào trong
sự biến tấu của thành ngữ “lá rụng về cội” khiến câu thơ cuối lập tức trở nên
giàu ý thơ, chất thơ hơn. Nhìn từ phương diện ngôn ngữ học, “chắc” thuộc loại từ
có “lực ngôn trung” gắn với “tình thái phát ngôn”. “Chắc là”, “có thể”, “có lẽ”,
“hãy”, “sẽ”, “nên”...; vừa ướm hỏi vừa mời gọi; vừa mang tính khẳng định, vừa
mang tính dự định. Chủ thể của lời nói vừa có thể là anh, vừa có thể là em.
Tâm trạng của các chủ thể sẽ thay đổi tùy vào cách người đọc mặc định vị trí của
họ và nghĩa của từ “chắc” ở trong lời nói. Cả hai chủ thể sẽ có tâm thế hoặc tự
tin, yên lòng; hoặc e dè, hoài nghi, phấp phỏng. Tất cả tùy thuộc vào việc người
đọc đứng ở bên nào trong tính nước đôi của từ ngữ. Vậy là người đọc có quyền quyết
định nghĩa, làm tăng nghĩa, tăng tầng bậc khám phá cho văn học. Theo lý thuyết
tiếp nhận, đồng sáng tạo giữa tác giả và độc giả là một trong những tiêu chí thành
công của tác phẩm. Một từ thôi nhưng có thể thay chủ đổi ngôi, làm khuynh đảo
những gì vững chắc nhất. Tiếng Việt là vậy đó! Hay, đẹp, đa nghĩa và đáo để đến
vô cùng nếu được vào tay người nghệ sĩ ngôn từ biết cách giũa mài cho ngọc quý.
Giống như Bông hồng cho Mẹ, bài thơ
này toàn dùng từ thuần Việt. Mới hay, trong lĩnh vực ngôn ngữ, cái dân dã bình
dị có khả năng chuyển tải văn hóa cao nhất chứ không phải cái cao sang. Một nửa
của bài thơ là có sẵn, là kết tinh từ triết lý, trí tuệ dân gian, quy luật và
ao ước muôn đời của muôn người. Nửa còn lại là sáng tạo của tình yêu, của thi
ca; mời gọi, ướm hỏi, đợi chờ, hồi hộp, đón nhận, giao hòa... và hạnh phúc với
chân lý của tình yêu.
Đề
tài phong cảnh thể hiện nét bút tài hoa của nhà thơ. Đó là bút pháp thi trung hữu
họa, lấy động tả tĩnh trong cảnh Hội An
buổi sớm:
“Hội An còn ngái ngủ
Mái chùa ôm vầng
trăng
Giật mình nghe tiếng
chổi
Gà gáy vàng trong
sương”
Trăng
treo nghiêng trên mái chùa, sương vàng theo ánh trăng. Chỉ cần chấm phá hai
hình ảnh, một sắc màu là tạo nên bức cổ họa. Và tiếng chổi, tiếng của nhịp đời
xao xác nhẹ nhàng đủ để đánh thức đàn gà ngái ngủ cất lên tiếng gáy. Sau tiếng
gà gáy, cả thế giới im lìm sẽ tỉnh giấc. Tất cả mọi đường nét, mọi âm thanh đều
vừa vặn, không thừa không thiếu cho việc diễn tả một Hội An trầm mặc cổ kính.
Bài thơ gợi nhớ cái giật mình của loài chim núi khi nhìn thấy ánh trăng khuya
trong Điểu minh giản của nhà thơ
Vương Duy đời Đường. Nhưng ở đây, tiếng chổi tương hợp với ngôi chùa, tiếng gà
gần gũi với đời sống. Tiếng chổi quét sân chùa sau buổi công phu sáng sẽ sớm
hơn tiếng gà trong vườn nhà. Nếu ngoài đời thường, tiếng gà gáy sáng bắt đầu
chuỗi hoạt động của con người, tiếng gà đánh thức tiếng chổi thì ở đây tiếng chổi
đánh thức tiếng gà, bởi nhà chùa thường dậy sớm hơn. Bài thơ thể hiện sự quan
sát tỉ mỉ, cách cảm nhận tinh tế của tác giả. Chất thiền không chỉ bàng bạc
trong hình ảnh mà còn vang vọng trong âm thanh của bài thơ.
Tuyền Lâm mang vẻ đẹp trong trẻo
của mùa xuân qua thủ pháp gương soi và tiếng gọi mùa xuân tha thiết, đắm say:
“Nước xanh như ngọc
Sâu đến tận trời
Vốc lên một vốc
Ơi mùa xuân ơi!”
Trời
soi bóng nước, nước sâu tận trời, “sâu chót vót” như Tràng giang của Huy Cận, nhưng không cô liêu, tịch liêu mà đong đầy
cảm xúc yêu cảnh, yêu mùa, yêu đời của nhà thơ.
Ta
sẽ còn có thể nghe hơi thở người xưa, “Nghe thì thầm, Đẽo gọt/ Nét Đường thi”
trong bài thơ Văn Miếu; ngắm làn mưa
giăng mờ trong Hà Tiên mưa, cảm nhận “sóng
lăn tăn gợn vỗ quanh ghế ngồi” Ở
Montmartre... Mỗi bước chân trải nghiệm của tác giả đều được ghi dấu bằng hồn
thơ.
Tư
tưởng Phật giáo thấm đượm trong toàn tập Thơ
ngắn. Đỗ Hồng Ngọc đã chuyển tải tư tưởng một cách nhẹ nhàng, giản dị như
chính triết lý nhà Phật qua những bài thơ như Thiền, Vè thiền tập... Và đặc biệt, bài thơ Mới hôm qua thôi còn mang nỗi buồn của bi kịch nhân sinh: “Họ ngồi
đó/ Hói đầu/ Bạc trắng/ Móm sọm/ Nhăn nheo/ Mới hôm qua thôi/ Nào vương/ Nào tướng/
Nào tài tử/ Nào giai nhân/ Ngựa xe/ Võng lọng/ Mới hôm qua thôi/ Nào lọc lừa/ Nào
thủ đoạn/ Khoác lác/ Huênh hoang/... Nói nói/ Cười cười/ Ghen tuông/ Hờn giận/...
Ngoài kia/ Tuyết bay/ Trắng xóa/ Ngoài kia/ Dòng sông/ Mênh mông/ Mênh mông...”.
Đúng! Mới hôm qua thôi... mà bây giờ đã... Tham hận sân si sẽ tan đi hoặc vơi bớt
khi ngẫm lại sự phù du của kiếp người, và sẽ “Giật mình chợt nhớ ra/ Vốn xưa ta
là đất” (Đất), mai này ta cũng là đất. Ta cần ngộ ra điều đó, để có thể chứng
nghiệm Niết Bàn trong cõi ta bà này, ngay ở đây, lúc này, hiện sinh chứ không
phải là huyễn tưởng:
“Tham chẳng còn
Sân cũng hết
Si đã tuyệt
Niết Bàn
Tịch diệt
Để làm chi?” (Ngộ)
Rũ
bỏ tất cả, an nhiên tự tại, Niết Bàn trong ta, tùy vào ta. Niết Bàn là lúc ta
thõng tay vào chợ, trở về với tâm tướng con người như nó vốn sinh ra...
Thơ ngắn Đỗ Nghê có 59 bài, đa phần
là thơ ngắn như tên gọi của toàn tập. Nhan đề của mỗi bài thơ cũng ngắn: Sóng, Nước, Đất, Thiền, Thở, Lá, Ngộ, Trái đất,
Chân Không... Có bài chỉ 6 âm tiết, 10 âm tiết. Xem ra, so với Haiku của
người Nhật (17 âm tiết), Sloka của người Ấn Độ (32 âm tiết), Lục bát của người
Việt (14 âm tiết), Tứ tuyệt của người Trung Quốc (20 - 28 âm tiết) thì quả là Đỗ
Nghê đã có những bài thơ ngắn độc đáo. Tuy nhiên, sức cuốn hút của tập thơ
không phải ở độ dài ngắn, mà ở sự sôi nổi của lòng yêu cuộc sống, sự chiêm nghiệm
về cõi nhân sinh, sự cảm ngộ triết lý nhà Phật đầy mới mẻ, nỗi niềm đau đáu với
lẽ được mất và thi pháp thơ đầy sáng tạo. Tất cả như thể hiện nỗi vướng bận của
nhà thơ với cuộc đời: “Ta làm sao mà lòng ta chưa nguôi”. Nguôi sao được khi
trái tim và tâm hồn thi nhân vốn dĩ đã bị cầm tù trong bể đời ngọt ngào pha lẫn
với chua cay mặn đắng. Lòng chưa nguôi, và sẽ mãi mãi không nguôi, sẽ dễ dàng
rung lên như những sợi dây đàn mẫn cảm, để cho đời thêm những tiếng thơ hay.
Nếu
cần góp ý cho tập thơ, tôi chỉ mong tác giả gạt bớt những bài chưa chín tới về
cảm xúc cũng như bút pháp, hoặc không phù hợp với toàn tập như To Edith (vì là thơ dịch), Về quê (vì trùng với danh tác Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương), Đông Boston (vì không điệp vần), Theo già, Tuyết (vì thiếu thi ý), Món quà, Quấn quýt (vì cấu tứ non tay)...
Vẫn biết, cắt bài sửa chữ là đề nghị lạnh lùng làm đau lòng người sáng tác. Bởi
vì mỗi câu, mỗi bài đều gắn với kỷ niệm, vết xước, nỗi đau và những rung cảm
chân thành. Tuy nhiên, nếu không làm điều đó, tác phẩm sẽ thiếu chắt lọc, sa
vào ôm đồm và nhạt mất khí cốt. Trong nghệ thuật, có sự trưởng thành nào mà
không trả giá bằng nỗi đau, có sự vẹn nguyên nào mà không khởi đầu bằng mất mát?
Thiển ý này của người viết cũng thể hiện nỗi niềm “sao lòng ta chưa nguôi”,
mong mỏi mỗi bài thơ đều hướng đến cảnh giới “Bút lạc kinh phong vũ. Thi thành
khấp quỷ thần” (Hạ bút làm kinh hoàng cả mưa gió. Thơ làm xong khiến quỷ thần
phải khóc - Đỗ Phủ).
Xứ Huế, Mùa Đông năm
2017
Đại học Sư phạm Huế
No comments:
Post a Comment