Sunday, August 28, 2016

ĐƯA CON VÀO TRƯỜNG


Như Sao

Mẹ và con gái. Tranh của bé

Bé tới trường

Trái tim của người mẹ vốn ở trong lớp học của đứa con bé nhỏ. Không biết ai đã nói câu ấy nhưng người viết thấy đúng với người mẹ trẻ tên là Hạnh bây giờ. Thật vậy bữa sáng đưa con vào lớp xong về nhà mà lòng cứ thấp thỏm không biết giờ này bé Khánh Chi đang làm gì thằng em đang làm gì, có khóc không. Ôi tấm lòng người mẹ trẻ thật là quý biết bao.
NS

     Tôi có thể nhìn thấy cảnh tượng đang diễn ra giống như trong một kịch bản vậy.
     “Cưng ơi, năm phút nữa là chúng ta sẽ phải đi rồi.” Tôi gọi cho đứa con gái năm tuổi của mình -nó mải chờn vờn theo ngọn sóng Thái Bình Dương trong suốt một giờ qua. Tôi có cả triệu việc phải làm ngày hôm ấy, và tôi quyết định đem con về khi thấy con bé đeo theo mấy đứa bạn lớn hơn nó chơi đùa trên sóng biển. Mấy đứa đó lớn hơn và khỏe hơn, sóng không xô chúng ngã dễ dàng như với con bé của tôi. Với lòng tự tin ngây thơ, con nhỏ cứ đeo theo mấy đứa bạn mỗi lúc càng ra xa về phía những ngọn sóng dâng trào. Con bé nhà tôi là một đứa bơi thành thạo trong hồ tắm nhưng đây là nơi biển sâu hoàn toàn khác.
      Có thể con bé không nghe tiếng tôi gọi mà cũng có thể nó nghe nhưng lờ đi. Có thể lắm. Vì là một chuyến xuống biển bất ngờ nên tôi không mang theo đồ tắm. Một cách miễn cưỡng tôi lao xuống biển với bộ đồ ngắn. Mặc dù đang tháng tám, tôi phải hít thở một hơi mạnh khi nước tràn ngang hông.
    “Nè, hết giờ rồi đó, chúng ta phải đi thôi!” Con bé quay lại, nhìn tôi tỏ ý hiểu nhưng vẫn hướng về phía đợt sóng xa. Tôi khỏa nước rồi nắm lấy cánh tay bé. Chiếc quần shorts của tôi đã thấm ướt. Không biết có ai nhìn thấy cảnh này không!  
    “Không!” Con bé la lên. “Con không muốn về.” (Tại sao trẻ con không bao giờ muốn ra khỏi làn nước nhỉ?) Bé vùng vẫy cố thoát khỏi tay tôi. Ngay lúc này tôi hình dung thấy cái tựa lớn trên các báo. “Trẻ chết đuối khi bị mẹ giận dữ rượt đuổi trên sóng biển!”
     Sợ hãi và tức cành hông, tôi nắm chặt cánh tay bé lôi ra khỏi nước. Bé không muốn theo tôi. Cố vùng vẫy khỏi tay tôi vừa la hét. Lên tới bờ rồi bé vẫn vùng vẫy, chân đạp miệng gào muốn trở lại làn nước. Bây giờ người chung quanh bắt đầu nhìn tò mò. Tôi mặc kệ, cố lôi b é đi càng xa để bé không thể nhào xuống nước lại. Bé vẫn la hét vùng vẫy như con thú bị sập bẫy, tay thì cào cấu. Cát vung vãi dính vào làn da ẩm ướt của chúng tôi.
    Tới giờ tôi vẫn còn run rẩy, không thể tin được điều đã xảy ra. Là người xưa nay vốn tin tưởng mạnh mẽ vào hình thức kỷ luật mà không dùng tới hình phạt thể xác, giờ đây tôi phải đét mạnh vào mông bé khiến bé ngạc nhiên ngừng la thét. Thân hình dính đầy cát, miệng bé há hốc, không nói nên lời.
    “Thôi ta đi,” tôi nói qua hàm răng nghiến chặt kéo bé đi xa bờ biển. Bé nhảy theo bên cạnh tôi, vẻ tức tưởi. Tôi nghĩ là bé muốn nói với tôi điều gì đó. Lời của bé chen lẫn tiếng nức nở trong khi chân bé nhấc lên khỏi cát. Giờ này cát nóng bỏng. Tôi vẫn mang theo quần cho bé. “Má xin lỗi bé. Con mặc cái này vào.” Tôi tròng quần qua đôi chân run rẩy của bé, rồi nhanh chân đi ra đường về phía xe hơi đậu rồi lên xe về nhà.
    
    Chuyện xảy ra đã nhiều tuần lễ. Bây giờ là Tháng Chín và tôi trở lại bờ biển một mình. Cát bây giờ mát êm. Tôi đi dọc theo bờ nước. Mặt trời vẫn chưa lên. Tôi vừa đi dọc bờ biển nước mắt trào dâng. Tôi thấy lại hình ảnh cháu bé sáng sớm hôm ấy đi vào lớp học mẫu giáo ngày đầu tiên tựu trường. Cái túi đeo lưng mới tinh trên vai bé. Những hình chó con màu vàng và những con mèo con màu nâu biểu trưng cho những năm êm ả của bé.
    Tôi đã lái xe thẳng ra biển sau khi chở bé tới trường. Có một cái gì đó trên lớp trào dâng bất tận của sóng biển khiến ta tin tưởng trở lại. Tôi hy vọng sóng biển sẽ làm nhẹ đi những lo ấu của tôi.
   “Má ơi, con yêu má!” Qua cửa sổ bé gọi với theo khi tôi đi ra xe. “Má sẽ đến đón con sau buổi học.” Tôi gọi lại và thổi tới bé một cái hôn nhưng bé đã rời khung cửa sổ.
    Tôi mơ tới ngày này đã nhiều năm –đúng ra là năm năm. Tôi mơ tới ngày này ngay sau khi tôi mang bé từ nhà thương về. Tôi cố gắng ôm ấp bé, ru bé và hát cho bé nghe. Rồi tôi cho bé cái bình sữa, cái núm vú, con gấu nhỏ… bất kể thứ gì để bé ngừng khóc.
    Tôi mơ tới ngày này từ khi bé mới một tuổi đang tập đi suốt ngày chập chững đi quanh nhà. Tôi lo lắng sợ bé té ngã bị thương tích nên cứ đi theo hai vòng tay dang rộng như con gấu khổng lồ. Có một lần bé đâm sầm vào góc cánh cửa, đầu chảy máu nhưng bé bình tĩnh và can đảm hơn tôi chịu để cho khâu lại vết thương.
    Khi bé lên hai, tôi muốn nghỉ ngơi một thời gian không phải trông coi bé suốt ngày. Lâu nay tôi ít khi xa bé dù là một đêm. Nhưng giờ đây tôi chu du gần nửa vòng trái đất tới Áo quốc, gởi bé lại nhà bố mẹ. Tới khi nghe tiếng bé trên điện thoại viễn liên, tôi run rẩy giọng vỡ ra đến nỗi không trả lời được.
    Và mùa hè vừa rồi hai mẹ con lúc nào cũng quấn quýt bên nhau. Khi không khí nóng bức dâng lên, tôi trở nên phờ phạc nhưng bé thì càng linh hoạt. Bé đòi hỏi đủ thứ -nào đi ra hồ bơi, ăn kem, chơi đùa… Ngày từng ngày tôi nghe “Má, chúng ta đi công viên nhé, đi ra biển, đi sở thú, đi…”
    Nhưng giờ sao lại khóc? Tôi dừng lại, ngồi xuống tảng đá xô xảm nhô ra bên bờ biển trong một ngày rực rỡ tuyệt vời, cảm thấy rời rã. Tôi ngắm nhìn lũ hải âu bay lượn, chúng khiến trí óc tôi nhẹ nhàng đôi chút.
    Vui lên chứ, tôi trầm ngâm suy nghĩ. Không còn những lời ra rả bên tai suốt mười hai tiếng một ngày. Bây giờ tôi có thể suy nghĩ tự do. Tôi có thể trở lại trường học lại hay tiến hành công việc kinh doanh như vẫn nghĩ đến. Tôi có thể đi ăn trưa ở nhà hàng với bạn bè khỏi cần mang theo bút chì màu và giấy vẽ. Tôi có thể đi mua sắm một mình không có con gái cưng đứng lẫn với dãy quần áo… Tôi có thể ngồi trên xe, chọn một cái CD theo ý thích mà không phải là Raffi or Barney và hát đến vỡ phổi mà khỏi phải nghe “Thôi hát đi Má ơi, Ngừng hát đi!”
     Quả là tôi không quên được bé luôn bên mình. Tôi đã quen có bé bên cạnh suốt năm năm nay. “Đừng buồn má, chúng ta còn có cả buổi chiều bên nhau,” bé an ủi tôi khi sáng nay ngồi ăn sáng bên nhau.
     Với ý tưởng đó trong đầu, tôi thu dọn đồ đạc chung quanh chỗ ngồi rồi đứng dậy ra xe. Tới giờ đi đón đứa con bé bỏng của tôi về sau buổi học đầu tiên ở Kindergarten. Tôi mong tới lúc mẹ con qua buổi chiều bên nhau.
(theo Susan Union – Chicken Soup For The Soul)
Như Sao  

No comments:

Post a Comment