Hồ
Đình Nghiêm
Nhà văn Hồ Đình Nghiêm
Hôm
nay ngày đầu năm, thứ hai đầu
tuần mình cũng đi làm như thiên hạ. Ra về tuyết
mỏng, nhẹ rơi, câm nín. Đường
tới métro trơn trợt,
gió đuổi sau lưng, tự dưng buốt
lạnh: Mình đang lần
hồi già yếu đi, có phải? Lực vơi, dầu cạn, ngọn lửa yếu. Đèn dần lu mờ soi chẳng tỏ, ái ngại nhìn ra phận mình chẳng
làm nên công trạng gì suốt tháng năm dài đầu
tắt mặt tối. Sáng đi chiều
về, an tâm vì có việc làm, chỉ rứa
thôi. Không đòi hỏi, vui được ngày mô hay ngày nớ. Và ngày, ôi thôi, trôi rất mau. Hết xuân tới hè, qua thu lại
gặp đông. Bữa
ni lạnh dữ, xứ này chưa tới xuân, mùa màng xa nửa vòng trái đất
kỳ khôi trái khuấy!
Trời lạnh, mình ghé chợ mua cá về kho với thịt ba chỉ, ớt trái cùng
thơm cắt lát mỏng; vô internet họ bày sao thì nghe
vậy, tùy miệng
lưỡi mà gia giảm
muối tiêu đường
nước mắm. Chuyện ăn, mình chẳng
nhiêu khê cầu kỳ, mình thích ăn cá vì tình cờ đọc thấy ở đâu đó câu nói cảm động, chân tình, và mộc mạc: “Cơm với cá như mạ với
con”. Bao giờ
cũng vậy, trước khi ăn, mình ra
trang thờ
thắp cho đấng sinh thành một cây nhang. Chỉ một,
không ba cây vì ngại khói dâng rồi đánh thức
còi báo động đề phòng hỏa
hoạn. Nó thức, nó ré kêu thảng thốt, nghe mệt tai, nghe hồi
hộp, mất sướng! Dĩ nhiên trên miếng
gỗ mình mua từ cửa hàng Ikea về tự đóng lấy
có đặt để khuôn ảnh trắng đen người
mình thờ
phượng hoài tưởng.
Hôm nay mồng Một,
mình nói cho mình nghe, rồi tự nhiên đâm nhớ tứ tung, quàng xiên
về ngày tháng cũ.
Mạ mình thời trẻ ngó đẹp gái, chẳng biết trai làng có anh mô
xao xuyến? Không nghe anh chị mình kể duyên do đâu
thành hình một mối
tình và rồi người
lấy Ba mình làm chồng,
để sau này chăm chỉ đẻ lai rai những mười đứa con. Trong “đội
tuyển” của ông bà, mình khoác
áo số 10 mà lại vào vai hậu
vệ. (Một đội bóng đá, số 10 bao sân trên,
thường là vua phá lưới).
Mình là nâm-bờ ten, cú rặn cuối cùng, để mạ giã từ ngao ngán kiếp bầu bì sinh nở. Đẻ mình, nghe nói mạ không hao tổn sinh lực cho lắm, như thể ra đồng
ẻ một bại, khỏe re. Cục thịt đỏ hỏn đặt lên bàn cân, kim độ lượng
chỉ ngang lằn vạch 4 kí 200 gr. Bệnh viện nhỏ xớn xác, y tá nổi
hứng bồng mình chạy đi khoe tứng
lừng lựng: Ngó nì, ngó thằng cu con mụ tra nì. Ý nói già như rứa rồi mà đẻ thằng qúy tử bồng bắt trẹo tay, chưa kể cái khoảng nhan sắc:
Ngó nì, cái mặt chộ dễ ghét chưa!
Người quê mình có cái dở mà cũng có cái dễ thương. Nói dễ ghét là do sợ vào điều gì đó, nói trại
đi kẻo ai đó quở. Vì thế, tuy là bây-bi mà mình đã lộ ra cái vấn nạn dễ thương rất mực. (Chủ quan cũng có cái
“dễ ghét” của chủ quan. Hihi). Chữ hoa cũng thế, kiêng cử nên đẻ ra chữ huê. Xứ Huê-kỳ. Một
vài bông huê… Tên mạ mình là một loài huê hiếm, tựa như hoa Trang, màu
trắng và thường
nở rộ từng cụm lớn. Mình không muốn
nói tên người ra, quen rồi,
như thuở
học trò luôn dấu
kín tên cha mẹ bởi sợ bọn bạn nhất qủy nhì ma sẽ kêu đích danh
khi đứng ngoài ngõ réo gọi
đi học. Chắc bạn cũng từng gặp vấn nạn như vậy, để người trong nhà nghe được
rồi quở mắng: Học trò học bè chi mà mất dạy rứa bây! Thiệt
ba de… Giống hoa, thân thể mạ luôn sản sinh ra mùi quyến
rũ. Mình đeo bà không sợ chúng bạn cười, lớn đầu rồi mà tối ngủ phải thò tay sờ bụ mạ mới an giấc. Ba mình đánh không
nương tay do bởi cái tật xấu ấy. Đánh và chửi:
Đồ con hư tại mạ! Mình nghĩ, quả nhiên mình có lỗi
với ông, đeo mạ như rứa
thì ba mình không có cơ hội để dụ khị mạ mình làm chuyện tối lửa tắt đèn. Giáo dục có khi phát sinh từ lòng ghen tuông. Mạ thằng Yên cưng thằng
Út quá làm tao chẳng được xơ múi gì! Thôi đi tiá, bộ tiá hổng
sợ tui có thêm đứa em sao tiá? Tiá nơ-pa nhưng má ngán sinh con thì nên để cho bả nghỉ hưu chớ. Bệnh viện kêu là mụ tra thì phải nên hiểu là rơi vào hạng tuổi đó, người thông thường
chả còn tơ vương ham
muốn chuyện mần ăn. Xem ra để cho thằng
út sờ bầu sữa mẹ e dễ chịu hơn là hứng
đỡ cái thân xác nặng nhọc của ba thằng Yên. Yên là tên gọi nựng nịu đứa con đầu của hai người. Mình sinh sau đẻ muộn
nên chả biết mặt ngang mặt dọc của tay “đầu sỏ” kia. Ổng bỏ nhà đi làm cách mạng
từ đời tám hoảnh cơ. Mạ mình quay quắt thương nhớ. Gạt
lệ đôi ba phen để âm thầm tìm cách đi thăm đứa
trai trưởng. Nghe nói mạ mình thu vén việc nhà, cực khổ lặn lội ra tuốt ngoài Vinh, han hỏi
bới xách cho kẻ bỏ nhà ăn bờ ngủ bụi
ấy, chẳng biết phút giây đoàn tụ ngắn
ngủi kia có làm cho bà nguôi ngoai phần nào? Có nghe được
lời hứa hẹn gì không? Mình ghét thảy
những đứa nổi loạn ưa đi làm cách mạng, bởi ít ra, trước mắt, cái đứa ấy vô tình hành hạ xác thân mạ mình quá lắm. Anh bất hiếu cũng chừng
mực nào đó thôi, sao không lo ở cạnh
người để phụng dưỡng mà dâng hết
tuổi xanh cho một
bọn người cuồng tín với những học thuyết xa lạ? Từ đó về sau nhà mình đoạn
tuyệt hẳn với đứa con “rơi” kia. Tựa như anh bị thẻ đỏ, truất
quyền thi đấu, kéo áo che mặt hổ ngươi buộc phải rời khỏi sân cỏ. Đội tuyển thưa người
dần nhưng điều
đó chẳng khiến ba mạ mình đỡ chật vật một mảy may. Trong sổ gia đình ghi, ba
mình: công chức, mạ: nội trợ và một dọc con cái bên dưới
toàn là học sinh. Ngần
ấy miệng ăn nương nhờ vô hai chữ công chức, mà công chức
hạng trung một
đời trong sạch.
Đói cho sạch rách cho thơm. Giấy rách phải
giữ lấy lề. Đại loại thế, là thứ phương ngữ mà ba mình ưa nói. Thanh bần,
đạm bạc, hơi bị nghèo là hoàn cảnh sống của gia đình mình thời
ấy. Mình nhỏ nhít, lại
ham chơi nên chẳng lưu giữ những đắng cay thuở nọ, chơi không sợ mưa rơi. Hết thả diều thì đá banh, cầm sào hái trộm
trái cây vườn kẻ khác, cầm
que có bôi keo để bắt ve, moi lỗ đổ nước để bắt dế, suốt ngày chạy
rông ngoài đường để chiều về mạ quở: Úi chào, cái đầu
hôi cứt trâu, mồ hôi mồ kê rít chìn chịt như hủ mật, có ra giếng tắm lia tắm lịa không thì nói. Ăn ở kiểu mất vệ sinh như ri đây
đố họa tối ni tao cho nằm chung.
Dĩ
nhiên là mình trần như nhộng sau đó, đứng
bên giếng cho mạ mình xối từng gàu nước
ngộp thở. Mạ kì cọ, mạ giứt đất, mạ bôi xà phòng 72 phần
dầu. Răng con cu hắn
sưng ri? Con không biết, chắc bị kiến cắn mạ nờ. Con đừng ngẳng nghịch đái trước am miếu mà bị thánh thần khiển trách. Với mình, mạ có cả vạn
điều răn, mạ chuyên cần nói tới điều hay lẽ phải. Và mình thuở nọ giống
cái gàu bị
thủng, hứng chẳng đầy những lời vàng ngọc kia. Dạ dạ cho có lệ rồi sáng mai lòng vẫn hồn nhiên theo chúng bạn bổn cũ soạn lại. Rứa đó, nhỏ nhít mà, làm sao tránh đi trên con đường
“thơ mộng” ấy? Nhưng tình ngay
thì mình không hề là đứa phá làng phá xóm,
mình ngon cơm hơn mấy đứa khác. Chúng hả? Đi ăn cắp
hương hoa quả
phật trên bàn thờ người
ta bày cúng ngoài trời, đi rình mấy o mấy chị tắm sông tắm giếng, chúng hoang dàng trời
và chúng “sáng mắt”. Mi còn con nít
ranh, tụi nó nhận
xét về mình như rứa đó. Mi nỏ biết
rình bụi môn mà dòm Nguyệt
Nga đi ẻ
chùng ẻ vụng. Ui chào, cơ thể đàn bà con gái hắn lạ lùng lắm thê, nói không ngạ. Chỗ ni thì lồi ra, chỗ nớ thì có tóc, nơi nọ thì… nơi kia thì… Chúng sa đà tả tình tả cảnh mặc dù đứa nào đứa nấy đều bị ăn hột vịt môn luận văn. Ai đời
cô ra đầu đề: “Em hãy tả người
mà em yêu thương nhất trong nhà” thì có đứa viết như ri: Trời ơi, ngó xuống
mà coi, một lòng hy sinh không chịu ngủ để canh chừng ăn trộm, một dạ trung thành
không phản bội,
đeo cứng bên chưn cẳng
lại còn vẫy đuôi lè lưỡi liếm. Em thương con Vện nhà em không bút mực
mô noái hết.
Tuy
không đứng đầu
môn luận văn nhưng bài tập
của mình cũng được
cô đọc cho cả lớp nghe. Cô nói, đây
là một trong năm bài mà cô ưng ý, bởi
khi nói về
mẹ mình các em này
đã biểu lộ cái thành thực dù vụng về. Công sinh thành dưỡng
dục thì ngay cả cô cũng không đủ sức để viết hết ra giấy và cô thấy chúng ta chỉ cần
lòng thành là đủ. Lòng thành cũng khiến
người ta cảm động. Bài luận
ấy mình viết
khá dài, mình nói về một đêm mưa và mình ấm áp vô hạn
khi có mạ
mình ngủ
sát bên lưng, chẳng có gì an toàn hơn
khi mình ý thức đó là nơi nương tựa có một không hai; mình nói
khi yêu thương mình chẳng đề ra một điều kiện nào cả, sai đi mua thuốc
Cẩm lệ ngoài phố là mình cầm tiền chạy u đi ngay. Và mình
kết luận, có lẽ suốt cả cuộc đời, điều mình ao ước là mạ mình mãi khỏe mạnh, mãi an vui để sống
lâu, nhìn nhận ra thằng
con út của bà đã trưởng
thành qua bao gian khó.
Mạ mình gặp bạo bệnh, anh chị mình đem người vào Sài-gòn để điều
trị nhưng các bác sĩ
trong bệnh viện
nổi tiếng ấy bó tay. Bà hấp
hối, tay chân lạnh
ngắt, khi mang bà về lại
Đà-nẵng mạ mình mới thật sự ra đi. Anh chị mình giải thích: Mạ dùng tàn hơi để mong nhìn thấy em lần cuối. Xin cho mình được
cải lương ở đây, bao nhiêu lạc
thú và mộng tưởng
về cuộc đời của mình đều sụp đổ ở phút giây oan nghiệt
ấy. Mình sẽ phải
gắng gượng bước đi trên con đường
hoàn toàn chẳng có ánh mặt
trời. Mình ngồi
bên quan tài câm lặng trong ba đêm, mình
cắt giấy thành hình hoa sen
và dán thành quả vụng về kia quanh áo
quan sơn đỏ.
Mình nói với người
nằm xa hơn một
đâu lưng: Con đang là kẻ mù, con tuyệt đối không nhìn ra một
lối đi khi ngày mai người
ta chôn mạ
xuống ba tấc đất.
Mình
từng nói ở đâu đó, trong một
cuộc phỏng vấn đã lâu, rằng
mình luôn quý chuộng các vị phụ nữ, nghiệm lại, có thể do bởi trong tâm mình luôn tỏa
sáng hình ảnh mạ mình. Hồi
xưa bà là người ưa thích đọc sách truyện,
điều ấy vô tình bà cấy vào người
mình lòng yêu văn chương. Mình viết
văn và tiếc thay mạ mình chẳng
thể đọc được những thứ nhăng cuội này. Mạ ơi, ngoại trừ bài luận thuở đầu đời, con chưa hề một lần ngợi ca tấm lòng mạ dành cho con.
Con đúng là đứa tệ hại, hệt như khi người ta chê bai ai, họ có sẵn
câu: Đồ nâm-bơ-ten!
Mình
muôn đời là số 10, chẳng thể le lói 1, 2. Xin
được ngụy biện lần cuối: Viết về một người Mẹ, mình biết dùng những
từ gì để chuyên chở cho vừa đủ? Người xưa dặn dò: “Nghĩa mẹ như nước
trong nguồn chảy
ra”. Họ ví von, đó là
chuối, như mật, tợ đường miá lau… Liệu
chúng ta có nguôi ngoai với thứ hình ảnh nghèo nàn kia không? Hơn một
lần họ đã bất lực, và mình cũng đã bất
hiếu. “Mẹ ơi xin đánh con đau, để con hiểu
thấu vết thương dại khờ”.
Mồng một, mồng hai, mồng
ba. Mấy ngày tết lưu lạc mình chỉ ăn cơm với
cá. Không mức món, không bánh chưng bánh tét, chẳng “cầu dừa đủ xoài”. Không pháo nổ (đã đành) chẳng lì-xì (chuyện
tất yếu). Không rượu nồng (đau gan, ăn tục nói phét). Không nhìn thấy
“chỗ ni lồi ra, chỗ nớ có tóc”. Trời lạnh căm, mình co ro ngồi
gõ chữ và chữ thì quá đỗi thanh bần.
Các bạn thân mến, ngày đầu xuân, hãy vị tình nếu
mình nói điều không vui. Xin cho mình sống lại chút hương vị ngày cũ, dẫu mỗi một hồi tưởng là mỗi một đớn đau. “Tết nhất làm chi, ai bày?”
Mình ra bếp, chuẩn
bị ăn “cơm với cá như mạ với
con”. Rứa thôi. Đòi chi hơn?!
HỒ
ĐÌNH NGHIEM
No comments:
Post a Comment