Hồ Đình Nghiêm
Quân bài tới
Ba ngày Tết cổ
tích, mình ưa bu theo Mạ đi chơi bài tới, bài chòi. Quyến rũ hơn ngồi xích lô
níu tay Mạ nghe hô: Đạp xe ra ngã giữa để bói tuồng hát bội ở rạp Đồng Xuân
Lâu. Mình chẳng thích mấy ôn mụ bôi mặt kẽ mày xiêm y rối rắm, đầu năm nhỡ gặp
một nhân vật diện mạo đen như lọ nồi vừa bước ra khỏi cánh gà thì coi như cả
năm coi bộ không ra chi, chẳng có ánh sáng cuối đường hầm. Giải trí mà lòng
canh cánh nỗi hồi hộp, tim đập như đánh trống chầu chi bằng ở nhà run tay châm
lửa vào dãy pháo hồng chờ nghe râm ran tiếng nổ dòn còn đã hơn.
Mình nhớ không lầm
bộ bài tới gồm ba mươi (30) lá, hay con. Mỗi con mang một tên gọi lạ lùng đi
cùng mộc bản khắc hoạ đầy ấn tượng, in lem nhem. Vừa thủ công, vừa dân gian, vừa
đơn sơ, vừa nhỏ nhắn. Những thứ “vừa” ấy lại bao trùm được chất nghệ thuật đầy
tính sáng tạo, con bài đẹp một cách sững sờ. Chưa kể là được leo vào ngồi trong
cái chòi ấm cúng, nghe người nào đó xướng tên. Rõ là thi phú rất có ích cho buổi
đó. Ngẩn ngơ, sướng cái lỗ tai:
Mình vàng bận áo mã tiên
Ngày ba bốn vợ tối nằm riêng một
mình (đó là con Gà).
Trên tay ai nắm
giữ con gà thì vất ra. Thưa dần, lỏng lẻo cho đến con cuối thì… tới. Cờ bạc môn
tứ sắc kêu bằng: Hết rác!
Năng cường, năng nhược
Năng khuất, năng sanh
Nó thiệt cục gân
Ngồi gần con gái
Trân trân chẳng xìu (là con Nọc Đượng).
Đi đâu ôm tráp đi hoài
Cử nhân không thấy tú tài cũng
không (là con Học Trò).
Ngang đây thì
nghe giọng Mạ rót bên tai: Bữa mô lớn con đừng có ôm tráp đi hoài, nghe chưa?
Bến Than trồng khoai lang to củ
Đất Thừa Phủ trồng thù đủ tốt cây
Mấy lâu nay ơn tượng nghĩa dày
Anh dang tay mở dây lưng rút
Mà em cứ hẹn chày hẹn mai (là con Bạch Tuyết).
Ủa, té ra nàng Bạch
Tuyết cũng khó tính dữ hè, trong bộ bài tới không thấy mặt bảy chú lùn. Mà in
tuồng cũng khiếm diện thi nhân. Trò chơi này coi bộ tao nhã quá, mỗi con bài được
nghệ nhân khắc hoạ bằng nét vẽ tối giản đã đành, lại gia công ngâm nga ca kệ
khi xuất quân, lời mộc mạc nhưng chứa lắm hình ảnh đáng yêu. Không biết họ có
nhờ vả chi tới Ưng Bình Thúc Giạ?
Mời chị mời anh chén bánh canh Nam
Phổ
Xơi vô khoẻ cổ có chút bợ có mùi
hương
Lại thêm mát mẻ can trường
Sâm Cao Ly cũng sút rượu Quỳnh
Tương không bì.
Tuy bình tài, chẳng
ăn chẳng thua nhưng cũng đến lúc Mạ rút. Chừ mình ra cửa Đông Ba kéo ghế, lâu
hung rồi hai mạ con mình chưa thưởng thức lại món bánh khoái. Ui chào, sinh ra
ta là cha mẹ ta, mà người hiểu ta cũng chính là mẹ hiền vậy!
Bánh khoái Đông Ba bún bò Gia Hội
Cơm Hến bên Cồn quen lối tìm nhau.
Mạ à, tại vì
răng người mình hở một chút là vần điệu là thơ thẩn kiểu nớ? Hết cái để thắc mắc
rồi hay răng? Tú tài không, cử nhân không, thì tha hồ mà tức cảnh sinh tình. Đừng
nói chi xa xôi, mạ cũng thuộc lắm bài hò ru em với ca dao đầy mình.
Mạ già mạ nỏ có chi
Thương con thì lại bù chì cho con.
Lớn tuổi thì rứa
chớ còn son trẻ thì ri:
Trái bòn bon trong tròn ngoài méo
Trái thầu đâu trong héo ngoài tươi
Em thương anh ít nói ít cười
Ôm duyên ngồi đợi chín mười con
trăng.
Mình quen nghe
chữ “cá đớp mồi”, rứa mà ở Huế có khi coi người như cá. Hai mạ con đớp bánh
khoái no bụng mới thủng thẳng về nhà. Tết nhất mà, cho mạ mình bớt lu bu đôi ba
hôm xa ông Táo thôi bắt tay bà hoả, cứ bạ mô ăn nấy, cơm hàng cháo chợ và cờ bạc
mà không bác thằng bần. Chơi cho vui rứa thôi, có thể dùng món giải trí ấy để
thử xem vận đầu năm, rộn ràng hơn đốt trầm hương mà giở truyện Kiều ra bói. Vì
dịp tết nên ai cũng thảnh thơi, không gò bó lệ thuộc vào giờ giấc. Có đi đò lên
chùa xa hái lộc cũng vô chừng vô đỗi, thế mới sinh ra phân bua:
Đò răng đò lại khôn đưa?
Bởi eng đi sớm về trưa khôn chừng.
Đi bộ, dùng xe
xích lô, sang sông bằng đò. Phương tiện thay đổi theo tháng ngày, càng lúc càng
xa rời tuổi thơ. Lớn hơn, cao ngồng gần bằng Mạ lại cùng nhau đi tàu lửa, leo
xe đò rù rì vượt đèo xuôi Nam. Đi như cách làm nháp trong khi chờ đủ lông đủ
cánh. Con chim rồi sẽ tự bay, lẻ loi. Bay xa cho đến lúc Mạ phương cũ đã qua đời.
Thôi còn nhớ ca dao, quên hò ru em để bần thần với Bùi Giáng:
Đường vui con bước hao mòn
Trăng thân mẫu rộng bóng tròn xuống
vai.
Tết. Người ta
thường ngó lui ngày cũ, hoài niệm đó có kẻ gọi là ôn cố tri tân. Họ luôn vay mượn
hình ảnh hoa mai, rượu nồng, pháo nổ hoặc vọng tưởng về bóng dáng một người
tình xưa. Riêng mình chỉ nhớ Mạ, nhớ hình tượng đầy trắc ẩn ám trên những con
bài tới. Mình thử ngồi xóc xáo lại bộ bài “kỷ niệm” đó, xem bạn có còn nhớ ra mặt
dọc mặt ngang.
Trò. Ngủ trưa. Gối. Hương. Liễu
Thầy. Mỏ. Dọn. Đấu. Ông Ầm
Trường Hai. Xe. Bồng. Bạch Tuyết
Nọc Đượng. Gióng. Giày. Trường Ba
Rún. Thái Tử. Quăng. Sáu Hột
Voi. Gà. Nghèo. Sưa. Tám Giây.
Còn thiếu ba con
nhưng xếp chung không thành thơ (hậu hiện đại?).
Bài thơ vụng dại
y như lòng mình chẳng được trẻ lại.
Nhớ ngày xưa biết
bao điều để lải nhải.
Đành bắt chước cổ
nhân: Thư bất tận ngôn.
Mồng Chín Tết Mậu
Tuất, tuyết rơi đầy.
Hình lấy từ
internet và có vay mượn chút tư liệu của anh Trần Ngọc Bảo.
HỒ ĐÌNH NGHIÊM
No comments:
Post a Comment