Truyện
ngắn Nguyễn Âu Hồng
Tuy Hòa. Phú Yên
Ở
vùng quê Phú Yên cái Tết chính thức bắt đầu vào sáng mồng một, khi đã cúng cơm
ông bà và đốt pháo nghênh xuân xong…
Tất
cả trẻ con đều được mặc quần áo mới. Ông bà ngoại quần áo chỉnh tề lên ngồi ở
bàn trên để con cháu lạy mừng tuổi. Bé Ô Mai nhỏ tuổi nhất và cũng nhỏ chức nhất
nhà được ưu tiên mừng tuổi trước. Mừng tuổi xong, tất cả trẻ con đều được nhận
pháo, nhận quà. Mỗi đứa trẻ được nhận năm quả pháo chuột. Pháo chuột ở đây
không phải là pháo nhỏ mà là một loại pháo biết chạy lủi như chuột. Bọn trẻ còn
có một sáng kiến châm ngòi rồi ném xuống nước: pháo chạy ngời ngời trong nước
như ngư lôi. Ngoài pháo chuột, mỗi đứa trẻ được nhận một Con lật đật hoặc một Con
chồng để và một cái trống rung. Là con gái, bé Ô Mai được nhận một Con chồng để.
Con chồng để tuy chỉ là một trong
những món đồ chơi ngày Tết của trẻ con, nhưng là một sáng tạo độc đáo của dân
gian. Nó được nặn bằng đất sét, nhuộm vôi trắng, điểm xuyết vài nét mực tàu và
son, cao chừng hai mươi phân, tạo hình một phụ nữ trẻ đẹp, ngực nở eo thon, có
nét mặt buồn, tay phải bế một bé gái bụ bẫm, tay trái cắp một cái rổ nhỏ.
Theo
luật tục xưa, người đàn bà có chồng mà phạm phải một trong bảy tội gọi là “thất
xuất” thì bị chồng để (chồng bỏ) và bị đuổi đi. Bảy tội đó là: 1-nân (không chửa
đẻ), 2-đẻ nhưng toàn chết non (không có tay nuôi con), 3-dâm dật (ham thích giao cấu), 4-hỗn láo (vô lễ), 5-lẳng lơ (hay cười
cợt với trai), 6-tham lam (trộm cắp làm xấu mặt nhà chồng), 7-xú khế trụ trệ
(làm ăn ngóc đầu không lên).
Trong
ngày Tết, khi mà tất cả mọi gia đình đều sum họp để mừng xuân mới, qua Con chồng để, người nông dân Phú Yên đã
nhớ đến một số phận hẩm hiu của một người phụ nữ phạm lỗi lầm bị chồng và gia
đình nhà chồng đuổi ra khỏi nhà. Cô ta phải bồng con ra đi. Bồng con về ngoại
hay lang thang vô định, nào ai biết! Chỉ có những người giàu lòng nhân ái, độ
lượng, mới sáng tạo được một món đồ chơi kỳ lạ như vậy. Những tác giả dân gian
này giải thích: không có số phận nào đáng thương hơn một người mẹ trẻ xấu số bị
chồng để (chồng bỏ), bị đuổi ra khỏi nhà, trong những ngày cuối năm, phải nách
con cặp rổ ra đi.
Bé
Ô Mai khi thì rung trống cho em bé nghe, khi thì tỉ tê trò chuyện với người mẹ,
với Con chồng để.
Chị
Sáu nhìn tượng Con chồng để mà hồi
tưởng lại cả quãng đời đã qua của mình…
Chị
và Con chồng để mà bé Ô Mai, con chị,
đang tỉ tê trò chuyện kia đều cùng chung một số phận…
Vừa
mới hôm qua, một ngày cuối năm, chị đã phải như Con chồng để, tay bồng con tay cặp chiếc giỏ xách giả da, từ bỏ căn
hộ nơi chị và Huân, chồng chị, đã từng nếm trải bao ngọt bùi đắng cay, để ra
đi…
Chị
Sáu sinh ra và lớn lên trong căn nhà này. Lúc quân Mỹ và Đại Hàn triệt hạ vùng
duyên hải Tuy An, dồn dân vào các khu định cư quanh chi khu ở Phú Tân, chị mới
lên chín. Trước Tết Mậu Thân, 11 tuổi, tuy vẫn là một cô bé khẳng kheo, chị được
người anh thoát ly giao nhiệm vụ đưa thư, liên lạc cho cán bộ cách mạng. Trong
suốt những năm ở khu định cư, ngoài việc bắt sò, vớt rong, vớt sứa trên đầm Ô
Loan, bắt ốc mò cua trên đồng ruộng Phú Tân, chị chưa hề được một ngày cắp sách
đến trường. Sau năm 1975, chị làm công tác thanh niên ở xã rồi đi học bổ túc
văn hóa tập trung. Vào mùa hè của năm học cuối cấp một, chị về quê ôn tập chuẩn
bị thi thì gặp Huân.
Đó
là một buổi sáng nắng chói chang, chị đi quơ cọng lá dương liễu phía bên kia Đồng
Môn về làm chất đốt. Sau khi đã hốt lá dương nhận đầy hai chiếc giỏ trọc mạ, chị
ngồi nghỉ, lưng dựa vào một gốc dương, mắt nhìn ra biển. Mặt biển xanh màu ngọc
bích, riêng chỗ cù lao mái nhà ngả bóng xuống lại có màu tím thẫm. Ở chỗ vắng vẻ,
chị cởi cúc áo quơ nón quạt cho mát rồi thình lình chị chụp tay lên ngực, gài vội
cúc áo lại. Từ những lùm dương phía Sủng Cát, một người thanh niên bước ra, hai
tay thọc túi quần lững thững đi về phía chị. Anh ta vừa đi vừa nhìn ngó đây đó,
thỉnh thoảng lại dùng chân hất lớp cát trên mặt lên xem xét. Anh ta cũng tưởng chỉ có một mình anh trên
bãi. Đến vạt ngũ trảo biển mọc ven hàng dương, anh cúi xuống hái một chùm bông
màu tím biếc, đưa lên mũi ngửi rồi quay người lại. Anh “à” lên một tiếng khi thấy
có một cô gái đang quan sát mình. Chị còn nhớ những lời đầu tiên của anh:
-Tôi
ngửi được một mùi hương tỏa ra rất đậm, tưởng là hương thơm từ những chiếc bông
tím này, nhưng té ra không phải. Lá ngũ trảo biển chứa nhiều tinh dầu, bị nắng
chiếu gay gắt, lá phải thoát bớt hơi nước và tỏa ra không khí một mùi hương kỳ
lạ.
-Anh
nói với ai vậy?
-Tôi
nói với cô. Cô có ngửi được mùi hương của ngũ trảo biển không?
-Có.
Chị
trả lời gọn một tiếng rồi đứng lên gánh đôi giỏ đã nhồi đầy lá dương vượt qua động
cát, về nhà. Trong lúc chị bước lên động cát đã bắt đầu nóng rát dưới ánh mặt
trời, mùi hương ngũ trảo theo hướng gió, vẫn còn thơm ngây ngất.
Hai
người gặp nhau lần đầu như vậy đó. Ít hôm sau anh xin với chính quyền địa
phương được đến ở nhà ông Năm Sanh, ba chị Sáu, để “tiện đi lại khảo sát hai động
cát Đồng Môn, Sủng Cát”. Lúc mới đến ở, anh làm như không hề biết cô trong nhà.
Anh là một kỹ sư lâm nghiệp được đào tạo ở Sài Gòn, đang khảo sát vùng duyên hải
Tuy An nhằm phủ xanh các đồi trọc và trồng cây chắn gió, chống cát di động.
Dù
sao ở chung một nhà cũng khó mà không chào hỏi nhau. Rồi từ chỗ chào hỏi, anh
trở thành thầy dạy kèm, hướng dẫn chị làm toán, làm văn. Anh không tán, không gợi,
không nói gì đến tình yêu, đến sự nhớ thương, nhưng “mưa lâu thấm đất”, cuối
mùa hè ấy, lúc anh chị chia tay nhau, họ đã quyến luyến như một cặp tình nhân.
Tiện
đây cũng nên nói một chút về nhan sắc cô gái. Tuy sinh ra và lớn lên trong chiến
tranh, trong nghèo khổ, nhưng cô gái có một nước da trắng mịn, mái tóc đen dày
và đặc biệt có một thân hình nở nang, cân đối. Đôi môi của cô gái đỏ tươi không
cần tô son với những sớ môi đều đặn và đôi mắt, chao ôi, đôi mắt điển hình của
các cô gái Phú Yên với tròng đen, đen láy, tròng trắng phớt xanh trứng sáo, hài hòa với đôi mày đậm
và cong vừa phải, đôi mắt ấy lúc nào cũng có vẻ ướt át, vừa sắc sảo vừa có nét
đa tình.
Mùa
hè năm ấy cô gái đã hai mươi mốt tuổi. Theo quan niệm của những người dân quê,
con gái một khi đã “hăm” tức là đã bắt đầu “ế”. Các bạn gái học cùng lớp (bổ
túc) đã có chồng, có người đã có con cũng thường đem tiếng “hăm” ra để dọa.
Trong những lúc vui vẻ cô nói đùa: “Cá nục, cá ngừ càng kho lâu càng thấm, càng
hăm nhiều lần càng mặn mòi”. “Ỷ có sắc đẹp, coi chừng hồng nhan bạc phận”. Chị
đẹp thật, nhưng nào có ỷ sắc. Dù sao, đến hai mươi mốt tuổi mới biết thế nào là
sự ngọt ngào của mối tình đầu, mới biết sức hút mãnh liệt và sự bay bổng tuyệt
vời của một nụ hôn, thì cũng hơi muộn.
Huân
thường đến khu nội trú thăm cô. Nhỏ bạn cùng tuổi ở cùng phòng, người đã từng
trải qua ba mối tình dang dở, khuyên cô “thương chi cho uổng công tình, nẫu về
xứ nẫu bỏ mình bơ vơ”. Khi một cô gái đã lậm vào tình yêu lại là mối tình đầu
thì những lời khuyên kiểu đó cứ vào tai này là biến mất sang tai bên kia. Dù ở
khu nội trú chật chội và nóng bức, đêm đêm trong giấc ngủ mơ màng cô vẫn ngửi
được mùi hương ngũ trảo nồng đậm đến ngây ngất.
Khi
được phân công tác, cô xin về công ty lâm sản, cùng ngành với Huân. Trước khi đến
công ty nhận việc, trong một chuyến đi chơi dã ngoại vùng suối Ba Hồ, Huân đã
ghì ôm tấm thân nẩy nở của cô và đòi được gieo hạt. Phần cô, trong vòng tay ấm
nồng của anh, cô cũng có khát vọng muốn được sinh nở. Họ yêu nhau trên một tấm
đệm hơi giữa đại ngàn chim ca suối hát và hương thơm của lan rừng. Anh thú thật
với cô, dù sống và học nhiều năm ở Sài Gòn, đây là lần đầu tiên anh biết được
thế nào là sự trinh bạch của một người con gái.
Họ
đắm đuối trong tình yêu, và anh không như nhỏ bạn cùng phòng dự đoán “nẫu về xứ
nẫu bỏ mình bơ vơ”, đã tích cực tiến tới hôn nhân. Cô về công tác được ba tháng
thì tổ chức lễ cưới.
Từ
lúc cưới đến lúc sinh con gái đầu lòng, họ sống đầm ấm, hạnh phúc. Cô vẫn vừa
làm vừa học bổ túc văn hóa, nhưng công việc choán hết thời giờ. Huân chăm con,
giúp cô làm việc nhà, kèm cô làm bài. Quan hệ vợ chồng có chút gợn cặn từ khi
cô được kết nạp vào đảng và được cất nhắc làm trưởng phòng hành chánh. Anh trước
sau vẫn là kỹ sư lưu dung của phòng nghiệp vụ. Anh kịch liệt phản đối việc cô
vào đảng và không tán thành chức vụ trưởng phòng.
Trong
khả năng của mình, là trưởng phòng hành chánh, cô chỉ biết nhận và gởi công
văn, giữ con dấu, lo trà nước tiếp khách, lo xăng xe cho ban giám đốc và các
trưởng phòng đi công tác. Nhiều khi, công ty tiếp các đoàn khách đến liên kết
kinh tế, cô phải lo đặt phần ăn, lo chỗ nghỉ, mãi đến chín-mười giờ tối mới về
đến nhà. Lúc đầu anh còn nhẫn nhục chịu đựng, càng về sau anh càng cáu. Một hôm
đón con về, bé Ô Mai bị sốt, nóng ruột quá, anh gắt:
-Chúng
nó kết nạp em vào đảng cho làm trưởng phòng là đúng. Em hầu hạ chúng nó tận tụy
quá mức, em quên cả con mọn.
-Công
việc đòi hỏi như vậy, biết làm sao? - Cô nhỏ nhẹ nói.
-Công
việc, công việc. Hầu hạ chúng nó mà là công việc sao?
Cô
không dám cãi lại chồng, lẳng lặng vào bếp lục cơm. Đêm đó, vốn tính dịu dàng,
cô lựa lời an ủi, xoa dịu chồng.
Cơn
bực tức của Huân còn có một nguyên nhân sâu xa: anh xem thường ban giám đốc
công ty. “Bổ túc văn hóa lớp năm lớp bảy lại đi lãnh đạo hàng chục kỹ sư và thợ
giỏi”. Riêng với ông Hành, phó giám đốc kiêm bí thư, chẳng những anh xem thường
mà còn coi khinh. “Đồ lèm nhèm, độc đoán, mồm loa mép giải”. Đọc một trang sách
tiếng Việt còn đánh vần, vậy mà trong lúc giảng tại lớp cảm tình đảng, lão ba
hoa: “Đời sống của nhân dân ta dưới chế độ phong kiến đế quốc vô cùng cơ cực. Các
đồng chí có biết câu thơ này không… e hèm… Lửa
cơ xé thịt, dao hàn cứa da. Đấy, các đồng chí thấy không?
Tôi nói có sách, mách có chứng, bọn phong kiến đế quốc đã dùng cơ khí để xé thịt
đồng bào ta, dùng hàn xì để cứa da tra tấn nhân dân ta. Đấy, thơ văn cách mạng
của ta đã vạch trần ra như thế đấy.” Không biết lão đi Trung Quốc, đi Mỹ hồi
nào mà dám cả quyết “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”. Lão nói liên mồm,
nào là tàu ngầm Liên Xô lặn sâu tận rún biển, nào là sản phụ Trung Quốc sanh đẻ gặp ca khó chỉ cần
đem quyển “Chủ Nghĩa Mao” đặt lên bụng, ngay chỗ lỗ rún là đẻ liền, đẻ dễ như
gà. Anh bạn Huân nói đùa: “Sao lại ngay lỗ rún, phải dưới rún một gang tay chớ.
Chỗ tàu ngầm Liên Xô đậu và chỗ em bé ra đời đều nằm dưới rún một gang tay kia mà”.
Rồi
trong công ty có cuộc thanh tra và có việc “đấu tranh chống tiêu cực”. Với bản
tính trung thực, cô đã phê phán những việc làm sai trái của ông Hành. Lão bí
thư đảng ủy tức tối lồng lộn, vạch ra vô khối việc tiêu cực của cô: Cô vào đảng
nhờ sắc đẹp và truyền thống gia đình, không hề có năng lực, làm trưởng phòng cô
đã để thất thoát xăng dầu, các khoản tiếp khách đều quá mức thanh toán của tài
vụ, sửa chữa xe tốn nhiều tiền mà chạy không tốt… Sau buổi đấu đá, tối đó cô về
nhà, bỏ cơm, nằm khóc. Huân không an ủi cô, còn nhiếc:
-Em
không đi mà hầu hạ chúng nó, sao lại về đây nằm khóc? Ngày mai còn họp, chúng
nó còn cắn xé nhau nữa đấy.
-Anh
thương thân em với. Lão Hành đổ lên đầu em không biết bao nhiêu tội, toàn những
tội do lão tưởng tượng ra. Không ai dám lên tiếng bảo vệ em, giờ đến anh…
-Em
cần gì ở một thằng quần chúng lưu dung như tôi?
-Ít
ra anh cũng có một lời an ủi em… tình nghĩa vợ chồng…
-Cua
ghẹ cắn xé nhau, việc gì đến tôi.
-Anh
Huân, anh nói gì kỳ vậy?
-Tôi
nói, bổn phận của cua ghẹ là cắn xé nhau.
Huân
nói đến đó rồi bỏ ra khỏi nhà. Khuya hôm đó, lần đầu tiên cô chứng kiến một người
say rượu đến nhão người ra, mềm oặt như xác không hồn, là chồng cô, ngã từ xích
lô xuống bậc thềm.
Cuối
đợt sinh hoạt, ông Nguyện trưởng phòng tổ chức kiêm trưởng ban thanh tra đã kết
luận, xóa lỗi cho ông Hành, cho cô và tất cả mọi người. Anh ta nói: “Tất cả
khuyết điểm của đồng chí Hành, của đồng chí Sáu, của phòng tài vụ, nghiệp vụ là
có thật. Nhưng đó là lỗi tại ngũ vị
hương chớ không phải tại các đồng chí ấy. Ngũ vị hương ở đây là Đế, Bành, Tiêu, Tiểu, Hạn. Giải thích rõ ra
là do hậu quả của Đế quốc, do Bành trướng phá hoại, do các hiện tượng Tiêu cực
chung của xã hội chi phối, do lối làm ăn Tiểu thương và do trình độ Hạn chế”.
Thế là hòa cả làng.
Sau
đợt sinh hoạt, một đêm Huân về khuya, không say nhưng có mùi rượu. Anh hôn chị,
ràn rụa nước mắt, rồi cứ để cho nước mắt rơi dài trên má, anh nói:
-Sáu
ơi, em có biết là anh yêu em đến mức nào không? Anh yêu em, muốn em sống trung
thực, sống cuộc đời của một con người chân chính. Em hiền dịu, thật thà, nhưng
không trở thành người chân chính được khi mà em tự dấn thân làm một bộ phận của
guồng máy dối trá. Anh muốn bảo vệ em là bảo vệ từ căn gốc, không chắp vá theo
hiện tượng. Em như con chim bồ câu trắng giữa bầy quạ đen. Chúng sẽ làm cho em
đen đúa, hư hoại mất thôi. Về phần anh, anh có đòi hỏi em điều gì cho lợi ích
riêng cá nhân anh đâu. Anh chăm con, làm hết việc nhà để em có thì giờ học
thêm, em lại lơ là. Em lơ là việc học nhưng lại quá mức tận tụy trong công việc.
Với trình độ văn hóa thấp kém, ai xúi em vào đảng để làm công cụ cho guồng máy?
-Làm
công tác, phấn đấu vào đảng là lẽ đương nhiên, cần gì ai xúi.
-Đừng
phấn đấu nữa. Ra khỏi đảng. Anh cho đây là giải pháp duy nhất. Ra khỏi đảng,
thôi chức trưởng phòng. Nếu cần, bỏ hết, ẵm con về nội.
Cô
không trả lời, im lặng vuốt tóc anh, lau nước mắt cho anh…
Một
hôm, anh đưa cho chị xem một bài báo có dấu bút bi đỏ ở một số đoạn. Đó là bài
phóng sự về đường sắt đăng trên tuần báo Văn Nghệ. Các đoạn anh gạch đỏ là: “Ngày 2-2-1987 xã Quảng Xương (Quảng Trạch-
Bình Trị Thiên) khởi công xây dựng trường học cho con em trong xã. Khi xây xong
tường nhà thì nảy ra nhu cầu cần 96 đinh bù-long làm 12 vỉ kèo. Lẽ ra phải cử
người đi mua ở cửa hàng vật tư, thì đàng
này người ta lại có ‘sáng kiến’: tháo bu-lông đường sắt. Có quyết nghị của HTX,
thanh thiếu niên trong xã nô nức đi… tháo đường tàu! Chỉ trong ít hôm những kẻ
phá hoại này đã vượt chỉ tiêu. Chúng đã tháo được 48 đinh crăm-pông và 146 đinh
bu-lông trên cung đường sắt từ ga Minh Lệ đến ga Lệ Sơn thuộc địa phận huyện Quảng
Trạch. Hãy thử tưởng tượng đường ray không còn ốc bắt vào tà vẹt sẽ trở thành
cái bẫy nguy hiểm đến thế nào cho những đoàn tàu!”.
Sang trang kế, cũng trong bài
phóng sự đó, anh lại gạch đít mấy đoạn: “Công an đường sắt đã bắt quả tang
Đinh Thị Bé, ba mươi bảy tuổi, đảng viên xã Yên Môn (Yên Phong - Hà Bắc) đi chiếc
xe phượng hoàng nam đèo nồi kẹo kéo, túi bi ở phía sau đến ga Đông Anh dụ dỗ trẻ
em ăn cắp lõi đồng van tam thông đổi kẹo. Lại một chuyện lạ đời khó tin: một
van tam thông giá năm trăm đô-la đổi lấy mười hai viên kẹo kéo hoặc một nắm bi!
Đinh Thị Bé khai y thị đem bán cho lò nấu cũng chỉ được sáu chục đồng một chiếc”.
Đọc xong bài phóng sự chị buột miệng:
-Thật là ngu muội hết chỗ nói!
-Lâu lắm anh mới nghe em nói một
câu đích đáng. Ngu muội! Đúng là ngu muội, phản tiến hóa.
-Phản tiến hóa ư? Anh có đi xa
quá không đấy?
-Không xa lắm đâu! Dù sao trình độ
tiến hóa giữa các bầy đàn và các quần thể người ở trên cùng một hành tinh cũng
không đều nhau. Em đọc quyển Con người
trở thành khổng lồ chắc còn nhớ chương X- Anh ngừng nói, với tay lấy quyển
sách, lật tìm chương X và đọc: “Người Châu Úc chỉ mới quen với những túp lều
bằng cây, trong khi đó các thành phố ở Châu Âu đã nhan nhản những tòa nhà đồ sộ.
Khi những người phụ nữ Châu Úc tìm thấy một cánh đồng khoai tây, không bỏ lỡ một
phút, họ dùng gậy đào bới đất lên để lấy những củ khoai ngon tuyệt ấy. Thú
chưa! Bao nhiêu thức ăn tập trung một chỗ… Súng nổ vang và những người đàn bà
đáng thương ngã gục xuống tay không kịp rời những củ khoai bới được, mà cũng
không hiểu nổi kẻ nào đã bắn họ và vì sao lại như thế”.
Tác giả quyển sách cho đó là do sự
khác nhau của hai thứ luật lệ, anh cho đó là thảm họa khi những cộng đồng ở những
trình độ tiến hóa khác nhau cùng sống trên một mảnh đất. Bài phóng sự về đường
sắt gợi anh nhớ đến đoạn văn này. Tập thể đảng viên xã Quảng Xương và đảng viên
Đinh Thị Bé thì có khác gì những người đàn bà bới khoai ở Châu Úc. Họ coi của cải
các thứ trên mặt đất là của tự nhiên, đảng nhà nước gì cũng là của tự nhiên, vậy
thôi. Than ôi, những người ở thời kỳ tiến hóa thấp lại có quyền quyết định số
phận của bao nhiêu người - anh ngập ngừng - bao nhiêu người văn minh. Ở diện rộng,
họ nắm vận mệnh của cả một dân tộc. Thảm họa! Thảm họa!
Chị không đủ trình độ tranh luận
với anh, nhưng bỗng dưng buột miệng:
-Quan điểm lịch sử của anh lệch lạc
đến mức phản động!
Chị vẫn ở cương vị công tác cũ;
còn anh, thỉnh thoảng lại đi công tác xa về các lâm trường, có đợt đi liền cả
tháng. Những lúc anh đi xa mà cơ quan lại bận họp hay tiếp khách, chị đến nhà
trẻ đón bé Ô Mai về thẳng công ty. Riết rồi, vì công việc lem cả vào buổi tối,
chị nấu ăn và ngủ luôn tại cơ quan. Anh không quan tâm đến việc khi anh đi vắng
chị ngủ tại nhà hay tại công ty vì dẫu anh có ở nhà, chị vẫn “hầu hạ chúng nó”
ngoài giờ hành chánh. Tai họa đến với chị vì ông Nguyện, trưởng phòng tổ chức
kiêm trưởng ban thanh tra, vợ ở miền Bắc, cũng ở lại cơ quan. Một con cừu cái
ngây thơ và không biết tự vệ đang đêm tự dẫn xác đến trú cạnh hang của một con
sói đực. Không bỏ lỡ dịp may, đêm đêm trưởng phòng Nguyện thường kiếm cớ sang
phòng chị, khi thì đun nhờ ấm nước, khi thì mượn cái kéo rề rà kể công đã bảo vệ
chị trong đợt sinh hoạt, ỡm ờ gợi gió gợi mây hòng léng phéng. Một đêm, đã
khuya, ông ta ở trần, tay cầm phích nước xộc vào phòng khi chị sắp tắt đèn đi
ngủ, trên người chỉ mặc cái áo cánh, quần mỏng. Chị chụp vội chiếc gối che bầu
vú căng phồng và mời ông ta ra. Hắn bước giật lùi, đôi mắt thèm thuồng nhìn đôi
vai trần mỡ màng của gái một con. Là tay mồm loa mép giải, lẹ miệng, nhưng lúc ấy
mồm hắn chỉ há ra mặc cho nước dãi tràn qua môi, qua cằm nhễu nhão thành một sợi
nhầy nhợt. Lùi tới cửa bỗng dưng hắn dừng lại, đặt phích nước xuống và lại bước
tới, lừ lừ như một con gấu. Lúc ấy chị đã xoay lưng lại và đang mặc áo nên
không để ý. Chị vừa xỏ được một tay vào áo thì hắn đã xồ đến, vồ lấy, đè ngửa
ra, nước dãi nhểu xuống ngực chị. Con quỷ râu xanh tưởng đã nằm được lên bụng
con cừu cái, nhưng nó đã bị đánh trả quyết liệt. Bằng tất cả sức mạnh của lòng
tự trọng, của danh dự, sức mạnh của một người phụ nữ kiên quyết bảo vệ sự trong
trắng của mình, chị đã tống cho hắn mấy quả đấm vào mặt và đạp cho hắn một đạp
làm hắn bật ra đến cửa, va vào cái phích nước. Sợ hắn lại xông đến, chị với tay
cầm con dao thủ thế. Hắn chụp phích nước lủi vội ra ngoài.
Tất cả những gì diễn ra đêm ấy đều
không qua khỏi đôi mắt soi mói của anh chàng bảo vệ, vốn là tay chân của lão
Hành, được lão ta bố trí để dòm ngó và thêu dệt. Tiếng xầm xì cứ lan dần ra. Những
lúc chỉ có đám đàn ông cùng lứa, tay bảo vệ cứ bô bô: “Ông Nguyện tổ chức vậy
là xơi được bà Sáu rồi. Ngon ơ! Gái một con trông mòn con mắt, mà lại…”
Tiếng xì xầm đến tai Huân. Tay bảo
vệ còn ăn cắp chiếc áo cánh của chị, chiếc áo còn in rõ vết nước dãi của con quỷ
râu xanh mà chị thay ra chưa kịp giặt. Hắn trao chiếc áo cho Huân, chỉ tay vào
những dấu vết bỉ ổi đó rồi dùng ngôn ngữ điệu bộ diễn tả là Huân đã có hai cái
sừng, là Huân đã bị vợ cặm sừng. Huân vò chiếc áo trong tay, mời hắn ra khỏi
nhà.
Anh
không điều tra, không gạn hỏi, chỉ lẳng lặng đi đi về về. Trong quan hệ vợ chồng,
chị càng dịu ngọt với anh, anh càng lạnh lùng. Anh đi lại trong nhà như một chiếc
bóng và xem chị như một cái bóng mờ.
Rồi
một đêm, trong cơn say, anh đập phá tan tành nhà cửa và chửi mắng chị thậm tệ:
-Đồ
lăng loàn! Đồ vượn người, đồ khỉ gió!
-Anh
Huân, anh bình tâm lại. Đúng là lão Nguyện có vào phòng em toan giở trò khỉ,
nhưng em đã bảo vệ được phẩm hạnh của mình. Người ta đồn bậy, em trong sạch, em
vô tội, em không hề phản bội anh.
-Cô
không phản bội, cô chỉ phản phúc, lăng loàn thôi.
Chị
ôm Huân, bị xô ngã chúi nhụi, lại lăn vào ôm lấy chân anh:
-Anh
Huân ơi, có trời cao chứng giám, em vô tội.
-Cô
xéo lên tấm lòng tôi, xéo lên trái tim tôi và cô vẫn vô tội. A ha! Các đảng
viên bao giờ cũng vô tội!
-Anh
Huân ơi…
Chị
đã hụt hơi. Huân vẫn tiếp tục đập phá, la to như thét như gào:
-Chúng
mày cắn xé nhau chưa hả, giờ chúng mày cắn xé quần chúng. Tao biết hết tâm địa
của chúng mày. Chúng mày muốn xé nát gia đình tao, phá nát tổ ấm của tao. Và
cô, một người đàn bà lăng loàn, cô phá từ bên trong phá ra. Cô phá, tôi cũng
phá!
Anh
tiếp tục la hét và đập phá đến khi hàng xóm can không được phải đi mời công an.
Lão
Hành đưa tất cả ra hội đồng kỷ luật. Huân “thứ đồ kỹ sư lưu dung mà không biết
phận” bị hạ tầng công tác, chuyển về lâm trường. Tên Nguyện và Sáu, hai trưởng
phòng không ăn cánh với lão, bị kỷ luật “cảnh cáo thông báo toàn công ty” vì tội
“hủ hóa”. Việc xét đơn xin ly hôn của Huân thuộc thẩm quyền của tòa án.
Ra
tòa, Huân nói, anh vẫn thương yêu vợ, sẵn sàng tha thứ cho cô, nhưng anh không
thể chung sống vợ chồng được nữa. Chị nói, chị trong sạch, yêu anh và luôn chung
thủy, sắt son với tình yêu. Tòa đình để điều tra thêm.
Trong
thời gian chờ ra tòa lần thứ hai, Huân chỉ la cà ở các quán rượu. Anh đã dọn ra
khỏi nhà, đến ở nhờ nhà bạn. Huân uống rượu kinh khủng, uống say và lăn ra ngủ
bất cứ chỗ nào: ngoài hiên quán khi quán đã đóng cửa, dưới gầm sạp hàng, bên gốc
cây… Thấy Huân như vậy, không đành lòng, đêm đêm chị thường đến các quán rượu
khuyên can anh, nhưng anh đuổi chị ra. Không biết làm gì hơn, đợi đến khuya khi
anh ra khỏi quán và say mèm chực đáp vào chỗ bất kỳ nào đó để ngủ, chị lại đến,
gọi xích lô và cố dìu anh lên xe. Nhưng bao giờ anh cũng gạt chị ra và mắng chửi
không thương xót:
-Tránh
ra! Mày xéo tao như vậy chưa đủ sao, hả con đảng viên kia?
Anh
nói, huơ chân và ngã chúi xuống một vũng nước đọng. Quần áo của Huân đã xộc xệch,
bẩn thỉu, giờ ngã xuống vũng nước bẩn, trông càng thảm hại. Bác xích lô cố đỡ
anh dậy, anh cũng đạp bác ra:
-Các
người để cho tôi yên. Trời ơi, trên trái đất này không còn có chỗ nào yên ổn
cho tôi được ngủ một giấc hay sao?
Lần
ra tòa thứ hai, Huân chỉ nói gọn “ly dị”. Sáu bàng hoàng đau đớn không nói được
lời nào. Tòa quyết định cho ly hôn.
Ra
khỏi tòa, Huân thất thểu đi về phía biển. Anh cứ bước đi, không chủ đích, để lại
những dấu chân xiêu vẹo trên bờ cát ẩm. Nếu như trước kia những bước chân trần
của anh chị song đôi trên bãi trông hồn nhiên bao nhiêu, thì giờ đây những bước
chân đơn lẻ của anh trông càng thảm hại
bấy nhiêu.
Từ
tòa về nhà, chị cứ ngồi yên giữa căn hộ trống trơn mặc cho nước mắt chảy qua
má, xuống môi, nhỏ xuống ngực áo. Do đâu mà gia đình chị phải tan nát? Do đâu
mà vợ chồng chị phải chia lìa đau đớn như vầy? Do đâu mà anh phải ra nông nỗi ấy,
mà chị phải đến nông nỗi này?
Do
đâu? Do Đâu?
Chị
không định bồng con về ngoại, nhưng rồi mùa xuân sắp đến, chị không đủ can đảm
sống đơn độc trong căn hộ của hai vợ chồng, nơi đã từng có một gia đình đầm ấm,
nơi chị đã chứng kiến sự vùng vẫy tuyệt vọng của đôi trái tim ngây thơ, chứng
kiến sự đổ vỡ đau đớn của tình yêu, của hạnh phúc lứa đôi.
Trước
ngưỡng cửa mùa xuân, chị muốn về lại làng quê, về lại mái nhà nơi chị đã sinh
ra và lớn lên, muốn về lại vùng cát nóng Tuy An, đắm mình trong mùi hương ngũ
trảo biển ngây ngất ngày nào, để tưởng niệm một mối tình đã qua, mối tình đầu
tiên và cuối cùng của đời chị.
Bé
Ô Mai vẫn mải mê với món đò chơi, rung trống cho “em bé” nghe và tỉ tê trò chuyện
với “bà mẹ”. Chị Sáu bước đến bế con
vào lòng và cầm lấy Con chồng để áp
lên ngực. Chị thầm nói: “Dù sao tôi còn có nhà ngoại để bồng con về, còn bạn,
chắc bạn phải bồng con đi lang thang vô định”. Vừa nghĩ đến đây, chị lại hình
dung ra dáng đi thất thểu, xiêu vẹo của Huân trên bờ cát Nha Trang. Bất giác nước
mắt chị lại rơi lã chã trong ngày đầu xuân.
Một
vài nhà trong xóm vừa cúng cơm đầu năm xong, đang đốt pháo nghênh xuân…
Viết
năm 1987, sửa lại lần đầu 1993, lần cuối 2016
NGUYỄN ÂU HỒNG
No comments:
Post a Comment