Friday, February 2, 2018

THƯ NGỎ. VĂN HỌC PRESS

Trịnh Y Thư 


Quý anh chị thân mến:

Song hành với tạp chí Văn Học vốn hiện diện trong cộng đồng văn chương hải ngoại một thời gian khá dài mà hầu hết chúng ta đều ít nhiều có những đóng góp, còn có một nhà xuất bản (NXB) cũng lấy tên là Văn Học, nhưng ít ai biết đến vì chỉ xuất bản sách của vài ba bằng hữu văn nghệ trong nhóm và đã ngưng hoạt động cả mười mấy năm nay. Mục đích của lá thư ngỏ này là trình bày cùng quý anh chị về việc gầy dựng lại nhà xuất bản ấy, và mong quý anh chị dành chút thì giờ quý báu đóng góp những ý kiến hữu ích để việc làm này được hoàn hảo hơn.
Tại sao lại nói đến chuyện xuất bản sách bây giờ? Tại sao đi ngược với xu thế thời đại xem văn chương là món ăn nhanh, nóng hổi, tức thời, đọc lướt qua trên mạng rồi quên ngay tức khắc để nhường chỗ trong bộ nhớ cho những món ăn nhanh khác?

Internet là phương tiện thông tin và giao cảm tuyệt hảo cho cộng đồng loài người vốn càng ngày càng phức tạp và đa chiều kích, và bởi lí do có tính quy luật đó, văn chương thời Hậu Hiện đại trở thành diễn ngôn của đa số chứ không phải thiểu số ưu đãi nữa. Internet là một lợi ích không ai có thể chối cãi. Thêm nữa, xuất bản, nhất là xuất bản các tác phẩm văn chương, là rất khó khăn trong hoàn cảnh của cộng đồng Việt hải ngoại những năm gần đây vì chẳng những độc giả không nhiều mà bưu phí gửi sách đi xa lại quá cao.

Thời đoạn vừa qua chúng ta chứng kiến sự chuyển đổi hệ hình có tính cách tất yếu trong văn học Việt Nam hải ngoại: gần như toàn bộ nền văn chương được đưa lên mạng. Kì thực, ít ai có chọn lựa nào khác trong hoàn cảnh một cộng đồng lưu vong, rời rạc, thiếu thốn. Mặc dù chưa phải là cái gì tuyệt hảo, bởi vẫn có những nhược điểm không tránh nổi, văn chương mạng giải quyết được nhiều vấn nạn, thí dụ như giúp thơ ca có chốn «nương tựa» vì nếu không thơ không biết bám víu vào đâu để tiếp tục cuộc hành trình vô hạn định của mình. Và quả tình nó cũng bật mở nhiều khía cạnh thú vị khác, như sự ra đời và lớn mạnh của thể loại truyện chớp. Văn chương mạng đáp ứng được yêu cầu năng động của một thế giới đang bay với tốc độ ánh sáng. Nó sẽ ở lại với chúng ta trong thời gian lâu dài sắp tới, nếu không muốn nói là vĩnh viễn, dù anh chị có chấp nhận nó trong ngôi nhà riêng của mình hay không.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ người viết, tôi vẫn không cảm thông trọn vẹn với một nền văn học hoàn toàn dựa vào Internet. Viết trên mạng giống như hành động ném viên sỏi xuống mặt hồ, viên sỏi biến mất tăm mà mặt hồ chỉ gợn lên dăm ba làn sóng nhỏ rồi lại lặng im như cũ. Có lẽ đó là bản chất của Internet. Với một liều lượng thông tin quá tải, cái gì cũng trở nên nhanh, ngắn, gọn. Như một món ăn nhanh, đọc xong quên ngay, thậm chí khi đọc cũng chỉ đọc lướt. Thêm nữa, văn chương mạng thiếu những công trình dài hơi, gần như không có tiểu thuyết, chất lượng bài vở không đều. Nói chung, Internet tốt cho mục đích thông tin hoặc diễn ngôn, tranh luận, nhưng quả tình không mấy tốt cho văn học. Và có lẽ bởi thế mà nước Mỹ, nơi khai sinh ra Internet, vẫn chủ trương duy trì một nền văn học in giấy: các quý san văn học (Paris Review, Tin House, Iowa Review, New England Review, v.v…) vẫn xuất bản đều đặn, tạp chí Poetry vẫn bày bán trong các hiệu sách. Ngành xuất bản tiểu thuyết thuộc văn hoá đại chúng (với các tác giả nổi tiếng như Dan Brown, John Grisham, Danielle Steel, v.v…) vẫn phát triển mạnh. Các ông lớn bà lớn (Hillary Clinton chẳng hạn) muốn lên tiếng, viết sách. Muốn để tiếng thơm cho đời sau, viết sách. Muốn tạo ảnh hưởng chính trị, kinh tế, viết sách. Tối nào trên kênh truyền hình PBS, Charlie Rose và Tavis Smiley (trước khi mất job vì bị tố về tội sách nhiễu tình dục) cũng giới thiệu dăm ba cuốn sách mới. Sự thật là cầm cuốn sách trên tay đọc vẫn là cái thú của hầu hết chúng ta hiện nay khi đọc một tác phẩm tầm vóc.

Tất cả những lí lẽ có tính cách biện chứng trên cộng thêm sự khuyến khích nhiệt tình của rất nhiều bằng hữu văn nghệ và các bậc đàn anh như nhà văn Ngô Thế Vinh trong thời gian qua đã khiến tôi uống thuốc liều quyết định gầy dựng lại NXB VĂN HỌC. Thêm một lí do nữa mà có thể xem là quyết định quan trọng tối hậu cho đề án, đó chính là sự khả thi thành lập một NXB trong thời điểm này. Với phương án ấn loát và phát hành hiện đại theo sát nhịp đập kinh tế thị trường thế giới của tập đoàn kinh doanh Amazon thì việc thực hiện một NXB bỏ túi như thế không còn là cái gì bất khả như cách đây mươi năm.

Nói như thế nhưng tôi không chủ trương quay về thời kì sách báo in giấy cách đây vài ba thập kỉ ở hải ngoại. Muốn cũng không được. Tôi chỉ mong ngành xuất bản được tái phục ở mức độ nào đó để hỗ trợ cho sinh hoạt mạng vẫn thực tế tiếp diễn trong tương lai.

Sau đây là vài điểm đại cương mà tôi xin đề xuất như một mở đầu cho những hoạt động của NXB:

·         Tên gọi chính thức: VĂN HỌC Press.
·         Sử dụng lại logo cũ của tạp chí Văn Học (đã được nữ họa sĩ Ái Lan thiết kế lại).
·         Mô hình thực hiện xuất bản và phát hành: Amazon, PoD (Print-on-Demand). (Chắc quý anh chị ai cũng nắm rõ phương tiện ấn loát và phát hành của Amazon, xin miễn đi vào chi tiết.)
·         Xuất bản và tái bản những tác phẩm thơ, văn, dịch thuật, biên khảo (văn học, lịch sử, chính trị…) giá trị của các tác giả khắp nơi trong cộng đồng người Việt tự do dưới dạng sách in hoặc eBook hoặc cả hai. Hợp đồng xuất bản và phát hành sách giữa NXB và tác giả được soạn thảo dựa trên tính cách công bằng và trong tinh thần tương kính.

Sau một thời gian hoạt động, nếu công việc suôn sẻ theo dự kiến thì bước tiến tới của NXB sẽ có thêm những hoạt động sau:

·         Cộng tác với ban chủ biên các trang mạng văn chương để thực hiện những tuyển tập thơ văn hoặc biên khảo do các chủ biên tuyển chọn từ diễn đàn của mình.
·         Thực hiện những tuyển tập thơ, văn hoặc biên khảo lấy ra từ các số VHNT và Văn Học cũ từ số đầu tiên xuất bản năm 1978 cho đến khi tờ tạp chí đình bản.

Dĩ nhiên trên đây chỉ là những gợi ý trong lúc chờ đợi những góp ý thiết thực hơn và rất mong nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ quý anh chị.

Kính thư,

TRỊNH Y THƯ


1 comment: