Nguyễn
Thị Khánh Minh
tặng
Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc
Lại đến mùa Vu Lan. Những đóa hồng
đỏ hạnh phúc bung nở vành môi vẽ một vòng sum vầy thỏ thẻ Mẹ Ơi. Những đóa hồng
trắng ngân đọng nước mắt lung linh đôi bờ xa vắng âm vang tiếng gọi Mẹ Ơi.
Trong niềm, vừa hân hoan vừa cảm động, tôi nhớ đến bài thơ về Mẹ mà khi đọc nhịp
tim tôi như bị nghẹn,
Con
cài bông hoa trắng
Dành
cho mẹ đóa hồng
Mẹ
nhớ gài lên ngực
Ngoại
chờ bên kia sông
(Bông Hồng Cho Mẹ, Đỗ Hồng Ngọc)
Thử xem. Đọc. Nghe. Rồi hít vào một
hơi thở sâu, im vắng, thì mình như nghe được tiếng nước mắt đang vỡ ra… Vỡ bung
như ngọn sóng xanh lấp lánh biển pha lê. Vỡ tung như ngọn pháo hoa rơi vô vàn sợi
ánh sáng trong đêm. Những cái vỡ, không tan mà thăng hoa, phải chăng đó là tận
cùng của Đẹp? Như hạt nước mắt này, nó bung bung. Ánh lên bóng của Ngoại đang đứng
bên kia sông, bên kia là bên của miên viễn không còn sinh tử? Và Mẹ, Mẹ đang từ
cõi chết đi vào cõi sống ấy để lọt vào vòng ôm ấm áp của Ngoại. Mẹ đi từ nụ hồng
đỏ nở duyên trùng phùng Ngoại. Ý thơ mầu nhiệm làm sao.
Tôi thấy không nói nên lời được để
tả cho chính xác cảm giác của mình về sự mênh mang “ý tại ngôn ngoại” trong sâu
thẳm bài thơ này. Về cái rất không nghĩa của Mất Còn. Đến với tôi là ý niệm con
đường sinh tử đang xóa đi dưới cảm xúc của đứa con, -là Đỗ Hồng Ngọc đây-, người
chiêm nghiệm sống chết thật là như không, đóa hồng trắng người đang đeo là một
thực tại, đóa hồng đỏ đang rưng rưng trên áo Mẹ kia, là áo nghĩa của thực. Tất
cả đều ở thì đang, không còn hôm qua ngày mai phút tàn giây tới. Sinh mệnh
không khởi đi và chấm hết bằng hai đầu tiếng khóc nữa. Là Đây. Là Đang. Một thực
tại sống động xóa hết biên giới không gian và thời gian. Hình dung Mẹ, trong
hơi thở hắt ra bỗng trong suốt nhẹ nhàng đứng lên, trong ngày hội tưng bừng của
Tình Mẫu Tử, cúi nhìn bàn tay đứa con run run cài lên ngực áo mình một đóa hồng
đỏ, và Mẹ phất phới đi trong nôn nao cho kịp giờ hẹn với Ngoại. Ôi ta mất mẹ và
ôi Mẹ vừa có Ngoại. Vô biên lâng lâng nỗi Còn Mất… Huyễn ảo vô cùng khiến những
giây tơ vi tế nhất trong cảm xúc ta bị đánh động.
Ngoại Chờ Bên Kia Sông, tôi viết
hoa vì mỗi mỗi chữ của câu thơ này là khởi đề dẫn đến chiêm nghiệm ảo hóa về
sinh tử. Và toàn bài thơ là tấm tình trong vắt ban sơ của người con, rất nhỏ,
mà cũng đã rất già. Bởi rất nhỏ thì mới yêu thương Mẹ được hồn nhiên như thế.
Và phải chăng, rất già mới có thể biến yêu thương ngây thơ thành một tình yêu
vượt qua được đau đớn của chia lìa sinh tử, như thế.
Cảm ơn Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, cho
tôi biết thêm một nhịp đập thương yêu nữa của Hiếu Tử, cho tôi từ bây giờ đã có
thể chấp nhận một cách nhẹ nhàng khi nghĩ đến một lúc nào đó phải xa Mẹ. Không
phải là một cái xa hẳn rồi, mất hẳn rồi như tôi vẫn thường nghĩ nữa. Trong hạt
nước mắt rơi lại thấp thoáng nụ cười, nhìn Mẹ của ta lại cài hoa hồng đỏ về bên
Ngoại. Ôi! Cái không nói của Ngoại Chờ Bên Kia Sông đã lấp đầy cảm xúc và ý
nghĩ của tôi đến thế!
Và lúc này đây, còn được thấy mẹ
ra vào thì hãy thỏ thẻ bên vai mẹ rằng,
…
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng… (thơ Đỗ Trung Quân)
Trong hoan hỷ địa mẫu tử, tôi đọc
thầm cho riêng mình, gửi đến các con tôi,
…
tận cùng hạt lệ mẹ
là
nước mắt con rơi
tận
cùng tiếng cười mẹ
là
nụ cười con vừa mở
và
con ơi
tận
cùng hư vô mẹ
sẽ
một ánh nhìn theo con. trở lại
(thơ NTKM)
Thưa có phải cũng có chút gặp gỡ
giữa “sẽ một ánh nhìn theo con. trở lại” và “Ngoại Chờ Bên Kia Sông”?
NTKM
Santa
Ana, Mùa Vu Lan
Tháng 8. 2016
Giữa mùa Vu Lan này, xin hãy nghe lại tiếng hát Diệu Hiền với bài nhạc của Võ Tá Hân.Đa tạ Diệu Hạnh Giao Trinh đã dựng nên clip nhạc này để chia sẻ cùng bè bạn anh em.
ĐHN
(Đỗ Nghê)
https://www.youtube.com/watch?v=SmVyandB8ms
No comments:
Post a Comment