Wednesday, August 3, 2016

DƯƠNG NGHIỄM MẬU. LÊNH ĐÊNH QUA CỬA THẦN PHÙ*


nguyễn & bạn hữu

Dương Nghiễm Mậu. Photo by Ngô Thế Vinh

Bốn tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu
Phương Nam ấn hành 2007

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu, một trong các tác giả nổi tiếng nhất miền Nam Việt Nam, vừa qua đời lúc 8 giờ 35 phút tối Thứ Ba, 2 Tháng Tám, tại Sài Gòn, hưởng thọ 81 tuổi, nhà báo Phí Ích Bành, em ruột của nhà văn xác nhận với nhật báo Người Việt.
Ôi, ngồi đọc lại tiểu sử và các tác phẩm của Nghiễm mà lòng bồi hồi thương xót. Biết đến bao giờ, hay chẳng bao giờ nữa, gặp Dương Nghiễm Mậu và Đinh Cường. Các bạn đi bỏ lại một khoảng trời quạnh vắng.

Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1936 tại làng Mậu Hòa, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
Năm 12 tuổi, ông ra sống và học ở Hà Nội đến bậc trung học. Sau đó, ông bắt đầu viết đoản văn, tùy bút cho phụ trương văn nghệ học sinh của các báo chuyên nghiệp.
Năm 1954, ông vào Nam. Từ 1957, ông bắt viết nhiều đoản văn, truyện ngắn, truyện dài. Năm 1962, ông chủ trương tạp chí Văn nghệ với Lý Hoàng Phong (anh ruột của Quách Thoại), đồng thời viết cho các báo Sáng tạo, Thế kỷ, Tia sáng, Văn, Văn học, Bách khoa, Giao điểm, Chính văn, Sóng thần, Giữ thơm quê mẹ... Ngoài ra, ông còn chủ trương nhà xuất bản Văn Xã.
Tập truyện ngắn đầu tay Cũng Đành, Văn Nghệ xuất bản năm 1963. Truyện dài Gia tài Người Mẹ, giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1966. Nhập ngũ 1966 với cấp bậc hạ sĩ đồng hoá, làm phóng viên chiến trường đến tháng 4/1975. Sau 1975 bị bắt, ra tù 1977, sống bằng nghề sơn mài tại Sài Gòn.
Năm 2007, công ty văn hóa Phương Nam phát hành 4 đầu sách của Dương Nghiễm Mậu. 4 tập truyện ngắn hay của ông: 'Đôi mắt trên trời', 'Cũng đành', 'Tiếng sáo người em út' và 'Nhan sắc'. Sau mấy chục năm, độc giả vẫn cứ ngỡ rằng ông đã gác bút. Nhưng không ông vẫn âm thầm làm việc, vẫn âm thầm viết, sau Lênh Đênh Qua Cửa Thần Phù, ông viết Từ Hải Ngoại Truyện và theo Ngô Thế Vinh ông đang viết những dòng cuối cùng thiên truyện Tự Truyện Nguyễn Du
Sau đây, xin đăng lại một bài viết của Trần Hoài Thư, Đi Tìm ‘Địa Ngục Có Thật’, để ghi lại cảm tình và sự quý trọng của bạn văn đối với Dương Nghiệm Mậu. Thư Quán Bản Thảo của Trần Hoài Thư năm 2013 cũng đã ra một số đặc biệt về Dương Nghiễm Mậu.
NGUYỄN & BẠN HỮU

TRẦN HOÀI THƯ
ĐI TÌM ‘ĐỊA NGỤC CÓ THẬT’

Từ một nỗi tha thiết ao ước của người bạn văn cùng thời, khi ngỏ ý được thấy Thư Quán Bản Thảo sưu tập lại truyện ngắn Kinh Kha, con chủy thủ và đất Tần bất trắc cũng như tập bút ký Địa Ngục Có Thật của Dương Nghiễm Mậu, tôi lại lên đường. Lần này thay vì Cornell, hướng Tây Bắc, nay là Yale hướng Đông Bắc. Qua Google, tôi được biết cả hai thư viện này đều lưu trữ Địa Ngục Có Thật. Nhưng kỳ này tôi chọn Yale vì Yale cách nhà tôi chỉ khoảng 3 giờ đồng hồ lái xe. Trong khi Cornell phải mất 5 tiếng.

Lên đường kỳ này dù lòng hăm hở nhưng tấm thân không hăm hở chút nào. Tôi đã bước vào tuổi 70, chứ không còn trẻ để có thể nhấn bàn đạp gia tốc. Tuổi tôi bây giờ là: Đi về biết chở gì theo/ Chở theo vạt nắng trên đèo vào xe. Chứ không phải no nê cùng trời mây sông núi. Thị lực mắt kém rõ. Thêm Gout hết hành chân trái qua chân phải, hết bàn chân lên đầu gối. Bởi cái tính vẫn còn khoái khẩu của mình, đau thì kiêng cữ, hết đau thì xả láng bất cần.

Thời tiết đầu tháng 12, hôm nay có vẻ lý tưởng. Khoảng 60 độ F, một nhiệt độ rất hiếm hoi trong tháng cuối năm dương lịch này. Chiếc xe theo xa lộ, phóng hai ngọn đèn giữa trùng trùng điệp điệp đôi mắt sáng lóa xuôi ngược trên một tuyến đường được tiếng là bận rộn nhất của tiểu bang. May mắn lần này, Gout chỉ hành chân trái, lúc này nó được yên nghỉ trong khi cái chân phải thì miệt mài nhấn hoặc giảm bàn đạp gia tốc hay thắng phanh.
Sau ba tiếng đồng hồ, chỉ dừng một trạm nghỉ, gọi cốc cà phê, rồi đi ngay. Trời đã sáng. Xa lộ 95 quen thuộc dạo nào, lần lượt lùi dần, để nhường lại cho con đường College. Nó sẽ dẫn vào khu đại học Yale, với những tòa nhà được xây theo kiểu kiến trúc La Hy. Sau khi đóng tiền làm thẻ thư viện, ($35) chỉ hiệu lực cho một tuần lễ, tôi nhấn nút cho thang máy lên tận lầu 4. Cả tầng lầu tối om, tôi mò mẫm bật contact điện. Lần mò đến kệ để sách. Nhưng tìm hoài tìm mãi không ra Địa Ngục Có Thật. Làm sao diễn tả được nỗi buồn của tôi trong lúc này. Có những điều không thể ngờ, nhưng chúng vẫn xảy ra. Tôi xuống quầy phụ trách ở lobby hỏi. Và được biết sách hiện ở tại một thành phố khác. Có người mượn và giao ở một
thư viện khác. Chưa hoàn trả về thư viện chánh.

Thôi thì đành trở về. Uổng công, uổng sức, phí tiền, phí bạc vô ích. Có lẽ tôi sẽ bỏ cuộc. Sẽ không làm ấn bản đặc biệt như dự định nữa. Tôi chẳng có nợ với ai hết. Ngay cả đối với văn chương miền Nam. Ngay cả đối với nhà văn Dương Nghiễm Mậu mà tôi ngưỡng mộ về văn tài cũng như khí phách của ông.
Vậy mà tôi buồn đến rưng rưng. Khi trở về, xe bị kẹt vì một đoạn đường dài bị sửa. Xe nối đuôi xe bò nhích cả mấy dặm.
Hai ngày sau, tôi nhận được email của thư viện Yale cho hay là Địa Ngục Có Thật đã đến thư viện. Email còn cho biết chỉ ưu tiên dành cho tôi 10 ngày. Sau ngày đó, họ không bảo đảm có sách nếu tôi muốn mượn. Như vậy, dù muốn dù không, lại thêm một lần nữa lên đường. Lại hai ngọn đèn lẫn vào muôn vàn ánh đèn chiếu sáng, tôi cố mở căng đôi mắt. Lại chiếc xe tôi lạc vào giòng thác cuồn cuộn của xe cộ trên xa lộ Garden State Parkway, và 95. Lại một biển âm động cuồng nộ với những ánh đèn pha chói sáng khi chiếc xe tôi chạy chậm.
Lẽ phải và ánh sáng. Địa ngục có thật. Cuốn bút ký có một không hai viết về Tết Mậu Thân ở Huế. Chẳng lẽ để nó ngủ quên im lìm trong một kệ ngăn nào đó của Yale hay sao?
Tôi đến Yale để mở lại ánh điện trong một tầng thư viện tối om, mò mẫm tìm lại cuốn sách mình mong đợi, hay ngồi bệt trên nền, mở từng cuốn tạp chí Văn, Văn Học, Sáng Tạo, Bách Khoa, Văn Nghệ… Tội nghiệp, những trang giấy của một thời ta muốn yêu ai thì cứ bảo là yêu, ghét ai ta cứ bảo là ghét… Không phải chỉ đọc, mà mang xuống lầu, để chụp lại từng trang bài mình cần giữ. Rồi mang về nhà, đánh máy, layout… Có khi thiếu một trang, ngủ không yên, lại lái xe làm thêm một chuyến…
Đó là cách tôi trả ơn đối với một nhà văn mà tôi ngưỡng phục. Về lẽ phải và sự thật mà ông đã để lại cho văn chương miền Nam. Và về cách thế sống của ông sau 1975: khi ông quyết định tự chọn cho mình chiếc thập tự giá.
Trần Hoài Thư
(Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 55)

*Tên một truyện của Dương Nghiễm Mậu

No comments:

Post a Comment