Phan
Tấn Hải
Nhà
văn Ngô Thế Vinh đã viết cuốn tiểu thuyết Vòng
Đai Xanh bằng tấm lòng ưu tư với dân tộc. Trên các trang giấy, chúng ta đọc
được nỗi lo của ông bên cạnh những âm vang cồng chiêng của các sắc dân Thượng,
xen lẫn gần xa là tiếng súng giao chiến giữa AK-47 và M-16.
Nơi
đó, hiện lên trong các dòng chữ cũng là nỗi lo của giới trí thức Sài Gòn (điển
hình với nhân vật chính là họa sĩ tên Triết, xưng tôi) khi nhìn thấy 60 trại
lính Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ (LLĐB Hoa Kỳ) trên vùng biên giới cao nguyên Việt
Nam có thể tương lai sẽ trở thành một cõi quốc gia tân lập của người Thượng, một
đất nước mới manh nha cho các sắc dân thiểu số vùng cao có tên gợi ý là Đông
Sơn và viễn ảnh một cuộc chiến mới sẽ bùng nổ giữa dân tộc Kinh và các sắc tộc
Thượng – nơi đó, ngòi nổ sẽ bị kích hỏa, hoặc là do chính người Mỹ hay do chính
Cộng Sản Bắc Việt gây ra, hay do cả hai cùng bật lên.
Trong
tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, độc giả có thể thấy phần hư cấu gắn liền với sự thực
lịch sử. Nghĩa là, có thể đọc như một cuốn sách biên khảo về Cuộc Nội Chiến Quốc-Cộng
trên vùng cao nguyên, nơi đó phía Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được lính LLĐB Hoa Kỳ
hỗ trợ, và nhiều khi phía Mỹ nắm phần chủ lực khi trực tiếp huấn luyện dân quân
người Thượng.
Chúng
ta cũng có thể đoán rằng nhà sư Pháp Viên có lẽ là Thầy Thích Trí Quang
(?), và tương tự, có thể đoán nhà sư
Giác Nghiệp ở Phương Bối Am là một vị nổi tiếng khác. Một nhân vật gay cấn như
điện ảnh còn là vị Mục sư truyền giáo (cũng là bác sĩ) Denman, người bị phía
CSVN nghi ngờ là bàn tay CIA kích động tư tưởng người Thượng ly khai để lập quốc.
Trong truyện, có lẽ tác giả Ngô Thế Vinh hiện ra như một tổng hợp của nhân vật
xưng tôi (tức họa sĩ Triết, cũng là phóng viên điều tra về cuộc chiến ở cao
nguyên VN) và một nhà báo tài tử sinh viên Đại Học Y Khoa và rồi trở thành Y Sĩ
Trưởng một đơn vị LLĐB. Ông Giáo sư Hoàng Thái Trung trong truyện hẳn là một vị
giáo sư tên Trung – cũng nên ghi nhận rằng thời cuối thập niên 1960s, có 2 vị
giáo sư tên Trung dạy ở một số đại học Sài Gòn, đều yêu nước nồng nhiệt nhưng lại
cũng thiên tả mỗi người một kiểu riêng… Có thể GS Hoàng Thái Trung là ám chỉ một
vị, hay tổng hợp từ hai giáo sư đó, hay chỉ hư cấu thêm từ một vị. Nghĩa là, đối với độc giả từng sống dưới chế
độ VNCH trong thời 1960s, 1970s, không khí chính trị của Vòng Đai Xanh hiện lên
rất quen thuộc. Lãng đãng, mơ hồ, như thật, như hư cấu…
Có
hai cách để độc giả tiếp cận cuốn Vòng Đai Xanh. Hoặc đọc từ trang đầu tới
trang cuối. Hoặc đọc các bài giới thiệu phía sau trước, rồi mới đọc truyện sau.
Đối với nhiều độc giả, có lẽ nên đọc phần sau trước, để thấy bối cảnh truyện
này ra đời, dư luận và ảnh hưởng.
Một
điểm cực kỳ quan trọng trong truyện là hiện tượng rất nhiều người Thượng căm
thù người Kinh. Người Tù Trưởng Rhadé qua lời kể của Mục sư Denman hiện ra như
sau:
“Sáng
nay tôi tới thăm một buôn Rhadé cách đây chừng tám cây số, tình cờ tôi phải chứng
kiến một cuộc mua bán giằng co giữa một người Mỹ và viên tù trưởng. Viên Đại úy
LLĐB thì nài nỉ mua cho được ít thớt voi để vận tải tiếp tế cho mấy trại tân lập
trong rừng rú, thương lượng giá cả mãi cũng chẳng được, tức mình viên Đại úy phải
hằn học hét lên: - Sao ông không chịu giúp chúng tôi diệt hết bọn cộng sản, thì
đằng nào tụi nó cũng là người Việt mà ông thì muốn giết bọn họ có phải vậy
không? ... Và kết quả thật kỳ lạ không ngờ, các anh có biết sao không, chỉ với
một giá rẻ mạt, viên Đại úy có ngay số thớt voi cần thiết.” (Vòng Đai Xanh,
trang 25)
Tại
sao người Thượng không ưa người Kinh, dù là người Kinh VNCH hay người Kinh
CSVN?
Mục
sư bác sĩ Denman giải thích:
“Theo tôi trên thực tế vẫn
có mối cừu hận thường xuyên giữa đám dân miền núi và số người Việt ở đồng bằng,
tất cả bắt nguồn từ một mặc cảm kỳ thị và khinh bỉ; mối tương quan Kinh Thượng
hết sức suy đốn do bởi những đối xử tệ hại của đám người Kinh với một thiểu số
mà họ khinh miệt quen gọi là Mọi. Thực sự cũng có những người Thượng học thức,
họ vẫn chẳng được tham dự chánh phủ, họ không được hưởng thêm một quyền lợi gì
khi làm một công dân Việt Nam. Đôi lúc họ lại bị ném lên xe như những con vật,
chở về thành phố để đón rước một số ông lớn tới thăm họ. Mỗi lần như vậy là họ
phải giết trâu ăn thề làm lễ rửa chân đeo vòng để tỏ sự trung thành và tình
thân hữu đối với quan khách. Sau đó họ lại bị ném trả vào rừng núi, tiếp tục cuộc
sống đói khát thiếu thốn…
…Theo lịch sử truyền kỳ thì
cả miền Trung và cao nguyên xưa kia là của người Thượng với kinh đô ở gần bờ biển
phía đông, có lẽ là tỉnh Nha Trang hiện giờ. Những người già cả còn sống sót
cũng kể lại rằng quê hương ông cha họ trước kia cũng ở phía mặt trời mọc, cho đến
vị vua cuối cùng của họ vì say mê cưới một nàng công chúa người Việt ở phương Bắc,
và chính nàng công chúa này đã âm mưu hãm hại nhà vua. Kể từ đấy họ hoàn toàn
bơ vơ không ai hướng dẫn và bị người Kinh tàn ác xua đuổi họ vào mãi tận rừng
sâu sống khổ cực cho đến ngày nay.” (trang 25, 26)
Nơi
phần Phụ Lục, trong bài “Từ Vòng Đai Xanh 1970 tới Người Thượng Đôi Bờ 2017,”
nhà văn Ngô Thế Vinh giải thích cội nguồn căm thù đó:
“Quy chế Hoàng Triều Cương Thổ riêng biệt
dành cho người Thượng có từ thời vua Bảo Đại, đã bị ông Diệm hủy bỏ (từ tháng
3/1955). Có nghĩa là không còn chính sách đãi ngộ và tôn trọng quyền lợi đặc biệt
của những người thiểu số. Với chính sách Dinh điền, hàng chục ngàn người dân
công giáo di cư từ miền Bắc đã được đưa lên Cao nguyên định cư, xâm phạm cả những
vùng đất đai màu mỡ đã từng là sở hữu của người Thượng qua nhiều thế hệ. Cộng
thêm với vô số những lỗi lầm khác của chánh quyền thời bấy giờ, như ra lệnh
đóng các tòa án phong tục Thượng, ngăn cấm các thổ ngữ và hạn chế số người Thượng
có khả năng và có học tham gia vào các cơ cấu hành chánh. Thái độ bất mãn và
không hợp tác của người Thượng và cả chống đối nữa là điều rất dễ hiểu.”(trang
220-221)
Tuy
nhiên, trong truyện cho thấy, người Thượng phân biệt minh bạch người Kinh VNCH
và người Kinh CSVN… và người Cộng sản được người Thượng so sánh như cọp dữ.
Trong
truyện, tác giả kể rằng:
"...có hơn sáu trăm đồng bào Thượng ở Dakto bị
Việt cộng cưỡng bách đi dân công và sắp bị lùa qua bên kia biên giới chậm nhất
là trong vòng ba ngày..." (trang 58)
Và
một người Thượng trốn được, băng rừng tới xin quân lực VNCH tới cứu, trích:
"Khi được hỏi về cảm tình của dân chúng đối với
cộng sản, gã bảo:
-Nói đến Việt cộng là chúng
tôi hết hồn vía, dân làng vẫn thường gọi chúng là chim Dụng tức là con dơi, còn
nói về tàn bạo thì chúng tôi sợ họ như cọp dữ. Họ bắt đồng bào chúng tôi đi dân
công tải đạn, chúng lại còn thâu thuế cướp bóc gạo và gia súc của dân làng. Nếu
chúng tôi có ý định bỏ đi thì họ dọa bắn giết cả làng, không ai có thể đi xa khỏi
vùng quá mấy cây số." (trang 58)
Nghĩa
là, dưới mắt đa số dân Thượng, chính phủ VNCH vẫn có chính nghĩa hơn xa so với quân CSVN.
Giữa
khói lửa ngút trời như thế, hình ảnh Nguyện hiện ra trong truyện rất mực dịu
dàng, rất mực lãng mạn. Nhân vật nữ trong truyện viết thời cuối thập niên (Ngô
Thế Vinh viết xong là 1969) lại có lối sống rất mực tha thiết nữ quyền.
Nhân
vật tôi (họa sĩ Triết) yêu thương cô Nguyện, một nữ tùy viên văn hóa tại Bộ Ngoại
Giao VNCH, và từng nghĩ là sẽ cưới cô.
Trong
khi đó, Nguyện quý trọng tài năng họa sĩ Triết:
"...Riêng bức Mèo Đen
Trên Thảm Hồng do một người đàn bà tên Như Nguyện hỏi mua..."(trang 21)
Nguyện
rất mực lãng mạn, dưới ngòi bút Ngô Thế Vinh:
"...Tôi nghĩ tới Nguyện, dòng sông Hương và
khung cảnh sống của những ngày sắp tới. Người đàn bà trụy lạc nhưng không thể đồng
hóa với người khác; giữa nàng và đời sống vẫn có một bức tường ngăn cách. Tôi
cô đơn khi xa nàng nhưng đồng thời sự gần gũi cuồng nhiệt của dục vọng chính là
những phút run rẩy hấp hối của hạnh phúc. Sự cô đơn thật khủng khiếp khi thân
thể bị lạm dụng cho mục đích khám phá cảm giác. Tôi hoàn toàn mất Nguyện ở những
giây phút giẫy giụa đó."(trang 35-36)
Có
lúc chàng nhớ Nguyện rất mực thiết tha, và nghĩ tới rời bỏ cao nguyên để cùng
nàng về xứ Huế:
"...tôi chợt nghĩ và
nhớ tới Nguyện tha thiết. Phải chi Davis là nàng, tôi sẽ vui sướng để nhận lời
mời của mấy vị chủ làng buổi tối. Nguyện cũng sẽ tập uống rượu cần, tôi sẽ chỉ
dẫn cho nàng cách nhận một ống triêng bằng tay phải, bởi vì tôi nhớ Nguyện có
thói quen dùng bàn tay trái mà người Thượng thì lại không mấy quý bàn tay trái,
xử dụng nó được coi như dấu hiệu khiêu khích và khinh bỉ. Cái không biết và vô
tình của nàng có thể làm suy giảm mối giao hảo thân hữu giữa chủ và khách.
Nhưng tôi hiểu rằng Nguyện không thể nào chọn quê hương là nơi đây và để có được
tình yêu tôi và Nguyện, một trong hai người phải hy sinh cái thế giới mộng tưởng
của mình. Và dẫu sao, tôi cũng đã có một quyết định dứt khoát bỏ nghề báo và ra
Huế."(trang
47-48)
Trong
khi Nguyện có sức lôi cuốn chàng như một loài chim lạ, nàng vẫn gặp rất nhiều
tai tiếng:
"....Tôi cũng gặp Như Nguyện, người đàn bà mua
tranh tôi trong vai trò tùy viên văn hóa của sứ quán và tôi cũng không thể nghĩ
rằng sẽ có những ràng buộc định mệnh giữa tôi và nàng sau này. Thực sự cho đến
bây giờ tôi không biết gì hơn về người đàn bà ngoài cái hiện tại của một cuộc sống
phóng thả và rất nhiều tai tiếng. Nguyện đối với tôi có một sức hấp dẫn kỳ lạ của
một loài chim bay rất cao để có một tiếng hót hay. Có lần từ Tokyo, Nguyện viết
thư cho tôi, thư khá dài không đề cập tới một chuyện gì rõ rệt nhưng chứng tỏ
tâm hồn nàng đang có những dao động. Nguyện bảo, nàng như một con chim nhỏ đi
trốn tuyết và rất cô đơn. Phải chi Nguyện được anh giam hãm như anh đã từng
giam hãm con mèo đen trên cái ấm áp của một thảm hồng." (trang 53)
Đó
là một mối tình đẹp, hiện ra cực kỳ thơ mộng trong một không khí chiến tranh
gay gắt ở cao nguyên... Tất cả hiển lộ qua bút pháp tiểu thuyết của Ngô Thế
Vinh với hơi văn trầm tĩnh, từ tốn, thoảng
hương rượu cần miền núi và ngây ngất hương tình Vỹ Dạ.
Phần Kết Từ do Thế Uyên viết năm 1970, giải
thích về hoàn cảnh truyện Vòng Đai Xanh ra đời, gợi ý về các Trung đoàn nông
tác VNCH xây dựng mô hình Kibbutzim kiểu người Do Thái có thể giúp người Thượng
sống đời định cư và chống Cộng. Nơi đó, tuổi trẻ Kinh Thượng một nhà sẽ gìn giữ
núi rừng cao nguyên, đẩy lùi làn sóng Phương Bắc.
Trong
phần Phụ Lục, bài “Bách Khoa Đàm Thoại Với
Ngô Thế Vinh: Từ Vòng Đai Xanh đến Mặt Trận ở Sài Gòn” sẽ giúp độc giả hiểu
về tình hình, vì sao Ngô Thế Vinh với Vòng Đai Xanh được giải thưởng bộ môn Văn
trong Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc 1971 trước Tết, thì sau Tết lại nhận
trát tòa gọi ra tòa về bài “Mặt Trận ở
Sài Gòn”…
Trong
Phụ Lục còn có thư của học giả Hoàng Xuân
Hãn nêu về vấn đề Kinh-Thượng…
Nhưng
nói đầy đủ chi tiết, nói lên nan đề nhức nhối Kinh-Thượng là nhà văn Nhật Tiến
qua bài viết năm 2002 “Mở Lại Cuốn Vòng
Đai Xanh của Nhà Văn Ngô Thế Vinh” (trang 245-253) mô tả số phận đau thương
của người Thượng và nhu cầu giải quyết tận gốc cho xong vết thương của dân tộc
để chung sức ngăn cản Trung Quốc ở cả Biển Đông và phía Đông.
Nguyễn
Quốc Trụ có bài viết “Đỉnh Cồn, Vòng Đai
Xanh, Ngô Thế Vinh, Và Tôi” (trang 255-258) kể kỷ niệm thời viết Ngô Thế
Vinh trong ký túc xá sinh viên.
Phần
Phụ Lục cũng có trích một số điểm sách đối với ấn bản tiếng Anh (The Green
Belt, NXB Ivy House, 2004)) của Vòng Đai Xanh từ GS Trần Ngọc Ninh, sử gia Gerald C. Hickey,
nhà nghiên cứu sắc tộc học Oscar Salemink, nhà hoạt động nhân quyền José
Quiroga, GS Nguyễn Văn Tuấn, các nhà văn Phan Nhật Nam, Nguyễn Thuyết Phong,
Nguyễn Quỳnh, Mặc Đỗ, Nguyễn Sao Mai, Ánh Nguyệt, Hoàng Mai Đạt.
Tiểu
sử tác giả sơ lược như sau.
Ngô
Thế Vinh tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn 1968. Trong ban biên tập, nguyên tổng
thư ký rồi chủ bút báo sinh viên Tình Thương truờng Y khoa Sài Gòn từ 1963 tới
khi báo đình bản 1967. Nguyên y sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Tu nghiệp ngành Y
khoa Phục hồi tại Letterman General Hospital San Francisco. Trở về Việt Nam,
làm việc tại trường Quân Y.
Sau
1975, tù ba năm qua các trại cải tạo Suối Máu, Trảng Lớn, Phước Long, Bù Gia Mập…
Ra trại, về Sài Gòn, một thời gian sau trở lại làm việc tại Trung Tâm Phục Hồi
Bà Huyện Thanh Quan và trường Vật Lý Trị Liệu Sài Gòn.
Tới
Mỹ tám năm sau 1983, mất thêm 5 năm để trở lại ngành y: thời gian đầu làm
volunteer tại các bệnh viện, rồi clinical fellow Đại học USC trước khi trở lại
làm bác sĩ nội trú rồi thường trú các bệnh Đại học SUNY Downstate Brooklyn New
York. Tốt nghiệp ngành Nội khoa American Board of Internal Medicine và về làm
việc tại một bệnh viện miền nam California.
Tác
phẩm Vòng Đai Xanh ấn bản Việt ngữ trải
qua nhiều lần in: NXB Thái Độ năm 1970, NXB Văn Nghệ 1987, và bây giờ do Văn Học
Press ấn hành năm 2018.
NXB
Văn Học Press do nhà thơ Trịnh Y Thư thực hiện, với giải thích:
“--
Mô hình thực hiện xuất bản và phát hành:
Amazon…
-- Xuất bản và tái bản những
tác phẩm thơ, văn, dịch thuật, biên khảo (văn học, lịch sử, chính trị…) giá trị
của các tác giả khắp nơi trong cộng đồng người Việt tự do dưới dạng sách in hoặc
eBook hoặc cả hai....
-- Cộng tác với ban chủ
biên các trang mạng văn chương để thực hiện những tuyển tập thơ văn hoặc biên
khảo do các chủ biên tuyển chọn từ diễn đàn của mình.
-- Thực hiện những tuyển tập
thơ, văn hoặc biên khảo lấy ra từ các số VHNT và Văn Học cũ từ số đầu tiên xuất
bản năm 1978 cho đến khi tờ tạp chí đình bản."
Các quan tâm về tác phẩm, có thể liên lạc ở: trinhythu2000@yahoo.comPTH
No comments:
Post a Comment